Tác giả: Tạ Hoàng Tấn
Hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành siêu cường toàn cầu đích thực duy nhất. Điều này có nghĩa là sức ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với thế giới chúng ta là vô cùng to lớn. Bất kỳ một nghiên cứu nào có tính chất dự báo về Trật tự Thế giới trong tương lai mà không xét đến vai trò của Hoa Kỳ đối với thế giới chúng ta thì đều không cập nhật với thực tiễn. Vì thế, đại chiến lược của Hoa Kỳ — với tính cách là chiến lược cao nhất của quốc gia này — là vấn đề mà chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm nghiên cứu, vì cách hành xử của Hoa Kỳ đối với các quốc gia khác trên thế giới sẽ chịu sự chi phối của chiến lược cao nhất này. Bài viết này sẽ tập trung vào việc tìm kiếm, xác định đại chiến lược của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ và cố gắng giải đáp các vấn đề liên quan đến quốc gia này.
1. Khái niệm “đại chiến lược”
Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, các quốc gia phải thường xuyên tiến hành các hoạt động đối nội và đối ngoại. Và, để cho các hoạt động của mình không có sự mâu thuẫn với nhau thì các quốc gia cần phải kiến tạo cho mình một hệ thống quan điểm có tính chỉ đạo cho hành động của bản thân, các hành động của quốc gia vì thế sẽ trở nên nhất quán với nhau hơn.
Chúng ta biết rằng hành động của một quốc gia chịu sự tác động của hai nhân tố cơ bản: Các nguồn lực mà nó sở hữu và các loại nguy cơ mà nó phải đối mặt. Chính vì thế, khi đã xác định được các nguồn lực và các loại nguy cơ của mình, để có được an ninh và thịnh vượng, các quốc gia cần phải xác định được đâu là giới hạn cho hành động của mình và đâu là lợi ích cốt lõi mà mình cần phải đoạt được. Trên cơ sở những lợi ích cốt lõi và những giới hạn đã được xác định, các quốc gia sẽ xác lập một hệ thống quan điểm có tính định hướng cho các chính sách đối nội và đối ngoại của mình nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho bản thân. Hệ thống quan điểm có tính định hướng ấy chính là đại chiến lược của quốc gia đó.
Đại chiến lược (grand strategy) là chiến lược ở cấp độ cao nhất của một quốc gia. Đại chiến lược chỉ ra đâu là lợi ích cao nhất của quốc gia và đâu là mục tiêu mà quốc gia cần phải đạt được. Nó là nền tảng định hướng cho các chiến lược, chính sách cụ thể trên các phương diện chính trị, kinh tế, quân sự… của quốc gia đó.
Nhưng điều nghịch lý là, mặc dù đại chiến lược có vai trò đối với quốc gia to lớn như thế, nhưng nó thường không được các chính phủ tuyên bố rõ ràng — thậm chí ngay cả một số quan chức chính phủ và tướng lĩnh quân đội cũng không ý thức được sự tồn tại của chiến lược cao nhất này (đại chiến lược tồn tại như là một thực tế hiển nhiên đến nỗi mọi người không ý thức được sự tồn tại của nó); đại chiến lược chỉ thấp thoáng ẩn hiện trong cách thức phản ứng của chính phủ trước những vấn đề trọng đại của quốc gia, những vấn đề có liên quan đến lợi ích cốt lõi mà quốc gia muốn hướng đến; thế nên chúng ta chỉ có thể thông qua các hành động, chính sách và chiến lược cụ thể của quốc gia để tiếp cận đại chiến lược.
Vì thế, trong tác phẩm The Next 100 Years: A Forecast for The 21st Century (Một trăm năm tiếp theo: Một dự báo cho thế kỷ 21), George Friedman — một chuyên gia Địa chính trị nổi tiếng của Hoa Kỳ — đã tuyên bố rằng: “Đại chiến lược bắt đầu tại nơi quá trình hoạch định chính sách kết thúc”.[1] Điều này hàm ý rằng, những gì mà các chiến lược và chính sách cụ thể thật sự muốn hướng đến sẽ tiệm cận với đại chiến lược — chiến lược ở cấp độ cao nhất định hình nên diện mạo của các chiến lược và chính sách cụ thể.
2. Đại chiến lược của nước Anh sau cuộc Chiến tranh Napoleon: Một ví dụ điển hình về đại chiến lược
2.1. Bối cảnh cho sự ra đời của đại chiến lược
Để thấy được ảnh hưởng to lớn của đại chiến lược đối với các hành động, chiến lược và chính sách cụ thể của một quốc gia, chúng ta có thể khảo sát một trường hợp cụ thể điển hình trong lịch sử thế giới là trường hợp của nước Anh sau cuộc chiến tranh Napoleon và trước khi Anh ký hiệp ước Anh — Nhật với Nhật Bản vào năm 1902.
Trong Cuộc chiến tranh Napoleon, nước Anh là nhà tài trợ chính cho các nước đồng minh thuộc châu Âu lục địa để cùng nhau chống lại kẻ thù chung là nước Pháp của Napoleon. Sau khi Napoleon thất bại, vì hoàn cảnh quốc tế đã thay đổi nên Anh đã thực hiện đại chiến lược biệt lập mà sau này thường được biết đến với tên gọi Splendid Isolation (Cô lập vinh quang) — tên gọi do chính trị gia người Canada Goerge Eulas Foster đặt cho vào năm 1896, nghĩa là tên gọi này không xuất phát từ Chính phủ Anh.
Đại chiến lược này, theo như lời giải thích của Bộ trưởng Ngoại giao Anh Lord Derby vào năm 1866, là: “Nhiệm vụ của Chính phủ nước này, được đặt ra liên quan đến vị trí địa lý, giữ cho mình có thiện chí với tất cả các quốc gia xung quanh, nhưng không vướng vào bất kỳ liên minh đơn độc hay độc quyền nào với bất kỳ ai trong số họ; trên hết là nỗ lực không can thiệp một cách không cần thiết và phiền phức vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào khác”.[2] Tinh thần của đại chiến lược này, theo như lời giải thích của vị Bộ trưởng Ngoại giao Anh, là nước Anh không tham gia vào các liên minh quốc tế và tránh can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Vì sao sau khi cuộc chiến tranh Napoleon kết thúc, lúc đó, nước Anh đang có quan hệ đồng minh hữu hảo với nhiều quốc gia ở châu Âu lục địa mà nó lại có một sự điều chỉnh chiến lược đột ngột đến thế?
Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử lúc ấy, chúng ta có thể đưa rạ những lý do để giải thích cho hành động của nước Anh như sau:
— Thứ nhất, như lời vị Bộ trưởng Ngoại giao Anh đã nói, là vì yếu tố địa lý. Nước Anh vốn là một quần đảo nằm giữa Đại Tây Dương. Chính vị trí địa lý ưu việt như vậy đã bảo đảm cho nước Anh là bất khả xâm phạm trước các cuộc xâm lăng từ các quốc gia thuộc châu Âu lục địa và các kẻ thù khác. Điều này đã làm cho nước Anh cảm thấy không cần thiết phải thiết lập các liên minh quân sự quá tốn kém.
— Thứ hai, khi cuộc chiến tranh Napoleon kết thúc, nước Pháp — kẻ thù số một của nước Anh ở vào thời điểm ấy — đã bị đánh bại. Vì thế, mối đe dọa lớn nhất từ châu Âu lục địa đối với nước Anh đã không còn nữa nên việc duy trì các mối liên minh hiện có với các quốc gia được hình thành trong cuộc chiến chống lại kẻ thù chung là nước Pháp của Napoleon thật sự là một gánh nặng đối với nước Anh. Vì vậy, nước Anh đã rút khỏi các mối liên minh này.
— Thứ ba, là vì lợi ích. Nước Anh sau cuộc chiến tranh Napoleon đã bước vào một thời kỳ bùng nổ kinh tế. Vì Anh là nơi khởi nguồn của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu từ những năm 1760 nên sau cuộc chiến tranh Napoleon, nền công nghiệp Anh đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành nền công nghiệp lớn nhất thế giới. Do yêu cầu của sự phát triển công nghiệp nên nước Anh rất cần nguồn nguyên liệu và thị trường từ các thuộc địa của mình, đặc biệt là Ấn Độ. Vì thế, ưu tiên của Anh là bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển đến các thuộc địa của mình, đặc biệt là tuyến đường thương mại kết nối Anh và thuộc địa quan trọng nhất của nó: Ấn Độ. Vì lý do quan trọng này nên Anh phải tập trung các nguồn lực của quốc gia vào việc bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển của mình. Do phải tập trung các nguồn lực của quốc gia vào việc bảo vệ các tuyến đường này nên Anh phải giảm dần các mối liên kết với các quốc gia ở châu Âu lục địa.
Đây chính là những lý do để Anh thực thi đại chiến lược “Splendid Isolation”.
2.2. Quá trình triển khai thực hiện đại chiến lược
Vì tinh thần của đại chiến lược Splendid Isolation là nước Anh không tham gia vào các liên minh quốc tế và giữ một khoảng cách nhất định đối với các quốc gia khác nên đại chiến lược này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các chính sách cụ thể của nước Anh như sau:
Về chính sách kinh tế, Anh tiếp tục đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá và tập trung khai thác các thuộc địa của mình (cùng kết hợp với quá trình chinh phục thêm các thuộc địa mới). Chính sách này thoạt nhìn có vẻ hướng nội vì nó phớt lờ các mối quan hệ kinh tế với các nước châu Âu lục địa. Nhưng thực tế, đây là chính sách có tính quốc tế hóa sâu sắc.
Thật vậy, vì hệ thống thuộc địa của nước Anh trải rộng khắp thế giới nên việc tập trung khai thác thuộc địa của người Anh đã thúc đẩy thương mại quốc tế, mang đến cho nước Anh cơ hội tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng và thị trường rộng lớn từ các thuộc địa của mình.
Do nền công nghiệp rất cần các nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường cho các sản phẩm đầu ra nên quá trình khai thác thuộc địa của người Anh đã thúc đẩy nền công nghiệp Anh phát triển hơn nữa. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, công cuộc khai thác thuộc địa và tiến trình công nghiệp hoá có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau: Công nghiệp hoá làm cho công cuộc khai thác thuộc địa hiệu quả hơn; ngược lại, công cuộc khai thác thuộc địa lại tạo động lực cho tiến trình công nghiệp hoá phát triển hơn nữa.
Chính sách kinh tế song song này của người Anh — vừa đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá vừa tập trung khai thác thuộc địa (cùng kết hợp với quá trình chinh phục thêm các thuộc địa mới) — đã biến nước Anh thành một quốc gia có năng lực sản xuất vượt trội cùng với một thị trường tiêu thụ rộng lớn so với tất cả các quốc gia khác trong cùng thời kỳ đó. Đây chính là nguyên nhân vì sao nước Anh lại trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới trong phần lớn thế kỷ 19, bất chấp sự cạnh tranh từ các cường quốc đối địch. Trong thời kỳ này, thương mại quốc tế của Anh chiếm tỷ trọng lớn trong nền thương mại thế giới. Hơn nữa, Hải quân Hoàng gia Anh cũng đã kiểm soát được hầu hết các tuyến đường thương mại quan trọng trên biển của thế giới chúng ta. Vì vậy, có thể nói, trong thời kỳ này, nước Anh đã thật sự thống trị nền thương mại thế giới.
Năm 1851, Hội chợ thế giới (World’s Fair) lần đầu tiên đuợc tổ chức tại London. Tại đây, mọi người đã thừa nhận nước Anh là “công xưởng của thế giới”. Điều này cho thấy năng lực sản xuất vượt trội của Anh so với các nước khác và vị trí của Anh trong nền kinh tế thế giới là to lớn như thế nào.
Do yêu cầu phát triển của nền kinh tế nên Anh rất cần các thị trường mới và các nguồn nguyên liệu mới. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, nước Anh đã chinh phục thêm các thuộc địa mới. Quá trình mở rộng thuộc địa của người Anh đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế Anh. Hơn nữa, nó còn biến nước Anh trở thành một đế quốc có lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử, được mệnh danh là “đế quốc nơi mặt trời không bao giờ lặn”. Chính sách kinh tế đã mang vinh quang (Splendid) đến cho nước Anh dù nước Anh có vẻ cô lập (Isolation) với các nước châu Âu lục địa. Vì vậy, có thể nói, chính sách kinh tế này của người Anh đã được thực thi đúng tinh thần của đại chiến lược Cô lập vinh quang mà nước Anh đã đề ra.
Về chính sách quốc phòng, Anh tập trung vào việc xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh để có thể bảo vệ chính mình và các tuyến đường thương mại trên biển của mình. Nỗ lực này của người Anh đã biến Hải quân Hoàng gia Anh thành bá chủ trên các đại dương và trở thành lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới trong thời kỳ này. Với lực lượng hải quân hùng mạnh như vậy, Anh có thể bảo vệ trạng thái Cô lập vinh quang của mình trước bất kỳ kẻ thù nào. Thế nên, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng, chính sách quốc phòng của Anh cũng đã được triển khai thực hiện đúng với tinh thần của đại chiến lược Splendid Isolation của nước Anh.
Về chính sách đối ngoại, Anh nỗ lực duy trì trạng thái cân bằng quyền lực ở châu Âu lục địa. Ý đồ của nước Anh là để cho các cường quốc của châu Âu lục địa tự kiềm chế lẫn nhau. Mục tiêu mà chính sách này muốn hướng đến là bảo đảm tại châu Âu lục địa không có một cường quốc nào có sức mạnh vượt trội so với các cường quốc khác để có thể áp đặt sự thống trị của mình lên châu Âu lục địa và do đó tạo ra sự đe doạ đến tình trạng Cô lập vinh quang của nước Anh.
Điều này đã được vị thủ tướng nổi tiếng sau này của nước Anh là Winston Churchill phát biểu như sau: “Trong 400 năm, chính sách đối ngoại của nước Anh tập trung vào việc chống lại cường quốc lục địa mạnh nhất, hung hăng nhất, có năng lực thống trị lớn nhất, và đặc biệt là ngăn chặn các các quốc gia thuộc Vùng đất thấp rơi vào tay một cường quốc như vậy.[3]
Vì, một khi, một cường quốc lục địa nào đó giành chiến thắng trước các đối thủ của nó để áp đặt quyền thống trị của nó lên khắp lục địa châu Âu — đặc biệt là khi cường quốc này đã chiếm giữ được các cảng biển quan trọng của các nước Bỉ, Hà Lan (các quốc gia thuộc Vùng đất thấp) — thì nó sẽ có được những căn cứ huấn luyện và xuất phát lợi hại để đe dọa nước Anh; và, khi đó, nó có thể tập trung các nguồn lực của châu Âu lục địa vào việc xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh hơn cả Hải quân hoàng gia Anh.
Vì thế, không một chính phủ nào của nước Anh trong thời kỳ này chấp nhận để một cường quốc lục địa nào đó phá vỡ trạng thái cân bằng quyền lực đã được thiết lập ở châu Âu lục địa. Thế nên, chúng ta có thể nói, chính sách đối ngoại của nước Anh trong thời kỳ này với mục tiêu duy trì trạng thái cân bằng quyền lực ở châu Âu lục địa đã tạo ra hiệu ứng là duy trì trạng thái Cô lập vinh quang của nước Anh.
Đại chiến lược Cô lập vinh quang khi được người Anh thực hiện đã mang đến thành công rực rỡ cho nước Anh: Nó đã biến nước Anh trở thành siêu cường toàn cầu trong phần lớn thế kỷ 19.
3. Các mục tiêu trong đại chiến lược của Hoa Kỳ
Qua những gì đã phân tích về đại chiến lược của nước Anh, có lẽ là, mọi người đã thấy được ảnh hưởng to lớn của đại chiến lược đối với từng phương diện của đời sống quốc gia, đối với từng chiến lược, chính sách cụ thể. Vấn đề đặt ra là tại sao đại chiến lược lại có tầm ảnh hưởng to lớn đến như thế? Đó là vì đại chiến lược liên quan đến việc xác định các nguồn lực và các nguy cơ của quốc gia nên có thể nói là đại chiến lược liên quan đến vấn đề sinh tồn của quốc gia.
Hay nói một cách khác, đại chiến lược liên quan đến sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Theo lẽ thường, người ta giả định rằng sự cạnh tranh này tất yếu sẽ dẫn đến chiến tranh. Chính vì thế, chiến lược gia bậc thầy Liddell Hart — trên cơ sở kế thừa những quan điểm của vị tướng Phổ Carl von Clausewitz — đã cho rằng đại chiến lược là sự đề cập toàn diện của một quốc gia đối với chiến tranh. Trong tác phẩm Strategy, Hart cho rằng: “Vai trò của đại chiến lược — chiến lược cao hơn — là điều phối và chỉ đạo tất cả các nguồn lực của một quốc gia, hoặc một nhóm các quốc gia, hướng tới việc đoạt được mục tiêu chính trị của chiến tranh — mục tiêu này được xác định bởi chính sách cơ bản”.[4] Như vậy, theo Hart, đại chiến lược là khả năng huy động các nguồn lực của một quốc gia — quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa — nhằm đoạt được các mục tiêu mà quốc gia ấy đã đề ra.
Chúng ta biết rằng, tất cả các chiến lược và chính sách được tạo ra là nhằm phục vụ lợi ích quốc gia. Do đó, mục tiêu mà các chiến lược và chính sách này hướng đến sẽ chịu sự chi phối bởi hệ thống những lợi ích quốc gia cốt lõi. Vì thế, những lợi ích quốc gia cốt lõi sẽ luôn gắn liền với các mục tiêu mà quốc gia đã đề ra. Thế nên, trong trường hợp của Hoa Kỳ, để xác định chính xác đại chiến lược của quốc gia này, chúng ta cần phải xem xét các mục tiêu thật sự của Hoa Kỳ là gì. Vì khi chúng ta đã xác định được các mục tiêu thật sự của quốc gia này thì chúng ta cũng sẽ nhìn thấy được các lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ gắn liền với các mục tiêu ấy. Và, một khi chúng ta nhìn thấy được hệ thống những lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ thì chúng ta sẽ biết được điều gì Hoa Kỳ thật sự muốn và do đó, chúng ta sẽ biết được đại chiến lược thật sự của Hoa Kỳ là gì.
Trong tác phẩm The Next 100 Years: A Forecast for The 21st Century (Một trăm năm tiếp theo: Một dự báo cho thế kỷ XXI),[5] George Friedman đã cho rằng Hoa Kỳ có năm mục tiêu địa chính trị tác động đến sự hình thành đại chiến lược của mình, đó là:
—Quân đội Hoa Kỳ kiểm soát hoàn toàn lục địa Bắc Mỹ.
—Xóa bỏ mọi nguy cơ đe dọa Hoa Kỳ từ bất kỳ cường quốc nào tại Tây bán cầu.
—Kiểm soát hoàn toàn các tuyến đường biển đến Hoa Kỳ bằng lực lượng hải quân để ngăn chặn mọi nguy cơ xâm lược.
—Kiểm soát hoàn toàn các đại dương trên toàn thế giới để bảo đảm hơn nữa sự an toàn của bản thân Hoa Kỳ và quyền kiểm soát hệ thống thương mại thế giới.
— Ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào thách thức sức mạnh toàn cầu của Hải quân Hoa Kỳ.
Friedman đã căn cứ vào lịch sử hình thành và phát triển của Hoa Kỳ để đưa ra nhận định này. Vì vậy, nhận định của ông có tính thuyết phục rất cao. Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau xem xét kỹ lập luận của Friedman để thấy được tính thuyết phục trong nhận định của ông.
Mục tiêu địa chính trị thứ nhất: Quân đội Hoa Kỳ kiểm soát hoàn toàn lục địa Bắc Mỹ.
Ngày 19/10/1781, Quân đội lục địa của 13 thuộc địa cũ của nước Anh ở Bắc Mỹ đã giành chiến thắng trước Quân đội Hoàng gia Anh trong trận chiến Yorktown, buộc quân Anh phải đầu hàng. Chúng ta biết rằng, ngày 4/7/1776, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố rằng 13 thuộc địa cũ của nước Anh sẽ hành xử như những quốc gia độc lập, có chủ quyền và không còn chịu sự cai trị của nước Anh nữa; nhưng chính trận chiến Yorktown mới mang đến nền độc lập thật sự cho Hoa Kỳ. Vì, trận chiến này đã buộc nước Anh phải từ bỏ nỗ lực chiến tranh và chấp nhận nền độc lập của các thuộc địa cũ của mình. Thế nên, có thể nói, trận chiến Yorktown đã đặt nền tảng cho sự hình thành quốc gia của người Mỹ.
Tuy nhiên, thực tiễn địa chính trị rất khắc nghiệt đối với quốc gia non trẻ vừa mới ra đời này. Thật vậy, lãnh thổ của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lúc này chỉ là một vùng đất nhỏ hẹp nằm giữa Đại Tây Dương và dãy núi Appalachia. Nó rất dễ bị tấn công bởi bất kỳ kẻ thù nào. Do đó, yêu cầu địa chính trị đặt ra đối với Hoa Kỳ lúc này là phải mở rộng lãnh thổ quốc gia vào vùng đất trung tâm của lục địa Bắc Mỹ. Yêu cầu địa chính trị này đã được vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ Thomas Jefferson thực hiện — thông qua việc mua lại vùng đất Louisiana từ tay Hoàng đế Napoleon của nước Pháp vào năm 1803.
Vùng đất Louisiana bao gồm những phần đất của 15 tiểu bang hiện nay của Hoa Kỳ và 2 tỉnh bang của Canada. Nó chiếm khoảng 23% lãnh thổ của Hoa Kỳ ngày nay. Vùng đất này có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự sinh tồn của Hoa Kỳ. Thật vậy, việc sở hữu được vùng đất Louisiana này đã mang đến cho Hoa Kỳ hai lợi thế vô cùng to lớn: Quân sự và kinh tế.
Về quân sự, sự kiểm soát vùng đất Louisiana đã củng cố an ninh quốc gia của Hoa Kỳ thêm vững chắc. Chúng ta biết rằng, sau trận chiến Yorktown, lãnh thổ Hoa Kỳ chỉ là một vùng đất nhỏ hẹp nằm giữa Đại Tây Dương và dãy núi Appalachia. Vì thế, nó rất dễ bị tấn công. Việc mua lại vùng đất Louisiana đã làm cho lãnh thổ Hoa Kỳ tăng lên gấp đôi ở vào thời điểm ấy. Điều này có một ý nghĩa quân sự vô cùng to lớn. Vì với một lãnh thổ được mở rộng như vậy thì quân đội Hoa Kỳ sẽ có nhiều không gian rộng lớn hơn để hoạt động. Nếu Hoa Kỳ bị quân thù tấn công thì quân đội của quốc gia này sẽ có đường rút lui, có vị trí để phòng thủ và có nguồn lực hậu cần để triển khai tấn công quân thù.
Về kinh tế, việc mua lại vùng đất Louisiana đã giúp Hoa Kỳ có được một trong những vùng đất nông nghiệp màu mỡ nhất thế giới. Vùng đất này có năng suất rất cao với các loại nông sản vô cùng phong phú.
Quan trọng hơn, hệ thống giao thông đường thủy của nó rất thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản mà người nông dân ở đây sản xuất được đến với thị trường thế giới. Thật vậy, xuyên suốt vùng đất Louisiana này là thủy lộ chính Ohio — Missouri — Mississipi. Điểm tận cùng của thủy lộ này là cảng New Orleans. Nông sản sẽ được người nông dân vận chuyển từ các nhánh sông nhỏ đến với thủy lộ chính này và từ đó nông sản sẽ được vận chuyển đến New Orleans. Từ cảng New Orleans, các loại hàng hóa nông sản này sẽ theo các tuyến đường thương mại trên biển đến với thị trường châu Âu. Vì vậy, có thể nói rằng, sau khi có được vùng đất Louisiana, Hoa Kỳ đã thiết lập được chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản của mình đối với thị trường châu Âu. Chính điều này đã tạo nên sự bùng nổ của nền kinh tế Hoa Kỳ. Cho đến ngày nay, vai trò của chuỗi cung ứng này vẫn chưa bị mất đi. New Orleans vẫn là cảng hàng hóa lớn nhất của Hoa Kỳ, thường xuyên vận chuyển ngũ cốc đi châu Âu và nhập thép cho sản xuất trong nước.[6]
Một điều quan trọng mà chúng ta cần phải lưu ý là chuỗi cung ứng này không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ mà nó còn đóng vai trò vô cùng to lớn đối với sự phát triển của lịch sử thế giới. Thật vậy, chuỗi cung ứng này đã cung cấp một lượng lớn lương thực cho nước Anh. Vì vậy, nó đã giải phóng người nông dân Anh khỏi đồng ruộng và đưa họ đến các nhà máy công nghiệp ở thành thị để làm việc. Đây là một trong những nguyên nhân tạo nên Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu từ nước Anh.[7]
Qua những gì đã phân tích ở trên, chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của vùng đất Louisiana đối với sự tồn tại và phát triển của Hoa Kỳ. Vùng đất Louisiana này đã mang đến cho Hoa Kỳ những lợi thế về quân sự và kinh tế không gì có thể thay thế được. Khi thương vụ mua bán vùng đất Louisiana này giữa Hoa Kỳ và nước Pháp kết thúc, Hoàng đế Pháp Napoleon đã phát biểu về vấn đề này như sau:”Sự thỏa thuận về lãnh thổ này sẽ mãi mãi khẳng định sức mạnh của Hoa Kỳ, và tôi đã cho Anh Quốc một đối thủ cạnh tranh về biển mà sớm muộn gì cũng sẽ làm cho họ (Anh Quốc) bớt tính kiêu ngạo của họ”.[8] Lời phát biểu của Napoleon càng cho thấy vai trò của vùng đất Louisiana đối với Hoa Kỳ là to lớn như thế nào.
Vì vậy, có thể nói, sự kiểm soát vùng đất Louisiana nói riêng và lục địa Bắc Mỹ nói chung là lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ. Thông qua việc mua lại vùng đất Louisiana, Hoa Kỳ đã bước đầu thực hiện được mục tiêu địa chính trị thứ nhất của mình. Và, theo thời gian, quá trình mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ được hoàn tất thì quốc gia này cũng đã thật sự đoạt được mục tiêu địa chính trị thứ nhất của mình.
Mục tiêu địa chính trị thứ hai: Xóa bỏ mọi nguy cơ đe dọa Hoa Kỳ từ bất kỳ cường quốc nào tại Tây bán cầu.
Hoa Kỳ được sinh ra trong chiến tranh. Trong thời kỳ đầu, nó chưa phải là một cường quốc mạnh nếu so sánh nó với các cường quốc châu Âu thời bấy giờ. Vì thế, nguy cơ bị một cường quốc châu Âu nào đó xâm lược vẫn luôn hiện hữu. Điều này được minh chứng khi người Anh đã phát động một cuộc chiến tranh chống lại Hoa Kỳ vào năm 1812.
Sau khi Hoa Kỳ kiểm soát được lục địa Bắc Mỹ thì nguy cơ bị một quốc gia châu Mỹ nào đó xâm lược không còn nữa (vì các quốc gia châu Mỹ đều tương đối yếu so với Hoa Kỳ). Tuy nhiên, nguy cơ đối với Hoa Kỳ là một cường quốc châu Âu nào đó có thể đặt căn cứ hải quân của mình tại Nam Mỹ, Trung Mỹ hay Caribbean và từ đó có thể đe dọa đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Ý thức được điều này. Năm 1823, vị tổng thống thứ năm của Hoa Kỳ James Monroe đã công bố một chính sách, sau này thường được biết đến với tên gọi là Học thuyết Monroe (Monroe Doctrine). Nội dung chủ yếu của học thuyết này là ngăn cản không cho các cường quốc châu Âu thiết lập các thuộc địa mới ở châu Mỹ.
Mục tiêu của Học thuyết Monroe là không cho các cường quốc châu Âu thiết lập các căn cứ quân sự tại châu Mỹ để có thể tạo ra các thách thức về an ninh đối với Hoa Kỳ. Thông qua một số cuộc chiến tranh với các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ đã đoạt được mục tiêu này. Khi Hoa Kỳ đã đoạt được mục tiêu mà Học thuyết Monroe đã đề ra thì Tây bán cầu đã trở thành không gian riêng của Hoa Kỳ, không một cường quốc bên ngoài nào có thể đe dọa đến các lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực này được nữa.
Mục tiêu địa chính trị thứ ba: Kiểm soát hoàn toàn các tuyến đường biển đến Hoa Kỳ bằng lực lượng hải quân để ngăn chặn mọi nguy cơ xâm lược.
Về mặt địa lý, Hoa Kỳ tiếp giáp với biển ở cả 2 phía: Hoa Kỳ tiếp giáp với Đại Tây Dương ở phía Đông và tiếp giáp với Thái Bình Dương ở phía Tây. Sau khi đã đạt được hai mục tiêu địa chính trị thứ nhất và thứ hai của mình thì Tây bán cầu đã trở thành không gian riêng của Hoa Kỳ. Liệu khi ấy an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đã được bảo đảm hoàn toàn chưa? Hoa Kỳ vẫn cảm thấy chưa an toàn.
Vì vẫn có thể có một cường quốc nào đó đủ khả năng tự tổ chức một hạm đội lớn cho riêng mình để có thể xâm lược Hoa Kỳ từ ngoài biển mà không cần dựa vào các căn cứ quân sự tại Tây bán cầu. Đây là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Để tự bảo vệ chính mình, yêu cầu địa chính trị đặt ra đối với Hoa Kỳ là Hoa Kỳ phải kiểm soát tất cả các tuyến đường biển đến Hoa Kỳ bằng lực lượng hải quân để chặn đứng mọi nguy cơ xâm lược. Hoa Kỳ đã hoàn thành mục tiêu địa chính trị này như sau:
Về phía Tây, Hoa Kỳ đã mua lại bán đảo Alaska của nước Nga vào năm 1867 và thôn tính quần đảo Hawaii vào năm 1898. Hai hành động này kết hợp với nhau đã chặn đứng nguy cơ một hạm đội quân thù từ Thái Bình Dương tấn công Hoa Kỳ từ phía Tây. Vì khi cả Alaska và Hawaii đều đã nằm trong tay người Mỹ thì hạm đội của quân thù sẽ không còn căn cứ hậu cần nào ở Thái Bình Dương để có thể triển khai hành động tấn công vào Hoa Kỳ được nữa. Thế nên, có thể nói, Thái Bình Dương đã nằm trong tầm kiểm soát của Hoa Kỳ.
Về phía Đông, vì người Anh đã kiểm soát Đại Tây Dương hàng trăm năm trước nên Hoa Kỳ cần đến một cơ hội để đoạt lấy quyền kiểm soát Đại Tây Dương từ tay người Anh. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Hoa Kỳ đã lợi dụng những khó khăn mà người Anh gặp phải trong chiến tranh để buộc người Anh phải chuyển giao những căn cứ quân sự của mình trên khắp Đại Tây Dương cho Hoa Kỳ. Với quyền kiểm soát các căn cứ này thuộc về Hoa Kỳ và vai trò mà Hải quân Hoa Kỳ thực thi trong việc tuần tiễu Đại Tây Dương, trên thực tế, Hoa Kỳ đã đoạt lấy quyền kiểm soát Đại Tây Dương từ tay người Anh.
Do cả 2 đại dương — Thái Bình Dương và Đại Tây Dương — đều đã nằm trong vòng cương tỏa của Hải quân Hoa Kỳ nên chúng ta có thể nói rằng Hoa Kỳ đã kiểm soát được tất cả các tuyến đường biển đến Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ đã đoạt được mục tiêu địa chính trị thứ ba của mình. Với việc đoạt được cả ba mục tiêu địa chính trị đầu tiên của mình, có thể nói, an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đã được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Không một quốc gia nào trên thế giới có thể xâm lược Hoa Kỳ được nữa.
Mục tiêu địa chính trị thứ tư: Kiểm soát hoàn toàn các đại dương trên toàn thế giới để bảo đảm hơn nữa sự an toàn của bản thân Hoa Kỳ và quyền kiểm soát hệ thống thương mại thế giới.
Ngày 15/8/1914, Hoa Kỳ đã tạo nên một sự kiện lịch sử quan trọng có ảnh hưởng lớn đến tiến trình giao thương hàng hải của thế giới và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ: Kênh đào Panama được Hoa Kỳ đưa vào sử dụng. Sự ảnh hưởng của Kênh đào Panama đối với tiến trình giao thương của thế giới chúng ta là điều mà nhiều người có thể hiểu được: Kênh đào Panama có tác dụng rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hoá từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương và ngược lại. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của Kênh đào Panama đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ là điều mà chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ hơn.
Quan sát bản đồ thế giới, chúng ta thấy rằng, Hoa Kỳ tiếp giáp với Đại Tây Dương ở phía Đông và Thái Bình Dương ở phía Tây, điều này có nghĩa là Hoa Kỳ có đường bờ biển rất dài, và do đó Hoa Kỳ là một quốc gia hướng biển; vì thế, từ rất sớm, Hoa Kỳ đã xây dựng cho mình một lực lượng hải quân hùng mạnh để có thể bảo vệ chính mình và làm chủ các đại dương xung quanh.
Tuy nhiên, kể từ khi lập quốc cho đến những năm đầu tiên của thế kỷ 20, Hoa Kỳ luôn phải đối mặt với một hoàn cảnh vô cùng khó khăn: Hải quân Hoa Kỳ bị chia cắt bởi các rào cản địa lý tự nhiên.
Thật vậy, nhìn vào tấm bản đồ thế giới, chúng ta sẽ thấy rằng, Hải quân Hoa Kỳ ở hai bờ Đông — Tây của đất nước rất khó đưa ra được những hành động quân sự có sự phối hợp với nhau do sự ngăn cách quá lớn bởi các rào cản địa lý tự nhiên: Về phía Bắc, Hải quân Hoa Kỳ ở hai đầu Đông — Tây đất nước bị Bắc Băng Dương — vùng biển không thuận tiện cho sự di chuyển của tàu thuyền — ngăn cách; về phía Nam, họ bị dải đất dài hàng vạn km — kéo dài từ Mexico ở Bắc Mỹ đến Chile ở tận cùng Nam Mỹ — ngăn cách với nhau. Các rào cản tự nhiên này gây rất nhiều khó khăn cho Hải quân Hoa Kỳ. Thật sự là như thế, trong cuộc chiến tranh Mỹ — Tây Ban Nha vào năm 1898, chiến hạm Oregon neo đậu tại eo biển Puget (Puget Sound) — eo biển này nằm bên bờ Thái Bình Dương thuộc bang Washington về phía Tây Bắc Hoa Kỳ — đã phải vượt qua một quãng đường dài khoảng 14.000 dặm (trên 20.000 km) dọc theo dải đất dài hàng vạn km kể trên để đến được chiến trường Cuba tham gia vào cuộc chiến chống lại người Tây Ban Nha.[9] Một quãng đường quá dài cho bất kỳ một cuộc di chuyển quân sự nào.
Vì thế, đối với Tổng thống Theodore Roosevelt — vị Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, thì việc xây dựng một kênh đào xuyên qua eo đất Panama ở Trung Mỹ để rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa hai bờ Đông — Tây của Hoa Kỳ là một yêu cầu an ninh quốc gia. Do vậy, theo quan điểm của vị tổng thống này, kênh đào Panama chắc chắn phải được xây dựng.
Năm 1903, Hoa Kỳ đã có sự hỗ trợ rất lớn đối với Panama trong cuộc chiến tranh giành độc lập của họ — cuộc chiến mà Panama đã ly khai khỏi Columbia để tạo lập một quốc gia riêng, thế nên Hoa Kỳ đã được Chính phủ Panama trao cho quyền xây dựng và quản lý kênh đào Panama vô thời hạn thông qua Hiệp ước Hay — Bunau Varilla, việc ký kết được hiệp ước này là một thành công lớn về mặt ngoại giao đối với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ bắt đầu xây dựng kênh đào Panama vào năm 1904 và kênh đào được hoàn thành vào năm 1914.
Sau khi kênh đào Panama được hoàn thành thì an ninh quốc gia của Hoa Kỳ càng được củng cố vững chắc hơn: Vì quãng đường qua kênh đào giảm hơn một nửa so với quãng đường trước kia nên nó có tác dụng hỗ trợ rất lớn đối với Hải quân Hoa Kỳ.Các hạm đội của Hải quân Hoa Kỳ ở hai đầu của đất nước đã có thể phối hợp với nhau, hỗ trợ lẫn nhau và tác chiến cùng nhau; do vậy, Hải quân Hoa Kỳ sẽ có thể bảo vệ đất nước hiệu quả hơn.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hoa Kỳ nổi lên với tính cách là siêu cường có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới; hơn thế nữa, lực lượng hải quân của Hoa Kỳ có hệ thống căn cứ quân sự trải rộng khắp mọi nơi trên quả địa cầu này. Vì thế, sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ càng được tăng cường hơn nữa.
Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai cho đến nay, sức mạnh kết hợp của tất cả các hạm đội hải quân của tất cả các quốc gia còn lại trên toàn thế giới cũng không thể so sánh được với sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ. Tất cả những điều này mang đến cho Hải quân Hoa Kỳ năng lực kiểm soát tất cả các đại dương trên toàn thế giới. Bất kỳ tàu thuyền nào đi trên biển đều phải chịu sự giám sát của các vệ tinh Hoa Kỳ và lộ trình của chúng được tiếp tục hay bị cắt đứt tùy theo quyết định của Hải quân Hoa Kỳ. Vì thế, có thể nói rằng, thực tiễn địa chính trị quan trọng nhất trên thế giới hiện nay là: Hải quân Hoa Kỳ kiểm soát tất cả các đại dương, qua đó kiểm soát thương mại hàng hải toàn cầu.
Mục tiêu địa chính trị thứ năm: Ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào thách thức sức mạnh toàn cầu của Hải quân Hoa Kỳ.
Khi đã đoạt được quyền kiểm soát tất cả các đại dương, lẽ đương nhiên là, Hoa Kỳ không muốn chia sẻ quyền kiểm soát này với bất kỳ quốc gia nào khác. Vì thế, Hoa Kỳ luôn tìm cách ngăn chặn các quốc gia khác xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh.
Để thực thi điều này, Hoa Kỳ sử dụng một chiến lược thường được biết đến với tên gọi là cây gậy và củ cà rốt (carrot and stick). Cây gậy là Hoa Kỳ sẽ tạo ra áp lực quân sự hữu hình hay vô hình lên các quốc gia đối địch để trói buộc các quốc gia này bên trong các đường biên giới của họ, buộc các quốc gia này phải dành các khoản chi tiêu quân sự cho lục quân, pháo binh, xe tăng và khi đó các quốc gia đối địch này sẽ không còn nguồn lực để xây dựng hải quân. Củ cà rốt là Hoa Kỳ bảo đảm rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tiếp cận các vùng biển mà không cần thiết phải xây dựng lực lượng hải quân.
Từ sau cuộc Chiến tranh lạnh cho đến nay, Hoa Kỳ tìm cách ngăn chặn một cường quốc Á-Âu nào đó có thể đạt đến mức độ an toàn đủ để hướng nguồn lực của nó vào việc xây dựng lực lượng hải quân. Ngay cả những cường quốc khu vực hạng hai mà có tham vọng muốn thống trị những vùng biển lân cận, Hoa Kỳ cũng sẽ tìm cách ngăn cản tham vọng của họ. Về cơ bản, trong hoàn cảnh thế giới hiện nay, mục tiêu địa chính trị thứ năm của Hoa Kỳ cũng đã đoạt được.
(Còn nữa)
——————–
[1] “Grand Strategy starts where policy making ends”. George Friedman, The Next 100 Years: A Forecast for The 21st Century (New York: Doubleday, 2009), p.38.
[2] “It is the duty of the Government of this country, placed as it is with regard to geographical position, to keep itself upon terms of goodwill with all surrounding nations, but not to entangle itself with any single or monopolising alliance with any one of them; above all to endeavour not to interfere needlessly and vexatiously with the internal affairs of any foreign country”. Parliamentary Debates, House of Lords, 9 July 1866 (London: Cornelius Buck, 1866), p.735 — p.736.
[3] “For four hundred years the foreign policy of England has been to oppose the strongest, most aggressive, most dominating Power on the Continent, and particularly to prevent the Low Countries falling into the hands of such a Power”. Winston Churchill, The Second World War, Vol.1: The Gathering Storm (Boston: Houghton Mifflin, 1948), p.207.
[4] “The role of grand strategy – higher strategy – is to co-ordinate and direct all the resources of a nation, or band of nations, towards the attainment of the political object of the war – the goal defined by fundamental policy”. Liddell Hart, Strategy (London: Faber & Faber, 1967), p.322.
[5] George Friedman, The Next 100 Years: A Forecast for The 21st Century (New York: Doubleday, 2009), p.40 — p.46.
[6] George Friedman, The Geopolitics of U.S.-Cuba Relations, RANE Worldview, Dec 23, 2014 (link: https://worldview.stratfor.com/article/geopolitics-us-cuba-relations, truy cập ngày 20/11/2021).
[7] Như trên.
[8] Guy Godlewski, Napoléon et Les-États-Amis (La Nouvelle Revue Des Deux Mondes, July-September, 1977), p.320; được trích dịch trong Wikipedia, mục từ “Vùng đất mua Louisiana” (link: https://vi.m.wikipedia.org/wiki/V%C3%B9ng_%C4%91%E1%BA%A5t_mua_Louisiana, truy cập ngày 20/11/2021).
[9] Graham Allison (2019), Định mệnh chiến tranh: Mỹ và Trung Quốc có thể thoát bẫy Thucydides? (English: Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap?), Nguyễn Thế Phương dịch, Nxb. Hà Nội, p.161.