Reply To: Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

#3006
NCQT
Keymaster

Kỳ 4: Phu nhân ‘không được chết’

Không chỉ phải nghe hết bản cáo trạng do chánh án Giang Hoa tuyên đọc tại “phiên tòa thế kỷ” ngày 20.11.1980 về tội ác của Giang Thanh và “đồng đảng” – mà Giang Thanh còn phải đối diện với những “cái nhìn phán xét” của các phu nhân có chồng bị hại đang hiện diện tại phiên tòa như bà Vương Quang Mỹ (vợ chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ), Tiết Minh (vợ nguyên soái Hạ Long), Hách Trị Bình (vợ đại tướng La Thụy Khanh)…


Vợ chồng nguyên soái Bành Đức Hoài

Và cả phu nhân Phố An Tu (vợ nguyên soái Bành Đức Hoài) nữa. Bà là người “dịu dàng nho nhã” đã bị Hồng vệ binh đối xử thô bạo “túm tóc, đập đầu vào tường”, ép phải lên án chồng mình về “hành vi phạm tội” với những nội dung bịa đặt trắng trợn và thâm độc, vu cáo Bành Đức Hoài là người: “cầm đầu phái chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, cấu kết với nước ngoài phản bội tổ quốc, chống Mao chủ tịch, cố ý hại chết con trai của Mao chủ tịch là Mao Ngạn Anh ở mặt trận Triều Tiên (!)” Song trước sau phu nhân Phố An Tu vẫn một mực bảo vệ thanh danh của nguyên soái Bành Đức Hoài qua thái độ im lặng nhẫn chịu, Hồng vệ binh đưa “tối hậu thư” bằng miệng:

– “Mầy mà không khai ra, bọn tao sẽ đập chết cái đầu chó của mầy!”.

Quá uất giận, bà tìm cách lẻn ra phía Tây ngoại ô Bắc Kinh uống thuốc tự vẫn bên hồ Côn Minh (trong Di Hòa viên). Người quanh vùng kịp phát hiện đưa vào Bệnh viện số 3 thuộc Học viện Y học Bắc Kinh cứu sống và tìm thấy trong túi áo của bà còn rất nhiều những viên thuốc ngủ…

Vậy là bà “không được chết”, mà “phải sống” để tiếp tục mở mắt nhìn những cảnh đau lòng khác ập tới với mình và những người chung quanh trong cơn lốc “cách mạng văn hóa”. Có một lần bà gặp lại nguyên soái chồng mình bất ngờ và chóng vánh, chỉ trong vài tích tắc của buổi chiều thê lương ngày 11.8.1967 lúc bà bị trói dẫn đi đấu tố. Bà thấy một đám Hồng vệ binh khác đang áp tải một “tội phạm” đến gần – cũng bị trói hai tay như bà – rất nhanh bà biết đó là chồng mình: Bành Đức Hoài. Họ nhận ra nhau nhưng “không thể nói với nhau một lời nào” (dầu đã 2 năm xa cách). Đó là “cái nhìn ngắn ngủi” vĩnh biệt nhau ngay khi còn sống. Bởi sau đó hai người vĩnh viễn không bao giờ còn dịp gặp nhau lần nữa.

Đến thời điểm ấy, chồng bà đã bị các tổ chức tạo phản đưa đi khắp nơi, từ Đại học Thanh Hoa và nhiều trường trung học khác, đến trụ sở Ủy ban Khoa học Quốc phòng, Tổng bộ Quân giải phóng với “6 lần bị đấu tố có sự tham gia của hơn 10.000 người và 7 lần bị đưa đi bêu phố” giữa Bắc Kinh. Để đẩy cuộc đấu tố Bành Đức Hoài lên đỉnh điểm, chỉ 4 ngày sau cuộc gặp “nhìn nhau lần cuối” giữa phu nhân và nguyên soái nói trên, đêm 15.8 “Đài phát thanh Nhân dân trung ương đã chính thức đưa tóm tắt về Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc khóa 8 lần 8 của Đảng Cộng sản Trung Quốc về sai lầm của tổ chức phản Đảng do Bành Đức Hoài cầm đầu. Hôm sau Nhân dân nhật báo còn đăng tóm tắt Nghị quyết trên kèm xã luận: Bành Đức Hoài và những trách nhiệm không thể trốn tránh sau hậu trường” khác nào “bản án tử hình” đối với nguyên soái Bành Đức Hoài được tuyên trước công luận một cách “khéo léo”. Nếu Mao Trạch Đông không đồng ý, chắc chắn Giang Thanh và đồng đảng khó có thể nêu “bản án” ấy trên sân khấu công luận đương thời như thế.

Những tình tiết và trích dẫn trên đây, trong kỳ báo này, là từ cuốn “Giờ phút cuối cùng của 9 vị nguyên soái Trung Quốc” (GPCC), nguyên tác: La Nguyên Sinh, NXB Thanh Niên Trung Quốc 2004 (Nguyễn Gia Linh biên dịch, NXB Lao Động 2009), ghi nhận:

“Ngày 29.11.1974, thời tiết Bắc Kinh rất lạnh, gió mùa đông bắc thổi rin rít, lay động cả các cành cây trơ trọi, hất hết cát bụi vào người đi đường. Bên ngoài cửa sổ buồng bệnh số 14 ở Bệnh viện Quân giải phóng gió lạnh gào thét, thổi hất tung những mảnh giấy báo bị xé vụn… Trong phòng, Bành Hoài Đức đã mất đi hết cảm giác, mồm và mũi cùng bị chảy máu. 14 giờ 52 phút chiều cùng ngày, trái tim ấy đã ngừng đập, mà bên cạnh không có lấy một tiếng khóc của người thân”.

Cái chết của Bành Đức Hoài không những là một bi kịch trong lịch sử Trung Quốc, mà còn để lại một trang bi thảm về chặng đời cuối cùng của một danh tướng có tên trong lịch sử quân sự thế giới. Thi hài của Bành Đức Hoài chưa được khâm liệm, Tổ chuyên án đã báo cáo: “Bành Đức Hoài là phần tử phản bội tổ quốc, âm mưu đoạt quyền, phản cách mạng. Chúng tôi xin đề nghị đổi tên hắn thành “Vương Xuyên” và hỏa táng thi thể, sau đó chôn tro xương ở một nghĩa địa công cộng”.

Lúc ấy với chức vụ Phó chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Vương Hồng Văn đã đồng ý phê duyệt báo cáo trên. Nên tro xương của nguyên soái Bành Đức Hoài bị đựng trong một chiếc hộp bằng gỗ sơ sài, bên ngoài ghi “số 273” kèm mấy chữ gọn lỏn: “Vương Xuyên, đàn ông” – chẳng ai biết đó là tro tàn của một vị khai quốc công thần của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa… (còn nữa)