#51 – Bồi thường cho nạn nhân bị xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng: Trường hợp Campuchia

Nguồn: Hao Duy Phan, “Reparations to Victims of Gross Human Rights Violations: The Case of Cambodia”, East Asia Law Review, Vol 4,  pp. 277-298.>>PDF

Biên dịch: Nguyễn Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Lê Thanh Tùng

Cộng đồng thế giới đã giới thiệu nhiều công cụ pháp lý khác nhau liên quan đến việc bồi thường cho nạn nhân bị xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại Campuchia, vấn đề bồi thường cho những vi phạm nghiêm trọng và có tính hệ thống liên quan đến nhân quyền của chế độ Khmer Đỏ vẫn chưa có lời giải đáp, dù Tòa án Đặc biệt của Campuchia nhằm Truy tố các Tội ác dưới thời Campuchia Dân chủ đã được thành lập. Trong trường hợp phức tạp như tại Campuchia, có rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề bồi thường vẫn chưa được giải đáp. Bài báo này sẽ xem xét vấn đề đó và đưa ra một vài đề xuất về một chương trình bồi thường khả thi và hiệu quả cho các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ.

I. Giới thiệu

Ngày 17 tháng 4 năm 1975, chỉ hai tuần trước khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Phmom Pênh đã rơi vào tay chính quyền Khmer Đỏ, bắt đầu thời kỳ lịch sử đen tối của “những cánh đồng chết”. Chính quyền Khmer Đỏ đã đưa ra một chiến dịch nhằm tạo nên một “hệ thống xã hội sạch”, thông qua đó chúng đã vi phạm quyền con người rộng khắp, đẩy ba triệu người phải di cư khỏi các thành phố về các vùng nông thôn làm nô lệ lao động khổ sai và tiêu diệt tất cả những ai bị cho là đe dọa đến mục đích của chúng.[1]

Hơn ba thập kỷ trôi qua, mục tiêu bồi thường thiệt hại một cách toàn diện vẫn nằm ngoài tầm với của những nạn nhân mà quyền của họ đã bị chính quyền Khmer Đỏ tước đoạt một cách nghiêm trọng và có hệ thống. Vấn đề này đã ít nhận được sự quan tâm từ chính phủ cũng như cộng đồng quốc tế, ngay cả khi Tòa án Đặc biệt của Campuchia nhằm Truy tố các Tội ác dưới thời Campuchia Dân chủ (Extraordinary Chambers in the Courts of Cambodia for the Prosecution of Crimes Committed during the Period of Democratic Kampuchea, viết tắt là ECCC) đã được thành lập.[2]

Chính phủ hiện tại có nghĩa vụ pháp lý phải bồi thường cho những nạn nhân của chính quyền cũ không? Ai có thể yêu cầu bồi thường? Hình thức bồi thường nào là thích hợp và khả thi với tình hình ở Campuchia? Đó chỉ là một số trong nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề bồi thường vẫn chưa được giải đáp. Với mục đích xác định bổn phận của chính phủ Campuchia trong việc bồi thường thiệt hại và đưa ra một số gợi ý về một chương trình bồi thường hiệu quả và khả thi cho các nạn nhận của chính quyền Khmer Đỏ, bài báo này sẽ cố gắng để trả lời các câu hỏi đó.

Bài báo gồm có 5 phần. Phần II phân tích các trách nhiệm pháp lý của chỉnh phủ Campuchia và trách nhiệm của những cá nhân đã gây ra tội ác trong việc bồi thường cho các nạn nhân. Phần III phân tích những việc đã được làm cho đến nay để giải quyết các vấn đề này và cố gắng giải thích tình trạng trì trệ hiện nay. Tiếp theo, phần IV sẽ đưa ra một số cơ sở để xác định xem đối tượng nào nên được bồi thường thiệt hại. Phần V sẽ đánh giá hình thức bồi thường khả dĩ nhất cho các nạn nhân ở Campuchia. Phần cuối sẽ đưa ra một số gợi ý về cách thức thực hiện bồi thường. Việc biến quyền (được bồi thường) này trở thành thực tế vẫn là một thách thức lớn. Song, thách thức này nên được vượt qua và vấn đề bồi thường cho các nạn nhân Khmer Đỏ phải được giải quyết càng sớm càng tốt để đảm bảo công lý thực sự cho các nạn nhận bị xâm hại nhân quyền nghiêm trọng ở Campuchia.

II. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân của Khmer Đỏ

Bảng Chỉ dẫn và Nguyên tắc Cơ bản của Liên Hợp Quốc về Quyền được Bồi thường của các Nạn nhân bị Xâm phạm Nhân quyền Nghiêm trọng và Luật Nhân đạo quốc tế quy định việc bồi thường thiệt hại bao gồm việc đề bù khôi phục nguyên trạng, bồi thường thiệt hại, tái hòa nhập các nạn nhân, khắc phục về tinh thần, và đảm bảo không tái diễn sự xâm phạm nữa.[3] Thông thường, việc đền bù phục hồi nguyên trạng (restitution) là hình thức đền bù được mong muốn nhất.[4] Việc phục hồi “hướng tới việc khôi phục lại nguyên trạng ban đầu (status quo ante)[5] của nạn nhân”, ví dụ như bao gồm việc trả lại tài sản, khôi phục tự do, địa vị công dân và các quyền hợp pháp khác, trở về nơi cư trú và khôi phục công ăn việc làm.[6]Là hình thức khắc phục pháp lý phổ biến nhất, bồi thường thiệt hại (compensation) là việc trả tiền mặt cho nạn nhân như một cách thừa nhận những hành động sai trái đã xảy ra và xoa dịu các tổn thất mà nạn nhân đã phải chịu đựng.[7]Tái hòa nhập (rehabilitation) thường bao gồm việc chăm sóc về sức khỏe và tâm lý cũng như các dịch vụ pháp lý.[8] Việc khắc phục về tinh thần (satisfaction) bao gồm nhiều khía cạnh, trong đó có sự thừa nhận việc xâm phạm, công khai toàn bộ sự thật, chính thức xin lỗi và nhận các trách nhiệm, và tưởng niệm các nạn nhân.[9] Việc đảm bảo không tái xâm phạm bao gồm việc đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn sự xâm phạm tái diễn.[10]

Vấn đề bồi thường thiệt hại không phải là mới mẻ trong luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế.[11] Sự ủng hộ ban đầu cho quyền này trong luật quốc tế “có thể được tìm thấy tại Điều 3 của Công ước Hague IV năm 1907 về các Luật lệ và Tập quán Chiến tranh,”[12] mà theo đó bên nào vi phạm Công ước này “sẽ phải bồi thường.”[13] Bản Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền, vốn có thể coi là thành tựu lớn nhất trong thế kỷ 20,[14] sau đó đã nhấn mạnh rằng “mỗi người đều có quyền nhận được biện pháp khắc phục hiệu quả thông qua các toàn án quốc gia có thẩm quyền đối với các hành động xâm hại các quyền cơ bản của mình được hiến pháp hoặc luật pháp thừa nhận.”[15] Rất nhiều các điều ước quốc tế khác cũng đã được ký kết trong những thập kỷ sau đó dựa trên Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền, giúp củng cố các quyền được bồi thường cho các nạn nhân bị xâm phạm quyền con người. Trong số các điều ước này có Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị;[16] Công ước chống Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục con người; [17] Công ước Giơ-ne-vơ thứ 3;[18] và Nghị định thư I của Công ước Giơ-ne-vơ.[19] Các công cụ pháp lý khu vực cũng chứa những điều khoản đòi hỏi khắc phục pháp lý cho vấn đề xâm phạm quyền con người. Điều 13 trong Công ước Châu Âu về Bảo vệ Quyền con người và các Quyền tự do Cơ bản cũng quy định quyền của các nạn nhân bị xâm hại nhân quyền được đòi hỏi một phương án giải quyết hiệu quả “trước một cơ quan chức trách của quốc gia dù sự xâm phạm là do các cá nhân hành động theo thẩm quyền chính thức.” [20] Công ước Châu Mỹ về Nhân Quyền công nhận rằng mỗi người đều có quyền được đòi bồi thường để chống lại các hành động vi phạm đến các quyền cơ bản của con người được công nhận bởi hiến pháp hay “các luật của nhà nước hay theo quy định của Công ước.”[21]

Xem xét vấn đề thấu đáo sẽ cho thấy rằng Chính phủ Campuchia có nghĩa vụ pháp lý trong việc thực hiện bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân phải chịu các tội ác dã man của chế độ Khmer Đỏ trong những năm 1970. Hiện nay, Campuchia là một bên tham gia trong các điều ước vì quyền con người chủ yếu, [22] hầu hết các điều ước này đều quy định trách nhiệm pháp lý đối với các nhà nước thành viên nhằm đảm bảo các phương án hiệu quả trong việc bồi thường cho các nạn nhân bị xâm hại nhân quyền dưới mọi hình thức. Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị cũng kêu gọi các nhà nước thành viên “phải đảm bảo rằng bất cứ người nào mà các quyền hay sự tự do của họ [như được thừa nhận bởi Công ước] bị xâm hại sẽ được khắc phục hiệu quả cho dù hành động xâm hại đó được thực hiện bởi các cá nhân đang hành động theo thẩm quyền chính thức…và đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực thi các biện pháp khắc phục đó sau khi được đưa ra.”[23] Ủy ban Nhân quyền[24] kết luận rằng “nếu không có bồi thường cho các cá nhân mà quyền theo Công ước của họ đã bị xâm hại thì nghĩa vụ phải đưa ra một biện pháp khắc phục hiệu quả vốn đóng vai trò cốt lõi đối với hiệu lực của Điều 2, khoản 3, sẽ không được hoàn thành.”[25] Những biện pháp khắc phục này cũng tính đến tình trạng dễ bị tổn thương đặc biệt của một số nhóm người nhất định, đặc biệt là trẻ em.[26] Việc không tuân thủ nghĩa vụ này có thể “bản thân nó gây nên một hình thức vi phạm khác đối với Công ước”[27] và “không thể biện minh được dựa vào những cân nhắc liên quan đến chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế.[28]

Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc cũng yêu cầu các nhà nước thành viên đưa ra biện pháp khắc phục hiệu quả đối với các nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc.[29]Công ước chống Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục con người cũng quy định nghĩa vụ của các nhà nước thành viên phải đảm bảo bất kỳ nạn nhân nào của tra tấn phải “nhận được bồi thường và hưởng quyền có thể thực thi được đối với việc bồi thường một cách thỏa đáng và công bằng.”[30] Tương tự như vậy, Điều 39 trong Công ước về Quyền Trẻ em cũng yêu cầu tất cả các nhà nước thành viên phải “thực hiện mọi biện pháp thích hợp để đảm bảo sự phục hồi về thể chất cũng như tâm lý và sự tái hòa nhập xã hội của các nạn nhân trẻ em” bị xâm hại dưới bất cứ hình thức nào.[31]

Các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ bao gồm phụ nữ và trẻ em, những người bị tước quyền chính trị và dân sự, những người chịu tra ấn, và những người bị phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc. Có thể thấy rằng các nạn nhân này nằm trong phạm vi các điều ước về quyền con người mà Campuchia đã tham gia. Các tiền lệ từ trường hợp của các nước như Áo,[32] Đức,[33] và Nhật Bản[34] cho thấy Chính phủ Campuchia có nghĩa vụ xem xét một cách nghiêm túc khả năng bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân của Khmer Đỏ, cho dù tội ác này được gây ra bởi chính quyền cũ đã bị lật đổ bởi chính quyền hiện tại.

Dù lập luận trên đây đề cập đến nghĩa vụ pháp lý của Chính phủ Campuchia trong việc phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân của Khmer Đỏ thì chính các lãnh đạo Khmer Đỏ mới là người chịu trách nhiệm trực tiếp cho các tội ác mà họ đã gây ra. Trong bản báo cáo của Nhóm các Chuyên gia về Campuchia[35] được thành lập chiếu theo Nghị Quyết số 52/135 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, các thủ lĩnh Khmer Đỏ sở hữu một khối lượng tài sản lớn từ khi họ bị lật đổ.”[36] Bản báo cáo kiến nghị sử dụng khối tài sản của những lãnh đạo Khmer Đỏ đã bị kết án bởi tòa án làm nguồn kinh phí cho hoạt động đền bù nạn nhân, và rằng ECCC nên quy định khả năng bồi thường có thể có của các bị cáo cho các nạn nhân của họ.[37] Ở đây có cả các phương tiện pháp lý và năng lực thực tế cho phép các nạn nhân yêu cầu được bồi thường từ những kẻ xâm hại nghiêm trọng nhân quyền của họ trong những năm 1970.

III. Tình trạng không hành động

Đã ba thập kỷ đã trôi qua từ khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ sụp đổ, nhưng những nạn nhân của chế độ này vẫn chưa nhận được bồi thường thỏa đáng.[38] Có nghĩa rằng những hành động sai trái vẫn chưa hoàn toàn được sửa chữa, và quyền lợi của các nạn nhân vẫn chưa hoàn toàn được công nhận. Các nạn nhân đã chờ được bồi thường từ rất nhiều năm nay. Các tổ chức phi chính phủ về quyền con người đã quan tâm đến vấn đề này nhưng hoạt động và áp lực của họ chưa đủ mạnh để tạo nên thay đổi thực sự. Quỹ Tín thác của Liên Hợp Quốc (dùng để chi cho việc thiết lập và hoạt động của các tòa án khác nhau) đã không thành công trong việc gây quỹ dùng cho việc bồi thường.[39] Khi Liên Hiệp Quốc và Campuchia đàm phán thỏa thuận thành lập ECCC, người ta đã hi vọng rằng bản thỏa thuận này sẽ bao gồm cả những điều khoản về việc bồi thường. Tuy nhiên, trong một bước đi được Tổ chức Ân xá Thế giới miêu tả như là “một bước thụt lùi lớn đối với Quy chế Rome (về Tòa án Hình sự Quốc tế)”,[40] Liên Hiệp Quốc và chính phủ Campuchia đã đưa ra một bản thỏa thuận không có những điều khoản nói trên.

Bản thỏa thuận này đã dẫn đến việc ban hành Luật Thành lập ECCC, trong đó không đề cập gì cụ thể đến việc bồi thường thiệt hại. Dù luật này giới hạn các hình thức trừng phạt chỉ có việc bỏ tù,[41] nó vẫn cho phép tịch thu các tài sản cá nhân, tiền, và tài sản thực có được một cách bất hợp pháp bởi người bị kết án.[42] Tuy nhiên, Luật này quy định rằng các tài sản bị tịch thu sẽ phải được trả lại cho chính phủ chứ không phải cho các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ.[43] Quy chế Nội bộ của ECCC là tài liệu duy nhất từ bản thỏa thuận này đề cập một cách cụ thể vấn đề bồi thường, nhưng nó lại quy định rằng việc bồi thường chỉ nên được thực hiện với một số nhóm nạn nhân cụ thể (nghĩa là các bên dân sự), và chỉ dưới hình thức đạo đức hoặc tượng trưng mà thôi.[44]

Vậy tại sao Chính phủ Campuchia lại mất nhiều thời gian như vậy mới nhận ra quyền lợi của công dân nước mình? Sao vấn đề bồi thường cho các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ lại nhận được ít sự quan tâm như vậy của cộng đồng thế giới? Có thể giải thích tình trạng này này như sau:

Thứ nhất, vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị xâm hại nhân quyền nhìn chung chỉ được chú ý hơn sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.[45] Với Campuchia, người ta chủ yếu tập trung vào việc điều tra sự thật và tìm kiếm công lý vì đây được coi là những yêu cầu tiên quyết để tiến hành hoạt động bồi thường. [46]

Thứ hai, sau sự sụp đổ của chế độ Khmer Đỏ, nền chính trị Campuchia rất bất ổn cho tới cuối những năm 1990. Từ năm 1979 đến năm 1991, sự chiếm đóng của Việt Nam và cuộc tranh luận xem ai sẽ là đại diện hợp pháp cho Campuchia thu hút sự quan tâm chính, gạt các thảo luận về vấn đề bồi thường sang một bên.[47] Sau đó, từ năm 1991 đến năm 1997, sự quan tâm trong nước cũng như quốc tế lại tập trung vào cuộc tranh giành quyền lực nội bộ ở nước này.[48] Chỉ đến năm 1997, ngay trước khi Campuchia trở thành thành viên chính thức của ASEAN[49] thì tình hình chính trị ở nước này mới ổn định. Lúc đó, Liên Hiệp Quốc đã nhận được yêu cầu trợ giúp từ Chính phủ Campuchia trong việc tổ chức một quy trình xét xử Khmer Đỏ.[50] Từ đó, người ta lại chủ yếu tập trung vào việc khởi tố, không xếp việc bồi thường lên ngang hàng.[51]

Thứ ba, có sự thiếu quan tâm về mặt chính trị của Chính phủ Campuchia liên quan đến nghĩa vụ bồi thường cho nạn nhân của Khmer Đỏ. Dù chế độ này đã bị lật đổ, một số người liên quan đến chế độ đó vẫn còn nắm quyền.[52] Tình hình này làm cho chính quyền Campuchia miễn cưỡng trong việc truy cứu trách nhiệm của tất cả những kẻ phạm tội cũng như bồi thường cho các nạn nhân trong cuộc thảm sát thời kỳ những năm 1970.

Thứ tư, cộng đồng thế giới và các tổ chức phi chính phủ vẫn chưa thay đổi được tình trạng bất động hiện nay và nâng cao nhận thức một cách hiệu quả. Thậm chí chính các nạn nhân cũng không phải luôn luôn biết được quyền lợi của mình.[53]

Điều cuối cùng chính là những gì mà J. Angelo Corlett gọi là “Sự bác bỏ vì phức tạp lịch sử”[54] đối với một trường hợp đã diễn ra từ lâu trong lịch sử. Theo Corlett, lịch sử chứa đựng quá nhiều tình huống phức tạp đến mức không thể xác định được tất cả mọi sự bất công cần phải được bồi thường và giải quyết một cách hiệu quả.[55] Đối với Campuchia, sau một phần tư thế kỷ, dường như việc đo đếm những thiệt hại của các nạn nhân một cách chi tiết theo từng trường hợp là không khả thi và việc khôi phục quyền lợi của các nạn nhân bị thương đã lâu cũng hết sức tốn kém.[56] Và việc thuyết phục các thế hệ sau này rằng họ phải chịu một khoản nợ với ông bà của những người đòi bồi thường là một việc hết sức khó khăn.[57]

Bất chấp những rào cản này, vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị xâm hại nhân quyền ở Campuchia cũng không nên bị trì hoãn mãi mãi. Nếu việc điều tra, thừa nhận và truy tố là điều kiện tiên quyết trong việc bồi thường, thì giờ đây, khi mà tất cả các khía cạnh khác liên quan đến công lý đang được thực hiện, chính là lúc tiến tới mục tiêu bồi thường thiệt hại. Dù bản Thỏa thuận thành lập ECCC không có điều khoản nào liên quan đến việc bồi thường, vẫn có một nền tảng pháp lý cho việc bồi thường như vậy được quy định trong các điều ước mà Campuchia đã tham gia cũng như trong chính nội luật của Campuchia. Dựa theo luật pháp hiện hành của Campuchia, trong các vụ án hình sự, các nạn nhân có thể đòi bồi thường cho những thiệt hại mà họ phải chịu do các tội phạm đang bị xét xử gây ra,[58] và các Quy chế Nội bộ của ECCC cũng thừa nhận các hình thức bồi thường nhất định.[59] Vấn đề ở đây chính là nghĩ ra các cách thức thực hiện nghĩa vụ bồi thường khả thi và hiệu quả. Trên tinh thần đó, phần tiếp theo sẽ thảo luận một số phương án khả thi về cách thức các nạn nhân của chế độ diệt chủng ở Campuchia nên được bồi thường như thế nào.

IV. Những đối tượng có thể nhận bồi thường

Thách thức đầu tiên là làm sao xác định được đối tượng nào thích hợp cho việc đòi bồi thường trong trường hợp này, do nhiều nạn nhân trực tiếp đã chết. Trong số 2 triệu người bị giết trong các cuộc thảm sát, có rất nhiều người có con cháu còn sống. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là liệu con cháu họ có được nhận bồi thường hay không? Và liệu gia đình của những người còn sống có được bồi thường không? Những câu hỏi này chỉ có thể được trả lời tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, rốt cuộc cần phải có một khuôn khổ chung để xác định những đối tượng được bồi thường trước khi tiến hành với số lượng khổng lồ những người đòi bồi thường. May mắn sao, có rất nhiều nguồn luật quốc tế có thể hỗ trợ việc thành lập khuôn khổ chung này. Ví dụ, Điều 14 trong Công ước Liên Hiệp Quốc về chống Tra tấn quy định rằng: “khi một nạn nhân bị chết bởi hành động tra tấn, những người phụ thuộc vào người đó sẽ được hưởng bồi thường.”[60] Như Ủy ban Châu Âu về Quyền con người trong vụ X và Cộng hòa Liên bang Đức đã xác định: từ “nạn nhân” bao gồm “không chỉ các nạn nhân trực tiếp bị xâm hại mà cả những người gián tiếp phải chịu các định kiến do hậu quả của sự xâm hại đó hoặc những người có lợi ích cá nhân xác đáng trong việc đảm bảo chấm dứt sự xâm hại đó.”[61] Tương tự như vậy, Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cũng kết luận rằng nạn nhân có thể bao gồm cả các thành viên gia đình của những người trực tiếp bị xâm hại.”[62] Những quyết định gần đây nhất của Tòa Án liên Châu Mỹ về Nhân quyền cũng chỉ rõ: khi nạn nhân đã chết, người thân của họ được hưởng đền bù; và nếu không có bằng chứng về mối quan hệ gia đình, các thành viên gia đình có thời gian hai năm sau phán quyết để chứng minh mối quan hệ gia đình của mình để được bồi thường thiệt hại.[63] Trước tiên phải thiết lập một khuôn khổ chung, trong đó các thành viên trong gia đình tất cả nạn nhân đều được pháp đòi bồi thường, và trong khuôn khổ này phải có các biện pháp cụ thể đưa ra cho từng trường hợp.

Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề liên quan đến phạm vi của khái niệm “gia đình”. Để giải quyết vấn đề này, cần phải xem xét phạm vi được áp dụng trong những trường hợp khác.  Trong vụ Loayza Tomayo và Peru, Tòa án liên Châu Mỹ về Nhân quyền đã coi khái niệm “thành viên gia đình” được hiểu là bao gồm tất cả những người có quan hệ mật thiết như con cái, cha mẹ và anh chị em ruột của nạn nhân.[64] Tương tự như vậy, trong vụ Blake và Guatemala, Tòa án quyết định rằng tất cả 4 thành viên trong gia đình người bị mất tích, gồm cha mẹ và hai anh em trai của nạn nhân, đều bị ảnh hưởng trực tiếp từ cái chết và sự mất tích của Blake.[65] Trong vụ Suárez Rosero và Ecuador  và  Bámaca Velásquez và Guatemala, Tòa án cũng đã yêu cầu các nhà nước liên quan phải bồi thường cho vợ/ quả phụ và con cái của các nạn nhân.[66] Trong các trường hợp diễn ra sau cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990, Hội đồng Bồi thường của Liên Hiệp Quốc xác định rằng vợ, chồng và con cái hoặc cha mẹ của nạn nhân có thể được xem là những đối tượng được bồi thường hợp pháp cho những gì họ phải chịu đựng trong cuộc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp của Iraq vào Kuwait tháng 8 năm 1990.[67] Các tiền lệ từ những trường hợp trên gợi nên câu trả lời cho việc những ai có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp ở Campuchia. Thứ nhất, nạn nhân trực tiếp của những hành động tàn bạo phải được hưởng bồi thường. Thứ hai, người thân của các nạn nhân bị giết trong thời kỳ những năm 1970 hoặc những người đã chết từ đó đến nay, bao gồm cha mẹ, vợ, chồng, anh chị em ruột và con cái của những nạn nhân đó cũng phải được bồi thương. Dựa trên cách tiếp cận chung đó, giải pháp bồi thường có thể được xác định trong từng trường hợp cụ thể.

V. Những hình thức bồi thường khả dĩ nhất

VI. Cách thực hiện việc bồi thường 

VII. Kết luận

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Boi thuong nan nhan xam pham nhan quyen Campuchia.pdf


[1] Xem, ví dụ, Báo cáo của nhóm các chuyên gia về Campuchia dựa theo Nghị quyết của Đại hội đồng số 52/135, Phục lục,  ¶¶ 16, 19, 20, 30, 56, U.N. Doc. A/53/850- S/1999/231 (15.3.1999) [sau đây gọi tắt là Báo cáo của nhóm chuyên gia] (bàn về vấn đề người dân bị ép phải di dời khỏi thành phố và các lạm dụng quyền con người khác); Katheryn M. Klein, Bringing the Khmer Rouge to Justice: The Challenges and Risks Facing the Joint Tribunal in Cambodia, 4 NW. J. INT’L HUM. RTS. 549, 549, 553-54 (2006) (ghi lại việc di dời và lao động cưỡng bức).

[2] ECCC, còn được gọi là Tòa án Campuchia, là một tòa án chung được thành lập bởi một hiệp định giữa Liên Hợp Quốc và Campuchia với mục tiêu xét xử các tội ác dưới chế độ Khmer đỏ từ năm 1975 đến năm 1979. Xem website của ECCC: http://www.eccc.gov.kh/english (truy cập lần cuối 28.11.2009) để biết thêm thông tin về ECCC.

[3] Bảng Chỉ dẫn và Nguyên tắc Cơ bản của Liên Hợp Quốc về Quyền được Bồi thường của các Nạn nhân bị Xâm phạm Nhân quyền Nghiêm trọng và Luật Nhân đạo quốc tế, G.A. Res. 60/147, Annex, ¶ 18, U.N. Doc. A/RES/60/147 (2005)  [sau đây gọi tắt là Những nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc].

[4]  Stef Vandeginste, Reparation, trong RECONCILIATION AFTER VIOLENT CONFLICT: A HANDBOOK 145, 145 (David Bloomfield et al. eds., 2003).

[5] Pablo de Greiff, Justice and Reparations, trong THE HANDBOOK OF REPARATIONS 451, 452 (Pablo de Greiff ed., 2006).

[6] Những nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc, chú thích 3 ở trên, ¶ 19.

[7] Những nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc, chú thích 3 ở trên, ¶ 20, de Greiff, chú thích 5 ở trên, trang 452; Dinah L. Shelton, Reparations for Victims of International Crimes, trong INTERNATIONAL CRIMES, PEACE, AND HUMAN RIGHTS: THE ROLE OF THE INTERNATIONAL CRIMINAL COURT 137, 139-40 (Dinah Shelton ed., 2000).

[8] Những nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc, chú thích 3 ở trên, ¶ 21; de Greiff, chú thích 5 ở trên, trang 452.

[9] Những nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc, chú thích 3 ở trên, ¶ 22.

[10] Như trên, chú thích 3 ở trên, ¶ 23.

[11] Ví dụ, xem  Paul M. Hughes, Rectification and Reparation: What Does Citizen Responsibility Require?, 35 J. SOC. PHIL. 244, 245 (2004) (cho rằng các thảo luận về việc bồi thường đã là một vấn đề nổi bật trong việc xử lý các tội ác tàn bạo trong quá khứ).

[12] Liesbeth Zegveld, Remedies for Victims of Violations of International Humanitarian Law, 85 INT’L REV. RED CROSS 497, 506 (2003).

[13] Công ước về Luật lệ và Tập quán Chiến tranh trên đất liền, điều 3, ngày 18.10.1907, 36 Stat. 2277, 1 Bevans 631.

[14] Xem PAUL GORDON LAUREN, THE EVOLUTION OF INTERNATIONAL HUMAN RIGHTS: VISIONS SEEN 199-270 (2d ed. 2003) (ghi lại chi tiết bối cảnh lịch sử và tác động của Tuyên ngôn toàn cầu về Nhân quyền).

[15] Tuyên ngôn toàn cầu về Nhân quyền, G.A. Res. 217A, art. 8, U.N. GAOR, 3d Sess., 1st plen. mtg., trang 71, 73, U.N. Doc A/810 (10.12.1948) .

[16] Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, điều 2(3) và 9(5), ngày 16.12.1966 [sau đây gọi tắt là ICCPR]

[17] Công ước chống Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục con người, điều 14 ngày 10.12.1984, 1465 U.N.T.S. 85.

[18] Công ước Giơ-ne-vơ liên quan đến việc đối xử với tù nhân chiến tranh, điều 68, ngày 12.8.1949, 75 U.N.T.S. 135.

[19] Nghị định thư bổ sung Công ước Giơ-ne-vơ ngày 12.8.1949, và Nghị định thư liên quan đến việc Bảo vệ nạn nhân của các xung đột vũ trang quốc tế (Nghị định thư 1) điều 91, ngày 8.6.1977, 1125 U.N.T.S. 3.

[20] Công ước Bảo vệ Nhân quyền và Quyền Tự do Cơ bản, điều 13, ngày 4.11.1950, 213 U.N.T.S. 222, sửa đổi bởi Nghị định thư số 3, 5, 8 11, có hiệu lực lần lượt vào ngày 21.9.1970, 20.12.1971, 1.1.1990, và 1.11.1998.

[21] American Convention on Human Rights, Nov. 22, 1969, O.A.S. Treaty Series No. 36, 1144 U.N.T.S. 123, in lại trong Basic Documents Pertaining to Human Rights in the Inter-American System, OEA/Ser.L.V/JI.82 doc.6 rev. 1 at 25 (1992).  Xem thêm African (Banjul) Charter on Human and Peoples’ Rights, June 27, 1981, OAU Doc. CAB/LEG/67/3 rev. 5, 21 I.L.M. 58 (1982) (quy định rằng mỗi người đều có quyền khiếu nại lên các cơ quan quốc gia có thẩm quyền chống lại các hành động xâm hại đến các quyền cơ bản của họ được thừa nhận trong các công ước, luật, các quy định và tập quán có hiệu lực).

[22] Điều ngạc nhiên với nhiều người bên ngoài là Campuchia là thành viên của nhiều điều ước quốc tế chủ chốt về nhân quyền, trong đó có ICCPR; Công ước Quốc tế về quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa; Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng, Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc; Công ước chống Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục con người; Công ước về Quyền Trẻ em; Công ước về Loại trừ mọi Hình thức Phân biệt chống lại Phụ nữ; Nghị định thư không bắt buộc của Công ước về Loại trừ mọi Hình thức Phân biệt chống lại Phụ nữ; Nghị định thư không bắt buộc của Công ước chống Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục con người; Nghị định thư không bắt buộc của Công ước về Quyền Trẻ em về sự tham gia của trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang; Nghị định thư không bắt buộc của Công ước về Quyền Trẻ em về buôn bán trẻ em, mại dâm và khiêu dâm trẻ em. Để biết thêm về tình trạng tham gia các điều ước quốc tế chủ chốt về nhân quyền của Campuchia hiện nay, xem danh sách các điều ước của Dữ liệu Điều ước Liên Hiệp Quốc, website: http://treaties.un.org/pages/Treaties.aspx?id=4&subid=A&lang=cn (truy cập ngày 28.10.2009)

[23] ICCPR, chú thích 16 ở trên, điều 2(3).

[24] Xem Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Ủy ban Nhân quyền – Các thành viên, http://www2.ohchr.org/english/bodies/hrc/members.htm (truy cập lần cuối ngày 28.10.2009) (“Ủy ban Nhân quyền gồm 18 chuyên gia độc lập, họ là những người có phẩm chất đạo đức cao và có năng lực được thừa nhận trong lĩnh vực nhân quyền.”). Ủy ban mỗi năm họp 3 lần, mỗi lần kéo dài 3 tuần tại Giơ-ne-vơ hoặc New York. Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Ủy ban Nhân quyền, http://www2.ohchr.org/english/bodies/hrc (truy cập lần cuối ngày 28.10.2009)

[25] Ủy ban Nhân quyền, General Comment No. 31: The Nature of the General Legal Obligation Imposed on States Parties to the Covenant, ¶ 16, U.N. Doc. CCPR/C/21/Rev.1/Add. 13 (29.3.2004).

[26]Như trên, ¶ 15.

[27] Như trên.

[28] Như trên, ¶ 14.

[29] Xem, ví dụ như, Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc, điều 6, ngày 21.12.1965, 660 U.N.T.S. 195, 199 (yêu cầu các quốc gia thành viên phải đảm bảo các biện pháp phòng chống hiệu quả sự phân biệt chủng tộc đối với mỗi công dân trong quyền tài phán của nhà nước).

[30] Công ước chống Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục con người, chú thích 17 ở trên, điều 14 (1).

[31] Công ước về Quyền Trẻ em, Điều 39, ngày 20.11.1989, 1557 U.N.T.S. 3, 56.

[32] Xem Max du Plessis, Historical Injustice and International Law: An Exploratory Discussion of Reparation for Slavery, 25 HUM. RTS. Q. 624, 639 (2003) (đề cập đến việc Áo chi trả 25 triệu đô la Mỹ để bồi thường cho các nạn nhân Holocaust sống sót vào năm 1990).

[33] Xem Ariel Colonomos & Andrea Armstrong, German Reparations to the Jews After World War II: A Turning Point in the History of Reparations (ước tính Đức đã bồi thường tổng cộng 61,5 tỉ đô la Mỹ cho các nạn nhân dưới chế độ Đức Quốc xã trong giai đoạn 1965-2001); trong THE HANDBOOK OF REPARATIONS, chú thích 5 ở trên, trang 390, 408.

[34]  Xem Joseph P. Nearey, Seeking Reparations in the New Millennium: Will Japan Compensate the “Comfort Women” of World War II?, 15 TEMP. INT’L L.J. 121, 140 (2001) (nói đến quỹ tư nhân do chính phủ khởi tạo gồm 10 triệu đô la Mỹ để khắc phục các sai trái đối với các phụ nữ giải khuây trước đây.)

[35] Xem Situation of Human Rights in Cambodia, G.A. Res. 52/135, ¶ 2, U.N. Doc. A/Res/52/135 (1998) (yêu cầu Tổng thư ký xem xét hỗ trợ Chính phủ Campuchia bằng việc bổ nhiệm một nhóm chuyên gia). Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã bổ nhiệm một nhóm 3 chuyên gia theo Nghị quyết 52/135 để đánh giá các bằng chứng hiện có và xác định bản chất tội ác của các thủ lĩnh Khmer đó; và tìm hiểu các lựa chọn pháp lý để đưa họ ra trước công lý.  Báo cáo của Nhóm các chuyên gia, chú thích 1 ở trên.

[36] Như trên, ¶ số 211.

[37] Như trên, ¶ 212 (“Khả năng yêu cầu các bị cáo bồi thường cho nạn nhân được quy định trong quy chế của tòa án đặc biệt, mới đây được thừa nhận trong Định ước Tòa án Hình sự Quốc tế.”). Bản báo cáo cũng kiến nghị rằng “bất cứ tòa án nào đều quy định khả năng bị cáo phải bồi thường cho nạn nhân… [và] các nhà nước nơi có tài sản mà các thủ lĩnh Khmer đỏ đã có được một cách bất hợp pháp nên xem xét khả năng bồi thường cho các nạn nhân từ các tài sản này.” Như trên.

[38] Xem Klein, chú thích 1 ở trên, trang 549.

[39] Gregory H. Stanton, Perfection Is the Enemy of Justice, BANGKOK POST, June 1, 2003  (đáp lại sự chỉ trích của Tổ chức Ân xá Quốc tế về dự thảo thỏa thuận giữa Campuchia và Liên Hiệp Quốc).

[40] Như trên.

[41] Luật thành lập ECCC, điều 38, website: http://www.eccc.gov.kh/english/cabinet/law/4/KR_law_as_amended_27_Oct_2004_Eng.pdf (truy cập 28.10.2009)

[42] Như trên, điều 39.

[43] Như trên.

[44] Quy định nội bộ của ECCC, quy định số 23 (sửa đổi ngày 11.9.2009), đăng trên website: http://www.eccc.gov.kh/english/cabine/fileUpload/121/IRv4-EN.pdf (truy cập ngày 28.10.2009)

[45] Richard Falk, Reparations, International Law, and Global Justice: A New Frontier, trong THE HANDBOOK OF REPARATIONS, chú thích 5 ở trên, trang 478-479.

[46] Xem Stef Vandeginste, A Truth and Reconciliation Approach to the Genocide and Crimes Against Humanity in Rwanda 9 (May 1998) (Inst. of Dev. Policy & Mgmt., Univ. of Antwerp Working Paper).

[47] Đọc Scott Luftglass, Crossroads in Cambodia: The United Nation’s Responsibility to Withdraw Involvement from the Establishment of a Cambodian Tribunal to Prosecute the Khmer Rouge, 90 VA. L. REV. 893, 903 (2004)  (giải thích việc cộng đồng thế giới chủ yếu chú ý đến việc đảm bảo ổn định của Campuchia sau khi chấm dứt chế độ Khmer đỏ).

[48] Đọc Vannath Chea, Reconciliation in Cambodia: Politics, Culture and Religion (kể lại tiến trình hòa bình với rất nhiều thế lực chính trị tranh giành quyền lực với nhau) trong RECONCILIATION AFTER VIOLENT CONFLICT: A HANDBOOK, chú thích 4 ở trên, trang 49, 50.

[49] Đọc DAVID W. ROBERTS, POLITICAL TRANSITION IN CAMBODIA, 1991-99: POWER, ELITISM, AND DEMOCRACY 168-69 (2001) (thảo luận vấn đề ổn định được phục hồi như thế nào sau những sự kiện năm 1997). Xem thêm Seth Mydans, Fragile Stability Slowly Emerges in Cambodia, N.Y. TIMEs, ngày 25.6. 2000, trang 1 (miêu tả những diễn biến ở Campuchia cho thấy nó đang chứng kiến “một kỷ nguyên mới của hòa bình và ổn định chính trị”.)

[50] Lufglass, chú thích 47 ở trên, trang 906 và Klein, chú thích 1 ở trên, trang 554, 555.

[51] Sau 5 năm đàm phán kéo dài và khó khăn, trong đó có 6 tháng bế tắc vì Liên Hiệp Quốc rút khỏi bàn đàm phán, cuối cùng một thỏa thuận cũng được đưa ra vào năm 2003, chú trọng đến việc xét xử nhóm thủ lĩnh Khmer đỏ, không nhắc gì đến vấn đề bồi thường. Đọc thêm Lufglass, chú thích 47 ở trên, trang 906-917 (nói về nỗ lực của Liên Hiệp Quốc và Campuchia trong việc thành lập một tòa án).

[52] Xem Klein, chú thích 1 ở trên, trang 554. (lấy ví dụ về việc Hun Sen, một cựu Ngoại trưởng của Khmer đỏ, hiện nay là Thủ tưởng Campuchia, chính ông đã bất hợp tác trong quá trình thương lượng thành lập tòa án chung).

[53] Trong một cuộc khảo sát về thái độ của người dân Campuchia do Trung tâm Nhân quyền, ĐH California, Berkeley thực hiện, dù 9/10 số người nói rằng các nạn nhân phải được bồi thường nhưng 39% số người lại muốn dùng phương pháp trừng phạt mà chỉ có 5% số người cho rằng nên tha thứ bằng việc bồi thường thiệt hại. PHUONG PHAM ET AL., So WE WILL NEVER FORGET: A POPULATION-BASED SURVEY ON ATTITUDES ABOUT SOCIAL RECONSTRUCTION AND THE EXTRAORDINARY CHAMBERS IN THE COURTS OF CAMBODIA 29-30 (2009). Những phản hồi này cho thấy những người tham gia khảo sát không ưu tiên hay quan tâm đến quyền được bồi thường.

[54] J. ANGELO CORLETT, RESPONSIBILITY AND PUNISHMENT 190 (3d ed. 2006).

[55] Như trên.

[56] Falk, chú thích 45 ở trên, trang 495.

[57] Corlett, chú thích 543, trang 190-191.

[58] Xem SECRETARIAT OF THE ROYAL GOV’T TASK FORCE, OFFICE OF THE COUNCIL OF MINISTERS, AN INTRODUCTION TO THE KHMER ROUGE TRIALS 15 (2004), trên website: http://www.cambodia.gov.kh/krt/english/introduction_eng/index.htm (truy cập ngày 28.10.2009) (nói rằng tội giết người, tra tấn, và ngược đãi vì lý do tôn giáo đều được coi là tội phạm trong luật pháp Campuchia.)

[59] Xem chú thích 44 ở trên và diễn giải đính kèm.

[60] Công ước chống Tra tấn và các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục con người, chú thích 17 ở trên, điều 14 (1).

[61] X v. Federal Republic of Germany, App. No. 4185/69, 35 Eur. Comm’n H.R. Dec. & Rep. 142 (1970).

[62] Shelton, chú thích 7 ở trên, trang 142.

[63] Douglass Cassel, The Expanding Scope and Impact of Reparations Awarded by the Inter-American Court of Human Rights (K. De Feyter et al. eds., 2005)  (nói rằng Tòa án Liên Mỹ đã mở rộng các phương án bồi thường); trong OUT OF THE ASHES: REPARATION FOR VICTIMS OF GROSS AND SYSTEMATIC HUMAN RIGHTS VIOLATIONS 191, 199-200.

[64] Xem Loayza Tamayo Case, 1998 Inter-Am. Ct. H.R. (ser. C) No. 42 ¶ 90 (Nov. 27, 1998) (chỉ rõ người thân của nạn nhân, theo nghĩa nhân chủng học, không chỉ là gia đình hạt nhân, mà là gia đình mở rộng).

[65] Xem Blake Case, 1999 Inter-Am. Ct. H.R. (ser. C) No. 48 57 (Jan. 22, 1999) (cha mẹ và anh em đều được bồi thường thiệt hại).

[66] Surez Rosero Case, 1999 Inter-Am. Ct. H.R. (ser. C) No. 44 113 (Jan. 20, 1999); Bámaca Veldsquez Case, 2002 Inter-Am. Ct. H.R. (ser. C) No. 91 106 (Feb. 22, 2002).

[67] David Bederman,  The United Nations Compensation Commission and the Tradition of International Claims Settlement, 27 N.Y.U. J. INT’L L. & POL. 1, 22 n. 102 (1994).