Nguồn: Stephen D. Krasner (2001). “Think Again: Sovereignty”, Foreign Policy, No. 122 (Jan. – Feb.), pp. 20-29.
Biên dịch: Trần Thị Diệu | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Quan điểm về nhà nước như một thực thể tự trị và độc lập đang sụp đổ dưới “đòn công kích” kết hợp của các liên minh tiền tệ, CNN, Internet và các tổ chức phi chính phủ. Nhưng những ai tuyên bố về sự diệt vong của“chủ quyền” dường như đã hiểu sai lịch sử. Các quốc gia – dân tộc có bản năng sinh tồn mạnh mẽ và cho đến lúc này đã thích nghi với những thách thức mới, ngay cả thách thức đặt ra bởi toàn cầu hóa.
Các quốc gia chủ quyền đang hấp hối
Hoàn toàn sai. Chủ quyền chưa bao giờ là một phạm trù mạnh mẽ như nhiều nhà quan sát hiện nay nhận định. Các quy chuẩn truyền thống về chủ quyền đã luôn bị thách thức. Một vài quốc gia, đáng chú ý nhất là Hoa Kỳ, đã có quyền tự trị, quyền kiểm soát và được công nhận trong phần lớn thời gian tồn tại của mình, trong khi ở hầu hết các quốc gia khác điều tương tự không hề xảy ra.
Các quốc gia yếu luôn bị xâm nhập và các nước mạnh cũng không thể “miễn nhiễm” với những ảnh hưởng bên ngoài. Trung Quốc đã từng bị chiếm đóng. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, các dàn xếp hiến pháp của Nhật Bản và Đức đã được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Vương quốc Anh mặc dù từ chối sử dụng đồng tiền chung Châu Âu nhưng cũng là một phần của Liên Minh Châu Âu.
Thậm chí đối với các quốc gia yếu, nơi các cấu trúc quốc nội bị ảnh hưởng bởi các chủ thể bên ngoài và các nhà lãnh đạo dường như không thể kiểm soát được những sự dịch chuyển xuyên biên giới hay thậm chí các hoạt động ngay trong phạm vi của quốc gia mình, thì chủ quyền vẫn còn duy trì được tính hấp dẫn của nó. Mặc dù chủ quyền có thể chỉ mang lại sự công nhận quốc tế, nhưng sự công nhận này đảm bảo cho quốc gia có thể tiếp cận được các tổ chức quốc tế hay đôi khi là cả các nguồn tài chính quốc tế. Nó cũng mang đến vị thế cho cá nhân các nhà lãnh đạo. Trong khi các cường quốc ở Châu Âu đã từ bỏ nhiều yếu tố của chủ quyền thì các nước như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều không quan tâm hay có khuynh hướng từ bỏ mong muốn kiểm soát hiệu quả sự tự chủ trong nước.
Ở nhiều nơi trên thế giới, biên giới quốc gia vẫn còn tượng trưng cho nguồn gốc của xung đột, cho dù đó là cuộc chiến giữa Israel và Palestine về quy chế của Jerusalem, hay các đe dọa của Ấn Độ và Pakistan về một cuộc chiến nguyên tử vì khu vực Kashmir, hoặc đụng độ giữa Ethiopia và Eritrea tại vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Tuy nhiên, ngày nay các nhà bình luận đều chủ yếu quan tâm đến sự xói mòn dần của biên giới quốc gia do hậu quả của toàn cầu hóa. Các chính phủ cũng như các nhà hoạt động đã chỉ trích các thể chế đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đi quá chức năng và quyền hạn của mình bằng việc thúc đẩy các tiêu chuẩn cho tất cả mọi chuyện từ vấn đề nhân quyền và môi trường cho đến các chính sách tiền tệ và nhập cư. Tuy nhiên, tác động đáng kể nhất của toàn cầu hóa kinh tế và những qui chuẩn xuyên quốc gia sẽ là sự biến đổi phạm vi chủ quyền quốc gia hơn là việc tạo ra một vài phương thức mới nhằm tổ chức đời sống chính trị.
Chủ quyền đồng nghĩa với thẩm quyền tối hậu
Nếu đã từng như vậy thì cũng không còn nữa. Khi triết gia Jean Bodin và Thommas Hobbes lần đầu tiên đưa ra khái niệm về chủ quyền vào thế kỉ 16 và 17, họ quan tâm đến việc thiết lập tính hợp pháp của một hệ thống thứ bậc duy nhất trong thẩm quyền đối nội.
Mặc dù Bodin và Hobbes đều chấp nhận sự tồn tại của các quyền tự nhiên hay do Chúa mang lại, nhưng cả hai (đặc biệt là Hobbes) đều tin rằng chủ quyền chính là luật pháp. Dân chúng không có quyền nổi loạn. Bodin và Hobbes nhận ra rằng nếu mang lại cho các ông hoàng quyền lực ngạo mạn như vậy sẽ dẫn đến sự độc tài, nhưng mối quan tâm của họ lại nghiêng về việc duy trì trật tự đối nội mà không có điều đó thì họ tin là sẽ không thể có công lý. Quan điểm của hai ông được đưa ra vào thời điểm thế giới đang bị giằng xé bởi xung đột giữa những phe phái khác nhau. Bodin suýt bị giết chết trong một vụ bạo loạn tôn giáo tại Pháp năm 1572. Hobbes đã công bố tác phẩm nổi bật của ông Leviathan chỉ vài năm sau khi quốc hội (lúc đó bao gồm tầng lớp trung lưu giàu có mới nổi) hành quyết vua Charles I trong cuộc nội chiến nhằm giành lại quyền kiểm soát đất nước từ chế độ quân chủ.
Quan điểm về quyền lực tối cao có tính thuyết phục nhưng lại không hề thích hợp trên thực tế. Vào cuối thế kỉ 17, thẩm quyền chính trị ở Anh được chia làm hai phe: Vua và Quốc hội. Tại Mỹ, những người cha lập quốc đã xây dựng mô hình hiến pháp về kiểm soát và cân bằng và các cấp độ chủ quyền được phân bổ giữa lợi ích địa phương và quốc gia, trái ngược với hệ thống thứ bậc và quyền lực tối cao. Các nguyên tắc về công lý và đặc biệt là trật tự mà Bodin và Hobbles luôn coi trọng đã được thực hiện tốt nhất bởi các nhà nước dân chủ hiện đại có nguyên tắc tổ chức đi ngược lại quan điểm cho rằng chủ quyền đồng nghĩa với quyền lực đối nội vô hạn định (của các nhà lãnh đạo).
Nếu chủ quyền không có nghĩa là một trật tự trong nước với một hệ thống thứ bậc duy nhất về thẩm quyền thì nó có nghĩa là gì? Trong thế giới đương đại, chủ quyền về căn bản gắn với quan điểm cho rằng các quốc gia tự trị và độc lập với nhau. Trong phạm vi biên giới của mình, những thành viên trong xã hội có thể tự mình quyết định lựa chọn hình thức chính quyền. Hệ quả tất yếu từ điều này đó là nguyên tắc không can thiệp: Các quốc gia không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Gần đây hơn, chủ quyền còn được gắn liền với quan điểm về việc kiểm soát những dịch chuyển xuyên biên giới. Khi các nhà quan sát hiện nay cho rằng quốc gia chủ quyền gần như sắp biến mất, họ đều không có ý rằng các cấu trúc cấu thành nó cũng sẽ biến mất. Thay vào đó, họ cho rằng biến đổi về công nghệ sẽ khiến cho các quốc gia gặp khó khăn hoặc không thể kiểm soát những sự dịch chuyển xuyên biên giới của tất cả các dạng vật chất hữu hình (từ cà phê đến thuốc phiện) hoặc vô hình (từ những bộ phim Hollywood cho tới các dòng chảy vốn).
Cuối cùng, chủ quyền cũng có nghĩa là các nhà nước có thể tham gia các thỏa thuận quốc tế. Họ tự do tham gia vào bất cứ thỏa thuận nào mà họ cảm thấy hấp dẫn. Bất kì hiệp ước nào giữa các quốc gia cũng đều hợp pháp miễn là chúng không mang tính ép buộc.
Hòa ước Westphalia sinh ra mô hình quốc gia chủ quyền hiện đại
Không phải, mô hình này ra đời sau đó. Các học giả hiện nay thường hay viện dẫn Hòa ước Westphalia 1648 (thật ra là hai hiệp ước riêng biệt, Munster và Osnabruck) như là một cú nổ “Big Bang chính trị” tạo ra hệ thống hiện đại của các nhà nước độc lập. Hòa ước Westphalia – vốn đánh dấu sự chấm dứt 30 năm chiến tranh chống lại quyền lực bá quyền của Đế chế La Mã Thần thánh – đã chấm dứt vai trò xuyên quốc gia vốn đang đà suy tàn của giáo hội công giáo La Mã và công nhận tính hợp lý của quan điểm cho rằng quan hệ quốc tế nên được điều chỉnh dựa trên mô hình cân bằng quyền lực hơn là quan điểm lý tưởng của những người theo đạo Thiên Chúa. Nhưng Hòa ước Westphalia trước hết vẫn là một bản hiến pháp mới của Đế chế La Mã Thần thánh. Những quyền tồn tại trước đó của các bậc quân vương trong đế chế trong việc xây dựng các hiệp ước vẫn được tái khẳng định, nhưng hiệp ước Munster cũng quy định rằng “các liên minh đó không được chống lại Hoàng đế, chống lại Đế chế, nền hòa bình chung cũng như bản thân hòa ước này, và cũng không được gây phương hại tới lời tuyên thệ mà theo đó các bậc quân vương thề trung thành với Hoàng đế và Đế chế.” Hệ thống chính trị trong nước dưới sự thống trị của các bậc quân vương vẫn được duy trì trong Đế chế La Mã Thần thánh. Công tước vùng Saxony, Tử tước vùng Brandenburg, Bá tước vùng Palatine và Công tước vùng Bavaria đều được công nhận như những đại biểu của các thành bang (cùng với tổng giám mục của Mainz, Trier và Cologne) có quyền tham gia vào việc bầu chọn Hoàng đế của Đế chế. Họ không trở thành hoặc có quyền tuyên bố trở thành các vị vua.
Có thể điều quan trọng nhất là Hòa ước Westphalia đã thiết lập nên nguyên tắc cho sự khoan dung tôn giáo ở Đức. Các hiệp ước đã đưa ra một cách lấy lệ nguyên tắc cho phép các bậc quân vương chọn tôn giáo cho vùng lãnh thổ riêng của mình (cuius regio, eius religio – lãnh thổ của ai, tôn giáo của người đó) – và sau đó vi phạm nguyên tắc này bằng các điều khoản cụ thể khác nhau. Các nước kí kết đã đồng ý rằng những quy tắc tôn giáo đã có hiệu lực từ trước sẽ được giữ nguyên. Tín đồ Công giáo và Tin Lành ở các thành bang thuộc Đức có thành phần dân số pha trộn sẽ chia sẻ việc tham gia vào các cơ quan nhà nước. Vấn đề tôn giáo được dàn xếp bởi đa số người Công giáo và Tin Lành trong cả Nghị viện và tòa án của đế chế. Cơ bản thì về nguyên tắc không một nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt nào ở Châu Âu tán thành việc khoan dung tôn giáo, nhưng họ đều nhận ra rằng xung đột tôn giáo quá biến động nên cần phải được ngăn chặn hơn là trấn áp những khác biệt giữa các tôn giáo với nhau. Nhìn chung, Hòa ước Westphalia là một văn kiện thuộc về thời kì trung cổ, và sự cải tiến rõ ràng nhất của nó – tức các điều khoản làm suy yếu quyền lực của các bậc quân vương trong việc kiểm soát các vấn đề tôn giáo trong lãnh thổ của mình – đều đi ngược lại với quan điểm về chủ quyền quốc gia vốn về sau gắn liền với cái được gọi là hệ thống Westphalia.
Quyền con người phổ quát là thách thức chưa bao giờ có đối với chủ quyền
Sai. Những nỗ lực thiết lập các nguyên tắc quốc tế buộc các nhà lãnh đạo phải đối xử với người dân của mình theo một cách nhất định đã diễn ra trong một thời gian dài. Trải qua hàng thế kỉ, trọng tâm của vấn đề chuyển từ sự khoan dung đối với tôn giáo sang các quyền lợi của các sắc tộc thiểu số (thường chỉ tập trung vào một số nhóm sắc tộc thiểu số cụ thể tại những quốc gia nhất định nào đó) đến quyền con người (nhấn mạnh vào quyền lợi được hưởng của tất cả mọi người hay các tầng lớp người dân rộng lớn). Trong một vài trường hợp, các quốc gia đã tự nguyện chấp nhận sự giám sát quốc tế, nhưng nói chung các nước yếu thường buộc phải tán thành sự lựa chọn của các nước mạnh. Dàn xếp Viên sau các cuộc chiến tranh Napoleon bảo đảm cho sự khoan dung tôn giáo đối với đạo Thiên chúa tại Hà Lan. Tất cả quốc gia thừa kế của đế chế Ottoman, bắt đầu với Hi Lạp vào năm 1832 và kết thúc với Albania vào năm 1913, phải chấp nhận những điều khoản về quyền bình đẳng dân sự và chính trị đối với những nhóm tôn giáo thiểu số như là một điều kiện cho việc được quốc tế công nhận. Những hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bao gồm những qui định rộng hơn nhằm bảo vệ các nhóm thiểu số. Ví dụ, Ba Lan đồng ý không tổ chức bầu cử vào ngày thứ 7 bởi vì nó có thể phạm vào ngày lễ Sabbath của người Do Thái. Các cá nhân có thể nộp đơn kiện chống lại chính phủ lên Văn phòng về quyền của các nhóm thiểu số được thành lập bởi Hội Quốc Liên.
Nhưng những cuộc tàn sát người Do Thái thời Đức Quốc Xã đã chứng minh rằng trong thực tế những nỗ lực giữa hai cuộc thế chiến nhằm tạo ra các ràng buộc quốc tế đối với các vấn đề trong nước đã thất bại hoàn toàn. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quyền con người thay thế quyền của các nhóm thiểu số trở thành trọng tâm của sự chú ý. Hiến Chương Liên Hợp Quốc đã công nhận cả quyền con người lẫn nguyên tắc chủ quyền về việc không được can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Hơn 20 hiệp ước về quyền con người được kí kết trong suốt nửa thế kỉ qua đề cập một loạt các vấn đề rộng lớn, bao gồm vấn đề diệt chủng, tra tấn, nô lệ, người tị nạn, người không quốc tịch, quyền phụ nữ, phân biệt chủng tộc, quyền trẻ em và lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, những thỏa thuận của Liên Hợp Quốc có ít cơ chế thi hành, và thậm chí các qui định về báo cáo các trường hợp vi phạm cũng thường không hiệu quả.
Sự tan rã bi thảm và đẫm máu của Nam Tư vào những năm 1990 làm dấy lên những mối lo ngại trước đó về quyền lợi các nhóm sắc tộc. Sự công nhận quốc tế đối với những quốc gia thừa kế Nam Tư phụ thuộc vào việc các quốc gia này có các điều khoản hiến định đối với việc bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số hay không. Hiệp định Dayton thành lập các cơ cấu quyền lực do nước ngoài kiểm soát ở Bosnia, bao gồm Hội đồng Nhân quyền (trong đó đa số thành viên được bổ nhiệm bởi các nước Tây Âu). NATO cũng đã tạo ra một chính quyền bảo hộ trên thực tế tại Kosovo.
Các động cơ cho sự can thiệp – như chủ nghĩa nhân đạo và vấn đề an ninh – hầu như không thay đổi. Thực ra, những lý do khiến các cường quốc can dự vào Ban-căng theo sau các cuộc chiến tranh những năm 1870 hầu như không hề khác biệt với các lý do khiến NATO và Nga can dự vào khu vực này những năm 1990.
Toàn cầu hóa làm xói mòn sự kiểm soát của nhà nước
Không. Sự kiểm soát của nhà nước không bao giờ có thể bị xem nhẹ. Tiến bộ công nghệ hơn 200 năm qua đã làm gia tăng dòng chảy di dân, hàng hóa, dòng chảy vốn và ý tưởng – nhưng các vấn đề đặt ra bởi những thay đổi trên không hề mới. Theo nhiều cách khác nhau, phản ứng của nhà nước hiện nay được cải thiện tốt hơn so với trước đây.
Sự tác động của các phương tiện truyền thông toàn cầu đối với quyền lực chính trị (có thể gọi là hiệu ứng CNN) bị lu mờ khi so sánh với tình trạng hỗn loạn sau phát minh của báo in. Trong vòng một thập niên từ sau khi Martin Luther được cho là đóng đinh 95 bài luận của ông lên cửa nhà thờ Wittenberg, các quan điểm của ông đã được truyền đi khắp châu Âu. Một số nhà lãnh đạo chính trị nắm lấy các nguyên tắc của phong trào Cải cách Kháng Cách như là một biện pháp để hợp thức hóa quyền lực chính trị thế tục của mình. Không có quyền lực tối cao của bất kì đấng quân vương nào có thể kiềm chế được sức lan tỏa của những tư tưởng này, và một số ông hoàng không chỉ mất đất mà còn mất cả tính mạng. Những cuộc tranh luận giữa các phe phái ở thế kỉ 16 và 17 có thể có nhiều hậu quả chính trị hơn so với những luồng quan điểm xuyên biên giới sau này.
Ở một vài khía cạnh nào đó, sự di chuyển nguồn vốn ở những thời kì trước đây còn lớn hơn so với bây giờ. Trong suốt thế kỉ 19, các nước Mỹ Latinh (và ở mức độ thấp hơn là Canada, Mỹ và Châu Âu) bị tác động bởi vòng tuần hoàn phát triển và suy thoái của nền kinh tế đi kèm với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cuộc Đại Khủng hoảng vốn có tác động sâu sắc đến tình hình đối nội của tất cả các quốc gia lớn bị thúc đẩy bởi sự sụp đổ tín dụng quốc tế. Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á vào cuối những năm 1990 không gây ra nhiều tàn phá như vậy. Thật vậy, sự phục hồi nhanh chóng của các nước Châu Á sau cuộc khủng khoảng đã cho thấy sự hiểu biết tốt hơn về các lý thuyết kinh tế và các ngân hàng trung ương hoạt động hiệu quả hơn đã giúp các quốc gia dễ dàng hơn trong việc tận dụng những lợi thế (đồng thời hạn chế những nguy cơ) khi tham gia sâu vào thị trường tài chính toàn cầu.
Bên cạnh nỗ lực quản lý dòng chảy vốn và tư tưởng, các quốc gia từ lâu đã cố gắng để kiểm soát tác động của thương mại quốc tế. Thời kì mở đầu của thương mại “đường dài” với những khối lượng hàng hóa lớn đã cơ bản hình thành nên những chia rẽ ở tất cả những nước lớn. Suy thoái và sự tụt dốc của giá ngũ cốc khiến thủ tướng Đức Otto von Bismarck có thể thúc đẩy tầng lớp quý tộc sở hữu nhiều ruộng đất tham gia vào một liên minh với giới tư bản công nghiệp nặng ở thành thị (liên minh “sắt và lúa mạch” này đã thống trị nền chính trị Đức trong nhiều thập kỉ). Vấn đề về thuế xuất nhập khẩu gây nên “đường chia rẽ” cơ bản trong nền chính trị Mỹ trong phần lớn nửa cuối thế kỉ 19 và nửa đầu của thế kỉ 20. Nhưng, bất chấp sự gia tăng của xuất nhập khẩu kể từ năm 1950, tính chính trị trong thương mại đã trở nên mờ nhạt hơn bởi các chính phủ đã phát triển các chiến lược phúc lợi xã hội giúp giảm nhẹ tác động của sự cạnh tranh quốc tế, đồng thời công nhân có trình độ cao có thể điều chỉnh tốt hơn để thích nghi với các điều kiện quốc tế thay đổi. Điều này làm cho nhà nước trở nên dễ dàng hơn chứ không phải khó khăn hơn trong việc quản lý dòng chảy vốn và dịch vụ.
Toàn cầu hóa đang làm thay đổi phạm vi kiểm soát của nhà nước
Các tổ chức phi chính phủ (NGO) đang làm yếu dần chủ quyền quốc gia
Chủ quyền cản trở việc giải quyết xung đột
Liên minh Châu Âu là một mô hình mới cho chính quyền siêu quốc gia
Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Hay suy nghi lai – Van de chu quyen.pdf