Nguồn: James Lee Ray (1998). “Does Democracy Cause Peace?” Annual Review of Political Science, No.1, pp. 27-46.
Biên dịch: Trần Tường Vy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Tóm tắt
Quan điểm cho rằng các quốc gia theo chế độ dân chủ đã và sẽ không có xu hướng gây chiến với nhau là một quan điểm đi ngược lại với những tư tưởng truyền thống của chủ nghĩa hiện thực và tân hiện thực – những tư tưởng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực chính trị quốc tế. Từ giữa thập niên 1970, sự xuất hiện của các dữ liệu mới cùng với sự phát triển của kỹ thuật phân tích, và sự phát triển mạnh mẽ về mặt lý thuyết đã hỗ trợ cho các chuyên gia đánh giá đưa ra nhiều bằng chứng thực nghiệm ấn tượng để bảo vệ cho mệnh đề hòa bình nhờ dân chủ ở trên. Một số ý kiến chỉ trích lại cho rằng hoà bình giữa các quốc gia theo chế độ dân chủ là kết quả của việc các quốc gia này cùng chia sẻ với nhau những lợi ích chung từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, lập luận này lại gặp phải nhiều nghi ngờ từ các bằng chứng thống kê và các lập luận dựa trên trực giác khác. Bên cạnh đó, cũng có lập luận cho rằng quá trình quá độ sang dân chủ là thời điểm các quốc gia có xu hướng gây chiến với các quốc gia khác. Lập luận này cũng bị cho là không mang tính thuyết phục cao. Các bằng chứng thực nghiệm khác nhau cùng với nền tảng lý thuyết đang phát triển càng làm người ta tin tưởng hơn vào tính xác thực của thuyết hòa bình nhờ dân chủ.
Mở đầu
Lập luận cho rằng các quốc gia dân chủ không gây chiến với nhau là một trong những lập luận có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong phân ngành chính trị quốc tế xuất hiện vào những năm gần đây. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng bản chất của vấn đề này thật sự không phải là mới. Bài viết này trước tiên sẽ trình bày ngắn gọn về nguồn gốc lịch sử của ý tưởng dân chủ là một lý do quan trọng đem lại hoà bình và đánh giá các bằng chứng bảo vệ ý tưởng này, trong đó có việc thảo luận những lý thuyết mang tính nền tảng cho lập luận trên. Trọng tâm của bài viết tập trung vào ý kiến cho rằng các quốc gia dân chủ sẽ có mối quan hệ hoà bình với nhau, chứ không thảo luận ý kiến liên quan nhưng hoàn toàn khác biệt cho rằng các quốc gia dân chủ có xu hướng ít gây chiến, hoặc cho rằng càng có nhiều quốc gia dân chủ trong hệ thống quốc tế, thì càng ít đi các cuộc chiến tranh trong hệ thống. Các bằng chứng từ những công trình nghiên cứu của Morgan & Schewbach (1992), Bueno de Mesquita & Lalman (1992), Rummel (1995, 1997), Siverson (1995), Benoit (1996), Rousseau et al (1996), Huth (1996), và Gleditsch & Hegre (1997) và những chuyên gia khác, cho thấy có một sự nghi ngờ về tính đúng đắn của những nhận định hoặc đánh giá phổ biến cho rằng các quốc gia dân chủ nhìn chung cũng có xu hướng gây chiến hoặc xung đột như những quốc gia không theo chế độ dân chủ [mặc dù có thể là không có xung đột với những quốc gia có cùng chế độ dân chủ] (tham khảo Ray 1998). Các thảo luận lý thuyết cũng như những diễn giải về mối quan hệ giữa tỉ lệ các quốc gia dân chủ trong hệ thống so với số lượng các cuộc chiến tranh nổ ra trong hệ thống (Maoz & Abdolali 1989, Maoz 1996, McLaughlin 1996, Gleditsch & Hegre 1997, Senese 1997) đã không chú ý tới hoặc làm rối thêm các vấn đề liên quan đến việc đưa ra kết luận từ nhiều cấp độ phân tích khác nhau (tham khảo Ray 1997b).
Nguồn gốc lịch sử của lập luận
Nguồn cổ điển thường được trích dẫn của lập luận cho rằng dân chủ là một lực lượng quan trọng đem lại hoà bình là bài luận năm 1795 của Immanuel Kant có tựa đề “Nền hoà bình vĩnh cửu” (Perpetual Peace). Tuy nhiên, Kant thật sự không phải là một người hâm mộ thể chế dân chủ. Kant cho rằng, một nền hoà bình vĩnh cửu sẽ trở thành hiện thực khi mà các quốc gia có các hiến pháp dân sự thành lập nên các nền cộng hòa. Theo Doyle (1983a, tr. 226), Kant cho rằng thể chế cộng hoà là một thể chế tôn trọng tài sản của tư nhân và cho phép mỗi cá nhân có quyền như nhau trước luật pháp “dựa trên một nền tảng là chính quyền đại diện đi cùng với sự phân chia quyền lực.”
Đương nhiên còn có các ảnh hưởng gần đây hơn tác động đến lập luận này, trong đó có tư tưởng của Woodrow Wilson. “Tổng thống Wilson đã trở thành một trong những nhân vật lãnh đạo có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới thế giới sau Thế chiến thứ nhất. Các tư tưởng của ông có một ảnh hưởng to lớn đến chủ nghĩa không tưởng trong nghiên cứu quan hệ quốc tế” (Knutsen 1994, tr. 196-97).
Mặc dù ngành học này vào những năm 1920 chịu ảnh hưởng lớn từ các lý tưởng và tư tưởng của những nhà nghiên cứu theo thuyết của Wilson, nhưng những tư tưởng này cũng bắt đầu lụi tàn vào những năm 1930 và chính thức bị bỏ quên sau Thế chiến thứ hai. Một sự đồng thuận thường được lặp lại cho rằng thời điểm này cũng là lúc hệ tư tưởng “hiện thực” và “tân hiện thực”nổi dậy trở thành những tư tưởng áp đảo trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, sự đồng thuận này lại không được chấp nhận tuyệt đối. Một trong những nhân vật theo chủ nghĩa hiện thực được biết đến nhiều nhất và có sức ảnh hưởng sâu sắc nhất trong lĩnh vực này, Henry Kissinger, đã có một cách nhìn mở rộng hơn về mức độ ảnh hưởng của “Chủ nghĩa Wilson” trong tư tưởng và cách nhìn của Hoa Kỳ về chính trị quốc tế. Theo như tài liệu xuất bản gần đây của Kissinger về đề tài ngoại giao, thì:
Woodrow Wilson là hiện thân của truyền thống chủ nghĩa biệt lệ tại Mỹ, và là người khởi xướng cho điều sẽ trở thành một trường phái tư tưởng chính sách đối ngoại Mỹ nhiều ảnh hưởng… Ý tưởng cho rằng sự tồn tại của hoà bình phụ thuộc hơn gì hết vào công cuộc khuyến khích sự phát triển của các thể chế dân chủ vẫn là một trụ cột trong tư duy của người Mỹ cho đến ngày hôm nay. Nhận thức truyền thống của Hoa Kỳ vẫn duy trì quan điểm cho rằng các quốc gia theo chế độ dân chủ sẽ không gây chiến với nhau. (Kissinger, 1994, tr.33, 44)
Tuy ý kiến của Kissinger rất quan trọng, nhưng một điều thường được khẳng định nhiều hơn là chủ nghĩa hiện thực và tân hiện thực đã giữ vị thế áp đảo trong các tư tưởng lý thuyết của ngành học ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, lịch trình nghiên cứu chịu ảnh hưởng từ lập luận hoà bình nhờ dân chủ và các lý thuyết “tự do mới” đã đưa ra những lập luận có thể được xem như là một thách thức đáng kể đối với vị thế áp đảo của chủ nghĩa hiện thực và tân hiện thực (Kegley 1995).
Nguồn gốc đương đại của lập luận hòa bình nhờ dân chủ
Ngay cả khi chủ nghĩa hiện thực chiếm hữu một vị thế đáng kể trong thời kì Chiến tranh Lạnh, quan điểm cho rằng chế độ nhà nước có một tác động quan trọng đối với chính sách ngoại giao và chính trị quốc tế đã nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi một công trình nghiên cứu rốt cuộc chứng tỏ là có giá trị của Babst (1972) lại không được chú ý bởi phần lớn các chuyên gia chính trị quốc tế vào thời điểm đó. Babst (1972, tr. 55) đã sử dụng những dữ liệu từ Wright (1942) và định nghĩa về dân chủ một cách khá hợp lý, rõ ràng để đưa ra một kết luận rằng: “không có một cuộc chiến nào xảy ra giữa các quốc gia độc lập có chính quyền dân cử trong khoảng thời gian từ 1789 đến 1941.”
Công trình nghiên cứu này được xuất bản trong tạp chí Industrial Research [Nghiên cứu Công nghiệp], có lẽ vì thế mà nó đã không được nhiều chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực chính trị quốc tế biết đến. Tuy nhiên, một chuyên gia đã trích dẫn nội dung công trình này, đó là R.J. Rummel, trong tập sách thứ tư nằm trong bộ sách 5 tập của ông có tựa đề Thấu hiểu Xung đột và Chiến tranh (Understanding Conflict and War) (1975-1981). Ba tập đầu tiên trong bộ sách nghiên cứu này xây dựng và phát triển nền tảng lý thuyết cho 54 luận điểm, mà trong đó có 33 luận điểm tập trung vào nguyên nhân và điều kiện dẫn đến xung đột. Luận điểm thứ 11 trong số 33 luận điểm về xung đột cho rằng “Những hệ thống ủng hộ tự do cá nhân gạt bỏ việc sử dụng bạo lực với nhau” (Rummel 1979, tr. 279).
Tuy Rummel là người trích dẫn kết quả từ công trình nghiên cứu của Babst để sử dụng trong những thảo luận của ông về lập luận hoà bình nhờ dân chủ, nhưng công trình của Babst có lẽ sẽ chỉ có một số ít người biết đến nếu như nó đã không được Small & Singer (1976) trích dẫn. Mục tiêu của Small & Singer là cố gắng phủ định luận điểm của Babst cho rằng các quốc gia dân chủ có một mối quan hệ hoà bình với nhau. Có điều những lập luận của Small và Singer lại có một số hạn chế. Điểm yếu quan trọng nhất trong lập luận của họ là đã không thể đưa ra một so sánh giữa tỉ lệ gây chiến của các quốc gia theo chế độ dân chủ so với các quốc gia theo chế độ độc tài. Các phân tích dữ liệu của họ chỉ tập trung vào câu hỏi các cuộc chiến có sự tham gia của quốc gia dân chủ trong lịch sử có sự khác biệt đáng kể về mức độ bạo lực cũng như độ dài so với các cuộc chiến tranh liên quan đến các quốc gia độc tài ra sao. “Khi phân tích thời gian được chọn để nghiên cứu, ngay cả khi các quốc gia dân chủ ít có khả năng tham gia các cuộc chiến hơn tới 99% so với các quốc gia độc tài và các quốc gia dân chủ ít có khả năng gây chiến với nhau tới 100%, thì các cuộc chiến mà họ tham gia lại có mức độ bạo lực cũng như độ dài ngang bằng với các cuộc chiến chỉ có sự tham gia của các quốc gia theo chế độ chuyên quyền” (Ray, 1995, tr. 12-13).
Tuy vậy, công trình của Small & Singer thật sự có ích khi gây được sự chú ý cho lập luận hoà bình nhờ dân chủ vào hai thập niên sau. Nó làm sáng tỏ hơn lập luận của Babst về bản chất hoà bình trong quan hệ giữa các quốc gia dân chủ. Quan trọng hơn, nó phân biệt hai mối quan hệ: (1) Ở cấp độ quốc gia: giữa loại hình chế độ Nhà nước và khả năng gây chiến và (2) Mối quan hệ theo từng cặp quốc gia liên quan đến loại hình chế độ và xung đột.
Sự phân biệt hai mối quan hệ trên thật sự quan trọng, bởi vì ý tưởng ở cấp độ quốc gia cho rằng dân chủ có tác động hoà bình đã được biết đến từ lâu nhưng lại bị các nhà phân tích phủ nhận. Ngay cả 55 năm trước đây, Wright (1942) đã quan sát thấy rằng: “ Các chỉ số thống kê khó có thể được đưa vào sử dụng để chứng tỏ rằng các quốc gia dân chủ ít khi tham chiến hơn so với các nước chuyên quyền… có lẽ thật sự xu hướng mong muốn có hoà bình và gây chiến của các quốc gia dân chủ cũng ngang bằng với các quốc gia chuyên quyền – các xu hướng này gần như vô hiệu hóa lẫn nhau và khiến cho xác suất tham chiến của các quốc gia theo một trong hai chế độ trên trở nên ngang bằng nhau.” Giai đoạn những năm 1980 và 1990 chứng kiến một nỗ lực nhằm làm sống lại ý tưởng rằng các quốc gia dân chủ có xu hướng hoà bình hơn nhưng đã vấp phải rất nhiều phản ứng hoài nghi. Tuy nhiên, trong suốt quá trình đấy, sự tập trung vào mối quan hệ giữa các quốc gia dân chủ [có lẽ bắt nguồn từ việc Small & Singer (1976) phân biệt giữa mối quan hệ cấp độ quốc gia và mối quan hệ theo cặp quốc gia] đã thật sự tạo ra sự khác biệt so với ý tưởng ban đầu và nhờ thế, nhận được nhiều phản ứng tích cực hơn.
Một nguồn quan trọng khác dẫn đến mối quan tâm đối với lập luận hòa bình nhờ dân chủ chính là hai bài viết của Doyle (1983a, b). Trong đó Doyle đã nhấn mạnh nền tảng tư tưởng của Kant của lập luận hoà bình nhờ dân chủ và đã chỉ rõ điều này trong dạng thức cặp quan hệ giữa các quốc gia. “Chưa thấy có trường hợp những quốc gia tự do được bảo vệ bằng hiến pháp nào từng tham chiến với nhau” (Doyle 1983a, p. 213). Hai bài viết này thực sự có một tác động sâu sắc. Những nội dung cơ bản của chúng sau đó được xuất bản ở những tập san có nhiều người đọc hơn (như Doyle 1986), qua đó nhận được nhiều sự chú ý của các chuyên gia, những người trước đây chưa biết đến các công trình nghiên cứu của Rummel, Babst, hoặc Singer & Small. Thêm vào đó, Doyle, cũng như Rummel, đã thực hiện một phân tích dữ liệu mang tính hệ thống về tính xác thực của lập luận hoà bình nhờ dân chủ. Cả hai đều phân tích các dữ liệu đáng tin cậy về các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia (dữ liệu lấy từ dự án Correlates of War do Đại học Michigan thực hiện; tham khảo Singer & Small 1972, Small & Singer 1982) và thực hiện một cách hệ thống việc phân loại các quốc gia tham chiến theo chế độ nhà nước. (Doyle còn tỉ mẫn thực hiện việc phân loại quốc gia theo thể chế chính trị). Chính nhờ điều này mà Doyle có thể lặp lại một cách thuyết phục hơn kết luận của Babst (1972), một kết luận vốn được Small & Singer (1976) công nhận một cách miễn cưỡng và được Rummel (1975-81) lặp lại trong các công trình nghiên cứu của mình, rằng chưa từng có cuộc chiến tranh nào xảy ra giữa hai quốc gia theo chế độ dân chủ.
Việc chưa từng xảy ra chiến tranh giữa các quốc gia dân chủ có lẽ là bằng chứng quan trọng và thuyết phục nhất về mặt tâm lý cho lập luận hoà bình nhờ dân chủ, và là lý do chủ yếu giải thích cho sự phổ biến của nó hiện nay. Việc các quốc gia dân chủ chưa từng gây chiến với nhau dường như là nền tảng của phát biểu thường được trích dẫn của Levy (1988, tr. 662) cho rằng lập luận hoà bình nhờ dân chủ là ‘mệnh đề gần nhất với một quy luật thực nghiệm mà chúng ta có trong lĩnh vực quan hệ quốc tế,” cũng như một nhận định bao quát của Gleditsch (1992, tr.372) rằng mối tương quan “hoàn hảo” giữa chế độ dân chủ và tình trạng không có chiến tranh giữa các cặp quốc gia (dân chủ) có nghĩa là “Tất cả các nghiên cứu hành vi về điều kiện dẫn tới chiến tranh và hoà bình trong thế giới hiện đại giờ đây có thể phải bị vứt vào sọt rác của lịch sử, và các nhà nghiên cứu có thể phải bắt đầu lại từ đầu với một nền tảng mới.”
Những câu tuyên bố tương tự cũng như sự chú ý hiện tại mà lập luận hoà bình nhờ dân chủ có được cho thấy cần đưa ra một thảo luận ngắn gọn ở đây về tính xác thực của lập luận cho rằng, gần như là một quy luật, các quốc gia dân chủ không gây chiến với nhau. Tuy nhiên, một danh sách dài các trường hợp ngoại lệ đã được bàn đến (Ray 1993, 1995), ví dụ như cuộc chiến tranh năm 1812 giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc, Nội chiến Hoa Kỳ, Chiến tranh Boer, Chiến tranh Tây Ban Nha – Hoa Kỳ, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, và những cuộc “chiến tranh” giữa Phần Lan và các đồng minh dân chủ của Liên Xô xảy ra trong thời kì Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Để giải quyết được những tranh cãi đối với các trường hợp ngoại lệ ở trên đòi hỏi cần có một phương án giải thích được ít nhất ba vấn đề lý thuyết cơ bản.
Vấn đề đầu tiên là định nghĩa thế nào là “chiến tranh liên quốc gia.” Ngoài trừ định nghĩa của Babst (1972), đa phần các nỗ lực giải quyết vấn đề này đều dựa trên định nghĩa do dự án Correlates of War đưa ra trước đây. Theo đó, chỉ các cuộc xung đột vũ trang xảy ra giữa các quốc gia độc lập dẫn đến ít nhất 1.000 trường hợp tử vong trên chiến trường (tức tử vong của binh lính) mới được coi là “chiến tranh liên quốc gia”. Định nghĩa này đương nhiên cũng vấp phải nhiều tranh cãi. Ví dụ, nó đã loại bỏ ra trường hợp Nội chiến Hoa Kỳ (bởi vì các bang miền Nam không phải là một quốc gia độc lập), và nhiều cuộc chiến khác nhau giữa quân đội Mỹ và các bộ lạc thổ dân da đỏ.
Tuy nhiên, đa phần các tranh cãi tập trung vào vấn đề thứ hai, đó chính là định nghĩa “dân chủ.” Có một quan điểm được chấp nhận rộng rãi cho rằng dân chủ cơ bản là một khái hiệm gây tranh cãi và định nghĩa của nó phụ thuộc vào yếu tố thời gian (Oren 1995). Nếu cách nhìn nhận này được chấp nhận hoàn toàn, thì tính xác thực của lập luận hoà bình nhờ dân chủ sẽ khó mà được đánh giá một cách thuyết phục và có hệ thống bởi không thể nào phân loại các chế độ chính trị một cách nhất quán mà lại được chấp nhận bởi phần lớn các nhà phân tích, qua đó tạo ra được sự đồng thuận.
Một chính phủ dân chủ thường được cho là một chính phủ được thành lập dựa trên sự chấp thuận của dân chúng và đáp ứng các nguyện vọng của cử tri. Thật ra việc đưa ra định nghĩa chung cho khái niệm “dân chủ” vấp phải nhiều khó khăn là do nhiều chính phủ có thể được coi là đáp ứng được các nhu cầu và mong muốn của cử tri nhưng lại có cấu trúc và tính chất rất khác biệt, thậm chí đối lập với chế độ “dân chủ”. Ví dụ, các chế độ như cộng hoà tư sản, độc tài phát-xít, hay chuyên chính vô sản có thể và thực sự đã được nhiều ủng hộ viên nhiệt thành cho là đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản của một nền “dân chủ”.
Mặc dù vậy, có lẽ “tranh cãi về lập luận hoà bình nhờ dân chủ không cần phải giải quyết các tranh luận mang tính triết học về việc liệu các chế độ như thế nào là “thật sự” dân chủ” (Ray. 1997a, tr.52), hay chế độ nào phản ánh trung thành nhất và đáp ứng được (hay phục vụ được) các lợi ích cũng như nguyện vọng của cử tri. Các nhà ủng hộ lập luận hoà bình nhờ dân chủ đưa ra một khái niệm về dân chủ dựa trên khía cạnh quy trình, tập trung vào các yếu tố như bầu cử cạnh tranh, phạm vi dân chúng có quyền bầu cử, quyền công dân, quyền tự do báo chí, v.v… Một số những đặc điểm và cấu trúc liệt kê trên có thể dễ dàng nhận biết được. Liệu những đặc điểm này có thể dẫn tới các chính phủ thật sự phục vụ lợi ích của cử tri hay không là một câu hỏi đáng quan tâm khác, nhưng việc giải quyết câu hỏi này không đóng vai trò quan trọng đối với cuộc tranh luận về lập luận hoà bình nhờ dân chủ. Thay vào đó, cuộc tranh luận này nên tập trung vào việc những chế độ chính trị sở hữu những đặc điểm tương đối dễ nhận biết, ví dụ như có bầu cử cạnh tranh, quyền bầu cử rộng khắp, tôn trọng quyền công dân, sẽ có cách hành xử khác biệt, nhất là đối với nhau, so với các dạng chế độ chính trị khác.
Cũng phải thừa nhận rằng việc nhận diện các chế độ chính trị sở hữu những cấu trúc và đặc điểm kể trên cũng không phải là một công việc dễ dàng. Đa phần các nỗ lực để phân loại các chế độ chính trị nhằm phục vụ cho việc đánh giá lập luận hoà bình nhờ dân chủ đều sử dụng dữ liệu do Gurr và cộng sự của ông xây dựng nên (xem Gurr 1974, 1978; Gurr et al, 1989, 1990; Jaggers & Gurr 1995). Tập hợp dữ liệu hiện được sử dụng thường xuyên nhất là bộ dữ liệu Polity III. Tuy có giá trị sử dụng lớn, nhưng bộ dữ liệu này cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định trong việc trở thành cơ sở cho việc giải quyết cuộc tranh luận về việc liệu các quốc gia dân chủ có gây chiến với nhau hay không và mức độ thường xuyên ra sao (Gleditsch & Ward 1997). Gurr và các cộng sự đã sử dụng một thang điểm 11 bậc nhằm đánh giá mức độ dân chủ của toàn bộ các quốc gia trên thế giới từ 1800 đến 1990. Số điểm dân chủ của từng quốc gia là tổng các điểm cho các khía cạnh khác nhau như về việc chính phủ có được dân bầu không, mức độ cởi mở của việc tuyển dụng nhân sự cho nhánh hành pháp, sự cân bằng giữa nhánh lập pháp và hành pháp của chính quyền… Bản thân các khía cạnh riêng rẽ này cũng có sự phức tạp trong đó, và khi các mục điểm được cộng dồn lại, kết quả tổng điểm dân chủ lại bao hàm nhiều lớp phức tạp khác nhau. Các lập luận cho rằng một quốc gia nào đó tại một thời điểm cụ thể không đạt được tổng số 7 điểm trên thang điểm của Polity III thì không thể được xếp vào nhóm quốc gia dân chủ đã không đủ sức thuyết phục đối với những người hoài nghi và thậm chí cả những nhà quan sát ít quan tâm khác, bởi vì ngưỡng 7 điểm của bảng điểm Polity III , hay của bất kỳ chỉ số nào khác trong đó, đều không thực sự rõ ràng, thuyết phục.
Tuy nhiên, việc đặt ra ngưỡng là hoàn toàn hợp lý và rất cần thiết để có thể trả lời câu hỏi liệu chiến tranh giữa các quốc gia dân chủ đã từng xảy ra hay chưa. Theo một nghĩa nào đó, việc này đã tạo ra một vấn đề không có lối thoát (vấn đề thứ ba trong ba vấn đề mang tính lý thuyết được đề cập ở trên). Dân chủ là một khái niệm liên tục; các quốc gia có thể ở một mức độ dân chủ cao hơn hay thấp hơn, và vì thế thật khó để có thể quyết định xếp một quốc gia vào một trong hai nhóm, dân chủ hay phi dân chủ. Điều này dẫn tới việc những ai “mong muốn bảo vệ [hoặc đánh giá] lập luận các quốc gia dân chủ không bao giờ gây chiến với nhau cần phải thừa nhận rằng trong thực tế lập luận mà họ đang bảo vệ nói chính xác hơn là “Những quốc gia đã đạt được một mức độ dân chủ nhất định…chưa từng gây chiến với nhau” (Ray 1995, tr.90).
Một mức độ dân chủ “nhất định” nào đấy lý tưởng nhất nên là một ngưỡng đơn giản, dễ nhận biết, dễ bảo vệ về mặt lý thuyết. Ví dụ, ngưỡng đó có thể quy định rằng các quốc gia có đủ dân chủ để có thể tránh được các cuộc chiến với nhau nếu các lãnh đạo lập pháp và hành pháp của họ được chọn ra dựa trên một quy trình bầu cử công bằng và cạnh tranh. Để xác định được ngưỡng này, một cuộc bầu cử cạnh tranh được định nghĩa là có ít nhất hai đảng chính trị độc lập (hoặc các nhóm khác) tham gia tranh cử. Một cuộc bầu cử được xem là “công bằng” nếu có ít nhất 50% dân số ở độ tuổi trưởng thành được tham gia bỏ phiếu, và nếu hệ thống chính trị liên quan đã thực hiện một cuộc chuyển giao quyền lực từ một đảng độc lập sang một đảng khác một cách hoà bình và hợp hiến thông qua bầu cử. Đối với điểm cuối nhấn mạnh chuyển giao quyền lực hợp hiến, điểm này rất quan trọng để có thể dễ dàng nhận diện được trong các trường hợp thực tế liên quan, đồng thời quan trọng đối với việc xác định các quốc gia nào đủ dân chủ để có thể hành động theo các cách được được công nhận bởi các tiếp cận lý thuyết quan trọng về “dân chủ”. Nếu như ngưỡng này được áp dụng trong các trường hợp gây tranh cãi, như cuộc chiến vào năm 1812 giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc, cuộc nội chiến Hoa Kỳ, Chiến tranh Boer, Chiến tranh Hoa Kỳ – Tây Ban Nha, thì có thể đưa ra lập luận cho rằng không có cuộc tranh chấp nào giữa các quốc gia đã leo thang trở thành chiến tranh giữa hai nước dân chủ nếu ít nhất một trong hai quốc gia không (đủ) dân chủ (Ray, 1993, 1995).
Phân tích dữ liệu về lập luận hòa bình nhờ dân chủ
Cho dù các nước dân chủ chưa từng gây chiến với nhau là một sự thật được công nhận rộng rãi, thì nó vẫn chưa có ý nghĩa đáng kể về thực tiễn lẫn lý thuyết. Trung bình mỗi năm có khoảng 99% số cặp các quốc gia trên thế giới có quan hệ hoà bình với nhau. Và cho tới gần đây, tỉ lệ các quốc gia theo chế độ dân chủ trên thế giới vẫn còn rất ít. Vì thế về nguyên tắc có thể có một lý do giải thích cho việc các quốc gia theo chế độ dân chủ chưa từng gây chiến với nhau là do điều đó khó khả thi về mặt thống kê.
Quá trình nghiên cứu về khả năng xảy ra chiến tranh giữa các quốc gia dân chủ đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kể từ khi Small & Singer (1976) công bố các phát hiện mở đường của họ. Trước tiên, do họ không có dữ liệu về các dạng chế độ chính trị trong khoảng thời gian dài họ chọn để nghiên cứu (1816-1965), nên họ chỉ có thể đưa ra dữ liệu về chế độ của những quốc gia thực tế đã tham chiến. Do đó, họ không thể so sánh một cách có hệ thống tỉ lệ tham chiến giữa các cặp quốc gia dân chủ với các cặp quốc gia theo chế độ nhà nước khác.
Small & Singer có ghi nhận về việc không thấy có chiến tranh xảy ra giữa các quốc gia dân chủ với “một số ngoại lệ nhỏ”, nhưng họ lại không chú trọng vào mẫu hình quan trọng này. Và một lần nữa, có lẽ một phần do không có được nguồn dữ liệu đầy đủ về các dạng chế độ chính trị , họ đã không đánh giá được xác suất về mặt thống kê của việc các quốc gia dân chủ không gây chiến với nhau.
Rummel (1983) đã đưa ra một bước tiến đáng kể để giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng dữ liệu về các dạng chế độ được thu thập bởi Gastil (1981), cũng như dự án Correlates of War về các cuộc chiến liên quốc gia (Small & Singer 1982). Rummel đã phân tích hầu như toàn bộ mọi cặp quốc gia trên thế giới từ 1976 đến 1980, và tính tổng số các cặp trong mỗi năm lại thành 62.040 quan sát. Từ những dữ liệu này, Rummel đã kết luận rằng việc các nước dân chủ không gây chiến với nhau so với tỉ lệ gây chiến giữa các quốc gia khác là rất đáng kể về mặt thống kê. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này lại bị giới hạn do các đối tượng nghiên cứu chỉ nằm trong khoảng thời gian từ 1976 đến 1980. Rummel cũng thú nhận rằng “thật không may là tôi đã không thể có được dữ liệu để xác định số quốc gia dân chủ trên thế giới cho giai đoạn 1816-1965” (Rummel 1983, tr. 47-48).
Tuy nhiên, Maoz & Abdolali (1989) đã có thêm nhiều đóng góp đáng kể để giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng dữ liệu của Gurr (1974, 1978). Họ phân tích các cặp quốc gia trên thế giới từ 1816 đến 1976, cho ra 271.904 quan sát. Họ báo cáo rằng không chỉ không có cuộc chiến tranh nào diễn ra giữa các quốc gia dân chủ với nhau trong thời kì dài này, mà còn cho rằng số cuộc chiến tranh này (tức bằng 0) là ít hơn nhiều so với những gì người ta kỳ vọng về mặt thống kê, cho dù số lượng các cuộc chiến tranh nói chung lẫn số quốc gia dân chủ đều ít trong thời kỳ đó.
Công trình của Maoz & Abdolali còn thể hiện một bước tiến quan trọng khác, đó là việc xây dựng dữ liệu về những cuộc tranh chấp bị quân sự hóa nhưng không leo thang thành chiến tranh liên quốc gia. Những cuộc tranh chấp này nổ ra khi một trong hai quốc gia có những hành động đe dọa quá mức, thể hiện cũng như thực sự sử dụng sức mạnh quân sự chống lại nước còn lại (Gochman & Maoz 1984). Sau khi phân tích các dữ liệu như vậy, Maoz & Abdolali (1989, tr.21) đã tuyên bố rằng từ năm 1816 đến 1976, “các quốc gia dân chủ chưa bao giờ có chiến tranh với nhau. Họ cũng ít khả năng tham gia vào các cuộc xung đột cường độ thấp hơn với nhau…”
Sau đó, Gurr và các cộng sự đã xây dựng thang điểm cho loại hình chế độ nhà nước đối với hầu hết các nhà nước trong hệ thống quốc tế theo từng năm, bắt đầu từ năm 1800 trở đi [trong khi Maoz & Abdolali (1989) đã dựa quá nhiều vào phép ngoại suy]. Thang điểm của Gurr và cộng sự đã đóng góp đáng kể cho việc so sánh tỉ lệ tham chiến giữa các nước dân chủ với nhau so với giữa các nước không cùng theo chế độ dân chủ. Bremer (1992) đã phân tích dữ liệu của hầu hết các cặp quốc gia trong hệ thống quốc tế từ 1816 đến 1965, tổng cộng có 202.778 quan sát. Bremer kết luận rằng kết quả trong giai đoạn khảo sát trên đã cho thấy có một sự khác biệt rõ ràng trong tỉ lệ chiến tranh giữa các cặp quốc gia dân chủ với nhau so với các cặp quốc gia khác.
Từ góc nhìn thống kê, có thể nói lập luận của Bremer là hoàn toàn xác thực, tuy nhiên tỉ lệ các cặp quốc gia dân chủ có chiến tranh với nhau được quan sát trong giai đoạn 1816 đến 1965 là gần như bằng 0, và tỉ lệ các cặp quốc gia khác có chiến tranh với nhau trong cùng giai đoạn là 0,0005. Vậy thì liệu sự khác biệt này có thật sự đáng kể?
Một lý do khiến Bremer nhận ra sự khác biệt rất nhỏ như vậy về tỉ lệ chiến tranh giữa các cặp quốc gia dân chủ và các cặp quốc gia khác là do có quá nhiều cặp không phù hợp được đưa vào phân tích. Thật sự số lượng các quốc gia theo chế độ dân chủ trước giai đoạn Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1816-1939) là quá ít đến nỗi người ta nghi ngờ về mức độ cần thiết về việc sử dụng giai đoạn này để phân tích. Ngoài ra, có một số lượng lớn các cặp quốc gia mà Bremer sử dụng có khoảng cách địa lý quá xa nhau khiến cơ hội xảy ra chiến tranh giữa hai nước là không thực tế. Những cặp quốc gia như Miến Điện và Bolivia hay giữa Chad với Chilê đều có thể dự đoán trước chắc chắn là khó có cơ hội xảy ra chiến tranh với nhau.
Maoz & Russett (1992) thì tập trung nghiên cứu giai đoạn từ 1946 đến 1986, vì thế loại bỏ được những thời điểm có ít các quốc gia theo chế độ dân chủ. Dù vậy, do số lượng các quốc gia trong giai đoạn từ 1965 (năm cuối cùng trong phân tích của Bremer) đến 1986 tăng lên một cách nhanh chóng và do gộp vào gần hết các cặp quốc gia trên thế giới theo từng năm, họ có tới 264.819 quan sát –hơn một chút so với số liệu của Bremer (1992) đã phân tích. Họ đã giảm số liệu trên một cách đáng kể bằng cách chỉ phân tích các cặp quốc gia “tương thích về mặt chính trị”, có nghĩa là các cặp quốc gia này ở cạnh nhau về mặt địa lý hoặc có ít nhất một quốc gia là một cường quốc. (Định nghĩa “cường quốc” sẽ không được đề cập ở đây do hạn chế về không gian văn bản. Trong suốt thời kì Chiến tranh Lạnh, những quốc gia được xem là cường quốc bao gồm Trung Quốc, Pháp, Anh Quốc, Liên Xô, và Hoa Kỳ). Với cách làm này, số lượng quan sát giảm xuống còn 29.081. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy không có chiến tranh xảy ra giữa các quốc gia dân chủ với nhau. Tỉ lệ các cặp quốc gia phi dân chủ xảy ra chiến tranh với nhau trong giai đoạn 1946 đến 1986 là 0,001. Một lần nữa, việc các quốc gia dân chủ không gây chiến với nhau so với tỉ lệ 0,1% số lần chiến tranh diễn ra giữa các nước không cùng theo chế độ dân chủ dường như không thực sự đáng kể (mặc dù về mặt thống kê là có ý nghĩa). Nhưng, như Bueno de Mesquita (1984, tr.354) đã chỉ ra trong một bối cảnh khác rằng tỉ lệ những người bị ung thư do hút thuốc chỉ cao hơn những người không hút thuốc là 0.001482. Có lẽ sẽ không bất hợp lý nếu cho rằng những khác biệt tuyệt đối quá nhỏ như vậy không phải là không có ý nghĩa.
Small & Singer (1976, tr.67) đánh giá thấp phát hiện của họ về việc không có chiến tranh giữa các quốc gia dân chủ là do họ cho rằng đa phần chiến tranh xảy ra là giữa những quốc gia ở cạnh nhau, trong khi đó “những quốc gia dân chủ tư sản thường không có cùng biên giới trong phần lớn giai đoạn từ năm 1816.” Kết luận của họ chắc chắn là dựa vào việc xem xét không có hệ thống các thông tin có sẵn, bởi ở thời điểm đó không có cơ sở dữ liệu nào phân loại các cặp quốc gia trong hệ thống quốc tế để xem liệu các cặp quốc gia đó có ở cạnh nhau về mặt địa lý hay không. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này đã đạt được nhiều tiến bộ từ năm 1976. Dự án Correlates of War đã tạo ra dữ liệu về mối quan hệ địa lý của hầu hết các cặp quốc gia trong hệ thống quốc tế từ năm 1816 (Gochman 1991). Những dữ liệu này đã giúp cho Bremer (1992) cũng như Maoz & Russett (1992) và những nhà nghiên cứu khác có thể kiểm soát được tác động của vị trí địa lý đến tỉ lệ chiến tranh giữa các cặp quốc gia mà vẫn đánh giá được tác động yếu tố chế độ chính trị. Những phân tích từ các nhà nghiên cứu trên đã chứng minh được những suy đoán của Small & Singer (1976) về tác động của sự gần gũi về địa lý đến mối quan hệ giữa yếu tố chế độ chính trị và khả năng tham gia xung đột là sai lầm. Dựa vào dữ liệu về khoảng cách giữa các quốc gia, Gleditsch (1995) đã chứng minh được một cách thuyết phục rằng, trong lịch sử, khoảng cách giữa các quốc gia dân chủ không cách xa nhau một cách đáng kể so với khoảng cách giữa các cặp quốc gia không cùng theo chế độ dân chủ.
…..
Các phản biện đối với bằng chứng ủng hộ lập luận hòa bình nhờ dân chủ
Cơ sở lý thuyết cho lập luận hòa bình nhờ dân chủ
Kết luận
Tài liệu tham khảo
Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Dan chu co dem lai hoa binh hay khong.pdf