#4 – Có hay không một logic trường tồn về xung đột trong chính trị quốc tế?

Print Friendly, PDF & Email

110502_wg

Nguồn: Nye, Joseph S., “Is There an Enduring Logic of Conflict in World Politics?” (Chapter 1), in Understanding International Conflicts (New York: Longman, 2007), pp. 1-32.

Biên dịch: Hoàng Cẩm Thanh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Understanding International Conflicts

Trái đất đang nhỏ lại. Thế kỷ 17, con tàu trứ danh Mayflower phải mất đến ba tháng mới vượt được Đại Tây Dương.  Năm 1924, chuyến bay của Charles Lindbergh chỉ mất có 24 giờ. Năm mươi năm sau, một chiếc máy bay Concorde sẽ vượt biển trong vòng 3 giờ đồng hồ còn tên lửa đạn đạo chỉ tốn 30 phút. Giá vé của một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương những năm đầu thế kỷ 21 chỉ bằng một phần ba giá vé của năm 1950, và cước phí của một cuộc điện thoại từ New York đến Luân Đôn giờ đây chỉ bằng một phần nhỏ so với thập niên 1950.

Thông tin qua mạng internet toàn cầu dường như là tức thì và chi phí truyền tải thông tin hầu như không đáng kể. Một nhà hoạt động môi trường ở Châu Á hay một nhà hoạt động nhân quyền ở Châu Phi ngày nay có được sức mạnh to lớn của thông tin mà trước đây vốn chỉ thuộc về những tổ chức lớn như các chính phủ hay các công ty xuyên quốc gia. Ở một khía cạnh đáng buồn hơn, sự phát triển vũ khí nguyên tử lại bổ sung một bộ mặt mới cho các cuộc chiến tranh. Có nhà văn đã gọi nó là kẻ mang lại “cái chết kép”, nghĩa là không chỉ từng cá nhân chết trong chiến tranh mà trong những trường hợp nhất định, toàn bộ nhân loại có thể bị đe doạ diệt vong. Và như những cuộc tấn công khủng bố vào New York và Washington tháng 9/2001 cho thấy, công nghệ đã mang lại cho các chủ thể phi quốc gia thứ quyền năng hủy diệt mà trước đây chỉ thuộc về các chính phủ. Và do hiệu ứng của không gian bị thu hẹp, những điều kiện ở một đất nước nghèo nàn xa xôi như Afghanistan bỗng nhiên trở nên gắn bó mật thiết với Châu Âu.

Thế nhưng có nhiều điều trong chính trị quốc tế vẫn không hề thay đổi qua thời gian. Những mô tả của Thucydides về cuộc chiến giữa thành Athens và Sparta trong cuộc chiến Peloponnese cách đây 2,500 năm mang nhiều nét tương đồng đến lạ kỳ với cuộc xung đột Trung Đông kể từ năm 1947. Thế giới đầu thế kỷ 21 là một món cocktail pha trộn giữa sự tiếp nối và thay đổi. Một số khía cạnh của chính trị quốc tế vẫn giữ nguyên như thời Thucydides. Chính trị quốc tế vẫn đi kèm với một lôgic nhất định liên quan đến sự thù địch lẫn nhau và thế lưỡng nan về an ninh của các quốc gia. Liên minh, cân bằng quyền lực và những lựa chọn chính sách giữa chiến tranh và thỏa hiệp vẫn không thay đổi dù khoảng cách thời gian được đo bằng thiên niên kỷ.

Mặt khác, Thucydides không bao giờ phải lo lắng về vũ khí nguyên tử, HIV/AIDS, hay tình trạng ấm lên toàn cầu. Nhiệm vụ của những người nghiên cứu quan hệ quốc tế là phát triển học thuật dựa vào quá khứ nhưng không mắc bẫy quá khứ, ngõ hầu hiểu được sự tiếp nối cũng như những thay đổi. Chúng ta phải nghiên cứu những học thuyết truyền thống và điều chỉnh cho phù hợp với các điều kiện hiện tại. Các chương đầu của cuốn sách này sẽ cung cấp cho bạn đọc bối cảnh lịch sử và lý thuyết diễn ra các hiện tượng cách mạng thông tin, toàn cầu hóa, phụ thuộc lẫn nhau, và các chủ thể xuyên quốc gia, những vấn đề sẽ được thảo luận trong các chương sau. Dựa trên trải nghiệm của bản thân về quản lý chính quyền, tôi nhận thấy không thể bỏ qua các khía cạnh mới cũng như cũ của chính trị quốc tế.

Có một cách để thay đổi nền chính trị quốc tế, đó là xoá bỏ hoàn toàn các nhà nước riêng lẻ, nhưng viễn cảnh về một chính phủ toàn cầu vẫn còn xa vời. Và trong khi các chủ thể phi quốc gia như các công ty xuyên quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm khủng bố mang lại cho các chính phủ những thách thức mới, bản thân chúng không thay thế được các quốc gia. Các dân tộc khác nhau đang sống ở gần 200 quốc gia khác nhau trên thế giới đều mong muốn độc lập, bản sắc văn hoá và ngôn ngữ riêng biệt. Thực tế hiện nay là thay vì biến mất, chủ nghĩa dân tộc và yêu cầu độc lập cho từng quốc gia riêng lẻ ngày càng tăng lên. Thay vì có ít quốc gia hơn, thế kỷ mới hiện nay nhiều khả năng sẽ chứng kiến sự ra đời thêm nhiều quốc gia mới. Chính phủ toàn cầu cũng không tự động giải quyết được vấn đề chiến tranh. Hầu hết các cuộc chiến tranh hiện nay là chiến tranh sắc tộc hoặc nội chiến. Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1989 đến cuối thế kỷ 20 đã có 111 cuộc xung đột vũ trang xảy ra ở 74 khu vực trên thế giới. Trong đó 7 cuộc xung đột là giữa các quốc gia và 9 cuộc chiến diễn ra trong nội bộ quốc gia nhưng có sự can thiệp từ bên ngoài.[1] Thực tế thì những cuộc chiến tranh đẫm máu nhất của thế kỷ 19 không phải là giữa các quốc gia thường hay gây hấn ở Châu Âu mà chính là cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Quốc và cuộc nội chiến Mỹ. Chúng ta sẽ tiếp tục sống trong một thế giới với các cộng đồng đối địch cùng các quốc gia riêng biệt trong một khoảng thời gian nữa, và hiểu được ý nghĩa của thực tế này đối với tương lai của chúng ta là một điều hết sức quan trọng.

CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ LÀ GÌ?

Thế giới không phải lúc nào cũng được chia thành một hệ thống các quốc gia riêng biệt. Trải qua nhiều thế kỷ nền chính trị thế giới đã trải qua ba hình thức cơ bản. Trong một hệ thống đế quốc thế giới, một chính phủ sẽ cai trị hầu hết phần thế giới còn lại mà nó có quan hệ. Thế giới phương Tây với sự cai trị của Đế chế La Mã là ví dụ điển hình nhất cho hệ thống này. Người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16 rồi đến người Pháp vào thế kỷ 17 đã nỗ lực để có được vị thế quyền lực tương tự song đã thất bại. Vào thế kỷ 19, Đế chế Anh bành trướng khắp thế giới, nhưng chính nước Anh cũng phải chia sẻ quyền lực với các quốc gia hùng mạnh khác thời bấy giờ. Những đế chế của thế giới cổ đại như Sumer, Ba Tư hay Trung Hoa thực chất chỉ là các đế chế khu vực. Họ nghĩ rằng họ cai trị toàn thế giới nhưng thực chất họ tránh được xung đột với các đế chế khác là vì tình trạng thiếu thông tin. Các cuộc chiến của họ với những man tộc ở ngoại biên không giống như các cuộc chiến giữa những quốc gia hùng mạnh ngang sức nhau.

Dạng thức cơ bản thứ hai của chính trị thế giới là hệ thống phong kiến, nơi mà lòng trung thành và các nghĩa vụ chính trị không bị các biên giới lãnh thổ giới hạn. Sau khi Đế chế La Mã sụp đổ, chế độ phong kiến trở nên rất phổ biến ở Châu Âu. Mỗi thần dân không chỉ có nghĩa vụ với địa chủ nơi mình sinh sống mà đôi khi còn phải thực hiện nghĩa vụ của mình với một nhà quý tộc hay giám mục ở một nơi xa xôi nào đó cũng như Giáo hoàng ở La Mã. Bổn phận về mặt chính trị được quyết định phần lớn bởi những điều xảy ra với bề trên của họ. Nếu một ông hoàng bà chúa nào đó kết hôn thì một khu vực và cư dân tại đó có thể bị thay đổi bổn phận chính trị khi vùng đất của họ trở thành của hồi môn cho đám cưới. Những người dân ở một thành thị nước Pháp có thể bỗng chốc biến thành người xứ Flander hay thậm chí là người Anh. Các thành thị hoặc liên minh thành thị đôi khi được hưởng quy chế bán độc lập đặc biệt. Các cuộc chiến hỗn mang thời phong kiến khác xa với các cuộc chiến xâm lược lãnh thổ thời hiện đại. Chiến tranh có thể xảy ra bên trong cũng như giữa các vùng lãnh thổ với nhau và bắt nguồn từ những xung đột cũng như vấn đề lòng trung thành chồng chéo không hề dính dáng gì đến biên giới lãnh thổ như đã nói ở trên.

Dạng thức thứ ba của nền chính trị quốc tế là hệ thống vô chính phủ các quốc gia bao gồm những quốc gia tương đối gắn kết với nhau nhưng không có một chính phủ nào đứng cao hơn họ. Các ví dụ có thể kể đến gồm các thành bang Hy Lạp cổ đại và hay nước Ý của Machiavelli thời thế kỷ 16. Một ví dụ khác về hệ thống vô chính phủ là các quốc gia phong kiến thuộc các vương triều nơi mà tính liên kết của quốc gia dựa trên sự cai trị của một dòng họ. Ví dụ này có thể thấy ở Ấn Độ hay Trung Quốc vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Các vương triều có lãnh thổ lớn tái xuất hiện tại châu Âu những năm 1500, và các hình thái chính thể khác như các thành bang hay các liên minh lỏng lẻo giữa các vùng lãnh thổ đã dần biến mất. Năm 1648 Hoà ước Westphalia đã chấm dứt Chiến tranh Ba mươi năm ở Châu Âu, và cuộc chiến này thường được coi là cuộc chiến tranh tôn giáo lớn cuối cùng và là cuộc chiến đầu tiên giữa các quốc gia hiện đại. Có thể thấy Hòa ước Westphalia đã ghi nhận việc các quốc gia có chủ quyền lãnh thổ trở thành hình thức chủ đạo trong tổ chức chính trị quốc tế.

Vì vậy ngày nay khi nói về chính trị quốc tế, chúng ta thường hiểu đó chính là hệ thống các quốc gia có lãnh thổ, và chúng ta định nghĩa chính trị quốc tế là chính trị giữa các thực thể thiếu vắng chủ quyền tối cao, tức không có quyền lực nào đứng trên chủ quyền của các quốc gia. Chính trị quốc tế là một hệ thống tự lực. Thomas Hobbes, nhà triết học người Anh thế kỷ 17, gọi các hệ thống vô chính phủ như vậy là “trạng thái tự nhiên.” Đối với một số người, cụm từ “trạng thái tự nhiên” có thể gợi nhớ đến khung cảnh một đàn bò thảnh thơi gặm cỏ trên một nông trại, nhưng đó không phải là điều mà Hobbes muốn nói. Chúng ta hãy thử tưởng tượng về một thị trấn vùng Texas vắng bóng cảnh sát trưởng trong thời kỳ miền Tây hoang dã, hay Libăng sau khi chính phủ sụp đổ vào những năm 1970, hoặc Somalia trong những năm 1990. “Trạng thái tự nhiên” mà Hobbes nói đến không phải là trạng thái dễ chịu, thanh bình mà là trạng thái chiến tranh hỗn mang tất cả chống lại tất cả do không có một chính phủ nào cao hơn để giữ gìn trật tự. Như câu nói nổi tiếng của Hobbes, cuộc sống trong một thế giới như vậy có khuynh hướng ngắn ngủi và đầy rẫy những điều xấu xa, tàn bạo và độc ác.

Kết quả là tồn tại những khác biệt về chính trị, luật pháp và xã hội giữa chính trị quốc tế và chính trị trong nước. Luật pháp trong nước thường được chấp hành, những kẻ vi phạm pháp luật sẽ bị cảnh sát và toà án trừng trị. Pháp luật quốc tế lại hoàn toàn khác. Pháp luật quốc tế dựa trên các hệ thống pháp luật cạnh tranh lẫn nhau, lại không hề có cơ quan thực thi pháp luật chung; cũng không tồn tại một lực lượng cảnh sát quốc tế nhằm đảm bảo thực thi pháp luật quốc tế.

Vũ lực giữ những vai trò khác nhau trong nền chính trị trong nước và quốc tế. Trong một hệ thống chính trị trong nước được tổ chức tốt, chính phủ được độc quyền sử dụng vũ lực một cách hợp pháp. Trong chính trị quốc tế, không ai được độc quyền sử dụng vũ lực. Chính trị quốc tế là một lãnh địa của cơ chế tự lực, sẽ có các quốc gia mạnh hơn các quốc gia khác và luôn tiềm ẩn mối đe dọa các quốc gia đó sẽ dùng đến vũ lực. Khi vũ lực không thể bị loại trừ thì hậu quả là sự nghi kỵ và thiếu lòng tin giữa các quốc gia sẽ xuất hiện.

Chính trị trong nước và quốc tế cũng rất khác nhau về vấn đề tinh thần cộng đồng. Trong một xã hội trong nước có trật tự, nhận thức về một cộng đồng chung sẽ tạo điều kiện phát triển lòng trung thành đối với quốc gia, các tiêu chuẩn công lý và các quan niệm chung về chính quyền hợp pháp. Trong chính trị quốc tế, các dân tộc riêng lẻ sẽ không chia sẻ cùng một lòng trung thành. Tinh thần cộng đồng toàn cầu vẫn luôn yếu ớt và lỏng lẻo. Người ta thường bất đồng quan điểm về những gì được coi là công bằng và hợp pháp. Hậu quả là xuất hiện khoảng cách lớn giữa hai giá trị chính trị cơ bản: trật tự và công bằng. Trong một thế giới như vậy, phần lớn các quốc gia đều đặt lợi ích dân tộc lên trên công lý quốc tế. Luật pháp và giá trị đạo đức có vai trò trong chính trị quốc tế, nhưng khi thiếu vắng một ý thức cộng đồng chung, chúng không còn mang giá trị ràng buộc như trong nền chính trị trong nước.

Trong ba hệ thống cơ bản trên – hệ thống đế quốc thế giới, hệ thống phong kiến và hệ thống vô chính phủ các quốc gia – một số người dự đoán rằng thế kỷ 21 có thể sẽ chứng kiến sự phát triển dần dần của một chế độ phong kiến mới hoặc, ít khả năng hơn, là một đế chế toàn cầu của Mỹ. Chúng ta sẽ xem xét các câu hỏi này ở chương cuối cùng.

Hai quan điểm về nền chính trị vô chính phủ

Chính trị quốc tế mang tính chất vô chính phủ theo nghĩa rằng không có một bộ máy cai trị nào đứng trên các quốc gia có chủ quyền. Nhưng ngay trong lý luận chính trị vẫn có hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về mức độ khắc nghiệt của “trạng thái tự nhiên.” Hobbes, người cho ra đời những tác phẩm của mình ở một nước Anh bị nội chiến tàn phá của thế kỷ 17, đã nhấn mạnh khía cạnh mất an ninh, vũ lực và sự sống còn. Ông cho rằng nhân loại luôn nằm trong tình trạng chiến tranh liên miên. Nửa thế kỷ sau, John Locke, người viết ra các tác phẩm của mình ở một nước Anh ổn định hơn, lại lập luận rằng dù cho “tình trạng tự nhiên” thiếu một lực lượng cai trị chung thì con người vẫn có thể phát triển các mối quan hệ và các khế ước, qua đó giúp cho tình trạng vô chính phủ trở nên bớt nguy hiểm hơn. Hai cách nhìn về “trạng thái tự nhiên” này chính là xuất phát điểm triết học của hai quan điểm hiện tại về chính trị quốc tế, một trường phái bi quan và một trường phái lạc quan hơn, đó chính là chủ nghĩa hiện thựcchủ nghĩa tự do trong chính trị quốc tế.

Đến nay, chủ nghĩa hiện thực vẫn là trường phái áp đảo trong chính trị quốc tế. Với những người theo trường phái này, vấn đề trung tâm của chính trị quốc tế là chiến tranh, sử dụng vũ lực và chủ thể trung tâm là các quốc gia. Chủ nghĩa hiện thực được thể hiện trong các tác phẩm và chính sách của các nhà lãnh đạo Mỹ hiện đại như Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng trong chính quyền của ông là Henry Kissinger. Chủ nghĩa hiện thực bắt đầu từ giả định về hệ thống vô chính phủ của các quốc gia. Chẳng hạn như Kissinger và Nixon tìm cách tối đa hoá sức mạnh của Mỹ và tối thiểu hoá khả năng các quốc gia khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh của Mỹ. Theo các nhà hiện thực, sự bắt đầu và kết thúc của chính trị quốc tế chính là mỗi quốc gia trong sự tương tác với các quốc gia khác.

Lý thuyết truyền thống thứ hai là chủ nghĩa tự do. Trong tư tưởng triết học chính trị phương Tây, lý thuyết này gắn với những tên tuổi như Nam tước Montesquieu của Pháp và Immanuel Kant của Đức vào thế kỷ 18, và các nhà triết học Anh thế kỷ 19 như Jeremy Bentham và John Stuart Mill. Một ví dụ về chủ nghĩa tự do ở nước Mỹ hiện đại chính là các tác phẩm và chính sách của nhà chính trị học và cũng là Tổng thống thứ 28 của Mỹ Woodrow Wilson.

Những người theo chủ nghĩa tự do coi thế giới như một xã hội toàn cầu vận hành song song với các quốc gia và tạo nên một phần bối cảnh hoạt động cho chính các quốc gia đó. Thương mại vượt qua biên giới các quốc gia, người dân sẽ giao lưu với nhau (như các sinh viên đi du học ở nước ngoài), các thể chế quốc tế như Liên Hợp Quốc tạo ra một bối cảnh mà ở đó cách nhìn của chủ nghĩa hiện thực về tình trạng vô chính phủ thuần túy trở nên phiến diện. Các nhà tự do chỉ trích các nhà hiện thực khi coi các quốc gia chỉ như những viên bóng bi-a va vào nhau trên bàn nhằm cân bằng quyền lực, và cho rằng quan điểm này chưa đầy đủ vì con người thực sự có những mối quan hệ xuyên biên giới và tồn tại một xã hội quốc tế. Phái tự do cho rằng phái hiện thực đã trầm trọng hoá sự khác biệt giữa chính trị trong nước và chính trị quốc tế. Do bức tranh về tình trạng “vô chính phủ” của trường phái hiện thực như Hobbes mô tả là “tình trạng chiến tranh” chỉ tập trung vào một số tình huống cực đoan nên trong quan điểm của các nhà tự do, bức tranh đó thiếu đi hình ảnh sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng cũng như sự tiến hóa của một xã hội toàn cầu xuyên quốc gia.

Phái hiện thực đáp lại bằng cách trích dẫn lời Hobbes: “Cũng như trời âm u không có nghĩa là sẽ mưa mãi mãi, trạng thái chiến tranh không đồng nghĩa với chiến tranh liên miên”.[2] Giống như những người dân Luân Đôn luôn mang theo ô kể cả trong những ngày nắng nóng tháng Tư, nguy cơ nổ ra chiến tranh trong một hệ thống vô chính phủ khiến các quốc gia phải luôn duy trì lực lượng vũ trang ngay cả trong thời bình. Các nhà hiện thực cũng chỉ trích những dự đoán sai lệch của phái tự do trước đây. Ví dụ, năm 1910, vị hiệu trưởng trường Đại học Standford đã nói rằng chiến tranh trong tương lai không còn có thể xảy ra vì các quốc gia không thể kham nổi chi phí. Các cuốn sách lúc bấy giờ tuyên bố chiến tranh đã là dĩ vãng, văn minh đã vượt lên trên chiến tranh. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, mối quan hệ giữa các công đoàn và tầng lớp trí thức, cũng như dòng lưu chuyển vốn đã biến chiến tranh thành điều không thể. Tất nhiên, những dự đoán đó đã thất bại thảm hại trong năm 1914 khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra. Những người thuộc phái hiện thực thấy mình như được minh oan.

1910: “BÓNG MA CÀ RỒNG VÔ HÌNH” CỦA CHIẾN TRANH
Nếu không có lý do nào khác để kết thúc chiến tranh, tổn thất về tài chính mà chiến tranh gây ra sớm hay muộn cũng sẽ khiến các quốc gia văn minh của thế giới thức tỉnh. Như hiệu trưởng David Starr Jordan của Viện Đại học Leland Stanford phát biểu tại Đại học Tufts: “Trong tương lai, chiến tranh không thể xảy ra bởi các quốc gia không đủ chi phí để tiến hành chiến tranh.” Ông nói thêm, ở Châu Âu, khoản nợ nần do chiến tranh để lại là 26 tỷ đô la. “Tất cả đều mắc nợ một con ma cà rồng vô hình, các quốc gia sẽ không bao giờ trả hết được, còn người nghèo sẽ phải đóng thuế cho con ma cà rồng ấy đến 95 triệu đô la một năm.” Gánh nặng về quân sự trong thời bình đang vắt kiệt sức mạnh của ngay cả những quốc gia hàng đầu vốn đã ngập chìm trong nợ nần. Hậu quả tất yếu của một cuộc chiến tranh lớn là tình trạng phá sản tràn lan.

– Thế giới New York[3]

Lịch sử và các cuộc tranh cãi vẫn chưa dừng lại vào năm 1914. Thập kỷ 1970 lại chứng kiến sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa tự do với quan điểm cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng về mặt xã hội và kinh tế đang thay đổi bản chất của chính trị quốc tế. Thập kỷ 1980, giáo sư Richard Rosecrance của Đại học California cho rằng các quốc gia có thể gia tăng sức mạnh bằng hai cách: tranh giành chiếm giữ lãnh thổ hoặc thông qua thương mại một cách hoà bình. Ông sử dụng trường hợp của Nhật Bản như một ví dụ: Những năm 1930, Nhật Bản thử nghiệm việc chinh phục mở rộng lãnh thổ, song đã phải trả giá bằng thất bại thảm hại trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nhưng sau đó, Nhật Bản đã sử dụng thương mại và đầu tư để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (tính bằng tỉ giá hối đoái chính thức), và là một cường quốc hàng đầu ở Đông Á. Sự thành công của Nhật Bản không nhờ đến bất cứ một sức mạnh quân sự nào. Vì vậy, Rosecrance và những người theo chủ nghĩa tự do hiện đại cho rằng bản chất của nền chính trị quốc tế đang thay đổi.

Một số nhà tân tự do lại nhìn xa hơn về tương lai và tin rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về sinh thái đang gia tăng mạnh mẽ sẽ làm lu mờ dần sự khác biệt giữa chính trị trong nước và chính trị quốc tế, khiến loài người dần tiến đến một thế giới không biên giới. Chẳng hạn như lỗ thủng tầng ozone trên thượng tầng khí quyển gây nguy cơ ung thư da ảnh hưởng tới tất cả mọi người bất kể họ đang ở đâu. Nếu khí CO2 tích tụ làm trái đất nóng dần lên khiến băng ở hai cực tan chảy và mực nước biển dâng cao thì tất cả các quốc gia ven biển đều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những vấn đề như bệnh AIDS, nạn buôn lậu ma tuý xuyên biên giới khiến chúng ta dường như đang hướng tới một thế giới hoàn toàn khác. Giáo sư Richard Falk của Đại học Princeton cho rằng các vấn đề và giá trị xuyên quốc gia sẽ thay đổi hiện trạng lấy quốc gia làm trung tâm của nền chính trị quốc tế vốn đã tồn tại trong hơn 400 năm qua. Các lực lượng xuyên quốc gia hiện đang làm xói mòn Hòa ước Westphalia và loài người đang tiến tới một hình thái chính trị quốc tế hoàn toàn mới.

Phản ứng với quan điểm trên phái hiện thực phát biểu vào năm 1990 rằng: “Hãy đem những điều ấy mà nói với Saddam Hussein!” Iraq đã cho thấy vũ lực và chiến tranh vẫn luôn là mối nguy hiểm thường trực khi Iraq xâm lược nước láng giềng nhỏ bé của họ là Kuwait. Phái tự do đáp lại bằng cách cho rằng chính trị ở Trung Đông là một trường hợp ngoại lệ. Họ cho rằng thế giới đang dần vượt qua tình trạng vô chính phủ của hệ thống các quốc gia chủ quyền. Những quan điểm trái ngược nhau về bản chất của nền chính trị thế giới và về việc nó đang thay đổi thế nào sẽ không thể được dung hoà trong một sớm một chiều. Phái hiện thực nhấn mạnh sự tiếp nối; phái tự do lại nhấn mạnh sự thay đổi. Cả hai cùng khẳng định thực trạng chính trị thế giới theo quan điểm của mình. Trường phái tự do gọi các nhà hiện thực là những kẻ hoài nghi khi sự hoài vọng về quá khứ khiến họ bưng mắt trước các thay đổi. Trong khi đó phái hiện thực lại coi những người theo chủ nghĩa tự do là những kẻ mộng du không tưởng và gọi họ là những kẻ bị ám ảnh bởi toàn cầu hoá chẳng giống ai.

Ai đúng ai sai? Cả hai đều đúng và đều sai. Một câu trả lời rõ ràng sẽ không tồi, nhưng câu trả đó sẽ hoặc không chính xác hoặc không còn thú vị nữa. Sự đan xen giữa tính tiếp nối và sự thay đổi đặc trưng của thế giới ngày nay khiến chúng ta khó có thể đưa ra một cách giải thích toàn diện mà đơn giản.

Sự vận hành của nền chính trị quốc không phải là những chuyển động vật lý cứng nhắc mà phụ thuộc vào hành vi ứng xử luôn thay đổi của con người, thế nên nó không có những học thuyết chính xác tuyệt đối. Hơn nữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do không phải là những cách tiếp cận duy nhất đối với chính trị quốc tế. Trong phần lớn thế kỷ qua, chủ nghĩa Marx với các dự đoán về xung đột giai cấp và chiến tranh gây nên bởi các vấn đề giữa các nước tư bản chủ nghĩa với nhau đã từng thuyết phục được rất nhiều người. Tuy nhiên, ngay cả trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, chủ nghĩa Marx đã tụt lại phía sau trong cuộc đua với các học thuyết khác khi không thể lý giải vì sao các quốc gia tư bản chủ chốt lại chung sống hoà bình trong khi lại nổ ra chiến tranh giữa các nước cộng sản với nhau. Vào khoảng những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, thuyết phụ thuộc trở nên phổ biến. Thuyết này dự đoán rằng những quốc gia giàu có ở “vùng lõi” của thị trường toàn cầu sẽ kiểm soát và kìm hãm sự phát triển của các quốc gia nghèo hơn nằm ở vùng “ngoại vi”. Dù giúp làm sáng tỏ một vài nguyên nhân về cấu trúc của tình trạng bất bình đẳng kinh tế nhưng thuyết phụ thuộc lại gặp thất bại và mất uy tín khi không thể giải thích được tại sao trong những thập kỷ 1980 và 1990 tiếp theo, các nước ngoại vi ở khu vực Đông Á như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia lại phát triển nhanh hơn nhiều so với các nước ở vùng lõi như Mỹ và Châu Âu. Sự thất bại của học thuyết này còn trở nên rõ ràng hơn khi Fernando Herique Cardoso, một học giả hàng đầu ủng hộ học thuyết này trong những năm 1970, cũng đã áp dụng các chính sách của chủ nghĩa tự do nhằm gia tăng phụ thuộc vào thị trường toàn cầu sau khi ông đắc cử tổng thống Brazil trong những năm 1990.

Vào thập niên 1980 các nhà phân tích của cả hai trường phái hiện thực và tự do đều nỗ lực tìm kiếm các học thuyết mang tính diễn dịch tương tự như các học thuyết của kinh tế vi mô. Trường phái tân hiện thực với đại diện tiêu biểu là Kenneth Waltz và trường phái tân tự do với đại diện là Robert Keohane đã phát triển các mô hình nhà nước dựa trên cấu trúc với vai trò là những chủ thể duy lý bị hệ thống quốc tế chi phối. Các nhà tân hiện thực và tân tự do giúp các học thuyết trở nên đơn giản và dễ hiểu hơn, nhưng lại đánh mất hầu hết tính chất phức tạp phong phú của thuyết hiện thực và tự do cổ điển. “Tới cuối thập niên 1980, các tranh luận về lý thuyết quan hệ quốc tế đã bị co lại thành những tranh cãi tương đối hẹp trong phạm vi liên quan tới mô hình quan hệ quốc tế lấy các quốc gia duy lý làm trung tâm.”[4]

Gần đây hơn, một nhóm các nhà nghiên cứu đa dạng theo đuổi một học thuyết có tên gọi chủ nghĩa kiến tạo đã lập luận rằng chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do đều không thể giải thích một cách đầy đủ những thay đổi trong dài hạn của chính trị thế giới. Trường phái kiến tạo nhấn mạnh tầm quan trọng của các ý tưởng và văn hoá trong việc hình thành thực trạng cũng như cuộc tranh luận về chính trị quốc tế. Họ nhấn mạnh rằng lợi ích luôn mang tính chủ quan và có mối liên hệ với các bản sắc luôn thay đổi. Mặc dù trường phái kiến tạo cũng chia thành nhiều quan điểm nhưng nhìn chung họ đều đồng tình rằng hai lý thuyết chính (hiện thực và tự do) đều không thể phác thảo bức tranh trung thực của thế giới và cho rằng chúng ta không chỉ cần biết được mọi thứ như thế nào mà còn cần hiểu được làm thế nào mà chúng lại trở nên như vậy. Các nhà nghiên cứu theo trường phái kiến tạo tập trung nghiên cứu các vấn đề quan trọng về bản sắc, các chuẩn tắc, văn hoá, lợi ích quốc gia và quản trị toàn cầu.[5] Họ tin rằng lợi ích vật chất không phải là động lực duy nhất thúc đẩy hành vi của các nhà lãnh đạo và con người nói chung mà hành vi của con người còn bị chi phối bởi nhận thức về bản sắc, đạo đức và những gì một xã hội hay nền văn hoá cho là phù hợp. Và những chuẩn tắc này thay đổi theo thời gian.

Các nhà nghiên cứu thuộc trường phái tân hiện thực và tân tự do đã bỏ qua chi tiết là các quốc gia thay đổi mục tiêu của mình theo thời gian. Trường phái kiến tạo dựa vào những lĩnh vực và ngành học khác nhau để nghiên cứu quá trình các nhà lãnh đạo, người dân và các nền văn hoá khác nhau thay đổi các ưu tiên, định hình bản sắc và tiếp thu các hành vi mới ra sao. Chẳng hạn như chế độ nô lệ vào thế kỷ 19 và chính sách phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đều từng được hầu hết các quốc gia chấp nhận, nhưng sau đó chúng lại bị kịch liệt phản đối. Câu hỏi mà các nhà kiến tạo đặt ra là: vì sao thay đổi? Các ý tưởng có vai trò gì? Liệu một ngày nào đó trong tương lai hành vi chiến tranh có bị thay đổi như vậy hay không? Còn khái niệm chủ quyền quốc gia-dân tộc sẽ ra sao? Thế giới tồn tại rất nhiều thực thể chính trị chẳng hạn như các bộ lạc, các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ. Quốc gia có chủ quyền mới trở thành khái niệm phổ biến trong một vài thế kỷ gần đây. Trường phái kiến tạo cho rằng các khái niệm như quốc gia và chủ quyền có ý nghĩa trong các học thuyết và cuộc sống chúng ta chỉ là những khái niệm được kiến tạo qua tương tác xã hội chứ không phải là các thực tế sẵn có và tồn tại vĩnh viễn. Những người theo trường phái kiến tạo vị nữ lại cho rằng giới tính ảnh hưởng mạnh đến ngôn ngữ và hình ảnh của chiến tranh trong vai trò là công cụ chủ chốt của nền chính trị thế giới.

Chúng ta nên xem chủ nghĩa kiến tạo là một cách tiếp cận hơn là một học thuyết. Cách tiếp cận này mang lại những phê bình hữu ích cũng như những bổ sung quan trọng đối với hai học thuyết chính là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do. Mặc dù đôi khi có kết cấu lỏng lẻo và thiếu khả năng dự báo nhưng cách tiếp cận của chủ nghĩa kiến tạo lại giúp ta nhớ đến những yếu tố mà hai học thuyết chính thường bỏ qua. Như chúng ta sẽ thấy trong các chương kế tiếp, một điều quan trọng là cần xem xét không chỉ tính duy lý trong việc theo đuổi các mục tiêu hiện tại mà còn phải tìm hiểu cách các thay đổi về bản sắc và lợi ích có thể dẫn đến những biến chuyển khó nhận biết trong chính sách quốc gia và đôi khi cả thay đổi sâu sắc trong các vấn đề quốc tế như thế nào. Trường phái kiến tạo giúp chúng ta tìm hiểu những ưu tiên được định hình như thế nào, kiến thức và hiểu biết hình thành ra sao trước khi tiến hành các lựa chọn duy lý. Theo nghĩa đó, chủ nghĩa kiến tạo bổ sung cho hai trường phái trên hơn là phản bác chúng. Chúng ta sẽ làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến việc thấu hiểu các thay đổi mang tính dài hạn trong chương sau đồng thời sẽ quay lại vấn đề này ở chương cuối.

Trong khoảng thời gian ở Washington giúp hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ trong vai trò trợ lý bộ trưởng ở Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc, tôi nhận thấy rằng bản thân mình cùng chịu ảnh hưởng từ cả ba dòng tư tưởng: chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo. Tôi thấy chúng đều rất hữu ích, dù theo các cách khác nhau và còn tùy thuộc vào từng trường hợp. Đôi khi những người sống thực tế sẽ tự hỏi là tại sao chúng ta phải bận tâm về các học thuyết này làm gì? Câu trả lời là: lý thuyết như tấm bản đồ chỉ dẫn giúp chúng ta tìm đường ở những nơi xa lạ. Chúng ta sẽ bị lạc nếu không có chúng. Thậm chí khi chúng ta cho rằng chúng ta chỉ đang hành động theo tư duy thông thường thì thực tế vẫn có một lý thuyết nào đó đang âm thầm định hướng cho hành vi của chúng ta. Thường thì chúng ta không biết hay nhanh chóng quên mất đó là lý thuyết gì mà thôi. Nếu hiểu biết đầy đủ về các lý thuyết đang định hướng cho chúng ta thì chúng ta sẽ hiểu rõ hơn được ưu khuyết điểm của chúng và thời điểm tốt nhất để vận dụng chúng. Giống như nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes từng nói những người thực tế vốn hay tự cho mình là sống không cần các lý thuyết thì thực ra lại thường hành động theo lời của một ai đó trong quá khứ mà họ không còn nhớ tên.[6]

Các nhân tố cấu thành quan hệ quốc tế

Các chủ thể, mục tiêucông cụ là ba khái niệm cơ bản trong lí thuyết về chính trị quốc tế, nhưng cả ba khái niệm này cũng đang thay đổi. Theo quan điểm truyền thống của chủ nghĩa hiện thực, “chủ thể” quan trọng duy nhất chính là các quốc gia và chỉ có những quốc gia lớn mới thực sự đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi. Số lượng các quốc gia đã tăng mạnh trong nửa thế kỷ qua: Năm 1945 chỉ có khoảng 50 quốc gia trên thế giới; nhưng đến đầu thế kỷ 21, con số này đã gấp bốn lần và sẽ còn những quốc gia mới tiếp tục ra đời. Điều quan trọng hơn cả số lượng các quốc gia chính là sự gia tăng của các chủ thể phi quốc gia. Ngày nay các công ty đa quốc gia hoạt động xuyên các biên giới lãnh thổ và đôi khi kiểm soát các nguồn lực kinh tế thậm chí còn lớn hơn sức mạnh kinh tế của rất nhiều quốc gia (Xem Bảng 1.1). Ít nhất 12 công ty xuyên quốc gia có doanh thu hàng năm lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quá nửa số các quốc gia trên thế giới.[7] Doanh số của của một tập đoàn như IBM, Shell hoặc Walmart còn lớn hơn GDP của các nước như Hungary, Ecuador và Senegal. Dù các công ty đa quốc gia này không có những dạng sức mạnh như sức mạnh quân sự, nhưng chúng lại có ảnh hưởng to lớn đối với mục tiêu kinh tế của các quốc gia. Xét về mặt kinh tế, đối với Bỉ, IBM còn quan trọng hơn nhiều so với Burundi – một thuộc địa cũ của Bỉ.

BẢNG 1.1 Doanh thu năm 2004 của một số công ty đa quốc gia (tính bằng đô la Mỹ)

Wal-Mart (Mỹ)

288 tỉ

Royal Dutch Shell (Anh/ Hà Lan)

269 tỉ

General Motors (Mỹ)

194 tỉ

DaimlerChrysler (Đức/ Mỹ)

177 tỉ

Toyota (Nhật)

173 tỉ

General Electric (Mỹ)

153 tỉ

Total (Pháp)

153 tỉ

IBM (Mỹ)

96 tỉ

Siemens (Đức)

92 tỉ

Nestlé (Thụy Sĩ)

70 tỉ

Sony (Nhật)

67 tỉ

Nguồn: “The Fortune Global 500,” Fortune.

Thật không thể tưởng tượng được bức tranh Trung Đông nếu không có các quốc gia gây chiến với nhau cũng như sự tham gia của các cường quốc bên ngoài; nhưng cũng sẽ là một thiếu sót lớn nếu hình ảnh của Trung Đông thiếu vắng các chủ thể phi quốc gia. Các tập đoàn dầu lửa đa quốc gia lớn như Shell, British Petroleum và Exxon Mobil là một dạng chủ thể phi quốc gia. Ngoài ra còn có những chủ thể phi quốc gia khác. Đó là những tổ chức liên chính phủ lớn như Liên Hợp Quốc, hay các tổ chức nhỏ hơn như Liên đoàn Ảrập hay Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Ngoài ra còn có các tổ chức phi chính phủ (NGOs) như Hội Chữ thập Đỏ (Red Cross) và Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International). Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của một loạt các nhóm sắc tộc đa quốc gia như người Kurd sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq hay người Armenia sống rải rác ở Trung Đông và vùng Cápcadơ. Các nhóm khủng bố, các tập đoàn ma túy và băng nhóm mafia hoạt động xuyên biên giới các quốc gia và thường có tài sản ở nhiều nước khác nhau. Các phong trào tôn giáo, đặc biệt các phong trào Hồi giáo mang màu sắc chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi cũng kéo dài thêm danh sách các nhân tố có thể được coi là các chủ thể phi quốc gia.

Vấn đề đặt ra không phải là quốc gia hay các chủ thể phi quốc gia quan trọng hơn – vì thường thì câu trả lời vẫn là các quốc gia – mà vấn đề ở đây là một tập hợp phức tạp mới gồm các chủ thể quốc gia lẫn phi quốc gia như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính trị của một khu vực theo những chiều hướng mà các quan điểm hiện thực truyền thống chưa thể lường hết được. Quốc gia là chủ thể chính trên sân khấu chính trị thế giới hiện đại, nhưng chính họ cũng không có sân khấu của riêng mình.

Vậy còn các mục tiêu thì sao? Theo truyền thống, mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trong hệ thống vô chính phủ là an ninh quân sự. Ngày nay, rõ ràng các quốc gia vẫn quan tâm rất nhiều đến an ninh quân sự, song họ cũng quan tâm không kém đến sự thịnh vượng về kinh tế (Xem Bảng 1.2) và cả các vấn đề xã hội như ngăn chặn nạn buôn lậu ma túy hay sự lây lan của đại dịch AIDS, cũng như các biến đổi về môi trường sinh thái. Hơn nữa, khi các mối đe dọa thay đổi, định nghĩa về an ninh cũng thay đổi. Quốc gia không còn theo đuổi duy nhất một mục tiêu là an ninh quân sự. Khi xem xét mối quan hệ giữa Mỹ và Canađa, nguy cơ chiến tranh giữa hai nước là hầu như không còn, và một nhà ngoại giao Canađa từng phát biểu rằng ông không sợ một ngày nào đó Mỹ sẽ đổ quân sang Canađa chiếm giữ Toronto như Mỹ đã làm năm 1813 mà lo ngại rằng Toronto sẽ bị rối tung bởi một chương trình máy tính được điều khiển từ Texas – một tình huống lưỡng nan về an ninh khác so với tình huống truyền thống mà các quốc gia phải đối mặt trong hệ thống vô chính phủ. Sức mạnh kinh tế không thể thay thế được an ninh chính trị (như Kuwait đã nhận ra khi bị Iraq xâm lược vào tháng 8/1990), nhưng chương trình nghị sự của nền chính trị quốc tế ngày càng trở nên phức tạp hơn vì các quốc gia theo đuổi đồng thời nhiều mục tiêu hơn. Chẳng hạn như ngày nay các vấn đề nhân đạo và nhân quyền trở nên quan trọng hơn, và một số nhà phân tích thích đề cập đến an ninh của từng cá nhân con người hơn so với an ninh của các quốc gia.

BẢNG 1.2 Ước tính GDP năm 2002 của một số quốc gia

(tính bằng đô la Mỹ theo sức mua ngang giá)

Mỹ

11.800 tỉ

Trung Quốc

7.300 tỉ

Nhật Bản

3.800 tỉ

Ấn Độ

3.300 tỉ

Đức

2.400 tỉ

Brazil

1.500 tỉ

Nga

1.400 tỉ

Indonesia

828 tỉ

Nam Phi

491 tỉ

Achentina

484 tỉ

Ảrập Xêut

310 tỉ

Việt Nam

227 tỉ

Guatemala

60 tỉ

Iraq

54 tỉ

Anbani

17 tỉ

Jamaica

11 tỉ

Eritrea

4 tỉ

Nguồn: CIA World Factbook, 2005

Cùng với các mục tiêu, các công cụ của nền chính trị thế giới cũng đang thay đổi. Quan điểm của trường phái hiện thực cho rằng sức mạnh quân sự chính là công cụ duy nhất và quan trọng nhất. Nhà sử học người Anh A.J.P. Taylor khi mô tả thế giới thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã định nghĩa “cường quốc lớn” là quốc gia có thể chiếm thế thượng phong trong một cuộc chiến tranh. Rõ ràng ngày nay các quốc gia vẫn tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự, song nửa thế kỷ qua cho thấy vai trò của quân sự đã có sự thay đổi. Rất nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia lớn, nhận ra rằng sử dụng lực lượng quân sự để đạt được mục tiêu đã trở nên tốn kém hơn rất nhiều so với trước kia. Như giáo sư Stanley Hoffman của Đại học Harvard đã mô tả, mối liên hệ giữa sức mạnh quân sự và những thành công của một quốc gia đã trở nên không còn rõ ràng như trước kia.

Đâu là lý do cho sự thay đổi trên? Thứ nhất, vũ khí nguyên tử – phương tiện tối thượng của sức mạnh quân sự – đã trở nên quá đỗi khủng khiếp. Mặc dù con số vũ khí nguyên tử lên hơn 50.000 nhưng chúng vẫn chưa bao giờ được sử dụng trong các cuộc chiến kể từ năm 1945 đến nay. Cái giá phải trả cho sự tàn phá do vũ khí nguyên tử gây nên quá chênh lệch so với bất cứ mục tiêu chính trị hợp lý nào khiến việc các nhà lãnh đạo không dám sử dụng chúng trở nên không có gì khó hiểu. Nói cách khác, thứ sức mạnh quân sự tối thượng đó trên thực tế là quá đắt đỏ khiến các nhà lãnh đạo không dám sử dụng chúng trong các cuộc chiến.

Ngay cả việc sử dụng vũ khí thông thường để cai trị những người dân sôi sục chủ nghĩa dân tộc cũng trở nên tốn kém hơn trước rất nhiều. Trong thế kỷ 19 các quốc gia Châu Âu chinh phục những vùng đất khác trên thế giới bằng những đội quân được trang bị vũ khí hiện đại và cai quản những vùng đất thuộc địa đó bằng những trại lính khá khiêm tốn. Nhưng trong kỷ nguyên có sự vận động xã hội liên tục của người dân, rất khó để cai trị một đất nước bị chiếm đóng nơi mà cộng đồng người dân ý thức rất rõ về bản sắc dân tộc của họ. Người Mỹ đã thấm thía điều đó trong cuộc chiến tranh Việt Nam những năm 1960 và 1970; và người Liên Xô cũng đã trải nghiệm bài học tương tự trong chiến tranh Afghanistan những năm 1980. Việt Nam và Afghanistan không thể cạnh tranh sức mạnh với các cường quốc hạt nhân, song Mỹ và Liên Xô đều đã phải tốn những chi phí khổng lồ khi cố gắng cai trị những người dân với tinh thần dân tộc mạnh mẽ ở đó. Chủ nghĩa dân tộc khiến cho sự cai trị của ngoại bang trở nên quá tốn kém và đắt đỏ.

Thay đổi thứ ba về vai trò của lực lượng quân sự liên quan đến những ràng buộc từ trong nước. Ý thức chống chủ nghĩa quân phiệt dần phát triển nhất là trong lòng các nước dân chủ. Điều này không hoàn toàn ngăn cản việc sử dụng vũ lực nhưng khiến sử dụng vũ lực trở thành một lựa chọn mạo hiểm về chính trị đối với các nhà lãnh đạo, đặc biệt là khi sử dụng với quy mô lớn và trong thời gian dài. Có ý kiến cho rằng người dân sống trong các nền dân chủ sẽ không chấp nhận thương vong do chiến tranh gây ra nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. Ví dụ, Mỹ dự kiến chấp nhận đến 10.000 trường hợp thương vong khi lên kế hoạch tham gia vào cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, nhưng không chịu chấp nhận thương vong ở Somaliaa và Kosovo, những nơi không liên quan nhiều đến lợi ích quốc gia của họ. Đồng thời nếu việc sử dụng vũ lực bị các nước khác coi là bất hợp pháp và phi lý thì điều này có thể khiến các nhà lãnh đạo trong các xã hội dân chủ phải trả giá đắt. Vũ lực không phải không còn chỗ đứng, và các nhóm khủng bố phi quốc gia không bị vấn đề đạo đức ràng buộc như các quốc gia, nhưng ngày nay đối với hầu hết các quốc gia việc sử dụng vũ lực đã trở nên tốn kém hơn nhiều so với trước đây.

Nguyên nhân cuối cùng cho sự thay đổi vai trò của vũ lực là hàng loạt các vấn đề phát sinh ngày nay không chỉ đơn giản dựa vào các biện pháp vũ lực là giải quyết được. Như trường hợp quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Nhật Bản là một ví dụ. Năm 1853, tàu Commodore Perry của Mỹ đi vào một hải cảng của Nhật và đe doạ sẽ oanh tạc nếu Nhật không mở cửa các cảng cho tàu vào giao thương. Đây không phải là một giải pháp hữu ích và có thể chấp nhận được về mặt chính trị đối với các tranh chấp thương mại hiện tại giữa Nhật và Mỹ. Vì thế, dẫu vẫn là một công cụ quan trọng trong quan hệ quốc tế song vũ lực không phải là công cụ duy nhất. Việc sử dụng các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, truyền thông, các thể chế quốc tế và các chủ thể xuyên quốc gia đôi khi lại đóng vai trò quan trọng hơn so với vũ lực. Vũ lực chưa phải là một công cụ lỗi thời, như chúng ta đã thấy trong cuộc chiến ở Afghanistan, nơi chính quyền Taliban đã dung dưỡng mạng lưới khủng bố tiến hành các cuộc tấn công ngày 11/9/2001 ở Mỹ; hay việc Mỹ và Anh dùng biện pháp quân sự để lật đổ chính quyền Saddam Hussein năm 2003. Thế nhưng vũ lực chỉ giúp chiến thắng chiến tranh chứ chẳng thể đem lại hoà bình cho Iraq, và sức mạnh quân sự cũng không phải là cách duy nhất đủ để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Dù vũ lực vẫn là công cụ tối thượng trong chính trị quốc tế nhưng ngày nay các thay đổi về chi phí và tính hiệu quả của việc sử dụng vũ lực khiến cho nền chính trị quốc tế ngày nay càng trở nên phức tạp hơn.

Tuy nhiên, trò chơi cơ bản về an ninh vẫn tiếp diễn. Một số nhà khoa học chính trị lập luận rằng cân bằng quyền lực thường sẽ do một quốc gia bá quyền hay dẫn đầu quyết định, như Tây Ban Nha vào thế kỷ 16, Pháp dười thời vua Louis XIV, Anh trong phần lớn thế kỷ 19 và Mỹ trong thế kỷ 20. Kết cục thì quốc gia dẫn đầu sẽ bị thách thức và chính thách thức này sẽ dẫn đến những xung đột lớn mà chúng ta gọi là chiến tranh thế giới hay chiến tranh bá quyền. Sau mỗi cuộc chiến tranh thế giới ấy sẽ có một hiệp ước ra đời và đánh dấu một trật tự mới: Hiệp ước Utrecht năm 1713, Hiệp ước Viên năm 1815 hay hệ thống Liên Hiệp Quốc sau năm 1945. Nếu không có một quy luật cơ bản nào của nền chính trị quốc tế thay đổi kể từ cuộc chiến giành ngôi vị bá chủ giữa Athens và Sparta thì liệu một thách thức mới có dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới khác không, hay vòng tuần hoàn của chiến tranh bá quyền đã chấm dứt? Liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc có phải là một thách thức đối với Mỹ? Hay công nghệ nguyên tử đã khiến sự tàn phá của các cuộc thế chiến trở nên quá khủng khiếp? Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có làm cho chiến tranh trở nên quá tốn kém hay không? Liệu những chủ thể phi quốc gia như các tổ chức khủng bố có buộc chính quyền các nước phải hợp tác với nhau? Một xã hội toàn cầu có khiến chiến tranh trở thành điều không thể chấp nhận về mặt xã hội và đạo đức hay không? Chúng ta phải hy vọng như vậy vì cuộc chiến tranh bá quyền tiếp theo nếu có xảy ra thì đó có lẽ sẽ là cuộc chiến đánh dấu chấm hết cho cả nhân loại. Nhưng trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu tại sao chiến tranh vẫn còn tồn tại và tiếp diễn.

CUỘC CHIẾN TRANH PELOPONNESE

VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC VÀ CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ

Download toàn bộ văn bản tại đây: Logic xung dot trong chinh tri quoc te.pdf


[1] Peter Wallensteen và Margareta Sollenberg, “Arm Conflict, 1989-2000,” Báo cáo số 60 trong Margareta Sollenberf (biên tập), States in Armed Conflict 2000 (Uppsala, Thụy Điển: Đại học Uppsala, Khoa Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, 2001), trang 10.

[2] Thomas Hobbes, Leviathan, biên tập C. B. MacPherson (Luân Đôn: Penguin, 1981), trang 186.

[3] The New York World, “From Our Dec. 13 Pages, 75 Years Ago,” International Herald Trinune, 13/12/1985.

[4] Miles Kahler, “Inventing International Relations: International Relations Theory After 1945,” trong Michael W. Doyle và G. John Ikenberry, biên tập, New Thinking in International Relations Theory (Boulder, CO: Westview, 1977), trang 38.

[5] Emanuel Adler, “Constructivism in International Relations: Sources, Contributions, Debates and Future Directions,” trong Walter Carlsnaes, Thomas Risse và Beth Simmons, biên tập, Handbook of International Relations (Thousand Oaks, CA: Sage, 2003).

[6] John Maynard Keynes, The General Theory of Employment, Interest and Money (Luân Đôn: Macmillan, 1936), trang 383.

[7] Doanh số và GNP là những chỉ số đo khác nhau, và điều này phần nào phóng đại vai trò của các công ty đa quốc gia. Mặc dù vậy sự so sánh này vẫn rất thú vị.