#73 – Tái cân bằng sang Châu Á với một Trung Quốc bất an

Nguồn: Ely Ratner (2013). “Rebalancing to Asia with an Insecure China”, The Washington Quarterly, Vol. 36, No. 2,  pp. 21-38.>>PDF

Biên dịch: Dương Thị Thu Hương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Mỹ là tiếp tục chuyển sự quan tâm và đầu tư các nguồn lực vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.  Mặc dù nhiều nước trong khu vực hoan nghênh tái cam kết này, chiến lược “xoay trục” sang Châu Á của Mỹ khiến Trung Quốc ngày càng lo ngại về những ý định của Mỹ.1 Những nỗ lực của Mỹ trong việc mở rộng lực lượng quân sự ở Châu Á, tăng cường quan hệ an ninh với các đồng minh và đối tác, và nâng cao vai trò của các thể chế khu vực khiến nhiều quan chức Bắc Kinh lo ngại là nhằm mục đích hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và coi đây là nguyên nhân chính dẫn tới sự bất ổn trong khu vực cũng như sự suy thoái môi trường chiến lược của Trung Quốc.

Trong những năm tới, cảm giác bất an của Trung Quốc có khả năng sẽ gia tăng hơn nữa khi Mỹ tiếp tục tăng cường sự can dự ngoại giao, kinh tế, và quân sự của mình ở Châu Á. Việc này sẽ hạn chế khả năng hợp tác Mỹ – Trung trong các vấn đề địa chính trị và làm căng thẳng thêm mối quan hệ song phương của hai nước, khiến các nhà hoạch định chính sách của Washington đau đầu với nhiệm vụ quan trọng – vừa duy trì ổn định mối quan hệ Mỹ –  Trung đồng thời tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong nỗ lực tái cân bằng.

Cho dù không thể đạt được các bước đột phá và kết quả ngoại giao quan trọng, việc không ngừng cam kết can dự cấp cao với Bắc Kinh là cần thiết để đối phó với những cuộc khủng hoảng không thể tránh được. Hơn nữa, đứng trên quan điểm khu vực rộng hơn, việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc là một nhân tố quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược tái cân bằng và đảm bảo việc nâng cao lợi ích của Mỹ ở Châu Á.

Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cũng cần gắn kết tốt hơn bản chất và nội dung của chiến lược, để phát triển hơn nữa, với các nguồn lực tương xứng, các yếu tố văn hóa, ngoại giao, và kinh tế trong nỗ lực tái cân bằng và cuối cùng để chứng tỏ chính sách Châu Á của Mỹ không chỉ mang lại lợi ích về vị thế chiến lược tương xứng cho Mỹ, mà còn mang lại lợi ích cho toàn khu vực. Mỹ đã và sẽ tiếp tục tập trung vào Châu Á, tuy nhiên việc thực hiện cần phải tính đến sự bất an của Trung Quốc để đạt được mục tiêu mà chiến lược tái cân bằng đã đặt ra.

Hội chứng bất an của Trung Quốc

Tháng Tám vừa rồi tại Bắc Kinh, một đại tá trong Quân đội Giải Phóng Nhân dân (PLA) đã nói với một đoàn chuyên gia từ một viện nghiên cứu tư vấn chính sách của Mỹ rằng: “Nếu Mỹ trải qua sự kiện Trân Châu Cảng và Sự kiện 11 Tháng Chín, thì Trung Quốc cũng có sự kiện năm 1999”. Sự kiện này ám chỉ điều nhiều người Trung Quốc tin rằng vụ đánh bom của Mỹ vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade trong suốt chiến dịch không kích của NATO ở Serbia là một lời cảnh báo có chủ ý rằng Bắc Kinh không nên thách thức sự thống trị của Mỹ trên trường chính trị quốc tế.  Nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng so sánh này đã minh họa nhận thức phổ biến rằng Mỹ đang cố gắng kìm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và duy trì bá quyền của Mỹ trong khu vực. Mặc dù Trung Quốc từ lâu đã có các quan ngại và xây dựng thuyết âm mưu về những nỗ lực của Mỹ nhằm làm suy yếu và bao vây Trung Quốc, những nhận thức này ngày càng phổ biến ở Bắc Kinh.2 Một bài xã luận của tờ Nhân dân Nhật báo, tiền tuyến của các bài bình luận bán chính thức về chính sách đối ngoại của Mỹ và chiến lược tái cân bằng, đã miêu tả chiến lược của Mỹ tại Châu Á là “đặc điểm nổi bật của tình trạng đối đầu”.3

Công luận của Trung Quốc, mặc dù rất khó để chứng thực, nhưng dường như cũng ngày càng thể hiện sự nghi ngờ Mỹ. Trung tâm Nghiên cứu Pew nhận thấy tỷ lệ người Trung Quốc trả lời coi quan hệ Mỹ –  Trung là thù địch tăng từ 8% năm 2010 lên đến 26% năm 2012.4 Quan điểm này không chỉ được lan truyền trong cộng đồng, các tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc và các tiểu blog mà còn được chia sẻ rộng rãi trong giới quan chức chính phủ Trung Quốc, các học giả, và các chiến lược gia trong các viện nghiên cứu tư vấn chính sách. Ông Vương Tập Tư, trưởng Khoa Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, cũng là một chuyên gia hàng đầu về quan hệ Mỹ – Trung, cho rằng trong những năm gần đây Trung Quốc càng tin rằng mục tiêu cuối cùng của Mỹ trong các vấn đề thế giới là để duy trì quyền bá chủ và thống trị của mình, do đó, Washington sẽ nỗ lực để ngăn chặn nhóm nước mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, đạt được các mục tiêu và tăng cường vị thế của họ.5

Giống như tham gia vào bài kiểm tra Rorschach (một dạng bài kiểm tra tâm lý, trong đó bệnh nhân phải diễn giải một bức hình được vẽ theo kiểu các chấm mực loang – ND), các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng các chính sách của Mỹ ở Châu Á giống như một chuỗi các chấm mực loang đang cuốn vào nhau, tạo nên bức tranh xám xịt thể hiện các ý đồ của Mỹ. Những hoạt động đó bao gồm tăng cường quan hệ an ninh của Mỹ với các đồng minh hiệp ước, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, và Philippines; cải thiện quan hệ với nhóm nước mới nổi như Indonesia và Việt Nam; tăng cường sự can dự của Mỹ vào các thể chế lấy ASEAN làm nòng cốt; tuyên bố những lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông; hỗ trợ hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP); tái can dự vào Myanmar; và triển khai sự hiện diện luân phiên của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Darwin, Australia. Cùng với đó, các nhà tư tưởng hàng đầu Trung Quốc coi những hành động này là làm suy yếu an ninh Trung Quốc và ngày càng cho rằng căn nguyên của cách tiếp cận dường như được điều phối này của Mỹ là nhằm hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ngoài những ấn tượng cảm tính đơn thuần về những ý đồ xấu xa của Mỹ, có hai lập luận liên quan – thường được pha trộn không chính xác – hình thành nên cơ sở cho các cáo buộc của Trung Quốc về cách tái cam kết của Mỹ tại Châu Á đang gây ra bất ổn cho an ninh khu vực như thế nào. Lập luận thứ nhất là Mỹ đang chủ động kích động xung đột giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực (bao gồm Philippines, Việt Nam, và Nhật Bản) bằng cách “khuấy động” các vấn đề gây chia rẽ như vấn đề Biển Đông, và bằng cách chủ động gây sức ép và khuyến khích các nước chống lại Trung Quốc.6 Theo lập luận này, Mỹ châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng để hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và tạo cơ hội cho quân đội Mỹ tham gia nhiều hơn vào các vấn đề an minh của khu vực.7 Trong chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Clinton vào Tháng Chín 2012, Tân Hoa Xã đã viết một bài bình luận kêu gọi Mỹ “ngừng phá rối vụng trộm và giật dây phía sau các quốc gia trong khu vực.”8 Đánh giá thứ hai của Trung Quốc, mang nhiều sắc thái hơn, cho rằng những tuyên bố và hành động gần đây của Mỹ tại Châu Á, thậm chí dù không cố ý, đang khuyến khích các nước trong khu vực tin rằng họ có thể thách thức Trung Quốc nếu có Mỹ bảo hộ. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng: nguyên nhân khiến một số nước thoải mái như vậy có thể liên quan đến việc điều chỉnh địa chiến lược của Mỹ.”9

Sự tức giận của Trung Quốc về chiến lược tái cân bằng của Mỹ tập trung vào vấn đề Biển Đông, nơi sáu chính phủ yêu sách một loạt các cấu tạo địa chất và các vùng nước xung quanh trong khu vực ngư trường được cho là giàu dầu khí. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố “chủ quyền không thể chối cãi” trên biển, phân định yêu sách trên các bản đồ chính thức bằng đường chín đoạn trải dài cách xa Trung Quốc đại lục, uốn khúc dọc bờ biển của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines, và Đài Loan.10 Vì tìm cách duy trì tối đa ảnh hưởng lên từng quốc gia tranh chấp riêng lẻ, Trung Quốc đã tức giận với những tuyên bố lặp đi lặp lại của các quan chức Mỹ, bắt đầu từ sự can thiệp của Ngoại trưởng Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) năm 2010 tại Hà Nội, nêu rõ các lợi ích quốc gia của Mỹ tại Biển Đông, bao gồm quyền tự do đi lại trên biển và tôn trọng luật pháp quốc tế.11 Bắc Kinh đã phản đối những nỗ lực của Mỹ trong việc phòng ngừa và giải quyết các khủng hoảng trong khu vực bằng cách tăng cường các luật lệ và thể chế khu vực. Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành thông cáo báo chí vào tháng Tám 2012 thể hiện sự quan ngại đối với một số hành động cụ thể của Trung Quốc tại Biển Đông, cơ quan ngôn luận hàng đầu của Đảng Cộng Sản là tờ Nhân dân Nhật báo đã yêu cầu Washington “im lặng”, buộc tội Mỹ là kẻ “châm ngòi” cho sự chia rẽ.12 Phản ứng chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ ra rằng “người ta không thể không nghi ngờ những ý định thật sự của Mỹ”.13

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất ở Biển Đông vào năm ngoái bắt đầu từ cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Manila đối với bãi cạn Scarborough vào tháng Tư 2012 khi Phillipines đã bắt giữ 8 tàu đánh cá của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Trung Quốc tức giận khi Phillipines đã sử dụng tàu hải quân (thay vì tàu thi hành pháp luật trên biển) để bắt giữ ngư dân, và tức giận hơn khi biết con tàu đó là chiến hạm BRP Gregorio del Pilar – một tàu chiến của lực lượng tuần duyên Mỹ không được sử dụng nữa và được Mỹ chuyển giao cho Phillipines vào tháng Năm 2011. Trong những tháng tiếp theo, khi khủng hoảng kéo dài, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã liên tiếp buộc tội Mỹ không những giữ thái độ thiên vị mà còn khuyến khích Philippines có thêm các hành động khiêu khích. Một chuỗi các sự việc trong suốt thời kỳ khủng hoảng càng làm Trung Quốc quan ngại bao gồm cuộc diễn tập quân sự Balikatan giữa Mỹ – Philippines vào tháng Tư, tàu ngầm vận hành bằng năng lượng hạt nhân USS North Carolina cập cảng tại Vịnh Subic vào tháng Năm, và chuyến thăm của Tổng thống Benigno Aquino tới Wasington vào tháng Sáu. Các quan chức Trung Quốc cho rằng những hoạt động này gia tăng căng thẳng và kích động Philippines duy trì cuộc đối đầu với Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Nation của Thái Lan vào tháng Sáu, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã thể hiện sự lo ngại của Trung Quốc rằng “Trong bối cảnh các thay đổi đang diễn ra trong môi trường tổng thể ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, những vấn đề và khác biệt này dường như được thổi phồng lên, và thậm chí còn được sử dụng để biện minh cho các chính sách hoặc hành động nhất định.”14

Giữa bối cảnh áp lực liên tiếp trên Biển Đông, Trung Quốc cũng chứng kiến những sóng gió tương đương ở các tranh chấp lãnh thổ tại biển Hoa Đông với Nhật Bản. Các nhà chiến lược của Bắc Kinh cho rằng Mỹ lại một lần nữa, với chủ tâm, tạo thêm một nguồn bất ổn nữa nơi cửa ngõ của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỉ, những căng thẳng đã âm ỉ giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến vấn đề chủ quyền của quần đảo Senkaku, là cửa ngõ cho các tuyến đường hàng hải quan trọng, ngư trường và các mỏ dầu tiềm năng. Căng thẳng bắt đầu vào tháng Tư 2010 khi Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara tuyên bố mục tiêu của ông là mua ba hòn đảo thuộc sở hữu tư của một công dân Nhật Bản. Nhiều quan chức của Bắc Kinh nhận thấy âm mưu của Mỹ đằng sau kế hoạch đó, một phần bởi vì ý định ban đầu của Thống đốc Ishihara được công bố trong một bài phát biểu tại Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn chính sách bảo thủ tại Washington, D.C. Những sự kiện sau đó lại càng làm cho Trung Quốc nghi ngờ. Ví dụ, khi khủng hoảng leo thang sang mùa thu năm 2012, các quan chức Mỹ nhắc lại tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton vào tháng Mười 2010 rằng Hiệp ước Anh ninh và Hợp tác Chung vốn quy định Mỹ phải bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp bị tấn công có bao gồm cả quần đảo Senkaku.15 Thêm vào đó, trong thời gian Bộ trưởng Panetta viếng thăm Tokyo vào tháng Tám 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố Mỹ sẽ lắp đặt thêm một radar phòng thủ tên lửa X-Band ở phía nam Nhật Bản. Trung Quốc cho rằng đây một nỗ lực để ngăn chặn và có thể làm giảm hiệu quả chương trình răn đe hạt nhân của nước này.

Bắc Kinh gần như không chấp nhận cách giải thích của Mỹ rằng những hành động này không nhằm vào Trung Quốc. Giáo sư Thời Ân Hoành (Shi Yinhong), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế – Đại học Nhân Dân, đã nhấn mạnh rằng “hệ thống phòng thủ tên lửa chung cố ý khuyến khích Nhật Bản giữ lập trường gây hấn trong tranh chấp tại Đảo Điếu Ngư. Đó là một thông điệp tiêu cực gửi tới Trung Quốc. Nhật Bản sẽ không thể gây hấn như thế nếu không có sự hỗ trợ và hành động của Mỹ.”16 Cũng có chung quan điểm, Ông Chen Jian, nguyên Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và nguyên đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, trong một bài phát biểu vào tháng Mười 2012 tại Hồng Kông đã nói rằng nhiều người nhìn nhận vấn đề tranh chấp các đảo là do “Mỹ đặt bom hẹn giờ cho những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản.”17

Chiến lược tái cân bằng xa hơn trong thời gian tới

Những sáng kiến gần đây của Mỹ hướng tới Châu Á tất nhiên chưa phải là đỉnh cao của việc thực hiện chiến lược xoay trục sang Châu Á. Thay vào đó, sẽ phù hợp hơn nếu coi đó là những bước đi đầu tiên và cơ bản trong một dự án kéo dài nhiều thập kỷ từ đó làm cơ sở để xây dựng nhiều sáng kiến hơn về quân sự, văn hóa, ngoại giao và kinh tế. Tài liệu hướng dẫn chiến lược tháng Một 2012 của Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo Mỹ “sẽ cần tái cân bằng sang khu vực Châu  Á – Thái Bình Dương.”18 Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào tháng Sáu 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta nhấn mạnh lại thông điệp này và miêu tả các hành động cụ thể mà Mỹ sẽ làm để thực hiện cam kết mang lại “quan hệ đối tác lâu dài hơn và sâu sắc hơn trong nỗ lực tăng cường an ninh và phồn thịnh cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.”19

Trong thông báo được trích dẫn nhiều nhất của mình, ông Panetta tuyên bố công khai rằng “Tới năm 2020, Hải quân Mỹ sẽ bố trí lại lực lượng ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương với tỉ lệ lần lượt ở hai đại dương là 60/40 thay vì tỉ lệ ngang bằng như hiện nay.”20 Ông cũng nhấn mạnh rằng Mỹ đầu tư vào các hệ thống để hóa giải chiến lược chống tiếp cận/ chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của Trung Quốc (bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm, tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, năng lực tác chiến điện tử, và vũ khí có độ chính xác cao), cũng như các hệ thống nhằm hóa giải vấn đề khoảng cách địa lý xa xôi mà các nhà hoạch định Mỹ gặp phải tại Tây Thái Bình Dương (bao gồm máy bay tiếp dầu trên không, máy bay ném bom loại mới, tàu tuần tra tiên tiến và máy bay chiến đấu săn ngầm).21 Ngoài trang bị vũ khí, ông Panetta cũng nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục phát triển các khái niệm tác chiến mới – bao gồm Khái niệm Tiếp cận Chiến dịch Hỗn hợp và khái niệm Tác chiến không – hải – để đối phó với “những thách thức đặc biệt” ở Châu Á – Thái Bình Dương.22

Về lĩnh vực an ninh, tương lai của chiến lược tái cân bằng sẽ không chỉ bao gồm quá trình hiện đại hóa của quân đội Mỹ mà còn có sự phát triển và đa dạng hóa hơn nữa sự phân bố lực lượng quân đội Mỹ tại Châu Á. Quan chức chính phủ Obama đã khẳng định quân đội Mỹ đang tìm kiếm sự hiện diện và các dàn xếp tiếp cận mới trong khu vực “được phân bổ rộng khắp khu vực, hoạt động ổn định lâu dài, và bền vững về chính trị.”23 Tháng Ba 2012, tờ Washington Post công bố bản đồ Đông Nam Á chỉ ra một số địa điểm hoạt động tiềm năng cho quân đội Mỹ.24 Những địa điểm này có thể bao gồm việc triển khai luân phiên thủy quân lục chiến Mỹ tại Philippines, trong đó có các căn cứ cho máy bay giám sát và tăng cường các lượt tàu chiến viếng thăm; các kế hoạch để đặt 4 tàu chiến duyên hải của Hải quân Mỹ tại Singapore; nâng cấp một sân bay cho máy bay giám sát P-8 và máy bay không người lái Global Hawl trên đảo Cocos của Australia; có thể mở rộng căn cứ chính của Hải quân Hoàng gia Australia tại Tây Australia (căn cứ HMAS Stirling tại Perth) để đáp ứng các cuộc viếng thăm của tàu sân bay Mỹ, các tàu chiến khác, và tàu ngầm chiến đấu; việc triển khai luân phiên 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ tại Darwin, Australia; và một căn cứ mới cho hạm đội Australia tại Brisbane, Australia, có thể đáp ứng các cuộc viếng thăm của tàu chiến và tàu ngầm Mỹ. Mặc dù ngân sách và thực tế chính trị của Washington và khu vực sẽ kiềm chế hoặc làm chậm các kế hoạch này, nhưng ít nhất một số kế hoạch có thể được triển khai theo những cách sẽ khiến Bắc Kinh lo lắng.

Ngoài ra còn có khả năng Mỹ tăng cường quan hệ an ninh với các đối tác trong khu vực bên cạnh các đồng minh truyền thống, bao gồm những nước láng giềng hay những nước có tranh chấp lãnh thổ và biển với Trung Quốc. Ví dụ, nằm giáp ranh với Trung Quốc ở phía Nam, Việt Nam thường tiếp đón các cuộc viếng thăm cấp cao từ Mỹ, bao gồm Đối thoại Quốc phòng, An ninh và Chính trị, được bắt đầu bởi Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Ngoại giao Việt Nam năm 2008, và Đối thoại Chính sách Quốc phòng, một kênh cấp cao cho các cuộc thảo luận trực tiếp giữa hai quân đội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010.15 Kể từ năm 2006, hai nước đã tiến hành ít nhất chín cuộc tuần tra chung tại Vịnh Bắc  Bộ, và vào tháng Tám 2010 đã tham gia vào một cuộc diễn tập hải quân phi tác chiến song phương trên Biển Đông.26

Để thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ an ninh, vào tháng Sáu 2012, Bộ trưởng Panetta đã thực hiện chuyến thăm lần đầu tiên bởi một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam tới căn cứ Hải quân Mỹ trước đây tại Vịnh Cam Ranh. Trên tàu USS Richard E. Byrd, ông Panetta tuyên bố “quyền tiếp cận của các tàu hải quân Mỹ tới cơ sở này là một thành tố quan trọng trong mối quan hệ (Mỹ – Việt) và chúng tôi nhận thấy ở đây tiềm năng rất lớn trong tương lai.”27 Sau đó ông cũng phát biểu tại một cuộc họp báo chung về tiềm năng để nâng quan hệ quân sự Mỹ – Việt lên “một tầm cao mới” trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, các cuộc viếng thăm của tàu hải quân, các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, và các hoạt động gìn giữ hòa bình.28 Có thể thấy Mỹ cũng có rất nhiều hoạt động tương tự như trên để củng cố quan hệ an ninh với một số cường quốc đang lên trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, và Singapore.

Nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, Trung Quốc cũng sẽ phải đối diện với việc tăng cường can dự giữa Mỹ và Myanmar, mà ở một thời điểm nhất định sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về nội dung và thời gian tiến hành quan hệ quân sự giữa hai nước. Trong một bước đi tiến tới mục tiêu này, các quan chức Myanmar lần đầu tiên đã tham gia cuộc tập trận thường niên Cobra Gold giữa Mỹ với Thái Lan với tự cách quan sát viên vào tháng Hai 2013.29 Bên cạnh các hoạt động về an ninh, Mỹ cũng nỗ lực tăng cường các hoạt động ngoại giao và kinh tế tại Châu Á, bao gồm triển vọng phát triển hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thúc đẩy hợp tác với ASEAN, và tăng cường hỗ trợ phát triển tại Đông Nam Á. Bắc Kinh sẽ không nhìn nhận những hành động này một cách thiện cảm, và khi xét ở mức độ nào đó những sáng kiến khá nhỏ của Mỹ cho đến nay đã tạo nên sự quan ngại và xác lập nên quan điểm về những ý đồ xấu của Mỹ, thì các hoạt động gần biên giới Trung Quốc hơn – như ở Philippines, Việt Nam, Ấn Độ, hoặc Myanmar – có khả năng sẽ gây ra những nghi ngờ lớn hơn từ phía Trung Quốc.

Tầm nhìn của Trung Quốc: “Một kiểu quan hệ mới”

Với một số hành động trong chiến dịch tái cân bằng của Mỹ, ngày càng có sự bất hòa giữa định hướng chính sách khu vực của Mỹ và quan điểm của Trung Quốc về những yếu tố tạo nên mối quan hệ ổn định Mỹ – Trung. Trong một động thái có thể được coi như một nỗ lực được điều phối cao độ và được các nhà lãnh đạo chủ chốt của Bắc Kinh hậu thuẫn, quan chức chính phủ Trung Quốc, tại những cuộc họp khác nhau và ở các cấp cao nhất, đã đề xuất ý kiến Mỹ và Trung Quốc nên hợp tác hướng tới “một kiểu quan hệ mới giữa các siêu cường.” Khái niệm này được đưa ra trong cuộc viếng thăm của Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Washington vào tháng Hai 2012 và sau đó được nhấn mạnh lại và thảo luận kỹ lưỡng hơn bởi các nhà lãnh đạo cấp cao nhất trong quan hệ song phương, bao gồm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Ủy viên Quốc Vụ Đới Bỉnh Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì, và Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Bắc Mỹ Thôi Thiên Khải.30

Nguồn gốc lý luận của ý tưởng này tương đối rõ ràng. Trong ít nhất mười năm qua, các học giả, các viện nghiên cứu tư vấn chính sách và các nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã tìm hiểu kỹ lưỡng lịch sử thăng trầm của các siêu cường.31 Và mặc dù cảnh báo về cuộc xâm lược của văn hóa Mỹ, các nhà chiến lược Trung Quốc lại tự do du nhập các học thuyết phương Tây về quan hệ quốc tế – như chủ nghĩa hiện thực và thuyết chuyển giao quyền lực –  những tư tưởng cho rằng xung đột là không thể tránh khỏi giữa các cường quốc mới nổi và cường quốc hiện hữu.32 Theo đó, các nhà tư tưởng Trung Quốc có nhiệm vụ quan trọng là tìm ra cách thức đánh bại logic lịch sử này, đặc biệt là khi quá trình hiện đại hóa quân đội và sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành. Ông Viên Bằng, Trợ lý Chủ tịch của Học viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), lập luận rằng “việc xây dựng một kiểu quan hệ mới giữa các siêu cường là cách duy nhất để ngăn chặn 2 nước khỏi một cuộc xung đột bạo lực như những siêu cường đã gặp phải trước đây”.33

Ý kiến này đã được thúc đẩy ngoài mong đợi nhờ một bài phát biểu vào tháng Ba 2012 tại Học viện Hòa bình Mỹ, trong đó Ngoại trưởng Clinton đã nhấn mạnh rằng Mỹ và Trung Quốc cần “một câu trả lời mới cho câu hỏi cũ là điều gì sẽ xảy ra nếu một cường quốc hiện hữu đối mặt với một cường quốc mới nổi.”34 Bỏ qua nội dung thực chất của bài phát biểu trong đó cảnh báo Trung Quốc không nên trở thành “một bên tham gia mang tính chọn lọc nguy hiểm” trong các vấn đề chính trị quốc tế, giới ngoại giao Trung Quốc đã coi dòng chữ ngắn ngủi này như là một chứng cứ chứng minh ý kiến này bắt đầu được tiếp nhận ở Washington. Các quan chức Trung Quốc cũng viện dẫn một cuộc họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Los Cabos (Mexico) vào tháng Sáu 2012, trong đó Chủ tịch Hồ và Tổng thống Obama được cho là đã thảo luận nhu cầu cần phải có một kiểu quan hệ song phương mới.35 Vào tháng Bảy, Phó chủ tịch nước lúc đó là Tập Cận Bình đã phát biểu tại trường Đại học Thanh Hoa, nơi ông từng theo học, rằng “Trung Quốc và Mỹ đang chủ động nghiên cứu một kiểu quan hệ mới giữa các siêu cường.”36

Dòng quan điểm của Trung Quốc xung quanh vấn đề “kiểu quan hệ mới” chứa đựng một số yếu tố tích cực, miêu tả các mục tiêu chung trong mối quan hệ song phương đã được liên tục và công khai làm rõ bởi cả hai phía. Mỹ tán thành ý kiến tránh kiểu cạnh tranh một mất một còn (zero-sum) và nhu cầu cần tích cực hợp tác để tránh được thế lưỡng nan an ninh ngày càng gia tăng. Hơn nữa, việc mở rộng lĩnh vực hợp tác và tăng cường trao đổi song phương là các mục tiêu chính trong chính sách Trung Quốc của Mỹ.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, ý tưởng này là một viên thuốc độc cho Mỹ, căn cứ trên quan điểm của Trung Quốc về cách thức tốt nhất để đạt được những mục tiêu chung này mà theo Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải là cần “loại bỏ các trở ngại” và “thỏa hiệp lợi ích lẫn nhau.”37 Giới quan chức Trung Quốc không nhìn nhận đây là một quá trình có đi có lại, mà thay vào đó là ý kiến cho rằng Mỹ – được cho là nguyên nhân chủ yếu gây ra những nghi ngờ và xung đột – phải đơn phương đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc. Ông Thôi (được cử làm đại sứ Trung Quốc tại Mỹ vào tháng Tư 2013) đã lập luận rằng “Trung Quốc chưa bao giờ có bất kỳ hành động nào làm phương hại lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm chủ chốt của Mỹ, nhưng những gì mà Mỹ đã thực hiện trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và quan trọng cũng như các mối quan tâm chính của Trung Quốc lại không được thỏa đáng.”38 Ví dụ, liên quan đến những bất ổn tại Biển Đông, ông Thôi nói rằng “Trung Quốc không phải là nước gây ra các vấn đề, và càng không phải là bên gây ra các nguy hại. Thay vào đó, Trung Quốc là một nạn nhân bị tấn công bởi những nguy hại đó.”39

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ nói đi đôi với làm và hiện thực hóa các tuyên bố hình thức của mình về việc tìm kiếm một mối quan hệ đối tác hợp tác với Trung Quốc.40 Điều này đồng nghĩa với việc kiểm soát các hành động mà Bắc Kinh cho là đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc và hủy hoại niềm tin chiến lược chung giữa hai quốc gia. Kiểu quan hệ mới mà Trung Quốc đang kêu gọi là kiểu quan hệ mà trong đó Mỹ phải ngưng việc bán vũ khí cho Đài Loan, từ bỏ nỗ lực tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ tại Châu Á, gỡ bỏ kiểm soát hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, rút lại các dàn xếp an ninh với các đồng minh và đối tác trong khu vực (đặc biệt với các nước đang có tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển với Trung Quốc), dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường, và chấm dứt các hoạt động trinh sát trên biển và trên không xung quanh Trung Quốc.

Thậm chí nếu một ai đó coi danh sách này nhiều tham vọng hơn cả dự kiến, thì Mỹ cũng không có sẵn các quân bài mặc cả thay thế để xoa dịu sự bất ổn ở Trung Quốc. Hầu hết các quân bài này là những yếu tố bền vững trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ và khó có thể thay đổi chỉ để giải quyết những lo lắng của Trung Quốc. Hơn nữa, có rất ít bằng chứng Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì khác ngoài đòi hỏi nhượng bộ của Mỹ và tiếp tục thúc ép nhiều nhượng bộ hơn nữa. Ngôn ngữ cụ thể về “kiểu quan hệ mới” phần lớn không ăn nhập gì ở đây. Vấn đề lớn nhất cho tương lai quan hệ Mỹ – Trung là Mỹ khó có thể thực hiện được các đòi hỏi thậm chí là tối thiểu mà Bắc Kinh cho là cần thiết để củng cố niềm tin chiến lược và mang lại phương thuốc an ninh khu vực thỏa đáng cho Trung Quốc.

Lý giải sự bất an của Trung Quốc

Các chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ phản ánh các nguyên tắc “giấu mình chờ thời”, theo đuổi chính sách ngoại giao kiềm chế, và coi các thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 là thời kỳ cơ hội chiến lược để tập trung chủ yếu vào phát triển trong nước.41 Tuy nhiên, chiến lược này dựa trên niềm tin ở Bắc Kinh rằng cam kết của Trung Quốc đối với con đường “trỗi dậy hòa bình” sẽ mang lại cho đất nước sự thịnh vượng và an ninh tốt hơn, một giả định đang ngày càng bị nghi ngờ ở Bắc Kinh.42

Các nhà phân tích Mỹ đã đúng khi khẳng định cho đến nay các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục thừa nhận tầm quan trọng của việc theo đuổi mối quan hệ Mỹ – Trung mang tính xây dựng.43 Tuy nhiên, đặc biệt với việc Trung Quốc bước ra khỏi thời kỳ hướng nội gắn với quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo mười năm một lần, một loạt các viễn cảnh tiềm năng – bao gồm sự chững lại của kinh tế Trung Quốc, sự chia rẽ chính trị trong nước về tốc độ và định hướng cải cách kinh tế, sự gia tăng đột ngột của chủ nghĩa dân tộc vì những thách thức bên ngoài – có thể làm tăng chi phí chính trị của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong việc để mối quan hệ Mỹ – Trung kéo dài mãi tình trạng hiện tại. Mối nguy hiểm trong những năm tới là sự can dự sâu sắc hơn của Mỹ tại Châu Á và các nhận thức đi kèm ở Trung Quốc có thể khuyếch đại những quan điểm vốn đã hiện hữu ở Bắc Kinh cho rằng diễn biến các vấn đề hiện tại trong khu vực đang đặt Trung Quốc vào một thế bị bao vây và một môi trường an ninh ngày càng xấu đi.44

Không thể xác định chính xác cách mà Bắc Kinh sẽ ứng phó, nhưng thật khó để tưởng tượng rằng Mỹ sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm cam kết đối với quan hệ với Mỹ. Hiện đại hóa quân đội nhanh chóng hơn, phát triển các khối ngoại giao và thương mại không bao gồm Mỹ, thái độ xác quyết ở vùng biển xung quanh, phát triển các các mối quan hệ an ninh rõ ràng với các đối tác khu vực, tích cực thực hiện các cuộc xâm nhập mạng vào nước Mỹ, và các biện pháp thương mại ngày càng mang tính phân biệt mạnh mẽ nằm trong số những chính sách mà Bắc Kinh có thể theo đuổi. Thậm chí nếu Trung Quốc coi các lựa chọn trong những lĩnh vực này là tương đối hạn chế và rốt cuộc là không đáng mong muốn, thì nước này vẫn có thể cản trở những nỗ lực của Mỹ trong khu vực. Mặc dù hành vi của Trung Quốc gây rắc rối trong các vấn đề khu vực, từ vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông cho tới vấn đề Triều Tiên, Myanmar, và ASEAN, nhưng chắc chắn Bắc Kinh còn có thể gây thêm nhiều rắc rối hơn nữa nếu nước này nhận thấy một sự đối đầu một mất một còn với Mỹ, tạo nên một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng để giành ảnh hưởng tại Châu Á. Việc ngăn chặn viễn cảnh này – cũng như một cuộc đại chiến có thể đi kèm – là một trong số những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong chính sách Trung Quốc của Mỹ.

Có những lĩnh vực cạnh tranh thực tế và đáng kể giữa Mỹ và Trung Quốc, và việc xây dựng cấu trúc quan hệ để quản lý các lĩnh vực này là một định hướng hợp lý hơn là việc tin rằng chúng có thể được giải quyết thông qua việc trấn an hoặc bằng cách tăng cường niềm tin lẫn nhau. Với nỗ lực tái cân bằng đang được xúc tiến, và việc Mỹ không sẵn sàng (với điều kiện hiện tại) thực hiện hành động nhượng bộ mà Bắc Kinh đang kêu gọi, Washington cần phải đưa ra các chính sách Châu Á của mình để giải quyết những lo ngại và nghi ngờ của Bắc Kinh. Việc này hoàn toàn có thể hiểu, nếu không muốn nói thẳng ra, là tạo nên những can dự để tập trung hơn vào việc đặt nền tảng thể chế cho việc quản lý các cuộc khủng hoảng. Đối thoại An ninh Chiến lược (SSD) đã tạo ra một diễn đàn quan trọng để thực hiện mục tiêu đó bằng cách quy tụ các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự Trung Quốc cùng các đồng sự Mỹ để thảo luận các vấn đề an ninh nhạy cảm song phương và khu vực.

Cùng với đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cuối cùng sẽ phải chấp nhận thực tế rằng đối thoại và sự trấn an chỉ có hiệu quả đến thế thôi. Các nguồn gốc trong nước và quốc tế của các lợi ích cũng như sự bất an của Trung Quốc vượt xa những quyết định chính sách ngắn hạn của Washington. Chấp nhận hiện thực này, Mỹ phải từ bỏ ý kiến cho rằng quan hệ Mỹ – Trung là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới”, và phải chống lại bình luận thường được đưa ra rằng “hầu như không có thách thức toàn cầu nào có thể giải quyết được nếu không có hợp tác Mỹ-Trung.”45 Không có tuyên bố nào nêu trên là hoàn toàn chính xác, và cả hai cùng tạo ra những mong đợi viển vông, gây nên sự thất vọng hay phấn khích không cần thiết, và cuối cùng sẽ tạo nên sự bất đồng song phương lớn hơn.

Đánh giá lại sự can dự

Đa dạng hóa và tăng cường chiến lược tái cân bằng

Chú thích

Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Tai can bang sang CA voi mot TQ bat an.pdf