Triển vọng chuyến thăm Mỹ của Tập Cận Bình

Print Friendly, PDF & Email

2192b7542ed84d4c8fcf7743c3a1a550

Nguồn: MinXin Pei, “When Xi Meets Obama”, Project Syndicate, 21/09/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hướng Đạo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Mỹ tại thành phố Seattle, nơi đóng trụ sở của nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới, hầu hết các nhà quan sát đều hướng tới cuộc gặp gỡ sau đó của ông với Tổng thống Barack Obama. Liệu cuộc gặp cấp cao này có thể đảo ngược xu hướng suy giảm liên tục trong quan hệ Mỹ – Trung kể từ khi ông Tập lên nắm quyền năm 2013 hay không?

Đa phần mọi người đều đồng ý rằng mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới này đang ở trong tình trạng rất khó khăn. Với Mỹ, cách hành xử táo bạo tại Biển Đông, những cuộc tấn công mạng không ngừng nhắm vào các mục tiêu Mỹ, các chính sách kinh tế mang tính bảo hộ, và sự đàn áp chính trị trong nước ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã phá hủy niềm tin rằng một nước Trung Quốc hội nhập toàn cầu sẽ là một đối tác hợp tác và có trách nhiệm. Thực vậy, những hành động gần đây của Trung Quốc đã trực tiếp thách thức các giá trị cốt lõi và lợi ích sống còn của Mỹ.

Về phần mình, các lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận chiến lược “xoay trục sang châu Á” là một bước đi ngụy trang sơ sài của Mỹ nhằm siết chặt vòng vây địa chính trị đối với Trung Quốc. Hơn nữa, họ bị ám ảnh với địa vị thống trị của Mỹ trong hệ thống công nghệ và tài chính quốc tế cũng như cam kết thúc đẩy dân chủ tự do của nước này – điều Trung Quốc coi là mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của Đảng Cộng sản.

Thái độ ăn miếng trả miếng và ngờ vực lẫn nhau đã khiến quan hệ Mỹ – Trung đi xuống mức thấp nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Nhiều người quan ngại rằng Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ đối đầu nhau trong một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Đối với Tập Cận Bình, lợi ích trong chuyến thăm Mỹ lần này là vô cùng lớn. Mặc dù để duy trì ảnh hưởng trong nước với tư cách một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, ông cần phải kiên trì luận điệu và các chính sách dân tộc chủ nghĩa, nhưng Tập cũng cần đưa mối quan hệ quan trọng số một với Mỹ đi vào ổn định.

Dựa trên những động thái gần đây của Mỹ và Trung Quốc, chúng ta chỉ có thể mong đợi những thành công khiêm tốn trong một số lĩnh vực gây tranh cãi. Bản thân những bước tiến như thế tuy không làm thay đổi động lực mang tính đối đầu giữa hai nước nhưng có thể ngăn chặn mối quan hệ song phương trở nên tồi tệ hơn, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Trước cuộc gặp cấp cao, cả Mỹ và Trung Quốc đều có những bước đi tích cực, dù mang tính biểu tượng, để bày tỏ thiện chí của mình và cải thiện bầu không khí ngoại giao. Mỹ đã dẫn độ một quan chức Trung Quốc cấp thấp về nước để đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. Chính quyền Obama cũng quyết định không tuyên bố các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân và cơ quan Trung Quốc bị cho là có liên quan tới các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty và cơ quan chính phủ Mỹ.

Về phần mình, Trung Quốc đã trả tự do cho một nhà hoạt động nhân quyền và gửi một phái đoàn cấp cao đến Mỹ để thảo luận về vấn đề an ninh mạng. Thực tế, hai bên được cho là đang đàm phán về một thỏa thuận bước ngoặt có thể ngăn chặn các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của mỗi bên. Một thỏa thuận về vấn đề này có lẽ là kết quả quan trọng nhất của cuộc gặp cấp cao, mặc dù các dạng tấn công mạng khác dường như không được điều chỉnh bởi thỏa thuận này.

Lợi ích lớn nhất với Trung Quốc là Hiệp định Đầu tư Song phương (IBT). Trong thực tế, một thỏa thuận như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho các chủ thể Trung Quốc đầu tư và hoạt động tại Mỹ cũng như tăng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp Mỹ.

Thỏa thuận này mang lại lợi ích trong ngắn hạn dành cho Tập Cận Bình bởi vì nó có ý nghĩa như một lá phiếu tín nhiệm của Mỹ dành cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc. Tuy nhiên, kể cả trong hoàn cảnh thuận lợi nhất, thì các viễn cảnh về một IBT cũng đều không chắc chắn. Quốc hội Mỹ vẫn giữ thái độ hoài nghi mạnh mẽ, và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cũng cần một sự thuyết phục. Cả hai đều đã phải thất vọng nặng nề với chính sách thương mại theo kiểu trọng thương (bảo hộ) của Trung Quốc sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Do những vấn đề gây tranh cãi vẫn còn chưa được giải quyết, khó có thể ký được hiệp định này trong thời gian diễn ra cuộc gặp cấp cao.

Tranh chấp Biển Đông có lẽ là nút thắt ngoại giao khó giải quyết nhất. Trung Quốc đã đặt vị thế quốc gia và uy tín dân tộc chủ nghĩa của các lãnh đạo đất nước vào vấn đề này, có nghĩa là Tập chắc chắn sẽ từ chối yêu cầu ngừng tất cả những hoạt động được coi là quân sự hóa các đảo nhân tạo mới trong những vùng nước tranh chấp. Người ta chỉ có thể mong đợi một cách thực tế rằng hai bên sẽ đưa ra một tuyên bố mang tính hình thức ghi nhận những bất đồng quan điểm giữa hai bên.

Tuy nhiên, chủ đề mang tính nhạy cảm chính trị nhất đối với Trung Quốc không phải là an ninh mạng hay Biển Đông mà là sự đàn áp thẳng tay của chính quyền đối với các quyền tự do dân sự và quyền con người đang diễn ra tại Trung Quốc.

Đứng trước áp lực rất lớn từ trong nước, Obama đã tuyên bố rằng chương trình làm việc của cuộc gặp cấp cao với Tập sẽ bao gồm cả vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, Tập chắc chắn sẽ không có bất kỳ sự nhượng bộ nào bởi vì làm như vậy sẽ phá hủy vị thế chính trị của ông trong Đảng Cộng sản và hủy hoại một vấn đề trọng tâm trong tầm nhìn chính trị của ông, đó là sự tái áp đặt quyền kiểm soát chính trị đối với một xã hội năng động.

Rốt cuộc, câu hỏi quan trọng đặt ra trước cuộc gặp cấp cao là liệu Tập có đủ khả năng để sửa chữa những thiệt hại đã gây ra cho quan hệ Mỹ – Trung những năm gần đây hay không. Chắc chắn là có cố gắng làm điều đó còn hơn là không. Tuy nhiên, điều thực sự quan trọng là sau cuộc gặp cấp cao, Trung Quốc có thực hiện những hành động cụ thể cho thấy bước chuyển thực sự ra khỏi những chính sách vốn làm cho quan hệ song phương lao dốc hay không.

Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) là Giáo sư ngành Quản trị Chính quyền tại Đại học Claremont McKenna và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Quỹ German Marshall Fund of the US.

Copyright: Project Syndicate 2015 – When Xi Meets Obama