#74 – Miến Điện mở cửa: Cơ hội cho các nhà dân chủ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Min Zin & Brian Joseph (2012). “The Opening in Burma: The Democrats’ Opportunity”, Journal of Democracy, Volume 23, Number 4 (October), pp. 104-119.

Biên dịch: Phạm Thị Trang | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương

Trong suốt nửa thế kỷ sau khi quân đội lên nắm quyền năm 1962, viễn cảnh thay đổi chính trị ở Miến Điện vẫn tỏ ra còn xa vời. Đây là một trong những thể chế độc tài cứng nhắc nhất thế giới, và Miến Điện cũng là một trong những nước kém phát triển nhất. Trong hầu hết các chỉ số về phát triển con người được đo lường, đất nước 56 triệu dân này đã không đạt được mức cơ bản nào và hiện đang nằm ở gần cuối bảng xếp hạng của thế giới. Như thể góp phần làm cho bức tranh thêm ảm đạm, những nhà lãnh đạo quân đội Miến Điện từ lâu đã đi theo chính sách cô lập khiến tình hình kinh tế và chính trị tiếp tục trì trệ, ngay cả khi nhiều quốc gia phi dân chủ khác ở châu Á đã chấp nhận các chính sách cải cách kinh tế và đối ngoại, và do đó, đã giúp họ hội nhập vào cộng đồng toàn cầu và trong một vài trường hợp giúp họ trở nên ít độc tài hơn. Bất chấp những nỗ lực của phong trào đối lập đòi dân chủ và nhân vật được biết tới nhiều nhất của phong trào, bà Aung San Suu Kyi, người nhận giải Nobel, Miến Điện dường như vẫn tiếp tục phải đối diện với số phận không tự do và nghèo đói dưới bàn tay sắt của quân đội.

Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của giới quan sát, hình ảnh đó bắt đầu thay đổi vào đầu năm 2011. Mặc dù vẫn giữ chỗ đứng vững chắc về quyền lực và không phải đối mặt với các mối đe dọa cấp bách trong nước lẫn quốc tế nhưng quân đội đã bắt đầu chuyển đổi đường lối. Nhưng cũng khá kỳ quặc khi mà những gì rốt cuộc mang lại sự thay đổi sang đường hướng mới ban đầu lại có vẻ như là một trò cũ không có gì mới: ngày 07/11/2010, cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội đã diễn ra trong tình trạng vô cùng gian lận, và đã tạo nên chiến thắng vang dội cho vị thủ tướng và cựu đại tướng 65 tuổi Thein Sein và Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) dưới sự hậu thuẫn của quân đội.

Trong bài diễn văn nhậm chức ngày 30/3/2011, giọng điệu của Thein Sein mang tính hòa giải nhưng vẫn còn độc đoán. Ông ca ngợi vai trò của quân đội, nhưng cũng lưu ý sự cần thiết phải cải cách kinh tế và chính trị. Màn giới thiệu chương trình cải cách này thật đáng chú ý khi mà những người thúc đẩy quá trìnhđều là các cựu tướng lãnh, rồi chế độ tiếp tục gần như toàn quyền kiểm soát đời sống dân sự và chính trị, và hệ thống mà chế độ vận hành trở nên hoàn chỉnh với một vai trò to lớn của quân đội được quy định rõ trong hiến pháp trong một thứ mà chế độ tung hô là trật tự “dân chủ” mới của Miến Điện.

Trong vòng nửa năm, việc chuyển đổi là không thể nhầm lẫn vào đâu được. Chính phủ thả hầu hết tù chính trị, bao gồm các nhân vật đáng chú ý như bà Aung San Suu Kyi – người bị quản thúc tại gia trong suốt gần hai thập niên trước; sửa đổi luật về đảng phái chính trị cho phép bà Suu Kyi và Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà cùng với các đảng đối lập khác tham gia chính trị; tiến hành đàm phán ngừng bắn với một số nhóm sắc tộc; nới lỏng kiểm duyệt báo chí và kiểm soát xã hội dân sự; và cho phép những người bất đồng chính kiến hàng đầu quay về nước.

Phe đối lập dân chủ phản ứng lại sự mở cửa này với tinh thần thiện chí và hăng hái. Aung San Suu Kyi tái đăng ký đảng NLD – đảng đã đạt kết quả xuất sắc trong cuộc bầu cử bổ sung ngày 1/4/2012 khi tranh cử 44 trong 45 ghế còn trống tại Quốc hội và giành được chiến thắng áp đảo 43 ghế. Suu Kyi là một trong 43 người được bầu, và hiện tham gia Nghị viện Liên bang. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên ở Miến Điện trong hơn năm mươi năm qua mà kết quả của nó đã phản ánh ý chí của nhân dân và được chính phủ tôn trọng. Mặc dù chỉ có ít hơn một phần mười tổng số ghế trong Quốc hội được bầu trong những cuộc bầu cử bổ sung này nhưng chúng đã đánh dấu việc xóa bỏ các cuộc bầu cử gian lận hoặc bị đánh cắp trong quá khứ, nhấn mạnh thái độ mới và chấp nhận nhiều hơn nữa của chính phủ với phe đối lập chính trị.

Để tận dụng tối đa sự mở cửa, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã lập ra các viện nghiên cứu tư vấn chính sách mới, các trung tâm đào tạo và các nhà xuất bản. Cộng đồng quốc tế cũng đã có phản ứng trước điều này. Trong năm vừa qua, Miến Điện đã đón tiếp Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. ASEAN đã trao quyền chủ tịch năm  2014 cho Miến Điện. Mỹ đã khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao sau 22 năm, và sau đó là EU và Anh đã giảm bớt các biện pháp trừng phạt đầu tư và tài chính vào tháng 5/2012.

Bất chấp sự hồ hởi mà cuộc cải cách đã dấy lên trong và ngoài nước, Miến Điện vẫn là một chế độ độc tài quân sự. Các vị tướng dù còn đang phục vụ hay đã về hưu kiểm soát tất cả các cơ quan quan trọng, còn hiến pháp thì đảm bảo cho quân đội thống trị. Tuy nhiên, dường như có điều gì đó sâu sắc đang thay đổi, mặc dù điều này không – hoặc chưa – phải là quá trình chuyển đổi triệt để sang nền dân chủ. Điều gì đang dẫn dắt sự thay đổi, tại sao xảy ra lúc này và rốt cuộc sẽ dẫn đến đâu? Mục tiêu của chính phủ là gì, và tại sao họ nghĩ rằng họ có thể đảm trách quá trình này? Khả năng để cuộc cải cách này tiếp tục và cuộc tổng tuyển cử tiếp theo trong năm 2015 có thể dẫn đến bước đột phá và củng cố dân chủ cao tới mức
nào?

Dù dưới bất kỳ cái tên chính thức, từ viết tắt, hoặc thủ tướng hay tổng thống xuất thân từ tướng lãnh nào, những nhà lãnh đạo quân sự Miến Điện từ lâu đã được biết đến vì sự tàn nhẫn và khả năng chịu được áp lực cả trong và ngoài nước của họ. Khi chế độ quân sự tổ chức cuộc bầu cử vào tháng 10/2010, có rất ít dấu hiệu cho thấy bất kỳ thay đổi nào trong đường lối đang diễn ra. Tại sao có sự thay đổi và tại sao lại ở thời điểm này? Để làm sáng tỏ những câu hỏi vừa nêu, chúng ta có thể xem xét năm lý do có liên quan với nhau như sau:

1) khung thời gian nội bộ chi phối bởi “lộ trình bảy bước” của chế độ và sự về hưu của vị đại tướng lão làng Than Shwe;

2) việc thừa nhận Miến Điện đã trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt chính trị, kinh tế và quân sự;

3) nỗi sợ hãi về một cuộc nổi dậy khác của nhân dân;

4) công nhận tính cần thiết phải hợp tác với phương Tây; và

5) mong muốn giải quyết sự kém phát triển của Miến Điện.

Lộ trình bảy bước của chế độ. Lộ trình được công bố và thực hiện từ năm 2003 và được cho là sẽ dẫn đến “nền dân chủ phát triển có kỷ cương”. Kế hoạch đặt ra bảy bước bao gồm việc triệu tập lại Đại hội Quốc dân (được triệu tập năm 1993 nhưng sau đó bị hoãn lại năm 1996) và cho phép hoàn thành việc soạn thảo hiến pháp mới để đưa ra trưng cầu dân ý. Sau đó, kế hoạch kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp và xây dựng một “nhà nước hiện đại, phát triển và dân chủ”.

Trong sự kiện này, Đại hội tái triệu tập kéo dài mà không có sự tham gia của đảng NLD (do họ đã tẩy chay), không có tính hợp pháp và cũng không có nhiều kết quả. Cuối cùng khi hiến pháp mới xuất hiện, nó cho thấy vẻ bề ngoài dân chủ giả dối của cơ cấu tăng cường quyền lực cho quân đội. Ngoài các vấn đề khác, hiến pháp mới cũng đảm bảo rằng quân đội chiếm một phần tư tổng số ghế trong Quốc hội. Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 10/5/2008, chưa đầy một tuần sau khi siêu bão Nargis đã cướp đi hơn 130.000 sinh mạng người dân Miến Điện và hàng triệu người phải di dời (mặc dù theo nguồn tin chính thức có 98% cử tri đi bầu và gần như nhất trí bỏ phiếu “đồng ý”). Sau đó là cuộc bầu cử quốc hội giả diễn ra vào
năm 2010 mà đa số phiếu nghiêng về USDP.

Sáu bước đầu tiên của lộ trình đã được hoàn thành dưới quyền của Than Shwe, một vị tướng nổi tiếng với việc thù ghét cá nhân bà Suu Kyi và là nhân vật xuất hiện trong danh sách các nhà cựu độc tài, những người được cho là phải có trách nhiệm trước các tội ác do họ gây ra, danh sách này do ông Reed Brody thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền biên soạn. Khi về hưu vào ngày 30/3/2011, ông tự tin cho rằng ông không chỉ củng cố địa vị đứng đầu của quân đội mà còn đảm bảo rằng không có người kế nhiệm nào có thể tích lũy đủ sức mạnh để quay lưng lại với ông theo cách mà ông đã quay lưng lại với người tiền nhiệm Ne Win. Sự phân bổ quyền lực của hiến pháp cho một số tổ chức “dân chủ” có vẻ được tính toán khéo
léo nhằm cho phép Than Shwe có thể khiến những người kế nhiệm tiềm năng chống lại nhau. Ngoài việc sắp xếp Thein Sein trở thành tổng thống, Than Shwe đã để nhân vật thứ ba trong chính quyền, Thura Shwe Mann, nắm vai trò chủ tịch hạ viện. Những nhà lãnh đạo ở cứng rắn nằm ở lớp lãnh đạo thứ hai đã lên đứng đầu USDP trong khi tướng Min Aung Hlaing, một sĩ quan tương đối trẻ, đã được thăng cấp lên làm tổng tư lệnh quân đội, một vị trí từng là quyền lực nhất nước.

Bây giờ là thời điểm đến bước thứ bảy và cũng là bước khó khăn nhất. Còn quá sớm để nói chính xác về những gì mà các vị tướng dự tính khi họ bàn chuyện xây dựng nhà nước “hiện đại, phát triển và dân chủ”. Tương tự như vậy, cũng quá sớm để nói bao nhiêu người bảo thủ còn duy trì ở những vị trí mà từ đó họ có thể ngầm làm suy yếu các cuộc cải cách. Nhưng ngày càng có vẻ như mục tiêu của chính phủ là thiết lập một hệ thống – được điều hành bởi một đảng do quân đội hậu thuẫn – sẽ đưa tất cả các lực lượng chính trị và sắc tộc vào khuôn khổ hiến pháp duy nhất và theo đuổi phát triển kinh tế gần như theo phong cách của Malaysia hoặc Singapore.

Nhân tố Trung Quốc. Sau cuộc khởi nghĩa dân chủ tháng 8/1988, cuộc bầu cử tháng 5/1990, và việc chính quyền từ chối thừa nhận kết quả của cuộc bầu cử, Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã áp đặt trừng phạt, từ chối các khoản vay và hỗ trợ đa phương, và tăng áp lực chính trị quốc tế với Miến Điện. Đối mặt với tất cả các việc này, nhà cầm quyền quân sự Miến Điện đã rời bỏ chính sách không liên kết thông thường của họ và quay sang nhận hỗ trợ về quân sự, chính trị và kinh tế từ Trung Quốc. Trong hai thập niên tiếp theo, không chỉ Miến Điện trở nên lệ thuộc hơn vào Trung Quốc mà còn ngược lại, vai trò quan trọng của Miến Điện đối với Trung Quốc về tài nguyên thiên nhiên, hội nhập kinh tế khu vực và an ninh cũng đã tăng lên.

Năm 1988, tổng giá trị mậu dịch giữa Trung Quốc và Miến Điện chỉ đạt 9,5 triệu USD. Một năm sau đã vượt lên gấp tám lần, đạt 76 triệu USD. Đến năm 2009, Trung Quốc đã thay thế Thái Lan trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Miến Điện. Trong năm 2010 và 2011, mậu dịch với Trung Quốc đạt 4,7 tỷ USD, chiếm hơn một phần ba tổng giá trị mậu dịch của Miến Điện. Miến Điện bán cho Trung Quốc gỗ, đá quý, thủy sản, đá cẩm thạch, than, nickel và các tài nguyên thiên nhiên khác, trong khi Trung Quốc cho tràn sang thị trường Miến Điện các sản phẩm giá rẻ từ thực phẩm cho đến đồ điện tử.

Đầu tư cũng theo chiều hướng tương tự. Từ năm 1988 đến năm 2012, Miến Điện đã nhận khoảng 41 tỷ USD vốn đầu tư của Trung Quốc. Trung Quốc đã vượt Thái Lan trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Miến Điện. Nếu tính luôn tất cả các khoản đầu tư và dự án kinh doanh của Trung Quốc không thể hiện trên sổ sách kế toán thì Trung Quốc thậm chí chiếm vị trí hàng đầu, là nguồn cung cấp vốn đầu tư và thương mại lớn nhất của Miến Điện.

Lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn bất kỳ ngành nào khác đó chính là dầu mỏ và khí thiên nhiên. Theo Earth Rights International [tổ chức phi chính phủ theo dõi chặt chẽ các dự án tài nguyên thiên nhiên – BBT], 69 tập đoàn đa quốc gia sở hữu bởi Trung Quốc có liên quan đến hơn chín mươi dự án thủy điện, khai thác mỏ, dầu và khí đốt ở Miến Điện. Tháng 8/2007, chính quyền quân sự Miến Điện đã xác nhận việc bán các mỏ dự trữ khí đốt béo bở Shwe, mỏ lớn nhất trong vịnh Bengal ngoài khơi bờ biển Arakan của Miến Điện, cho một công ty  sở hữu nhà nước của Trung Quốc. Một số nhà phân tích nắm tình hình đã suy đoán rằng chính quyền chọn công ty sở hữu bởi chính phủ Trung Quốc (thay vì các công ty Ấn Độ và Hàn Quốc) cho những hợp đồng béo bở để đổi lấy sự ủng hộ mà Miến Điện nhận được từ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, bao gồm việc sử dụng quyền phủ quyết năm 2007 để ngăn chặn một nghị quyết về Miến Điện do Mỹ dẫn đầu. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1973 Bắc Kinh đã phủ quyết một vấn đề không liên quan đến Đài Loan.

Năm 2009, Trung Quốc bắt đầu xây dựng một đường ống đôi dẫn dầu và khí thiên nhiên chạy từ bờ biển phía Tây của Miến Điện qua các vùng dân tộc thiểu số ở phía Đông Bắc đến suốt các tỉnh phía Nam Trung Quốc như Vân Nam, Quý Châu và Quảng Tây. Đường ống sẽ cho phép Trung Quốc có được dầu và khí đốt từ Trung Đông và châu Phi cũng như khí thiên nhiên từ ngay Miến Điện mà không cần phải lo lắng về việc vận chuyển dễ bị tấn công khi qua eo biển chiến lược Malacca.

Sự phụ thuộc của Miến Điện vào Trung Quốc vượt xa hơn mối quan hệ kinh tế tiến đến mối quan hệ an ninh. Sau vụ đàn áp đẫm máu của quân đội vào tháng 8 và tháng 9/1988 – được gọi là cuộc nổi dậy Bốn Số Tám (do bắt đầu vào ngày
8/8/1988) và lệnh cấm vận vũ khí sau đó của phương Tây, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính của Miến Điện, cho trả tiền sau và bán ở mức giá thấp “hữu nghị”. Chính quyền quân phiệt Miến Điện đã cung cấp cho Trung Quốc nguồn tài nguyên và các nhượng bộ khác để đổi lấy tiền, hàng hóa và vũ khí. Quân đội Trung Quốc cũng bắt đầu đào tạo sỹ quan Miến Điện ở cả Trung Quốc và Miến Điện. Sự đầu tư của Trung Quốc vào quân đội Miến Điện gắn chặt với mục tiêu của Bắc Kinh nhằm xây dựng một lực lượng hải quân biển xa vào năm 2050: Miến Điện sẽ cho Trung Quốc cơ hội có được cánh cửa trực tiếp đến Ấn Độ Dương.

Mặc dù tướng lãnh Miến Điện đều biết tình trạng cô lập tách khỏi cộng đồng
quốc tế của họ đã khiến cho sự bảo hộ của Trung Quốc về chính trị và ngoại giao trở nên quan trọng, họ đã có dấu hiệu lo lắng. Họ bắt đầu tìm kiếm trang thiết bị quân sự và sự huấn luyện từ Ấn Độ, Nga, Pakistan và thậm chí cả Bắc Triều Tiên. Mối quan hệ quân sự giữa Miến Điện và Bắc Triều Tiên được ghi nhận công khai lần đầu tiên vào những năm 1990 nhưng đã không tiếp tục trở thành tâm điểm của báo chí cho đến khi nó được trình bày trong bộ phim tài liệu có tựa đề “Tham vọng Hạt nhân của Miến Điện” năm 2010. Ngày 12/6/2011, Hải quân Hoa Kỳ đã buộc một chiếc tàu của Bắc Triều Tiên vận chuyển hàng hóa quân sự hướng về Miến Điện phải quay trở lại.

Giống như Trung Quốc đã tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế của mình tại Miến Điện, các nước láng giềng khác của Miến Điện cũng vậy. Năm 1991, Thủ tướng Ấn Độ Narasimha Rao đã bắt đầu chính sách “Hướng Đông” tìm cách liên kết nền kinh tế tự do hóa gần đây của Ấn Độ với những “con hổ” kinh tế năng động Đông Nam Á. Sáu năm sau, Miến Điện và Lào trở thành hai thành viên cuối cùng của mười quốc gia Đông Nam Á tham gia khối ASEAN (Chi tiết này không chính xác, Campuchia mới là quốc gia cuối cùng gia nhập ASEAN – BBT). Các nhà cầm quyền của Miến Điện, mặc dù không trực tiếp thách thức sự ảnh hưởng của Trung Quốc, đã thận trọng hành động để giảm bớt ảnh hưởng bằng cách hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và tìm kiếm các đồng minh khác.

Tuy nhiên, một thách thức trực tiếp như vậy với Bắc Kinh đã trở thành một trong những sự kiện nổi bật của năm 2011. Ngày 30/9, Tổng thống Thein Sein công bố đình chỉ hoạt động dự án đập Myitsone do Trung Quốc xây dựng và tài trợ. Đây là đập lớn nhất trong tám đập Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng trên sông Irrawaddy. Dự án thủy điện cực lớn này, bắt đầu năm 2006, liên quan đến việc tạo ra một hồ chứa tại Myitsone với diện tích bề mặt lớn hơn so với diện tích của cả Singapore.

Trước đó, năm 2011, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động và các tổ chức truyền thông ở Miến Điện đã rung hồi chuông báo động về chi phí nhân lực, kinh tế và môi trường của đập, thu hút sự quan tâm của người dân và thúc đẩy cảm giác cấp bách trong cộng đồng xung quanh sự cần thiết phải bảo vệ dòng sông Irrawaddy, tuyến đường thủy lớn nhất và quan trọng nhất của đất nước. Mặc dù một vài trong số các biện pháp cải cách vẫn chưa có hiệu lực nhưng đã cho thấy rõ ràng rằng việc huy động cộng đồng xung quanh việc xây dựng con đập thể hiện một thách thức đối với cam kết cải cách của chính phủ mới, ít nhất là ở khía cạnh
quan hệ công chúng. Một phần là do sự quan ngại của công chúng, nhưng có nhiều khả năng là do sự cân nhắc về chiến lược và kinh tế, trong đó có tác hại tiềm tàng đến vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng ở hạ lưu, nên quyết định của Tổng thống Thein Sein đình chỉ xây dựng con đập là một dấu hiệu rõ ràng thể hiện mối quan ngại của chính phủ đối với ảnh hưởng của Trung Quốc ở Miến Điện.

Quyết định về đập Myitsone báo hiệu sự chuyển đổi thái độ về vai trò của Trung Quốc tại Miến Điện, nhưng không phải là một sự gián đoạn trong mối quan hệ này. Chính phủ Miến Điện vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào vị hàng xóm khổng lồ về kinh tế, chính trị và chiến lược, và đã bày tỏ sự không mong muốn đối đầu với nó. Đảng NLD cũng khéo léo như vậy khi thảo luận về vai trò của Trung Quốc. “Vì vậy, cho rằng chúng tôi không thể có mối quan hệ tốt đẹp bởi hệ thống khác nhau là không đúng”, bà Aung San Suu Kyi nhấn mạnh. “Miến Điện và Trung Quốc đã có được mối quan hệ rất gần gũi và thân thiện, và bất kỳ vấn đề nào cũng sẽ được giải quyết một cách hòa bình bất cứ khi nào chúng xuất hiện.”

Đối với Thein Sein và thế hệ các nhà lãnh đạo quân sự mới dưới quyền ông, có vẻ như sự mở cửa cải cách đã tạo cơ hội cho họ bắt đầu phát triển đất nước một cách thận trọng thoát khỏi sự quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nước mà họ tin rằng đã lợi dụng sự cô lập của Miến Điện, và thúc đẩy quan hệ với phương Tây chặt chẽ hơn.

Nỗi sợ hãi về một cuộc nổi dậy khác. Trong suốt thời kỳ quân đội nắm quyền, áp lực không chỉ từ nước ngoài mà cả từ trong nước. Mặc dù quân đội từ lâu đã xử lý nghiêm khắc các cuộc biểu tình bất mãn của công chúng – gần đây nhất là tháng 9/2007, khi quân đội đã đàn áp tàn nhẫn cuộc Cách mạng Cà sa (Saffron Revolution) – cho tới năm 2010 những người lính dường như hiểu ra rằng có điều gì đó cơ bản đã thay đổi. Họ có lo lắng và mệt mỏi bởi suy nghĩ về việc ngày càng có nhiều sự khinh miệt và trừng phạt quốc tế hơn hay không? Liệu cuối cùng họ có nhận ra rằng một nhà nước thịnh vượng và hiện đại, chưa nói đến dân chủ, không thể được xây dựng bằng những chiếc dùi cui hay không? Dù với bất kỳ lý do gì, các nhà cầm quyền Miến Điện dường như đã hiểu – ngay cả trước khi phong trào nổi dậy Mùa xuân Ả Rập xảy ra và củng cố bài học – rằng họ không còn có thể đơn giản là tấn công bằng vũ lực chống lại các phong trào phản kháng như họ đã từng thực hiện trong quá khứ.

Cũng như năm 1990 khi chính quyền quân sự lúc bấy giờ đã đánh giá thấp sự ủng hộ của dân chúng dành cho đảng NLD, các nhà lãnh đạo quân sự năm 2007 đã không hiểu được độ rộng và bề sâu của sự bất mãn nằm đằng sau những dấu hiệu ban đầu của tình trạng bất ổn. Đảng NLD không phải là tổ chức đối lập duy  nhất trong nước. Các nhà lãnh đạo được thả gần đây của Phong trào “Bốn Số Tám” đã lãnh đạo cuộc biểu tình về việc tăng giá dầu và khí đốt. Đầu tháng 9/2007, chính quyền đã đàn áp tàn bạo cuộc biểu tình hòa bình do các nhà sư Phật giáo ở Pakokku và do đó nhanh chóng biến phong trào phản đối quy mô nhỏ thành cuộc nổi dậy trên toàn quốc. Trước cuối tháng, hàng trăm hàng ngàn nhà sư và những người khác đã xuống đường thách thức trực tiếp chế độ quân sự.

Cách mạng Cà sa là cuộc khởi nghĩa đầu tiên ở Miến Điện được chiếu trên truyền hình. Kênh tiếng nói Dân chủ Miến Điện, một kênh truyền hình vệ tinh đặt tại Na Uy, dựa vào mạng lưới các nhà quay phim ngầm đã cung cấp những bản tin truyền hình gần như trực tiếp. Cảnh tượng vô số các nhà sư diễu hành qua các đường phố Rangoon và các thành phố khác với những chiếc bát bố thí lật úp trong một cử chỉ thể hiện sự phản đối đã mang lại một thách thức trực tiếp và rõ ràng đối với chế độ mà từ lâu đã cố gắng sử dụng Phật giáo để hợp pháp hóa sự cai trị của nó.

Tám tháng sau, ngày 8/5/2008, siêu bão Nargis tràn qua đồng bằng Irrawaddy. Bão lớn và lũ lụt đã làm hơn 130.000 người thiệt mạng và khiến 1,2 triệu người khác mất nhà cửa và tuyệt vọng. Phản ứng ban đầu của chính quyền là giảm nhẹ thiên tai và từ chối viện trợ quốc tế. Trong vòng một tháng, khi những công dân Miến Điện được huy động để ứng phó và áp lực quốc tế tăng lên, chính quyền cuối cùng cũng nhượng bộ, cho phép viện trợ quốc tế và nới lỏng một số hạn chế với các nhóm xã hội dân sự địa phương.

Rất ít người biết về những cuộc bàn cãi trong quân đội dẫn đến quyết định đối phó với cuộc Cách mạng Cà sa bằng vũ lực tàn bạo cũng như hậu quả của cơn bão Nargis với lệnh cấm nhận viện trợ bên ngoài bất chấp những đau khổ mà hàng triệu dân thường Miến Điện đang trải qua. Tuy nhiên, có vẻ như những tình tiết này đã gây nên những căng thẳng trong giới lãnh đạo quân sự cấp cao.

Nối lại can dự với phương Tây. Chính quyền muốn nối lại hoạt động với phương Tây nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và nhận được sự giúp đỡ khi đối phó với những thách thức kinh tế nghiêm trọng, nhưng cũng thừa nhận rằng họ không thể đạt được mục tiêu này mà không hợp tác với phe đối lập trong nước. Trong hai mươi năm qua, chính quyền quân sự đã tìm cách làm mất uy tín, tước quyền hợp pháp và tàn sát bất kỳ sự phản đối nào, kể cả phản đối một cách hòa bình. Nỗ lực của chính quyền không những đã thất bại, mà nó còn vô tình giúp bảo đảm sự ủng hộ không bao giờ phai nhạt của nhân dân dành cho phe đối lập dẫn dắt bởi NLD. Bằng chứng là trong cuộc Cách mạng Cà sa và cuộc bầu cử bổ sung ngày 1/4, sự ủng hộ của dân chúng cho phe đối lập vẫn duy trì mạnh mẽ. Sự bền bỉ, cam kết, lòng can đảm và hy sinh của những nhà hoạt động đã củng cố tính hợp pháp của các nhóm ủng hộ dân chủ, buộc chính quyền phải chấp nhận rằng sự đồng thuận của họ là cần thiết để triển khai thành công chương trình cải cách.

Tổng thống Thein Sein thể hiện điều tương tự khi gặp bà Aung San Suu Kyi tại thủ đô mới Naypyidaw vào ngày 19/8/2011. Ông biết rằng cả Miến Điện lẫn thế giới sẽ không đánh giá cao kế hoạch mở cửa của ông trừ khi bà chấp thuận nó. Vai trò trung tâm của bà trong việc hợp pháp hóa quá trình và, nói rộng hơn, “bật đèn xanh” cho cộng đồng quốc tế nối lại hoạt động với Miến Điện đã được nhấn mạnh một lần nữa khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hỏi ý kiến của bà trước khi gửi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Miến Điện vào tháng 12/2011.

Nỗi sợ tụt hậu. Liên quan chặt chẽ với mối lo của chính phủ về sự bất mãn của dân chúng là sự thừa nhận ngày càng rõ ràng rằng Miến Điện đang bị các nước láng giềng bỏ xa hơn bao giờ hết. Bất chấp sự cô lập tương đối của đất nước, các quan chức Miến Điện cay đắng nhận ra những thất bại kinh tế và xã hội của Miến Điện. Là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới, Miến Điện bị bỏ lại đằng sau so với cả những nước Đông Nam Á nghèo, và tụt hậu một cách tệ hại khi so sánh với những cường quốc kinh tế láng giềng như Malaysia, Singapore và Thái Lan. Năm 2010, Chỉ số Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc xếp Miến Điện đứng thứ 132 trên 169 quốc gia, mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù Miến Điện đang mở rộng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng nền kinh tế vẫn thuộc nhóm chậm phát triển nhất trong khu vực. Thương mại và đầu tư chủ yếu xoay quanh việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong khi ngành sản xuất và nông nghiệp thâm dụng lao động chỉ chiếm 1% FDI. Tệ hại hơn, chính quyền đã lãng phí tài nguyên thiên nhiên trời cho của đất nước vào các dự án tốn kém chẳng hạn như kế hoạch xây dựng thủ đô mới tại thành phố Naypyidaw – dự án mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính có thể tiêu tốn của Miến Điện gần 2% GDP năm 2006. Theo thống kê chính thức của chính phủ, họ đã phân bổ 23,6% ngân sách năm 2011 cho chi tiêu quân sự trong khi chi tiêu cho cả giáo dục và y tế chỉ 5,4%.

Các biện pháp trừng phạt quốc tế cứng rắn – bao gồm các biện pháp tài chính có chủ đích do Hoa Kỳ thúc đẩy, đã làm trầm trọng thêm ảnh hưởng tai hại của chính sách kinh tế kém cỏi của Miến Điện. Mặc dù rất khó để đo lường tác động của các biện pháp trừng phạt, Tổng thống Thein Sein đã đưa việc dỡ bỏ chúng trở thành một mục tiêu quan trọng trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo phương Tây, các quan chức Liên Hiệp Quốc và các đối tác của ASEAN.

Quản lý quá trình chuyển đổi

Sự chuyển đổi hiện đang được tiến hành tại Miến Điện đặt ra vấn đề không chỉ về động lực và thời gian mà còn là cách quản lý. Nói cách khác, làm thế nào để Miến Điện nhanh chóng từ một nhà nước quân sự độc tài trở thành một chính phủ bán dân sự trong khi né tránh phản đối mạnh mẽ của phe bảo thủ và chiêu mộ phe đối lập vào việc hợp pháp hóa các cải cách? Chìa khóa của cải cách thành công (hay ít nhất là cho sự tồn tại của cải cách) là các bảo đảm bởi hiến pháp cho quân đội và phe bảo thủ kết hợp với một loạt các sắp xếp nhân sự khôn ngoan đã giúp đặt các vị cựu tướng lĩnh vào các vị trí nắm quyền mang tính cạnh tranh lẫn nhau về mặt thể chế.

Những vị trí cạnh tranh lẫn nhau tồn tại bởi vì người tiền nhiệm của Thein Sein là Than Shwe đã lo lắng ngăn chặn việc tập trung quyền lực và âm mưu lật đổ ở các cấp bậc ngay dưới cấp cao nhất như các trường hợp đã dẫn đến việc tống giam và cuối cùng là cái chết của cả hai người tiền nhiệm của mình, Đại tướng Saw Maung (người thực hiện cuộc đảo chính năm 1988) và Tướng Ne Win (người thực hiện cuộc đảo chính đầu tiên năm 1962), những người đã lần lượt qua đời vào năm 1997 và 2002. Do đó, Than Shwe đã để lại một hệ thống chính trị vẫn còn dưới sự kiểm soát của quân đội nhưng không cho phép bất kỳ một nhân vật mới duy nhất nào có thể củng cố quyền lực vượt ra ngoài tầm thách thức của các tướng lĩnh
khác.

Hiến pháp năm 2008 có một số điều khoản bảo vệ đặc quyền quân đội. Ngoài việc dành riêng một phần tư số ghế trong Quốc hội cho các sỹ quan, nó còn cho phép thành lập Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia với quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp (một quyền hạn mà tổng thống cũng có) và bổ nhiệm tổng tư lệnh quân đội. Hơn thế nữa, sáu nguyên tắc hiến pháp cơ bản tuyên bố rằng quân đội “có thể tham gia nhà nước với vai trò lãnh đạo chính trị quốc gia”. Sửa đổi bất kỳ điều khoản nào trong các điều khoản này đòi hỏi phải được đa số 75% quốc hội đồng ý cũng như được chấp thuận bởi trưng cầu dân ý.

Hiến pháp quy định một số tổ chức dân chủ mới (hay mới được trao quyền), bao gồm không chỉ Quốc hội mà còn cả cơ quan hành pháp và tư pháp. Cách thức mà các tổ chức này được trao quyền, dù bằng cách bổ nhiệm hay bầu cử – đều nhằm đảm bảo rằng những người trong quân đội vẫn duy trì quyền lãnh đạo và không có một sĩ quan cấp cao nào có thể tích lũy quá nhiều quyền lực so với đồng nghiệp của mình. Mục đích của điều này không phải nhằm dân chủ hóa các thể chế này mà chủ yếu để đảm bảo quyền lực được phân tán hơn so với trước kia xuyên suốt hàng ngũ cấp cao của giới chức quân sự nắm quyền.

Hiến pháp năm 2008 quy định rằng tổng thống và các bộ trưởng nội các – những người được trúng cử làm nghị sĩ – sẽ phải rời Quốc hội cũng như các đảng phái chính trị của mình trong suốt nhiệm kỳ phục vụ trong các cơ quan hành pháp. Kể từ tháng 3/2011, quy định này, nhằm giảm thiểu sự xuất hiện ý niệm đảng phái trong các quan chức quốc gia, đã có tác động tạo khoảng cách giữa các quan chức này với đảng cầm quyền USDP. Điều này quan trọng bởi các nhà lãnh đạo USDP thường tỏ ra thận trọng và bảo thủ hơn so với Tổng thống Thein Sein và nhóm của ông. Thật vậy, USDP, do dự báo chính xác việc đảng NLD sẽ đạt kết quả tốt trong cuộc bầu cử bổ sung năm 2012, đã phản đối việc tổ chức các cuộc bầu cử này. Đảng này cũng đã thúc đẩy không thành công việc sửa đổi hiến pháp cho phép các quan chức hành pháp, hầu hết là thành viên USDP, được giữ tư cách thành viên đảng của mình. Theo một trong những cố vấn của Thein Sein, vị tổng thống coi mình và một số nhà lãnh đạo có đầu óc cải cách khác là những người hoạt động chỉ một nhiệm kỳ. Nếu như vậy, việc họ không cần quan tâm tới việc tiếp tục nắm quyền càng có xu hướng nới rộng khoảng cách giữa họ với đảng của mình.

Thành công của quá trình cải cách phụ thuộc vào sự hợp tác của phe đối lập, đặc biệt là của đảng NLD và các đảng sắc tộc lớn của quốc gia. Mặc dù những thay đổi trong mười tám tháng qua thường được xem là đã được dẫn dắt “từ phía trên” nhưng vai trò của phe đối lập trong việc thúc đẩy lẫn tạo dựng cải cách cũng không kém phần quan trọng. Như đã nói ở trên, sự thay đổi đường lối của Tổng thống Thein Sein dường như một phần là do nhận thức rằng không thể nào có con đường tiến về phía trước, dù về mặt chính trị, kinh tế hay chiến lược, nếu không có sự hỗ trợ của bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD. Sự ủng hộ của bà giúp giảm áp lực trong nước và làm cho Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn chấp nhận nối lại can dự với Miến Điện.

Xã hội dân sự, đảng NLD, và các nhóm sắc tộc

Thách thức của các mối quan hệ sắc tộc

Hướng tới năm 2015

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Mien Dien mo cua Co hoi cho cac nha dan chu.pdf