#86 – Việt Nam: Tranh luận về dân chủ hóa và pháp quyền hóa nhà nước (Phần 1)

Nguồn: Zachary Abuza (2001). “The debates over Democratization and Legalization”, in Z. Abuza, Renovating Politics in Contemporary Vietnam (London: Lynne Rienner Publisher), pp. 75-130.

Biên dịch: Nguyễn Duy Hưng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: #65 – Sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm, cuộc thanh trừng năm 1967, và di sản của sự bất đồng chính kiến

Đến giờ phút này, tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng không một thế lực trong và ngoài nước nào có thể tiêu diệt được Đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ có Đảng tự làm suy yếu chính mình khi không chịu thích nghi với tình hình mới.                                                                                                                                                                                        – Tướng Trần Độ

Đầy tớ thì đi Volga

Bố con Ông chủ ra ga đón tàu

Đầy tớ thì ở nhà lầu

Bố con Ông chủ giấy dầu che mưa

Đầy tớ nhậu nhẹt sớm trưa

Bố con Ông chủ rau dưa qua ngày.

                                                                                                                – Một bài thơ

Sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các lực lượng bên ngoài luôn tìm cách thúc đẩy quá trình dân chủ hóa và cải cách chính trị tại Việt Nam. Lấy ví dụ, trong bài phát biểu của Tổng thống Bill Clinton tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, ông công khai động cơ chủ yếu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế , từ đó sẽ dẫn tới những đòi hỏi lớn hơn về quyền tự do và chính trị trong dân chúng Việt Nam. Rõ ràng là áp lực từ bên ngoài đã có ảnh hưởng nhất định đến việc đối xử với một số người bất đồng chính kiến như Đoàn Viết Hoạt, Dương Thu Hương, và Nguyễn Thanh Giang. Mặc dù chính quyền luôn bác bỏ việc phóng thích họ là do sức ép bên ngoài,[1] Việt Nam rõ ràng trông chờ động thái này sẽ giúp giành được một số nhượng bộ kinh tế từ Mỹ. Nhân quyền, dù Việt Nam có đồng ý hay không với cách hiểu của Phương Tây, phải nằm trong chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách. Có một số dấu hiệu cho thấy điều này đang diễn ra.

Ví dụ, tờ Far East Economic Review cho biết trong giai đoạn 1992-1993, một nhóm liên cơ quan cấp cao với các đại diện đến từ Bộ Nội Vụ (tức Bộ Công an hiện nay – NHĐ), Ban Chấp hành Trung ương và các cơ quan khác của Đảng, Tòa án tối cao, và Bộ Ngoại giao đã gặp gỡ để thảo luận về vấn đề nhân quyền.[2]Mặc dù có áp lực bên ngoài kêu gọi cải cách chính trị và nới lỏng quyền lực của Đảng, nhưng sức ép đòi hỏi dân chủ hóa và cải cách chính trị lại đến từ trong nước. Các lực lượng bên ngoài đơn giản chỉ được coi như một nguồn cơn gây khó chịu hơn là một lực lượng đưa tới thay đổi. Hơn nữa, sức ép đòi tự do hóa chính trị đến từ chính trong nội bộ Đảng.

Tranh luận về dân chủ hóa bắt nguồn từ sau Đại hội Đảng VI năm 1986 với việc Nguyễn Văn Linh được bầu làm tổng bí thư Đảng và mở ra kỷ nguyên cải cách và đổi mới kinh tế. Chương 3 sẽ thảo luận nguồn gốc của cuộc tranh luận về dân chủ trong Bộ Chính trị, cuộc đàn áp năm 1989, sự thiếu vắng một phong trào chính thức đòi cải cách chính trị cho đến khi các cuộc biểu tình của nông dân tỉnh Thái Bình nổ ra năm 1998. Sau đó, chương này sẽ phân tích những yêu cầu của Quốc hội, những quan điểm khác biệt về dân chủ và đa nguyên, và những quan ngại của Đảng về tư tưởng hệ và kinh tế trong những năm 1990.

Trần Xuân Bách và tranh luận trong Bộ Chính trị về cải cách chính trị

Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu và Liên bang Xô viết cũ từ 1989 đến 1991 đã có ảnh hưởng sâu sắc đến giới lãnh đạo Việt Nam. Cũng giống như các nước cộng sản khác, Việt Nam phải đối mặt với áp lực dân chủ hóa. Tuy nhiên, không giống như Trung Quốc, nơi mà sức ép đòi dân chủ đến từ giới sinh viên và giai cấp công nhân, thách thức đối với Đảng Cộng sản Việt Nam lại đến từ trong Đảng: chủ để dân chủ hóa được tranh luận nóng bỏng tại Hà Nội từ 1986 đến 1989. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người coi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên chính sách ngoại giao, đã bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế theo mô hình của Trung Quốc dựa trên các hợp đồng và quy luật của thị trường thay cho chính sách kế hoạch hóa tập trung. Giới lãnh đạo mong muốn “khu biệt hóa”ý tưởng dân chủ, khuyến khích dân chủ trong nền kinh tế nhưng không ủng hộ đa nguyên chính trị. Nguyễn Đức Bình, ủy viên Bộ Chính trị và là nhà lý luận chính trị hàng đầu của Đảng, viết:”Dân chủ trong nền kinh tế là mắt xích trọng yếu trên con đường dân chủ hóa xã hội. Dân chủ hóa tại các lĩnh vực khác sẽ bị suy giảm đáng kể về tầm ảnh hưởng và sẽ khó cỏ đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện dân chủ hóa một cách đầy đủ và có ý nghĩa; thậm chí chúng ta có thể gặp phải những trở ngại nếu dân chủ hóa không thành công trong lĩnh vực kinh tế, vốn là cơ sở cho đời sống xã hội.”[3] Nói một cách đơn giản, nếu như nền kinh tế và mức sống tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào chương trình cải cách, sức ép của dân chúng đòi hỏi cải cách chính trị sẽ bị tiêu tan; chỉ khi nào phải vật lộn mưu sinh, dân chúng mới dám thách thức chính quyền.

Mặc dù Đảng vận động “mở rộng dân chủ”từ năm 1986, nhưng đó không phải là đa nguyên chính trị. Ý của Nguyễn Văn Linh khi nói về “dân chủ”đã gây ra những tranh luận và bàn cãi về chính sách trong nộ bộ Đảng. Đối với ông, tập trung dân chủ đã không được  thực hiện, nó đã bị xóa bỏ trong đợt thanh trừng nội bộ năm 1967. Tất cả các quyết định đều nằm trong tay một số ít các nhà lãnh đạo cấp cao, những người có quyền lực vô hạn nhưng lai có rất ít hiểu biết về những đặc thù và hoàn cảnh cục bộ gây ra sự đình trệ kinh tế. Để thoát khỏi tinh trạng này, cần phải đổi mới tư duy và cởi mở nhưng không đi theo mô hình dân chủ đa đảng tư sản.

Bộ Chính trị đã ban hành một văn kiện năm 1988, bày tỏ quan ngại việc một số cá nhân sẽ sử dụng “dân chủ” để gây mất ổn dịnh cho chế độ. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cho rằng cạnh tranh đa đảng sẽ đe dọa an ninh quốc gia vì nó sẽ “tạo  điều kiện thuận lợi để các thế lực phản động trong và ngoài nước ngóc đầu dậy ngay lập tức và hoạt động một cách hợp pháp chống lại tổ quốc, nhân dân, và chế độ.”[4] Tài liệu cũng cảnh báo sẽ có những kẻ “lợi dụng dân chủ và cởi mở để xuyên tạc sự thật, phủ nhận những thành quả cách mạng, và tấn cộng vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước vì mục đích cá nhân.”[5]

Nhưng Nguyễn Văn Linh vẫn phải khuyến khích cải cách kinh tế vì sự bất bình của công chúng trước tình trạng đói nghèo triền miên cũng gây ra sự bất ổn xã hội. Trở ngại cho công cuộc cải cách là những quan chức quan liêu trong Đảng, vốn đã quen với các đặc quyền, đặc lợi thông qua việc kiểm soát các nguồn lực khan hiếm; vì vậy, những biện pháp cải cách của Nguyễn Văn Linh đã đe dọa quyền lực độc tôn của Đảng, và họ chống cự rất quyết liệt. Nguyễn Văn Linh đã phải vừa gây sức ép vừa thuyết phục họ ủng hộ chương trình cải cách của ông. Và để làm điều này, năm 1987, Nguyễn Văn Linh đã khuyến khích báo chí và tầng lớp trí thức phê phán các quan chức cấp trung của Đảng và nhà nước, những người cản trở cải cách. Báo chí đã được phép điều tra nhằm phanh phui những cán bộ tham nhũng. Cũng trong năm này, Nguyễn Văn Linh đã bắt đầu viết chuyên mục “Nói và Làm”trên các báo Nhân DânSài Gòn Giải Phóng nhằm thúc đẩy cải cách và phê phán những người chống cải cách.

Nhờ những nỗ lực của Nguyễn Văn Linh, đã có sự nới lỏng kiểm soát chính trị thực sự đối với quan điểm của giới trí thức, và năm 1988 đánh dấu sự mở rộng chưa có tiền lệ đối với phạm vi phê phán nhắm vào hệ thống chính trị của Việt Nam và những nhận định của các quan chức Đảng,[6]những người chịu ảnh hưởng lớn bởi các đồng chí tại Ba Lan, Hungary, Séc, và Liên Xô. Tầng lớp trí thức, quan chức Đảng và chính quyền theo sát những tranh luận tại Đông Âu và Liên Xô, mặc dù họ không phải lúc nào cũng chính xác và khách quan khi cố gắng lý giải những chuyển biến chính trị tại Đông Âu. Họ biết rõ rằng, hệ thống đa đảng, mặc dù đảng cộng sản vẫn là lực lượng chính trị hùng mạnh, đã xuất hiện tại Hungary sau khi các quan chức tại các địa phương liên kết lại và lập ra “nhóm”cải cách, sau này biến thành những đảng đối lập.[7]Sự chuyển biến thành công ở Hungary là do chiến lược kiên trì áp dụng các chính sách cải cách thị trường và những cải cách này đã tạo ra các ngành và khu vực vận hành theo những điều kiện và nhu cầu kinh tế cá nhân. Chính khía cạnh này đã thực sự gây hoang mang cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo một nhà bình luận nước ngoài, một số cán bộ miền Nam Việt Nam trong Ban chấp hành Trung ương đã đề xuất áp dụng “mô hình của Hungary để phát triển dân chủ chủ nghĩa xã hội.”[8] Những diễn biến tại Hungary, nơi mà các đảng đối lập có quyền không ủng hộ chủ nghĩa xã hội, do vậy đã tiến triển theo hướng hoàn toàn khác với Ba Lan.[9] Đảng Cộng sản Việt Nam sau đó quay sang mô hình cải cách ôn hòa hơn tại Liên Xô, đưa ra ý tưởng nhanh chóng bị chết yểu “đa nguyên xã hội chủ nghĩa”. Nhưng ngay cả mô hình này, theo định nghĩa của Liên Xô, cũng quá cấp tiến với Hà Nội. Ngoài những cải cách thị trường trong nền kinh tế, Liên Xô đã bắt đầu chấp nhận những quan điểm chính trị khác biệt chừng nào mục tiêu của chúng là “phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội….bao gồm những quan điểm không phù hợp hoặc khác biệt với quan điểm chính thống của đảng.”[10]

Giới trí thức Việt Nam không có những yêu cầu táo bạo như những đồng nghiệp Đông Âu, nhưng họ phê phán chế độ ngày càng mạnh mẽ hơn. Trần Bạch Đằng, nhà văn và đồng thời cũng là quan chức kỳ cựu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, cựu bí thư thành ủy Sài Gòn, đã phê phán trên tờ Lao Động rằng: Quyền tự do bày tỏ quan điểm đã không được tôn trọng và trao đổi cởi mở vẫn bị hạn chế.”[11] Số khác kêu gọi tăng cường chủ nghĩa xã hội dân chủ, cho phép tranh luận tự do hơn trong Đảng. Một cán bộ lý luận còn đi xa hơn khi kêu gọi đánh giá lại dân chủ tư sản. Chủ nghĩa xã hội, như ông đã viết trên tờ báo lý luận của Đảng, “phải bao gồm những thành tựu đạt được của nhà nước tư sản hiện đại…. bao gồm hệ thống hóa dân chủ, pháp luật và nhân quyền.”[12]

Trong nội bộ Đảng, tranh luận chính trị trong hai năm trước khi diễn ra Đại hội Đảng VII, tháng 6 năm 1991, chủ yếu xoay quanh những quan ngại về đa nguyên chính trị và tương lai của chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Trung ương 6 diễn ra trong tháng 3 năm 1989 tập trung xác định khái niệm dân chủ là “chuyên chính vô sản.”Theo thông cáo của Hội nghị, “dân chủ đòi hỏi sự lãnh đạo, lãnh đạo để phát triển dân chủ theo hướng đúng đắn và bằng những biện pháp dân chủ đúng đắn. Dân chủ dành cho nhân dân nhưng những kẻ phá hoại thành quả cách mạng, an ninh, và trật tự xã hội sẽ bị trừng trị thích đáng.”

Tại thời điểm đó, các quan chức cấp cao của Đảng đã cảnh báo rằng những đòi hỏi về “dân chủ tuyệt đối”và “sự độc lập của báo chí với đảng ủy và các cấp lãnh đạo khác”sẽ “phát triển thành phong trào gây ra tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ và chỉ có lợi cho những người chống lại cải cách.”[13] Những tuyên bố như vậy không cứng rắn như vẻ bề ngoài: những người ủng hộ cải cách kinh tế lo sợ tư tưởng bảo thủ quay lại nên cố gắng kiềm chế. Tác giả Trần Trọng Tân thậm chí còn cho rằng với việc không đàn áp các lực lượng đòi đa nguyên chính trị, phe bảo thủ trong Đảng nhất định sẽ giành được lợi thế rồi sau đó hủy bỏ chương trình cải cách.

Để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào dân chủ và cởi mở theo hướng đúng đắn, chúng ta phải chiến đấu đồng thời trên hai mặt trận – chống lại những kẻ dân chủ và cởi mở cực đoan cũng như chủ nghĩa bảo thủ… Nếu không có những biện pháp đấu tranh đúng đắn và khéo léo chống lại chủ nghĩa cực đoan, chúng ta sẽ bị rơi vào bẫy của chủ nghĩa bảo thủ và quay trở lại với con đường sai lầm. Điều này sẽ gây bất lợi cho những nỗ lực vận động đổi mới và tạo ra khó khăn lớn cho chúng ta trong tương lai trước mắt.[14]

Những người ôn hòa và bảo thủ đồng ý với nhau, mặc dù dựa trên những lý do khác nhau, rằng tranh luận về đa nguyên chính trị đã đi quá xa. Sau Hội nghị trung ương 6, tám tờ báo trước đây ủng hộ chủ trương đa nguyên chính trị đã bị cấm. Theo học giả Thái Lan Thaveeporn Vasavakul, Nguyễn Văn Linh “vào năm 1989 đã rút sự ủng hộ dành cho giới trí thức và những người chỉ trích chế độ khi tình hình chính trị tại Đông Âu trở nên bất ổn và chế độ cai trị độc đảng bị thách thức”.[15] Ông Linh ngừng viết chuyên mục của mình và Thủ tướng Đỗ Mười đã nhắc lại chính sách kiên định của Đảng đối với vai trò của phương tiện truyền thông: “Báo chí nước ta là tiếng nói của Đảng,”và vì vậy “nên phản ảnh quan điểm và lập trường của Đảng.”[16]

Cuộc tranh luận này đã trở nên bức thiết sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu, một sự kiện gây sốc với chính quyền Hà Nội. Họ tin rằng đa nguyên chính trị đã trở thành mối đe dọa hiện hữu cho sự tồn vong của chế độ. Tháng 8 năm 1989, Ban chấp hành Trung ương đã công bố “3 không”: “không nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Đảng, không nghi ngờ tính đúng đắn của nhà nước độc đảng, không ủng hộ đa nguyên và dân chủ đa đảng.”[17] Trong bài xã luận ngày 25 tháng 9 trên tờ nhật báo Quân đội Nhân dân, Đảng đã đánh giá mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa này và các biện pháp để bảo vệ chế độ: “Bọn đế quốc đã thất bại trong âm mưu lật đổ chủ nghĩa xã hội từ bên trong trong ba trường hợp: Hungary (1956), Tiệp Khắc (1968) và Ba Lan (1980).”Trong những trường hợp này “bạo lực cách mạng đã được sử dụng thành công.”Với bài học biến cố quảng trường Thiên An Môn trong tâm trí, Đảng tìm cách đảm bảo sự trung thành tuyệt đối của Quân đội Nhân dân Việt Nam và chỉ rõ rằng quân đội sẽ được sử dụng để bảo vệ chế độ.

Hội nghị Trung ương 9 vào tháng 3 năm 1990 là một trong những kỳ họp dài nhất và có nhiều sóng gió nhất trong lịch sử Việt Nam và đã dẫn đến sự bác bỏ hệ thống chính trị đa đảng và cải cách dân chủ dưới bất kỳ hình thức nào.[18] Tại cuộc họp, ủy viên Bộ Chính trị xếp thứ chín Trần Xuân Bách bị cách chức, nguyên nhân chính thức đưa ra là do vi phạm kỷ luật Đảng nhưng trên thực tế là vì có “chủ trương” cải cách chính trị. Trần Xuân Bách đã gây rất nhiều tranh cãi với bài phát biểu trong đó ông chỉ ra rằng “ai đó không thể nghĩ rằng bất ổn chỉ xảy ra tại Đông Âu còn Châu Á vẫn ổn định…..Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đang trong quá trình phát triển đi lên phía trước, có những khác biệt tồn đọng cần giải quyết, cần phải thoát khỏi sức ép và gánh nặng của những cái cũ kỹ đang tồn tại bấy lâu nay.”[19] Trần Xuân Bách, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Ban Chấp hành Trung ương, đã đi rất nhiều nơi và cá nhân ông ý thức được những thay đổi đang diễn ra trên khắp thế giới. Và với tư cách là ủy viên Bộ Chính trị phụ trách việc chiếm đóng Campuchia, ông biết rõ những thất bại trong chính sách ngoại giao và những khiếm khuyết trong quá trình hoạch định chính sách, hoặc, trong quan sát của cá nhân ông, là sự thiếu vắng những tranh luận có ý nghĩa trong Đảng về các chính sách quan trọng  – hay không có sự tập trung dân chủ. Quan điểm nhấn mạnh của Trần Xuân Bách, cũng như của giới lãnh đạo hiện nay, là làm thế nào để duy trì sự ổn định: “Chúng ta phải duy trì một cách nhát quán và vững chắc sự ổn định trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, và xã hội. Đặc biệt là ổn định chính trị.”[20]

Bùi Tín cho rằng ông Bách “chấp nhận nhu cầu thảo luận những hệ tư tưởng và các quan điểm chính trị khác biệt. Song ông không đề cập đến hệ thống chính trị đa đảng.”[21] Bài phát biểu của ông Bách được xuất bản trên tờ báo phát hành bí mật của Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ vào tháng 12 năm 1989. Dù không kêu gọi Đảng tự nguyện từ bỏ quyền lực độc tôn, ông Bách ủng hộ việc Đảng chấp nhận sự đa dạng của các quan điểm chính trị. Nhưng ông biết rằng cần phải có một số cải cách chính trị nhất định. Trong “Bài phát biểu tại Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam”được lưu hành rộng rãi, ông cảnh báo rằng “vẫn có sự bất ổn trong lòng dân. Họ đang đòi hỏi dân chủ và công bằng xã hội.”[22] Và không như những đồng nghiệp trong Bộ Chính trị, ông bác bỏ ý kiến cho rằng có thể cải cách kinh tế mà không cần phải thay đổi về mặt chính trị. Đối với ông, tự do hóa kinh tế chỉ có thể thành công nếu nó được song hành với tự do hóa chính trị: “Ta không thể đi bằng một chân ngắn và một chân dài, và ta không thể đi với chỉ một chân,”ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1 năm 1990.[23] Thế nhưng ông Bách chưa bao giờ gợi ý Đảng từ bỏ quyền lực. Trong khi các nhà lý luận của Đảng như Nguyễn Đức Bình tin rằng dân chủ hóa nền kinh tế sẽ làm tiêu tan nhu cầu cải cách chính trị, Trần Xuân Bách chỉ nhìn thấy điều ngược lại. Ông tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra cả yêu cầu tham gia vào chính trị lớn hơn lẫn sự cần thiết phải có sự tham gia như vậy. Với sự phát triển của nền kinh tế, Đảng sẽ phải dựa vào sự trợ giúp chuyên môn của những tầng lớp mới, những nhà doanh nghiệp, các ngành kinh tế, và những người không nằm trong Đảng để quản lý nền kinh tế ngày càng phức tạp hơn.

Nhưng đối với một đảng cực kỳ thủ cựu thì những chủ trương của ông Bách gây rất nhiều tranh cãi và chứa đựng những mầm mống nguy hiểm, cho nên phải bị bác bỏ ngay lập tức. Ban Chấp hành Trung ương ra thông báo cách chức ông Bách và coi sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu là do “những âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động”chứ không phải là những tác nhân bên trong. Quan điểm này được Đảng sử dụng để biện hộ cho chính sách luôn luôn cảnh giác trước những âm mưu bên ngoài ngấm ngầm phá hoại quyền lực độc tôn của Đảng thay vì chấp nhận tồn tại các quan điểm và lợi ích khác nhau. Đảng chủ trương duy trì quyền lực độc tôn vì sự ổn định: “Chỉ có sự ổn định chính trị mới giúp chúng ta ổn định và phát triển kinh tế xã hội, dần dần tháo gỡ những khó khăn và cải thiện cuộc sống của người dân.”[24]

Trong thời gian chuẩn bị diễn ra Đại hội VII, Nguyễn Văn Linh đã mời nhân dân đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo chính trị, một cơ hội mà nhiều người sử dụng để ủng hộ Trần Xuân Bách. Ông Lê Quang Đạo, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và là Chủ tịch Quốc hội không có thực quyền, đã viết một bài trên báo Đại Đoàn Kết ngày 08 tháng 12 năm 1989 có tiêu đề “Có điều gì đó nhầm lẫn căn bản với chủ nghĩa xã hội; những người nắm quyền đứng trên nhân dân; chúng ta phải công khai xin lỗi nhân dân.”Trong đó ông cho rằng nguyên nhân gây ra sự đình trệ tại Việt Nam, cũng như tại các quốc gia Đông Âu, là sự tập trung quyền lực quá mức. Đảng viên trí thức Nguyễn Khắc Viện cũng đồng ý. Ông cho rằng Đảng đã suy thoái bởi vì Đảng trực tiếp thực thi quyền lực,”bởi vì “Hội đồng bộ trưởng, Quốc hội, các bộ, các ngành chỉ là những con rối.”[25] Cựu lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Nguyễn Hữu Thọ cũng cho rằng: “gốc rễ của thất bại là do gánh nặng của hệ thống quan liêu bảo thủ và sự thiếu vắng dân chủ về phía chính phủ.”

Mặc cho những quan điểm này và những kiến nghị khác như của Bùi Tín và Hoàng Minh Chính, Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào tháng 6 năm 1991 đã bác bỏ bất cứ đề xuất nào chủ trương đa nguyên chính trị. Dân chủ đa đảng không cần thiết vì Đảng đã có “dân chủ”rồi. Quả thực, trường hợp của Trần Xuân Bách thậm chí còn không được đưa ra như đã dự kiến. Mặc dù ông Bách theo như dự định vẫn ở lại Ban Chấp hành Trung ương để thể hiện sự đoàn kết, trên 50 phần trăm thành phần Ban Chấp hành đã bỏ phiếu cách chức ông. Hiện nay, ông Bách vẫn sống trong quên lãng tại một vùng ngoại ô Hà Nội.[26] Dự thảo Cương lĩnh chính trị của Đại hội công khai bác bỏ mô hình cải cách chính trị theo kiểu Liên Xô, thay vào đó kêu gọi áp dụng những cải cách theo kiểu Trung Quốc để không phải từ bỏ bất kỳ quyền lực nào.

Sau Đại hội VII, còn rất ít lời kêu gọi cải cách chính trị, và Nguyễn Đức Bình có vẻ như phần nào có lý trong lập luận của mình. Đầu những năm 1990 chứng kiến sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế và sự phấn khích lan rộng trước sự phát triển mạnh mẽ của đất nước. Tự tin vào bản thân, giới lãnh đạo Đảng cho rằng không phải giải quyết vấn đề cải cách chính trị. Thay vào đó, Bộ Chính trị vẫn cảnh giác trước những âm mưu bên ngoài (cụ thể là Mỹ) nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng thông qua các chiến lược “diễn biến hòa bình.”[27]  Cũng như những gì đã diễn ra tại Đại hội VII, Đại hội VIII nhấn mạnh sự cần thiết của sự cai trị độc đảng và trung thành với những lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong bài phát biểu quan trọng của mình, chủ tịch Lê Đức Anh tuyên bố rằng Đảng phải tăng cường quyền lực – bởi vì “các thế lực thù địch không ngừng tấn công vai trò lãnh đạo của Đảng, luôn tìm cách thay đổi bản chất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, làm chệch hướng cuộc cách mạng của chúng ta.”[28] Tương tự, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê liên tục cảnh báo “các thế lực thù địch đang nỗ lực quét sạch chủ nghĩa xã hội và những thành quả cách mạng của nhân dân ta.”[29] Bộ trưởng quốc phòng mới được bổ nhiệm Phạm Văn Trà cũng đồng tình: “Kẻ thù vẫn coi Việt Nam là một chiến trường quan trọng. Chúng tiếp tục thực hiện chiến lược’diễn biến hòa bình, bạo loạn, lật đổ’nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam.”[30]

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng các đại hội lần thứ VI, VII, VIII cũng có những cải cách chính trị cụ thể như đặt ra giới hạn tuổi, sửa đổi hiến pháp, tách biệt chức năng của Đảng và Nhà nước. Đảng đã chứng tỏ mong muốn đổi mới một cách dè dặt. Vấn đề là những cải cách như vậy là chưa đủ. Những vấn đề chưa được chính phủ giải quyết đã trở nên trầm trọng thêm do đình đốn kinh tế diễn ra từ năm 1996. Quả thực, phản ứng lúng túng của Việt Nam trước cuộc khủng hoảng theo nhiều cách có thể được giải thích bởi những điểm yếu cố hữu của hệ thống chính trị: một hệ thống dựa trên sự đồng thuận tập thể nhưng lại phổ biến tình trạng bè phái và những mối quan hệ ô dù trên dưới.[31] Chỉ một sự kiện duy nhất trong những năm 1990 thực sự buộc chế độ phải đối mặt với những vấn đề do đường lối cai trị sai lầm gây ra, đánh giá lại các phương pháp lãnh đạo, và xem xét những cải cách chính trị: Đó chính là cuộc biểu tình của nông dân Thái Bình năm 1997-1998.

Biểu tình của nông dân Thái Bình

Các cuộc biểu tình của nông dân Thái Bình làm rung chuyển miền Bắc Việt Nam từ cuối năm 1997 đã nêu ra một trường hợp thú vị để phân tích xem Đảng đã phản ứng như thế nào đối với mối đe dọa lớn nhất đến tính chính danh của Đảng kể từ đầu những năm 1980 và, quan trọng nhất, là Đảng thực sự nhận thức về dân chủ như thế nào. Tính chính danh của chế độ luôn xuất phát từ sự ủng hộ của giai cấp nông dân. Như Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ ra: “Nếu các vùng nông thôn vẫn ổn định và những người nông dân vẫn hạnh phúc với cuộc sống của họ thì nước ta vẫn có thể đảm bảo sự ổn định dù cho có khó khăn đến mấy. Vì vậy, ổn định ở khu vực nông thôn đóng vai trò cốt yếu với an ninh quốc gia.”[32] Và chế độ luôn luôn đồng nhất an ninh quốc gia với sự tồn vong của chính bản thân mình.

Những người nông dân bắt đầu biểu tình khắp miền Bắc, đặc biệt là tại tỉnh Thái Bình đông dân cư và nghèo đói. Ngoài việc tố cáo tình trạng lao động công ích cưỡng ép, họ còn phản đối các loại thuế và phí tùy tiện từ quyền sử dụng đất cho đến “phí bồi dưỡng giáo viên“cho việc học hành của con em họ, số tiền mà một nhà nghiên cứu người Việt tính toán lên đến 40% thu nhập của một người nông dân.[33] Tổng số tiền thu được từ các loại thuế và phí từ tháng 1 năm 1994 đến tháng 7 năm 1997 riêng tại Thái Bình vượt mức cho phép từ trung ương là 176 tỷ đồng (khoảng 16 triệu đô la).[34] Cũng trong thời gian đó, các khoản vay dành cho nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giảm 40% so với năm 1996, và nạn thất nghiệp, vốn đã ở mức 200.000 người, tăng vọt. Bên cạnh đó còn có những quan ngại về tình trạng tham nhũng, chiếm đất, tái đàm phán hợp đồng một cách cưỡng bức, và “chủ nghĩa mệnh lệnh.” Vì các bí thư đảng ủy (địa phương) cũng thường đảm nhiệm vai trò chủ tịch ủy ban nhân dân nên họ có quyền lực tuyệt đối. Đặng Phong giải thích như sau:

Vai trò của Nhà nước với tư cách là trọng tài duy nhất và tối cao trong các quyết định về quyền sử dụng đất đối với mọi loại hình đất đai của cả nước đã trao cho các quan chức địa phương những quyền vô lý để họ lại giao đất cho những người này, người nọ, không kể cho chính bản thân họ. Hệ thống quản lý quyền sử dụng đất đã tạo nên một nhóm người tích lũy được những tài sản đất đai lớn không phải qua quá trình khai hoang hay giao dịch thị trường mà bằng cách lạm dụng quyền lực từ vị trí của mình. Điều này tất nhiên là bất công và phi pháp và đã gây ra sự bất bình trong dân chúng.[35]

Với quyền lực của mình, các lãnh đạo xã có thể tái phân phối đất công, vốn chiếm từ 10 đến 25% diện tích đất xã. Về mặt pháp lý, quá trình này phải được thực hiện thông qua đấu giá, nhưng trên thực tế nó được thực hiện bí mật để các vị lãnh đạo này phân phối đất cho gia đình và bè bạn. Mặc dù tiền thu được từ việc cho thuê “quyền sử dụng đất lần hai”này phải được sử dụng cho các chương trình phúc lợi xã hội, nhưng chúng lại thường bị biển thủ,[36] do vậy những người nông dân bình thường bị tước đoạt quyền lợi theo hai cách trên. Khi các cuộc biểu tình ở Thái Bình nổ ra, Đảng đã nhanh chóng hành động, gửi 1.200 công an và một số ủy viên Bộ Chính trị xuống điều tra (một chiếc xe của một trong các vị này bị những người nông dân giận dữ thiêu rụi). Rốt cục, chỉ có 50 nhân viên công an và quan chức chính phủ địa phương bị bắt giữ, truy tố, và khai trừ khỏi Đảng – ít hơn số nông dân bị bắt giữ vì đã biểu tình chống tham nhũng.

Sau sự kiện trên, Đảng không thừa nhận lỗi nằm ở các chính sách mà đổ lỗi cho các quan chức địa phương tham nhũng. Do vậy, các cán bộ lãnh đạo xã đã biến những chính sách “tốt“của Đảng thành công cụ để họ trục lợi. Như Thủ tướng Phan Văn Khải đã than phiền, vấn đề nằm ở công đoạn thực hiện: “theo dư luận quần chúng, Đảng, nhà nước, và chính phủ có thể có những chính sách đúng đắn nhưng những chính sách này không mang lại nhiều kết quả. Nhân dân đồng ý với nhiều chính sách, nhưng không tin vào kết quả thực hiện.”[37] Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thừa nhận với báo Tuổi Trẻ là “Trong chiến tranh, chính quyền luôn gần gũi với dân. Hiện giờ chúng ta nên thẳng thắn thừa nhận là mối quan hệ thiêng liêng đó đã bị xói mòn.”[38] Ông còn đi đến kết luận rằng “những vi phạm quyền dân chủ đã xuất hiện“ở vùng nông thôn. Tương tự, cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng cho rằng “có những lý do phức tạp tại các điểm nóng, nhưng một nguyên nhân phổ biến là do các quan chức có dính dáng đến tham nhũng, thói quan liêu, không dân chủ, vi phạm pháp luật, xâm phạm những lợi ích hợp pháp của nhân dân.”[39] Sự thừa nhận thẳng thắn nhất về những sai lầm của Đảng đến từ Chủ tịch nước Trần Đức Lương, người mà trong chuyến công tác đến Thái Bình đầu năm 1998 đã nói rằng các cuộc biểu tình của người nông dân cho thấy Đảng đã “mất vai trò lãnh đạo“ và đã “phơi bày những khiếm khuyết trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.” Ông Lương tiếp tục với lời cảnh báo rằng “thiếu dân chủ đang đẩy Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội rời xa quần chúng, gây nên sự bào mòn tính chiến đấu trong toàn bộ hệ thống chính trị.”[40]

….

Hình dung về cải cách chính trị

Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Tranh luan ve dan chu hoa va phap quyen hoa -phan 1.pdf

(Còn tiếp phần 2)


Ghi chú của Ban Biên tập: 1. Tài liệu mang tính chất tham khảo, thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của người dịch và Ban Biên tập Nghiencuuquocte.net; 2. Do không thể tìm được tất cả các văn bản gốc để đối chiếu, các trích dẫn được dịch từ tiếng Anh có thể không đúng như nguyên văn tiếng Việt. Một số thông tin (như về tên riêng, nhân thân, chức danh… của các nhân vật hay tên cơ quan, tổ chức) trong bài có thể không chính xác.

[1] Reuters, “Vietnam Party Daily slams Reports on Mass Amnesty,”11 tháng 9 năm 1998.

[2] Murray Hiebert, “Miles to Go,”Far Eastern Economic Review (FEER), 29 tháng 7 năm 1993, trang 26.

[3] Nguyễn Đức Bình, “Đảng vói sứ mạng đổi mới chủ nghĩa xã hội,”báo Nhân Dân, 5 tháng 2 năm 1990, trang 1.

[4] Nguyễn Văn Linh, “Tiếp tục nhiệm vụ đổi mới trên con đường xã hội chủ nghĩa,”Văn kiện đại hội Đảng VII (Hà Nội: Thể Giao, 1991), trang 115.

[5] Bộ Chính trị, “Một số kết luận về công tác tư tưởng,” Sở nội vụ Hà Nội (HDS), 8 tháng 12 năm 1988, Political Bureau, “Conclusions on Some Ideolological Worrk “in Foreign Broadcast Information Service, Daily Report-East Asia (FBIS-EAS), 9 tháng 12 năm 1988, trang 63.

[6] Gareth Porter, “The Transformation of Vietnam’s World-view: From Two Camps to Interdependence,” Contemporary Southeast  Asia 12 (tháng 6 năm 1990): trang 8.

[7] Patrick O’Neil, “Revolution from Within: Institutional Analysis, Transitions from Authoritarianism, and the Case of Hungary,”World Politics 48 (tháng 7 năm 1996): trang 579-603.

[8] Thái Quang Trung, “Lính và đổi mới: Tù nhân của những người tân bảo thủ?”Bình luận Việt nam (Tháng 5-Tháng 6 1989): trang 8.

[9] Gareth Porter, Vietnam: The Polictics of Bureaucratic Socialism (Ithaca,N.Y.:Cornell University Press,1993), trang 98. Cũng tham khảo Trần Trọng Tân,”Ví sao chúng ta không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên,”Sở nội vụ Hà Nội, 31 tháng 5 năm 1989, “Why We Do Not Accept Pluralism,”in FBIS-EAS, 6 tháng 6 năm 1989, trang 69.

[10] Hà Xuân Trường,”Số nhiều và thuyết đa nguyên,” Tạp chí cộng sản (Tháng 7 năm 1989), “Plurality and Pluralism“ in FBIS-EAS, 12 tháng 9 năm 1989, trang 69-71.

[11] Trần Bạch Đằng, “Giai cấp công nhân và Đổi mới“ (The Working Class and Renovation), báo Lao Động, số đặc biệt Tết năm 1988.

[12] Nguyễn Đăng Quang, “Chủ nghĩa xã hội là gì?” Tạp chí cộng sản (Tháng 1 năm 1989), “What is Socialism?” in FBIS-EAS, 21 tháng 4 năm 1989, trang 55.

[13] Trần Trọng Tân, “Để hiểu rõ kết luận của Bộ chính trị ban chấp hành trung ương Đảng về công tác tư tưởng,”báo Nhân Dân, 23 tháng 1 năm 1989, “How to Clearly Understand the Vietnam Communist Party Central Committee Political Bureau’s Conclusion on Ideological Work,”in FBIS-EAS, 1 tháng 3 năm 1989, trang 72.

[14] Trần Trọng Tân, “How to Clearly Understand,” trang 72.

[15] Thaveeporn Vasavakul, “Vietnam: the Changing Models of Legitimization,” in Multhiah Alagappa, ed., Political Legitimacy in Southeast Asia: The Quest for Moral Authority (Palo Alto, Calif.: Stanford University Press,1995), 285, esp. notes 137-138.

[16] Sở nội vụ Hà Nội, 15 tháng 10 năm 1989, FBIS-EAS, 16 tháng 10 năm 1989, 53-60.

[17] Carlyle Thayer, “Political Reform in Vietnam: Doi Moi  and the Emergence of Civil Society,”in Robert Miller, ed., The Development of Civil Society in Communist Systems (Sydney: Allen and Unwin, 1992), 127.

[18] Murray Hiebert, “Against the Wind,”FEER, 12 tháng 4 năm 1990, 12-13.

[19] Trần Xuân Bách, “Bài phát biểu tại Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam,” Sở nội vụ Hà Nội, 5 tháng 1 năm 1990, “Speech to Union of Vietnam Scientific and Technological Associations,” in FBIS-EAS, 8 tháng 1 năm 1990, trang 67-68. Tuyên bố của Ban Chấp hành Trung ương nói rằng ông Bách bị khai trừ vì “đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và nguyên tắc tổ chức của Đảng, dẫn đến những hậu quả tiêu cực.” Có thể tìm thấy bài viết về sự thanh trừng ông Bách trong Steven Erlanger, “Vietnamese Communists Purge an In-House Critic,” New York Times (NYT), 1 tháng 4 năm 1990, A4.

[20] Trần Xuân Bách, “Speech to Union,”67.

[21] Bùi Tín, Following Ho Chi Minh: Memoirs of a North Vietnamese Colonel (Honolulu: Hawaii Press, 1995),161.

[22] Như trên,161.

[23] Murray Hiebert, “Survival Tactics,”FEER, 1 tháng 2 năm 1990, 24-25.

[24] Trích dẫn trong Hiebert, “Against the Wind,”12.

[25] Nguyễn Khắc Viện, “Letter to Nguyễn Hữu Thọ, President Vietnam Fatherland Front,” 6 tháng 1 năm 1991, Vietnam Commentary (Tháng 3- Tháng 4 1991): 4.

[26] Bùi Tín, Following Ho Chi Minh, 159-160.

[27] Lấy ví dụ, các nghị quyết 8A và 8B của Bộ chính trị năm 1990 đã gắn sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu cho những âm mưu của bọn đế quốc và phản động. Những quan điểm khác của Đảng có thể được thấy trong Võ Thu Phương, “Tiến triển mới trong quan hệ Việt-Mỹ,” Tạp chí Cộng sản (Tháng 8 năm 1995), trang 47-48; Lê Xuân Lưu, “Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ cách mạng mới,” Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), 11 tháng 6 năm 1996, “Relations between Building and Defending the Fatherland in the New Revolutionary Stage,”in FBIS-EAS, 13 tháng 6 năm 1996, trang 85-87, quan điểm của lực lượng vũ trang có thể thấy trong Phan Hải Hà, “Diễn biến hòa bình-Thắng lợi không cần chiến tranh,” Quân Đội Nhân Dân, 11 tháng 1 năm 1993, “Peaceful Evolution-Victory Without War,”in FBIS-EAS, 15 tháng 1 năm 1993, trang 56-58, và thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, “Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa hữu khuynh-một khâu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay,” Tạp chí Quốc phòng toàn dân (tháng 1 năm 1996), trang 7-9.

[28] “Communist Role to be Strengtherned,”Vietnam Investment Review, 4-10  tháng 9 năm 1995, trang 8.

[29] Lấy ví dụ, bài viết của Đoàn Khuê đăng trên tờ Quân Đội Nhân Dân, ngày 24 tháng 11 năm 1993, trang 1.

[30] Mới đầu được xuất bản trên nhật báo Quân Đội Nhân Dân: xem Reuters: “Hanoi Warns of Subversion Threat,” International Heral Tribune, 16 tháng 12 năm 1997, trang 6.

[31] Zachary Abuza, “Debating Globalization: Explaining Hanoi’s Bilateral Trade Negotiations,” Problems of Post-Communism (January 2001).

[32] Vietnam News Service (VNS), “Manh Wants Stronger People’s Committees,”Vietnam News, 30 tháng 9 năm 1998.

[33] Tham khảo Đặng Phong, “Những khía cạnh của nền kinh tế nông nghiệp và đời sống nông thôn năm 1993,” trong Benedict J.Tria Kerkvliet and Dough J.Porter, eds., Vietnam’s Rural Transformation (Boulder, Colo.: Westview Press, 1995), trang 182-183. Một nghiên cứu của Oxfam năm 1996 phát hiện trong một tỉnh có tám loại thuế ấn định từ trung ương, trong đó có thuế quyền sử dụng đất, ngư nghiệp, chế biến muối và giết mổ, cũng như sáu “khoản đóng góp” khác tại địa phương, trong có lao động công ích. Tham khảo Oxfam UK và Irland, Report on the Financing and Delivery of Basic Services at the Commune Level in Ky Anh, Ha Tinh (Tháng 3 năm 1996). Nông dân cả nước trung bình phải đóng góp mỗi năm 10 ngày lao động công ích cho nhà nước.

[34] Những quỹ này, theo giải thích của lãnh đạo tỉnh, không phải vào túi cá nhân mà được sử dụng cho các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỉnh đã xây dựng 4.408 km đường xá, trong đó 2.831 km được lát vỉa hè, và 3.712 km đường điện, và số trường học đã tăng 90%. Tuy vậy chi phí xây dựng cơ bản này đã dẫn đến khoản nợ 245 tỷ đồng. Economist Intelligence Unit, Vietnam, 2nd Quarter: 12

[35] Đặng Phong, “Các khía cạnh của nền kinh tế nông nghiệp,”trang 181.

[36] Kerkvliet,”Rural Society and State Relations,” in Kerkvliet and Porter, eds., Vietnam’s Rural Transformation,75

[37] Dean Yates, “Vietnam Prime Minister Stresses Political Stability,” Reuters, 28 tháng 10 năm 1998.

[38] Reuters, “Vietnam Party Chief Takes Aim at Bureaucrat,”27 tháng 4 năm 1998.

[39] VNS, “Hai Phong Must Strive for Democracy: Do Muoi,”Vietnam News, 11 tháng 11 năm 1998.

[40] Reuters, “Hanoi to Bolster Internal Political Controls,” 2 tháng 3 năm 1998.