Nguồn: Kenneth N. Waltz (1979). “Reductionist Theories” (Chapter 2) in K. N. Waltz, Theory of International Politics (Reading, Mass.: Addison-Wesley Pub. Co.), pp. 18-37.
Biên dịch: Trần Xuân Thủy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Theory of International Politics
Một trong những mặt đáng thất vọng của các nghiên cứu chính trị quốc tế là việc năng lực giải thích đạt được những tiến bộ rất ít ỏi bất chấp khối lượng công việc khổng lồ đã được thực hiện trong những thập niên gần đây. Không có gì tăng lên, kể cả là những lời phê bình. Thay vào đó, một vài kiểu tóm tắt, những lời phê bình hời hợt được lặp đi lặp lại, và cả những sai lầm cũng được lặp lại. Thay vì thêm vào hàng tá những nghiên cứu có sẵn, tôi sẽ tập trung chú ý trong phần quan trọng nhất của công trình này vào một số ít những lý thuyết minh họa được một số cách tiếp cận khác nhau. Làm như thế sẽ hướng suy nghĩ của chúng ta tới những khả năng và hạn chế của các loại lý thuyết khác nhau hơn là quan tâm đến điểm mạnh và điểm yếu của những nhà lý thuyết cụ thể.
I
Các lý thuyết về chính trị quốc tế có thể được phân loại bằng nhiều cách khác nhau. Ở các công trình khác, tôi đã phân biệt những giải thích về chính trị quốc tế, và đặc biệt là những nỗ lực nhằm xác định nguyên nhân của chiến tranh và chỉ rõ những điều kiện của hòa bình, theo từng cấp độ mà ở đó nguyên nhân được xác định – dù là cấp độ cá nhân, cấp độ nhà nước hoặc cấp độ hệ thống nhà nước (1954, 1959). Một cách chia đơn giản hơn vẫn thường được thực hiện, đó là cách chia các lý thuyết căn cứ vào việc các lý thuyết đó là giản lược hay hệ thống. Các lý thuyết về chính trị quốc tế tập trung vào những nguyên nhân ở cấp độ cá nhân hoặc quốc gia là lý thuyết giản lược, các lý thuyết nhận thức nguyên nhân hoạt động ở cấp độ quốc tế là lý thuyết hệ thống. Ở trong chương II này, chúng ta sẽ tập trung vào các lý thuyết giản lược.
Với cách tiếp cận giản lược, tổng thể sẽ được nhận thức bằng cách tìm hiểu các thuộc tính và sự tương tác giữa các thành phần của nó. Nỗ lực nhằm giải thích hành vi của một nhóm thông qua nghiên cứu tâm lý của các thành viên trong nhóm là một cách tiếp cận giản lược, cũng như là nỗ lực tìm hiểu chính trị quốc tế bằng cách nghiên cứu các công chức và bộ máy chính quyền các quốc gia. Có lẽ những trường hợp giản lược cổ điển là nỗ lực sâu rộng nhằm tìm hiểu các sinh vật bằng cách mổ xẻ chúng thành từng phần và áp dụng các kiến thức và phương pháp về vật lý và hóa học nhằm tìm hiểu từng phần đó. Do đó, điều cần thiết đối với cách tiếp cận giản lược là tổng thể cần được tìm hiểu thông qua việc nghiên cứu từng phần của nó. Một điều cũng hay xảy ra là các nhà lý thuyết giản lược thường sử dụng các phương pháp của các chuyên ngành khác để tìm hiểu vấn đề của mình. Trước khi tiến hành, không thể nói rằng liệu sự giản lược đó là đủ hay không. Câu hỏi về việc đủ hay không đủ đó phải được trả lời thông qua việc kiểm nghiệm vấn đề cần giải thích và quan sát kết quả đạt được.
Mốt giản lược một thời trong các nhà sinh vật học có lẽ là điều không may mắn.[1] Tuy thế, chúng ta có thể hiểu được sự lôi cuốn của con đường giản lược được tạo ra từ sự thành công và những thanh thế đi kèm của vật lý học và hóa học. Trong lĩnh vực của chúng ta, nhu cầu đối với lý thuyết giản lược cần phải bắt nguồn từ sự thất bại của những nghiên cứu ở cấp độ chính trị quốc tế nhiều hơn là từ sự thành công của những ngành học có thể liên quan khác. Rất nhiều người đã cố gắng giải thích các sự kiện chính trị quốc tế bằng các yếu tố tâm lý hoặc bằng các hiện tượng tâm lý – xã hội, hay bằng các nhân tố chính trị, kinh tế ở cấp quốc gia. Trong ít nhất một số các trường hợp đó, các nhân tố có thể phù hợp đã được giải thích bởi các lý thuyết có thể nói là có sức thuyết phục hơn so với các lý thuyết về chính trị quốc tế đã từng tạo ra được. Tuy nhiên, không có trường hợp nào mà các lý thuyết không liên quan đến chính trị đó đủ mạnh để cung cấp các giải thích và dự đoán đáng tin cậy.
Mặc dù sự cuốn hút tích cực của phương pháp giản lược là không mạnh, nhưng trong chính trị quốc tế, nhu cầu giản lược hóa là rất lớn. Nhu cầu này có thể được giải thích thêm bằng các nguyên nhân thực tiễn bên cạnh các nguyên nhân lý thuyết đã được đưa ra trước đó. Có vẻ như thường là các quyết định và hành động ở cấp quốc gia lý giải cho phần lớn những gì xảy ra trên thế giới. Làm thế nào mà những giải thích ở cấp độ chính trị quốc tế có thể so sánh được về tầm quan trọng so với những câu trả lời của một siêu cường đối với những câu hỏi như: Liệu nó nên chi tiêu nhiều hay ít cho quốc phòng? Liệu nó có lên sản xuất vũ khí hạt nhân hay không? Liệu nó nên cứng rắn và chiến đấu hay lùi lại và tìm kiếm hòa bình? Các quyết định và hoạt động ở cấp độ quốc gia có vẻ có tầm quan trọng vượt trội. Điều kiện thực tế này, cùng với sự thất bại của các lý thuyết chính trị quốc tế trong việc cung cấp những giải thích thuyết phục hoặc những hướng dẫn có ích cho nghiên cứu, đã mang lại những nhu cầu đầy đủ đối với việc theo đuổi cách tiếp cận giản lược.
Lý thuyết kinh tế về chủ nghĩa đế quốc được phát triển bởi Hobson và Lenin là ví dụ tốt nhất của cách tiếp cận này.[2] Từ “tốt nhất” ở đây của tôi không có ý là đúng mà là ấn tượng nhất với tư cách là một lý thuyết. Lý thuyết này thật cuốn hút và có sức nặng. Chỉ đơn giản chỉ ra và kết hợp một vài yếu tố, nó tuyên bố đã giải thích được những sự kiện chính trị quốc tế quan trọng nhất – không đơn thuần là chủ nghĩa đế quốc mà là hầu hết, nếu không phải là tất cả, các cuộc chiến tranh hiện đại – và thậm chí là đưa ra được điều kiện sẽ cho phép hòa bình thắng thế. Lý thuyết này cung cấp các giải thích và, không giống như hầu hết các lý thuyết về khoa học xã hội khác, cả các dự đoán nữa. Hơn nữa, nó đã thực hiện thành công nhiệm vụ mà một lý thuyết tốt phải có, đó là kích thích và định hướng nghiên cứu cũng như khơi gợi các lý thuyết trái ngược cùng tìm cách lý giải về hiện tượng đó. Nhìn chung, văn liệu gắn liền với lý thuyết về chủ nghĩa đế quốc của Hobson và Lenin, cả ủng hộ và chống lại nó, đều phong phú và phức tạp như là văn liệu liên quan với bất cứ trường phái nào khác trong chính trị quốc tế. Vì những lý do này, lý thuyết đó có thể được sử dụng rất tốt để minh họa cho cách tiếp cận giản lược.
II
Trong Chương I, chúng ta biết rằng các lý thuyết chứa đựng các giả định lý thuyết (không thực tế) và rằng các lý thuyết phải được đánh giá bằng chính những thứ mà nó tham vọng giải thích hoặc dự đoán. Những gì tôi đã nói về cách tiếp cận giản lược sẽ đưa đến giả định rằng lý thuyết của Hobson-Lenin sẽ là về kinh tế chứ không phải chính trị. Vai trò của nó như một sự giải thích về chủ nghĩa đế quốc và về chiến tranh dựa trên các điều kiện: (1) liệu rằng lý thuyết kinh tế của nó có xác thực hay không, (2) liệu rằng các điều kiện do lý thuyết đó đưa ra có xảy ra ở hầu hết các nước đế quốc hay không, và (3) liệu rằng hầu hết các nước có đầy đủ các điều kiện đó có thực sự là các nước đế quốc hay không. Tôi nhấn mạnh là hầu hết, chứ không phải là tất cả các nước, không phải để làm yếu đi những kiểm nghiệm mà lý thuyết kinh tế về chủ nghĩa đế quốc phải vượt qua, mà bởi vì những ngoại lệ sẽ không thể hạ gục được một lý thuyết nếu ngoại lệ đó có thể được giải thích một cách thỏa đáng. Một chiếc lá dập dờn trong gió không thể thách thức được định luật vạn vật hấp dẫn của Newton. Điều đó cũng đúng với các lý thuyết của Hobson và Lenin; những nguyên nhân được ấn định trước có thể đúng, những cũng cõ những nguyên nhân khác làm chệch hướng hoặc áp đảo chúng. Các lý thuyết của Hobson và Lenin có thể giải thích chủ nghĩa đế quốc khi nó diễn ra, nhưng nó cũng không thể bị bác bỏ nếu tất cả các nước tư bản phát triển không phải lúc nào cũng tiến lên chủ nghĩa đế quốc.
Cuốn Chủ nghĩa đế quốc (Imperialism) của Hobson, được xuất bản lần đầu năm 1902, vẫn còn nguyên giá trị nghiên cứu. Trong thực tế, các sinh viên sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức bằng cách tìm hiểu Chương 6 của phần I, nơi mà họ có thể tìm thấy tất cả các yếu tố của các giải thích kinh tế về chủ nghĩa đế quốc sau này được sử dụng từ Lenin đến Baran và Sweezy. “Sản xuất dư thừa”, “thặng dư tư bản”, ‘sự phân phối sức mua không đồng đều”, “sự sản xuất thừa lặp lại nhiều lần”, “suy thoái mang tính hệ quả”: Hobson đã sử dụng dày đặc những khái niệm này trong những trang viết của mình, những khái niệm mà ông phát triển và kết hợp một cách có hệ thống. Hơn nữa, bằng cách đó, ông đã đề cập đến cả những khái niệm mà những tác giả sau này phát triển, ví dụ như vai trò của quảng cáo và tầm quan trọng của sự tin tưởng, và thậm chí về khả năng hình thành của cái mà bây giờ được biết đến như là tính đế quốc chủ nghĩa của tự do thương mại.
Những lập luận kinh tế của Hobson rất ấn tượng. Cũng giống như Malthus, ông tiên lượng quan điểm của Keynes bằng cách nghi vấn niềm tin của các nhà kinh tế học cổ điển rằng chỉ khi nào chính phủ không kiểm soát nền kinh tế nữa, cầu hữu hiệu hướng mạnh mẽ tới mức đầy đủ, thì lúc đó nhu cầu tiền đối với hàng hóa sẽ giúp thị trường tiêu thụ hết tất cả những gì được sản xuất ra và qua đó mang lại cho các nhà cung cấp động cơ để sử dụng đầy đủ các nhân tố sản xuất thông qua việc đầu tư liên tục. Hơn Malthus, Hobson đã có thể giải thích tại sao cầu hiệu quả bị thiếu hụt và như thế, có thể cung cấp các lý do cho mệnh đề sau này được thiết lập bởi Keynes: đó là: một nền kinh tế của các doanh nghiệp tự do sẽ dừng lại ở điểm chưa đạt được mức toàn dụng các nhân tố sản xuất.
Bởi vì sự tập trung của cải trong tay một số ít người, Hobson lập luận rằng, tiêu dùng không thể theo kịp với tốc độ tăng trưởng của sức sản xuất; bởi vì “người giàu không bao giờ đủ sáng suốt để chi tiêu đủ nhằm tránh việc sản xuất thừa”. Ở một mức giá có thể tạo ra lợi nhuận, cầu sẽ không đủ để tiêu thụ hết hàng hóa trên thị thường. Và vì thế, theo lời của Hobson, “hàng hóa không tiêu thụ được, hoặc là không thể được sản xuất bởi vì có bằng chứng cho thấy là chúng không thể được tiêu thụ”. Đối với Keynes, nền kinh tế không hoạt động hiệu quả bởi vì sự phân phối của cải không đồng đều. Cũng theo Keynes, giải pháp khả thi nằm ở chính phủ, thông qua quyền lực về thuế và chi tiêu, để tạo ra cách thức phân phối thu nhập đồng đều hơn nhằm nâng tổng cầu đạt mức mà ở đó nền kinh tế được duy trì trong điều kiện toàn dụng lao động. Cũng theo Keynes, đây là cách tiếp cận kinh tế vĩ mô, tìm hiểu mối quan hệ trong tổng thể hệ thống nhằm giải thích điều kiện của một nền kinh tế.[3]
Bây giờ chúng ta đã có các yếu tố kinh tế của Lý thuyết về chủ nghĩa đế quốc của Hobson trong tay. Đối mặt với việc tỷ suất lợi nhuận giảm dần tại quê nhà và việc sử dụng không hiểu quả các nguồn lực, những người muốn trở thành các nhà đầu tư nhìn ra nước ngoài để tìm kiếm các cơ hội tốt hơn. Những cơ hội này được tìm thấy ở những nơi mà chưa bị khai thác triệt để – đó là, ở các nước có nền kinh tế lạc hậu. Nói một cách khác, nói một quốc gia có nền kinh tế kém phát triển có nghĩa là nó đang thiếu vốn. Nơi nào khan hiếm nguồn vốn, nơi đó mang lại lợi tức trên mức bình thường lớn nhất. Do có mong muốn đầu tư ra nước ngoài tương tự của người dân tại các nước tư bản khác, chính phủ của họ sẽ dễ dàng bị cuốn vào việc ủng hộ các tuyên bố của công dân họ đòi hỏi được đối xử công bằng, hoặc được hưởng những ưu đãi đặc biệt, từ những nhà lãnh đạo các quốc gia mà những công dân đó đang hoạt động. Nếu một chính phủ hỗ trợ các doanh nhân của họ ở nước ngoài, các chính phủ khác liệu có thể làm ít hơn được không? Nếu một chính phủ thiết lập bức tường thuế quan xung quanh thuộc địa của mình, các chính phủ khác có thể chịu ngồi im và nhìn công dân của họ bị phân biệt đối xử ở đó và ở nhiều nơi khác trên thị trường thế giới hay không? Các chính phủ của các nhà nước tư bản cảm thấy áp lực từ những lập luận được ẩn chứa trong các câu hỏi tu từ đó. Và vì thế sự thôi thúc phải đầu tư ra nước ngoài, và sự cạnh tranh giữa các công dân của các nước khác nhau nhằm đáp lại sự thôi thúc đó, được nghĩ rằng đã tự nhiên dẫn tới làn sóng của các hoạt động đế quốc chủ nghĩa. Từ đó Hobson đi đến kết luận của ông: Chủ nghĩa đế quốc hàm ý việc sử dụng bộ máy chính phủ bởi các nhóm lợi ích cá nhân, chủ yếu là các nhà tư bản, nhằm giành được cho mình những lợi ích kinh tế bên ngoài đất nước của họ”. Các lực lượng khác cũng đóng vai trò ở đây– ví dụ như lòng yêu nước, nhiệt huyết truyền giáo, tinh thần phiêu lưu. Nhưng các yếu tố kinh tế mới là gốc rễ, một động cơ mà không có nó, các mưu đồ đế quốc sẽ tiêu tan. Các lực lượng kinh tế là “yếu tố quyết định thực sự để hiểu được các chính sách thực tế”. Hơn nữa, chủ nghĩa đế quốc được coi một cách trực tiếp hoặc gián tiếp là nguyên nhân của hầu hết, nếu không phải là tất cả, các cuộc chiến tranh hiện đại (1902, trang 94, 96, 126; so sánh trang 106, 356 sau đó). Và sau này Harold J. Laski nêu ra: “Nguyên nhân chính của chiến tranh nằm ở phạm trù kinh tế. Mục tiêu chính của nó là tìm kiếm mọi của cái có thể đạt được bằng phương tiện chiến tranh nếu số của cải đó được những người đưa nhà nước vào chiến tranh coi là lớn hơn so với những gì sẽ đạt được nếu hòa bình được duy trì” (1933, trang 501).
Mặc dù chủ nghĩa đế quốc thúc đẩy sức sản xuất thông qua việc xuất khẩu lao động và tư bản thặng dư, nhưng những thiệt hại mà một dân tộc đế quốc phải chịu đựng lớn gấp nhiều lần so với những gì đạt được. Thành quả đạt được phần nào vô nghĩa bởi vì hầu hết số đó thuộc về các doanh nhân và các nhà đầu tư, một phần thiểu số ít ỏi của cả dân tộc. Họ thụ hưởng lợi nhuận của chủ nghĩa đế quốc; còn dân tộc nói chung phải chịu đựng các chi phí đáng kể. Dùng những từ mà Hobson mượn của James Mill thì chủ nghĩa đế quốc “là một hệ thống trợ cấp rộng lớn ở bên ngoài dành cho các tầng lớp trên”. Việc tái phân phối thu nhập sẽ khiến các yếu tố của sản xuất được sử dụng một cách có lợi nhuận hơn. Ngoài ra, nếu các hành vi đế quốc chủ nghĩa gây ra tất cả các cuộc chiến tranh mà không chỉ các cuộc chiến tranh đế quốc trực tiếp, thì chi phí của toàn bộ “hệ thống chiến tranh”, hay chi phí chuẩn bị và tiến hành chiến tranh, phải được tính cho các doanh nghiệp đế quốc. Bằng lý do này, chi phí phải lớn hơn nhiều so với những gì thu được.[4] Ngoài những chi phí tính bằng tiền, việc theo đuổi các chính sách đế quốc còn tạo ra những ảnh hưởng xã hội và chính trị không tốt trong nước. Điều này hoặc dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa quân phiệt ở Anh, hoặc dẫn đến việc phụ thuộc của Anh vào các quân đội bản địa; nó cũng tạo ra những lực lượng chống lại các cải cách xã hội và kinh tế và làm suy yếu chính phủ đại diện; duy trì và mở rộng tầng lớp quý tộc phè phỡn phụ thuộc vào nguồn cống nộp từ châu Á và châu Phi, và cuối cùng có thể biến hầu hết người dân Tây Âu thành những kẻ ăn bám (1902, trang 51, 120-52, 314-15).
Điều đó, trong quan điểm của Hobson, chính là một phần quan trọng của sự tổn thất của các nước đế quốc. Phần quan trọng khác của tổn thất đến từ kết quả của chủ nghĩa đế quốc ở nước ngoài. Các nước đế quốc, bằng việc xuất khẩu các tư liệu sản xuất và công nghệ, khiến các nước lạc hậu có thể phát triển các nguồn lực của họ. Nếu điều đó diễn ra, không có gì để ngăn chặn được ví dụ như Trung Quốc trong việc sử dụng vốn nước ngoài, và ngày càng cả vốn của mình, kết hợp với lao động của mình, để sản xuất ra các mặt hàng có thể hất cẳng “các sản phẩm của Anh ở các thị trường trung lập trên thế giới”. Trung Quốc cuối cùng có thể sẽ làm tràn ngập các thị trường phương Tây bằng các sản phẩm Trung Quốc giá rẻ, “đảo ngược dòng đầu tư, và giành được quyền kiểm soát tài chính đối với những ông chủ thực dân và những người khai hóa văn minh cho nó”(1902, trang 208f., 313). Những hành động của chính nước đế quốc sẽ phá vỡ vị thế ưu việt của họ.
Lenin bị ảnh hưởng lớn bởi Hobson và chỉ khác với ông ở hai điểm quan trọng. Hobson tin tưởng rằng động lực tiến lên chủ nghĩa đế quốc có thể được xóa bỏ bởi những chính sách của chính phủ được xây dựng nhằm tái phân phối của cải (1902, trang 88-90). Lenin tin tưởng rằng những nhà tư bản đang kiểm soát chính phủ sẽ không bao giờ cho phép những chính sách đó tồn tại. Do đó, chủ nghĩa đế quốc là chính sách không thể tránh khỏi của các nhà nước tư bản trong giai đoạn độc quyền (1916, trang 88-89). Hobson tin rằng sự tranh chấp giữa các nước đế quốc là nguyên nhân của hầu hết các xung đột giữa chính các nước đế quốc đó và là lý do chủ yếu dẫn đến sự chi tiêu quá mức cho vũ trang. Hơn nữa, Hobson cũng đã nhìn ra khả năng đáng sợ về việc các nước tư bản hợp tác với nhau để khai thác các dân tộc lạc hậu (1902, trang 311f., 364f). Lenin tin rằng việc hợp tác hòa giải không bao giờ kéo dài, do sức mạnh thay đổi lên xuống của các nhà nước tư bản và sự thay đổi mẫu hình các cơ hội cho đầu tư ra bên ngoài. Chủ nghĩa tư bản không thể không tạo ra chủ nghĩa đế quốc. Điều này, đến phiên nó, chắc chắn dẫn tới chiến tranh giữa các nhà nước tư bản, một tư tưởng sau này củng cố cho niềm tin rằng chủ nghĩa xã hội có thể tồn tại được ở một quốc gia (1916, trang 91-96, 117-20).
Sử dụng các phân tích của Hobson, Lenin đã cố gắng chứng minh rằng những kết quả mà Hobson nghĩ là có khả năng xảy ra chính là những sản phẩm tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Hơn thế, Lenin thích những gì Hobson đã tiên đoán và xót xa: Chủ nghĩa đế quốc là một phần của sự biện chứng vốn sẽ đem lại sự cáo chung của thế giới tư bản, một mặt bằng cách hút hết năng lượng của các nhà nước phát triển và làm sâu sắc thêm sự đối kháng bên trong chúng, mặt khác bằng cách thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các khu vực lạc hậu.[5] Ở đây, Lenin đã hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Marx. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx và Engels đã ca ngợi chủ nghĩa tư bản theo cách mang đầy tính tự phụ như thể nó được đưa ra bởi những người biện hộ cho giai cấp tư sản:
Sự khác nhau giữa các quốc gia và sự đối kháng giữa các dân tộc (họ viết) đang biến mất hằng ngày, nhờ có sự phát triển của giai cấp tư sản, nhờ tự do thương mại, nhờ thị trường thế giới, nhờ sự thống nhất về phương thức sản xuất và về điều kiện cuộc sống tương ứng với nó.
Phỏng theo những giải thích của Hobson về chủ nghĩa đế quốc, Lenin có thể giữ được cả tầm nhìn của Marx về một tương lai tốt đẹp của chủ nghĩa tư bản và lời buộc tội của ông rằng xã hội tư bản đã chứa đựng các mầm mống của chủ nghĩa đế quốc.
Bây giờ chúng ta có thể kiểm tra lý thuyết kinh tế của chủ nghĩa đế quốc với ba câu hỏi nêu ra trong đoạn đầu của phần II. Đầu tiên, bản thân lý thuyết kinh tế đó tốt đến đâu? Ở đây chúng ta phải phân biệt giữa những giá trị chung của lý thuyết mang phong cách Keynes của Hobson và khả năng của nó nhằm giải thích sự thúc đẩy xuất khẩu tư bản được coi là sản sinh ra chủ nghĩa đế quốc. Cả Hobson và Lenin cho rằng chủ nghĩa đế quốc bắt nguồn từ sự thúc đẩy đó, gây ra một phần vì sự tiêu dùng dưới mức sản xuất ở trong nước kết hợp với sự cám dỗ về lợi nhuận cao hơn thông qua việc đầu tư ở nước ngoài. Chính lợi nhuận cao hơn là điều được trông đợi, cho dù chúng có thể đạt được bằng cách nào, như cả Hobson và Lenin đã từng nói. Lý thuyết kinh tế của Hobson tự thân nó không thể dẫn đến kết luận rằng xây dựng các đế chế là điều cần thiết. Tư bản có thể chảy ra khỏi một quốc gia nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, nhưng liệu rằng cuộc chinh phục đế quốc có cần thiết, hoặc có được nghĩ là cần thiết hay không nhằm mục đích đảm bảo cho lợi nhuận trên, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế cũng như điều kiện chính trị ở trong và nước ngoài. Chỉ ra được cách mà các nhà nước tư bản có thể tạo ra thặng dư không thể quyết định thặng dư đó sẽ được sử dụng như thế nào. Các lý do về kinh tế không thể làm gì hơn ngoài việc giải thích sự xuất hiện của các loại thặng dư cụ thể dưới các điều kiện được xác định. Do vậy, câu hỏi chuyển từ liệu rằng lý thuyết kinh tế có thể giải thích được thặng dư tư bản sang liệu rằng các điều kiện kinh tế trong nước có quyết định được các hành vi chính trị bên ngoài hay không. Câu hỏi này không thể được trả lời bằng một lý thuyết về hoạt động của một nền kinh tế quốc dân. Bất chấp sự khó khăn chết người này, chúng ta có thể tin, như bản thân tôi, rằng sự thuyết phục của các nguyên nhân kinh tế đã nâng đỡ cho toàn bộ lý thuyết, bất chấp sự thất bại của nó trong câu hỏi thứ hai và sự khó khăn đối với câu thứ ba.
Câu hỏi thứ hai và thứ ba có thể được xem xét cùng nhau. Xin nhớ rằng để lý thuyết kinh tế về chủ nghĩa đế quốc có giá trị, hầu hết các nước đế quốc phải vừa là nước tư bản vừa có sản xuất thặng dư, và hầu hết các nước được mô tả như vậy đều phải là đế quốc. Từ khoảng những năm 1870 trở đi, giai đoạn mà lý thuyết này được áp dụng, hầu hết, hoặc gần như hầu hết các nước có đủ điều kiện để được gọi là tư bản đều đã dính dáng vào ít nhất một số hành vi đế quốc. Một vài nhà nước đế quốc, tuy vậy, xuất khẩu rất ít tư bản tới thuộc địa của mình, và một vài nước không tạo ra được tư bản thặng dư. Hơn thế, một số nước đế quốc còn không phải là nhà nước tư bản. Sự đa dạng về điều kiện bên trong của các nhà nước và của chính sách đối ngoại của họ là rất ấn tượng. Chúng không theo các quy định của lý thuyết. Nước Anh, nhà nước đế quốc hàng đầu, đã đầu tư một nửa số tư bản ra bên ngoài các thuộc địa của mình tính đến cuối thế kỷ 19. Việc phần lớn nhất trong số đó được đầu tư vào nước Mỹ ít nhất cũng khiến những người ủng hộ cho lý thuyết này có chút bối rối. Nước Pháp đứng vững ở vị trí thứ hai hoặc thứ ba trong việc đầu tư và buôn bán với những vùng lãnh thổ mà nó sở hữu (Feis, 1930, trang 23). Nhật Bản ở châu Á, nước Nga ở châu Á và Đông Âu, chắc chắn là những nước đế quốc, nhưng hai nước này không phải là tư bản, cũng không có sản xuất thặng dư. Những trường hợp này minh họa cho sự đa dạng của các điều kiện liên quan đến chủ nghĩa đế quốc, một sự đa dạng đủ sức để bác lại lý thuyết.
Những điều bất thường này, nhìn từ góc độ lý thuyết, khơi lên thêm những nghi ngờ. Chủ nghĩa đế quốc ít nhất cũng lâu đời như sử sách. Một điều rất kỳ cục là nguyên nhân (tức chủ nghĩa tư bản) có tuổi đời ít hơn rất nhiều so với kết quả mà nó tạo ra (chủ nghĩa đế quốc). Phải thừa nhận là Hobson và Lenin dự định chỉ giải thích chủ nghĩa đế quốc trong thời đại tư bản phát triển. Nhưng chúng ta sẽ phân vân cái gì tạo ra chủ nghĩa đế quốc trong các giai đoạn đã qua và tại sao những nguyên nhân cũ của chủ nghĩa đế quốc không còn tác dụng nữa, tại sao chúng lại được thay bằng các nguyên nhân của chủ nghĩa tư bản. Nếu như có những thứ mới trên thế giới trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa đế quốc không phải là một trong số đó. Không phải là hiện tượng, mà chỉ là nguyên nhân của nó, được coi là mới. Nó giống như là Newton tuyên bố đã khám phá ra nguyên nhân của việc rơi tự do của các vật thể từ năm 1666 trở đi, còn trước đó, ông để cho người khác giải thích tại sao vật thể lại rơi như vậy, và rằng khám phá mới của ông về tác động của trọng lực là một thứ gì đó không tồn tại hoặc không hoạt động trước đó.
Lý thuyết của Hobson và Lenin không thể giải quyết những vấn đề này và cũng không cố gắng để giải quyết nó.[6] Sự công nhận đối với lý thuyết, được lan tỏa và tồn tại rộng rãi, thay vào đó, nằm ở sự hấp dẫn của các nguyên nhân kinh tế và sự thật hiển nhiên rằng các nhà nước tư bản phát triển lúc đó thực tế nằm trong số những kẻ xây dựng đế quốc ấn tượng nhất trong lịch sử. Những nhà nước tư bản phát triển là những đế quốc hung tàn. Vậy tại sao không đồng nhất chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc? Sự đồng nhất rõ ràng là dễ dàng thực hiện được, vì chúng ta quá thường xuyên đọc thấy các nhà nước tư bản đẩy hàng hóa thặng dư và tư bản của họ sang các cư dân thuộc địa ngây thơ và cuộc tranh giành thuộc địa điên cuồng giữa các nhà nước tư bản.
Nếu các lý giải nguyên nhân ngầm định là thuyết phục, chúng chỉ thuyết phục như thế cho đến khi một ai đó nhận ra rằng trong thời đại của Hobson, cũng như trong thời đại của chúng ta, hầu hết các quốc gia hàng đầu đều là tư bản. Một câu hỏi được đặt ra: Những nước phát triển là “đế quốc” bởi vì chúng là các nước tư bản hay bởi vì chúng là phát triển? Sự lớn mạnh của các nền kinh tế công nghiệp trong thế kỷ 19 sinh ra chủ nghĩa đế quốc thống trị thế giới. Bá quyền của số ít đối với số đông được tạo ra bởi sự mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản hay bởi việc khám phá bí mật của tự nhiên, sự chuyển hóa từ khoa học sang công nghệ, và sự tổ chức sức mạnh của công nghệ ở quy mô quốc gia? Liệu chủ nghĩa đế quốc có phải là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của công nghiệp hóa? Đối với bất kỳ lý thuyết nào muốn nỗ lực giải thích chủ nghĩa đế quốc, những câu trả lời cho những câu hỏi này là cốt yếu.[7]
Một vài người sẽ đáp lại bằng cách nói rằng sự xuất hiện đột ngột của các hành vi đế quốc ở cuối thế kỷ 19 có thể được giải thích chỉ bằng các thay đổi về kinh tế bên trong các nước đế quốc và rằng điều này cung cấp bằng chứng ủng hộ lý thuyết của Hobson và Lenin. Tranh luận này không đi vào trọng tâm. Khi bác bỏ lý thuyết, tôi không tranh luận rằng chủ nghĩa tư bản không có gì liên quan đến chủ nghĩa đế quốc ở Pháp và Anh. Làm như thế cũng ngớ ngẩn như là nói nền cai trị chuyên chế không liên quan gì đến chủ nghĩa đế quốc ở Nga và Nhật. Các hành vi đặc biệt có nguyên nhân đặc biệt, điều này giải thích cho một phần của kết quả mà chúng ta quan tâm. Dù vậy, khi xem xét những nguyên nhân đặc biệt này, chúng đang xem xét những vấn đề thú vị về mặt lịch sử hơn là về mặt lý thuyết. Nếu tuyên bố rằng một lý thuyết chỉ cân nhắc điều kiện bên trong của nhà nước thì sẽ không thể giải thích thỏa đáng hành vi bên ngoài của nó không có nghĩa là nói rằng hành vi bên ngoài có thể được giải thích mà không cần xem xét đến điều kiện bên trong. Các nền kinh tế tư bản là những nhà sản xuất thặng dư rất hiệu quả. Vì thế, chính phủ của các nhà nước tư bản có nhiều sự lựa chọn và công cụ hiệu quả để hoạt động ở tầm quốc tế. Tuy nhiên, họ sẽ lựa chọn hành động thế nào không thể được giải thích chỉ bằng các điều kiện bên trong. Các điều kiện bên ngoài cũng phải là một phần của sự giải thích bởi vì sự đa dạng của các điều kiện bên trong một nhà nước không hoàn toàn tương thích với sự đa dạng của các hành vi bên ngoài của họ.
Nhìn trong lịch sử, ba “thặng dư” nổi tiếng – về người, hàng hóa và tư bản – gắn liền với các dòng chảy của chủ nghĩa đế quốc. Trong các hình thức khác nhau, chúng được phân biệt lần lượt là chủ nghĩa đế quốc di dân (dòng chảy con người – NHĐ), chủ nghĩa đế quốc về tự do thương mại (dòng chảy hàng hóa – NHĐ), và chủ nghĩa đế quốc về tư bản độc quyền (dòng chảy vốn – NHĐ). Có hai điểm cần lưu ý ở đây. Đầu tiên, một đất nước được coi là đang duy trì một dòng chảy đế quốc chủ nghĩa như vậy phải có được một hoặc là kết hợp của những “thặng dư” đó theo một nghĩa cụ thể rằng nước đế quốc đó cần có một mức độ vượt trội nhất định đối với dân tộc mà nó kiểm soát. Nếu không làm sao mà kiểm soát họ được? Thứ hai, việc “thặng dư” được tạo ra như thế nào, và bản chất của nhà nước tạo ra nó là gì, có vẻ hoàn toàn không quan trọng. Các nền cộng hòa (Athens và Rome), các nền quân chủ thần thánh (Pháp thời kỳ nhà Buorbon và Nhật thời Minh Trị), hay các nền dân chủ hiện đại (nước Anh và Mỹ) đã đều là các nước đế quốc. Tương tự, các nền kinh tế cũng có sự đa dạng – chăn nuôi, phong kiến, trọng thương, tư bản chủ nghĩa , xã hội chủ nghĩa – tất cả đều đã duy trì các mưu đồ đế quốc. Nói nhẹ nhàng thì giải thích chủ nghĩa đế quốc bằng chủ nghĩa tư bản là một cách nhìn phiến diện. Thay vì nhắc đến chủ nghĩa đế quốc tư bản, người ta có thể viết xác đáng thành chủ nghĩa đế quốc của các siêu cường. Ở nơi nào mà sự bất cân bằng quyền lực tồn tại một cách rõ ràng, và ở nơi nào mà các phương tiện giao thông cho phép xuất khẩu hàng hóa và công cụ thống trị, thì ở đó dân tộc có năng lực cao hơn có thể áp đặt ảnh hưởng đáng kể lên những dân tộc không có khả năng tạo ra các thặng dư. Trong một phê bình được coi là chống lại Joseph Schumpeter một cách nặng nề, Murray Creene buộc tội ông ta đã đóng đinh tư tưởng này vào lý thuyết xã hội học về chủ nghĩa đế quốc của mình: Điều có vẻ “trông giống như chủ nghĩa đế quốc tư bản chỉ vô tình xảy ra trong thời đại của chủ nghĩa tư bản” (1952, trang 64). Greene đã đánh đúng vào điểm quan trọng, mặc dầu ông ta hoàn toàn hiểu sai nó. Về mặt lịch sử, chủ nghĩa đế quốc là một hiện tượng phổ biến. Ở đâu chúng ta tìm ra các đế quốc, ở đó chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng được xây dựng bởi những người đã tự tổ chức và khai thác tài nguyên của họ theo cách hiệu quả nhất. Như vậy, trong thời hoàng kim, cho rằng chủ nghĩa trọng thương là nguyên nhân của chủ nghĩa đế quốc là lý lẽ sai lầm cũng giống như lập luận về chủ nghĩa tư bản sau này.
Nếu những nước tư bản, những nhà nước tiên tiến nhất trong thời đại của họ, không ảnh hưởng đến các quốc gia khác nhiều hơn các nước khác ảnh hưởng đến chúng, và không đôi khi dính dáng đến các hành vi đế quốc ở bên ngoài, thì đó là điều kỳ quặc. Theo nghĩa này, việc chủ nghĩa đế quốc không xuất hiện khi có tình trạng mất cân bằng quyền lực sẽ rất cần một sự giải thích. Sự yếu kém sẽ dẫn tới bị kiểm soát, sức mạnh lôi cuốn người ta thực hiện sự kiểm soát đó, thậm chí chỉ để “tốt” cho người khác.[8] Hiện tượng này là phổ biến và lâu đời hơn những gì lý thuyết đưa ra để giải thích nó. Cụm từ có thể biểu đạt được nguyên nhân sâu xa có thể áp dụng cho các các nền kinh tế được tổ chức khác nhau chính là “chủ nghĩa đế quốc của các siêu cường”. Hình thức tổ chức kinh tế mà sẽ “tạo ra” chủ nghĩa đế quốc (theo nghĩa cho phép đất nước theo đuổi chính sách đế quốc) là bất kỳ dạng thức kinh tế nào có thể chứng tỏ hiệu quả nhất trong thời gian cụ thể và khu vực thích hợp. Để hoàn thiện so sánh đưa ra bên trên: Lực hấp dẫn của Newton tồn tại sớm hơn, mặc dù nó không được xác định đầy đủ; nguyên nhân của chủ nghĩa đế quốc, xuất hiện ở các nước tư bản phát triển, đã xuất hiện sớm hơn, mặc dù việc gắn chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa đế quốc đã che khuất điều này.
III
1. Các lý thuyết tự chứng thực
2. Cấu trúc mà không lý giải hành vi, hay sự biến mất của các kết quả
3. Giải thích quá mức và vấn đề của sự thay đổi
IV
Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Ly thuyet gian luoc.pdf
[1] Alfred North Whitehead ít nhất đã nghĩ như thế (1925, trang 60)
[2] Các lý thuyết của Hobson và Lenin không đồng nhất, nhưng chúng có độ tương tự cao và hầu như là tương thích với nhau.
[3] Ba đoạn trên là một tổng kết của phần I, chương 6, trong tác phẩm của Hobson (1902). Keynes đã rất ghi nhận Hobson khi đã tiên lượng các yếu tố chính trong lý thuyết chung của ông, mặc dù ông chỉ trích việc Hobson thiếu các lý thuyết về tỉ suất lợi nhuận và việc nhấn mạnh quá mức sau đó đối với thừa nguồn cung vốn hơn là việc thiếu cầu vốn. Xem Keynes (không rõ năm, trang 364-70) và những trích dẫn kèm theo. Trong một bài viết đáng ra xuất sắc khác, Boulding và Mukerjee (1971) chỉ ra rằng có thể hiểu được lý thuyết của Hobson nếu xem xét nó dưới ánh sáng của Học thuyết Keynes. Họ có thể tin rằng cần phải có một sự giải thích đặc biệt chỉ bởi vì họ đã không thấy được sự tương đồng rất cao giữa Hobson và Keynes.
[4] Khi tính toán chi li hơn, lợi ích thu được và chi phí tương đối vẫn là một vấn đề cho nước Anh trong thời hoàng kim của chủ nghĩa đế quốc. Xem các tính toán thận trọng của Strachey (1960, trang 146-94) và so sánh với Brown (1970 trang x). Brown đặc biệt viết về chủ nghĩa đế quốc từ một góc nhìn Mác-xít. Xem thêm Boulding và Mukerjee (1971).
[5] Lenin đưa ra ý đầu tiên bằng cách trích dẫn Hobson, trong số những người khác, và điểm thứ hai chủ yếu bằng cách trích dẫn Rudolf Hilferding (Lenin, 1916, trang 102-104, 121).
[6] Một giải pháp là lý luận rằng “chủ nghĩa đế quốc mới” khác với chủ nghĩa đế quốc trước đây do chủ nghĩa tư bản. Dù việc tồn tại một số điểm khác nhau là có thực, nhưng về mặt lý thuyết là không quan trọng. Ví dụ về tranh luận này xem O’Connor (1970).
[7] Wehler (1970) cung cấp những ví dụ đáng chú ý về việc các phân tích nguyên nhân trở lên lộn xộn như thế nào khi công nghiệp hóa được đồng nhất với chủ nghĩa tư bản.
[8] Lời cảnh báo của Cf. Nkrumah đối với những người châu Phi rằng sự yếu kém của việc mất đoàn kết sẽ mang lại sự kiểm soát của các nước đế quốc (Grundy, 1963, trang 450).