#22 – Quy luật và Lý thuyết

Print Friendly, PDF & Email

IAPC_mainimg

Nguồn: Waltz, Kenneth N. (1979). “Laws and Theories” (Chapter 1) in K. N. Waltz, Theory of International Politics (Reading, Mass.: Addison-Wesley Pub. Co.), pp. 1-17.

Biên dịch: Nguyễn Hướng Đạo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp, Nguyễn Võ Dân Sinh

Tôi viết cuốn sách này với ba mục tiêu: thứ nhất, khảo sát những lý thuyết chính trị quốc tế cùng với cách thức nghiên cứu các vấn đề liên quan vốn được cho là cơ bản và quan trọng về mặt lý thuyết; thứ hai, xây dựng một lý thuyết chính trị quốc tế nhằm sửa chữa và cải thiện những sai lầm trong các lý thuyết hiện tại; và thứ ba, đưa ra một số ứng dụng của lýthuyết vừa được đưa ra. Nhưng việc cần làm trước tiên để có được kết quả ấn tượng đó là chỉ ra lý thuyết là gì và đâu là các yêu cầu đối với việc kiểm chứng chúng.

I.

Nhiều nhà nghiên cứu chính trị quốc tế thường dùng tùy tiện thuật ngữ “lý thuyết”, thường để chỉ bất cứ tác phẩm nào thoát ly khỏi sự miêu tả đơn thuần mà ít khi nhằm nhắc tới chỉ những tác phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn triết-học-về-khoa-học. Trong khi đó, những mục tiêu mà tôi theo đuổi đòi hỏi phải lựa chọn và đưa ra định nghĩa cho thuật ngữ “lý thuyết”“quy luật” thật cẩn thận.

Trong khi có hai định nghĩa về lý thuyết cạnh tranh lẫn nhau, có một định nghĩa về quy luật đã được chấp nhận rộng rãi. Các quy luật chỉ ra những mối quan hệ giữa các biến, trong đó các biến là những khái niệm có thể mang những giá trị khác nhau. Nếu a, thì b, theo đó, a đại diện cho một hoặc nhiều biến độc lập và b đại diện cho biến phụ thuộc. Về hình thức, đây là một phát biểu về quy luật. Nếu mối quan hệ giữa ab là không đổi, quy luật ở đây là tuyệt đối. Nếu mối quan hệ giữa ab lặp đi lặp lại nhiều lần, dù không phải là bất biến, thì quy luật đó có thể được phát biểu như sau: Nếu a, thì b với xác suất x. Một quy luật không chỉ đơn thuần dựa vào mối quan hệ giữa các biến đã được tìm thấy, mà còn phụ thuộc vào việc quan hệ đó có lặp đi lặp lại hay không. Sự lặp đi lặp lại khiến người ta kỳ vọng rằng nếu tôi tìm thấy a trong tương lai thì với xác suất nhất định tôi sẽ tìm thấy b. Trong khoa học tự nhiên, ngay những quy luật dù mang tính xác suất cũng bao hàm yêu cầu về điều kiện cần. Trong khoa học xã hội, nhận định rằng một người với mức thu nhập nào đó sẽ bầu cho Đảng Dân chủ với những xác suất nhất định là mệnh đề có tính quy luật. Cụm từ“có tính quy luật” ở đây ngụ ý yêu cầu thấp hơn về điều kiện cần. Tuy nhiên, mệnh đề đó sẽ không bao giờ giống như là một quy luật trừ khi mối quan hệ đó được tìm thấy một cách đáng tin cậy là đã thường xuyên diễn ra trong quá khứ đến mức người ta kì vọng cao rằng điều đó sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai với xác suất tương tự.[1]

Theo một định nghĩa, các lý thuyết là tập hợp hay hệ thống những quy luật liên quan đến một hành vi hoặc hiện tượng nhất định. Chẳng hạn, cùng với điều kiện về thu nhập của cử tri, có thể xuất hiện thêm mối quan hệ giữa học vấn, tôn giáo, quan điểm chính trị của cha mẹ họ với cách thức họ bầu cử. Nếu những quy luật mang tính xác suất được tập hợp lại cùng nhau, mối liên hệ giữa các đặc điểm của cử tri (các biến độc lập) và đảng mà họ lựa chọn (biến phụ thuộc) sẽ được làm rõ hơn. Do đó, chúng ta có thể hiểu rằng lý thuyết phức tạp hơn quy luật, nhưng chỉ về mặt định lượng. Về hình thức, các quy luật và các lý thuyết không có sự khác biệt.

Định nghĩa đầu tiên về lý thuyết này làm tăng thêm cảm hứng cho rất nhiều nhà khoa học xã hội cố gắng “xây dựng” lý thuyết bằng cách cẩn thận tập hợp các giả thuyết liên quan đến nhau và đã được kiểm nghiệm. Câu chuyện sau đây cho thấy cách mà hầu hết các nhà khoa học chính trị nghĩ về lý thuyết:

Homer miêu tả bức tường thành Troy dày 8 ft (2,4384m). Nếu như miêu tả của ông đúng, hàng nghìn năm sau, ai đó có thể sẽ tìm thấy những bức tường đó sau khi đào bới cẩn thận. Ý tưởng đó đã xảy ra với Heinrich Scheliemann khi ông còn là một cậu bé, và khi lớn lên, ông đã kiểm tra thực nghiệm lý thuyết đó. Karl Deustch sử dụng câu chuyện như một ví dụ để trình bày làm cách nào để kiểm tra một lý thuyết kiểu mới (1966, pp. 168 – 69). Một lý thuyết được sinh ra từ giả thuyết và thành công nếu được kiểm chứng. Deustch coi những lý thuyết đơn giản dạng “nếu-thì” là “những lý thuyết đặc biệt”, vốn sau đó có thể đưa vào để cấu thành một lý thuyết tổng quát”. Sau đó, ông đưa ra những ví dụ khác và bằng cách đó đã chuyển “từ câu hỏi có-hoặc-không sang dạng câu hỏi bao-nhiêu”. Chúng ta nên thử tìm xem các biến khác nhau đóng góp bao nhiêu cho một kết quả nào đó (1966, pp. 219-21).

Kiểu suy nghĩ như vậy thì có ích và vô ích như thế nào? Mọi người đều biết rằng một hệ số tương quan dù cao hay thấp cũng không đảm bảo rằng một mối quan hệ mang tính nhân quả đang tồn tại. Tuy nhiên, bình phương hệ số đó lên về mặt kỹ thuật cho phép chúng ta nói rằng chúng ta đã lý giải cho một tỉ lệ phần trăm nhất định của phương sai. Và rồi, thật dễ dàng để tin rằng có một mối quan hệ nhân quả thực sự đã được xác định và đo lường, để nghĩ rằng một mối liên hệ giữa một biến độc lập và một biến phụ thuộc đã được xác lập, và để quên ngay rằng người ta mới chỉ mới nói sơ qua về những dấu chấm trên một mẫu giấy và đường hồi quy kết nối chúng với nhau mà thôi. Mối tương quan đó có sai hay không? Đây là một câu hỏi hỏi mà không phải hỏi. Các mối tương quan không sai cũng không đúng; chúng chỉ là những con số mà người ta có được khi thực hiện một số phép toán đơn giản. Sự tương quan là không sai cũng không đúng, nhưng mối quan hệ mà chúng ta suy ra từ đó thì có thể hoặc sai hoặc đúng. Ví dụ, có ai đó đề xuất một quy luật bằng cách cẩn thận thiết lập mối quan hệ giữa lực đẩy truyền cho một chiếc xe kéo và sự dịch chuyển của chiếc xe. Trong điều kiện không đổi và việc đo lường được tiến hành kỹ lưỡng, thì mối quan hệ được thiết lập đó chỉ là một thực tế quan sát được, một quy luật luôn luôn xác thực. Tuy nhiên, những sự giải thích mối quan hệ giữa việc đẩy và sự dịch chuyển đó lại rất khác nhau phụ thuộc vào việc chúng ta giải thích dựa trên việc tham khảo các của ý tưởng của ai, Aristotle, Galileo hay Newton. Sự chấp nhận thiếu phản biện một con số, coi nó như là biểu hiện cho một mối liên hệ nào đó đang tồn tại là sai lầm đầu tiên cần phải tránh. Thực ra để tránh vấp phải điều đó không quá khó. Vấn đề tiếp theo đây mới quan trọng và khó giải quyết hơn.

Ngay cả khi chúng ta tự thuyết phục bản thân bằng đủ mọi cách rằng mối tương quan dẫn đến một mối liên hệ chắc chắn giữa hai sự vật, hiện tượng, chúng ta vẫn chưa xác lập được mối liên hệ đó theo nghĩa đã lý giải đầy đủ về nó. Chúng ta đã lý giải bằng cách, và duy nhất bằng cách dựa vào lý thuyết vật lý của Aristotle về lực đẩy và sự chuyển động. Đứng trên phương diện thực tế, kiến thức về mối tương quan cao giữa lực đẩy và chuyển động là rất hữu ích. Nó gợi ra những manh mối cho các nguyên lý của sự chuyển động. Điều này có thể rất dễ dàng đi tới sai lầm, như thực tế đã chứng minh. Các con số có thể miêu tả cách thế giới vận hành thế nào. Tuy nhiên, dù cho chúng ta có gắn sự miêu tả của chúng ta với những con số chặt chẽ tới mức nào, thì chúng ta vẫn chưa giải thích được những gì chúng ta vừa miêu tả. Thống kê không chỉ ra được cách thức mọi thứ liên quan hoặc ăn khớp với nhau như thế nào. Thống kê đơn giản là hình thức miêu tả bằng con số. Hình thức này hiệu quả ở chỗ thống kê miêu tả cái toàn thể thông qua việc xem xét các mẫu bộ phận được lấy từ cái toàn thể. Thống kê cũng hữu ích bởi ta có thể thực hiện nhiều thao tác khác nhau để xem xét mức độ tin cậy của các chỉ số thống kê. Tuy nhiên, kết quả của thống kê vẫn chỉ là sự miêu tả một bộ phận của thế giới chứ không phải là lời giải thích về nó. Các phép toán thống kê không thể lấp đầy được khoảng cách giữa sự miêu tả và sự giải thích. Karl Deutsch đã khuyên chúng ta nên “thiết lập đi thiết lập lại một mệnh đề liên quan đến xác suất và nói rõ bao nhiêu phần trăm kết quả có thể được lý giải bởi một nhân tố nào đó và bao nhiêu phần trăm có thể được lý giải bởi các nhân tố khác, và bao nhiêu phần trăm thì không chịu ảnh hưởng của nhân tố nào cả” (1966, p. 220).

Nếu chúng ta đi theo chỉ dẫn này, chúng ta sẽ hành động như những nhà vật lý theo lý thuyết của Aristotle [vốn được chứng minh là không hoàn toàn chính xác – ND]. Chúng ta sẽ xử lý một vấn đề giống như cách cố gắng nói về chuyển động của chiếc xe kéo chịu tác động của lực đẩy và độ dốc tới bao nhiêu và chuyển động đó bị ma sát cản trở tới mức nào. Chúng ta sẽ tiếp tục tư duy nhằm tìm ra mối quan hệ nhân quả hay tương quan. Bằng cách đó có thể đạt được các kết quả hữu ích về mặt thực tiễn, mặc dù những người nghiên cứu chính trị quốc tế đã gây thất vọng khi không có nhiều nỗ lực như vậy trên thực tế. Và ngay cả khi các thông tin hữu ích được tìm thấy, nhiệm vụ khó khăn hơn trong việc tìm ra ý nghĩa về mặt lý thuyết của chúng vẫn còn đó.

Những “ảo-tưởng-quy-nạp” (inductivist illusion), như cách gọi của nhà nhân học cấu trúc Lévi-Strauss, là niềm tin có thể đạt được sự thật và sự giải thích thông qua tích lũy thật nhiều thông tin và khảo sát nhiều trường hợp thực tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta thu thập thêm nhiều các dữ liệu và thiết lập thêm nhiều mối liên hệ giữa chúng, rốt cuộc chúng ta vẫn không thể tìm ra chúng ta biết được điều gì. Kết cục là chúng ta chỉ có thêm nhiều dữ liệu và các mối tương quan mà thôi. Dữ liệu không tự nói lên ý nghĩa. Sự quan sát và kinh nghiệm không bao giờ chỉ dẫn trực tiếp tới các tri thức. Một nhà chủ nghĩa thực dụng người Mỹ, C. S. Peirce, đã từng nói rằng, “kinh nghiệm trực tiếp bản thân nó không phải là điều chắc chắn hay không chắc chắn, bởi vì chúng không khẳng định điều gì cả, nó chỉ là nó mà thôi. Nó không phạm lỗi gì, bởi vì nó không chứng minh điều gì ngoài sự xuất hiện của chúng. Cũng vì lí do đó, chúng không tạo ra sự chắc chắn nào cả” (trích trong Nagel 1956, trang 150). Dữ liệu, các thực tế, hay các mối tương quan không phải là tri thức chắc chắn.Chúng có thể là những câu đố một ngày nào đó sẽ được lý giải, hoặc chúng chỉ là những điều vặt vãnh không cần được lý giải gì cả.

Nếu đi theo con đường quy nạp, chúng ta chỉ có thể giải quyết từng mảnh nhỏ rời rạc của vấn đề. Niềm tin rằng các mảnh nhỏ có thể được cộng dồn, rằng chúng có thể được xử lý như những biến độc lập mà tổng tác động của chúng có thể lý giải một phần nào đó sự vận động của biến phụ thuộc, chỉ là niềm tin mà thôi. Chúng ta không biết được cái gì nên được cộng dồn vào và chúng ta cũng không biết liệu phép cộng có phải là thao tác phù hợp hay không.Số lượng các mảnh ghép tạo thành vấn đề là vô hạn, cũng như số lượng cách để chúng có thể kết hợp với nhau. Cả việc quan sát và thực nghiệm đều không thể được tiến hành với vô vàn những vấn đề và mối liên kết như vậy. Trong ví dụ sau đây, Ross Ashby đưa ra một khuyến cáo đáng lưu ý. Các nhà thiên văn học tìm cách lí giải cách vận hành của chòm sao với khoảng 20.000 ngôi sao. Ashby nhận thấy rằng người khởi đầu “sẽ nói đơn giản là ông muốn biết chòm sao đó hoạt động ra sao, hay quỹ đạo của những ngôi sao trong đó như thế nào. Tuy nhiên, nếu kiến thức này được cung cấp cho ông ta, ông ta sẽ cần rất nhiều bảng số liệu để ghi lại khiến cho ông nhận thấy không thực cần tất cả những thứ đó.” Vấn đề là, Ashby kết luận, làm sao để tìm ra cái chúng ta thực sự muốn biết “mà không bị chôn vùi dưới đống thông tin vô dụng” (1956, trang 113). Phương châm cũ, “kiến thức vị kiến thức” là một thứ hấp dẫn, có lẽ bởi ai đó vừa muốn tự mình trở nên bận rộn, vừa muốn trốn tránh câu hỏi khó khăn rằng kiến thức đó để làm gì. Do các thực tế không tự nói lên ý nghĩa của mình, do các mối liên hệ không bao gồm hoặc gợi mở ra cách giải thích chúng, chúng ta phải đối mặt với câu hỏi đó. Ý tưởng “kiến thức vị kiến thức” đã không còn sự quyến rũ nữa khi chúng ta nhận ra rằng những vấn đề của kiến thức là vô hạn.

Dẫu vậy, những nhà nghiên cứu chính trị quốc tế ngày nay thể hiện một sự cam kết mạnh mẽ đối với phương pháp quy nạp. Họ khảo sát vô số trường hợp với hi vọng rằng các mối liên kết và mẫu hình hoạt động sẽ xuất hiện và rằng chúng sẽ biểu thị cho “chân lý”. Hi vọng đó dựa trên niềm tin rằng kiến thức bắt đầu với những điều chắc chắn và phương pháp quy nạp có thể tìm ra  được chúng. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể nói một cách quả quyết rằng một kết luận rút ra từ phép quy nạp sẽ tương ứng với thực tế khách quan nào đó. Điều chúng ta nghĩ là sự thật tự nó là khái niệm phức tạp được xây dựng và chỉnh sửa qua nhiều thời đại. Sự thật đó được kết nối từ sự lựa chọn và sắp xếp các vật liệu có sẵn với số lượng vô tận. Làm thế nào để chúng ta quyết định được vật liệu nào cần được lựa chọn và làm cách nào để sắp xếp chúng? Không một quy trình quy nạp nào có thể trả lời câu hỏi đó, do vấn đề rất lớn là làm sao quyết định được các tiêu chí mà dựa vào đó việc quy nạp có thể được tiến hành một cách hữu ích.

Những người tin một cách kỳ quặc rằng kiến thức bắt đầu với những điều chắc chắn nghĩ rằng các lý thuyết là những thành trì chân lý mà họ có thể xây dựng được bằng cách quy nạp. Họ xem các lý thuyết như là những giả thuyết đã được khẳng định và kết nối. Nhưng kiến thức kinh nghiệm luôn luôn có vấn đề. Kinh nghiệm thường chỉ cho chúng ta đi lầm đường.Như Heinrich Hertz nói, “điều có từ kinh nghiệm có thể lại bị phủ định bởi kinh nghiệm” (1894, trang 357).Không điều gì vừa là sản phẩmcủa kinh nghiệm lại vừa là sự thật tuyệt đối, như một phát biểu của Immanuel Kant và giờ được chấp nhận rộng rãi bởi các nhà khoa học tự nhiên.Và vì kiến thức kinh nghiệm là vô hạn, trong một chừng mực nào đó, nếu không có sự hướng dẫn,chúng ta có thể không biết được những thông tin nào cần thu thập và làm cách nào để sắp xếp chúng lại với nhauđể chúng trở nên dễ hiểu. Nếu chúng ta có thể hiểu được trực tiếp thế giới mà chúng ta quan tâm, chúng ta sẽ không cần lý thuyết nào cả.Thực ra, chúng ta không thể. Chúng ta chỉ có thể tìm ra đường đi giữa vô vàn khía cạnh của vấn đề với sự hướng dẫn của lý thuyết được định nghĩa theo cách thứ hai sau đây.

Thay vì là một tập hợp những quy luật, lý thuyết là những mệnh đề giải thích các quy luật đó (xem Nagel 1961, trang 80-81, Isaak 1969, trang 138-139). Lý thuyết khác về bản chất với quy luật.Quy luật xác định những những mối tương quan khả dĩ hoặc không thay đổi.Lý thuyết giải thích những mối tương quan ấy. Mỗi thuật ngữ miêu tả trong từng quy luật liên quan chặt chẽ tới những quy trình quan sát hoặc thí nghiệm, và các quy luật chỉ được thiết lập khi chúng vượt qua được những kiểm chứng bằng quan sát hoặc thí nghiệm. Bên cạnh các thuật ngữ miêu tả, lý thuyết còn bao gồm các khái niệm mang tính lý thuyết.Lý thuyết không thể được xây dựng chỉ bằng sự quy nạp, bởi những khái niệm mang tính lý thuyếtchỉ có thể được tạo mới ra chứ không phải là được khám phá. Aristotle đã làm việc với chuyển động thực tế, nghĩa là những tỉ lệ giữa lực đẩy tác động và sự dịch chuyển, vốn là những điều thuộc về kinh nghiệm thông thường trong thực tế.Galileo đã thực hiện những bước đi liều lĩnh khỏi thực tế để giải thích nó. Aristotle tin rằng các sự vật luôn nằm yên và cần có lực tác động chúng mới dịch chuyển, trong khi Galileo cho rằng cả trạng thái đứng yên và chuyển động quay đều là tự nhiên và một vật thể luôn nằm trong một trong hai trạng thái đó ngay cả khi không có tác động từ bên ngoài. Newton hình thành nên khái niệm chuyển động thẳng. Lý thuyết ông để lại nhằm lý giải điều đó đã đưa ra những khái niệm mang tính lý thuyết trừu tượng như trọng tâm, gia tốc tức thời, động lực, không gian và thời gian tuyệt đối, nhưng không điều nào có thể quan sát hay xác định được bằng thực nghiệm. Ở mỗi bước đi, từ Aristotle qua Galileo tới Newton, các khái niệm lý thuyết trở nên táo bạo hơn, nghĩa là đã đi xa khỏi kinh nghiệm giác quan.

Một khái niệm lý thuyết có thể là một khái niệm, như động lực, hoặc một giả định, như giả định rằng trọng lượng tập trung ở một điểm. Một khái niệm lý thuyết không giải thích hay dự đoán bất kỳ điều gì. Chúng ta biết, và Newton cũng vậy, rằng trọng lượng không tập trung ở một điểm. Nhưng không phải là Newton kỳ quặc khi giả định như vậy, vì giả định không phải là sự khẳng định thực tế. Chúng không đúng cũng không sai. Giá trị các khái niệm lý thuyết thể hiện qua sự thành công của lý thuyết sử dụng các khái niệm đó. Với những gì được coi là quy luật, chúng ta hỏi: “Nó có đúng không?” Với các lý thuyết, chúng ta hỏi: “Khả năng lý giải của nó lớn tới mức nào?” Lý thuyết của Newton về định luật vạn vật hấp dẫn mang lại một lý giải thống nhất cho những hiện tượng của trái đất và vũ trụ. Sức mạnh của nó nằm ở số lượng những khái quát kinh nghiệm chủ nghĩa rời rạc trước đó và các quy luật được gộp vào thành một hệ thống lý giải, và số lượng và phạm vi các giả thuyết được tạo ra hay được gợi mở bởi lý thuyết của ông, những giả thuyết vốn có thể tới dẫn tới những quy luật thực nghiệm mới.

Aristotle kết luận, trong những giới hạn, “một vật thể xác định có thể được dịch chuyển trong một thời gian xác định qua một khoảng cách tỷ lệ thuận với lực tác động” (Toulmin 1961, trang 49). Dù đối với động lực học cổ đại hay hiện đại, mối tương quan cao giữa lực đẩy và chuyển động đều có thật. Nhưng bằng cách nào giải thích được nó? Những thực tế như thế luôn cố định, nhưng các lý thuyết được coi là đủ để lý giải chúng lại đã thay đổi rất nhiều. Các quy luật là “các thực tế được quan sát”, còn lý thuyết là “những quá trình suy đoán để lý giải chúng”. Các kết quả thực nghiệm là bền vững, tuy nhiên, các lý thuyết dù có nền tảng vững chắc đến đâu vẫn có nguy cơ không tồn tại lâu dài (Andrade 1957, trang 29, 242). Nói cách khác, các quy luật ở lại, còn các lý thuyết đến và đi.

Vì tôi thấy không có lý do gì để lãng phí chữ “lý thuyết” bằng cách định nghĩa chúng như là một tập hợp hai hay nhiều các quy luật, tôi chấp nhận ý nghĩa thứ hai của thuật ngữ: các lý thuyết lý giải các quy luật. Ý nghĩa này không phù hợp lắm với cách sử dụng của phần lớn các lý thuyết chính trị truyền thống, vốn tập trung diễn giải về mặt triết học hơn là giải thích về mặt lý thuyết.Nó phù hợp với định nghĩa của khái niệm này trong các ngành khoa học tự nhiên và một số ngành khoa học xã hội, đặc biệt là kinh tế học. Định nghĩa đó cũng thỏa mãn đòi hỏi bao gồm hoạt động giải thích mà chúng ta thường xuyên tham gia thực hiện. Để thoát ra khỏi các “thực tế được quan sát”, điều mà chúng ta luôn mong muốn thực hiện, chúng ta phải vật lộn với vấn đề về năng lực lý giải. Ham muốn giải thích điều gì đó không phải chỉ sinh ra bởi sự tò mò vô ích mà thôi. Nó còn được tạo ra bởi khao khát kiểm soát, hoặc ít nhất là biết được liệu sự kiểm soát là khả dĩ hay không, hơn là chỉ dự đoán. Các dự đoán được thực hiện dựa trên kiến thức về sự đều đặn của các mối tương quan được đưa vào các quy luật. Bình minh và hoàng hôn có thể được dự đoán chính xác chỉ dựa trên phát hiện thực nghiệm, không cần đến những lý thuyết giải thích tại sao sự kiện đó xảy ra. Dự đoán có thể có những lợi ích nhất định: Chúng ta có thể không tiếp cận được những động lực khiến hai cơ thể va chạm nhau, nhưng nếu chúng ta có thể dự doán được sự va chạm đó, ít nhất chúng ta có thể tránh được nó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường muốn có thể sở hữu năng lực kiểm soát. Nhưng bởi vì quy luật không cho biết tại sao những mối tương quan tồn tại, nó không thể nói cho chúng ta biết liệu chúng ta có thể tiến hành sự kiểm soát được hay không và làm thế nào để làm được như vậy. Tóm lại, vì những lý do đó chúng ta cần một lý thuyết.

Một lý thuyết, mặc dù liên quan tới thế giới mà chúng ta muốn giải thích, luôn luôn tồntại khác biệt với thế giới đó. “Thực tế” có thể không phù hợp với lý thuyết hay một mô hình lý thuyết nào đó. Bởi vì các nhà khoa học chính trị thường nghĩ rằng mô hìnhlý thuyết tốt nhất phải phản ánh sự thật một cách chính xác nhất, chúng ta cần có thêm những thảo luận sau đây.

Mô hình được sử dụng theo hai cách chính. Một mặt, mô hình đại diện cho lý thuyết. Mặc khác, mô hình mô tả lại thực tế trong khi cố gắng đơn giản hóa nó bằng cách bỏ qua hay thu nhỏ quy mô. Nếu một mô hình quá rời xa thực tế, nó sẽ trở nên vô ích. Một máy bay mô hình nên trông giống như một cái máy bay thật. Tuy nhiên, khả năng giải thích lại có được từ việc xa rời với “thực tế”, chứ không phải ở gần. Một miêu tả đầy đủ nhất sẽ có năng lực giải thích ít nhất, còn một lý thuyết tốt sẽ có năng lực giải thích nhiều nhất.  Một lý thuyết tốt như vậy cần phải đi ra khỏi thực tế, như trong vật lý. Thoát ly ra ngoài thực tế không hẳn là tốt, nhưng trừ khi có thể làm được việc đó một cách thông minh, người ta chỉ có thể miêu tả chứ không giải thích được. Chính vì vậy, James Conant đã từng định nghĩa khoa học như là “một công việc năng động nhằm hạ thấp mức độ của chủ nghĩa kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề” (1952, trang 62). Một mô hình lý thuyết sẽ xa rời thực tế tương tự như nội dung lý thuyết mà nó đại diện. Khi xây dựng mô hình lý thuyết, người ta phải tìm kiếm những cách thức mang tính gợi ý nhằm miêu tả lý thuyết, chứ không phải là những thực tế mà lý thuyết đó đề cập. Do vậy, mô hình đó sẽ đại diện cho lý thuyết, với các khái niệm mang tínhlý thuyết cần được bỏ qua, cho dù là thông qua các cách thức trình bày mang tính hữu cơ, cơ học, toán học hay các cách thức khác.

Một số nhà khoa học chính trị viết về các mô hình lý thuyết như thể chúng là một loại mô hình máy bay. Ví dụ, đầu tiên họ phê phán mô hình lấy nhà nước làm trung tâm của chính trị quốc tế rằng nó ngày càng đi xa khỏi thực tế. Sau đó, họ nỗ lực một cách nghiêm túc để tạo ra một mô hình phản ánh thực tế một cách đầy đủ hơn. Nếu nỗ lực của họ thành công, các mô hình và thế giới thực sẽ trở thành một, giống nhau. Đây là sai lầm trái ngược với điều mà Immanuel Kant đã quả quyết cảnh báo và chống lại, đó là nghĩ rằng điều gì đúng trong lý thuyết có thể không đúng trong thực tế. Như Kant đã hiểu rõ, cảnh báo của ông không ngụ ý rằng lý thuyết và thực tiễn là giống nhau hoàn toàn. Lý thuyết lý giải một phần thực tế và vì thế có khác biệt so với thực tế nó giải thích. Nếu sự khác biệt được duy trì, thật rõ ràng rằngquy nạp từ những gì có thể quan sát được không thể tự nó mang lại một lý thuyết có thể giải thích những thứ được quan sát. “Một lý thuyết có thể được kiểm chứng bằng kinh nghiệm”, như Albert Einstein từng nói, “nhưng không có cách nào để đi từ kinh nghiệm đến việc xây dựng một lý thuyết” (trích dẫn trong Harris 1970, trang 121). Cho rằng có thể có được một lý thuyết bằng cách quy nạp cũng giống như cho rằng chúng ta có thể hiểu được các hiện tượng trước khi có được phương tiện để giải thích chúng.

Vấn đề ở đây không phải là bác bỏ việc quy nạp, mà là chỉ ra những quy nạp nào có thể và không thể thực hiện được. Quy nạp được sử dụng ở cấp độ giả thuyết và quy luật hơn là cấp độ lý thuyết. Quy luật khác với lý thuyết, và sự khác biệt đó được phản ánh trong sự khác biệt giữa cách quy luật được phát hiện và cách lý thuyết được xây dựng. Các giả thuyết có thể được suy ra từ các lý thuyết. Nếu các giả thuyết đó cuối cùng được xác nhận, chúng được gọi là quy luật. Các giả thuyết cũng có thể đạt được bằng cách suy luận. Một lần nữa, nếu được xác nhận, chúng sẽ trở thành quy luật. Thủy triều lên và xuống có thể được dự đoán bởi những người Babylon cổ đại với một mức độ chính xác mà đến tận cuối thế kỉ 19 người ta mới vượt được qua. Dù vậy, những kiến thức có mức độ đáng tin cậy cao về sự chuyển động giống với quy luật của thủy triều vẫn không giúp người ta có thể giải thích được sự việc. Giả thuyết về mối liên quan giữa điều này và điều kia, dù được kiểm nghiệm chắc chắn đến mức nào, cũng không sinh ra một lý thuyết nào cả. Các mối liên quan không bao giờ bao gồm hoặc gợi ra một sự giải thích cho chính nó.

Mặc dù tự bản thân sự quy nạp có thể dẫn tới một ngõ cụt lý thuyết, chúng ta vẫn cần khả năng hiểu được các mối liên hệ phức tạp giữa các sự vật và hiện tượng trước khi chúng ta lo tới việc xây dựng lý thuyết. Cùng lúc đó, chúng ta cần một lý thuyết, hoặc nhiều lý thuyết, để biết được những loại dữ liệu và mối liên hệ nào cần phải tìm kiếm. Kiến thức dường như phải đi trước lý thuyết, nhưng kiến thức chỉ có thể xuất phát từ lý thuyết. Điều này giống như thế lưỡng nan được đưa ra bởi Platon rằng chúng ta không thể biết gì cho đến khi chúng ta biết mọi thứ. Nhìn nhận ý tưởng đó theo nghĩa đen của nó, người ta có thể cảm thấy thất vọng. Nhưng nếu coi nó như là một chỉ dẫn chiến lược nhằm đạt được kiến thức, chúng ta có thể thấy chúng ta phải đối mặt vô vàn khó khăn ở bất kỳ lĩnh vực nào khi bước vào con đường tư duy nếu muốn tìm kiếm sự tiến triển về tri thức.

Nếu quy nạp không phải là cách hữu ích, vậy thì là cách nào? Bước nhảy từ quy luật thành lý thuyết, từ dạng giả thuyết tới những lý giải, không thể được thực hiện bởi việc coi thông tin như chứng cứ và tìm kiếm thêm nhiều thông tin khác. Sự biến đổi đó không thể được thực hiện bởi việc tiếp tục câu hỏi cái gì tương quan với cái gì, mà bằng cách trả lời những câu hỏi như: Tại sao điều đó xảy ra? Làm thế nào nó hoạt động? Cái gì gây ra cái gì? Chúng gắn kết với nhau như thế nào?

Nếu lý thuyết không phải là một thành trì chân lý và không phải một sản phẩm tái tạo lại thực tế, thì nó là gì? Một lý thuyết là một bức tranh, được thiết lập một cách trừu tượng, của một số lãnh vực hay phạm vi hoạt động. Một lý thuyết là sự miêu tả cách tổ chức của một vùng có giới hạn hoặc mối liên hệ giữa các thành phần của nó (cf. Boltzman 1905). Những vật liệu vô tận của bất kì lĩnh vực nào đều có thể được sắp xếp bằng vô số cách khác nhau.Một lý thuyết chỉ ra những nhân tố nào quan trọng hơn những nhân tố còn lại và chỉ ra mối quan hệ giữa chúng. Trong thực tế, mọi thứ đều có liên quan tới những thứ khác và một lĩnh vực không thể tách biệt với những lĩnh vực khác. Nhưng lý thuyết tách một lĩnh vực ra khỏi những lĩnh vực khác để xử lý nó về mặt tư duy. Việc tách biệt một lĩnh vực là điều kiện tiên quyết để phát triển một lý thuyết có thể lý giải điều gì sẽ xảy ra bên trong nó. Nếu điều kiện đó không được đáp ứng, và đương nhiên là có khả năng như thế, việc xây dựng lý thuyết cho các vấn đề được quan tâm là không thể. Câu hỏi, luôn đặt ra với các lý thuyết, không phải là liệu việc tách riêng một lĩnh vực nào ra có khả thi hay không, mà là liệu nó có hữu ích không.Và ích lợicủa việc này được quyết định bởi khả năng giải thích và tiên đoán của lý thuyết được tạo ra sau đó.

Các lý thuyết, mặc dù không tách biệt khỏi thế giới của sự quan sát và thí nghiệm, nhưng chỉ gián tiếp liên quan đến nó mà thôi. Vì vậy một số người nói rằng các lý thuyết không bao giờ có thể được chứng minh là chân lý. Nếu “chân lý” là vấn đề cần đặt ra, thì chúng ta đang ở trong lĩnh vực của quy luật, không phải lý thuyết. Vì lẽ đó nhà hóa học James B. Conant từng nói rằng “một lý thuyết chỉ bị lật đổ bởi một lý thuyết khác tốt hơn” (1947, trang 48). Tương tự, vì lẽ đó mới có tuyên bố của John Rader Platt, một nhà vật lý, rằng “áp lực của thuyết định mệnh luận khoa học (scientific determinism) trở nên suy yếu và tản mát khi chúng ta tiến gần hơn tới những thuyết tổng hợp đơn nhất vĩ đại. Bởi chúng không chỉ là những khám phá. Chúng còn là những sản phẩm nghệ thuật, tạo nên bởi gu và phong cách của bàn tay (nhà khoa học)” (1956, p. 75). Và những tuyên bố đó có thể được coi như những lời giải thích cho chứng minh nổi tiếng của nhà toán học Henri Poincaré rằng nếu có một giải thích cơ học được đưa ra cho một hiện tượng, thì cũng có vô số các cách giải thích khác như vậy.[2] Các lý thuyết có thể xây dựng một thực tế, nhưng không ai có thể chứng minh được nó là thực tế duy nhất. Vì vậy chúng ta phải đối mặt với một lượng vô hạn dữ liệu và cả vô vàn cách lý giải cho những dữ liệu đó. Vấn đề đã được nhân đôi lên. Các thực tế không quyết định được các lý thuyết, bởi có nhiều lý thuyết có thể đúng với một tập hợp các thực tế bất kỳ. Các lý thuyết không giải thích các thực tế một cách chắc chắn, vì vậy chúng ta không thể chắc chắn rằng một lý thuyết tốt sẽ không bị thay thế bởi một lý thuyết khác tốt hơn.

Tôi đã chỉ ra những cái nào là lý thuyết và cái nào không phải, nhưng tôi vẫn chưa chỉ ra một lý thuyết được xây dựng như thế nào. Bằng cách nào chúng được tạo ra? Câu trả lời tốt nhất, nhưng vô dụng là “bằng sự sáng tạo”. Câu trả lời này đưa ra vấn đề mà không giải quyết nó. Bằng cách nào để chuyển từ sự quan sát và thí nghiệm sang các lý thuyết có thể giải thích cho chúng? Một quá trình dài với phép thử – sai (trial and error) nhiều vất vả sẽ không đưa tới việc xây dựng một lý thuyết trừ khi tới một lúc nào đó, một trực giác rực rỡ đột nhiên lóe sáng, một ý tưởng sáng tạo bỗng nhiên xuất hiện. Không ai có thểnói được làm sao để các trực giác hay ý tưởng như vậy xuất hiện. Chúng ta chỉ có thể biết chúng liên quan tới điều gì. Chúng sẽ liên quan đến việc sắp xếp các vấn đề được nghiên cứu. Chúng sẽ chuyển tải một dự cảm về các mối quan hệ không quan sát được của sự vật. Chúng sẽ liên quan đến các mối liên hệ và các nguyên nhân mà thông qua đó dự cảm đó được tạo ra từ các sự vật mà người ta quan sát. Một lý thuyết không ghi lại những gì được nhìn thấy và các mối liên hệ được ghi nhận, mà thay vào đó là sự giải thích chúng.Công thức gia tốc của một người rơi tự do không giải thích cách người đó ngã xuống. Đi tìm lời lý giải, chúng ta nhìn vào những lý thuyết vật lý cổ điển của Newton – một hệ thống các khái niệm liên quan với nhau, một sự tổ chức lại các kiến thức về vậy lý mà tại đó những thứ được xem xét trở nên tự nhiên và cần thiết. Một khi hệ thống đó được thấu hiểu, khi những nguyên lý và cách tổ chức đó được ghi nhận, các hiện tượng sẽ được lý giải. Tất cả điều đó được tóm gọn lại trong câu nói mà Werner Heisenberg cho là lời của Wolfgang Pauli: “Sự thấu hiểu có lẽ chẳng mang ý nghĩa gì hơn là việc có những ý tưởng và khái niệm bất kỳ cần thiết để nhận ra rằng rất nhiều hiện tượng khác nhau là một phần của một thể thống nhất” (1971, trang 33).

….

II.

III.

Download toàn bộ văn bản tại đây: Quy luat va ly thuyet.pdf


[1]Chúng ta phải cẩn thận. Mệnh đề trên là chỉ mang tính quy luật khi nó có thể được kiểm chứng theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, những điều kiện trái thực tế phải được đáp ứng theo cách sau: Người b có mức thu nhập giống như các đảng viên Cộng hòa, nếu mức thu nhập của b giảm xuống một mức nhất định, anh ta có thể trở thành một đảng viên Dân chủ. Một cách chính xác hơn, mệnh đề giống với quy luật phải tạo nên những kỳ vọng sau: Nếu bR với xác suất x, và nếu aD với xác suất y, thì nếu b trở thành a nó sẽ trở thành D với xác suất y.

[2] Chứng minh đó chỉ được giới thiệu bởi Nagel (1961, trang 116n). Tuy nhiên các giải thích vừa không đơn giản vừa không hữu ích.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]