#121 – Sự trỗi dậy của nền dân chủ phi tự do

Nguồn: Fareed Zakaria (1997). “The Rise of Illiberal Democracy”, Foreign Affairs, Vol. 76, No. 6 (Nov. – Dec.), pp. 22-43.>>PDF

Biên dịch: Hồ Lê Trung | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Làn sóng kế tiếp

Nhà ngoại giao Hoa Kỳ Richard Holbrooke xem xét nghiêm túc một vấn đề trước thềm các cuộc bầu cử vào tháng 9 năm 1996 ở Bosnia, sự kiện mang ý nghĩa khôi phục cuộc sống dân sự ở đất nước bị phá hủy nặng nề này. Ông cho rằng “giả sử các cuộc bầu cử được tuyên bố là tự do và công bằng,” nhưng những người được bầu lại là “những kẻ phân biệt chủng tộc, những kẻ phát xít, những kẻ theo chủ nghĩa ly khai, luôn công khai chống đối [nền hòa bình và sự tái hòa nhập]. Đó thực sự là thế tiến thoái lưỡng nan.” Thực tế đã xảy ra như vậy, hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở Nam Tư cũ mà đang gia tăng trên toàn thế giới. Những chế độ được bầu cử một cách dân chủ, thường là tái đắc cử, hoặc bằng cách tái khẳng định quyền lực thông qua các cuộc trưng cầu dân ý, thường xuyên phớt lờ các các giới hạn hiến định về quyền lực của chính họ, ngăn cản các quyền và sự tự do cơ bản của công dân. Từ Peru cho đến Chính quyền Palestine, từ Sierra Leone đến Slovakia, từ Pakistan đến Philippines, chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của một hiện tượng đang ngày càng gây lo ngại trong đời sống quốc tế: dân chủ phi tự do.

Hiện tượng này tương đối khó nhận biết do gần cả một thế kỷ ở phương Tây, dân chủ thường mang ý nghĩa là dân chủ tự do—một hệ thống chính trị đặc trưng không chỉ bởi những cuộc bầu cử tự do và công bằng, mà còn bởi nền pháp quyền, sự phân chia quyền lực, và sự bảo vệ các quyền tự do cơ bản về ngôn luận, lập hội, tín ngưỡng và tài sản. Trên thực tế, nhóm quyền tự do cơ bản này—có thể được gọi là Chủ nghĩa Tự do Hiến định (constitutional liberalism) —hoàn toàn khác biệt với dân chủ về mặt lý thuyết cũng như lịch sử. Như nhà khoa học chính trị Philippe Schmitter đã chỉ ra, “Chủ nghĩa Tự do, dù là một khái niệm về tự do chính trị hay là một học thuyết về chính sách kinh tế, có lẽ đã xảy ra trùng hợp với sự trỗi dậy của dân chủ. Nhưng có một sự thật rõ ràng và không thể phủ nhận rằng Chủ nghĩa Tự do chưa bao giờ gắn liền với sự thực hành dân chủ.” Ngày này, hai nhánh của nền dân chủ tự do (về chính trị và kinh tế – NBT), hòa quyện với nhau trong những cơ cấu chính trị phương Tây, lại đang tách xa nhau ở những phần còn lại của thế giới. Dân chủ đang nảy nở; Chủ nghĩa Tự do Hiến định thì lại không.

Ngày nay, 118 trong số 193 quốc gia của thế giới là những nước dân chủ, bao gồm đa phần dân số thế giới (chính xác là 54,8%), một sự gia tăng rất lớn so với một thập kỷ trước. Trong giai đoạn thành công này, một số người có thể đã kỳ vọng những chính trị gia và học giả phương Tây có thể tiến xa hơn E. M. Foster và cổ vũ nồng nhiệt cho dân chủ. Thay vào đó, đã có một cảm giác bất an lớn dần đối với sự phát triển rộng khắp ở các cuộc bầu cử đa đảng khắp nam-trung Âu, Châu Á, Châu Phi và Mỹ La-tinh, có lẽ vì những gì diễn ra sau các cuộc bầu cử đó. Những nhà lãnh đạo nổi tiếng như Boris Yeltsin của Nga, và Carlos Menem của Argentina đã phớt lờ nghị viện của họ và cai trị bằng sắc lệnh của tổng thống, làm xói mòn những nguyên tắc hiến pháp cơ bản. Quốc hội Iran—được bầu lên một cách tự do hơn hầu hết các quốc gia khác ở Trung Đông—lại áp đặt những giới hạn thô bạo lên tự do ngôn luận, quyền lập hội, và thậm chí lên cả trang phục, làm suy yếu những nguồn ủng hộ dân chủ vốn đã yếu ớt của nước này. Chính quyền được bầu tại Ethiopia thì lại sử dụng lực lượng vũ trang tấn công giới báo chí và các đối thủ chính trị, gây ra tổn thất không gì bù đắp được tới quyền con người (cũng như sinh mạng người dân).

Một cách hoàn toàn tự nhiên, xuất hiện một chuỗi các quốc gia với đặc điểm dân chủ phi tự do, trải dài từ những quốc gia có tính chất vừa phải như Argentina đến những quốc gia gần như độc tài như Kazakhstan và Belarus, với vị trí ở giữa là những quốc gia như Romania và Bangladesh. Tại hầu hết các quốc gia đó, những cuộc bầu cử hiếm khi tự do và công bằng như ở phương Tây ngày nay, nhưng chúng phản ánh sự tham gia một cách phổ biến của người dân vào chính trị và sự ủng hộ cho những nhân vật được bầu lên. Các ví dụ này cũng không quá cá biệt và đặc thù. Khảo sát năm 1996–1997 của Freedom House, Tự do của Thế giới (Freedom in the World), có những bảng xếp hạng riêng biệt dành riêng cho tự do chính trị và tự do dân sự, lần lượt tương ứng với dân chủ và Chủ nghĩa Tự do Hiến định. Đối với những quốc gia nằm giữa hai thái cực: nền độc tài lâu năm và nền dân chủ vững chắc, 50% trong số đó thực hiện tự do chính trị tốt hơn tự do dân sự. Nói cách khác, một nửa số quốc gia đang dân chủ hóa trên thế giới là những nền dân chủ phi tự do.[1]

Dân chủ phi tự do là một hình thái đang phát triển. Bảy năm trước chỉ 22% những nước đang trong quá trình dân chủ hóa được xếp vào tiêu chí này; cách đây 5 năm con số này đã tăng lên 35%.[2] Và cho đến hôm nay chỉ một số ít các nền dân chủ phi tự do này phát triển thành dân chủ tự do; phần còn lại thì đang vươn đến một mức độ phi tự do cao hơn. Không chỉ dừng lại ở mức độ tạm thời hoặc chuyển tiếp, rõ ràng là nhiều quốc gia đang xác lập một chế độ cai trị kết hợp giữa một mức độ dân chủ đáng kể cùng với một mức độ phi tự do cũng lớn không kém. Giống như việc nhiều quốc gia trên thế giới đã quen thuộc với các hình thức khác nhau của chủ nghĩa tư bản, họ cũng có thể chọn lựa và chấp nhận nhiều hình thức dân chủ khác nhau. Nền dân chủ tự do phương Tây không nhất thiết phải là mục tiêu cuối cùng trên con đường dân chủ mà chỉ là một trong số nhiều đích đến khả dĩ.

Dân chủ và tự do

Từ thời của Herodotus ý nghĩa đầu tiên và quan trọng nhất của dân chủ là sự cai trị của nhân dân. Quan điểm này của dân chủ đề cập tới quá trình chọn lựa chính phủ, được trình bày rõ ràng bởi những học giả từ Alexis de Tocqueville, Joseph Schumpeter đến Robert Dahl, và đang được áp dụng rộng rãi bởi các nhà khoa học xã hội. Trong Làn sóng thứ Ba [The Third Wave], Samuel P. Hungtington giải thích lý do tại sao lại như vậy:

Những cuộc bầu cử, công khai, tự do và công bằng, là cốt lõi của dân chủ, là điểm cốt yếu không thể bỏ qua. Những chính phủ được chọn thông qua các cuộc bầu cử có thể kém hiệu quả, tham nhũng, tầm nhìn ngắn hạn, vô trách nhiệm, bị thống trị bởi những nhóm lợi ích đặc biệt, và không có khả năng thực thi những chính sách mà lợi ích dân chúng đòi hỏi. Những tính chất kể trên làm cho những chính phủ kiểu như vậy mất đi sự ủng hộ nhưng không làm cho chúng mất đi tính chất dân chủ. Dân chủ là một đặc tính tốt của xã hội nhưng không phải là đặc tính duy nhất, và mối quan hệ giữa dân chủ với các đặc tính xã hội tốt và xấu khác chỉ có thể được thấu hiểu nếu dân chủ được phân biệt rõ ràng với những đặc điểm khác của hệ thống chính trị.

Định nghĩa này cũng phù hợp với ý nghĩa thông dụng của khái niệm này. Nếu một quốc gia tổ chức các cuộc bầu cử cạnh tranh và nhiều đảng phái, chúng ta gọi quốc gia đó là dân chủ. Khi sự tham gia của quần chúng vào chính trị gia tăng, ví dụ thông qua việc gia tăng quyền lợi cho phụ nữ, quốc gia đó đang gia tăng tính dân chủ. Dĩ nhiên những cuộc bầu cử phải công khai và công bằng, và điều này đòi hỏi quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội cần được bảo vệ. Nhưng nếu vượt lên trên khái niệm mang tính tối thiểu này và xác định một quốc gia là dân chủ chỉ khi nó bảo vệ toàn diện các quyền về xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo, thì hai chữ dân chủ chỉ giống như chiếc huy chương danh dự hơn là một phạm trù mô tả đúng nghĩa. Xét cho cùng, Thụy Điển có một hệ thống kinh tế bị xem là cắt giảm quyền sở hữu tài sản cá nhân, ở Pháp gần đây nhà nước vẫn độc quyền trong lĩnh vực truyền hình, và nước Anh có một tôn giáo chính thức riêng. Nhưng những quốc gia này rõ ràng không thể phủ nhận là những quốc gia dân chủ. Định nghĩa dân chủ là “cai trị tốt” sẽ khiến nó trở nên vô dụng trên khía cạnh phân tích.

Chủ nghĩa Tự do Hiến định, mặt khác, không phải là quá trình lựa chọn chính phủ mà là mục tiêu của chính phủ. Nó đề cập đến một truyền thống sâu xa trong lịch sử phương Tây, cố gắng bảo vệ sự tự chủ và phẩm giá của một cá nhân chống lại sự hung bạo bất kể là từ quyền lực nào—chính phủ, nhà thờ hoặc xã hội. Khái niệm này kết hợp hai ý tưởng gần gũi nhau. Nó là tự do bởi nó áp dụng xu hướng triết học có từ thời Hy Lạp nhấn mạnh tới sự tự do cá nhân.[3] Nó là hiến định vì nó bắt nguồn từ truyền thống pháp quyền có từ thời La Mã. Chủ nghĩa Tự do Hiến định phát triển ở Tây Âu và Hoa Kỳ như là một sự bảo vệ quyền lợi cá nhân liên quan tới cuộc sống và tài sản, cũng như tự do tín ngưỡng và ngôn luận. Để bảo vệ những quyền lợi ấy, chủ nghĩa này nhấn mạnh đến sự kiểm soát quyền lực của các nhánh chính quyền, sự bình đẳng dưới pháp luật, sự công bằng của tòa án, và sự tách biệt giữa nhà thờ và quốc gia. Những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa này bao gồm tác giả John Milton, thẩm phán William Blackstone, các chính khách như Thomas Jefferson và James Madison, và các triết gia như Thomas Hobbes, John Locke, Adam Smith, Bá tước Montesquieu, John Stuart Mill, và Isaiah Berlin.

Trong hầu hết các biến thể của nó, Chủ nghĩa Tự do Hiến định cho rằng con người có những quyền tự nhiên (hoặc “bất khả xâm phạm”) và các chính phủ phải chấp nhận một quy luật căn bản, hạn chế quyền lực của mình, để đảm bảo những quyền tự nhiên này. Do đó năm 1215 ở Runnymede, các nam tước của nước Anh đã buộc nhà vua phải chấp nhận bộ luật theo phong tục đã được thiết lập riêng cho vùng đất này. Trong giai đoạn thực dân ở Mỹ, những điều luật này đã được công khai một cách rõ ràng, và năm 1638 thị trấn Hartford đã thông qua bản hiến pháp thành văn đầu tiên trong lịch sử hiện đại. Những năm 1970, các quốc gia phương Tây đã thiết lập nên một hệ thống chuẩn mực ứng xử cho các chế độ trên toàn cầu. Đại hiến chương Magna Carta, Các Trật tự Cơ bản của Connecticut (Fundamental Orders of Connecticut), Hiến pháp Mỹ, và Định ước Helsinski đều là những biểu hiện của Chủ nghĩa Tự do Hiến định.

Con đường dẫn đến dân chủ tự do

Từ năm 1945 hầu hết các chính phủ phương Tây đã kết hợp cả dân chủ lẫn Chủ nghĩa Tự do Hiến định lại với nhau. Do đó sẽ rất khó tưởng tượng làm thế nào hai khái niệm này có thể tách rời nhau, dưới hình thức dân chủ phi tự do hoặc chuyên quyền tự do. Thật ra cả hai hình thức kể trên đều đã tồn tại trong quá khứ và vẫn vững vàng vào thời điểm hiện tại. Cho đến thế kỷ 20, hầu hết các quốc gia ở Đông Âu là những chế độ chuyên quyền tự do hoặc tốt lắm là bán-dân-chủ. Quyền bầu cử đã bị thắt chặt và các cơ quan lập pháp được bầu lên có rất ít quyền lực. Năm 1830, Vương quốc Anh, ở một vài khía cạnh đã từng được coi là quốc gia dân chủ nhất tại Châu Âu vào thời điểm đó, đã cho phép 2% dân số được bầu một viện trong Quốc hội; con số này tăng lên 7% sau năm 1867; và vào khoảng 40% những năm 1880. Chỉ vào cuối những năm 1940 thì hầu hết các nước phương Tây mới trở thành những nền dân chủ hoàn chỉnh với quyền bầu cử phổ thông đối với người trưởng thành. Tuy nhiên trước đó một thế kỷ, vào cuối những năm 1840, hầu hết các quốc gia này đã chấp nhận và thực hiện những khía cạnh quan trọng của Chủ nghĩa Tự do Hiến định — nền pháp quyền, quyền sở hữu tài sản cá nhân, và cao hơn nữa, hệ thống phân quyền và việc tự do ngôn luận, tự do lập hội. Trong đa phần của lịch sử hiện đại, đặc trưng của các chính phủ Châu Âu và Bắc Mỹ khi phân biệt chúng với với những chính quyền khác trên thế giới không phải là dân chủ mà là Chủ nghĩa Tự do Hiến định. “Mô hình phương Tây” được biểu trưng rõ ràng nhất không phải bởi quyền bầu cử trực tiếp của dân chúng mà bởi sự phán xét công bằng.

Lịch sử gần đây của Đông Á đã đi theo lộ trình giống phương Tây. Sau những giai đoạn ngắn ngủi làm quen với dân chủ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, hầu hết các chế độ ở Đông Á chuyển dần sang nền độc tài. Theo thời gian, các nước này chuyển từ chuyên chế sang chuyên chế tự do hóa (liberalizing autocracy), và trong một số trường hợp hướng tới bán-dân-chủ tự do hóa (liberalizing semi-democracy).[4] Hầu hết những chế độ cầm quyền ở Đông Á vẫn còn là bán-dân-chủ, với tính chất gia đình trị hay độc đảng, sử dụng bầu cử để chính thức hóa quyền lực của họ hơn là tranh cử thật sự. Nhưng những chế độ này đang mở rộng những quyền lợi về kinh tế, dân sự, tín ngưỡng và các quyền lợi chính trị hạn chế cho dân chúng. Cũng giống như ở phương Tây, quá trình tự do hóa ở Đông Á bao gồm tự do hóa về mặt kinh tế, một nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cũng như dân chủ tự do. Về khía cạnh lịch sử, những nhân tố gắn kết chặt chẽ nhất với những nền dân chủ tự do hoàn chỉnh là chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản, và chỉ số GNP đầu người cao. Những chính phủ ngày nay ở Đông Á là sự hòa trộn giữa dân chủ, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tư bản, đầu sỏ chính trị và tham nhũng – rất giống với những chính phủ phương Tây khoảng năm 1900.

Chủ nghĩa Tự do Hiến định dẫn đến dân chủ, nhưng dân chủ dường như lại không dẫn đến việc áp dụng Chủ nghĩa Tự do Hiến định. Trái ngược với con đường của phương Tây và Đông Á, trong suốt hai thập niên vừa qua ở Mỹ Latinh, Châu Phi, và những nơi khác ở Châu Á, các chế độ độc tài với rất ít nền tảng liên quan tới Chủ nghĩa Tự do Hiến định đã nhường lối cho dân chủ. Các kết quả lại không hề tích cực. Ở Tây bán cầu, nơi những cuộc bầu cử diễn ra ở tất cả các quốc gia ngoại trừ Cuba, một nghiên cứu năm 1993 của học giả Larry Diamond xác định rằng 10 trong số 22 quốc gia Mỹ Latinh chủ yếu “có mức độ vi phạm nhân quyền không tương xứng với mức độ củng cố dân chủ [tự do].”[5] Ở Châu Phi, quá trình dân chủ hóa đã diễn ra cực kỳ nhanh chóng. Trong vòng sáu tháng năm 1990, hầu hết các nước châu Phi nói tiếng Pháp (Francophone Africa) đã dỡ bỏ lệnh cấm chính trị đa đảng phái. Nhưng mặc dù bầu cử đã được tổ chức ở hầu như 45 quốc gia khu vực hạ Sahara kể từ năm 1991 (chỉ riêng năm 1996 đã có đến 18 quốc gia), vẫn tồn tại những bước lùi của tự do ở nhiều nước. Một trong số những nhà quan sát Châu Phi chặt chẽ nhất, Michael Chege, đã khảo sát làn sóng dân chủ hóa và rút ra bài học rằng lục địa này “đã quá nhấn mạnh bầu cử đa đảng…và lãng quên những nguyên lý cơ bản của nền cai trị tự do.”

Ở Trung Á, các cuộc bầu cử dù tự do ở mức độ hợp lý, như ở Kyrgyzstan và Kazakhstan, đã tạo ra những bộ máy hành pháp tốt, nhưng các cơ quan lập pháp và bộ máy tư pháp thì kém, và có rất ít tự do dân sự và kinh tế. Trong thế giới Ả Rập, từ chính quyền Palestine cho đến Iran và Pakistan, quá trình dân chủ hóa đã dẫn đến vai trò lớn dần của chính trị thần quyền, làm xói mòn những truyền thống lâu đời của chủ nghĩa thế tục và lòng khoan dung. Ở nhiều khu vực của thế giới Ả Rập, như Tunisia, Marốc, Ai Cập, và một số nước vùng Vịnh, nếu những cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày mai, các chế độ mới được bầu lên gần như chắc chắn sẽ phi tự do hơn cả các chế độ đang nắm quyền ngày hôm nay.

Mặt khác, nhiều nước ở Trung Âu vốn đã chuyển đổi thành công từ Chủ nghĩa Cộng sản sang dân chủ tự do, cũng đã trải qua giai đoạn tự do hóa phi dân chủ y như những nước Châu Âu khác trong suốt thế kỷ 19. Thật sự là hầu hết các quốc gia này đã từng thuộc về đế chế Áo-Hung, một nền chuyên chế tự do cổ điển. Kể cả ở bên ngoài Châu Âu, nhà khoa học chính trị Myron Weiner đã nhận thấy mối liên hệ đáng chú ý giữa một quá khứ hiến định với một hiện tại dân chủ tự do. Theo ông, vào năm 1983, “tất cả các quốc gia thuộc Thế giới Thứ ba nào từng thoát ra khỏi sự cai trị thực dân sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai với dân số ít nhất một triệu người (cũng như hầu hết các thuộc địa nhỏ hơn khác) và có trải nghiệm dân chủ một cách liên tục, đều là thuộc địa cũ của nước Anh.”[6] Sự đô hộ của Anh dĩ nhiên không mang tính dân chủ—chủ nghĩa thực dân theo định nghĩa là không dân chủ—nhưng lại là biểu hiện của Chủ nghĩa Tự do Hiến định. Những di sản của nước Anh về luật pháp và quản lý hành chính mang lại lợi ích lớn hơn so với chính sách cho phép một phần dân số thuộc địa tham gia bầu cử của nước Pháp.

Trong khi các nền chuyên chế tự do có lẽ đã tồn tại trong quá khứ, chúng ta có thể tưởng tượng được rằng chúng tồn tại ở thời điểm hiện nay hay không? Cho đến gần đây, một ví dụ nhỏ nhưng đầy thuyết phục đã xuất hiện ở lục địa Châu Á—Hong Kong. Trong vòng 156 năm cho đến tận ngày 1 tháng 7 năm 1997, Hong Kong được cai trị bởi Hoàng gia Anh thông qua một vị Toàn quyền được chỉ định. Cho đến năm 1991 chưa hề có một cuộc bầu cử thật sự nào được tổ chức, nhưng chính quyền Hong Kong là một ví dụ điển hình cho Chủ nghĩa Tự do Hiến định, bảo vệ những quyền cơ bản của công dân và quản lý một hệ thống pháp luật và bộ máy công chức công bằng. Một bài báo ngày 8 tháng 9 năm 1997 viết về tương lai của hòn đảo này trên tờ Bưu điện Washington (The Washington Post) được đăng với một tựa đề đầy tính cảnh báo, “Hủy bỏ nền dân chủ của Hong Kong.” Thật ra Hong Kong có rất ít dân chủ để có thể hủy bỏ; những gì hòn đảo này sở hữu là một khuôn khổ về quyền và luật pháp. Những hòn đảo nhỏ có thể không có vai trò đáng kể trong thế giới ngày nay, nhưng chúng có thể giúp đánh giá được giá trị tương đối của dân chủ và Chủ nghĩa Tự do Hiến định. Ví dụ, hãy xem xét câu hỏi liệu bạn nên sống ở nơi nào hơn, Haiti, một nền dân chủ phi tự do, hoặc Antigua, một nền bán-dân-chủ tự do. Lựa chọn của bạn sẽ không liên quan đến thời tiết, vốn đều dễ chịu ở cả hai nơi, mà liên quan đến tình hình chính trị, vốn là yếu tố không giống nhau.

Quyền cai trị tuyệt đối

John Stuart Mill đã bắt đầu tác phẩm kinh điển Bàn về Tự do (On Liberty) của mình với nhận xét khi các quốc gia bắt đầu trở nên dân chủ, người dân có xu hướng tin rằng “việc giới hạn quyền lực bản thân nó đã được chú ý quá nhiều. Điều này (việc giới hạn quyền lực – NBT)… là một sự phản kháng lại những nhà cai trị có lợi ích đi ngược lại lợi ích của nhân dân.” Một khi người dân đã kiểm soát được quyền lực, thì sự thận trọng không còn cần thiết nữa. “Quốc gia không còn cần phải được bảo vệ khỏi ý chí của chính nó.” Như thể xác nhận thêm nỗi sợ hãi của Mill, Alexandr Lukashenko sau khi được bầu làm Tổng thống Belarus với đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử tự do năm 1994, khi được hỏi về khả năng hạn chế quyền lực của bản thân đã phát biểu: “Sẽ không có độc tài. Tôi thuộc về nhân dân, và tôi sẽ vì nhân dân.”

Sự căng thẳng giữa Chủ nghĩa Tự do Hiến định và dân chủ tập trung ở phạm vi cầm quyền của chính phủ. Chủ nghĩa Tự do Hiến định nói về sự hạn chế quyền lực, trong khi dân chủ lại nói về sự tập trung và sử dụng quyền lực. Vì lý do này, những người ủng hộ các nguyên tắc tự do ở thế kỷ 18 và 19 đã xem dân chủ như là một lực cản của tự do. James Madison giải thích trong cuốn The Federalist rằng “nguy cơ áp bức” trong nền dân chủ đến từ “số đông trong cộng đồng”. Tocqueville đã cảnh báo về “sự chuyên chế của số đông,” viết rằng “cái cốt lõi của chính quyền dân chủ nằm ở quyền lực tuyệt đối của số đông.”

Xu hướng của một chính phủ dân chủ tin rằng nó sở hữu chủ quyền (hay quyền lực) tuyệt đối có thể dẫn đến sự tập trung hóa quyền lực bằng những công cụ vượt ra khỏi hiến pháp (extraconstitutional) với những kết quả đáng sợ. Trong thập niên vừa qua, những chính phủ trúng cử khẳng định sẽ đại diện cho quyền lợi của nhân dân đã dần dần xâm phạm đến quyền lực và quyền lợi của những thành phần khác trong xã hội, một sự chiếm đoạt theo cả chiều ngang (từ các nhánh của chính quyền trung ương) và chiều dọc (từ các chính quyền địa phương và khu vực cũng như các doanh nghiệp tư nhân và những nhóm phi chính phủ khác). Lukashenko và Alberto Fujimori của Peru là những ví dụ kinh khủng nhất của thực trạng này. (Trong khi những hoạt động của Fujimori – giải tán bộ máy lập pháp, đình chỉ hiến pháp, và những hành động khác—khiến chế độ này rất khó có thể được xem là dân chủ, cần biết rằng ông ta đã hai lần thắng cử và cực kỳ được ủng hộ cho đến gần đây.) Một nhà cải cách thật sự như Carlos Menem thậm chí đã thông qua gần 30 sắc lệnh tổng thống trong 8 năm tại vị của ông, gấp ba lần so với các tất cả các Tổng thống trước đó của Argentina cộng lại, tính từ 1853. Askar Akayev của Kyrgyzstan trúng cử với 60% phiếu bầu đã đề xuất tăng cường quyền lực của ông ta ở một cuộc trưng cầu dân ý và đã được thông qua một cách dễ dàng năm 1996. Những quyền lực mới này bao gồm việc chỉ định tất cả nhân sự cấp cao ngoại trừ chức vụ thủ tướng, mặc dù ông ta có thể giải toán quốc hội nếu cơ quan này không chấp nhận ba ứng cử viên được ông ta đề nghị cho vị trí thủ tướng này.

Sự tiếm quyền theo chiều ngang, thường là từ Tổng thống, biểu hiện một cách rõ ràng hơn trong khi sự tiếm quyền theo chiều dọc lại phổ biến hơn. Trung suốt ba thập kỷ vừa qua, chính phủ Ấn Độ đã định kỳ giải tán các cơ quan lập pháp của các bang dựa trên những lý do thiếu vững chắc, đặt các tôn giáo dưới sự cai trị trực tiếp của New Dehli. Trong một động thái ít gây chú ý hơn nhưng lại rất đặc trưng, chính phủ được bầu của Cộng hòa Trung Phi gần đây đã kết thúc sự độc lập có từ lâu đời của hệ thống đại học, biến nó thành một phần của bộ máy trung ương.

Sự chiếm đoạt quyền lực này đã lan rộng ở khắp Mỹ Latinh và những nước thuộc Liên Xô cũ, có lẽ vì cả hai khu vực này hầu hết đều có các chế độ tổng thống. Những hệ thống này tạo ra những nhà lãnh đạo hùng mạnh, tin rằng họ đấu tranh vì quần chúng—kể cả khi họ được bầu không hơn đa số tương đối. (Như Juan Linz chỉ ra rằng Salvador Allende được bầu làm tổng thống Chile năm 1970 với chỉ 36% số phiếu. Trong một hoàn cảnh tương tự, một thủ tướng lẽ ra đã phải chia sẻ quyền lực trong một chính phủ liên minh.) Tổng thống chỉ định nội các gồm những người thân cận thay vì những nhân vật chủ chốt trong đảng, duy trì rất ít sự kiểm soát nội bộ lên quyền lực của họ. Và khi quan điểm của họ mâu thuẫn với quan điểm của cơ quan lập pháp, hoặc thậm chí toà án, tổng thống có xu hướng “hướng tới quốc dân” (go to the nation) phớt lờ những nhiệm vụ như mặc cả quyền lực hay xây dựng liên minh. Trong lúc các học giả tranh luận về việc chế độ tổng thống hay chế độ đại nghị tốt hơn, sự tước đoạt có thể diễn ra dưới cả hai dạng chế độ khi thiếu những trung tâm quyền lực thay thế được phát triển vững chắc như cơ quan lập pháp mạnh, hệ thống toà án, các đảng phái chính trị, các chính quyền địa phương, các đại học cũng như giới tuyền thông độc lập. Mỹ Latinh thực ra kết hợp giữa chế độ tổng thống với chế độ đại diện theo tỉ lệ, tạo ra những nhà lãnh đạo dân túy và chế độ chính trị đa đảng – một dạng liên minh không bền vững.

Nhiều chính phủ và học giả phương Tây đã cổ vũ cho sự thành lập những quốc gia mạnh mẽ và tập quyền ở Thế giới Thứ ba. Lãnh đạo của các quốc gia này cho rằng họ cần quyền cai trị để xóa bỏ chế độ phong kiến, chia cắt những liên minh cố hữu, ngăn chặn trục lợi cá nhân, và lập lại trật tự ở những xã hội hỗn loạn. Nhưng như vậy là gây nhầm lẫn giữa nhu cầu về một chính phủ mang tính chính danh với nhu cầu về một chính phủ mạnh mẽ. Những chính phủ được xem là chính danh thường có thể duy trì trật tự và theo đuổi những chính sách cứng rắn, mặc dù chậm, bằng cách lập nên các liên minh. Sau cùng, rất ít người cho rằng chính quyền ở các nước đang phát triển không cần thiết phải sở hữu quyền lực công an trị thích hợp; rắc rối đến từ tất cả những quyền lực chính trị, xã hội, kinh tế khác mà họ tích lũy. Trong những thời kỳ khủng hoảng như nội chiến, những chính phủ hợp hiến có thể không có khả năng cai trị một cách hiệu quả, nhưng những bộ máy thay thế—các chính phủ với bộ máy an ninh to lớn có khả năng tạm dừng các quyền hiến định —cũng không tạo nên trật tự và chính phủ tốt. Thường thì các chính phủ dạng này sẽ trở nên cực đoan, duy trì được một số trật tự nhưng cũng bắt giam các đối thủ, ngăn cản những ý kiến bất đồng, quốc hữu hóa các ngành công nghiệp, và tịch thu tài sản. Mặc dù tình trạng vô chính phủ có những nguy hiểm của riêng nó, nhưng những mối đe dọa lớn nhất đối với tự do và hạnh phúc loài người trong thế kỷ này lại không đến từ sự vô trật tự mà từ những chính phủ tập quyền, bạo lực như nước Đức Phát-xít, nước Nga Xô viết, và nước Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông. Thế giới Thứ ba đã bị vấy bẩn bởi những hành động đẫm máu của các nhà nước tập quyền mạnh này.

Về mặt lịch sử, sự tập trung hóa quyền lực không được kiểm soát chính là kẻ thù của tự do dân chủ. Khi sự tham gia vào chính trị ngày càng gia tăng ở Châu Âu trong suốt thế kỷ 19, sự tập trung hóa quyền lực đã thích nghi dễ dàng ở Anh và Thụy Điển, nơi mà các hội đồng kiểu trung cổ, các chính quyền địa phương, các hội đồng tôn giáo vẫn tồn tại vững chắc. Mặt khác, những nước như Pháp và Phổ, nơi mà chế độ quân chủ đã tập trung hóa quyền lực thành công (theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc), thường trở nên phi tự do và phi dân chủ. Không phải ngẫu nhiên mà ở Tây Ban Nha thế kỷ 20, căn cứ của chủ nghĩa tự do nằm ở Catalonia, trong hàng thế kỷ luôn là một khu vực độc lập và tự trị kiên cường. Ở Hoa Kỳ, sự xuất hiện đa dạng của nhiều loại thể chế—các bang, địa phương, tư nhân—đã khiến cho quyền bầu cử lan tỏa một cách nhanh chóng và mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 19. Arthur Schlesinger Sr. đã ghi lại cách thức mà, trong suốt 50 năm đầu tiên của lịch sử Hoa Kỳ, gần như tất các bang, nhóm lợi ích, và các phe phái đã cố gắng làm suy yếu và thậm chí phá vỡ chính quyền liên bang như thế nào.[7] Gần đây hơn, nền dân chủ bán-tự-do của Ấn Độ đã tồn tại nhờ vào những khu vực địa lý vững mạnh của mình, và nhờ những ngôn ngữ, văn hóa, thậm chí những giai tầng khác nhau. Quan điểm sau đây mang tính logic, thậm chí có phần dư thừa: chủ nghĩa đa nguyên trong quá khứ giúp đảm bảo chủ nghĩa đa nguyên chính trị ở hiện tại.

Cách đây 50 năm, các chính trị gia ở thế giới đang phát triển muốn sở hữu quyền lực mạnh mẽ để thực hiện những học thuyết kinh tế thịnh hành lúc bấy giờ như quốc hữu hóa các ngành công nghiệp. Ngày nay, những người kế nhiệm của họ lại muốn có quyền lực tương tự để tư nhân hóa những ngành công nghiệp này. Menem đã lý giải cho những phương pháp của ông ta rằng quyền lực như vậy là cực kỳ cần thiết để triển khai những cải cách kinh tế mạnh mẽ. Những lập luận tương tự được đưa ra bởi Abdalá Bucarem của Ecuador và bởi Fujimori. Các thể chế cho vay như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, đã cảm thông với những khẩn cầu này, và thị trường trái phiếu đã rất náo nhiệt. Tuy nhiên ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp như chiến tranh, những công cụ phi tự do về dài hạn không hề tương thích với những kết cục mang tính tự do. Chính quyền hợp hiến thật sự chính là chìa khóa cho những chính sách cải cách kinh tế thành công. Kinh nghiệm của Đông Á và Trung Âu gợi ý rằng khi các chế độ—dù là độc tài như ở Đông Á, hay dân chủ tự do như ở Ba Lan, Hungary, và Cộng hòa Czech—bảo vệ những quyền cá nhân, bao gồm quyền về tài sản và hợp đồng, và tạo ra những khuôn khổ pháp luật và hành chính, chủ nghĩa tư bản và tăng trưởng sẽ đến ngay sau đó. Trong một diễn văn gần đây ở Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson tại Washington, lý giải lý do tại sao chủ nghĩa tư bản lại phát triển hưng thịnh, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan kết luận rằng, “Cơ chế dẫn dắt một nền kinh tế thị trường tự do…là một bộ luật về các quyền công dân, được đảm bảo thực thi bởi một hệ thống tư pháp công bằng”

Cuối cùng, và có lẽ quan trọng hơn, quyền lực được tích lũy để thực hiện những việc tốt có thể sử dụng sau đó để thực hiện những việc xấu xa. Khi Fujimori giải tán nghị viện, tỷ lệ ủng hộ ông ta tăng lên đến mức cao nhất so với trước đó. Tuy nhiên những cuộc khảo sát quần chúng gần đây cho thấy đa số những người lúc trước đã đồng ý với những hành động của ông ta giờ đây muốn ông ta kiềm chế lại. Trong năm 1993 Boris Yeltsin đã tấn công vào nghị viện Nga theo đúng nghĩa đen, bị thúc đẩy bởi những hành động được cho là vi hiến của chính nghị viện. Ông ta sau đó đình chỉ Tòa án Hiến pháp và giải tán hệ thống chính quyền cấp tỉnh. Từ cuộc chiến tranh ở Chechnya đến các chương trình kinh tế, Yeltsin đã thể hiện sự thiếu quan tâm một cách thường xuyên tới những quy trình và hạn chế trong hiến pháp. Ông ta có thể là một người theo trường phái dân chủ tự do về bản chất, nhưng những hành động của Yeltsin đã tạo nên một thể chế siêu-tổng-thống ở Nga. Chúng ta chỉ có thể hy vọng người kế nhiệm của ông ta sẽ không lạm dụng điều này.

Trong hàng thế kỷ, những học giả phương Tây đã có xu hướng xem Chủ nghĩa Tự do Hiến định như là một phương pháp kỳ quặc để lập pháp, xem nó là thứ chủ nghĩa hình thức thuần túy vốn nên đứng phía sau trong cuộc đấu tranh chống lại những điều xấu xa hơn trong xã hội. Những phản lập luận hùng hồn nhất đối với góc nhìn này nằm trong cuộc đối thoại trong vở kịch A Man For All Seasons của Robert Bolt. Người thanh niên đầy nhiệt huyết William Roper luôn khát khao chống lại cái ác, tức giận vì sự tôn trọng hết mực của Sir Thomas More đối với pháp luật. More đã nhẹ nhàng bào chữa cho chính mình.

MORE: Anh có thể làm gì? Xây một con đường thật lớn đâm xuyên qua pháp luật để truy đuổi Tội ác chăng?

ROPER: Tôi sẽ vượt qua bất kỳ luật lệ nào để làm được việc đó!

MORE: Và khi luật lệ cuối cùng bị đốn ngã, Tội ác sẽ tấn công anh – anh sẽ trốn ở đâu hả Roper, khi mà tất cả luật lệ đều đã biến mất?

Xung đột sắc tộc và chiến tranh

Con đường của Hoa Kỳ

Tự do hóa chính sách đối ngoại

Sự bất bình của nền dân chủ

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đâySu troi day cua nen dan chu phi tu do.pdf

 


[1] Roger Kaplan, biên tập, Freedom Around the World, 1997, New York: Freedom House, 1997, trang 21-22. Khảo sát đánh giá các quốc gia trên hai thang đo 7 điểm, về quyền chính trị và tự do dân sự (điểm càng thấp thì càng tốt). Tôi xem các quốc gia với số điểm tổng giữa 5 và 10 là những nước đang dân chủ hóa. Con số phần trăm được dựa trên những số liệu của Freedom House, nhưng trong trường hợp từng quốc gia thì tôi không nhất thiết sử dụng đánh giá này. Trong khi Khảo sát này đã là một thành công vượt trội – toàn diện và thông minh – phương pháp luận của nó nhập chung một số quyền hiến định và những quy trình dân chủ, việc này khiến một số vấn đề trở nên thiếu rõ ràng.  Hơn nữa tôi sử dụng những ví dụ (mặc dù không nằm trong bộ dữ liệu) từ các quốc gia như Iran, Kazakhstan, và Belarus, những quốc gia về mặt hình thức thì cao lắm chỉ ở mức bán dân chủ. Nhưng các nước này xứng đáng được nhấn mạnh như những trường hợp thú vị vì hầu hết các lãnh đạo của họ được bầu lên, rồi lại tái đắc cử và hiện giờ vẫn đang được ủng hộ.

[2] Freedom in the World: The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties, 1992 – 1993, trang 620-26; Freedom in the World, 1989 – 1990, trang 312-19.

[3] Từ “tự do” sử dụng ở đây theo nghĩa cổ ở Châu Âu, ngày nay thường được gọi là chủ nghĩa tự do cổ điển. Ở Mỹ ngày nay, từ này mang nghĩa rất khác, là những chính sách củng cố nhà nước phúc lợi hiện đại.

[4] Indonesia, Singapore, và Malaysia là những ví dụ đại diện cho các nền chuyên chế tự do hóa trong khi Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan là những chế độ bán-dân-chủ tự do. Tuy nhiên cả hai nhóm này mang tính chất tự do mạnh hơn dân chủ, điều này cũng đúng trong trường hợp Nhật Bản, nền dân chủ tự do duy nhất trong khu vực; Papua New Guinea, và Philippines ở một mức độ thấp hơn là những ví dụ duy nhất của dân chủ phi tự do ở Đông Á.

[5] Larry Diamond, “Democracy in Latin America,” trong Tom Farer, biên tập, Beyond Sovereignty: Collectively Defending Democracy in World of Sovereign States, Baltimore: John Hopkins University Press, 1996, p.73.

[6] Myron Weiner, “Empirical Democratic Theory,” trong Myron Weiner and Ergun Ozbudun, biên tập, Competitive Elections in Developing Countries, Durham: Duke University Press, 1987, p.20. Ngày nay vẫn có những nền dân chủ đang tồn tại ở Thế giới Thứ ba không phải là thuộc địa cũ của nước Anh, tuy nhiên, đã số những nền dân chủ hiện tại của Thế giới Thứ ba là thuộc địa cũ nước Anh.

[7] Arthur Schlesinger, Sr., New Viewpoints in American History, New York: Macmillan, 1922, pp. 220-40