#234 – CIA, cuộc đảo chính chống lại Allende và sự nổi lên của Pinochet

Print Friendly, PDF & Email

130911125935-chile-coup-11-horizontal-gallery

Nguồn: Jack Devine,[1] “What Really Happened in Chile – The CIA, the Coup Against Allende, and the Rise of Pinochet”, Foreign Policy, July/August 2014, pp. 26-35.

Biên dịch: Võ Kim Hà | Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Vào ngày 9/11/1973, khi tôi đang ăn trưa tại Da Carla, một nhà hàng Ý ở Santiago, Chile, thì một đồng nghiệp đến bàn tôi và thì thầm vào tai: “Gọi về nhà ngay; có chuyện khẩn”. Thời gian này tôi đang làm điệp viên ngầm của CIA. Chile là nhiệm sở đầu tiên của tôi ở nước ngoài, và đối với một người phụ trách tổ chức tình báo còn trẻ và nhiệt huyết, đây là một công việc đáng mơ ước. Trong nhiều tháng qua ở Chile đã lan truyền tin đồn về một cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ tổng thống theo chủ nghĩa xã hội Salvador Allende. Cũng đã có một lần đảo chính hụt. Những đối thủ của Allende đổ xuống đường. Các cuộc đình công lao động và sự xáo trộn nền kinh tế khiến cho các mặt hàng nhu yếu phẩm trở nên khan hiếm. Thỉnh thoảng lại có bom phát nổ làm chấn động thủ đô. Cả đất nước kiệt sức và căng thẳng. Nói cách khác, đây chính xác là loại địa điểm mà mọi điệp viên CIA mới qua đào tạo muốn tới.

Tôi chuồn ra khỏi nhà hàng thận trọng hết mức có thể và hướng về trụ sở của CIA để gọi một cú điện thoại ở đường dây an toàn cho vợ tôi. Cô ấy đang chăm sóc 5 đứa con nhỏ của chúng tôi, và đây là lần đầu tiên cả gia đình chúng tôi sống chung ở nước ngoài, nên cô ấy có lẽ đã gọi để nhắn bất cứ chuyện gì.

Nhưng tôi có linh cảm là cuộc gọi của cô ấy rất quan trọng và liên quan đến công việc của tôi, và quả vậy.

Vợ tôi nói: “Bạn anh gọi từ sân bay. Anh ấy sắp rời khỏi nơi đây và bảo em nhắn với anh, ‘Quân đội đã quyết định hành động. Việc sẽ xảy ra vào ngày 11/9. Hải quân sẽ dẫn đầu’.”

Cuộc gọi này từ “bạn” tôi – một doanh nhân và cựu sĩ quan trong hải quân Chile, cũng là một người cung cấp tin cho CIA – là dấu hiệu đầu tiên mà văn phòng CIA đóng ở Santiago tiếp nhận thông tin rằng quân đội Chile đã chuẩn bị cho một cuộc đảo chính. Không lâu sau đó, nguồn tin thứ hai của tôi – vốn là một doanh nhân có tiếng khác có quan hệ với quân đội Chile – đã yêu cầu gặp khẩn; ông ta và tôi đồng ý gặp nhau tại nhà của ông ấy khi trời vừa tối. Ông xác nhận báo cáo trước đó và thêm một chi tiết quan trọng: cuộc đảo chính sẽ bắt đầu vào 7 giờ sáng. Dẫn lời hai nguồn tin trên, tôi gửi đến sở chỉ huy CIA tại Langley một loại điện tín đặc biệt tối mật được biết đến với tên gọi là CRITIC. Loại điện tín này được ưu tiên hơn tất cả các loại điện tín khác và được chuyển thẳng đến các cấp cao nhất của chính phủ. Tổng thống Richard Nixon và những nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Mỹ sẽ nhận tin ngay lập tức. Bức điện viết: “Một nỗ lực đảo chính sẽ bắt đầu vào ngày 11/9. Cả ba nhánh của lực lượng vũ trang và carabineros [lực lượng cảnh sát quốc gia Chile] tham gia vào hành động này. Một tuyên bố sẽ được phát trên Radio Agricultura vào 7 giờ sáng ngày 11/9… Carabineros chịu trách nhiệm bắt giữ Tổng thống Salvador Allende.”

Đó là cách mà chính phủ Mỹ biết về cuộc đảo chính ở Chile. Điều này có lẽ thật khó tin đối với nhiều người Mỹ, người Chile, và người ở bất cứ đâu, bởi vì hầu hết mọi người, đặc biệt là phe cánh tả, đều cho rằng Washington giữ vai trò chủ yếu trong cuộc đảo chính quân sự lật đổ Allende, vị tổng thống được lựa chọn thông qua một cuộc bầu cử dân chủ, và cuộc đảo chính này dẫn đến chế độ độc tài gần 17 năm của Tướng Augusto Pinochet.

Cuộc đảo chính ở Chile thường được đề cập trong những cáo trạng lên án hoạt động tình báo của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh, thời kỳ mà nước Mỹ, dưới sự chỉ đạo của nhiều tổng thống, đôi khi có những hành động thiếu cân nhắc để ngăn ngừa hay dập tắt sự nổi dậy của phe cánh tả, bởi Washington lo sợ họ có thể đẩy nước Mỹ vào quỹ đạo ảnh hưởng của Liên Xô. Nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn CIA không hề âm mưu cùng với quân đội Chile lật đổ Allende vào năm 1973.

Việc làm rõ sự thật này là điều quan trọng vì tính lịch sử của nó: CIA không nên phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả tồi tệ mà họ không hề gây ra. Nhìn chung, những chiến dịch ngầm (covert operations) của Mỹ được tiến hành thường xuyên hơn rất nhiều so với phỏng đoán của những người không tham gia vào công việc tình báo. Tuy nhiên một số chiến dịch ngầm sai lầm đã mang lại cho nước Mỹ hại nhiều hơn lợi, kể cả vụ xâm chiếm Vịnh Con Lợn (Bay of Pigs) của Cuba vào năm 1961 và vụ kết hợp ngầm bán tên lửa cho Iran và hỗ trợ phi pháp cho phe nổi dậy ở Nicaragua trong thập niên 1980, scandal này sau đó được gọi là vụ Iran-Contra.

Để tránh những bước đi sai lầm như thế, các nhà hoạch định chính sách và công chúng cần hiểu điều gì khiến cho một chiến dịch ngầm đúng đắn hay không. Khó để nhận ra sự phân biệt này ngay cả khi mọi người đều đồng thuận về những điểm cơ bản. Những nhận định sai lệch dai dẳng về vai trò của Washington trong cuộc đảo chính 1973 ở Chile đã đổ thêm dầu vào lửa, khiến cho việc đạt được một cuộc thảo luận hữu ích về các chiến dịch ngầm càng khó khăn.

Ý tưởng về hai kênh

Phải thừa nhận rằng một nguyên nhân chính của những nhận định nhầm lẫn về cuộc đảo chính 1973 đến từ thực tế rõ ràng là nước Mỹ đã giúp châm ngòi một âm mưu đảo chính lật đổ Allende trước đó. Vào tháng 9/1970, sau khi Allende giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử tổng thống theo ba vòng, Nixon đã triệu tập giám đốc CIA Richard Helms đến Nhà Trắng và yêu cầu ông buộc phải kích động một cuộc đảo chính nhằm ngăn Allende nhậm chức cho dù ông đã thắng cử. Lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ tin rằng bất cứ cố gắng nào ngăn Allende nhậm chức cũng sẽ thất bại và dẫn đến đổ máu, nhất là trong thời hạn ngắn ngủi mà Nixon đề ra. Nhưng Nixon tin rằng việc này thiết yếu đối với lợi ích của Mỹ và ông ra lệnh cho CIA không được tiết lộ kế hoạch với đại sứ Mỹ ở Chile và những viên chức Mỹ khác ở trong nước. Bản kế hoạch này được biết với tên Track II (Kênh II) – một phần bổ sung bí mật cho Track I (Kênh I), vốn là một nỗ lực chính trị và tuyên truyền mà Washington đã tạo ra trước đó nhằm ngăn Allende được bầu ngay từ đầu.

Track II rõ ràng là một sai lầm lớn. Quân đội Chile không muốn tham gia một cuộc đảo chính hậu bầu cử và người dân Chile không hề ủng hộ việc cản trở Allende. Cho dù chênh lệch phiếu bầu của Allende là rất nhỏ, ông đã thắng cử thông qua một hệ thống dân chủ mà quân đội Chile đã ủng hộ qua hơn một thế kỷ. Về sau, việc quản lý kinh tế yếu kém của chính quyền Allende khích động sự chống đối ở cả hai khu vực (dân sự và quân sự). Nhưng vào đầu mùa thu năm 1970, Allende còn chưa nhậm chức, vì thế nên họ thậm chí chưa có một cái cớ hợp lý để hành động.

Các nhân viên tại văn phòng CIA ở Santiago cảm thấy ít hào hứng với một cuộc đảo chính và lãnh đạo văn phòng không che giấu những nghi ngờ của mình. Ông đánh điện cho Washington ngay sau khi Allende thắng cử: “Thông số hành động hết sức nhỏ và các lựa chọn sẵn có thì khá hạn chế.” Một tin nhắn khác được gửi cùng khoảng thời gian đó viết: “Yêu cầu các ông không tạo ra cảm tưởng rằng văn phòng có phương pháp chắc chắn để ngăn cản, chưa nói đến châm ngòi đảo chính.” Nhưng Nhà Trắng và Langley cố tình lờ những cảnh báo này và thúc giục hành động. Vào tháng 9/1970, Helms thậm chí còn gửi trưởng phòng chiến dịch ngầm của CIA tới Santiago để thông báo với trưởng văn phòng Santiago rằng nếu ông này không sẵn sàng cho một cuộc đảo chính, ông ta có thể trở về Mỹ ngay hôm đó. Người đứng đầu văn phòng đồng ý sẽ làm hết sức có thể, nhưng vẫn giữ thái độ bi quan.

Vào 22/10/1970, một nhóm cựu sĩ quan về hưu cố gắng châm ngòi một cuộc đảo chính bằng cách bắt cóc Tướng René Schneider, tổng tư lệnh quân đội Chile, người luôn phản đối can thiệp quân sự vào chính trường Chile. CIA biết kế hoạch này. Nhưng vụ bắt cóc thất bại: thay vì chỉ bắt giữ, những kẻ bày mưu bị kích động đến mức giết luôn Schneider. Người dân Chile lập tức tuần hành ủng hộ Allende, và 12 ngày sau đó ông này làm lễ nhậm chức. Vào thời điểm đó, toàn bộ kế hoạch đảo chính kết thúc và Nixon quyết tâm thay đổi chính sách. Mục tiêu mới là ủng hộ phe chính trị đối lập và tránh tạo cho Allende cái cớ khai thác tâm lý bài Mỹ để lấy lòng dân và sự hỗ trợ từ quốc tế.

Vấn đề truyền thông

Hưởng ứng chính sách mới, CIA bắt đầu lại chiến lược ủng hộ những đối thủ chính trị trong nước của Allende và bảo đảm Allende sẽ không phá hủy những thể chế dân chủ: các cơ quan truyền thông, các đảng phái chính trị, và các tổ chức lao động tạo thành lực lượng đối lập ở Chile. Các nhân viên CIA nhận nghiêm lệnh là liên hệ với quân đội chỉ nhằm mục đích thu thập tình báo, chứ không xúi giục đảo chính.

Nhưng Washington vẫn cương quyết ủng hộ kẻ thù của Allende, và điều đó có nghĩa rằng CIA có nhiệm vụ tuyển dụng những người có thể cung cấp tin mật và hành động theo chỉ thị của chính phủ Mỹ. Người đầu tiên tôi tuyển là một viên chức cấp cao trong Đảng Cộng sản mà văn phòng vẫn giữ liên lạc định kỳ trong nhiều năm nhưng chưa từng trả lương chính thức. Người giới thiệu viên chức này với tôi là một doanh nhân địa phương, ông đồng ý tổ chức một bữa ăn trưa cho chúng tôi ở nhà mình để tôi có thể đưa ra yêu cầu. Tôi cảm thấy e ngại, nhưng vị chủ nhà đã cố gắng giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn. Ông ấy lịch sự đãi chúng tôi món đặc sản địa phương – một đĩa to erizos: nhím biển sống. Cũng may là ông ấy dọn kèm một chai rượu trắng Santa Rita 120 tuyệt ngon. Sau mỗi muỗng erizos, tôi lại uống một ngụm rượu to. Chẳng bao lâu, erizos bắt đầu có vị ngon hơn, và mục tiêu của tôi có vẻ dễ hợp tác hơn. Nhưng bởi tôi mất khá nhiều thời gian để đi thẳng vào vấn đề, cuối cùng người chủ nhà phải thốt lên một tràng: “Các ông định trả cho anh Cộng sản này bao nhiêu tiền để hợp tác?” Tôi lập tức đề nghị mức 1.000 đô la mỗi tháng, và viên chức này đồng ý.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi vào lúc đó là giải quyết “vấn đề truyền thông”, đặc biệt là mối quan hệ của CIA với tờ El Mercurio, tờ báo lâu đời nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất ở Chile. Chủ tờ báo sợ rằng chính phủ Allende có thể truất quyền kinh doanh của mình và đặt tờ báo dưới sự kiểm soát của chính phủ; nỗi sợ này làm cho ông trở thành một đồng minh tự nhiên của CIA. Tờ báo không bao giờ tuyên truyền nhằm cố tình làm người đọc hiểu sai về các chính sách kinh tế của chính phủ Allende, nhưng báo ngầm nhấn mạnh những câu chuyện về việc chính phủ thâu tóm tài sản tư nhân, những hành động phi pháp và bạo lực của một số bộ phận trong liên minh cầm quyền, và nỗi ám ảnh của thảm họa kinh tế.

Cho dù El Mercurio luôn được cho là một bộ phận của CIA, cơ quan tình báo này không có vai trò gì trong những thứ được in trên mặt báo. Trên thực tế, biên tập viên không sẵn lòng chấp nhận những tác động từ bên ngoài vào công việc biên tập, và CIA chỉ liên quan đến mặt kinh doanh của tờ báo. CIA không muốn thu nạp El Mercurio; mà đúng hơn là họ muốn bảo đảm tự do báo chí được tiếp tục. Chính phủ Allende không chính thức kiểm duyệt truyền thông, và nửa tá nhật báo độc lập ở Santiago đại diện cho toàn bộ ý kiến chính trị. Tuy vậy, chẳng bao lâu sau khi tôi đến Chile vào năm 1971, chính phủ chặn tờ El Mercurio tiếp cận nguồn giấy in. Cùng với những lần cắt giảm quảng cáo và tình trạng bất ổn nguồn lao động, khó khăn đã đe dọa đến sự sinh tồn của tòa soạn và nguy cơ tổn thất có thể rất lớn. Vì thế CIA hỗ trợ cho tờ báo khoảng 2 triệu đô trong vòng 2 năm, giúp báo tiếp tục xuất bản.

Sau vụ đảo chính thất bại năm 1970, CIA vẫn duy trì các nguồn cung cấp tin bên trong quân đội Chile, nhưng chúng hầu như không nhiều hay quan trọng bằng nguồn tin nằm trong giới truyền thông và các đảng phái chính trị. CIA đã không có được tin tức thường xuyên từ các nhân vật cấp cao trong quân đội Chile và không có mối quan hệ sâu sắc với Pinochet trước khi ông này nắm quyền. Thực ra, phó chỉ huy văn phòng Santiago từng tiếp xúc với Pinochet nhưng không có ấn tượng nào với vị tướng này, ông nghĩ rằng Pinochet quá yếu để chỉ huy một cuộc đảo chính.

Biểu tình với xoong nồi rỗng

Những nỗ lực hoạt động tình báo của CIA để kéo giảm sự ủng hộ Allende đã đóng một vai trò quan trọng trong tình hình chính trị rối ren vốn là đặc điểm của thời Allende nắm quyền. Nhưng sự chống đối dữ dội mà Allende phải đối mặt chủ yếu là một cách đáp trả các chính sách kinh tế yếu kém của chính ông, những chính sách làm tổn hại không chỉ người giàu mà cả tầng lớp trung lưu và lao động. Có lẽ do lo sợ mức chênh lệch phiếu bầu nhỏ nhoi không tạo đủ thời gian để theo đuổi viễn cảnh về một nước Chile xã hội chủ nghĩa, Allende gấp rút thực thi một chương trình cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa nền công nghiệp và chi tiêu công để kích cầu kinh tế. Lúc đầu, kế hoạch có vẻ hiệu quả. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ chính phủ, GDP thực tế tăng gần 8%, sản xuất tăng hơn 12%, và mức độ tiêu dùng tăng 13%. Nhưng vào đầu năm 1971, chủ nghĩa dân túy về kinh tế của Allende bắt đầu đi ngược với mong đợi. Các chủ đất trở nên miễn cưỡng khi phải bảo quản những tài sản có thể bị nhà nước tịch thu bất cứ lúc nào. Các chủ doanh nghiệp bắt đầu rời bỏ đất nước, mang theo nguồn vốn và cả những bí quyết kinh doanh. Và dân chúng phải gánh chịu sự thiếu thốn về nhu yếu phẩm.

Allende cũng phải đối mặt những vấn đề chính trị. Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (Christian Democrats) ôn hòa cảm thấy lo lắng vì chính sách quốc hữu hóa công nghiệp của Allende và phản đối chương trình nghị sự của ông ở quốc hội. Trong lúc đó, phe cánh tả trong liên minh cầm quyền của Allende nghĩ rằng ông nên thúc đẩy chính sách này nhanh hơn. Sự sốt ruột của họ tiếp nhiệt cho Phong trào Cánh Tả Cách mạng (Revolutionary Left Movement), phong trào này bảo trợ cho việc thâu tóm đất đai tư nhân ở khu vực nông thôn, thường bằng các biện pháp bạo lực, tạo nên một bầu không khí sợ hãi và làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu thốn lương thực.

Trong số những người hoạt động ngầm cho tôi thời gian đó có một phụ nữ trung lưu lớn tuổi, thuộc tuýp người bà điển hình. Bà đề nghị kết hợp một cuộc biểu tình mà ở đó phụ nữ sẽ mang xoong nồi cùng với những băng rôn phản đối nạn khan hiếm lương thực và hàng gia dụng. Điều này có vẻ là một ý tưởng tốt, ít nhất cũng đáng một khoản đầu tư nho nhỏ. Tôi đưa bà ta vài trăm đô la nhưng không trông mong gì nhiều. Vì thế vài tuần sau đó, lúc đi bộ gần một công viên không xa sứ quán Mỹ, tôi đã sửng sốt biết bao khi nghe thấy tiếng ầm ĩ từ hàng ngàn phụ nữ đang diễu hành dưới phố và đập ầm ầm vào những chiếc xoong nồi. Và kia, trong số những người dẫn đầu đoàn người biểu tình đi về phía dinh tổng thống là người phụ nữ làm việc cho tôi. Khuya hôm đó, khi những người biểu tình tập hợp bên ngoài dinh thự, các sinh viên thuộc cánh tả đến và tấn công nhóm phụ nữ. Hình ảnh những bà nội trợ Chile bị các thiếu niên cánh tả quấy rối lan truyền khắp thế giới, tạo ra một cơn ác mộng cho chính phủ Allende và thêm một điểm tập hợp cho phe đối lập.

Cuộc biểu tình sau đó được gọi là “Cuộc tuần hành của Những Chiếc Xoong Nồi Rỗng”, và chẳng bao lâu sau, những cuộc biểu tình tương tự được tổ chức bởi những nhóm hội phụ nữ khác, đôi khi nhắm vào quân đội, lực lượng mà phụ nữ thách thức hành động chống lại Allende. Trong một cuộc biểu tình đặc biệt đáng nhớ, các bà các cô ném thức ăn cho gia cầm vào những người lính, nói rằng họ quá nhát gan nên không thể đứng lên chống lại tổng thống. Allende cố gắng giảm thiểu thiệt hại bằng cách đổ cho nước Mỹ đứng đằng sau những cuộc biểu tình. Tất nhiên, trong một chừng mức nào đó, ông ta nói đúng. Nhưng chiến thuật đổ lỗi cho nước Mỹ chỉ có hiệu quả sau vụ đảo chính hụt năm 1970, còn lần này chỉ mang lại thành công hạn chế: những tố cáo về việc Mỹ gây rối bắt đầu nghe như một lời bào chữa.

Vào tháng 10/1972, công đoàn tài xế xe tải của Chile đình công. Chile có đường sắt và đường hàng không hạn chế, và phần lớn vật phẩm được chuyên chở bằng xe tải thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhỏ, lãi ít. Các tài xế xe tải cảm thấy bị o ép và lo sợ Allende đang lập kế hoạch quốc hữu hóa ngành công nghiệp của họ. Khi tổng thống thông báo kế hoạch lập một liên doanh vận tải nhà nước – tư nhân ở vùng Aisen, các tài xế liền bỏ việc. Các chủ cửa hàng đóng cửa, một phần vì đồng cảm và một phần vì không có vật phẩm để mua hay bán nếu tài xế xe tải không làm việc. Trong vòng 2 tuần, cả tài xế xe buýt và xe taxi cũng tham gia; chẳng bao lâu sau, những ngành nghề khác như kỹ sư, nhân viên y tế và phi công cũng đình công.

Một số người cho rằng Mỹ đã trả tiền để tài xế xe tải đình công. Điều đó không đúng. Các tài xế đã yêu cầu CIA hỗ trợ, và chỉ huy văn phòng nghĩ đây là một ý hay. Nhưng đại sứ Mỹ ở Chile, Nathaniel Davis, lại phản đối. Tuy nhiên, ông không loại hẳn ý tưởng này. Ông cố gắng duy trì một mối quan hệ tốt với CIA bởi vì ông luôn lo sợ cơ quan tình báo có thể hành động quyết liệt sau lưng ông, như họ đã từng làm đối với người tiền nhiệm vào thời điểm khởi động Track II. Vì thế ông đã gửi cho Washington yêu cầu của các tài xế xe tải, và Nhà Trắng chính thức bác bỏ.

Cuộc nổi dậy của xe tăng

“Đứa bé sẽ ra đời ngày mai

Cẩn thận với điều ước của mình

Nhận thức các giới hạn

………….

Download phần còn lại của văn bản tại đây: CIA, dao chinh chong lai Allende va Pinochet.pdf

———————–

[1] Jack Devine là đối tác sáng lập và Chủ tịch của Arkin Group. Trong sự nghiệp 32 năm tại CIA của mình, ông đã giữ chức Quyền Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách các chiến dịch của CIA ở ngoài nước Mỹ. Bài viết này trích từ cuốn sách ông viết cùng Vernon Loeb: Good Hunting: An American Spymaster’s Story (Sarah Crichton Books, 2014).