50. Phân biệt Bill và Act
Trong một số hệ thống pháp luật, đặc biệt là Mỹ, ‘Bill’ chỉ một ‘dự luật’ được đưa ra thảo luận tại quốc hội và chưa có giá trị pháp lý, còn ‘Act’ là một “đạo luật” hoặc ‘luật’, tức là dự luật đã được quốc hội thông qua và tổng thống ký ban hành thành luật, đã có hiệu lực pháp lý.
Trong bối cảnh Việt Nam, ‘dự luật’ và ‘luật’ thường được dịch lần lượt sang tiếng Anh là ‘draft law’ và ‘law’.
49. So sánh Washington Consensus (Đồng thuận Washington) với Beijing Consensus (Đồng thuận Bắc Kinh)
– Đồng thuận Washington là một thuật ngữ do John Williamson đưa ra tại Viện Kinh tế Quốc tế năm 1990. Williamson đề xuất một loạt các chính sách để giải quyết các vấn đề kinh tế của Mỹ Latinh, bao gồm cải cách thuế, tự do hóa lãi suất, một cơ chế tỉ giá hối đoái cạnh tranh, tự do hóa thương mại, tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài, và phi điều tiết hóa. Kể từ đó Đồng thuận Washington đã trở nên đồng nghĩa với các chính sách “tân tự do” phản ánh quan điểm của Hoa Kỳ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, vv…
– Khái niệm Đồng thuận Bắc Kinh được đưa ra lần đầu bởi Joshua Cooper Ramo – cố vấn cấp cao của Công ty đầu tư Goldman Sachs – trong một báo cáo nghiên cứu cùng tên xuất bản năm 2004. Theo Ramo giải thích, Đồng thuận Bắc Kinh gồm ba công thức sau: (1) mô hình phát triển Trung Quốc dựa trên sự đổi mới, (2) mô hình phát triển Trung Quốc xem phát triển bền vững và sự bình đẳng là những ưu tiên hàng đầu; và (3) Trung Quốc sẽ đấu tranh cho sự tự quyết trong chính sách đối ngoại. Trên thực tế, hầu hết mọi người để ý đến Đồng thuận Bắc Kinh không phải do những gì mà Đồng thuận này đề cập tới, mà do Đồng thuận Bắc Kinh dường như được dùng để đối phó với khái niệm Đồng thuận Washington…. Thực tế khái niệm “Đồng thuận Bắc Kinh” của Ramo không những không đưa ra được gì mới, mà nó còn có vẻ như một biện pháp “giấu tay” dùng để tuyên truyền lập trường chính thức của Trung Quốc.
48. Catch-22
Đây là từ chỉ một tình huống khó chịu nhưng người ta không thể thoát ra được vì bị mắc kẹt bởi những logic hay ràng buộc mâu thuẫn nội tại của nó.
Từ này bắt nguồn từ tên cuốn tiểu thuyết Catch-22 (1961) của Joseph Heller kể về một anh chàng phi công tên là Yossarian. Yossarian là phi công lái máy bay chiến đấu cho quân đội Ý trong Thế Chiến II. Anh chàng cố tìm cách không phải bay bằng cách tuyên bố bị điên. Nhưng người ta lại bảo anh ta rằng, chỉ có người điên mới muốn bay lúc đó, và vì anh ta không muốn bay nên điều đó chứng tỏ thực ra anh ta không bị điên, và vì anh ta không bị điên nên anh ta phải tiếp tục bay!
47. Gerrymander
Đây là từ chỉ hành vi gian lận bầu cử bằng cách thay đổi địa giới hành chính của các đơn vị bầu cử theo hướng có lợi cho một đảng nào nó, thường là đảng cầm quyền. Ví dụ, thông qua thay đổi địa giới hành chính, đảng cầm quyền có thể pha loãng tỉ lệ cử tri ủng hộ đảng đối lập ở những khu vực bầu cử chủ chốt, có nhiều ghế đại diện.
46. Genesis (nguồn gốc, khởi thủy)
Đây là từ chỉ nguồn gốc của một sự vật nào đó. Từ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, nghĩa là sự sinh ra. Khi được viết hoa, Genesis (Sáng Thế Ký, hay kinh Sáng Thế) là tên của tập đầu tiên trong Kinh Thánh, trong đó miêu tả sự hình thành của thế giới và con người.
VD: If the work of Adam Smith is the Genesis of modern economics, that of Karl Marx is its Exodus. (Nếu nghiên cứu của Adam Smith là khởi thủy của kinh tế học hiện đại thì nghiên cứu của Karl Marx là nơi kết thúc của nó).
45. anagram (phép đảo chữ)
Đây là từ chỉ một từ được hình thành từ việc đảo thứ tự các chữ cái của một từ khác.
Ví dụ: “no more stars” là anagram của từ “astronomers” (nhà chiêm tinh học)
44. Junk bonds
Đây là từ chỉ các trái phiếu được phát hành bởi các công ty nhỏ hoặc có mức đánh giá tín nhiệm thấp, có nhiều khả năng vỡ nợ hơn so với các công ty lớn, có chỉ số tín nhiệm cao. Để bù lại mức độ rủi ro cao, các trái phiếu này phải trả mức lợi tức cao hơn. Vì vậy “junk bonds” (nghĩa đen: “trái phiếu vụn”) cũng được gọi là “high-yield bonds” (trái phiếu lợi tức cao).
43. Black swan (thiên nga đen)
Đây là một lý thuyết giải thích sự xuất hiện một sự kiện khác thường, bất ngờ với quy mô lớn và hậu quả nghiêm trọng mà bằng các biện pháp phân tích thông thường (như xác suất thống kê) người ta không thể dự đoán được. Tên gọi lý thuyết này được Nassim Nicholas Taleb giới thiệu lần đầu năm 2001.
VD: From this perspective, the global financial crisis was a ‘‘black swan’’ – a rare and unpredictable event. (Từ góc nhìn này, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là một “con thiên nga đen” – một sự kiện hiếm gặp và không thể dự đoán được).
42. Touchstone (chuẩn mực)
Đây là từ chỉ một chuẩn mực để những thứ khác dùng làm vật so sánh, đối chiếu. Từ này bắt nguồn từ việc trước đây người ta dùng một hòn đá màu đen, cứng để kiểm tra độ tinh khiết của vàng bạc bằng cách quan sát màu sắc của vệt xước mà thỏi vàng, bạc để lại khi cọ xát thỏi vàng lên hòn đá đó.
VD: This financial order had as its touchstone the liberalization of finance, both at home and abroad. (Trật tự tài chính này lấy việc tự do hóa tài chính cả ở trong nước lẫn nước ngoài làm chuẩn mực).
41. Schadenfreude
Đây là từ chỉ sự vui mừng của ai đó khi chứng kiến người khác gặp phải điều không may, bất hạnh. Từ này bắt nguồn từ tiếng Đức, được ghép từ 2 chữ: schaden (thiệt hại, bất hạnh) và freude (sự vui mừng). Trong tiếng Anh cụm từ “Roman holiday” có nghĩa tương đương, với hàm ý rằng các võ sĩ giác đấu có thể đau đớn, thậm chí bị giết để đem lại sự vui vẻ cho khán giả, những người muốn tận hưởng “kỳ nghỉ ở La Mã” bằng cách xem các trận đấu của họ.