#170 – Điểm giới hạn của Nga và khủng hoảng Ukraine

Nguồn: Nicholas Redman (2014). “Russia’s Breaking Point”, Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 56, No. 2, pp. 235-244.

Biên dịch: Lê Hoàng Giang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Putin bị vây hãm: Liệu có xảy ra một cuộc cách mạng màu hay không?

“Những sự kiện đang diễn ra ở Ukraine là bi kịch của cả một đất nước … Mùa Xuân Arab đã lan tới thủ đô của một nước Châu Âu.”

– Mikhail Margelov, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga[1]

Tại sao Nga can thiệp vào Ukraine?

Phản ứng mạnh mẽ của Nga trước những sự kiện ở Ukraine không có gì đáng ngạc nhiên cả. Hai trong số những mỗi quan tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga trong thập kỷ trước là củng cố chính quyền trước sự công kích từ những người dân bất mãn và, từ góc nhìn của Matxcơva, trước nguy cơ bị can thiệp từ bên ngoài, cũng như cương quyết thiết lập và bảo vệ một “vùng quyền lợi riêng biệt” (zone of privileged interests) trên khắp khu vực các nước từng thuộc Liên Xô trước đây bằng cách xúc tiến các dự án hội nhập của mình. Vào tháng 2 năm 2014 tại Ukraine, hai mối quan tâm này hợp lại với nhau.

Lời phát biểu của ông Margelov đã tóm gọn được cả sự bất đồng của Nga trước tình hình bất ổn gây ra bởi phong trào Mùa Xuân Arab lẫn nhận thức về một hiểm họa trực tiếp đối với Nga mà giờ đang tiềm ẩn trong một cuộc đảo chính do EU hậu thuẫn đang diễn ra ngay trước ngưỡng cửa của mình.

Mối quan tâm đầu tiên được thể hiện thường xuyên nhất trong vấn đề Syria. Sự hỗ trợ của Nga cho chính quyền Assad đã bao gồm từ việc cung cấp vũ khí cho đến phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vốn bị coi là đe dọa can thiệp từ bên ngoài. Mục đích chủ yếu của điều này không phải là nhằm bảo vệ những hợp đồng buôn bán vũ khí của Nga – với một chính phủ Syria vốn thường xuyên thiếu nợ – hay là nhằm bảo vệ một cơ sở tiếp liệu nhỏ của hải quân Nga ở Tartus. Thay vào đó, Nga đang cố gắng phát huy cách thức áp dụng luật pháp quốc tế đầy bảo thủ của mình, trong đó đặt nguyên tắc không can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền lên trên mọi trách nhiệm bảo vệ hay quyền can thiệp. Lần duy nhất gần đây Nga tỏ ra do dự về nguyên tắc này – khi Dmitry Medvedev quyết định bỏ phiếu trắng về Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cho phép các cường quốc bên ngoài bảo vệ dân thường ở Libya – đã mở đường cho các nước phương Tây không kích hỗ trợ cho các lực lượng  đối lập. Phe đối lập sau đó đã lật đổ được chế độ cầm quyền và hành quyết nhà lãnh đạo cũ Muammar Gadhafi. Hai năm sau đó, Libya vẫn tiếp tục chìm trong tình trạng chia rẽ và bạo lực.

Từ việc này cũng như những sự kiện khác trong phong trào Mùa Xuân Arab, Nga đã rút ra hai bài học. Thứ nhất, khi một đất nước xuất hiện tình trạng nổi dậy có vũ trang, cách tốt nhất để giữ được ổn định là ủng hộ chính quyền được công nhận thay vì hỗ trợ phe đối lập; việc phe nổi dậy được vũ trang hay được hỗ trợ từ bên ngoài khó có thể dẫn đến tình trạng thống nhất và ổn định sau đó. Thứ hai, nhất định phải đảm bảo rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không đưa ra bất kỳ nghị quyết nào nhằm cho các nước phương Tây một cái cớ nhân đạo để can thiệp phục vụ cho lợi ích địa chính trị của họ. Thực tế, điều này không chỉ áp dụng cho đe dọa can thiệp vũ trang mà còn cho những biện pháp ép buộc, ví dụ như các lệnh trừng phạt. Do vậy, Nga đã phủ quyết mọi nghị quyết vi phạm đến những đặc quyền của chính quyền Assad, và sau này cũng đã tìm cách đẩy lùi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với chính phủ Iran.

Mối quan tâm thứ hai, hòng giữ cho các nước thuộc Liên Xô trước đây nằm dưới phạm vi ảnh hưởng của Nga, đã là một chủ trương nhất quán trong chính sách đối ngoại của Nga kể từ năm 1992. Việc này bao gồm chống lại sự xâm lấn của NATO và Liên minh Châu Âu EU vào khu vực này, cũng như các nỗ lực thúc đẩy hội nhập giữa các nước thành viên thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) trên các mặt kinh tế và an ninh. Một số thể chế đã được lập ra từ năm 1992 nhằm khuyến khích hội nhập, nhưng chưa thể chế nào đạt đến mức độ mà theo cách nói của EU là “ngày càng sâu sắc”.

Vào tháng 1 và tháng 2 năm 2012, trong một chuỗi những bài viết dài có thể coi là bản tuyên ngôn không chính thức cho nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của mình, Vladimir Putin đã đặt ưu tiên vào việc hình thành nên một Liên minh Âu Á vào năm 2015, dựa trên cơ sở Liên minh Thuế quan với Belarus và Kazakhstan. Từ góc nhìn của Putin, điều này sẽ sửa chữa một sai lầm lịch sử thông qua phục hồi lại nhiều liên kết đã bị cắt đứt một cách thiếu cân nhắc giữa Nga và các nước láng giềng từ 20 năm trước. Việc hội nhập cũng sẽ giúp củng cố thêm cho nền kinh tế của các nước này, trong bối cảnh một thế giới nơi mà việc liên kết thành các khối đang là xu thế. Tajikistan và Kyrgyzstan sẽ không có nhiều lựa chọn nào khác ngoài gia nhập liên minh mới này để đảm bảo có thể tiếp tục xuất khẩu hàng hóa và lao động dư thừa sang Nga và Kazakhstan mà không phải chịu rào cản. Một số nước khác – những quốc gia giàu tài nguyên như Uzbekistan, Turkmenistan và Azerbaijan – ít có khả năng sẽ gia nhập hơn. Như vậy lôi kéo được Ukraine tham gia vào liên minh lại càng quan trọng, để thuyết phục dư luận ở Nga tin vào tính khả thi của liên minh này và để lôi kéo các nước SNG khác cũng tham gia.

Giới cầm quyền ở Nga thực chất đã khá chậm chạp trong việc nhận ra mối đe dọa đối với kế hoạch Liên minh Âu Á từ kế hoạch Đối tác phương Đông của EU. Phải đến mùa hè năm 2013 họ mới thực sự chú tâm đến những kế hoạch trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông tại Vilnius vào tháng Chín năm 2013, trong đó bao gồm việc ký chính thức hay ký tắt các hiệp định liên kết với Ukraine, Gruzia, Armenia và Moldova. Trong trường hợp Ukraine, EU còn muốn tiến tới một Hiệp định Thương mại Tự do Sâu sắc và Toàn diện (DCFTA). Ngay sau đó, các doanh nghiệp của giới đầu sỏ chính trị thân EU tại Ukraine đã phải chịu trừng phạt kinh tế, và vào đầu tháng 9, tổng thống Armenia trong một chuyến thăm ngắn ngày đến Matxcơva đã đồng ý gạt bỏ ba năm đàm phán về một hiệp định liên kết với EU để gia nhập Liên minh Thuế quan. Những lời dụ dỗ và đe dọa từ Nga đã thuyết phục được Viktor Yanukovych trì hoãn thỏa thuận liên kết với EU chỉ chưa đầy một tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh Vilnius diễn ra; như vậy ít nhất Điện Kremlin cũng có thể hy vọng rằng cuối cùng Ukraine rồi cũng sẽ bị thuyết phục gia nhập Liên minh Âu Á, thay vì mãi mãi rơi vào không gian pháp lý dày đặc của EU.

Kể từ khi đó, EU và Nga đã tranh giành Ukraine một cách gay gắt. Tuy nhiên, Nga chỉ thực sự gặp khủng hoảng khi tổng thống Ukraine bị lật đổ một cách trái với hiến pháp; điều này làm dấy lên quan ngại của Nga về sự can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền và mong muốn thiết lập quan hệ đặc quyền với những nước láng giềng từng thuộc Liên Xô trước đây của Matxcơva. Nhiều lời chỉ trích của Nga về những hành vi của phương Tây ở Libya đã được nhắc lại trong trường hợp Ukraine: trợ giúp về mặt ngoại giao và vật chất cho các lực lượng chống đối; không chịu yêu cầu các nhóm đối lập hành xử theo cùng một tiêu chuẩn giống với chính quyền; và đe dọa trừng phạt.

EU bị cáo buộc đã dùng những chiến thuật như vậy để dụ Ukraine ký vào thỏa thuận liên kết. Bên ngoài, Nga lấy cớ tôn trọng chủ quyền của Ukraine để không đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Yanukovych và phe đối lập. Tình hình vốn đã bất an khi EU thảo ra hiệp ước ngày 21 tháng Hai làm cơ sở cho việc thay đổi hiến pháp Ukraine, lập nên một chính phủ thống nhất và tiến tới một cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2014. Tình hình bất an sớm trở thành phẫn nộ trong chưa đầy 24 giờ sau đó, khi Yanukovych bỏ trốn khỏi Kiev và bị các đối thủ của ông ta ở Rada Tối cao (tức Quốc hội Ukraine) tước bỏ mọi quyền lực, và các nước châu Âu nhanh chóng tiếp nhận một chính quyền mới bao gồm hoàn toàn những đối thủ của ông ta. Theo quan điểm của Matxcơva, điều này vi phạm rất nhiều nguyên tắc pháp lý mà Nga và các nước phương Tây được cho là phải tôn trọng.

Việc các mối quan tâm của Nga về luật pháp quốc tế và phạm vi lợi ích hợp nhất với nhau trong vấn đề ở Ukraine thay vì ở một quốc gia SNG khác càng làm tình hình thêm trọng yếu. Trong số các nước nằm trong khối SNG, Ukraine là nước quan trọng với Nga nhất. Phòng thủ lãnh thổ Nga sẽ trực tiếp bị đe dọa nếu Ukraine chịu sự kiểm soát của các phe thù địch, và phần lớn Hạm đội Biển Đen của Nga đang đóng tại bán đảo Crimea. Ukraine còn là hành lang trung chuyển dầu mỏ và khí đốt từ Nga sang châu Âu, chiếm phần lớn doanh thu xuất khẩu của nước này. Ukraine cũng còn là nơi tiêu thụ nhiều loại hàng hóa khác như ngũ cốc từ Nga, Kazakhstan và Ukraine, loại hàng hóa mà điện Kremlin ngày càng chú tâm đến trong vòng vài năm gần đây. Ukraine là một thị trường quan trọng của Nga, và xét trên một số khía cạnh, các doanh nghiệp quốc phòng của hai nước phụ thuộc lẫn nhau hoàn toàn.

Tuy vậy ý nghĩa của Ukraine đối với Nga lớn hơn nhiều so với giá trị về vật chất đơn thuần, vì Ukraine có gắn bó chặt chẽ với nhận thức về bản thân của Nga. Kiev được ví như “người mẹ của những thành phố của Nga”, là nơi sản sinh ra đất nước, văn hóa và bản sắc của Nga, cũng là nơi Chính thống giáo của Nga ra đời; kể cả những người Nga có tư tưởng tự do cởi mở cũng thấy khó chấp nhận quan niệm rằng Ukraine là một nước hoàn toàn độc lập. Rất nhiều quan điểm cho rằng lãnh thổ phía đông và trung Ukraine ngày nay từng thuộc về Nga trong lịch sử. Trong số 45 triệu dân Ukraine, có đến 14 triệu người nói tiếng Nga bản địa. Đến một nửa trong số đó là người mang sắc tộc Nga, cùng với một số lượng chưa xác định cũng đang mang hộ chiếu Nga.

Phản ứng của Hoa Kỳ và phương Tây

Rất ít quốc gia, và không có cường quốc nào lại áp dụng những nguyên tắc đối ngoại của mình một cách cứng nhắc. Lập trường của Nga trong vấn đề Ukraine đã thể hiện rõ điều đó. Kể từ ngày 27 tháng Hai, Nga đã xâm phạm chủ quyền Ukraine bằng cách đưa binh lính vào Crimea và giành quyền kiểm soát toàn bộ bán đảo này. Tiếp theo, tổng thống Nga được Quốc hội cho phép triển khai các lực lượng vũ trang vào lãnh thổ Ukraine để bảo vệ người dân nói tiếng Nga trước khả năng diễn ra bạo lực. Tuy nhiên cho đến ngày 5 tháng Ba, không có dấu hiệu gì cho thấy các lực lượng của Nga muốn tiến ra ngoài bán đảo Crimea. Không có bất kỳ trường hợp đổ máu nào, và chính quyền Nga cho rằng sự hiện diện quân sự của họ tại Crimea chỉ là tạm thời, đang chờ sự ổn định được phục hồi và một chính phủ hợp pháp ở Ukraine được lập ra.

Hoa Kỳ và các nước lớn ở châu Âu nhanh chóng chỉ trích Nga vì đã can thiệp quân sự vào Ukraine, và kêu gọi Nga rút quân. Nhóm G7 tuyên bố sẽ ngừng chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G8 theo kế hoạch sẽ được tổ chức tại Nga trong năm 2014. Tuy vậy, biết rõ rằng Nga có khả năng leo thang, và cho rằng việc Nga vi phạm chủ quyền Ukraine là có thể bị đảo ngược nên các cường quốc phương Tây có thể nói đã không làm gì.

Dù vậy, các nước phương Tây vẫn thấy cần phải có những chính sách trừng phạt Nga hoặc khiến Nga phải lùi bước. Phản ứng bằng biện pháp quân sự gần như là không thể xảy ra. Các biện pháp chính trị, chẳng hạn như ngừng cho Nga tham gia vào các thể chế châu Âu, có thể khó thực hiện và dù sao cũng chỉ có tác động hạn chế. Các biện pháp trừng phạt thương mại sẽ làm tổn hại đến châu Âu không kém gì so với Nga, nước hiện đang là nhà cung cấp dầu thô và khí thiên nhiên lớn nhất cho EU. Tuy nhiên, chính quyền Putin có thể vẫn còn có một điểm yếu mà các nước phương Tây, mà cụ thể là các nước dẫn đầu trong khối EU, có thể nhằm vào: khả năng tiếp cận hệ thống giáo dục, ngân hàng và thị trường bất động sản ở các nước đó của giới thượng lưu Nga.

Trong vòng 10 năm qua, người Nga giàu có hiện diện khá thường xuyên tại các thành phố Tây Âu. Nhiều người sở hữu đất đai, tài sản, cho con cháu mình đi học hoặc có lợi ích kinh tế tại các nước Tây Âu hoặc Hoa Kỳ. Họ sống một lối sống toàn cầu với những quyền sở hữu tài sản chắc chắn và một hệ thống luật pháp ổn định của phương Tây. Trong số những người Nga giàu có này, có nhiều nhân vật quan trọng mà Putin cần nhận được ủng hộ từ họ. Những nhân vật đó bao gồm những người đứng đầu ngành công nghiệp nước Nga, ví dụ như những ông trùm ngành kim loại Oleg Deripaska hay Roman Abramovich. Một số nhân vật thân cận của Putin cũng nằm trong danh sách. Gần như tất cả những người đạt tới những vị trí chính trị hay kinh tế quan trọng dưới thời Putin đều quen biết ông trước khi ông được bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 1999. Một số người còn từng công tác với ông khi ông còn đang phục vụ trong lực lượng KGB hoạt động tại Dresden; một số người khác, cũng như Putin, sở hữu một nhà nghỉ ngoại ô trên bờ Hồ Komsomolskoye ở vùng Leningrad vào khoảng giữa đến cuối những năm 1990. Kể cả trong số ít những nhân vật này, vẫn có những quan chức có tài sản hay lợi ích kinh tế hoặc gia đình ở nước ngoài.

Sự phụ thuộc của giới thượng lưu Nga vào các dịch vụ ở các nước phương Tây đã được các nhà lập pháp Hoa Kỳ chú ý. Để phản ứng trước việc chính quyền Nga không xét xử những cảnh sát, nhân viên thuế và công tố viên bị cho là có liên quan đến cái chết trong tù của luật sư Nga Sergei Magnitsky, người đã cáo buộc các quan chức ngành thuế nước này biển thủ 230 triệu USD tiền thuế, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Trách nhiệm giải trình Pháp quyền Sergei Magnitsky 2012 (Sergei Magnitsky Rule of Law Accountability Act). Dự luật này cho phép Mỹ từ chối nhập cảnh đối với các quan chức Nga bị tình nghi là có dính líu đến cái chết của Magnitsky và đóng băng tài sản của họ. Việc đạo luật này được thông qua đã gây nên một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Nga, lên tới đỉnh điểm khi Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) quyết định cấm công dân Mỹ nhận trẻ em mồ côi Nga làm con nuôi.

Đạo luật Magnitsky, và khả năng các nước châu Âu khác đưa ra những đạo luật tương tự, đã làm nổi bật được điểm yếu của Nga là việc giới thượng lưu đang ngày càng được toàn cầu hóa của Nga có thể dễ dàng bị gây áp lực. Giữa năm 2013, Putin đã phản ứng bằng cách “quốc hữu hóa” toàn bộ quan chức nhà nước; tất cả họ đều phải kê khai tài sản ở nước ngoài của gia đình mình, số tài sản này họ được phép giữ; và phải rút toàn bộ tài sản của họ về Nga. Một vài thành viên của Hội đồng Liên bang (tức thượng nghị sĩ) đã từ bỏ vị trí của mình thay vì tuân theo luật. Một nhà tài phiệt đã buộc phải hoãn tham gia vào chính trường. Ngoài ra còn có báo cáo rằng nhiều đại biểu Duma Nga (Hạ viện Nga) đã phải ly hôn để tuân thủ điều luật này.

Mặc dù những luật lệ và nguyên tắc mới này đã làm giảm ảnh hưởng của phương Tây lên các quan chức Nga đến một chừng mực nào đó, vẫn còn có những điểm yếu khác. Một lượng lớn tài sản của giới thượng lưu Nga nằm tại các nước Anh, Pháp, Đức và Italia. Có người còn có vợ chồng hoặc con cháu sinh sống tại các nước đó. Hoạt động tài chính của họ đều được thông qua các ngân hàng phương Tây. Các biện pháp như đưa ra chính sách thị thực nghiêm ngặt hơn, đóng băng tài sản hay hạn chế tiếp cận các dịch vụ tài chính sẽ gây nhiều tổn hại cho giới thượng lưu Nga hơn hẳn so với cho các nước phương Tây. Dù những người thân cận nhất của Putin sẽ không phải chịu những tổn hại nặng nề bằng những nhân vật thượng lưu khác, nhưng việc này rất có thể sẽ làm tụt giảm sự ủng hộ Putin từ những người mà ông phụ thuộc vào. Nếu thực sự được như vậy, có thể sẽ tạo ra được một động lực mạnh mẽ đủ để Putin tìm đến một giải pháp hòa giải trong vấn đề Ukraine – mặc dù, theo như một tài liệu được báo cáo là được chuẩn bị cho Hội đồng An ninh Quốc gia của Anh tiết lộ, những kiểu đe dọa như vậy dễ có hiệu quả cao hơn khi được truyền tải một cách riêng tư, thay vì được công khai.[2]

Chiều hướng quan hệ Nga và phương Tây

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Diem gioi han cua Nga va khung hoang Ukraine.pdf

—-

[1] Bình luận của Margelov được phát đi bởi đài phát thanh Ekho Moskvy. BBC Monitoring, ‘Russia “Will Not Leave Brotherly Ukraine in Trouble” – Senator’, 22 February 2014.

[2] Nicholas Watt, ‘UK Seeking to Ensure Russia Sanctions Do Not Harm City of London’, Guardian, 3 March 2014, http://www.theguardian.com/world/2014/mar/03/uk-seeks-russia-harm-city-london-document