#171 – Quái vật đảo Jekyll (Ch. 7): Lịch sử ra đời và tiến hóa của tiền tệ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: G. Edward Griffin, “The Barbaric Metal”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 7.

Biên dịch: Phạm Thị Huyền Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Creature from Jekyll Island

Nội dung chính:Lịch sử và sự tiến hóa của đồng tiền; sự xuất hiện của vàng với tư cách là nguồn cung tiền phổ quát; những nỗ lực của chính phủ trong việc qua mặt người dân bằng cách cắt rìa hoặc hạ thấp giá trị tiền xu vàng; thực tế rằng hệ thống tiền tệ không phụ thuộc vào số lượng vàng nhiều hay ít, và rằng “[in] nhiều tiền hơn” không có nghĩa là phải cần nhiều vàng hơn.

Bản chất của tiền tệ là một điều vô cùng thần bí, thường được coi là vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người. Những câu hỏi liên quan đến nguồn gốc hoặc cơ chế tạo ra tiền tệ rất hiếm khi được đưa ra bàn thảo trong tranh luận công. Chúng ta chấp nhận chúng như những điều hiển nhiên trong cuộc sống vượt quá phạm vi kiểm soát của mình. Như vậy, trong một quốc gia được thành lập trên nguyên tắc chính phủ do người dân cai trị, và là một nguyên tắc mà các cử tri đã rất am hiểu, thì người dân đã tự mình loại bỏ (tranh luận về) một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến không chỉ chính phủ mà còn cả đời sống cá nhân của chính họ.

Đây không phải là một thái độ ngẫu nhiên, cũng không phải là thái độ đã từng thường xuyên xảy ra. Cách đây không lâu, đã có thời ngay cả một cử tri bình thường không được hưởng nền giáo dục chính thống cũng được thông tin đầy đủ về các vấn đề tiền tệ và vô cùng lo lắng đến sự thực thi chính trị của các vấn đề này. Trong thực tế, như chúng ta sẽ thấy trong chương sau, kết quả thắng hay thua của các cuộc tổng tuyển cử tùy thuộc vào lập trường của các ứng cử viên đối với vấn đề ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, giờ đây mối quan tâm của các chủ quản ngân khố lại là làm thế nào để thuyết phục công chúng rằng đây là những vấn đề quá phức tạp đối với những người ít hiểu biết về chúng. Thông qua việc sử dụng các biệt ngữ và bằng cách giấu nhẹm đi thực tế đơn giản trong một mê cung những thủ tục lằng nhằng, họ đã làm mờ dần kiến thức về bản chất của tiền tệ trong công luận.

Tiền là gì?

Bước đầu tiên trong thủ đoạn này là làm lẫn lộn định nghĩa về tiền tệ. Ví dụ, trên tờ New York Times số ra ngày 20/7/1975, một bài báo có tựa đề “Cung tiền: Tình trạng rối ren ngày một gia tăng” bắt đầu bằng một câu hỏi: “Tiền tệ là gì trong thế giới ngày nay?” Tờ Wall Street Journal xuất bản ngày 29/8/1975 nhận xét: “Tất cả những người tham gia vào bài tập [quan sát cung tiền] phức tạp này… không hoàn toàn chắc chắn về thành phần của cung tiền”. Và, trong số báo in ngày 24/9/1971, tờ báo cho biết “Trong một Hội thảo ủng hộ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các nhà kinh tế lỗi lạc không thể tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra định nghĩa về tiền tệ cũng như cách thức tạo ra tiền tệ của các ngân hàng.”

Ngay cả chính phủ cũng không thể định nghĩa tiền tệ. Cách đây một thời gian, một ông A.F. Davis nào đó đã gửi một tờ tiền mệnh giá mười đô-la cho Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Trong thư, ông kêu gọi sự chú ý đến dòng chữ trên tờ giấy bạc nói rằng tờ tiền này có thể được đổi sang “tiền hợp pháp” (lawful money), và sau đó yêu cầu Bộ Tài chính gửi cho ông ta loại tiền đó. Trong thư trả lời, Bộ Tài chính chỉ gửi cho ông hai tờ năm đô-la từ một đợt in tiền khác với cùng một lời hứa thanh toán tương tự. Ông Davis trả lời:

Thưa Ngài:

Tôi xin báo với Ngài rằng: tôi đã nhận được hai tờ tiền trị giá 5 đô-la Mỹ. Theo như chúng tôi hiểu, trong thư, Ngài công nhận đây là hai tờ tiền hợp pháp. Liệu chúng tôi có thể suy ra rằng tiền của Cục Dự trữ Liên bang không phải là tiền hợp pháp hay không?

Tôi xin gửi kèm một trong hai tờ 5 đô-la mà Ngài gửi cho tôi. Tôi thấy trên mặt tờ tiền này nói rằng “Hợp chúng Quốc Hoa Kỳ sẽ trả theo yêu cầu của người nào cầm tờ tiền này năm đô la khác.” (The United States of America will pay to the bearer on demand five dollars.) Do đó, tôi xin yêu cầu năm đô la khác.

Một tuần sau đó, ông Davis đã nhận được câu trả lời sau đây từ Quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, M.E. Slindee:

Thưa ông Davis:

Chúng tôi đã nhận được lá thư viết ngày 23/12 của ông kèm theo một tờ 5 đô-la Mỹ cùng yêu cầu trả năm đô la khác. Xin ông hãy hiểu rằng thuật ngữ “tiền hợp pháp” chưa được định nghĩa trong luật pháp liên bang….. Thuật ngữ “tiền hợp pháp” không còn có ý nghĩa đặc biệt như vậy. Chúng tôi xin hoàn trả ông tờ 5 đô-la Mỹ mà ông gửi kèm theo lá thư viết ngày 23/12.[1]

Năm 1964, các cụm từ “…trả theo yêu cầu của người nào cầm tờ tiền này” và “…có thể hoàn lại bằng tiền hợp pháp” đã được xóa bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống tiền tệ của chúng ta.

Phải chăng tiền tệ thực sự quá bí ẩn đến mức không thể định nghĩa được? Tiền tệ có phải là loại tiền mà chúng ta đang sử dụng hay là những con số trên tài khoản séc hay xung động điện tử trong máy tính? Nó có bao gồm số dư trong một tài khoản tiết kiệm hay tín dụng có sẵn trong thẻ thanh toán hay không? Nó có bao gồm giá trị cổ phiếu và trái phiếu, nhà, đất hay các tài sản cá nhân không? Hay tiền tệ không phải là gì khác mà chính là sức mua?

Chức năng chính của Cục Dự trữ Liên bang là điều tiết nguồn cung tiền. Tuy nhiên, nếu không ai có thể định nghĩa được tiền là gì, thì làm sao chúng ta có thể bàn luận về cách thức hoạt động của Hệ thống? Câu trả lời tất nhiên là chúng ta không thể, và đó là chính là câu trả lời mà cartel này mong muốn.

Lý do khiến cho Cục Dự trữ Liên bang trở thành một chủ đề phức tạp là bởi vì hầu hết các cuộc thảo luận đều được khởi xướng theo kiểu không đầu không cuối. Tại thời điểm khi chúng ta bắt đầu nhập cuộc, các định nghĩa đã bị xáo trộn và khái niệm cơ bản đã được giả định. Trong những điều kiện như vậy, sự mập mờ về mặt tri thức là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm hiểu một cách ngọn ngành và nghiên cứu từng khái niệm theo thứ tự từ tổng quan đến cụ thể, và nếu chúng ta thống nhất được các định nghĩa, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng thực ra vấn đề khá là đơn giản. Hơn nữa, quá trình này không những dễ dàng mà còn rất thú vị.

Như vậy, mục đích của chương này và ba chương tiếp theo là cung cấp cái gọi là một khóa học cấp tốc về tiền tệ và đây là khóa học không hề phức tạp. Trên thực tế, có thể quý vị đã biết những điều sắp được trình bày sau đây. Điều chúng ta sẽ làm là cố gắng gắn kết chúng lại với nhau để tạo ra tính liên tục và liên quan đến chủ đề này. Khi quý vị đọc hết những trang tiếp theo, chắc chắn quý vị sẽ nhận thức rõ hơn về tiền tệ.

Còn bây giờ, hãy bắt đầu với những điều cơ bản. Tiền tệ là gì?

Định nghĩa cơ bản

Về vấn đề này, từ điển không mấy hữu ích. Nếu như các nhà kinh tế không thể thống nhất được định nghĩa về tiền, thì một phần nguyên nhân là do thực tế có quá nhiều định nghĩa đến mức rất khó có thể đưa ra một sự lựa chọn rõ ràng. Tuy nhiên, với mục đích phân tích của cuốn sách này, việc đưa ra một định nghĩa chung là điều cần thiết để có thể hiểu được ý nghĩa của tiền tệ được dùng trong ngữ cảnh. Vì mục đích đó, chúng tôi sẽ giới thiệu một định nghĩa riêng về tiền tệ đã được chúng tôi chắp nhặt từ rất nhiều nguồn. Định nghĩa này không nhằm phản ánh quan niệm của chúng tôi về tiền tệ hay ủng hộ quan điểm của bất cứ trường phái kinh tế nào, mà đơn giản chỉ là nhằm đơn giản hóa khái niệm tiền tệ xuống mức bản chất cơ bản nhất và nhằm phản ánh thực tế thế giới ngày nay. Quý vị không nhất thiết phải tán thành hay bất đồng với định nghĩa này, bởi chúng tôi chỉ nhằm mục đích giải thích thuật ngữ tiền tệ được sử dụng trong những trang tiếp theo. Như vậy, dưới đây là định nghĩa cơ bản của chúng tôi:

Tiền tệ có thể là bất cứ thứ gì miễn là được chấp nhận như một phương tiện trung gian trao đổi. Có thể phân loại tiền tệ thành các loại hình sau:

1. Tiền hàng hóa (commodity money)

2. Tiền biên nhận (receipt money)

3. Tín tệ (fiat money)

4. Tiền theo tỉ lệ (fractional money)

Trên thực tế, việc nắm được sự khác biệt giữa các loại hình tiền tệ là tất cả những gì chúng ta cần phải biết để hiểu đầy đủ về Cục Dự trữ Liên bang và để đi đến một phán quyết liên quan đến giá trị của tiền tệ đối với nền kinh tế và quốc gia. Vì vậy, hãy cùng tìm hiểu từng loại hình tiền tệ trên một vài khía cạnh chính.

Hàng đổi hàng (trước khi xuất hiện tiền)

Hình thức hàng đổi hàng xuất hiện trước khi có bất kỳ loại hình tiền tệ nào, và đây là một mắt xích quan trọng cần phải nghiên cứu để hiểu được mối liên hệ giữa hai loại hình này. Hàng đổi hàng được định nghĩa là một mặt hàng được trao đổi trực tiếp với một mặt hàng khác có giá trị tương đương. Ông Jones đổi chiếc xe hơi Ford Model-T được phục chế của mình để lấy một cây đàn piano hiệu Steinway.[2] Về bản chất, đây không phải là trao đổi tiền tệ bởi vì cả hai mặt hàng đều có giá trị tự thân chứ không phải mang tính chất như một phương tiện trung gian trao đổi để đổi lấy một món hàng khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cả hai mặt hàng đều có giá trị nội tại, nếu không các bên còn lại sẽ không chấp nhận chúng. Sức lao động cũng có thể được trao đổi như một hình thức hàng đổi hàng khi nó cũng được coi là có giá trị nội tại đối với người sử dụng lao động. Khái niệm về giá trị nội tại là chìa khóa để nắm bắt các loại hình tiền tệ bắt nguồn từ quá trình hàng đổi hàng.

Tiền hàng hóa

Trong quá trình tiến hóa tự nhiên của mọi xã hội, luôn luôn có một hoặc hai mặt hàng được sử dụng nhiều hơn bình thường so với các mặt hàng khác trong quá trình trao đổi hàng hóa. Lý do là những mặt hàng này có một số đặc điểm hữu ích hay hấp dẫn đối với hầu hết tất cả mọi người. Rốt cuộc, chúng được trao đổi, không phải vì giá trị thực của chính mình, mà vì chúng đại diện cho một nơi lưu trữ giá trị mà sau này người ta có thể dùng để đổi lấy một mặt hàng khác. Về điểm này, chúng không còn mang nghĩa hàng đổi hàng nữa mà trở thành tiền thật. Theo định nghĩa cơ bản của chúng tôi, chúng là một phương tiện trung gian trao đổi. Và, vì phương tiện trung gian này là một mặt hàng có giá trị nội tại, nó có thể được mô tả dưới dạng thức tiền hàng hóa.

Trong thời kỳ nguyên thủy, mặt hàng thường được sử dụng nhiều nhất dưới dạng thức tiền hàng hóa là thực phẩm dưới dạng sản phẩm hoặc vật nuôi. Bằng chứng gợi mở cho dữ kiện này là từ pecuniary, có nghĩa là liên quan đến tiền bạc. Nó có nguồn gốc từ từ pecunia, nghĩa là con trong tiếng Latinh.

Nhưng, khi xã hội tiến triển qua mức độ tồn tại cơ bản, các mặt hàng khác ngoài thực phẩm cũng được đưa vào danh sách nhu yếu phẩm. Thỉnh thoảng, đồ trang trí được đánh giá cao khi nguồn cung cấp thực phẩm trở nên phong phú, và có bằng chứng cho thấy một số xã hội sử dụng vỏ sò màu và các loại đá hiếm để phục vụ mục đích này. Nhưng những thứ này chưa bao giờ có thể đe dọa các mặt hàng như gia súc, cừu, ngô hay lúa mì, bởi vì những mặt hàng chủ lực này sở hữu giá trị nội tại lớn hơn ngay cả khi chúng không được sử dụng như tiền tệ.

Các kim loại được sử dụng như tiền tệ

Cuối cùng, khi loài người học được cách tinh chế quặng thô và chế tác chúng thành công cụ hoặc vũ khí, bản thân kim loại trở nên có giá trị. Đây là buổi bình minh của Thời đại Đồ đồng, trong đó sắt, đồng đỏ, thiếc và đồng vàng được giao dịch giữa các thợ thủ công và thương nhân trên các tuyến đường thương mại và tại các cảng biển lớn.

Ban đầu, giá trị của các thỏi kim loại được xác định bằng trọng lượng. Sau đó, vì những thương gia chế tác kim loại đóng dấu trọng lượng thống nhất lên mặt trên, giá trị của các thỏi kim loại được tính đơn giản bằng cách đếm số lượng các thỏi. Mặc dù kích thước các thỏi kim loại quá lớn để đem theo người, nhưng chúng vẫn đủ nhỏ để có thể vận chuyển dễ dàng, và như vậy, trên thực tế, chúng đã trở thành tiền kim loại sơ khai nhưng có hiệu quả.

Lý do chính mà các kim loại được sử dụng rộng rãi dưới dạng thức tiền hàng hóa là vì chúng rất thuận tiện trong trao đổi. Ngoài việc sở hữu giá trị nội tại cho các mục đích sử dụng khác ngoài tiền bạc, chúng không dễ hư hỏng hay tử vong, điều hoàn toàn chắc chắn khi nói về gia súc như bò. Bằng cách nung chảy và đóng khuôn, các thỏi kim loại có thể chia thành các đơn vị nhỏ hơn và sử dụng thuận tiện cho việc mua bán các mặt hàng nhỏ, nhưng điều này là không thể đối với kim cương; và, bởi vì số lượng quặng kim loại không có nhiều, nên dù nhỏ nhưng chúng vẫn mang giá trị cao, có nghĩa là chúng có thể được mang theo người dễ dàng hơn so với các mặt hàng như gỗ.

Tuy nhiên, có lẽ thuộc tính tiền tệ quan trọng nhất của kim loại lại là khả năng được đong đo chính xác. Một điều quan trọng cần phải nhớ là, dưới dạng thức và chức năng cơ bản của mình, tiền tệ vừa là nơi lưu trữ vừa là thước đo giá trị. Đây là đối tượng tham chiếu có thể dùng để so sánh tất cả những mặt hàng khác trong nền kinh tế. Do đó, tự bản thân các đơn vị tiền tệ phải mang tính chất có thể đo lường và bất biến. Khả năng có thể kiểm tra được chính xác về cả độ tinh khiết và trọng lượng khiến kim loại trở nên lý tưởng đối với chức năng này. Các chuyên gia có thể tranh cãi về chất lượng chính xác của một loại đá quý, nhưng một phôi kim loại thì hoặc tinh khiết đến 99% hoặc không, hoặc nặng 100 ounce hoặc không. Ý kiến của một người gần như không thể thay đổi được điều đó. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà trên khắp các châu lục và trong suốt lịch sử, con người đã lựa chọn các kim loại như là phương tiện lưu trữ và đo lường giá trị lý tưởng.

Sự áp đảo của vàng

Tất nhiên, có một kim loại đã được lựa chọn từ các kim loại khác sau nhiều thế kỷ thử nghiệm. Thậm chí ngày nay, trong một thế giới mà tiền không còn có thể được định nghĩa, thì theo bản năng chúng ta vẫn biết rằng vàng là kim loại tốt nhất cho đến khi xuất hiện một thứ khác tốt hơn. Chúng ta sẽ để dành việc này cho các nhà xã hội học tranh luận lý do tại sao vàng lại được chọn là loại tiền phổ quát. Còn chúng ta chỉ cần biết rằng vàng là thứ kim loại đã được lựa chọn. Nhưng chúng ta không nên bỏ qua khả năng chứng minh vàng là một sự lựa chọn tuyệt vời. Về số lượng, có vẻ chỉ có một lượng vàng vừa phải đủ để đảm bảo giá trị của nó đối với tiền đúc hữu dụng. Vàng không phong phú bằng bạc – thứ kim loại tình cờ là lựa chọn thứ hai trong hệ thống tiền tệ – nhưng lại phong phú hơn bạch kim. Cả bạc và bạch kim đều có thể đáp ứng được mục đích tiền tệ khá tốt, nhưng vàng mang lại sự kết hợp hoàn hảo hơn. Hơn nữa, vàng còn là một mặt hàng có nhu cầu lớn đối với các mục đích ngoài tiền tệ khác. Vàng được sử dụng trong cả công nghiệp và trang trí, do đó có thể đảm bảo giá trị nội tại trong mọi điều kiện. Và, tất nhiên, độ tinh khiết và trọng lượng của nó có thể được đong đo một cách chính xác.

Lý thuyết sai lầm về số lượng

Người ta thường cho rằng việc sử dụng vàng như tiền tệ là không phù hợp bởi vì số lượng vàng quá hạn chế đến nỗi không thể đáp ứng hết các nhu cầu trong nền thương mại hiện đại. Xét về bề nổi, lập luận này nghe có vẻ hợp lý – xét cho cùng, chúng ta cần rất nhiều tiền để giữ cho bánh xe của nền kinh tế chuyển động – nhưng, sau khi xem xét, lập luận này hóa ra lại là một trong những ý tưởng trẻ con nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng ra.

Trước hết, người ta ước tính rằng khoảng 45% lượng vàng đã được khai thác trên toàn thế giới kể từ khi phát hiện ra châu Mỹ đến nay đang nằm trong tay chính phủ hoặc các ngân hàng dự trữ.[3] Ngoài ra, chắc chắn có ít nhất khoảng 30% lượng vàng được sử dụng làm trang sức, đồ trang trí và tích trữ cá nhân. Kể từ khi Columbus phát hiện ra châu Mỹ đến nay, khó có thể coi bất kỳ loại hàng hóa nào tồn tại tới mức 75% tổng sản lượng thế giới đã được sản xuất là khan hiếm.

Tuy nhiên, thực tế lại sâu sắc hơn nhiều, nguồn cung không phải là một vấn đề quan trọng. Hãy nhớ rằng chức năng chính của tiền tệ là đo lường giá trị của các mặt hàng mà nó được trao đổi. Theo ý nghĩa này, tiền tệ được coi là thước đo giá trị. Điều này không hề khác biệt so với việc chúng ta đo chiều dài của tấm thảm bằng inch, foot, thước Anh hay mét. Thậm chí chúng ta còn có thể đo bằng dặm nếu sử dụng số thập phân và thể hiện kết quả dưới dạng 1/1000 dặm. Chúng ta còn có thể sử dụng các loại thước đo khác, nhưng dù có sử dụng hệ đo lường nào đi chăng nữa, bản chất của thứ chúng ta đang đo lường vẫn không thay đổi. Tấm thảm không thể lớn hơn chỉ vì chúng ta tăng số lượng các đơn vị đo lường bằng cách đánh dấu thêm trên thước đo.

Nếu nguồn cung vàng quá nhỏ so với nguồn cung hàng hoá có sẵn đến mức một đồng xu trị giá 1 ounce trở nên quá đáng giá trong các giao dịch nhỏ, người ta chỉ cần sử dụng tiền xu trị giá 1/2 ounce hoặc tiền xu trị giá 1/10 ounce. Lượng vàng trên thế giới không ảnh hưởng đến khả năng sử dụng vàng như tiền tệ, nó chỉ ảnh hưởng đến số lượng sẽ được sử dụng để đo lường bất kỳ giao dịch nào.

Hãy để chúng tôi minh họa cho luận điểm này bằng cách tưởng tượng rằng chúng ta đang chơi trò chơi Cờ Tỷ phú (Monopoly). Mỗi người được tặng một lượng tiền chơi ban đầu để giao dịch kinh doanh. Không bao lâu sau, chúng ta đều bắt đầu cảm thấy thiếu hụt tiền mặt. Nếu chúng ta có nhiều tiền hơn, chúng ta hoàn toàn có thể có thêm các thương vụ. Hãy giả sử thêm rằng một người chơi phát hiện ra một hộp trò chơi Cờ Tỷ phú khác được đặt trong tủ quần áo và đề xuất sử dụng số tiền trong đó để thêm vào trò chơi đang diễn ra. Theo thỏa thuận chung, tiền được phân phối đều cho tất cả người chơi. Điều gì sẽ xảy ra?

Giờ đây, cung tiền đã được tăng gấp đôi. Tất cả đều sở hữu một lượng tiền gấp đôi so với ban đầu. Nhưng liệu chúng ta có trở nên giàu có hơn? Vì số lượng tài sản tương ứng không hề tăng lên, do đó, mọi người sẽ nâng giá cao hơn mức giá hiện có cho đến khi giá hàng đắt gấp đôi. Nói cách khác, luật cung cầu sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái cân bằng chính xác giống như trạng thái cân bằng đã tồn tại trước đó với nguồn cung tiền hạn chế hơn. Lượng tiền gia tăng mà hàng hóa không gia tăng tương ứng sẽ dẫn đến hậu quả là sức mua của từng đơn vị tiền tệ giảm xuống. Nói cách khác, thực tế không có gì thay đổi ngoại trừ việc giá niêm yết của tất cả các mặt hàng đi lên. Nhưng đó chỉ là giá niêm yết, giá biểu hiện theo đơn vị tiền tệ. Thực vậy, giá thực tế, xét về mối quan hệ của nó với tất cả các loại giá khác, vẫn giữ nguyên. Chỉ có giá trị tương đối của cung tiền đã giảm. Điều này tất nhiên là cơ chế cổ điển của hiện tượng lạm phát. Giá thành không (thực sự) tăng, mà giá trị của tiền tệ lại giảm xuống.

Giả sử, trong lễ Giáng sinh năm tới, ông già Noel tặng tất cả mọi người trên trái đất một số tiền chính xác bằng số tiền mọi người đã có, chắc chắn rất nhiều người sẽ vui mừng vì đột nhiên trở nên giàu có hơn. Tuy nhiên trong ngày đầu năm mới, giá tất cả các mặt hàng sẽ tăng gấp đôi, và kết quả ròng về tiêu chuẩn sống của thế giới sẽ vẫn là con số không tròn trĩnh.[4]

Lý do rất nhiều người sập bẫy lập luận hấp dẫn rằng nền kinh tế cần một nguồn cung tiền lớn hơn là do họ chỉ tập trung vào nhu cầu gia tăng nguồn cung của mình. Nếu họ dừng lại dù chỉ một lát để suy nghĩ về những hậu quả của tổng nguồn cung ngày càng tăng, họ sẽ dễ dàng thấy sự vô nghĩa của lập luận này.

Murray Rothbard, giáo sư kinh tế tại Đại học Nevada tại Las Vegas, nói:

Chúng ta phát hiện ra một sự thật đáng ngạc nhiên, đó là dù nguồn cung tiền có là gì đi chăng nữa cũng không hề quan trọng. Nguồn cung nào cũng tốt như nguồn cung nào. Thị trường tự do sẽ chỉ cần điều chỉnh bằng cách thay đổi sức mua, hoặc hiệu lực, của đơn vị vàng trong thị trường. Không cần phải lên kế hoạch cho việc gia tăng cung tiền, để bù đắp bất kỳ điều kiện nào hoặc để thực hiện bất kỳ tiêu chuẩn nhân tạo nào. Việc thị trường có nhiều tiền hơn không có nghĩa là nó có thể cung cấp nhiều vốn hơn, cũng không phải là năng suất cao hơn và không tạo ra sự “tăng trưởng kinh tế”.[5]

Vàng đảm bảo bình ổn giá

Cục Dự trữ Liên bang tuyên bố rằng một trong những mục tiêu chính của mình là bình ổn giá. Tất nhiên, nó đã thất bại thảm hại. Thế nhưng, trớ trêu thay, bình ổn giá là việc làm dễ nhất trên thế giới. Tất cả những gì chúng ta cần phải làm là đừng can thiệp vào nguồn cung tiền nữa mà hãy để việc đó cho thị trường tự do. Giá cả sẽ tự động bình ổn theo một hệ thống tiền hàng hóa, và điều này đặc biệt đúng đối với bản vị vàng.

Các nhà kinh tế có khuynh hướng minh họa các hoạt động của thị trường bằng cách tạo ra các mô hình kinh tế vi mô và vĩ mô giả thuyết, trong đó mọi thứ được giảm xuống đến mức chỉ còn một vài yếu tố và một vài cá thể. Do vậy, trên tinh thần đó, chúng ta hãy tạo ra một mô hình kinh tế giả thuyết chỉ bao gồm hai tầng lớp nhân dân: thợ mỏ vàng và thợ may. Hãy giả sử rằng luật cung cầu đã định giá một ounce vàng tương đương với một bộ đồ đặt may tinh xảo. Điều đó có nghĩa rằng nhân công, công cụ, vật liệu và kỹ năng cần thiết để khai thác và tinh luyện một ounce vàng có giá trị tương đương với nhân công, lao động, công cụ và kỹ năng cần thiết để dệt và may bộ đồ này. Cho đến nay, số lượng các ounce vàng được sản xuất mỗi năm gần như tương đương với số lượng các bộ đồ tinh xảo được may mỗi năm, do đó, giá vẫn ổn định. Giá của một bộ đồ là một ounce vàng, và giá trị của một ounce vàng tương đương với một bộ đồ cắt may tinh xảo.

Bây giờ chúng ta giả sử rằng các thợ mỏ, trong nỗ lực hướng tới một mức sống tốt hơn, đã làm thêm giờ và lượng vàng sản xuất trong năm nay nhiều hơn so với năm ngoái – hoặc giả sử họ phát hiện ra một mỏ vàng mới làm tăng đáng kể nguồn cung có sẵn mà không tốn thêm công sức nào. Giờ đây mọi thứ không còn cân bằng nữa. Sản lượng ounce vàng trên thị trường cao hơn so với quần áo. Việc nguồn cung tiền tăng vượt mức so với nguồn cung hàng hoá có sẵn cũng giống như trong trò chơi Cờ Tỷ phú mà chúng ta đã chơi từ trước. Giá quần áo niêm yết tăng lên vì giá trị tương đối của vàng giảm xuống.

Tuy nhiên, quá trình không dừng lại ở đó. Khi các thợ mỏ nhận thấy rằng họ chẳng khấm khá hơn trước mặc dù vẫn phải lao động thêm giờ, và đặc biệt là khi họ phát hiện ra rằng các thợ may tạo ra lợi nhuận cao hơn mà không phải mất thêm công sức, một vài người trong số họ quyết định bỏ nghề và chuyển sang làm nghề may. Nói cách khác, họ đang phản ứng lại với luật cung cầu trong lao động. Trong trường hợp này, sản lượng vàng hàng năm đi xuống, còn sản lượng quần áo lại tăng lên, và thị trường lại một lần nữa quay trở về trạng thái cân bằng trong đó quần áo và vàng được trao đổi ngang giá như trước. Thị trường tự do, nếu không bị trói buộc bởi các chính trị gia và cơ chế phát hành tiền tệ, sẽ luôn luôn duy trì một cơ cấu giá ổn định được tự động quy định bởi một yếu tố cơ bản – sức lao động. Sức lao động cần thiết để khai thác một ounce vàng từ trong lòng đất sẽ luôn luôn xấp xỉ ngang bằng sức lao động cần thiết để cung cấp hàng hóa và dịch vụ mà nó được tự do trao đổi.

Thuốc lá cũng được coi là tiền

Một ví dụ hoàn hảo về việc hàng hóa có xu hướng tự điều chỉnh giá xảy ra ở Đức vào cuối Thế chiến II khi đồng Mác Đức trở nên vô giá trị và phương thức hàng đổi hàng lại trở nên phổ biến. Thời điểm này, một mặt hàng trao đổi, cụ thể là thuốc lá, thực sự trở thành một loại tiền hàng hóa, và chúng đã hoàn thành vai trò của mình khá tốt. Một số thuốc lá được nhập lậu vào Đức, nhưng hầu hết là do lính Mỹ đưa vào. Dù trong trường hợp nào đi nữa, thuốc lá vẫn nằm trong tình trạng thừa cầu thiếu cung. Một điếu thuốc lá tương đương với mấy đồng xu lẻ. Một bao thuốc hai mươi điếu và một tút thuốc hai trăm điếu có giá trị như các đơn vị tiền tệ lớn hơn. Giả sử tỷ giá bắt đầu giảm quá thấp – nói cách khác, nếu nguồn cung thuốc lá có xu hướng mở rộng với tốc độ nhanh hơn so với nguồn cung của các hàng hóa khác, nhiều khả năng chủ sở hữu thuốc sẽ hút một phần số thuốc mình có thay vì dùng chúng để mua các mặt hàng khác. Cung sẽ giảm và giá trị sẽ trở về trạng thái cân bằng trước đó. Đây không phải là lý thuyết mà đã xảy ra trên thực tế.[6]

Với việc coi vàng là cơ sở tiền tệ, chúng ta hy vọng rằng những cải tiến trong công nghệ sản xuất sẽ giảm dần chi phí sản xuất – nguyên nhân gây ra biến động giá cả đi xuống thay vì bình ổn giá. Tuy nhiên, áp lực đi xuống này sẽ được bù đắp một phần bằng việc chi phí cho các công cụ phức tạp hơn theo yêu cầu sẽ tăng lên. Hơn nữa, hiệu quả công nghệ tương tự đang được áp dụng trong lĩnh vực khai thác mỏ, vì vậy mọi thứ đều có xu hướng cân bằng. Lịch sử đã chỉ ra rằng những thay đổi trong trạng thái cân bằng tự nhiên này là hãn hữu và chỉ xảy ra từ từ trong một thời gian dài. Ví dụ, năm 1913, năm Cục Dự trữ Liên bang được chính thức thành lập, mức lương trung bình hàng năm ở Mỹ là 633 đô-la. Giá trị trao đổi của vàng năm đó là 20,67 đô-la. Điều đó có nghĩa rằng người lao động trung bình kiếm được khoảng 30,6 ounce vàng mỗi năm.

Năm 1990, mức lương trung bình hàng năm tăng lên 20.468 đô-la, cao gấp 3.233% so với năm 1913 và trung bình tăng 42%/năm trong vòng 77 năm. Nhưng giá trị trao đổi của vàng trong năm 1990 cũng tăng lên, đạt mốc 386,90 đô-la/ounce. Do đó, người lao động trung bình kiếm được khoảng 52,9 ounce vàng mỗi năm, tương đương với mức tăng 73% so với lượng vàng họ kiếm được trong năm 1913, tức là chỉ tăng chưa đầy 1%/năm trong cùng thời kỳ. Rõ ràng, sự gia tăng đáng kể trong tiền lương là vô nghĩa đối với một người Mỹ trung bình. Thực tế cho thấy chỉ có một sự gia tăng nhỏ nhưng ổn định trong sức mua (khoảng 1%/năm) và đó là kết quả của sự cải thiện dần dần trong công nghệ. Đây là nhân tố duy nhất cải thiện mức sống và đưa giá cả trở về giá trị thực dựa trên giá trị tương đối của vàng.

Trong những lĩnh vực mà dịch vụ cá nhân là yếu tố chính và công nghệ ít quan trọng hơn, sự ổn định của vàng như một thước đo giá trị thậm chí còn đáng chú ý hơn. Tại Khách sạn Savoy London, một đồng tiền vàng vẫn có thể mua bữa tối cho ba người như năm 1913. Và, trong thế giới La Mã cổ đại, giá của một bộ đồ thủ công gồm một áo choàng toga, một thắt lưng và một đôi dép tinh xảo tương đương một ounce vàng. Mức giá này gần như không thay đổi so với mức giá ngày nay, hai ngàn năm sau đó, cho một bộ đồ thủ công gồm quần áo, thắt lưng và một đôi giày. Không có một ngân hàng trung ương hay một tổ chức nào mà con người tạo ra có thể đạt đến mức bình ổn giá như vậy. Vậy mà đây lại là một quy luật hoàn toàn tự động dựa trên bản vị vàng.

Bất luận thế nào, trước khi kết thúc chủ đề về vàng, chúng ta nên thừa nhận rằng vàng không phải là một thứ huyền bí. Nó chỉ đơn thuần là một mặt hàng có giá trị nội tại và sở hữu những phẩm chất nhất định và đã được chấp nhận trong suốt chiều dài lịch sử như một phương tiện trung gian trao đổi. Hitler đã tiến hành một chiến dịch chống lại vàng vì ông ta cho rằng đây là một công cụ của các ngân hàng Do Thái. Nhưng nền giao thương của Đức Quốc xã lại phụ thuộc mạnh mẽ vào vàng và phần lớn sử dụng vàng để tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của mình. Lenin cho rằng vàng chỉ được sử dụng để giữ chân các công nhân trong cảnh đời nô lệ và rằng, sau khi cách mạng thành công, vàng sẽ được sử dụng để lát sàn các nhà vệ sinh công cộng. Liên Xô dưới chế độ Cộng sản trở thành một trong những nhà sản xuất và tiêu dùng vàng lớn nhất thế giới. Nhà kinh tế học John Maynard Keynes từng gọi vàng là “thứ kim loại man rợ” nhưng ngày nay, nhiều người theo trường phái Keynes lại đang ra sức đầu tư vào vàng. Tất nhiên, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp xuất hiện một thứ khác ngoài vàng có thể đảm nhiệm tốt hơn vai trò làm cơ sở cho tiền tệ. Chỉ là, trong hơn hai ngàn năm qua, không ai có thể tìm thấy thứ đó.

Quy luật tự nhiên số 1

Mở rộng cung tiền bằng cách cắt rìa tiền xu

Vàng là kẻ thù của nhà nước phúc lợi

Tiền hàng hóa thực trong lịch sử

Tiền hàng hóa xấu trong lịch sử

Tiền biên nhận

Quy luật tự nhiên số 2

Tổng kết

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Quai vat dao Jekyll – Ch 7.pdf

—-

[1] Trích dẫn trong C.V. Myers, Money and Energy: Weathering the Storm (Darien, Connecticut: Soundview Books, 1980), pp. 161, 163. Cũng được trích dẫn trong Lawrence S. Ritter, ed., Money and Economic Activity (Boston: Houghton Mifflin, 1967), p. 33.

[2] Nói một cách chặt chẽ, mỗi bên tin rằng giá trị của cái mà anh ta nhận lớn hơn giá trị cái mà anh ta cho đi, nếu không thì anh ta đã không tiến hành trao đổi. Do đó, trong suy nghĩ của những tiến hành trao đổi, các đồ vật có giá trị khác nhau. Quan điểm này là quan điểm chung của cả hai bên.

[3] Xem Elgin Groseclose, Money and Man: A survey of Monetary Experience, 4th ed. (Oklahoma: University of Oklahoma Press, 1976), p. 259.

[4] Tuy nhiên, những người nào ra chợ trước sẽ được hưởng lợi tạm thời từ giá bán cũ. Trong điều kiện lạm phát, những người nào có tiền tiết kiệm sẽ bị trừng phạt.

[5]Murray Rothbard, What Has Government Done to Our Money? (Larkspur, Colorado: Pine Tree Press, 1964), p. 13.

[6] Xem Galbraith, p. 250.