Bàn về trách nhiệm của quốc gia trong quan hệ quốc tế

Tác giả: Đỗ Thanh Hải*

Ngày nay, khi quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia không còn là các ốc đảo riêng biệt, mà gắn bó với nhau ngày càng chặt chẽ thông qua vô vàn các mối liên kết khác nhau, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa và giáo dục. Trong mạng lưới liên kết này, quyết định và hành động của một quốc gia, ngay cả khi chúng chỉ mang tính chất nội bộ, cũng tạo ra các hậu quả trực tiếp và gián tiếp đến các quốc gia khác và cộng đồng quốc tế. Việc các quốc gia kiên quyết theo đuổi lợi ích vị kỉ của mình sẽ tạo ra thế cạnh tranh gay gắt khiến họ mắc kẹt trong thế tình huống lưỡng nan của người tù (prisoner’s dilemma), làm gia tăng căng thẳng, bất bình đẳng và hủy hoại môi trường sống toàn cầu. Trong bối cảnh đó, quan niệm truyền thống về chủ quyền quốc gia gặp nhiều thách thức to lớn. Nhu cầu hợp tác đòi hỏi các cách tiếp cận mới đối với quan hệ quốc tế (QHQT) nói chung và chính sách đối ngoại (CSĐN) của từng quốc gia nói riêng, trong đó vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia cần phải được xem xét trong một không gian rộng lớn hơn của xã hội các quốc gia và môi trường sinh thái toàn cầu, với tầm nhìn dài hạn hơn và đa diện hơn. Cần thiết phải xây dựng và đấu tranh cho một trật tự thế giới mới công bằng hơn, dân chủ và văn minh hơn trong đó quyền tự chủ và lợi ích của các quốc gia luôn gắn liền với trách nhiệm và bổn phận của quốc gia đối với cộng đồng quốc tế.

Là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung đó. Tình hình quốc tế hiện nay đòi hỏi tư duy và cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại, cụ thể là Việt Nam phải chủ động, tích cực hơn để xây dựng một môi trường quốc tế và khu vực hòa bình, ổn định, có lợi cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững, thực lực vững mạnh hơn và vị thế được nâng cao hơn là những điều kiện đủ để Việt Nam thực hiện một chính sách đối ngoại “dấn thân” hơn, đảm nhận một số vai trò quốc tế lớn hơn. Lợi ích quốc gia lâu dài đòi hỏi Việt Nam chú ý hơn nữa đến trách nhiệm quốc gia, để không chỉ là một “người bạn, một đối tác tin cậy” của các quốc gia khác mà còn phải là “một thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế. Bài viết này tập trung phân tích khái niệm và những nội hàm cơ bản của trách nhiệm quốc tế của quốc gia, từ đó liên hệ với bối cảnh và thực tiễn đối ngoại của Việt Nam.

Khái niệm “Trách nhiệm quốc tế” của quốc gia

Định nghĩa trách nhiệm quốc tế của quốc gia

Theo định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt, khái niệm trách nhiệm có hai hàm nghĩa cơ bản: (i) công việc được giao cho hoặc coi như được giao cho một cá nhân hay một tập thể, phải đảm bảo làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả, ví dụ: trách nhiệm làm cha mẹ, trách nhiệm của giám đốc, và ý thức trách nhiệm; (ii) sự ràng buộc đối với lời nói và hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu hậu quả, ví dụ: chịu trách nhiệm về lời khai, một việc làm có trách nhiệm.[1]

Cần phải phân biệt giữa khái niệm “trách nhiệm” và khái niệm “bổn phận” và “nghĩa vụ”. Khái niệm “nghĩa vụ” ám chỉ những việc cụ thể phải làm theo các quy định của pháp luật hay đạo đức. Khái niệm “bổn phận” được dùng để chỉ những việc mà một cá nhân phải thực hiện theo luân thường đạo lý. Như vậy, khái niệm “trách nhiệm” nhấn mạnh đến kết quả chứ không đề cập đến các nghĩa vụ, bổn phận cụ thể và sự liên hệ giữa hành động và quyết định của một cá nhân và tập thể đối với những kết quả do hành động và quyết định đó gây ra đối với cộng đồng. Theo đó, khái niệm ý thức trách nhiệm, hay có trách nhiệm, được dùng để chỉ ý thức của một cá nhân, hay tập thể về nghĩa vụ và bổn phận cần thực hiện, mà còn về hậu quả do hành động và quyết định của họ gây ra với lợi ích chung của cộng đồng.

“Trách nhiệm” là một phạm trù quen thuộc trong chính trị học và xã hội học. Trách nhiệm, cùng với quyền lợi, được xác định cho các cá nhân và tập thể để đảm bảo sự vận hành trơn tru của các bộ máy quyền lực và duy trì các trật tự xã hội hiện hành. Mục đích của việc xác định trách nhiệm, hoặc gắn trách nhiệm và quyền lợi, là để hạn chế các cá nhân, tập thể chạy theo lợi ích bản thân vị kỉ, từ đó làm phương hại đến lợi ích tập thể, cộng đồng, nhưng cũng qua đó thúc đẩy hợp tác giữa các cá nhân, tập thể vì các lợi ích chung.Ví dụ: quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong một bộ máy hành chính, quy chuẩn về trách nhiệm của các doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CRS) đối với các lợi ích chung. Trên phạm vi thế giới, do mỗi quốc gia có hệ thống quy phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức riêng, ngày có càng nhiều lời kêu gọi xây dựng các chuẩn mực toàn cầu. Ví dụ: Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) đang phát triển một hệ tiêu chuẩn quốc tế, gọi là ISO 26000 về trách nhiệm xã hội, trong đó khuyến khích các tổ chức đảm nhận “trách nhiệm đối với tác động của các quyết định và hành động của họ đối với xã hội và môi trường thông qua các hành vi minh bạch và đạo đức góp phần đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với quy phạm luật pháp và các chuẩn mực quốc tế liên quan”.

Là một chủ thể đặc biệt, các quốc gia có hai loại trách nhiệm riêng biệt. Một là trách nhiệm của quốc gia đối với các công dân của quốc gia đó. Về lý thuyết, quốc gia có trách nhiệm bảo vệ, cung cấp các dịch vụ công, và bảo đảm an sinh xã hội cho cộng đồng cư dân thuộc quyền tài phán của nó. Hai là trách nhiệm của quốc gia đối với cộng đồng quốc tế. Trách nhiệm quốc tế của một quốc gia thể hiện những đóng góp của quốc gia đó vào các sự nghiệp chung của khu vực và toàn cầu, cơ bản là: (i) duy trì hòa bình và an ninh khu vực và trên thế giới; (ii) thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và phát triển bền vững; (iii) xây dựng các khuôn khổ hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa công bằng, dân chủ  và văn minh; (iv) đối phó với các mối hiểm họa khu vực và toàn cầu.

Theo đó, một quốc gia có trách nhiệm cần phải:

(i)     Tôn trọng, tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực, và thể chế quốc tế được thừa nhận rộng rãi, và góp phần xây dựng, điều chỉnh các khuôn khổ pháp lý và đạo đức phù hợp với điều kiện quốc tế cụ thể;

(ii)   Xử lý một cách hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác; luôn luôn ý thức về hậu quả của hành vi của mình đối với lợi ích của cộng đồng quốc tế và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác;

(iii)Tham gia cung cấp các dịch vụ công quốc tế như duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, kiến tạo các khuôn khổ hợp tác chính trị, kinh tế theo hướng công bằng hơn, dân chủ hơn và văn minh hơn;

(iv)Đóng góp phù hợp với năng lực và vị thế để giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt thông qua các chương trình do Liên Hợp Quốc khởi xướng như Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, Thỏa ước Toàn cầu, Hiến chương Trái đất, Nghị định thư Kyoto về chống biến đổi khí hậu…

Một số ví dụ về hành vi thiếu trách nhiệm trong QHQT

Thực tế quan hệ quốc tế cho thấy quốc gia theo đuổi những lợi ích vị kỉ, có thái độ và hành động thiếu cân nhắc về hậu quả, làm phương hại đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác. Có thể kể đến một số hành động thiếu trách nhiệm sau:

Không tôn trọng, tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực, thể chế quốc tế

Hai nhiệm kì cầm quyền của Tổng thống G. W. Bush làm cho uy tín của Mỹ bị giảm sút nghiêm trọng trên trường quốc tế. Lý do cơ bản bởi chính quyền của Tổng thống Bush theo đuổi một loạt các hành động theo đuổi lợi ích quốc gia vị kỉ, ưu tiên các biện pháp đơn phương, và coi trọng sử dụng sức mạnh trong chính sách đối ngoại. Cụ thể, chính quyền Mỹ từ chối tham gia Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, không phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT), và rút ra khỏi Hiệp ước Phòng thủ tên lửa ABM (kí năm 1972 với Liên Xô) hòng tìm kiếm lợi thế về vũ khí chiến lược trong bối cảnh nước Nga gặp nhiều khó khăn. Đỉnh cao của sự thiếu trách nhiệm là Mỹ quyết định sử dụng vũ lực xâm lược I-rắc năm 2003 mà không có sự cho phép của Liên Hợp Quốc. Sự can thiệp của Mỹ dù với lý do gì “can thiệp nhân đạo”, “truyền bá dân chủ” hay “đánh đòn phủ đầu để đảm bảo an ninh” tạo ra sự lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế. Uy tín của Mỹ vì thế mà giảm sút nghiêm trọng. Chính vì lý do đó, John Bolton kêu gọi chính quyền Obama cần có những thay đổi mạnh mẽ trong CSĐN của nước này, đưa Mỹ trở thành một quốc gia “có chủ quyền có trách nhiệm” với các nỗ lực cụ thể để thiết lập một trật tự toàn cầu trên cơ sở luật pháp, đề cao ngoại giao, và chủ nghĩa đa phương.[2]

Xác định và thực hiện lợi ích quốc gia một cách vị kỉ, làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế và các quốc gia khác

Gần đây, uy tín của Trung Quốc trên toàn cầu bị suy giảm nghiêm trọng do nhiều hành vi được coi là thiếu tinh thần hợp tác và vị kỉ, không quan tâm thỏa đáng đến lợi ích chính đáng của các quốc gia khác. Trước hết ở khu vực, việc Trung Quốc từ chối tham gia Ủy hội Sông Mê-kông, và quyết định xây nhiều con đập trên thượng nguồn con sông mà không qua tham vấn ý kiến của các quốc gia sử dụng chung dòng sông. Thái độ và cách thức khai thác vùng thượng nguồn sông Mê-kông của Trung Quốc, dù trong lãnh thổ của quốc gia này, có tác động mạnh mẽ đến môi trường sinh thái ở khu vực và cuộc sống của hàng triệu người dân sống trong lưu vực của con sông ở Lào, Thái Lan, Căm-pu-chia, Myanmar và Việt Nam.[3] Trung Quốc cũng bị phê phán trên toàn cầu vì thực hiện chính sách khai thác tài nguyên ở các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Phi, bất chấp những hậu quả xã hội và môi trường nghiêm trọng cho các cộng đồng sở tại.[4]

Có các hành vi làm tổn hại đến hòa bình, an ninh khu vực và không thực lòng, không thiện chí muốn giải quyết các tranh chấp quốc tế

Duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực và toàn cầu luôn là nhu cầu cấp thiết. Để duy trì môi trường hòa bình và ổn định, cần thiết phải xây dựng các cơ chế giải quyết xung đột hiệu quả, đồng thời các quốc gia liên quan cần có trách nhiệm kiềm chế, không có các hành động khiêu khích, đe dọa sử dụng vũ lực làm phức tạp thêm tình hình. Một ví dụ điển hình của hành vi thiếu trách nhiệm của cả Thái Lan và Cam-pu-chia trong việc giải quyết tranh chấp ngôi đền Praeh Vihear. Hai nước này đã để xảy ra các xung đột vũ trang nhỏ liên tiếp, đồng thời tạo ra nhiều xáo trộn với các hành vi làm gia tăng căng thẳng. Đặc biệt là việc Cam-pu-chia mời cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người đang bị chính quyền Thủ tướng Abisit Vejjajiva truy tố, về làm cố vấn kinh tế cho chính phủ Phnôm Pênh. Những hành động như vậy đi ngược lại tinh thần của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC).[5]

Một trường hợp khác là Ấn Độ tố cáo Pa-kít-xtan là quốc gia thiếu trách nhiệm trong việc bao che, tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố tấn công vào lãnh thổ Ấn Độ, đặc biệt là cuộc tấn công đẫm máu vào thành phố Mumbai cuối năm 2008.[6] Nhà nước Taliban ở Áp-ga-ni-xtan cũng đã từng bị tố cáo che chở và nuôi dưỡng mạng lưới khủng bố Al Qeada, những kẻ chủ mưu và thực hiện vụ tấn công đẫm máu 11/9 tại Mỹ năm 2001.

Không thiện chí đóng góp, hoặc đóng góp không tương xứng với khả năng vào các nỗ lực quốc tế để giải quyết các hiểm họa toàn cầu

Thế giới ngày hôm nay đối mặt với nhiều mối đe dọa trên quy mô khu vực và toàn cầu, ví dụ như vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đói nghèo, thiên tai, sự lan truyền của các dịch bệnh hiểm nghèo, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thiếu hụt nguồn nước… Chưa bao giờ, khái niệm an ninh con người được chú ý nhiều đến như vậy. Nạn đói ở châu Phi, các thảm họa tự nhiên như sóng thần, động đất cướp đi nhiều sinh mạng hơn cả các cuộc chiến tranh đang diễn ra hiện nay. Các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, các nguy cơ khủng hoảng kinh tế – tài chính đe dọa sự ổn định chính trị và thành tích phát triển kinh tế của tất cả các quốc gia.[7]

Việc đối phó và giải quyết tận gốc các vấn đề này cần có sự chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, các quốc gia vẫn bị bó buộc bởi chính trị nội bộ, hoặc chưa nhận thức đầy đủ, hoặc dành quá ít nguồn lực cho các nỗ lực tập thể. Sự thất bại của Hội nghị Co-pen-ha-gen tháng 12/2009 cho thấy vẫn chưa có sự đồng thuận toàn cầu để đối phó với nguy cơ biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển và Trung Quốc (nhóm G77 – Trung Quốc) tố cáo các nước công nghiệp phát triển tìm cách bảo vệ lợi ích của họ gây thiệt hại cho các nước nghèo hơn và dễ bị tổn thương hơn.[8] Có quan điểm khác lại phê phán Trung Quốc, coi nước này là một người chơi xấu, là nguyên nhân cho thất bại của Hội nghị Co-pen-ha-gen nhằm làm xấu đi hình ảnh và uy tín của nước Mỹ và Tổng thống Obama.[9]

Các vấn đề khác như nghèo đói, sự lan truyền của bệnh tật hiểm nghèo tuy hoành hành ở một số khu vực địa lý nhất định, nhưng có các hậu quả chính trị, kinh tế và nhân đạo ở quy mô toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự nghiêm túc và quyết liệt của các nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, có thể thấy nỗ lực và đóng góp của các nước này chưa đủ. Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hỗ trợ cho nông dân của họ tổng số 280 tỉ USD hàng năm, trong khi viện trợ phát triển của các nước OECD cho các nước đang phát triển chỉ có 80 tỉ USD trong năm 2004. Hỗ trợ phát triển song phương từ các nước OECD cho những người nông dân ở các nước đang phát triển chỉ có 3 tỉ USD trong năm 2001. Trong khi đó, hầu hết các nước này đều áp dụng mức thuế đối với hàng nông nghiệp nhập khẩu vượt quá giá trị của hàng hóa nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp của họ.[10]

Có nhiều nguyên nhân khiến các chính quyền có xu hướng xác định các lợi ích quốc gia vị kỉ và ngắn hạn, không quan tâm đầy đủ hoặc cố tình lờ đi các trách nhiệm quốc tế của họ. Thứ nhất, thế giới hiện đại được phân chia thành các quốc gia, những thực thể chính trị độc lập, có chủ quyền tuyệt đối trong phạm vi lãnh thổ của họ. Các quốc gia bình đẳng về chủ quyền, và không một quốc gia nào có quyền can thiệp vào quá trình hoạch định chính sách của quốc gia khác. Do không có một cơ quan quyền lực nào giám sát đánh giá và kiềm chế hành vi của các quốc gia, các quốc gia luôn có xu hướng vụ lợi. Thứ hai, các nhà lãnh đạo quốc gia, dù đạt được quyền lực bằng bất kì phương pháp nào vẫn chịu sức ép chủ yếu từ những người dân mà họ cai trị. Ở quốc gia càng dân chủ, các chính trị gia càng bị chi phối bởi ý chí chung của người dân. Để được bầu hoặc tái bầu, các chính trị gia chỉ tìm cách làm hài lòng cử tri trong khu vực bầu cử của họ, dẫn đến các quyết định và hành động có thể làm phương hại đến lợi ích của cộng đồng khác. Thứ ba, do tính chất nhiệm kỳ của bộ máy chính trị, các chính trị gia có xu hướng bận tâm nhiều hơn đến lợi ích hữu hình, ngắn hạn hơn là các lợi ích dài hạn, vô hình.

Mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và trách nhiệm quốc gia

Nhìn thoáng qua, trách nhiệm quốc gia dường như mâu thuẫn với lợi ích quốc gia. Việc thực hiện các trách nhiệm quốc gia đòi hỏi các quốc gia kiểm soát hành vi trong khuôn khổ các chuẩn mực hiện hành, thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, đồng thời dành một phần nguồn lực quốc gia để góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn và xa hơn, lợi ích quốc gia chân chính không hề mâu thuẫn với trách nhiệm quốc gia; hay nói cách khác thực hiện các trách nhiệm một cách hợp lý, chính đáng chính là làm lợi cho quốc gia. Đối với một quốc gia, bảng cân đối “được” và “mất” không nên chỉ được tính toán tại một thời điểm mà cần nhìn xa hơn, không chỉ trên một phương diện mà cần trông rộng hơn, không chỉ có lợi ích vật chất và còn cả những khía cạnh phi vật chất.

Hài hòa lợi ích quốc gia trước mắt và trách nhiệm quốc gia đó không chỉ bắt nguồn từ một nhu cầu thực tại của một quốc gia riêng lẻ mà còn là đòi hỏi của tình hình thế giới hiện tại. Ở góc độ cộng đồng, xã hội khu vực và toàn cầu, lợi ích bao trùm nhất là đảm bảo hòa bình, ổn định và công bằng. Hòa bình và ổn định chỉ bền vững khi tinh thần hợp tác được đề cao và trở thành một tiêu chuẩn cho hành vi và công bằng được xác lập trên cơ sở xác định rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của từng thành viên. Trong hơn nửa thế kỉ qua, thế giới đã trải qua nhiều biến đổi sâu sắc. Những biến đổi đó thách thức các phương pháp cai trị truyền thống, và phơi bày hậu quả của các tư duy giản đơn, ngắn hạn. Có thể kể đến ba thay đổi quan trọng sau:

Một là, các quốc gia hiện nay không phải là các ốc đảo trong một thế giới vô chính phủ mà là các chủ thể tương tác và phụ thuộc vào nhau một cách chặt chẽ. Sự lưu chuyển người, hàng hóa, dịch vụ và tiền tệ xuyên biên giới quốc gia với quy mô ngày càng tăng thách thức năng lực quản trị, giám sát của các nhà nước.

Hai là, các nguy cơ toàn cầu như thảm họa môi trường, bệnh dịch, sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cạn kiệt nguồn nước, cạn kiệt các nguồn tài nguyên, đói nghèo… vượt quá năng lực giải quyết của bất kì một quốc gia đơn lẻ nào. Ví dụ nếu nước biển tiếp tục dâng lên cao hơn 1m so với mức hiện tại, dự tính 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người, gây ra những tai họa và bất ổn nghiêm trọng cho quốc gia. Nạn đói nghèo, dịch bệnh hoành hành ở châu Phi không chỉ gây ra những hậu quả tàn khốc ở châu Phi, mà nó thúc đẩy các làn sóng di cư đến các quốc gia công nghiệp phát triển, gây ra những hậu quả xã hội to lớn cho các cộng đồng địa phương. Vấn đề cạn kiệt các nguồn tài nguyên, cạn kiệt nguồn nước sạch, ô nhiễm môi trường không còn là viễn cảnh xa xôi…

James Rosenau cho rằng “các vấn đề mới nổi như ô nhiễm bầu khí quyển, khủng bố, buôn bán ma túy, khủng hoảng tiền tệ có tính chất xuyên quốc gia hơn là quốc gia. Quốc gia không thể đưa ra các giải pháp cho các vấn đề như vậy”.[11] Chính vì vậy, hợp tác quốc tế là con đường duy nhất để giải quyết các vấn đề toàn cầu và các nguy cơ xuyên quốc gia.

Ba là, sự phát triển và hình thành của các chuẩn mực quốc tế có tính phổ quát về quyền con người và quyền của các dân tộc thiểu số cũng là một thách thức lớn lao đối với quan niệm truyền thống về chủ quyền quốc gia. Cho dù quyền lực nhà nước vẫn là tối cao trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia, nhưng trên thực tế quyền lực nhà nước đã suy giảm tương đối trong bối cảnh ảnh hưởng của các chủ thể khác như các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, hoặc các cộng đồng, phong trào xuyên quốc gia gia tăng mạnh mẽ. Nhà nước vẫn giữ độc quyền về sức mạnh cứng, nhưng các chủ thể này sở hữu sức mạnh mềm lớn lao và ảnh hưởng lan tỏa không bị bó hẹp trong phạm vi các đường biên giới. Các tổ chức, phong trào này vừa đề xuất, vận động, tuyên truyền cho các giá trị, các chuẩn mực phổ cập, vừa khuyến khích hoặc gây sức ép buộc các chính phủ chấp nhận các giá trị, tiêu chuẩn mà họ theo đuổi.

Trong bối cảnh đó, việc các quốc gia tiếp tục tư duy, hành xử theo lối cũ, nhận thức phiến diện về nội hàm của trách nhiệm quốc gia, chỉ nhìn thấy lợi ích ngắn hạn mà quên đi lợi ích dài hạn sẽ dẫn đến cạnh tranh hơn là hợp tác, triệt tiêu các giá trị cũ hơn là tạo ra các giá trị mới. Trong bối cảnh các quốc gia ngày càng phụ thuộc chặt chẽ, cạnh tranh, đối đầu sẽ gây ra thiệt hại cho tất cả các bên, tư duy vị kỉ sẽ cản trở các quốc gia hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nếu các vấn đề này không được giải quyết một cách hiệu quả, nó sẽ gieo mầm cho các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xung đột quân sự ở các cấp độ khác nhau, đe dọa đến hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của cả nhân loại.

Triển khai thực hiện phương châm đối ngoại theo hướng chủ động, tích cực và có trách nhiệm

Xác định lợi ích quốc gia trong giai đoạn mới

Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại đề cao độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Phương châm đối ngoại luôn được điều chỉnh, từ “muốn là bạn” (Đại hội VII), “sẵn sàng là bạn” (Đại hội VIII) đến “là bạn và đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” (Đại hội X).[12] Thành quả lớn lao từ các chính sách đó là Việt Nam từ một quốc gia bị bao vây, cô lập đã trở thành bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, là thành viên tích cực của nhiều tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu lớn lao, vẫn còn một số tồn tại khiến chúng ta phải suy ngẫm. Thứ nhất, vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của nhiều nước đối tác, nhất là các nước đối tác quan trọng nhìn chung còn tương đối thấp so với khả năng Việt Nam có thể đạt được. Vì họ không quan tâm đến ta hay là vì ta chưa có đủ sức hấp dẫn để họ quan tâm? Thứ hai, về một số phương diện nhất định Việt Nam vẫn phần nào bị ảnh hưởng bởi tư duy đối ngoại thời kháng chiến – tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng thế giới là chính, mà chưa chủ động và tích cực dấn thân tham gia giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng thế giới từ đó mang lại lợi ích dài hạn cho chính chúng ta. Thứ ba, trong một số lĩnh vực cụ thể, dù Việt Nam thực sự có thiện chí nhưng nhiều “đối tác” vẫn còn nghi ngại, chưa hợp tác hết khả năng với Việt Nam.[13]

Trong bối cảnh quốc tế mới và trước những câu hỏi lớn trên, việc đặt ra vấn đề “chủ động”, “tích cực” và “có trách nhiệm” trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn hợp lý và kịp thời. Trước những biến chuyển của thời đại và những phát triển của tình hình nội tại, cần phải có một khuôn khổ mới để xác định và thực hiện lợi ích quốc gia một cách hợp lý nhất.

Cần nhìn nhận vận mệnh của dân tộc không tách rời với thế giới xung quanh, và phải thay đổi tư duy từ thụ động, đối phó với tình huống sang hướng mạnh theo các mục tiêu chiến lược của dân tộc. Thay vì phụ thuộc vào bối cảnh và các khuôn khổ định sẵn, Việt Nam nên chủ động vận động để tạo ra môi trường quốc tế và khu vực thuận lợi để theo đuổi các mục tiêu đó. Ba lợi ích cơ bản của Việt Nam, cụ thể là an ninh, phát triển, và vai trò quốc tế, cần phải được đặt trong dòng chủ lưu của thời đại, trong phức hợp các mối liên hệ giữa Việt Nam với khu vực, thế giới và trong tình hình cụ thể của Việt Nam ngày hôm nay.

An ninh của Việt Nam phụ thuộc chặt chẽ vào môi trường an ninh khu vực. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định nguy cơ bị chiến tranh xâm lược không còn, nhưng nguy cơ xảy ra các xung đột hay va chạm hạn chế ở Biển Đông, nguy cơ bị can thiệp bằng nhiều biện pháp khác nhau vẫn luôn thường trực. Bên cạnh đó, nhiều nguy cơ an ninh phi truyền thống xuất hiện như thiếu hụt năng lượng, lương thực, cướp biển, ô nhiễm môi trường, nguy cơ khai thác bất hợp lý nguồn nước của sông Mê-kông, dịch bệnh (ví dụ H1N1, H5N1, HIV/AIDS…). Công bằng mà nói, một mình Việt Nam không đủ năng lực để ngăn chặn hiệu quả các mối đe dọa đó.

Phát triển bền vững là ưu tiên lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Phát triển được cụ thể hoá bằng thực hiện thắng lợi mục tiêu Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước. Đây là thời kỳ chuyển đổi có tính quyết định và ta có nhiều cơ hội để vươn lên thành một nước có nền kinh tế phát triển, nhưng đồng thời cũng rất dễ rơi vào “bẫy nước thu nhập trung bình”. Quá trình đổi mới kinh tế bước từ giai đoạn chiều rộng (sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực dồi dào, bóc ngắn cắn dài) sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu (xác định thế mạnh chiến lược để tham gia cạnh tranh quốc tế). Trước đòi hỏi của tình hình, ta cần có nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa các nguồn lực trong và ngoài nước cũng như con đường đúng đắn để phát triển. Hội nhập quá nhanh mang lại nhiều cơ hội như thị trường xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sự di chuyển của nguồn vốn và tài chính quốc tế, lao động nước ngoài, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý…, nhưng không ít thách thức. Nguy cơ bị “thôn tính” về mặt kinh tế ngày càng nghiêm trọng.

Vị thế quốc tế của Việt Nam, cùng với uy tín và ảnh hưởng, phụ thuộc vào những đóng góp của Việt Nam với các công việc chung. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, lợi ích dân tộc của Việt Nam cần được đặt trong mối quan hệ với lợi ích các quốc gia khác và trách nhiệm quốc tế. Trách nhiệm đầu tiên, ưu tiên quan trọng nhất là trách nhiệm với bản thân: xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hơn nữa, cần phải quán triệt phương châm “có đi có lại”, và không thể hi vọng mối quan hệ nào chỉ có lợi cho Việt Nam. Cần biết dành cho đối tác lợi ích để họ cần ta. Mặt khác, cần xác định được những nghĩa vụ Việt Nam có thể gánh vác, vừa sức để chứng tỏ Việt Nam là một đối tác có trách nhiệm, đáng tin cậy. Có thể khẳng định giúp người khác một cách hợp lý chính là giúp bản thân mình, tuy nhiên tránh ép buộc, tránh làm thay, và cần phải có sự hỗ trợ, ủng hộ của quốc tế nhằm góp phần giải quyết các công việc chung mang lại lợi ích cho bản thân. tham gia đấu tranh xây dựng một khuôn khổ mới công bằng hơn, minh bạch hơn cho quan hệ quốc tế là lợi ích lâu dài của Việt Nam.

Nhìn ngắn hạn và trong từng trường hợp cụ thể, ba mục tiêu trên có vẻ mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra và dài hạn hơn, ba mục tiêu này lại không tách rời nhau. Đảm bảo an ninh là điều kiện tiên quyết để thực hiện các mục tiêu phát triển và mở rộng ảnh hưởng. Ngược lại, sự phát triển, uy tín quốc gia và ảnh hưởng quốc tế tạo ra cơ sở vững chắc để đảm bảo an ninh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau. Thực lực của ta càng mạnh bao nhiêu thì an ninh và ảnh hưởng của ta càng lớn bấy nhiêu. Cũng như vậy, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam sẽ là tiền đề để bảo đảm an ninh và thúc đẩy phát triển.

Nội hàm trách nhiệm quốc tế của Việt Nam và các ưu tiên cơ bản trong 10 năm tới

Như đã trình bày ở trên, có bốn khuôn khổ để xác định trách nhiệm của Việt Nam. Đó là: (i) tôn trọng, tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực, và thể chế quốc tế được thừa nhận rộng rãi; (ii) xử lý hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác, luôn luôn ý thức về hậu quả của hành vi của mình đối với lợi ích của cộng đồng quốc tế và của các quốc gia khác; (iii) tham gia cung cấp các dịch vụ công quốc tế như duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và khu vực, kiến tạo các khuôn khổ hợp tác chính trị, kinh tế công bằng hơn, dân chủ hơn và văn minh hơn; (iv) đóng góp phù hợp với năng lực và vị thế để giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt thông qua các chương trình do Liên Hợp Quốc khởi xướng.

Trách nhiệm xuất phát từ khuôn khổ (i) và (ii) là các trách nhiệm thường trực, nhằm xây dựng hình ảnh của Việt Nam là quốc gia tốt, một người bạn và một đối tác tin cậy. Trách nhiệm theo khuôn khổ (iii) và (iv) phải được xác định theo từng giai đoạn cụ thể và trong mối quan hệ với các lợi ích quốc gia ưu tiên và năng lực quốc gia. Luôn lưu ý rằng Việt Nam là một quốc gia hạng trung, tiềm lực kinh tế còn nhiều hạn chế, do đó cần phải xác định mức độ đóng góp phù hợp cho các sự nghiệp chung.

Tôn trọng, tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực và thể chế quốc tế được thừa nhận rộng rãi

Trách nhiệm trước tiên và cao nhất của nhà nước là phải đảm bảo an ninh, an sinh và chân giá trị cho công dân của mình theo các tiêu chí cơ bản của thời đại. Đó chính là lý do cơ bản để cộng đồng quốc tế xây dựng và phát triển các khái niệm “trách nhiệm để bảo vệ”[14] và “an ninh con người”[15], trong đó quy định trách nhiệm của các nhà nước đối với công dân của họ. Chính vì lý do đó, đối với Việt Nam, thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” chính là uy tín của quốc gia, là tiền đề để thực hiện các trách nhiệm quốc tế.

Trong QHQT, một thành viên tốt, một người bạn tốt, và một đối tác tin cậy phải là quốc gia, người bạn, đối tác có các hành vi có thể dự đoán được, và mang lại sự tin cậy cho các quốc gia và đối tác khác. Do đó, Việt Nam trước tiên phải tôn trọng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế được thừa nhận rộng rãi, phải nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế. Có hai hệ chuẩn mực quan trọng của QHQT mà Việt Nam cần chú ý là: (i) các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế điều chỉnh mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia thành viên phù hợp với Hiến chương của Liên Hợp Quốc[16] và (ii) các chuẩn mực của ASEAN được ghi nhận trong các văn bản của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN (TAC) và Hiến chương ASEAN.[17] Các nguyên tắc được nêu ra trong hai văn kiện tạo ra khuôn khổ cơ bản nhất cho quan hệ quốc tế hiện đại mà tất cả các quốc gia nên tuân thủ.

Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế. Một khía cạnh của quá trình hội nhập là tạo ra các sân chơi thống nhất, giảm bớt sự khác biệt về “luật chơi” để thúc đẩy các hoạt động kinh tế và giao lưu văn hóa. Quá trình này đòi hỏi Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, cần phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế liên quan đến các vấn đề nội trị. Các “chuẩn mực” này được xây dựng trong các Công ước chuyên ngành quan trọng ví dụ như các công ước về lao động trong khuôn khổ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các Công ước về quyền của các nhóm đặc thù như phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc, Công ước chống Tra tấn, Công ước Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng, các Công ước liên quan đến bảo vệ môi trường… Các Công ước này dù có nhiều nội dung và cách tiếp cận khác nhau nhưng nói chung được xây dựng trên một số nguyên tắc cơ bản của thời đại nhằm hướng tới công bằng, công lý, hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Có thể kể đến một số nguyên tắc sau: (i) tôn trọng công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; (ii) đảm bảo dân chủ và sự tối cao của pháp luật – nhà nước pháp quyền; (iii) tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản; (iv) tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên liên quan; (v) không phân biệt đối xử… Trong các công ước này có thể có nhiều nội dung không chưa phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, nhưng về cơ bản chúng chứa đựng các nội dung tiến bộ của thời đại mà chúng ta cần phải xem xét gia nhập toàn bộ hoặc từng phần.

Xử lý hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác, luôn luôn ý thức về hậu quả của hành vi của mình đối với cộng đồng quốc tế và các quốc gia khác

Trong quá trình xử lý các vấn đề, vụ việc cụ thể, những nhà hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại cần phải bắt nguồn từ cách tiếp cận dài hạn và tổng thể, trong đó có tính đến lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế và của các quốc gia khác liên quan. Để làm được như vậy, cần phải xây dựng các cơ chế tham vấn, đối thoại ở nhiều cấp, tạo điều kiện cho trao đổi thẳng thắn để các bên hiểu rõ quan niệm lợi ích và quan ngại của các quốc gia liên quan. Về lâu dài, cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực phát triển pháp luật quốc tế, xây dựng các khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn, và công bằng hơn điều chỉnh quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia khác.

Ở cấp độ cao hơn, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng và phát triển khuôn khổ để điều chỉnh quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng. Chúng ta đã chính thức thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc; quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào; quan hệ láng giềng tốt đẹp với Cam-pu-chia; quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị với Mỹ; quan hệ hợp tác toàn diện trong thế kỉ 21 với các nước ASEAN; quan hệ đối tác toàn diện với Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân; và quan hệ đối tác vì sự phát triển với Anh, Đức… Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là các kênh trao đổi, đối thoại ở các cấp cần được duy trì định kì và các khuôn khổ trên cần tiếp tục được củng cố, phát triển và chi tiết hóa theo các chuyên ngành hợp tác, trong đó xác định rõ ràng lợi ích và trách nhiệm của Việt Nam và các bên liên quan trong các mối quan hệ, trong các vấn đề cụ thể, trên cơ sở đó hình thành các cơ chế để giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả và công bằng. Phát triển các mối quan hệ trên cơ sở pháp lý là con đường duy nhất để đưa các mối quan hệ này đi vào ổn định, bền vững và phát triển.

Tham gia cung cấp các dịch vụ công quốc tế như duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và khu vực, điều chỉnh các khuôn khổ hợp tác chính trị, kinh tế hiện có theo hướng công bằng hơn, dân chủ hơn và văn minh hơn

Hòa bình, ổn định và an ninh luôn là lợi ích căn bản nhất của nhân loại. Không có hòa bình, an ninh và ổn định thì khó có thể có phát triển kinh tế một cách bền vững, đời sống văn hóa và tinh thần của các xã hội khó có thể phồn thịnh. Do đó, tất cả các quốc gia cần phải nhận thức được họ đều có trách nhiệm đóng góp để cung cấp “dịch vụ công” quan trọng này.

Có nhiều hình thái trật tự khác nhau giúp mang lại hòa bình. Đó có thể là một nền hòa bình sợ hãi do một quốc gia siêu cường bảo trợ, trật tự bá quyền, cũng có thể là một nền hòa bình mong manh được duy trì bởi thế cân bằng quyền lực giữa hai hay nhiều siêu cường, hoặc có thể là một nền hòa bình được xây dựng trên luật pháp quốc tế và vai trò chủ đạo của một chính phủ toàn cầu. Khác với các thời gian “hưu chiến” chủ yếu do các cường quốc định đoạt, nền hòa bình quốc tế ngày nay có được sau hai cuộc chiến tranh đẫm máu được xây dựng trên cơ sở một tổ chức quốc tế bao trùm là Liên Hợp Quốc có vai trò thống nhất các nỗ lực tập thể để duy trì hòa bình và ổn định. Rõ ràng, vai trò của luật pháp điều chỉnh mối quan hệ nhiều mặt giữa các quốc gia ngày càng tăng lên, và yếu tố cân bằng quyền lực ngày càng giảm bớt, tiếng nói của các quốc gia vừa và nhỏ trong nền chính trị quốc tế có trọng lượng hơn. Mặc dù còn nhiều vấn đề phải bàn về các khiếm khuyết của Liên Hợp Quốc, nhưng có thể nói, cho đến nay đây vẫn là mô hình tốt nhất, tiến bộ và quy mô nhất mà nhân loại từng có. Do đó, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, có trách nhiệm đóng góp hoàn thiện tổ chức và trợ giúp nó thực hiện các sứ mệnh của mình. Cải cách Liên Hợp Quốc là cần thiết để làm cho tổ chức này hoạt động một cách công bằng hơn, dân chủ hơn, và văn minh hơn.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Liên Hợp Quốc nhằm duy trì an ninh và kiến tạo hòa bình, Việt Nam nên xem xét tham gia ở mức độ phù hợp một số lĩnh vực như sau: (1) Đóng góp vào các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở các địa bàn quan trọng; (2) Tích cực, chủ động thực hiện vai trò trung gian hòa giải khi có thể để thúc đẩy các giải pháp hòa bình cho các mâu thuẫn; (3) Tham gia sâu hơn vào các nỗ lực nhằm ngăn chặn nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt ở phạm vi toàn cầu… Trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, cần phải đóng góp phù hợp để: (i) thúc đẩy đàm phán đa phương trong khuôn khổ Vòng đàm phán Đô-ha nhằm thiết lập các khuôn khổ thương mại công bằng hơn trong WTO; (ii) thúc đẩy cải cách các cơ chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và Tổ chức Thương mại Thế giới theo hướng nâng cao vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển và các nước nghèo; (iii) góp phần thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỉ: (1) xóa đói giảm nghèo, (2) phổ cập giáo dục tiểu học, (3) thúc đẩy bình đẳng giới, (4) giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, (5) cải thiện sức khỏe bà mẹ, (6) chống lại các căn bệnh như HIV/AIDS, tiêu chảy và các căn bệnh khác, (7) bảo vệ môi trường, (8) phát triển một mối quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển… Khi tham gia vào các mục tiêu trên, cần phải nhớ rằng tiềm lực của Việt Nam còn rất hạn chế, vì vậy Việt Nam cần phải có các ưu tiên và lộ trình cụ thể, phù hợp.

Hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng là lợi ích thiết thân của Việt Nam. Ở khu vực Đông Nam Á, đây đó vẫn xảy ra các xung đột vũ trang quy mô nhỏ liên quan đến vấn đề biên giới, lãnh thổ, tình trạng đối đầu căng thẳng giữa các quốc gia láng giềng, các cuộc xung đột chính trị, sắc tộc và tôn giáo vẫn xảy ra ở một số quốc gia. Thêm vào đó, các nguy cơ an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên, cướp biển, tội phạm có tổ chức… ngày càng nghiêm trọng và không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia. Đó là nguy cơ chung mà các quốc gia trong cùng một khu vực phải đối phó. Do đó, Việt Nam và các nước khác trong khu vực có trách nhiệm tham gia duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực thông qua các cơ chế an ninh hợp tác sẵn có. Góp phần xây dựng Cộng đồng Chính trị – An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC), và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) là một phần trách nhiệm của Việt Nam để xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, và thịnh vượng.

Một số hướng hoạt động đáng quan tâm trong lĩnh vực an ninh – chính trị là: (1) Tiếp tục triển khai các nỗ lực xây dựng cộng đồng trong ASEAN; (2) Thúc đẩy sáng kiến xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và tìm giải pháp cho các tranh chấp ở khu vực trong khuôn khổ ARF ưu tiên các vấn đề sau: tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ ở Biển Đông, tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Thái Lan và Cam-pu-chia…; (3) Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác khu vực và liên khu vực để đối phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống như thiên tai, môi trường, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia… Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam cũng cần tiếp tục các cam kết xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định về khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, Hiệp định Đối tác toàn diện ASEAN – Nhật Bản, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Ấn Độ (AIFTA) và ASEAN – Ốt-xtrây-li-a – Niu Di-lân (AANZFTA), và có thể là Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu Việt Nam quyết định gia nhập. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến hợp tác chuyên ngành và hợp tác ở cấp độ tiểu vùng trong khuôn khổ của Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), Sáng kiến Hợp tác Tiểu vùng Sông Mê-Kông (GMS), Sáng kiến Hàng lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC), Tam giác Phát triển Việt Nam – Lào – Cam-pu-chia (CLV)…

Đóng góp phù hợp với năng lực và vị thế để giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu

Cần phải ý thức rằng thế giới ngày nay đang phải đối phó với những hiểm họa nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đói nghèo, thiên tai, sự lan truyền của các dịch bệnh hiểm nghèo, khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thiếu hụt nguồn nước, cướp biển… Trước kia, các hiểm họa này ở quy mô quốc gia và khu vực, và được coi là các vấn đề kinh tế – phát triển. Ngày nay, quy mô và mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ này ngày càng tăng, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng cần phải “an ninh hóa” các vấn đề kinh tế, xã hội, và môi trường. Các nguy cơ an ninh phi truyền thống hiện nay có mức độ tàn phá về con người và của cải hơn bất kì một xung đột vũ trang nào, và không có một quốc gia đơn lẻ nào đủ sức giải quyết triệt để. Chính vì vậy, đã có nhiều nỗ lực toàn cầu dưới dạng các chương trình do Liên Hợp Quốc khởi xướng hay các chiến dịch mà các tổ chức phi chính phủ phát động để đối phó với các mối đe dọa toàn cầu. Việt Nam nên là một phần của các chương trình, chiến dịch đó, và đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu đó theo khả năng của mình.

Trên cơ sở bốn khuôn khổ trên, Việt Nam cần xác định những ưu tiên cụ thể trong 10 năm tới. Tuy nhiên, luôn phải ý thức rằng tại thời điểm hiện nay, khả năng, các nguồn lực và tiềm lực kinh tế của Việt Nam tương đối hạn chế, do đó cần phải định vị Việt Nam một cách hợp lý trong thế giới đang thay đổi. Việc xác định đúng vị trí của Việt Nam trên bàn cờ chính trị của khu vực và thế giới là bước đi quan trọng đầu tiên trong việc định hướng chiến lược đối ngoại của Việt Nam.[18] Căn cứ trên các ưu tiên và năng lực quốc gia, trong thời gian 10 năm tới Việt Nam nên ưu tiên thực hiện các trách nhiệm liên quan đến duy trì hòa bình và ổn định, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế ở khu vực Đông Nam Á và đóng góp nhiều hơn nữa vào nỗ lực của ASEAN để đối phó với các nguy cơ an ninh xuyên quốc gia và phi truyền thống.

Điều kiện cần và đủ để thực hiện phương châm tích cực, chủ động và có trách nhiệm

Thế và lực của Việt Nam sau 20 năm đổi mới mạnh lên nhiều. Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn để xây dựng một môi trường hòa bình ổn định phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời tích cực và chủ động tham gia vào quá trình kiến tạo các khuôn khổ quan hệ chính trị – kinh tế công bằng hơn, dân chủ hơn và văn minh hơn

Hơn 20 năm qua, kể từ khi Việt Nam bước vào thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu đáng kể, làm thay đổi rõ rệt tình hình đất nước. Thực lực của quốc gia đã được tăng cường đáng kể.

Về tốc độ tăng trưởng, trong những năm khởi đầu công cuộc đổi mới (1986-1991), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng tương đối chậm. Nhưng khi quá trình đổi mới diễn ra rộng khắp và đi vào thực chất thì tốc độ tăng trưởng GDP luôn đạt mức cao và ổn định kéo dài, mặc dù có lúc bị giảm sút do dự báo chủ quan và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Do tốc độ tăng GDP cao nên GDP/người/năm cũng tăng lên đáng kể, từ 289 USD (năm 1995) lên 1.024 USD (năm 2008), cho thấy Việt Nam đang từng bước vượt qua ranh giới của quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp để vươn lên nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp (theo quy ước chung của quốc tế và xếp loại các nước theo trình độ phát triển thì nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp là những nước có GDP/người từ 765 đến 3.385 USD).

Thành tựu của công cuộc đổi mới kết hợp với chính sách mở cửa, tích vực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam và mang lại cho Việt Nam một vị thế quốc tế mới. Từ một quốc gia bị phong tỏa, cấm vận, từ một nền kinh tế kém phát triển và “đóng cửa”, sau hơn 20 năm đổi mới Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới. Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước, mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Việt Nam còn là thành viên chính thức của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực, và điều đáng nói nhất là năm 2007 Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).[19]Phúc lợi xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam về đích trước 10 năm với mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ.

Thế giới, khu vực đánh giá cao Việt Nam và mong muốn Việt Nam đảm nhận vai trò lớn hơn, đóng góp nhiều hơn vào các lợi ích chung.

Uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam sau 20 năm đổi mới đã được nâng cao rõ rệt. Trong điều kiện quốc tế ngày nay khi quá trình hội nhập ngày càng được xúc tiến nhanh, ngoại giao đa phương ngày càng giữ một vị trí quan trọng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước trên thế giới, Việt Nam đã hoạt động tích cực với vai trò ngày càng tăng tại Liên Hợp Quốc (Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giai đoạn 2008-2009, Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên Hợp Quốc năm 2009, ủy viên ECOSOC, ủy viên Hội đồng chấp hành UNDP, UNFPA và UPU…), phát huy vai trò thành viên tích cực của phong trào Không liên kết, Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, ASEAN… Việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp (1997), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 (1998), Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ năm (2004), Hội nghị Cấp cao APEC (2006) đã góp phần quan trọng nâng cao uy tín và vị thế của đất nước. Có thể nói ngoại giao đa phương là một điểm sáng trong hoạt động ngoại giao thời đổi mới. Những kết quả đạt được trong mối quan hệ đan xen này đã củng cố và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, tạo ra thế cơ động linh hoạt trong quan hệ quốc tế, có lợi cho việc bảo vệ độc lập tự chủ và an ninh cũng như công cuộc xây dựng đất nước.Trong năm 2010, Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN. Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ phải nhận trọng trách lái con tàu ASEAN và tìm cách để tăng thêm xung lực thúc đẩy con tàu này tiến bước xa hơn theo hướng đã định.

Kết luận

Tóm lại, trách nhiệm của quốc gia trong quan hệ quốc tế nhấn mạnh đến những nghĩa vụ mà quốc gia phải thực hiện trên cơ sở các chuẩn mực pháp lý và đạo đức được thừa nhận rộng rãi và vì những lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Tinh thần trách nhiệm đòi hỏi các quốc gia phải xác định lợi ích quốc gia một cách chính đáng, trong đó phải nhận thức rõ được các luật chơi chung, những khuôn khổ pháp luật hợp lý, những lợi ích chung cần bảo vệ. Từ đó, quốc gia sẽ có các chính sách và hành động phù hợp với các chuẩn mực, các khuôn khổ pháp lý và đóng góp phù hợp với khả năng để giải quyết các vấn đề, mối đe dọa chung với khu vực và toàn thế giới.

Chủ động, tích cực, có trách nhiệm là những yêu cầu từ thực tại khách quan đối với tất cả các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau để duy trì một trật tự thế giới hòa bình và ổn định. Ngày nay, tình hình thế giới chuyển dịch một cách nhanh chóng, trong đó các trật tự, khuôn khổ chỉ ổn định trong một thời gian ngắn, và luôn luôn chịu sức ép thay đổi theo hướng dân chủ hơn. Các nước lớn vẫn có vai trò quan trọng, nhưng không còn tính chất quyết định như trước đó. Chính vì thế, mỗi quốc gia, dù là nhỏ, cần phải tích cực tham gia vào các tiến trình đó nhằm tìm kiếm cơ hội đồng thời góp phần kiến tạo các khuôn khổ, trật tự phù hợp với lợi ích của mình. Ở góc độ mỗi quốc gia, trách nhiệm quốc gia có thể mâu thuẫn với quyền lợi trước mắt, nhưng lại song trùng với lợi ích lâu dài. Trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau một cách sâu sắc và biến chuyển nhanh chóng, uy tín quốc gia, lòng tin trong QHQT là tài sản quý báu nhất.

Việt Nam không nên nằm ngoài xu thế chung đó. Lợi ích lâu dài của Việt Nam phụ thuộc vào cách thức Việt Nam xác định mối quan hệ của nó với thế giới, từ đó nhận thức được các mối tương quan lợi ích. Trong hơn 20 năm đổi mới, với tiềm lực còn yếu, mục tiêu ưu tiên của chính sách đối ngoại của Việt Nam là đảm bảo an ninh và thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, đến nay khi thực lực của Việt Nam đã mạnh lên tương đối và vị thế quốc gia trên trường quốc tế cũng thay đổi theo chiều hướng có lợi, Việt Nam cần phải điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng chủ động, tích cực và “dấn thân” hơn. Việt Nam không chỉ là một “người bạn”, một “đối tác tin cậy”, mà phải là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam cần phải tự tin đứng ra đảm đương những trách nhiệm lớn hơn, phù hợp với khả năng của mình, một mặt góp phần đảm bảo hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực, và giải quyết thỏa đáng các vấn đề toàn cầu.

Có bốn khuôn khổ để xác định trách nhiệm của Việt Nam. Đó là: (i) tôn trọng, tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực và thể chế quốc tế được thừa nhận rộng rãi; (ii) xử lý hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác, luôn luôn ý thức về hậu quả của hành vi của mình đối với lợi ích của cộng đồng quốc tế và của các quốc gia khác; (iii) tham gia cung cấp các dịch vụ công quốc tế như duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và khu vực, kiến tạo các khuôn khổ hợp tác chính trị, kinh tế công bằng hơn, dân chủ hơn và văn minh hơn; (iv) đóng góp phù hợp với năng lực và vị thế để giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Trách nhiệm xuất phát từ khuôn khổ (i) và (ii) là các trách nhiệm thường trực nhằm xây dựng hình ảnh của Việt Nam là quốc gia tốt, một người bạn và một đối tác tin cậy. Trách nhiệm theo khuôn khổ (iii) và (iv) phải được xác định theo từng giai đoạn cụ thể và trong mối quan hệ với các lợi ích quốc gia ưu tiên và năng lực quốc gia. Luôn lưu ý rằng Việt Nam là một quốc gia hạng trung, tiềm lực kinh tế còn nhiều hạn chế, do đó cần phải xác định mức độ đóng góp phù hợp cho các sự nghiệp chung.

————–

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 82 (09-2010)

* Ths., Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao.

[1] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt.

[2] John Bolton, “Coming War on Sovereignty”, Commentary, March 2009.

[3]Milton Osborne, “River at Risk: The Mekong and the Water Politics of China and Southeast Asia”, Lowy Institute Paper, tháng 02/2004, xem tại: http://www.internationalrivers.org/files/Osborne.pdf.

[4]http://www.globalpolicy.org/component/content/article/198/40125.html.

[5]   “Thailand-Cambodia Dispute: Key Points”, BBC News, 11/11/2009, xem tại:  http://news.bbc.co.uk/2/hi/8354489.stm.

[6]   “Singh Accuses Pakistan on Mumbai”, BBC News, 6/1/2009, xem tại: http://news.bbc.co.uk/2/hi/7812890.stm

[7]   Xem thêm: http://www.globalissues.org.

[8]   “Copenhagen Climate summit ‘suspended’”, BBC News, 14/12/2009, xem tại: http://news.bbc.co.uk/2/hi/8411898.stm.

[9]   “How do I know China wrecked the Copenhagen Deal? I was in the room”, Guardian.co.uk, xem tại: http://www.guardian.co.uk/environment/2009/dec/22/copenhagen-climate-change-mark-lynas.

[10] “The Doha Development Round of trade negotiations: understanding the issues”,
xem tại: http://www.oecd.org/document/45/0,3343,en_2649_201185_35738477_1_1_1_1, 00&&en-USS_01DBC.html.

[11] James Rosenau, Turbulence in World Politics: A Theory of Change and Continuity, Princeton University Press, Princeton, 1990, tr. 13.

[12] Xem thêm ở Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX.

[13] Nguyễn Trung, “Việt Nam nên đóng vai nào trong thế giới mới?”, Vietnam Net, ngày 29/12/2009, xem tại: http://www.tuanvietnam.net/2009-12-25-viet-nam-nen-dong-vai-nao-trong-the-gioi-moi-.

[14] Xem thêm: Evans, GarethThe Responsibility to Protect: Ending Mass Atrocity Crimes Once and For All. (Washington DC: Brookings Institution Press, September 2008.

[15] Xem thêm: United Nations Development Programme (1994): Human Development Report.

[16] Declaration on Principles of International Law concerning Friendly Relations and Co-operation among States in accordance with the Charter of the United Nations, adopted by UN General Assembly on 24/10/1970, xem tại: http://www.un-documents.net/ a25r2625.htm. Các nguyên tắc được ghi nhận trong Tuyên bố này gồm: (i) các quốc gia kiềm chế sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của các quốc gia khác, hoặc theo bất kì cách thức nào trái với nguyên tắc của Liên Hợp Quốc; (ii) các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, đảm bảo hòa bình, an ninh và công lý quốc tế; (iii) không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác; (iv) các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc; (v) tôn trọng quyền bình đẳng và dân tộc tự quyết; (vi) bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia; (vii) thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quy định bởi Hiến chương của Liên Hợp Quốc.

[17] Gồm có các nguyên tắc: (i) tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc của tất cả các dân tộc; (ii) quyền của các nhà nước duy trì sự tồn tại quốc gia của mình không gặp trở ngại từ sự can thiệp, phá hoại, cưỡng bức từ bên ngoài; (iii) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; (iv) giải quyết các khác biệt hay tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; (v) từ bỏ đe dọa hay sử dụng bạo lực; và (vi) hợp tác có hiệu quả với nhau.

[18] Phạm Bình Minh, “Một số suy nghĩ về định hình chính sách đối ngoại mới”, trong Phạm Bình Minh, Định hướng Chiến lược Đối ngoại Việt Nam đến 2020, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 54-55.

[19] GS-TS Chu Văn Cấp,“Thành tựu thời kỳ đổi mới ở Việt Nam: Con đường đi lên CNXH hình thành những nét cơ bản”, Sài Gòn Giải phóng Online, ngày 8/10/2009, xem tại: http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2009/10/204918/.