Nguồn: Ian Storey (2013). “Japan’s maritime security interests in Southeast Asia and the South China Sea disputes”, Political Science, Vol. 65, No. 2, pp. 135–156.>>PDF
Biên dịch: Lưu Bảo Nam Dung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong nhiều năm qua, các chính trị gia, học giả và quan chức an ninh Nhật Bản đã nhận thấy một sự xấu đi rõ ràng trong môi trường an ninh của quốc gia. Chẳng hạn, vào tháng 6/2013, tại Đối thoại Shangri-La diễn ra thường niên tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã mô tả môi trường an ninh Nhật Bản là “đang ngày càng nghiêm trọng hơn”, một đánh giá đã được thể hiện trong Sách Trắng phát hành bởi Bộ Quốc phòng cách đó một tháng.[1] Nguyên nhân của sự sụt giảm này được cho là bởi hai sự phát triển quan trọng. Thứ nhất, chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên mà Bộ trưởng Ngoại giao Nhật FumioKishida đã cảnh báo là một “ mối đe doạ nghiêm trọng đến hoà bình và ổn định khu vực”.[2] Thứ hai, những thách thức an ninh đi kèm với sự nổi lên của Trung Quốc, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Diaoyu ở Biển Hoa Đông, quá trình hiện đại hoá nhanh chóng của Giải phóng quân nhân dân (PLA) và căng thẳng tiếp diễn giữa 6 bên (Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ và biên giới biển ở Biển Đông.[3]
Liên quan đến thách thức thứ hai trong những thách thức trên, hầu hết sự quan tâm của các học giả và giới truyền thông là dành cho tranh chấp Senkaku/Diaoyu.[4] Mặc dù Nhật Bản nhận định tình hình an ninh ở Bán đảo Triều Tiên là mối quan ngại chính, nhưng trên thực tế, nguy cơ đụng độ với quân đội Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Diaoyu lại cao hơn nhiều so với việc Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (SDF) bị lôi vào tranh chấp giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Đó là vì từ khi Tokyo “quốc hữu hoá” ba trong số các đảo san hô vào tháng 9 năm 2012, Trung Quốc đã bắt đầu thách thức chính quyền Nhật Bản về Senkaku/Diaoyu bằng cách tăng dần sự hiện diện của Hải quân PLA và các tàu của các cơ quan hàng hải dân sự tại các vùng biển bao quanh quần đảo.[5] Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, số các vụ xâm nhập của tàu chính phủ Trung Quốc vào vùng lãnh hải của các đảo san hô tranh chấp tăng từ 0 năm 2010 lên 23 vào năm 2012 và 21 nội trong bốn tháng đầu của năm 2013.[6] Khả năng về một cuộc đụng độ tình cờ giữa các lực lượng có vũ trang của hai nước càng rõ hơn vào tháng 1 năm 2013, khi Nhật Bản cáo buộc tàu khu trục Trung Quốc đã hướng radar kiểm soát đạn của chúng về phía một trực thăng hải quân và tàu khu trục của Nhật Bản.[7]
Với sự thiếu vắng các cơ chế ngăn chặn xung đột hiệu quả và các kênh đối thoại thường xuyên, một sự cố nhỏ giữa lực lượng vũ trang Trung Quốc và Nhật Bản có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc khủng hoảng quân sự và ngoại giao, làm cho mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn bởi thực tế rằng Washington coi Senkaku/Diaoyu nằm trong phạm vi áp dụng của Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật và sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ Nhật Bản về mặt quân sự.[8]
Ngược lại, những quan điểm của Nhật về tranh chấp Biển Đông, và chính sách mà chính phủ áp dụng để đối phó với những căng thẳng đang nổi lên từ 2007/2008, lại nhận được rất ít sự chú ý từ giới học giả và truyền thông, ít nhất là bằng tiếng Anh.[9] Điều này là đáng ngạc nhiên vì nhiều lý do. Thứ nhất, kể từ khi nền kinh tế Nhật khởi sắc vào những năm 1960, an ninh các tuyến đường liên lạc trên biển (SLOC) được các nhà hoạch định chính sách xem là cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia. Là một nước nghèo tài nguyên mà sự thịnh vượng phụ thuộc vào tăng trưởng xuất khẩu, bất cứ mối đe doạ nào đối với sự lưu thông tự do của thương mại hàng hải cũng được xem như ảnh hưởng đến sự sinh tồn. Một vài SLOC quan trọng nhất của Nhật đi qua biển Đông, và các đời thủ tướng liên tiếp đều đầu tư các nguồn tài chính đáng kể để bảo đảm chúng. Vì vậy, trong khi Nhật không phải là một bên tranh chấp trên biển Đông, nó cũng là một bên liên quan quan trọng trong cuộc tranh chấp và bày tỏ một sự quan tâm mạnh mẽ tới việc duy trì ổn định. Thứ hai, đứng trên quan điểm của Nhật Bản, các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông là không thể tách rời. Đối với Tokyo, chiến lược của Bắc Kinh tại hai biển này, về mặt ý định và mục đích, là như nhau, và Nhật Bản ngày càng bày tỏ mối lo ngại rằng những hành động của Trung Quốc ở cả hai khu vực này là có nguy cơ phá hoại các quy chuẩn luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hoà bình, ổn định ở Châu Á – Thái Bình Dương. Thứ ba, những phản hồi của Nhật Bản đối với tranh chấp Biển Đông minh hoạ cho các nhân tố trung tâm của chính sách đối ngoại và quốc phòng giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh: một mong muốn mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề an ninh đa phương tại các diễn đàn an ninh khu vực; tăng cường liên minh với Mỹ; và hỗ trợ nâng cao năng lực trên nền tảng song phương trong phạm vi hiến pháp và luật pháp cho phép.
Mục đích của bài viết này là lấp khoảng trống trong văn liệu về cảm nhận cũng như chính sách của Nhật Bản đối với tranh chấp Biển Đông. Bài viết bắt đầu bằng việc phân tích tầm quan trọng trung tâm của khu vực hàng hải Đông Nam Á đối với an ninh kinh tế và quốc gia của Nhật, và cách những mối quan ngại của Tokyo phát triển trong vòng 5 thập kỷ qua: từ an toàn hàng hải, đến các mối đe doạ xuyên quốc gia, đến những tuyên bố bành trướng và lập trường xác quyết của Trung Quốc ở Biển Đông. Bài báo xác định tiếp những mối quan ngại của Nhật Bản ở Biển Đông từ cuối những năm 2000, tức tác động tiêu cực có thể có đối với các quy chuẩn pháp luật và an ninh các tuyến đường biển, và cách các nhà phân tích Nhật Bản nhìn nhận các tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông là có liên quan đến nhau. Tiếp đó, bài viết phân tích bốn phản ứng chính sách chính của Nhật Bản để đối phó với vấn đề: đa phương hoá và quốc tế hoá tranh chấp; tăng cường hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về vấn đề an ninh hàng hải và thúc đẩy đoàn kết trong tổ chức về Biển Đông; tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực đối với một số bên yêu sách thuộc ASEAN, chủ yếu là Philippines; và tăng cường mối quan hệ và điều phối chính sách với Mỹ, và trong tương lai, với các nước khác, như Ấn Độ và Úc.
Nhật Bản và an ninh hàng hải ở Đông Nam Á
Vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ mong muốn giải giáp, phi quân sự hoá và dân chủ hoá Nhật Bản. Vào năm 1947, quốc gia bại trận bị buộc phải chấp nhận cái gọi là Hiệp ước Hoà bình mà trong đó, ở điều 9, Nhật Bản tuyên bố từ bỏ chiến tranh như là một quyền chủ quyền của mình và từ bỏ quyền sử dụng bạo lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.[10] Như là một phương tiện để xây dựng lại nguồn lực quốc gia và lấy lại vị thế siêu cường, nhà lãnh đạo nhiều ảnh hưởng nhất của Nhật Bản thời hậu chiến, Thủ tướng ShigeruYoshida, kiến tạo ra một bộ nguyên tắc hướng dẫn chính sách đối ngoại của đất nước trong nhiều thập niên tới. Học thuyết Yoshida, như cách nó thường được gọi, nêu rõ ba nguyên tắc chính.[11] Đầu tiên, mục tiêu quốc gia của Nhật Bản là phục hồi kinh tế. Thứ hai, Nhật Bản sẽ vũ trang ở mức thấp và tránh các mối quan hệ đối ngoại phức tạp trong các vấn đề chính trị – chiến lược quốc tế. Thứ ba, an ninh dài hạn của Nhật Bản phụ thuốc vào mối quan hệ thân thiết với Mỹ và sự hiện diện của quân đội nước này ở Nhật. Mặc dù hậu quả của Chiến tranh Lạnh dẫn đến việc Mỹ khuyến khích Nhật Bản tái vũ trang nhưng Điều 9 đã được diễn giải lại để cho phép quyền được tự vệ (và vì vậy dẫn đến sự ra đời của SDF vào năm 1954), nhưng Học thuyết Yoshida vẫn, theo Kenneth Pyle, là “một sự đồng thuận quốc gia”[12].
Sự chú tâm của Nhật Bản đối với phát triển kinh tế có ý nghĩa là Đông Nam Á trở nên có một vị trí quan trọng trong các chính sách thương mại, đối ngoại và an ninh của đất nước. Một cách đơn giản, một Nhật Bản nghèo tài nguyên cần tiếp cận hàng hoá và thực phẩm, và khi nền kinh tế bùng nổ vào những năm 1960 và 1970, Đông Nam Á trở thành một điểm đến quan trọng cho các hàng hoá chế tạo và sự đầu tư của người Nhật. Lợi ích của Nhật tại Đông Nam Á phụ thuộc vào dòng chảy tự do của thương mại hàng hải thông qua các nút thắt chiến lược khu vực – như Singapore,Malacca,Sunda,Lombokvà eo biển Makassar– và Biển Đông. An ninh đường biển vì vậy trở thành mối quan tâm an ninh quốc gia của Nhật Bản, như nó đã từng là mối quan tâm của các cường quốc thương mại hàng hải trong lịch sử, như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh và Mỹ. Tuy nhiên, không giống những nước này, Nhật Bản bị giới hạn trong việc sử dụng nguồn lực hải quân để đảm bảo các lợi ích hàng hải. Lực lượng tự vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF) bị Hiến pháp giới hạn vào việc bảo vệ tổ quốc, và mãi đến những năm 1980, hải quân mới được phép bảo vệ các SLOC của đất nước ra đến 1.000 hải lý.[13] Thứ hai, di sản mà sự xâm lược Nhật Bản để lại ở Đông Nam Á trong suốt cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai khiến các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Singapore thấy một vai trò an ninh cởi mở của Nhật là khó chấp nhận được. Thay vì thế, và để thống nhất với nguyên tắc thứ ba của học thuyết Yoshida, Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào hải quân Hoa Kỳ để duy trì sự tự do hàng hải ở Đông Nam Á và xa hơn nữa. Tuy nhiên, Nhật không phải là kẻ ngồi không hưởng lợi, và đã chủ động trong việc dành sự hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước ven biển như Indonesia và Malaysia để bảo đảm lợi ích hàng hải của mình. Bằng cách này, EuanGraham giải thích, Nhật Bản đã áp dụng một cách tiếp cận “tổng hợp” “hoà quyện ngoại giao công và tư (thông qua các tổ chức phi chính phủ và kinh tế) cũng như dựa vào các nước ven biển khác để theo đuổi các khía cạnh mang tính đối kháng hơn về tự do hàng hải trong khu vực”.[14]
Cơ chế chính mà thông qua đó Nhật Bản đã cung cấp hỗ trợ cho các nước ven biển là Hội đồng eo biển Malacca (MSC), thành lập vào năm 1968 và do chính phủ Nhật và các công ty đóng tàu tư nhân Nhật Bản hỗ trợ tài chính. MSC tài trợ cho các cuộc nghiên cứu thuỷ văn ở eo biển Malacca và bỏ tiền ra mua, cài đặt và duy trì những thiết bị hỗ trợ giao thông hàng hải như phao, đèn hiệu, hải đăng và một đề án phân luồng giao thông.[15] Theo Graham, trong giai đoạn 1968 đến 2001, MSC đã cung cấp 13 tỉ Yên trong việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước ven biển.[16] Sự hỗ trợ của Nhật dành cho MSC được tạo ra để tăng cường an ninh kinh tế của đất nước và vì thế, vượt xa cả sự rộng lượng thông thường. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nhật Bản đã đảm bảo được sự an toàn đi lại cho tất cả tàu thuyền, một hàng hóa công quan trọng đối với việc mở rộng thương mại thế giới và sự lan truyền của toàn cầu hoá.
Phản ứng đối với các thách thức an ninh hàng hải trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh
Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nhật Bản đối mặt với một môi trường an ninh đã bị thay đổi và các thách thức đối với lợi ích của mình từ cả các chủ thể quốc gia và phi quốc gia. Sau năm 1991, mối đe doạ do Liên Xô tạo ra nhanh chóng bị xua tan. Nhưng khi thập niên đó trôi qua, Nhật dần trở nên lo sợ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên (được minh hoạ bằng khủng hoảng hạt nhân năm 1994 và sự kiện tên lửa Taepodong năm 1998), cũng như khả năng quân sự ngày càng phát triển và sự sẵn sàng áp dụng cơ chế cưỡng ép để theo đuổi các mục tiêu quốc gia của Trung Quốc, như trong sự kiện Eo biển Đài Loan năm 1995/1996. Nhưng như Bhubhindar Singh đã lập luận, mặc dù hàng loạt các cuộc khủng hoảng này báo động một khu vực láng giềng nhiều thách thức hơn, Nhật Bản đã không phản ứng lại bằng cách áp dụng một chính sách chiến lược độc lập so với Mỹ, tăng chi tiêu quốc phòng hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân.[17] Thay vào đó, Nhật Bản tìm cách giải quyết những vấn đề này thông qua đối thoại, cả ở song phương và các diễn đàn an ninh đa phương như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), và bằng cách tăng cường liên minh quân sự với Mỹ, bao gồm trao đổi thông tin nhiều hơn và hỗ trợ về mặt hậu cần cho quân đội Mỹ trong suốt các giai đoạn khủng hoảng.[18]
Dĩ nhiên, an ninh đường biển vẫn còn đó, một mối quan ngại chủ chốt của Nhật Bản trong suốt những năm 1990 đến những năm 2000. Nhưng mặc dù các căng thẳng bắt đầu nổi lên ở Biển Đông trong suốt những năm 1990 – đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam, giữa Trung Quốc và Philippines – tình hình không khơi dậy những mối quan ngại quá mức ở Tokyo. Sự tranh chấp không được xem như là mối đe doạ đối với lợi ích hàng hải của Nhật: Hải quân PLA vẫn còn bị giới hạn về phạm vi và khả năng, và những tuyên bố của Bắc Kinh dường như tập trung vào các đảo san hô không người ở và các đảo đá của quần đảo Trường Sa. Hơn nữa, từ năm 2000 đến 2007, sự căng thẳng giảm đi đáng kể do cái mà Trung Quốc gọi là cuộc “Tấn công quyến rũ” (charm offensive) ở Đông Nam Á.[19] Tuy nhiên, như sẽ được phân tích ở phần sau, khi hải quân Trung Quốc và các cơ quan hàng hải dân sự đã được mở rộng, và Bắc Kinh áp dụng một chính sách cứng rắn hơn vào cuối những năm 2000, cách suy nghĩ của người Nhật cũng thay đổi.
Mối quan ngại an ninh chính của Nhật đối với an ninh đường biển ở Đông Nam Á trong hai thập niên đầu giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh là cướp biển và cướp có vũ trang trên biển (piracy and sea robbery),[20] và ở mức độ thấp hơn, là khủng bố hàng hải, đặc biệt là sau vụ 11/9. Trong suốt những năm 1990, kiểm soát chính trị yếu kém, điều kiện chính phủ và kinh tế xã hội nghèo nàn, và thiếu năng lực quản lý nhà nước tạo điều kiện cho tội phạm hàng hải sinh sôi nhanh chóng, đặc biệt là ở Indonesia theo sau sự ra đi của Tổng thống Suharto vào năm 1998.[21] Việc thiếu sự hợp tác giữa các nước Đông Nam Á do những sự nhạy cảm về chủ quyền đã tạo nên rắc rối. Trong khi tàu của mọi quốc gia trở thành nạn nhân của cướp biển và cướp có vũ trang ở Đông Nam Á, thì do một vài sự cố đáng chú ý liên quan đến các tàu của Nhật, Nhật nhận thấy các con tàu của mình đang nhận lấy gánh nặng từ vấn đề này (mặc dù điều này không được chứng minh bằng số liệu đưa ra bởi cơ quan hàng hải quốc tế).[22]
Để đối phó với vấn đề này, Nhật đã tránh lựa chọn vai trò an ninh mở rộng cho JMSDF hay Lực lượng Tuần duyên Nhật (JCG). Thay vào đó, nước này hướng đến một cách tiếp cận đa phương với sự hỗ trợ nâng cao năng lực dành cho các nước trong khu vực. Lời đề nghị của Thủ tướng JunichiroKoizumi vào năm 2001 về một thoả thuận toàn Châu Á để đối phó với tội phạm hàng hải đã dẫn đến sự đồng thuận của 16 quốc gia (10 quốc gia ASEAN cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka) vào năm 2004 về Hiệp định Khu vực về chống Cướp biển và Cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở Châu Á (ReCAAP).[23] Vào năm 2006, ReCAAP thiết lập một Trung tâm Chia sẻ Thông tin (ISC) ở Singapore để tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và hợp tác hành động giữa các cơ quan chấp pháp hàng hải dân sự của các nước thành viên. Nhật Bản là nước đóng góp lớn thứ hai trong việc gây quỹ cho ISC (sau Singapore) và Giám đốc Điều hành lúc khai trương và người kế nhiệm ông đều là công dân Nhật Bản.[24] Về hỗ trợ song phương, vào đầu những năm 2000, JCG đã tăng cường hợp tác với các đối tác Đông Nam Á của mình thông qua các chương trình huấn luyện và tập trận chống cướp biển.[25] Nhật Bản cũng đã giúp cải thiện năng lực giám sát và can thiệp hàng hải của lực lượng tuần duyên khu vực thông qua việc chuyển giao các tàu tuần tra và các tàu huấn luyện dùng nguồn Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) cấp bởi Bộ Ngoại giao.
Trong suốt những năm 2000, các vụ cướp biển và cướp có vũ trang được báo cáo lại ở Đông Nam Á đã giảm đáng kể: từ mức cao 271 vụ vào năm 2000 giảm xuống còn 67 năm 2009.[26] Sự sụt giảm trong bạo lực hàng hải là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm: các nỗ lực đa phương như ReCAAP và các tàu tuần tra phối hợp bởi Indonesia, Malaysia và Singapore ở eo biển Malacca vào năm 2004; các sáng kiến quốc gia của ba nước trên nhằm cải thiện an ninh ở các cảng biển và các vùng lãnh hải của mình; và sự hỗ trợ nâng cao năng lực từ Nhật Bản và Mỹ.[27] Mặc dù có nhiều cuộc tấn công hơn một ít từ những năm 2010, đa số những vụ này xảy ra trên vùng biển của Indonesia, trong khi số các vụ ở Eo biển Malacca duy trì ở mức thấp trong khu vực vốn được sử dụng bởi hơn 70.000 chuyến tàu mỗi năm (từ năm 2008 đến 2012, trung bình có 2 vụ tấn công mỗi năm).[28] Cuối những năm 2000, khu vực địa lý trọng tâm của vấn đề hải tặc chuyển sang các vùng biển ở Somalia và vịnh Aden. Không giống như Eo biển Malacca, sự vắng mặt của một nhà nước hoạt động hiệu quả ở Somalia yêu cầu một sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, bao gồm Nhật Bản, nước đã gởi các tàu JMSDF đến tham gia cùng các tàu tuần tra chống hải tặc. Vào năm 2011/2012, vấn đề đã được kiểm soát một cách hiệu quả. Các diễn tiến tiêu cực ở Biển Đông, nói thế nào đi nữa, cũng đã thay thế hải tặc như trở thành mối quan ngại an ninh chính của Nhật Bản ở Đông Nam Á.
Nhật Bản và Tranh chấp Biển Đông
Tranh chấp biển Đông tập trung vào các tuyên bố chủ quyền chồng lấn đối với hàng trăm đảo san hô nhỏ và các vùng biển liên quan của chúng.[29] Hai quần đảo chính đang bị tranh chấp là Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tranh chấp ở Hoàng Sa là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Vào năm 1974, Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa khi PLA đẩy lùi toàn bộ quân đội Nam Việt Nam ra khỏi phần phía Tây của quần đảo. Việt Nam xem hành động này là bất hợp pháp và vẫn tuyên bố chủ quyền của mình trên toàn bộ quần đảo. Nằm xa về phía Nam là quần đảo Trường Sa, một quần đảo bao gồm hàng trăm các cấu tạo biệt lập bao gồm các đảo, đá và rạn san hô. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các cấu tạo của quần đảo; Malaysia và Philippines đòi chủ quyền một phần quần đảo; và hai cấu tạo thuộc về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Brunei (EEZ), và mặc dù chính phủ nước này chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền chính thức đối với chúng, Brunei luôn được xem là một bên tranh chấp.[30] Chủ quyền ở Bãi cạn Scarborough – nằm cách 130 hải lý về phía Tây của Luzon và về mặt kỹ thuật không thuộc về quần đảo Trường Sa – cũng bị Trung Quốc và Philippines tranh chấp. Cùng với các tuyên bố của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa, các bản đồ chính thức của Trung Quốc thể hiện đường 9 đoạn bao gồm xấp xỉ 80% biển Đông. Tuy nhiên, như được phân tích sau đây, việc Bắc Kinh trì hoãn giải thích đường 9 đoạn biểu thị những gì đã tạo nên mối quan ngại trong khu vực.
Nhật Bản đóng một vai trò nhỏ trong tranh chấp Biển Đông trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong những năm 1920 và 1930, các công ty phốt phát của Nhật đã hoạt động ở quần đảo Trường Sa và vào năm 1939, Đế quốc Nhật chiếm các đảo san hô ở Hoàng Sa và Trường Sa như một phần trong sự bành trướng của mình ở Trung Quốc và Đông Nam Á.[31] Nhật Bản đóng quân ở đảo Trường Sa và thiết lập một căn cứ tàu ngầm trên hòn đảo rộng nhất của quần đảo, Itu Aba (tức đảo Ba Bình).[32] Khi Đế quốc Nhật bị đánh bại vào tháng 8 năm 1945, quân đội Nhật Bản rút khỏi đây, và vào năm 1951, Tokyo tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo Hiệp định Hoà bình San Francisco.[33] Kể từ đó, Nhật không đưa ra lập trường nào về tuyên bố lãnh thổ của sáu bên.
Các căng thẳng ở biển Đông mang tính chu kỳ. Khi Chiến tranh Lạnh giảm nhiệt vào cuối những năm 1980, cuộc tranh chấp nổi lên như một vấn đề an ninh khu vực quan trọng. Căng thẳng giữa các bên tranh chấp bắt đầu tăng nhiệt khi các bên tăng cường các tuyên bố chủ quyền – đặc biệt là Trung Quốc thông qua hệ thống luật pháp nội địa năm 1992[34] – và thực thi các quyền chủ quyền đối với nguồn tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của Công ước của Liên hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), bắt đầu có hiệu lực vào năm 1994. Vào giữa cuối những năm 1990, tranh chấp trở thành một nguồn căng thẳng song phương chính giữa Bắc Kinh và Manila (đặc biệt là sau khi Trung Quốc chiếm dải Mischief [Vành Khăn] mà Philippines đã tuyên bố chủ quyền), và giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Căng thẳng giảm xuống đáng kể vào đầu những năm 2000, chủ yếu là vì Trung Quốc áp dụng lập trường ôn hòa hơn như một phần của cái gọi là cuộc “Tấn công quyến rũ” ở Đông Nam Á. Đặc biệt, vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DoC), một cơ chế quản lý xung đột không ràng buộc, và vào năm 2005, các công ty năng lượng sở hữu nhà nước của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đồng ý thực hiện các khảo sát địa chấn trong các vùng biển tranh chấp.[35] Tranh chấp trở nên không đóng vài trò quá quan trọng trong các vấn đề an ninh khu vực.
Tuy nhiên từ 2007/2008, và đặc biệt là từ 2010, căng thẳng lại tăng lên vì sự kết hợp của nhiều yếu tố: chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng đối với chủ quyền của các đảo san hô; hành động của một vài bên yêu sách nhằm nhấn mạnh tuyên bố lãnh thổ và quyền tài phán của mình thông qua luật pháp quốc gia, việc nộp đơn lên Liên Hiệp Quốc (UN) và các hoạt động hành chính như thiết lập các liên kết bưu chính, du lịch và viễn thông thường xuyên; tăng cường cạnh tranh trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là thuỷ sản và dầu khí; sự hiện đại hoá nhanh chóng của Hải quân PLA và sự mở rộng của các cơ quan chấp pháp hàng hải dân sự của Trung Quốc, điều đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông và tăng cường áp lực cưỡng chế lên Việt Nam và Philippines; và, căng thẳng lên cao dẫn đến chính sách chủ động hơn của Mỹ đối với tranh chấp.
Trong suốt hai thập niên đầu thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản không xem tranh chấp Biển Đông là mối lo trước mắt hay một mối đe doạ đối với an ninh đường biển. Việc thiếu quan tâm này thể hiện trong hai tài liệu đánh giá bằng tiếng Anh về môi trường an ninh của đất nước: Đánh giá chiến lược khu vực Đông Á(EASR), xuất bản từ năm 1996 bởi Học viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia (NIDS), và Sách Trắng quốc phòng hàng năm của Nhật Bản.[36]
Trong những năm 1990, EARS đã tập trung hầu như mọi phân tích vào mối đe doạ tiềm tàng đối với Nhật Bản do Bắc Triều Tiên gây ra, chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan, và sự tăng cường các mối liên kết chiến lược Hoa Kỳ – Nhật Bản. Trong thập niên sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, cả EARS và Sách Trắng của Bộ Quốc phòng đều tập trung vào khủng bố, sự lan truyền của vũ khí huỷ duyệt hàng loạt (WMD; bao gồm chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên) và xung đột ở Iraq và Afghanistan. Sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự đang lên của Trung Quốc cũng là nội dung xuyên suốt từ những năm 1990 và 2000. Cả hai ấn phẩm, đặc biệt là Sách Trắng Quốc phòng, đều chỉ ra mối quan ngại đối với các hoạt động của cơ quan hàng hải Trung Quốc trong các vùng biển bao quanh Nhật Bản, cũng như sự thiếu minh bạch trong việc hiện đại hoá lực lượng vũ trang và ngân sách quốc phòng ngày càng tăng của Trung Quốc.Về an ninh ở Đông Nam Á, hai công bố đều đánh giá hậu quả tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997/1998, các vụ cướp biển ngày càng tăng, chủ nghĩ Hồi giáo cực đoan hậu 11/9. Tranh chấp biển Đông chỉ được nhắc qua. Trong khi sự kiện Vành Khăn dẫn tới khủng hoảng lớn trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines, và gây ra mối quan ngại trong khu vực, EARS năm 1996 – 1997 chỉ xem nó như việc Trung Quốc đang hình thành một “chỗ đứng” ở quần đảo Trường Sa.[37] Từ năm 2006 đến 2010, Sách Trắng Quốc phòng của Nhật đơn giản liệt kê tranh chấp biển Đông như một trong những “nhân tố gây bất ổn” ở Đông Nam Á.[38] Nhìn chung, cho đến cuối những năm 2000, các nhà phân tích Nhật Bản vẫn giữ một cái nhìn trung lập, thậm chí là lạc quan, về mối quan hệ Trung Quốc – Đông Nam Á. Chẳng hạn, EARS 2007 công nhận các nỗ lực của Trung Quốc trong việc xua tan các mối lo ngại trong khu vực cùng với quyền lực ngày càng tăng của mình – bao gồm DoC năm 2002 – và rằng Bắc Kinh “chủ động giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hoà bình ở Biển Đông”.[39] Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào năm 2008 đã bày tỏ sự thất vọng đối với việc chẳng có tiến triển nào giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc đàm phán một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc pháp lý ở biển Đông (CoC).[40]
Năm 2010 đánh dấu một bước chuyển tiêu cực trong mối quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản. Tháng 9, việc bắt giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá Trung Quốc vốn được cho là đã đâm vào một tàu tuần duyên Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/ Diaoyu đã làm nổi lên một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Chính xác là hai năm sau, các mối quan hệ song phương chuyển sang mức độ thấp nhất từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai với quyết định của Nhật “quốc hữu hoá” ba hòn đảo thuộc quyền sở hữu tư nhân trong khu vực quần đảo tranh chấp. Theo quan điểm của Trung Quốc, hành động này thể hiện một sự thay đổi đơn phương hiện trạng của Nhật, và nước này phản ứng lại bằng cách tăng cường lực lượng tuần tra hải quân và không quân xung quanh quần đảo, điều được xem là nỗ lực đầy tính quyết đoán để thách thức các tuyên bố về quyền tài phán của Nhật. Theo sau quyết định của chính phủ Nhật Bản là các cuộc biểu tình chống Nhật diễn ra ở hàng trăm thành phố ở Trung Quốc.
Ngay cả trước khi căng thẳng gia tăng ở biển Hoa Đông, Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản cũng đã nêu lên mối quan ngại ngày càng lớn đối với vị thế quân sự của Trung Quốc. Từ năm 1988 đến 1997, Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng trung bình một năm là 14,5%, lên 15,9% từ năm 1998 đến 2007.[41] Trong năm 2012, chi tiêu quốc phòng chính thức của Trung Quốc tăng lên 106 tỉ đô la Mỹ, cao thứ hai trên thế giới – chấp nhận theo sau Mỹ một khoảng dài với chi tiêu lên đến 624 tỉ đô la, nhưng vẫn là cao nhất ở Châu Á.[42] Những xu hướng này hoàn toàn trái ngược với môi trường chính trị, kinh tế và quân sự của Nhật. Từ đầu những năm 1990, nền kinh tế Nhật đã rơi vào suy thoái, một vấn đề càng trầm trọng hơn bởi một giới lãnh đạo chính trị yếu kém. Do hậu quả trực tiếp của sự trì trệ kinh tế, chi tiêu quốc phòng không có nhiều thay đổi: năm 1999, Nhật chi 54,39 tỉ đô la cho lực lượng vũ trang và vào năm 2011 là 54,53 tỉ (tỉ giá đô la Mỹ năm 2010).[43] Trong khi Sách Trắng năm 2008 nói rằng Nhật Bản ‘mong’ Trung Quốc thể hiện sự minh bạch rõ hơn về chương trình hiện đại hoá quân sự, một năm sau, cuốn sách tuyên bố Trung Quốc ‘chưa đạt đến mức độ minh bạch mong đợi từ một siêu cường khu vực’.[44] Năm 2010, Tokyo cảnh báo việc thiếu minh bạch đã trở thành một ‘vấn đề đáng lo ngại trong cộng đồng khu vực và quốc tế’.[45] Năm 2013, quan điểm này được nhấn mạnh hơn, với việc Nhật cáo buộc Trung Quốc giảm sự minh bạch trong ngân sách quốc phòng và việc PLA có ‘các hoạt động gây nguy hiểm’ trong vùng biển và không phận của Nhật Bản và làm suy yếu môi trường an ninh quốc gia.[46]
Khi các mối quan hệ song phương tệ đi, các nhà phân tích Nhật Bản bắt đầu bảy tỏ mối quan ngại ngày càng tăng đối với các khuynh hướng tiêu cực ở biển Đông. Chẳng hạn, NIDS đã chỉ ra mối căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các bên yêu sách bắt đầu từ 2009, và lấy nó giải thích cho sự hiện diện quân sự nhiều hơn của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như chính sách can thiệp nhiều hơn của Mỹ đối với tranh chấp.[47] Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng ‘các hành động cứng rắn’ của Trung Quốc ở Biển Đông đã dẫn đến việc các nước thành viên ASEAN tăng chi tiêu quốc phòng và hiện đại hoá lực lượng vũ trang và tạo điều kiện tăng cường hợp tác quân sự giữa một vài quốc gia Đông Nam Á và Mỹ.[48]EASR 2012 kết luận do năng lực quân sự ngày càng phát triển của Trung Quốc và ảnh hưởng trong ASEAN, Bắc Kinh có ít lý do để nhượng bộ trong tranh chấp và vì thế tình hình sẽ vẫn ở trạng thái ‘bất ổn’ trong tương lai gần.[49] Nhật Bản lo rằng tranh chấp có tiềm năng làm giảm an ninh hàng hải ở Biển Đông. Như đã được mô tả trước đó, từ ít nhất là những năm 1960, đây đã là lợi ích an ninh chính của Tokyo ở Đông Nam Á. Và do ‘sự thịnh vượng và sống còn’ của Nhật phụ thuộc vào an ninh của các SLOC, điều này khó mà thay đổi được.[50] Các con số về thương mại Nhật Bản năm 2010 nhấn mạnh tầm quan trọng bậc nhất của các tuyến đường biển khu vực. Trong năm đó, giá trị thương mại hai chiều giữa Nhật Bản và 10 quốc gia thành viên ASEAN là 214 tỉ đô la Mỹ; với Nam Á (Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh) là 17,8 tỉ đô la; và với Liên minh Châu Âu là 147 tỉ đô la.[51] Hơn 90% nguồn cung cấp năng lượng của Nhật Bản được đưa qua khu vực này. Trong khi không nhiều người dự đoán một cuộc chiến tranh lớn ở biển Đông, thì xung đột, vô tình hay cố ý, vẫn không thể bị loại trừ. Dĩ nhiên, bất cứ xung đột nào cũng sẽ gián đoạn nghiêm trọng các SLOC huyết mạch của Nhật Bản.
Các mối quan ngại của Nhật Bản đối với Biển Đông đã phát triển cùng với căng thẳng ngày càng tăng ở biển Hoa Đông vì Tokyo xem hai tranh chấp này là có mối liên kết không thể tách rời.
…
Các phản ứng chính sách của Nhật Bản
Đa phương hoá tranh chấp Biển Đông
Tăng cường hợp tác Nhật Bản – ASEAN về an ninh hàng hải
Hỗ trợ song phương của Nhật Bản dành cho các nước Đông Nam Á
Sự hợp tác với Mỹ và các nước khác
Kết luận
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Loi ich an ninh hang hai cua Nhat o DNA va tranh chap Bien Dong.pdf
—-
[1] ItsunoriOnodera,‘DefendingNationalInterests; Preventing Conflict’, Đối thoại Shangri-La 2013,Second PlenarySession(1June2013),có tại:http://www.iiss.org/en/events/ shangri%20la%20dialogue/archive/shangri-la-dialogue-2013-c890/second-plenary-session-8 bc4/onodera-d174;DefenseofJapan2013(Tokyo:MinistryofDefense,2013),p.1,bản dịch tạm có tại:http://www.mod.go.jp/e/publ/w_paper/2013.html
[2] Diễn văn của NgàiFumioKishida,Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản,tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 19 về ‘Tương lai của Châu Á’ở Khách sạnImperial,Tokyo,23Tháng 5, 2013,xem tại: http://www.mofa.go.jp/page3e_000057.html
[3] Bộ Quốc phòng Nhật Bản 2013, trang 4
[4] Ví dụ, xem trongInternationalCrisisGroup,DangerousWaters:China–Japan Relations on the Rocks,Asia Report No. 245 (8 April 2013), xem tại: http://www.crisis- group.org/*/media/Files/asia/north-east-asia/245-dangerous-waters-china-japan-relations- on- the-rocks.pdf
[5] Như trên.,p.i.
[6] Xem hình111-1-1-2,‘NumberofIncursionsintotheTerritorialWatersAroundtheSenkaku IslandsPerformedbyChineseGovernmentShips’, Trong Quốc phòng Nhật Bản2013(không có số trang).
[7] Như trên.,p.i.
[8] Mặc dù các quan chức Trung Quốc và Nhật Bản đã thảo luận về các cơ chế ngăn chặn xung đột nhưng không có cơ chế nào được thực hiện. Đọc thêm JamesPrzystup,JohnBradfordvà JamesManicom, ‘Japan–ChinaMaritimeConfidenceBuildingandCommunicationsMechanisms’,PacNet#67(20/8/2013),tại:http://csis.org/publication/pacnet-67-japan-china-maritime– confidence-building-and-communications-mechanisms;MarkE.Manyin, Tranh chấp quần đảo Senkaku (Diaoyu/ Diaoyutai):U.S.TreatyObligations,CongressionalResearchService(22/1/2013),trang5,tại:http://www.fas.org/sgp/crs/row/R42761.pdf
[9] ĐọcEuanGraham,Japan’s SeaLaneSecurity,1940–2004:Amatteroflifeanddeath?(LondonandNewYork,NY:Routledge,2006);YoichiroSato,‘JapanAidtothe Philippines aWarningtoChina’,EastAsia Forum(29/8/2013),tại:http://www.east- asiaforum.org/2013/08/29/japan-aid-to-the-philippines-a-warning-to-china/; Tetsuo Katani,‘WhatChinaWantsintheSouthChinaSea’,TheDiplomat(18/7/2011),tại:http:// thediplomat.com/2011/07/18/why-china-wants-the-south-china-sea/. Một phiên bản trước đó của bài báo này đã từng được viết bởi Ian Storey, ‘Japan’s Growting Againts over the South China Sea’, ISEAS Perspective, Số 20, ISEAS (8/4/2013), tại: http:// www.iseas.edu.sg/documents/publication/ISEAS_Perspective%202013_20.pdf;Đọc Ian Storey,‘JapanStepsUptotheSouthChinaSeaPlate’,Wall StreetJournal(10/7/2012).
[10] Bản copy Hiến pháp 1947 xem tại: http://www.kantei.go.jp/foreign/con-stitution_and_government_of_japan/constitution_e.html
[11] KennethB.Pyle,Japan Rising:TheResurgenceofJapanese PowerandPurpose(New York,NY:PublicAffairs,2007),trang 242;MichaelB.Yahuda,TheInternationalPoliticsof theAsia-Pacific,1945–1995(LondonvàNewYork,NY:Routledge,1996),trang 238.
[12] Pyle, Japan Rising, trang 242
[13] JamesManicom,‘Japan’sRoleinStrengtheningMaritimeSecurityinSoutheastAsia’,trong JohnBradford,JamesManicom,SheldonW.Simonetal.(eds),MaritimeSecurity in SoutheastAsia:U.S.,Japanese,andIndustryStrategies(Seattle,WA:NationalBureauof AsianResearch,2010),trang33.
[14] Graham,Japan’sSeaLaneSecurity,trang 152.
[15]YaacovY.I.Vertzberger,CoastalStates,Regional Powers,Superpowersandthe Malacca– SingaporeStraits(Berkeley,CA:UniversityofCalifornia,1984),trang9.
[16] Graham,Japan’sSeaLaneSecurity,trang 163
[17] BhubhindarSingh,Japan’sSecurityIdentity:FromaPeaceStatetoanInternationalState (Abingdon,Oxon.:Routledge,2013),trang4,63.
[18] Như trên,p.88.
[19] Đọc chương 3 trong Ian Storey,SoutheastAsiaandtheRiseofChina:TheSearchforSecurity (Abingdon,Oxon.:Routledge,2011),đặc biệt trang89–92.
[20] Theo luật quốc tế, một hành động cướp biển được định nghĩa là một hành vi bạo lực trái pháp luật hoặc hành động giam giữ hai hay nhiều tàu ở vùng biển mà cách bờ biển 12 hải lý; các hành động phá hoại hàng hải xảy ra trong vùng biển của quốc gia được xem như là cướp biển và được xem là thuộc về thẩm quyền xét xử của quốc gia.
[21] ĐọcIanStorey,‘SecuringSoutheastAsia’sSeaLanes:AWorkinProgress’,Asia Policy, Số2(7/2008),trang106–109.
[22] Manicom,‘Japan’sRole’,trang35.Một phân tích số liệu của Cơ quan Hàng hải quốc tế không chỉ ra rằng các tàu có treo cờ Nhật bị tấn công bởi cướp biển thường xuyên hơn các tàu treo cờ của nước khác.
[23] ReCAAP được thống nhất vào ngày 11/11/2004 và có hiệu lực vào 4/9/2006.Đến nay,17 quốc gia trở thành thành viên của ReCAAP, mặc dù hai quốc gia Đông Nam Á chủ chốt là,Malaysiavà Indonesia, từ chối phê chuẩn thoả thuận, vì các mối quan ngại về chủ quyền.
[24] TheAsianInitiative:EnhancingRegionalCooperation2006–2008(Singapore:ReCAAP, 2009), trang55, tại: http://www.recaap.org/DesktopModules/Bring2mind/DMX/ Download.aspx?Command¼Core_Download&EntryId¼35&PortalId¼0&TabId¼78
[25] MarkValencia,‘PiracyandTerrorisminSoutheastAsia’,trongDerekJohnsonvàMark Valencia(eds),PiracyinSoutheastAsia: Status,Issues andResponses(Singapore:ISEAS, 2005), trang 93, 107.
[26] Số liệu tổng hợp từ Cơ quan Hàng hải Quốc tế,‘PiracyandArmedRobbery AgainstShipsAnnualReport’,nhiều vụ từ2001–2011.
[27] Storey,‘SecuringSoutheastAsia’sSeaLanes’.
[28] Cơ quan Hàng hải quốc tế, ‘PiracyandArmedRobbery AgainstShipsAnnualReport: ReportforthePeriod1January–31December2012’(1/ 2013),trang5
[29] Để có cái nhìn tổng thể về tranh chấp, đọc CliveSchofieldvàIanStorey,TheSouthChina SeaDispute:IncreasingStakesandRisingTensions, JamestownFoundationOccasional Paper(11/2009);thespecialissueofContemporarySoutheastAsia 33,Số3 (12/2011);InternationalCrisisGroup,Stirringup theSouthChinaSea(I)(23/4/2012), tại:http://www.crisisgroup.org/*/media/Files/asia/north-east-asia/223- stirring-up-the-south-china-sea-i.pdf;International Crisis Group, Stirring up the South ChinaSea(II):RegionalResponses (24 /7/2012),tại:http://www.crisisgrou– p.org/*/media/Files/asia/north-east-asia/229-stirring-up-the-south-china-sea-ii-regional-resp onses.pdf
[30] ĐọcIanStorey,‘BruneiandChina’,trongBruceElleman,StephenKotkinvàCliveSchofield (eds),ChinaanditsBorders:TwentyNeighborsinAsia(NewYork,NY:M.E.Sharpe,2012).
[31] Daniel J. Dzurek, The Spratlys Islands Dispute: Who’s on First?. Maritime Briefing, Quyển 2, Tập 1 (Durham: International Boundaries Research Unit, 1996), trang 10 -11
[32] Như trên
[33] Xem bài báo 2 (f), ‘Treaty of San Francisco’(8 /9/ 1951), tại: http: www.taiwandocuments.org/sanfrancisco01.htm
[34]Đọc ‘LawoftheTerritorialSeaandContiguousZones’(25/2/ 1992),tại: http://library.uoregon.edu/ec/e-asia/read/sealaw.pdf
[35] ‘Tuyên ngôn về Trách nhiệm của các bên ở Biển Nam Trung Hoa’ (4/11/2002), tại: http://www.asean.org/asean/external-relations/china/item/declaration-on-the- conduct-of-parties-in-the-south-china-sea
[36] NIDSxuất bảnEASRmỗi hai nămgiữa1996 và 1998, và hàng năm từ 1999.Xem tại:http:// www.nids.go.jp/english/publication/east-asian/index.html. Bản tiếng Anh của Sách Trắng quốc phòng của Nhật được xuất bản trực tuyến từ năm 2004 bởi Bộ Quốc phòng. Xem tại: Defense.See: http:// www.mod.go.jp/e/publ/w_paper/index.html
[37] East AsiaStrategicReview1996–1997(Tokyo:NationalInstituteforDefenseStudies, 1996),trang196.
[38] ĐọcDefenseofJapan (2006–2010),tại:http://www.mod.go.jp/e/publ/w_paper/index.html
[39] EastAsiaStrategicReview2007(Tokyo:JapanTimesandNIDS,2007),trang155.
[40] Defense of Japan 2008 (Tokyo: Bộ Quốc phòng, 2008), trang 73
[41] Như trên
[42] ‘China’sDefenseBudgettoGrow11.2Pctin2012:Spokesman’, Xinhua,4/3/2012.
[43] Đọc Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI) Military Expenditure Database,tại:http://milexdata.sipri.org
[44] Như trên.,trang50;DefenseofJapan2009(Tokyo:MinistryofDefense,2008),trang50.
[45]DefenseofJapan2010(Tokyo:MinistryofDefense,2010),trang5.
[46]DefenseofJapan2013(Tokyo:MinistryofDefense,2013),trang42,46,5.
[47]EastAsiaStrategicReview2011(Tokyo:JapanTimesandNIDS,2007),trang141.
[48]Như trên,trang164,9.
[49] Như trên,trang150.
[50] DefenseofJapan2013,trang243.
[51]Số liệu lấy từDirectionofTradeStatistics:Sách năm2011(Washington,DC: Quỹ tiền tệ quốc tế,2011).