Tác giả: Chu Công Phùng*
1/ Xin ông lý giải vì sao TQ rầm rộ tiến hành chiến dịch xâm lấn, đặt gian khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vào thời điểm đầu tháng 5/2014? Mục đích chính của chiến dịch này là gì?
Trả lời: Hơn một tháng qua không ít nhà phân tích trong nước và ngoài nước đã phân tích từ nhiều góc độ về nguyên nhân và mục đích Trung Quốc tiến hành chiến dịch hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa Việt Nam. Kết hợp các yếu tố quốc tế, khu vực và nội bộ Trung Quốc, tôi cho rằng có 3 nguyên nhân chính khiến nhà cầm quyền Trung Quốc hạ quyết tâm và hung hăng thực hiện chiến dịch xâm lược vào thời điểm hiện tại, đó là:
Thứ nhất: Công khai thách thức vai trò của Mỹ ở Châu Á. Các bạn đều đã biết, trong cuộc khủng hoảng ở Ucraina, quan hệ giữa Mỹ và EU với Nga trở lên căng thẳng, quan hệ Mỹ – Trung cũng xuất hiện nhiều trục trặc do Trung Quốc thực dụng nghiêng về ủng hộ Nga để được Nga giành cho các hợp đồng khí đốt béo bở (trị giá tới 400 tỉ USD).
Trước thực tế này, cuối tháng 4/2014 Tổng thống Mỹ Obama đã thực hiện chuyến thăm Châu Á gồm 4 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipinnes và Malaysia với 2 mục đích rõ ràng: (1) phớt lờ Trung Quốc, cùng các nước đối tác thúc đẩy hoàn tất Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – TPP); (2) cam kết bảo vệ các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Philippines trước các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Bị mất mặt trước việc Mỹ phớt lờ vai trò của Trung Quốc ở Châu Á và công khai ủng hộ quân sự đối với các đồng minh Nhật Bản và Philippines, chỉ chưa đầy một tuần sau chuyến công du Châu Á của Tổng thống Obama, Trung Quốc đã phản ứng tiêu cực bằng cách thách thức vai trò của Mỹ ở Biển Đông, ngang nhiên và hung hăng đưa dàn khoan khủng Hải Dương – 918 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vừa nhằm gián tiếp thách thức Mỹ, Nhật vừa dằn mặt các nước Châu Á đồng minh của Mỹ và những nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đủ tỉnh táo để không đưa dàn khoan trên vào vùng biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản và vùng biển Philippines vì như vậy Trung Quốc sẽ trực tiếp khiêu khích Mỹ – đối thủ hơn hẳn Trung Quốc về mọi mặt.
Đáp lại thách thức này của Trung Quốc, không chỉ các Nghị sĩ Quốc hội Mỹ đều gay gắt phê phán Trung Quốc mà ngày 28/5/2014, khi phát biểu về chính sách đối ngoại trước các học viên tại Học viện quân sự ở West Point, New York, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng, quân đội nước này sẵn sàng đáp trả “sự gây hấn” của Trung Quốc với các nước láng giềng trên Biển Đông và ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á trong quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh.
Thứ hai, Chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam 10 ngày trước khi khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tổ chức tại Myanmar. Chúng ta còn nhớ cách đây 2 năm, khi Campuchia là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN 22. Trung Quốc đã dùng khoản viện trợ kinh tế khổng lồ (430 triệu USD) mua chuộc Campuchia khiến lần đầu tiên trong lịch sử Hội nghị cấp cao ASEAN không ra được Thông cáo chung về vấn đề Biển Đông. (Sau đó Campuchia bị hứng chịu rất nhiều búa rìu dư luận quốc tế và khu vực vì vụ việc “ngậm miệng ăn tiền” này). Năm nay, Trung Quốc hy vọng Myanmar – nước không có biên giới biển với Trung Quốc và đang tiếp nhận nhiều dự án đầu tư từ Trung Quốc sẽ “nể mặt” Trung Quốc, cộng với sự ủng hộ ngầm của Campuchia (Trung Quốc cử Phó Chủ tịch quân ủy trung ương Hứa Kỳ Lượng thăm Campuchia từ 8-13/5/2014) sẽ khiến Hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar tiếp tục bị chia rẽ, không ra được Tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông cho dù Việt Nam có tố cáo Trung Quốc tại Diễn đàn này.
Nhưng lần này thủ đoạn “liên hoành” của Trung Quốc để phá thế “hợp tung” của ASEAN đã phá sản, với sự chủ trì đầy bản lĩnh của nước chủ nhà Myanmar, các nước ASEAN đã có tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông. Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 24 về tình hình Biển Đông và Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đều đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố này nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin; thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tiến tới hình thành và ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng nội dung 2 Tuyên bố kể trên đều chĩa thẳng vào Bắc Kinh.
Thứ ba, Chuyển mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài biên giới. Cuộc đấu tranh quyền lực trong giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc đang diễn ra rất phức tạp. Để khẳng định vị trí độc tôn của mình và giành quyền kiểm soát quân đội, Tập Cận Bình đã thẳng tay thanh toán các đối thủ lớn từ Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai đến Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang… Tuy nhiên, nội bộ Ban lãnh đạo cấp cao Trung Quốc vẫn lục đục cộng với cuộc khủng hoảng về sắc tộc tôn giáo tại Tân Cương, Tây Tạng… khiến nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc rối bời, xã hội Trung Quốc bất ổn trước các vụ khủng bố đẫm máu.
Để tranh thủ sự ủng hộ của quân đội, với thủ đoạn truyền thống “gắp lửa bỏ tay người”, ban lãnh đạo Tập Cận Bình đã chuyển hướng dư luận trong nước ra bên ngoài bằng thủ đoạn đưa dàn khoan Hải Dương – 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, huy động bộ máy tuyên truyền đồ sộ “tố cáo ngược” Việt Nam khiêu khích Trung Quốc nhằm kích động tư tưởng Đại Hán trong dân chúng, qua đó xoa dịu các mâu thuẫn nội bộ.
Chúng ta còn nhớ, trong cuộc Cách mạng văn hóa nồi da nấu thịt, giết chết hàng chục triệu người ở Trung Quốc trong thập kỷ 60 thế kỷ XX, Mao Trạch Đông cũng sử dụng thủ đoạn truyền thống này để “đổ lửa” ra ngoài biên giới quốc gia như: hò hét “giải phóng Đài Loan”, pháo kích các đảo Kim Môn, Mã Tổ của Đài Loan, gây chiến tranh biên giới với Ấn Độ (1962) và gây chiến tranh biên giới với Liên Xô (1968)….
Thế nhưng, thủ đoạn của nhà cầm quyền Trung Quốc “đổ lửa” sang hàng xóm vẫn không làm nguội bớt “lò lửa” bên trong Trung Quốc. Vào đúng thời điềm dàn khoan Hải Dương – 918 nghênh ngang hạ đặt phi pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thì ngày 22/5/2014 lại xảy ra vụ nổ bom khủng bố đẫm máu tại Tân Cương càng khiến cuộc khủng hoảng sắc tộc và tôn giáo ở Trung Quốc thêm trầm trọng.
Mục đích của nhà cầm quyền Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã rõ như ban ngày. Đó là từng bước thực hiện cái gọi là “chủ quyền” của Bắc Kinh trong vùng biên giới “lưỡi bò” liếm trọn gần hết Biển Đông. Nếu như Trung Quốc thực hiện được tham vọng đó, họ sẽ kiểm soát hoàn toàn tuyến giao thông trên Biển Đông và các dịch vụ khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Xa hơn nữa sẽ vươn tới Ấn Độ Dương, thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” chi phối và khống chế thế giới.
2/ Xin ông cho biết thêm về tham vọng biển đảo của Trung Quốc đối với các nước láng giềng?
Trả lời: Tôi có thể khẳng định với các bạn rằng, là một nước lớn với diện tích hơn 9 triệu km2, nhưng lòng tham của Trung Quốc về lãnh thổ đúng là “vô đáy”. Lần này tôi chưa nói tới tham vọng của Trung Quốc về biên giới trên đất liền với các nước láng giềng mà chỉ giới thiệu tham vọng của họ về biên giới trên biển. Trung Quốc có rất nhiều tài liệu viết về việc này, tôi xin trích dẫn một tài liệu chính thống của Trung Quốc.
Trong cuốn sách “Trầm tư trước Thái Bình Dương” của 2 học giả quân sự Trung Quốc là Tào Bảo Kiện và Quách Phú Văn do Nhà xuất bản Đại học quốc phòng Trung Quốc xuất bản năm 1989, đã ghi rõ Trung Quốc bị tất cả các nước láng giềng có chung biên giới biển “cướp đoạt” hàng triệu km2 biển đảo của Trung Quốc. Cụ thể là:
+ Ở Bắc Hoàng Hải: Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên cùng chung thềm lục địa. Khi chia ranh giới vùng biển Bắc Hoàng Hải, mặc dù hai nước đã thỏa thuận nguyên tắc chia theo đường trung tuyến, nhưng Triều Tiên lại đòi chia tới nửa đường phân tuyến để chiếm phần biển hơn Trung Quốc chí ít 3.000 km2 biển.
+ Ở Nam Hoàng Hải và Bắc Đông Hải: Trung Quốc và Hàn Quốc cùng có chung thềm lục địa. Theo nguyên tắc kéo dài vị trí tự nhiên của sông Hoàng hà đổ ra biển, đáng lẽ Trung Quốc được chia phần lãnh hải nhiều hơn, nhưng Hàn Quốc kiên quyết đòi chia theo đường trung tuyến nên đã “chiếm của Trung Quốc” 180.000 km2 biển.
+ Ở Đông Hải: Trung Quốc và Nhật Bản không cùng thềm lục địa, nhưng Nhật Bản không chịu, nói bừa là cùng thềm lục địa để chiếm của Trung Quốc dãy đảo Điếu Ngư (Sen ka ku) và 210.000 km2 lãnh hải. Tháng 1/1974, Nhật Bản ký với Hàn Quốc “Hiệp định khai thác chung thềm lục địa” lại chiếm thêm một phần lớn thềm lục địa của Trung Quốc.
+ Ở Nam Hải (Biển Đông):
– Philippines: bá chiếm hầu hết vùng biển quần đảo Nam Sa (Trường Sa), ngoài ra còn lấy danh nghĩa vùng đặc quyền kinh tế chiếm luôn cả vùng biển từ đảo Hoàng Nham tới phần biển phía Đông Đài Loan đáng lẽ thuộc về Trung Quốc. Tổng cộng Philippines đã phi pháp đưa vào bản đồ của họ 420.000 km2 biển của Trung Quốc.
– Malaysia: Năm 1979 tuyên bố phạm vi thềm lục địa, đưa đảo Anba và một phần Nam hải (Biển Đông) vào bản đồ của họ, phi pháp chiếm của Trung Quốc 240.000 km2 biển.
– Brunei: kéo dài thềm lục địa của họ tới đáy sâu Nam hải (Biển Đông), lấn vào đường biên giới truyền thống (đường “lưỡi bò”) của Trung Quốc khoảng 3.000 km2.
– Indonesia: vạch khu vực lãnh hải của họ vào sâu đường biên giới truyền thống (đường “lưỡi bò”) của Trung Quốc khoảng 40.000 – 50.000 km2.
– Mỹ: chiếm đảo Hoàng Nham của Trung Quốc ở phía Bắc Philippines, lập trường bắn cho hải quân Mỹ ở đó.
– Việt Nam: không những phi pháp chiếm đóng hơn 20 đảo của Trung Quốc ở Nam Sa (Trường Sa) và hơn 400.000 km2 vùng biển phụ cận mà còn đưa ra yêu cầu hoang đường đòi chủ quyền toàn bộ đối với quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc.
Hỡi ôi! Đọc những dòng tài liệu trên của Nhà xuất bản Đại học Quốc phòng Trung Quốc có lẽ đứa trẻ chăn trâu ở bất kỳ nước Châu Á nào (trừ Trung Quốc) cũng phải phì cười về giọng lưỡi “miệng nam mô, bụng bồ dao găm” của các học giả quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, với chính sách tuyên truyền nhồi sọ, kích động tư tưởng Đại Hán của nhà cầm quyền Trung Quốc, không ít người dân Trung Quốc đã cả tin vào những luận điệu mị dân đó, họ tin rằng chính phủ Trung Quốc quá hiền lành, hữu nghị đến nỗi bị tất cả các nước láng giềng kể cả nước Brunei nhỏ xíu cũng “cướp đoạt” biển của Trung Quốc. Và lẽ tất nhiên, nhà cầm quyền Trung Quốc đã và đang kích động họ “bằng mọi giá phải giành lại quốc thổ của tổ quốc Trung Hoa”. Chắc chắn những thủy thủ, những sĩ quan và binh lính trên giàn khoan HD 981 và trên các tàu chiến Trung Quốc đang hung hăng khiêu khích các tàu chấp pháp Việt Nam trong vùng biển Việt Nam hẳn đã được lãnh đạo họ nhồi sọ những luận điệu nham hiểm kể trên.
Tôi không biết các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Mỹ có biết những tư liệu tuyên truyền kể trên của Trung Quốc không? Nếu biết được họ sẽ suy nghĩ gì về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc? Tôi mong Vietnamnet sẽ cung cấp thông tin trên cho các bạn bè quốc tế biết. Đó là cuốn sách “Diện đối Thái Bình Dương trầm tư” nguyên bản tiếng Trung – NXB Đại học Quốc phòng Trung Quốc xuất bản năm 1989, trang 111-112, đang lưu giữ tại Thư viện Học viện Quan hệ quốc tế Bộ Ngoại giao.
Với tham vọng vô đáy về biển đảo của nhà cầm quyền Trung Quốc và với những luận điệu tuyên truyền nhồi sọ như vậy, chúng ta có thể dự báo trước, sớm muộn Trung Quốc sẽ đưa dàn khoan và tàu chiến lần lượt xâm phạm vùng biển của tất cả các nước láng giềng Đông Bắc Á và Đông Nam Á mà Trung Quốc coi là có “tranh chấp” biển đảo với họ.
3/ Ông có thể cho biết trong chiến dịch xâm lấn vùng biển của Việt Nam lần này, Trung Quốc sử dụng chiến thuật gì khác so với các lần xâm lấn trước đây?
Trả lời: Khác chứ, khác xa các lần trước kể cả về quy mô và thủ đoạn chính trị.
Trước đây, mỗi lần xâm phạm gặm nhấm biển đảo của Việt Nam, cắt cáp tàu khảo sát của Việt Nam, thậm chí bắn chìm tàu và giết chết 9 ngư dân Thanh Hóa đang đánh cá tại vùng biển Việt Nam và bị Việt Nam phản đối, nhà cầm quyền Trung Quốc luôn giở thủ đoạn “vì đại cục”, vì “thỏa thuận cấp cao”, vì “16 chữ”, vì “4 tốt”, “không cho nước thứ ba biết”, “không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” để xoa dịu Việt Nam ngồi vào đàm phán song phương với họ. Lần này, phía Trung Quốc không lặp lại thủ đoạn đó mà ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Họ đã tự làm rơi chiếc mặt nạ lừa bịp, tự cắt bỏ “giây thần kinh xấu hổ” để công khai đối đầu với Việt Nam và dư luận quốc tế.
Về quy mô, lần này Trung Quốc nghênh ngang đưa dàn khoan khủng Hải Dương – 981và hàng trăm tàu lớn kể cả tàu chiến vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, hung hăng bắn vòi rồng và đâm vào các tàu chấp pháp của Việt Nam, thậm chí họ còn táng tận lương tâm đâm chìm một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, sẵn sàng tạo cớ gây xung đột với Việt Nam.
Về tuyên truyền, họ dùng thủ đoạn cùn như Chí Phèo vừa ăn cướp vừa la làng, lớn tiếng vu cáo tàu thuyền Việt Nam quấy rối và đâm vào tàu của họ nên mới bị chìm. Những ngày vừa qua các phóng viên nước ngoài như Nhật Bản, CNN… đã tới hiện trường và trực tiếp chứng kiến, đưa tin về thủ đoạn vừa ăn cướp vừa la làng của Trung Quốc.
4/ Theo suy nghĩ của ông, sau chiến dịch xâm lấn này, Trung Quốc được gì, mất gì?
Trả lời: Đã có nhiều bài báo trong và ngoài nước viết về việc này. Theo cá nhân tôi, sau hơn một tháng hung hăng xâm lấn và gây hấn đối với chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Trung Quốc đã bị mất quá nhiều so với những cái họ đạt được.
Cái mà họ đạt được là:
Thứ nhất: Trên thực địa, đã trơ tráo đưa được giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, công khai thách thức dư luận quốc tế. Nói cách khác Trung Quốc đã thực hiện cuộc xâm lược Việt Nam từ phía biển.
Thứ hai: Về dư luận, đã xì van được một phần mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài biên giới quốc gia, kích động tư tưởng sô vanh nước lớn trong trong nước họ.
Nhưng Trung Quốc đã mất rất nhiều, nhiều lắm:
Thứ nhất: Chiến lược “trỗi dậy hòa bình” mà Trung Quốc dày công chuẩn bị từ Đại hội 16 và ra rả tuyên truyền suốt chục năm qua nay đã bị phá sản hoàn toàn. Trung Quốc đã hiện nguyên hình là một đế quốc hung hăng đầy tham vọng về biên giới lãnh thổ, về chi phối thế giới bằng bất cứ giá nào. Trên thế giới không còn ai tin vào những lời nói và việc làm của Trung Quốc.
Thứ hai: Với sự ngang ngược đưa dàn khoan vào sâu vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã bị hầu hết các nước lớn và cộng đồng thế giới phản đối, phê phán gay gắt, không hề có một quốc gia nào dù là bạn hữu thường nhận viện trợ ưu ái của Trung Quốc lên tiếng bênh vực và ủng hộ Trung Quốc trong sự kiện này. Một thực tế cay đắng đã bày ra trước mặt Trung Quốc, đó là: trên con đường phát triển từ nước lớn thành cường quốc thế giới, Trung Quốc ngày càng bị cô lập, không có đồng minh, cũng không có bạn bè. Tôi hoàn toàn đồng ý với bình luận của ông Nguyễn Hùng Sơn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông, Bộ Ngoại giao đăng trên báo Straitstimes của Singapore tháng 5/2014: “Nếu Trung Quốc để mất niềm tin và tình bạn của ASEAN, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia cô độc nhất trong lịch sử trên đường trở thành cường quốc, vì sẽ không có người bạn thực thụ nào trong số tất cả các nước láng giềng”.
Thứ ba: Hàng chục năm nay Trung Quốc tốn rất nhiều tiền của thực hiện chính sách “bẻ từng chiếc đũa” mua chuộc một số nước Đông Nam Á ủng hộ Trung Quốc chỉ đàm phán song phương với từng nước ASEN có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, không đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn khu vực và quốc tế. Nhưng với các hành động hung hăng của Trung Quốc xâm phạm biển đảo của Philippines và đưa dàn khoan Hải Dương – 981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam đã khiến các nước ASEAN xích lại gần nhau hơn, tạo được tiếng nói chung yêu cầu Trung Quốc nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố chung giữa ASEAN với Trung Quốc về Biển Đông (DOC) và gây sức ép yêu cầu Trung Quốc phải sớm đàm phán với ASEAN để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Qua sự kiện này, tất cả các nước ASEAN có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc đều mong muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và đều muốn Mỹ can dự nhiều hơn nữa để kiềm chế và ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thứ tư: Trung Quốc đã mất đi tất cả những gì họ toan tính gây dựng ở Việt Nam kể từ khi hai nước Việt – Trung bình thường hóa quan hệ (1991) đến nay. Suốt 23 năm qua, các lớp lãnh đạo Trung Quốc dày công thực hiện “diễn biến hòa bình kiểu Trung Quốc” tại Việt Nam, họ vuốt ve hòng ru ngủ Việt Nam bằng tất cả các mỹ từ có được, nào là “16 chữ” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, nào là “4 tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, nào là “4 tương” (sơn thủy tương liên, văn hóa tương đồng, lý tưởng tương thông, vận mệnh tương quan). Họ luôn dùng nhóm từ “vì đại cục”, “không ảnh hưởng đại cục” để xoa dịu Việt Nam mỗi khi họ xâm lấn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Hơn một tháng qua, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tự đánh rơi chiếc mặt nạ mà họ đã đeo suốt 23 năm. Họ đã hiện nguyên hình từ người “đồng chí anh em” thành kẻ xâm lược hung hăng hiếu chiến. Lòng tham vô đáy của đã làm lu mờ lý trí của những kẻ đáng ra xứng đáng là những chính trị gia tầm cỡ thế giới.
Liệu đến bao giờ nhà cầm quyền Trung Quốc mới lấy lại được một phần lòng tin của hơn 90 triệu nhân dân Việt Nam? Chắc chắn là không. Tôi rất tâm đắc với bình luận của tác giả Kim Tuấn đăng trên báo điện tử “Dân trí”: “Người Việt vẫn dặn nhau “ăn ở như bát nước đầy” và trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn thực tâm giữ gìn, thậm chí nâng niu bát nước tình nghĩa ấy. Nhưng đáng tiếc là bát nước đang bị người láng giềng lớn hơn tìm cách hắt đi và như một câu nói khác, khi bát nước đã đổ đi thì không thể lấy lại được nữa”.
5/ Cũng xin hỏi ông, trong cuộc đấu tranh chủ quyền biển đảo với Trung Quốc lần này, Việt Nam đã mất gì và được gì?
Trả lời: Câu hỏi rất hay và tôi cũng xin trả lời không chỉ bằng suy nghĩ của tôi mà bằng cả những điều tôi học được qua những buổi trao đổi sôi nổi với bạn bè những ngày vừa qua.
Vậy chúng ta mất gì? Theo tôi, chúng ta có một cái “mất” lớn, “mất” nhưng lại “mừng”. Đó là:
Chúng ta đã “mất” đi một “đối tác chiến lược”, mất đi một “đồng chí anh em” viển vông là Trung Quốc. Trên thế giới này thử hỏi có “đối tác chiến lược” nào, người “đồng chí anh em” nào lại nỡ lòng đi xâm lấn lãnh thổ của “đối tác chiến lược” và “đồng chí anh em” của mình rồi lại lật mặt “ngậm máu phun người” tố cáo ngược “đồng chí anh em” bằng những lời lẽ hằn học và đê tiện.
Chúng ta đã “mất” đi một “tình hữu nghị viển vông” tồn tại suốt hơn 20 năm qua với Trung Quốc. Cái gọi là “tình hữu nghị” gồm một mớ ngôn từ sáo rỗng do phía Trung Quốc nêu ra từ “16 chữ” đến “4 tốt”, “4 tương”, “đại cục”… thực chất chỉ là những lời ru ngủ của Trung Quốc mà thôi. Nói cách khác chúng ta đã mất đi “ảo tưởng”, mất đi một “niềm tin” về một nước láng giềng XHCN lớn mạnh có thể sát cánh cùng chúng ta thực hiện lý tưởng của chủ nghĩa Mac – Lenin.
Tôi rất tâm đắc với lời bình của một học giả Việt Nam đăng trên mạng internet“chúng ta phải cám ơn nhà cầm quyền Bắc Kinh đã sử dụng cơ bắp của họ húc vỡ cái “cục to” (đại cục) được ngụy trang bằng “16 chữ” đen sì”.
Ngược lại, qua sự kiện 1/5/2014, chúng ta đã được rất nhiều. Đó là:
Thứ nhất: Mỗi khi tổ quốc bị lâm nguy, dân tộc Việt Nam muôn người như một lại đoàn kết tạo thành một khối thống nhất sẵn sàng nhấn chìm kè thù xâm lược. Hơn 90 triệu trái tim dân chúng Việt Nam và kiều bào ngoài nước đang hướng về Biển Đông. Hình ảnh hàng triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước sát cánh biểu tình hô vang khẩu hiệu đòi Trung Quốc rút dàn khoan Hải Dương – 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam đang chứng minh điều đó.
Thứ hai: Trong cuộc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc, tuy Trung Quốc “to mồm”, “cãi chầy cãi cối” nhưng họ không giành được sự ủng hộ nào từ dư luận quốc tế, kể cả Đài Loan có chung lập trường với Trung Quốc về Biển Đông. Phát biểu càn quấy của viên tướng Trung Quốc Vương Quán Trung – Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc tại Diễn đàn Shangri la – Singapore ngày 1/6/2014 càng khiến dư luận quốc tế và khu vực phản cảm với Trung Quốc. Ngược lại, chúng ta đã giành được sự ủng hộ tuyệt đối của dư luận từ các nước lớn Mỹ, Nhật, Tây Âu, Ấn Độ, Úc… và hầu hết các nước ASEAN. Chưa bao giờ trên trang web của Nhà Trắng lại xuất hiện một kiến nghị rất hay, đề nghị chính phủ Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì đã đặt dàn khoan Hải Dương – 981 ở thềm lục địa Việt Nam, tính đến cuối tháng 5/2014 đã thu hút hơn 130.000 chữ ký. Theo quy định của Mỹ, một kiến nghị đạt được 100.000 chữ ký thì trong vòng 30 ngày sẽ được chính quyền Tổng thống Obama xem xét.
Tôi đã so sánh và thấy rõ, dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam lần này mạnh hơn, quyết liệt hơn nhiều so với sự kiện Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và xâm chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988.
Thứ ba: Cái được rất lớn mà nhân dân, sinh viên, trí thức, báo chí Việt Nam lâu nay bị ràng buộc bởi “tình hữu nghị viển vông” mà không được công khai phê phán và biểu tình phản đối các hành động của Trung Quốc xâm lấn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Kể từ sau sự kiện 1/5/2014, chúng ta đã hất bỏ chiếc “vòng kim cô” vô lý đó, báo chí Việt Nam không còn dùng từ “tàu lạ”, “nước lạ” mà công khai chỉ đích danh tàu Trung Quốc, nước Trung Quốc. Trên các báo chữ, báo mạng, tạp chí liên tiếp xuất hiện các bài biết phê phán Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, kiến nghị Chính phủ kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Trong hội trường Quốc hội và khắp mọi nơi trên cả nước, đâu đâu cũng căm phẫn lên án kẻ láng giềng “rộng vai hẹp bụng”. Hàng vạn học sinh trung học và phụ huynh học sinh rất phấn chấn khi thấy “dàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc” xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn và môn Sử năm nay. Cá nhân tôi rất ủng hộ ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Quốc hội ngày 28/5/2014 về việc cần sớm có Luật biểu tình: “có những cuộc biểu tình không phù hợp, nhưng cũng có nhiều cuộc biểu tình phù hợp. Việc sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật Biểu tình để có hành lang pháp lý, biểu thị ý kiến của người dân là điều hoàn toàn phù hợp”.
Thứ tư: “Trong họa có phúc”, sự kiện 1/5/2014 do Trung Quốc ngang ngược gây ra đặt Việt Nam trước nguy cơ chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm, công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc lật mặt tráo trở của Trung Quốc khiến chúng ta có được cơ hội hiếm có để điều chỉnh chính sách ứng phó, giảm lệ thuộc vàoTrung Quốc trước mắt và tương lai lâu dài.
Những ngày qua, phát biểu của lãnh đạo các cấp, các ngành tại các diễn đàn trong và ngoài nước cho thấy, cùng với việc sẵn sàng khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế và chuẩn bị các phương án bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chúng ta đã tính đến các giải pháp kinh tế giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hẳn các bạn còn nhớ, sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1992, không ít người cho rằng Việt Nam cũng suy sụp theo vì Việt Nam bị mất đi một thị trường lớn Liên Xô Đông Âu to lớn. Nhưng ngược lại, người Việt Nam đã tìm ra lối đi riêng cho mình để tiếp tục phát triển lớn mạnh.
6/ Ông suy nghĩ thế nào trước việc Trung Quốc rút hàng loạt người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam? Nếu Trung Quốc giảm hoặc ngừng các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào đến phát triển kinh tế của Việt Nam?
Trả lời: Ôn lại lịch sử một chút, năm 1978 Trung Quốc cũng dựng ra màn kịch “đón nạn kiều” về nước rồi mở chiến dịch vu cáo Việt Nam “bài Hoa” trước khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979. Lần này,Trung Quốc đã diễn lại kịch bản cũ, đưa tàu sang đón một số công nhân đang làm việc tại Hà Tĩnh và một vài khu công nghiệp khác ở Việt Nam rồi lớn tiếng vu cáo Việt Nam trên quốc tế là “Việt Nam bài Hoa, khiêu khích Trung Quốc”, “môi trường đầu tư ở Việt Nam rất xấu”…
Tôi cho rằng, lần này Trung Quốc chỉ “rút” một số công nhân cơ bắp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam làm việc trong các dự án đầu tư của Đài Loan, Hồng Kông… để lấy cớ vu cáo bôi nhọ Việt Nam mà thôi. Riêng những “công dân Trung Quốc” đang “bám rễ” làm việc ở các vùng kinh tế chiến lược của Việt Nam như Tây Nguyên, vùng giáp ranh với Lào, Campuchia… thì dù chúng ta có thực sự xua đuổi, họ cũng không muốn về đâu. Đây là một hiểm họa lâu dài đối với an ninh quốc gia của Việt Nam.
Về câu hỏi thứ hai, tôi thiết nghĩ mấy ngày qua các đại biểu quốc hội ta đã bàn thảo nhiều về các phương án ứng phó trong tình huống Trung Quốc trở mặt đóng cửa khẩu biên giới, giảm và ngừng các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư tại Việt Nam. Tôi chỉ lưu ý các bạn rằng:
+ Trong buôn bán với Trung Quốc, 2/3 số lượng hàng hóa buôn bán là tiểu ngạch (mậu dịch biên giới), chỉ có 1/3 là chính ngạch. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm 30 % tổng xuất khẩu với thế giới, trong đó chủ yếu là hàng nông sản, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 10% hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam với thế giới. Những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc như thiết bị máy móc, nguyên vật liệu may mặc… thì đều có thể nhập từ các thị trường khác. Đồng thời, trong quan hệ thương mại, Trung Quốc luôn xuất siêu sang Việt Nam, vì vậy nếu Trung Quốc đóng cửa khẩu biên giới, bên thiệt hại hơn không phải là bên nhập siêu.
+ Về đầu tư trực tiếp, Trung Quốc chỉ là đối tác đầu tư rất nhỏ tại Việt Nam. Đầu tư FDI của Trung Quốc tại Việt Nam chỉ chiếm 3% tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Việt Nam. Nếu như thiếu 3% FDI đó, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển bình thường.
Theo số liệu của Bộ Công thương tháng 4/2014, trong 10 dự án lớn của nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam (đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Dự án cao tốc Hà Nội – Lào cai, Dự an Boxit Tây Nguyên, Nhà máy gang thép Lào Cai, Dự án nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2, Nhà máy thủy điện Sông Bung 4, Khu căn hộ cao cấp Golden Westlake Hà Nội, Nhà máy dệt may tại khu công nghiệp Lai Vu) và một số dự án về năng lượng, hạ tầng thì tiến độ nhiều dự án chậm trễ, đội vốn, gây tranh cãi. Nếu như Trung Quốc ngừng các dự án thầu này, lẽ đương nhiên hai bên đều thiệt hại, nhưng họ sẽ chịu thiệt hại trước tiên.
Tôi cũng xin cung cấp thêm một thông tin cho các bạn biết, Trung Quốc là nước đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Myanmar với 14,2 tỉ USD, chiếm 30,6% tổng số vốn FDI nước ngoài tại Myanmar, nhưng cuối năm 2011 để bảo vệ môi trường và an ninh quốc gia, chính phủ Myanmar đã tuyên bố hủy bỏ dự án đập thủy điện khổng lồ Myitsone trên sông Irrawaddy thuộc Bang Kachingiáp biên giới Trung Quốc trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc là chủ đầu tư và đã làm xong 1/3 công trình. Phía Trung Quốc tuy phản ứng gay gắt trước quyết định này của chính phủ Myanmar, nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” tiếp tục đầu tư vào các dự án khác.
7/ Ông nghĩ thế nào về phản ứng của các nước lớn và dư luận quốc tế trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
Trả lời: Như tôi đã nói ở trên, trong cuộc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc lần này, chúng ta đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ từ hầu hết các nước lớn, ASEAN và dư luận quốc tế không chỉ tại các diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á ở Philippines, diễn đàn an ninh Shangri la ở Singapore… và ngay tại thủ đô nhiều nước trên thế giới. Ngược lại, không một quốc gia nào lên tiếng ủng hộ và bênh vực Trung Quốc.
Đặc biệt, điều xảy ra ngoài dự đoán của tôi là, lãnh đạo các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Indonesia kể từ Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng tới các Nghị sĩ, học giả… đều lớn tiếng phê phán Trung Quốc và đồng tình với thiện chí của Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi băn khoan một điều là các nước XHCN bạn bè truyền thống của Việt Nam kể cả bạn thân sát nách và bạn thân cách nửa vòng Trái đất, các đảng cộng sản trên thế giới trước đây luôn sát cánh với Việt Nam lần này đều im hơi lặng tiếng? Phải chăng rượu Mao Đài đã khiến họ say rồi?
8/ Là người từng công tác nhiều năm tại Trung Quốc và Đài Loan, ông nghĩ thế nào về giới lãnh đạo Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông?
Trả lời: Câu hỏi rất lớn, tôi xin khái quát trả lời như sau:
Từ đầu thế kỷ XX đến nay, có 2 đảng lớn thay nhau cầm quyền ở Trung Quốc là Quốc dân đảng và Đảng cộng sản. Mẫu số chung của các lãnh tụ 2 đảng này từ Tưởng Giới Thạch đến Mao Trạch Đông và các thế hệ tiếp theo là đều nuôi “giấc mộng Trung Hoa”, mong muốn đưa Trung Quốc sớm trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, hất ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi vùng Hoa Đông, Biển Đông đến tận Guam, chia sẻ quyền lực với Mỹ trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Để thực hiện giấc mộng đó, bước đầu tiên không hẹn mà gặp họ đều muốn độc chiếm Biển Đông.
Xin các bạn nhớ cho, năm 1947 chính quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch là kẻ khởi xướng đầu tiên vẽ bản đồ Trung Hoa có đường biên giới “lưỡi bò” gồm 11 đoạn đứt khúc bao bọc gần hết Biển Đông và không đưa bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Kế thừa “di sản” đó, từ đầu thập kỷ 50 thế kỷ XX, CHND Trung Hoa của Mao Trạch Đông đã cải biên đường biên giới “lưỡi bò” từ 11 đoạn thành 10 đoạn, sau chuyển thành 9 đoạn như hiện nay và cũng không đưa ra bất kỳ cơ sở pháp lý nào.
Đại đa số nhân dân Trung Quốc là nông dân lao động yêu chuộng hòa bình, trước năm 1949 họ từng bị lôi cuốn vào cuộc nội chiến Quốc – Cộng tương tàn hàng chục năm và tiếp đó là các cuộc đấu đá chính trị bè phái trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc điển hình là 10 năm Cách mạng văn hóa 1966 -1976, sự kiện Thiên An Môn tháng 6/1976 và sự kiện Thiên An Môn tháng 5/1989.
Như tôi đã nói ở phần trên, mỗi khi Trung Quốc gặp khó khăn trong nội bộ, họ đều sử dụng chiến thuật “đổ lửa” ra ngoài biên giới quốc gia, kích động tư tưởng Đại Hán, hướng mâu thuẫn nội bộ sang các nước láng giềng như Ấn Độ, Liên Xô, Nhật Bản, Việt Nam… Không ít người dân Trung Quốc thật thà, thiếu thông tin đã bị mắc lừa trước thủ đoạn mị dân của lãnh đạo họ, trở thành vật hy sinh trong các cuộc chiến tranh biên giới với các nước láng giềng.
Tuy nhiên, nhiều người dân TQ thông minh, trực tính nhất là tầng lớp trí thức không dễ bị lừa. Không ít người đã thẳng thắn phát biểu chính kiến không đồng tình với tuyên truyền phi lý của chính phủ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tôi xin trích dẫn 3 ví dụ tiêu biểu:
– Ngày 10/5/2014, Học giả Lý Lệnh Hoa, nhà nghiên cứu Trung Quốc về biển và luật biển đăng bài viết trên blog cá nhân cho biết, phóng viên của Hoàn cầu Thời báo – phụ san của báo đảng Trung Quốc, gọi điện phỏng vấn ông về cách nhìn nhận tình hình ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông hiện nay. Ông Lý Lệnh Hoa đã trả lời thẳng thẳn quan điểm của mình với phóng viên: “Trung Quốc là quốc gia tham gia ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Do đó, Trung Quốc cần tuân thủ theo điều 74 và điều 83 của Công ước, cần tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển”. Ông Lý còn khẳng định rằng đây là quan điểm xuyên suốt của ông, được trình bày ở nhiều bài viết là diễn đàn khác nhau, hy vọng phóng viên có thể xem và tiếp tục trao đổi sâu hơn về quan điểm này.
– Sau khi nghe phát biểu hôm 27/5/2014 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương biện bạch về việc một tàu cá Việt Nam bị chìm sau khi “quấy rối và đâm vào một tàu cá Trung Quốc”, ông Duan Wanjin – một luật sư Trung Quốc phát biểu trên mạng intenet đã chỉ trích Chính phủ Trung Quốc “hành động không phù hợp với danh xưng “cường quốc”. “Mọi tranh chấp nên được đưa ra bàn bạc, không thể đi nói xấu nước khác như vậy”, Ông Duan nhận xét: “quốc gia nào chủ trương thu hẹp quan hệ ngoại giao như Trung Quốc hiện nay sẽ khó mà trỗi dậy”.”Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện giờ đầy những chú hề, những kẻ muốn lấy lòng các vị lãnh đạo. Chẳng còn chút tinh thần Nho giáo nào sót lại, thay vào đó là thói côn đồ. Đường lối phát triển của quốc gia ngày nay thật đáng buồn”.
– Phó giáo sư Vi Dân – chuyên gia Đông Nam Á thuộc Đại học Bắc Kinh, cũng phát biểu trên mạng internet đầu tháng 5/2014: “Chính quyền Trung Quốc sẽ dần bị mất uy tín nếu tiếp tục có thái độ hiếu chiến trên Biển Đông. Nếu không giải quyết sớm, thì bất kể lời giải thích nào mà chính phủ Trung Quốc đưa ra cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Rõ ràng là chúng ta ức hiếp phía Việt Nam”.
9/ Theo ông, Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế không? Có nên chấp nhận đề nghị của Trung Quốc “gác tranh chấp, cùng khai thác” không?
Trả lời: Các bạn đã biết, suốt tháng qua nhiều phát biểu của lãnh đạo cấp cao, các Bộ,
Ngành nhất là các đại biểu Quốc hội đều phê phán gay gắt hành động xâm lược của Trung Quốc đối với nước ta, đồng thời đề xuất phương án kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế như Philippines đã làm. Tôi cho rằng, kẻ cướp đã hung hăng vào đến sân nhà ta, ta còn cân nhắc “nên hay không nên” gì nữa, đã đến lúc chúng ta PHẢI kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, dùng pháp lý quốc tế khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Ngoài ra, trong các Bộ Luật về biển được quốc tế sử dụng, Bộ Luật cổ La Mã quy định, trong tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các bên liên quan, nếu trong vòng 50 năm một trong hai bên tranh chấp không lên tiếng khởi kiện bên kia, thì lẽ đương nhiên chủ quyền sẽ thuộc về bên kia. Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 40 năm rồi. Chúng ta càng để lâu không kiện Trung Quốc sẽ càng bất lợi.
Tin tức cho hay, ngày 4/6/2014, Tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan thông báo sẽ lấy ngày 15/12 là ngày Trung Quốc nộp bản phản biện đáp lại văn bản dài gần 4.000 trang của Philippines kiện Trung Quốc hồi tháng 3/2013. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngang ngược khẳng định: “Lập trường của Trung Quốc không có gì thay đổi, Bắc Kinh không chấp nhận và không tham gia trong tố tụng trọng tài có liên quan tới Philippines”. Việc Trung Quốc không dám tranh luận trước tòa chỉ càng làm cho Trung Quốc bị cô lập trên quốc tế, đồng thời khiến vụ kiện của Philippines nhanh chóng được Tòa án quốc tế hoàn tất và sẽ sớm đưa ra phán quyết cuối cùng. Nếu phán quyết này có lợi cho phía Philippines, đây sẽ là một đòn ngoại giao giáng mạnh vào Trung Quốc, và sẽ là một chiến thắng vang dội cho Philippines về pháp lý.
Về đề nghị của Trung Quốc “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Biển Đông, thay cho trả lời, tôi xin cung cấp thông tin cho các bạn rõ:
Từ năm 1992, Trung Quốc công bố “phương châm 16 chữ” của họ về khai thác chung với các nước láng giềng là “chủ quyền thuộc ngã, các trí tranh nghị, cộng đồng khai phát, lợi ích phân hưởng” (chủ quyền thuộc tôi, gác lại tranh cãi, cùng nhau khai thác, chia xẻ lợi ích). Sau đó họ viết ngắn lại là “các trí tranh nghị, cộng đồng khai phát” nhưng dưới tiền đề “chủ quyền thuộc ngã”.
Nực cười thay, đã là “chủ quyền thuộc ngã” thì còn khai thác chung làm gì nữa? Trung Quốc đã đem công thức này mời chào Việt Nam và các nước Đông Nam Á có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, nhưng cho tới nay chưa có quốc gia nào dám nhận lời “cùng khai thác” tài nguyên biển với Trung Quốc ở vùng tranh chấp mà phải chấp nhập tiền đề “chủ quyền thuộc ngã”? Thực chất là Trung Quốc muốn “gác tranh chấp, cùng khai thác” tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và lãnh hải của các nước Đông Nam Á mà theo cách nghĩ của Trung Quốc đó là vùng tranh chấp vì nằm trong “đường lưỡi bò” do họ tự vẽ ra.
Ngoài ra, thực tiễn trên thế giới cũng cho thấy, các dự án “khai thác chung” tài nguyên biển giữa một số quốc gia đã bộc lộ những hệ quả đáng tiếc, thua thiệt cả về chủ quyền cả về kinh tế cho như những quốc gia nhỏ bé, ít vốn hơn bởi lẽ “thỏa thuận tạm thời” sẽ thành “thỏa thuận vĩnh viễn” và “lợi thế” bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh hơn.
10/Ông đánh giá thế nào về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sau sự kiện tháng 1/5/2014?
Trả lời: Tôi cho rằng sau sự kiện 1/5/2014 lần này, dù muốn hay không quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc tất yếu đã chuyển sang một giai đoạn mới khác hẳn 23 năm trước kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Vì sao vậy? Vì Trung Quốc đã đơn phương vứt bỏ “16 chữ”, “4 tốt”, “4 tương”, đã lộ nguyên hình là nước lớn láng giềng “rộng vai” nhưng “hẹp bụng”, hung hăng xâm lấn chủ quyền lãnh thổ của nước láng giềng “đồng chí anh em”.
Chúng ta đã “ngậm quả bồ hòn hữu nghị” với Trung Quốc quá lâu. Đã đến lúc chúng ta phải “nhè” ra và “nhổ” đi quả bồ hòn đắng chát đó. Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 22/5/2014 tại Philippines đã làm nức lòng đồng bào cả nước: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Tôi tán đồng ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Quốc hội ngày 2/6/2014 : “Phát biểu của Thủ tướng là lời nhắc nhở ai đó còn mơ hồ về tình hữu nghị, về “16 chữ vàng”, về “4 tốt” với người láng giềng “hẹp bụng”.
Đã đến lúc để Việt Nam dứt khoát đoạn tuyệt với “tình hữu nghị viển vông” để xác định khuôn khổ quan hệ mới với Trung Quốc trên cơ sở chung sống hòa bình, bình đẳng, hai bên cùng có lợi, giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Luật pháp quốc tế.
11/ Xin hỏi ông câu cuối cùng, nếu Trung Quốc vẫn hung hăng tiếp tục lấn tới xâm phạm vùng biển Việt Nam, cố tình gây hấn dẫn đến xung đột vũ lực với Việt Nam. Tình hình khi đó sẽ ra sao?
Trả lời: Xin các bạn cùng tôi giở lại các trang lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Trong lịch sử gần 3000 năm của dân tộc Việt Nam, các triều đại Trung Quốc đã đem quân xâm lược Việt Nam 20 lần (nhà Ân 1 lần, nhà Tần 1 lần, nhà Hán 4 lần, nhà Lương 3 lần, nhà Tống 2 lần, nhà Nguyên 3 lần, nhà Minh 1 lần, nhà Thanh 1 lần, CHND Trung Hoa 4 lần), tức với tần suất trung bình 150 năm một lần xâm lược. Chắc chắn trên thế giới chưa từng có một quốc gia nào đem quân đi xâm lược nước láng giềng của mình nhiều lần đến như vậy.
Trong tổng số 20 cuộc xâm lược đó, chỉ riêng từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 đến nay, trong thời gian 65 năm qua CHND Trung Hoa đã xâm lược VN đến 4 lần (năm 1956 chiếm phía nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa, năm 1974 chiếm nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa, năm 1979 xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, năm 1988 chiếm đảo Gạc Ma quần đảo Trường Sa, chưa kể đến việc Trung Quốc thông qua Khmer Đỏ gây ra chiến tranh biên giới Tây Nam – 1978, và sự kiện 1/5/2014).Như vậy, dưới chính thể Cộng hòa nhân dân, cả hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tần suất xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam là trung bình 15 năm một lần xâm lược, dày gấp 10 lần so với tần xuất xâm lược Việt Nam từ các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Lãnh đạọ các cấp Việt Nam đã nói rõ, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải rút dàn khoan Hải Dương – 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, giải quyết mọi vấn đề tồn tại giữa hai nước bằng biện pháp hòa bình. Nhưng mọi sự kiên nhẫn đều có giới hạn, nếu phía Trung Quốc vẫn hung hăng, bất chấp pháp lý quốc tế tiếp tục xâm phạm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đẩy Việt Nam vào thế cùng, thì lẽ tất yếu dân tộc Việt Nam sẽ “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm” đoàn kết đứng lên bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kêu gọi hơn nửa thế kỷ trước.
Ông cha ta xưa, bằng sức mạnh dân tộc, đã từng một mình, đơn độc chống lại bọn phong kiến phương Bắc xâm lược đông mạnh, hết triều đại này đến triều đại khác để lại những chiến công hiển hách và các giá trị to lớn khác, thì ngày nay, sức mạnh dân tộc đó, kết với sức mạnh thời đại, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Việt Nam không ngán ngại bất cứ kẻ thù nào.
—-
*Tác giả Chu Công Phùng nguyên là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Myanmar. Ông từng có thời gian dài sống và làm việc tại Trung Quốc và Đài Loan, từng tham gia phái đoàn Việt Nam đàm phán với Trung Quốc.
Một phần của bài phỏng vấn đã được xuất bản bởi Vietnamnet.