#176- Quái vật đảo Jekyll (Ch.8): Sự ra đời tiền giấy và hoạt động ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: G. Edward Griffin, “Fool’s Gold”, in G.E. Griffin, The Creature from Jekyll Island: A Second Look at the Federal Reserve (5th Edition) (California: American Media, 2010), Chapter 8.

Biên dịch: Phạm Thị Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Creature from Jekyll Island

Nội dung chính: Lịch sử tiền giấy – loại tiền không được đảm bảo ngang giá trị với kim loại quý và công chúng bị ép buộc sử dụng bằng quy định luật của chính phủ; sự xuất hiện của hoạt động ngân hàng dựa trên dự trữ theo tỷ lệ ngày nay vốn dựa vào việc phát hành một số lượng lớn các biên lai cho vàng nhiều hơn số lượng vàng mà ngân hàng nắm giữ để đảm bảo cho chúng.

Phần trước chúng ta đã phân chia khái niệm tiền thành bốn loại: tiền hàng hóa (commodity money), tiền biên nhận (receipt money), tín tệ (fiat money – tức tiền giấy) và tiền tỷ lệ (fractional money). Trong chương trước chúng ta đã xem xét tiền hàng hóa và tiền biên nhận một cách chi tiết. Qua đó chúng ta cũng đã nắm được các quy luật tiền tệ nhất định được áp dụng bất kể dưới hình thái tiền tệ nào. Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang hai loại còn lại, cả hai đều in bằng giấy và là gốc rễ của hầu hết các thảm họa kinh tế của con người thời kỳ hiện đại.

Tín tệ

Từ điển American Heritage Dictionary định nghĩa tín tệ là “tiền giấy được phát hành theo luật, không được bảo đảm bởi vàng hay bạc.” Do đó, hai đặc điểm của đồng tín tệ là: (1) nó không đại diện cho bất cứ giá trị thực nào, và (2) nó được ban hành theo luật. Theo luật đơn giản có nghĩa là có một đạo luật yêu cầu tất cả mọi người chấp nhận nó lưu thông trong thương mại. Hai điều đó luôn luôn đi cùng nhau bởi lẽ nếu tiền thực sự không có giá trị, nó sẽ sớm bị công chúng từ chối và chuyển sang một phương tiện trao đổi đáng tin cậy hơn, chẳng hạn như đồng xu vàng hay bạc. Do đó, khi chính phủ ban hành tín tệ, họ luôn luôn công bố chúng hợp pháp thông qua các hình phạt tiền hoặc phạt tù. Cách duy nhất mà một chính phủ có thể đổi tiền giấy không có giá trị thực lấy hàng hóa và dịch vụ hữu hình là không cho những công dân của mình một sự lựa chọn nào.

Thực tiễn đáng chú ý đầu tiên của tập quán này được ghi lại bởi Marco Polo trong chuyến đi đến Trung Quốc vào thế kỷ 13. Câu chuyện về cuộc khám phá nổi tiếng này như sau:

Sở đúc tiền của Hoàng đế ở cùng Thành phố Cambaluc (hay còn gọi là Khanbaliq, ngày nay là Bắc Kinh, Marco Polo gọi thành phố này “Cambaluc,” theo tên của Khan Bhalik – Hốt Tất Liệt, có nghĩa là “Thành phố của Hoàng đế” – ND), và khi bạn xem cái cách mà tiền được đúc thì bạn có thể thốt lên rằng Ngài sở hữu cả Kho tàng Thuật giả kim một cách hoàn hảo và điều bạn nói là hoàn toàn đúng! . . .

Phần nguyên liệu đầu vào là một loại sợi vỏ hay vỏ màu trắng mịn nằm giữa phần ruột gỗ và phần vỏ cây dày bên ngoài, sau đó làm thành một sản phẩm giống như các tờ giấy, nhưng màu đen. Khi những tờ giấy này chuẩn bị xong, chúng sẽ được cắt thành các mảnh giấy có kích thước khác nhau. Loại có kích thước nhỏ nhất có giá trị là một nửa tornesel (một loại đồng xu bạc của châu Âu vào cuối thời Trung cổ, đầu thời kỳ hiện đại- ND)… Ngoài ra còn có loại có giá trị một Bezant vàng, và loại khác có giá bằng ba Bezant,và có loại tương đương đến mười Bezant.

Tất cả các loại giấy tờ này được phát hành bằng nhiều nghi thức và thẩm quyền như thể chúng là vàng hay bạc thật, và trên mỗi tờ giấy đều được đóng dấu và ghi tên các vị quan khác nhau. Và khi tất cả được hợp lệ, viên chức trưởng đại diện cho Khan (tức Hoàng đế- NBT) nhấn con dấu mà Khan giao phó cho anh ta vào mực đỏ rồi đóng dấu lên tờ giấy, và tiền đã được xác thực. Bất kỳ một sự giả mạo nào sẽ bị trừng phạt bằng án tử hình. Và Khan tạo ra một lượng lớn tiền như thế mỗi năm, không tốn chi phí gì mà giá trị lại bằng với tất cả các kho báu trên thế giới.

Với những mẩu giấy được làm ra như tôi đã mô tả, Khan làm cho tất cả các khoản thanh toán trên tài khoản của mình được thực hiện, và khắp vương quốc của ông đều sử dụng… Và không một ai, dù có coi mình quan trọng tới cỡ nào, dám từ chối để rước lấy cái chết. Và thực tế là tất cả mọi người đều sẵn lòng dùng chúng.[1]

Chúng ta bị bất ngờ trước quyền lực táo bạo của Khan và sự quy phục của những thần dân – những người phải chịu đựng một điều trái ngang như thế, nhưng sự tự mãn của chúng ta sẽ nhanh chóng biến mất khi ta nhận ra có sự tương đồng với các tờ tiền của Cục Dự trữ Liên bang. Chúng được “trang trí” bằng các chữ ký và con dấu; kẻ nào làm giả sẽ bị trừng phạt nặng nề; chính phủ dùng chúng để chi trả các khoản chi tiêu của mình; dân chúng buộc phải chấp nhận sử dụng, và chúng – cùng những tờ tiền séc “vô hình” mà chúng có thể được chuyển thành – được sản xuất với số lượng lớn bằng tất cả lượng kho báu trên thế giới. Và chúng lại chẳng tốn chi phí gì mấy để sản xuất. Sự thật là hệ thống tiền tệ hiện thời của chúng ta là một bản sao gần như chính xác với những gì đã phục vụ cho các vị vua chúa của bảy thế kỷ trước.

Kinh nghiệm của các bang thuộc địa

Thật không may, tình hình hiện nay không phải là duy nhất trong lịch sử của chúng ta. Thực tế là sau Trung Quốc, nơi tiếp theo trên thế giới thông qua việc sử dụng các đồng tín tệ là Mỹ, cụ thể là vùng lãnh thổ Vịnh Massachusetts. Sự kiện này đã được miêu tả như là “nguồn gốc của tiền giấy không chỉ ở Mỹ, mà còn ở Đế quốc Anh, và hầu như là ở khắp thế giới Kitô giáo.”[2]

Năm 1690, Massachusetts (ngày nay là bang Massachusettes và Maine – ND) đã phát động một cuộc tấn công quân sự chống lại thuộc địa của Pháp ở Quebec. Massachusetts trước đây đã từng làm như thế, và mỗi lần như vậy đều mang về đủ các thứ của cải cướp bóc được còn nhiều hơn cả trả chi phí cho cuộc viễn chinh. Tuy nhiên, lần này, cuộc tấn công lại là một thất bại thảm hại, và những người đàn ông trở về tay không. Khi những người lính yêu cầu được trả công, chính quyền Massachusetts nhận thấy kho bạc của nó trống rỗng. Những binh sĩ bất mãn trở nên ngang bướng, vì vậy các quan chức vội vàng tìm cách để tăng kho quỹ. Thu thêm thuế sẽ cực kỳ không được lòng dân, vì vậy họ đã quyết định đơn giản là in tiền giấy. Để thuyết phục những người lính và toàn thể công dân chấp nhận loại tiền này, chính phủ đưa ra hai lời hứa long trọng: (1) chính phủ sẽ mua lại tiền giấy để đổi lấy xu vàng hay bạc ngay sau khi tiền thuế đủ để làm như vậy, và (2) sẽ hoàn toàn không có bất kỳ tiền giấy bổ sung nào được ban hành. Cả hai cam kết này ngay tức khắc bị phá vỡ. Chỉ một vài tháng sau, chính quyền công bố đợt phát hành đầu tiên không đủ để trả nợ chính phủ, và một đợt phát hành mới lớn hơn gần 60 lần đợt trước được đưa vào lưu thông. Tiền đã không được mua lại trong vòng gần bốn mươi năm, rất lâu sau khi những người đưa ra lời hứa đã không còn tại chức.

Một mẫu hình cổ điển

Hầu hết các thuộc địa khác đã nhanh chóng “học hỏi” được sự kỳ diệu của máy in tiền, và lịch sử sau đó là một ví dụ điển hình về luật nhân quả: Chính phủ cố mở rộng nguồn cung tiền thông qua việc phát hành tín tệ. Đi cùng với đó là luật tín tệ để buộc công chúng chấp nhận. Tiếp đến là tiền xu vàng và bạc biến mất và đi vào các kho cất dấu của tư nhân hay đến tay các thương nhân nước ngoài – những người nhất định chỉ nhận những đồng tiền có giá trị thực để đổi lấy hàng hóa của họ. Nhiều thuộc địa bác bỏ đồng tiền trước kia của họ bằng cách phát hành các đồng tiền mới có giá trị gấp nhiều lần số tiền cũ. Và sau đó sẽ xuất hiện bất mãn chính trị và bất tuân dân sự. Vào cuối mỗi chu kỳ sẽ là lạm phát tràn lan và hỗn loạn kinh tế.

Năm 1703, Nam Carolina đã tuyên bố rằng đồng tiền của tỉnh là “một khoản thanh toán có giá trị cao và tuân theo pháp luật”, rồi nói thêm rằng bất cứ ai từ chối chấp nhận loại tiền này sẽ bị phạt “gấp đôi giá trị của tờ tiền đã bị từ chối.” Đến năm 1716, hình phạt đã được tăng lên đến “gấp ba lần giá trị.”[3]

In tiền và lạm phát

Benjamin Franklin là người ủng hộ nhiệt thành tín tệ trong những năm đó và dùng sức ảnh hưởng lớn của mình để đưa ý tưởng đến công chúng. Chúng ta có thể hình dung ra sự xôn xao thời kỳ đó thông qua việc vào năm 1736, trong tờ báo Pennsylvania Gazette của mình, Franklin xin lỗi vì sự xuất bản không đều đặn của tờ báo, và giải thích rằng máy in đang “phục vụ xưởng in tiền, đang làm việc vì lợi ích công chúng và để làm cho tiền dồi dào hơn”.[4] In tiền dường như là một hoạt động lớn, tiêu tốn nhiều thời gian.

Năm 1737, Massachusetts phá giá đồng tín tệ của mình xuống 66%, khiến một đô la tiền tệ mới bằng ba đô la tiền tệ cũ. Lời hứa được đưa ra là, sau năm năm, những đồng tiền mới sẽ được hoàn trả lại đầy đủ bằng bạc hoặc vàng. Và lời hứa đã không được thực hiện.[5]

Vào cuối những năm 1750, Connecticut bị lạm phát 800%. Carolinas lạm phát 900%. Massachusetts 1000%. Rhode Island 2300%.[6] Một cách tự nhiên, tất cả những sự lạm phát này đều đi đến một kết thúc, và khi kết thúc nó đều chuyển thành giảm phát và suy thoái trầm trọng như nhau. Ngay từ giai đoạn thuộc địa người tađã thấy rằng những sự bùng nổ và suy thoái kinh điển mà các nhà kinh tế hiện đại thích đổ lỗi cho một “thị trường tự do không được kiểm soát” thực ra là biểu hiện trực tiếp của việc mở rộng và thu hẹp tín tệ mà không tuân theo quy luật cung cầu.[7]

Đến thời điểm này, tiền kim loại đã hoàn toàn biến mất khỏi lưu thông. Một số đã được cất trong kho tài sản tư nhân, nhưng hầu hết là được xuất khẩu sang các nước khác, khiến các bang không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải sử dụng đồng tín tệ hoặc trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, thương nhân nước ngoài không hề quan tâm đến cả hai thứ này, và hoạt động thương mại quốc tế gần như bị dừng lại.

Trong cái rủi có cái may

Cuộc thử nghiệm với tín tệ là một tai họa với các bang thuộc địa, và cũng là cái gai trong mắt của Ngân hàng Trung ương Anh. Ngân hàng này đã sử dụng ảnh hưởng thông qua Hoàng gia Anhđể cấm các bang thuộc địa đúc tiền xu của riêng mình hay thành lập các ngân hàng địa phương. Điều này có nghĩa rằng, nếu các thuộc địa muốn hưởng được sự tiện lợi của tiền giấy, họ buộc phải sử dụng các tờ tiền phát hành bởi Ngân hàng Trung ương Anh. Chẳng ai ngờ rằng chính phủ các bang thuộc địa lại sáng tạo đến mức có thể tạo ra tiền giấy riêng. Vì vậy, vào năm 1751, Anh bắt đầu gây áp lực buộc các thuộc địa thu hồi tất cả các đồng tiền của họ và rút ra khỏi lưu thông. Các thuộc địa cuối cùng cũng chấp nhận làm theo, và với giá hời. Nhờ thế, tín tệ của họ được giảm giá rất nhiều trên thị trường và chính phủ các thuộc địa có thể mua lại tiền của họ với giá rẻ như bèo.

Nghị định của Quốc hội Anh dù bị phản đối dữ dội bởi các bang, sau cùng lại là một điều hay. Tiền giấy của Ngân hàng Trung ương Anh đã không bao giờ trở thành một phương tiện trao đổi chính. Có lẽ vì đã trải qua kinh nghiệm kinh hoàng của việc sử dụng tiền giấy trước kia, các bang thuộc địa đã đem những đồng tiền vàng và bạc ít hỏi mà họ từng giấu đi ra lưu thông lại và trở về với một hệ thống tiền hàng hóa đích thực. Lúc đầu, những nhà tiên tri dự đoán điều này báo hiệu cho một sự suy tàn hơn nữa của nền kinh tế thuộc địa. “Không có đủ tiền” là tiếng kêu than đã quá quen thuộc. Nhưng, thực sự là có khá đủ, như chúng ta đã thấy, bất kỳ số lượng nào cũng là đủ.

Thuốc lá trở thành tiền

Trong thực tế, có một khoảng thời gian mà các hàng hóa khác được chấp nhận như phương tiện trao đổi thứ cấp. Các hàng hóa như đinh, gỗ, gạo, và rượu whisky bù đắp cho sự thiếu thốn tiền tệ, nhưng thuốc lá là phổ biến nhất. Đây là một loại hàng hóa có nhu cầu rất lớn ngay cả trong các bang thuộc địa và trong giao dịch thương mại nước ngoài. Nó có giá trị nội tại; nó không thể làm giả; nó có thể được phân chia thành hầu hết bất kỳ số lượng chuyển đổi nào và nguồn cung thuốc lá không thể được tăng lên bằng cách nào khác ngoại trừ bằng sức lao động. Nói cách khác, tiền thuốc lá được điều chỉnh bởi luật cung cầu khiến nó có sự ổn định cực kỳ về giá trị. Theo nhiều khía cạnh, đó là một loại tiền lý tưởng. Được chính thức thừa nhận là tiền ở Virginia vào năm 1642 và một vài năm sau đó ở Maryland, nhưng thuốc lá cũng được sử dụng phi chính thức trong tất cả các bang thuộc địa khác. Tính chất của thuốc lá gần gũi với tiền tới mức đồng tín tệ trước của New Jersey – một bang không trồng cây thuốc lá – đã hiển thị hình ảnh lá cây thuốc lá trên mặt tờ tiền. Nó còn có dòng chữ: “Làm giả là Chết”. Thuốc lá đã được sử dụng vào những ngày đầu nước Mỹ như một phương tiện trao đổi thứ cấp trong khoảng hai trăm năm, cho đến khi Hiến pháp mới tuyên bố rằng từ nay trở đi, tiền là đặc quyền duy nhất của chính phủ liên bang.[8]

Tuy vậy, loại tiền tệ chính tại thời điểm đó vẫn là đồng xu vàng và bạc, hay tiền kim loại – theo cách mà nó thường được gọi. Và kết quả ngay tức khắc của sự quay chuyển sang một đơn vị tiền tệ vững chắc như vậy là sự phục hồi nhanh chóng thoát khỏi tình trạng trì trệ kinh tế trước kia gây ra bởi sự bùng nổ và đổ vỡ của đồng tín tệ. Thương mại và sản xuất tăng đáng kể và điều này dẫn đến thu hút dòng vốn tiền vàng và bạc từ khắp nơi trên thế giới, lấp đầy sự thiếu hụt nhiều năm gây ra bởi những tờ tiền giấy vô giá trị. Luật cung cầu hiển nhiên được áp dụng. Trong một thời gian, Massachusetts quay trở lại dùng tiền kim loại trong khi Rhode Island vẫn dùng tín tệ. Kết quả là Newport (thành phố ven biển thuộc Rhode Island – ND) – vốn là trung tâm thương mại của vùng Tây Ấn – đã để việc buôn bán rơi vào tay Boston (thành phố lớn nhất của Massachusetts – ND) và trở thành một hải cảng vắng tanh.[9]

Sau khi các thuộc địa quay trở lại dùng tiền kim loại, giá tiền nhanh chóng có được điểm cân bằng tự nhiên của chúng và sau đó giữ vững tại điểm này ngay cả trong Chiến tranh Bảy Năm và gián đoạn thương mại xảy ra ngay trước Cách mạng.[10] Không có ví dụ nào hay hơn điều này cho thực tế là hệ thống kinh tế trong cơn khốn cùng có thể và hoàn toàn phục hồi nhanh chóng nếu chính phủ không can thiệp vào quá trình chữa bệnh tự nhiên của nó.

Chiến tranh làm tiền giấy quay trở lại

Chiến tranh giành độc lập làm tất cả mọi thứ này bất ngờ dừng lại. Chiến tranh ít khi nào được tài trợ từ kho bạc hiện hữu, cũng không phải từ việc tăng thuế. Nếu các chính phủ đánh thuế vào công dân của họ để tài trợ đủ hoàn toàn cho cuộc xung đột, số tiền sẽ lớn đến nỗi đa số những người ủng hộ hăng hái nhất cho cuộc chiến sẽ mất đi sự nhiệt tình. Nhưng bằng việc tăng nguồn cung tiền một cách nhân tạo, chi phí thực sự đã bị ẩn đi. Chi phí đó vẫn được trả, hiển nhiên, nhưng thông qua lạm phát, một quá trình mà chỉ vài người biết.

Cuộc Cách mạng Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Để trả cái giá cho độc lập, cả Liên bang và từng bang đã tăng cường việc in tiền. Vào đầu chiến tranh năm 1775, tổng cung tiền ở mức 12 triệu đô la. Vào tháng 6 năm đó, Quốc hội lục địa (hội nghị của các đại biểu đến từ 13 thuộc địa Bắc MỹND) phát hành thêm 2 triệu đô la. Trước khi tiền được đưa vào lưu thông, thêm 1 triệu đô la được phê duyệt. Đến cuối năm, lại thêm 3 triệu đô la nữa. Vào năm 1776, thêm 19 triệu đô la. 13 triệu đô vào năm 1777. 64 triệu đô vào năm 1778. 125 triệu đô năm 1779. Và vẫn còn: Quân đội Lục địa cấp “giấy phép” (tức tiền – NHĐ) cho riêng họ để mua tổng số hàng tiếp tế hậu cần trị giá 200 triệu đô. Tổng cộng 425 triệu đô la trong 5 năm so với lúc đầu 12 triệu là một mức tăng 3.500%. Và ngoài sự mở rộng cung tiền đồ sộ dựa vào chính quyền trung ương này, cần phải nhớ rằng các bang cũng đang làm chính điều tương tự. Người ta ước tính rằng chỉ trong 5 năm từ năm 1775 đến cuối năm 1779, tổng cung tiền đã tăng thêm 5000%. Ngược lại, lượng tăng thuế trong giai đoạn 5 năm chỉ là vụn vặt với số tiền chỉ có một vài triệu đô la.

Và lạm phát khổng lồ

Hiệu ứng hồ hởi đầu tiên của dòng lũ tiền mới này là sự gia tăng thịnh vượng rõ rệt, nhưng ngay sau đó là lạm phát như thể cơ chế tự phá hủy bắt đầu hoạt động. Năm 1775, tiền giấy Lục địa được đổi lấy một đô la vàng. Năm 1777, chúng được đổi cho hai mươi lăm cents. Đến trước năm 1779 – chỉ bốn năm sau khi phát hành – chúng chẳng đáng giá bằng một xu. Cụm từ “Chẳng đáng giá gì một tờ tiền giấy Lục địa – Not worth a Continental” có nguồn gốc từ giai đoạn suy thoái này. Giày dép được bán với giá 5.000 đô la một đôi. Một bộ quần áo giá một triệu đô la.

Đó là vào cái năm mà George Washington đã viết: “Một xe đầy tiền không mua được một xe lương thực.”[11] Ngay cả Benjamin Franklin cũng bắt đầu nhìn thấy ánh sáng. Với giọng điệu mỉa mai, ông viết:

Loại tiền này – nếu chúng ta quản lý nó – sẽ là một cỗ máy tuyệt vời. Nó thể hiện chức năng của mình khi được phát hành; trả tiền và mua quần áo cho Binh lính và cung cấp Lương thực và Đạn dược; và khi chúng ta buộc phải phát hành một lượng tiền quá mức, tự nó phải trả giá bằng sự Sụt giá.[12]

Khi nói về thâm hụt chi tiêu, người ta thường nghe lời phàn nàn rằng chúng ta đang chất gánh nặng lên thế hệ tương lai bằng số tiền trả cho những gì chúng ta tận hưởng ngày hôm nay. Tại sao không để thế hệ tương lai giúp trả những gì cũng có lợi cho họ? Đừng bị lừa gạt. Đó là một quan niệm sai lầm được khuyến khích bởi các chính trị gia nhằm làm dịu công chúng. Khi dùng tín tệ – như các bang thuộc địa đã nhìn ra – mọi tòa nhà của chính phủ, các công trình cơ sở hạ tầng, và cả súng đại bác chiến tranh được chi trả bằng công lao động và của cải hiện tại. Những thứ này phải được xây dựng ngày hôm nay với lao động của ngày hôm nay, và những ai thực hiện công việc đó cũng phải được thanh toán ngày hôm nay. Đúng là chi trả lãi suất rơi một phần vào các thế hệ tương lai, nhưng chi phí ban đầu phải được trả bởi con người hiện tại. Nó được trả bởi sự mất giá tiền tệ và mất sức mua của tiền lương mỗi người.

Lạm phát là một loại thuế ẩn

Tín tệ là phương tiện để các chính phủ có được sức mua ngay lập tức mà không cần đánh thuế. Nhưng sức mua đó đến từ đâu? Vì tín tệ không có giá trị hữu hình gì nên sức mua tín tệ của chính phủ chỉ có thể đạt được bằng cách lấy nó từ một nơi khác. Thực tế nó được “thu thập” từ tất cả chúng ta thông qua sự giảm sức mua của chúng ta. Do đó, sức mua giảm chính xác là giống như một loại thuế, nhưng bị ẩn đi, hoạt động trong âm thầm và ít người nộp thuế nào biết đến.

Năm 1786, Thomas Jefferson đưa ra một lời giải thích rõ ràng về quá trình này khi ông viết:

Mỗi một người khi có một tờ tiền trong tay thì bị mất ngay trên chính tờ tiền đó giá trị mà tờ tiền đó mất đi trong suốt thời gian nó nằm trong tay anh ta. Điều này thực sự là thuế đối với anh ta; và theo cách này người dân Mỹ thực sự đã đóng góp… hàng triệu đô la trong thời kỳ chiến tranh, và bằng một chế độ thuế hà khắc nhất, bất bình đẳng nhất.[13]

Kiểm soát giá cả và luật tiền pháp định ra đời

Khủng hoảng kinh tế và cuộc nổi dậy bắt đầu

Quy luật tự nhiên số 3

Tiền tỷ lệ

Những khoảng ký gửi không có sẵn để cho vay

Hoạt động ngân hàng dự trữ theo tỉ lệ

Tạo ra tiền từ nợ

Quy luật số 4

Tóm lược

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Quai vat dao Jekyll – Ch 8.pdf

—-

[1] Xuất phát từ cuốn Marco Polo’s Travel của Henry Thule, tái bản bởi W. Vissering, On Chinese Currency: Coin and Paper Money (Leiden: EJ Brill, 1877), tái bản năm 1968 bởi Ch’eng-wen Publishing Co, Đài Loan, trích dẫn bởi Anthony Sutton, The War on Gold (Seal Beach, California: ’76 Press, 1977), pp.26-28.

[2] Ernest Ludlow Bogart, Economic History of the American People (New York: Longmans, Green and Co., 1930), p. 172.

[3] Trong cuốn Statutes at Large of South Carolina, II. 211,665, kể lại bởi George Bancroft, A Plea for the Constitution (xuất bản lần đầu bởi Harpers vào năm 1886. Tái bản ở Sewanee, Tennessee: Spencer Judd Publishers, 1982), p.7.

[4] Leonard W. Labara, ed., The Papers of Benjamin Franklin (New Haven: Yale University Press, 1960), Vol. 2, p. 159.

[5] Province Laws, II. 826, theo Bancroft, p. 14.

[6] Ron Paul and Lewis Lehrman, The Case for Gold (Washington, D.C.: Cato Institute, 1982), p. 22. Also Sutton, The War on Gold, p. 44.

[7] Xem Donald L. Kemmerer, “Paper Money in New Jersey, 1668-1775,” New Jersey Historical Society, Proceedings 74 (April 1956): pp. 107-144, kể lại bởi Paul and Lehrman, The Case for Gold, p. 22.

[8] Galbraith, pp. 48-50.

[9] Paul and Lehrman, pp. 22-23.

[10] “The Colonial Monetary Standard of Massachusetts,” bởi Roger W. Weiss, Economic History Review, No. 27, November, 1974, p.589.

[11] Trích dẫn bởi Albert S. Bolles, The Financial History of the United States (New York: D. Appleton, 1896, 4th ed.), Vol. I, p. 132.

[12] Thư gửi Samuel Cooper, ngày 22/4/1779, trích bởi Albert Henry Smyth, ed., The Writings of Benjamin Franklin, (New York: Macmillan, 1906), Vol.VII, p. 294.

[13] Thomas Jefferson, Observations on the Article Etats-Unis Prepared for the Encyclopedia, June 22, 1786, từ Writings (New York: G.P. Putnam’s Sons,1894), Vol. IV, p. 165.