Hoa Kỳ nên giúp Việt Nam chống  lại sự cưỡng ép của Trung Quốc

Tác giả: Patrick M. Cronin | Biên dịch: Lê Hồng Hiệp

Tháng 10 năm ngoái trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lí Khắc Cường, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã hứa sẽ tăng cường “niềm tin chính trị” giữa hai bên yêu sách trên Biển Đông. Tuần vừa rồi, khi tôi phát biểu tại một hội thảo tại Đà Nẵng, Việt Nam, nơi rõ ràng không có mặt các đại biểu Trung Quốc, các lời cáo buộc mạnh mẽ đã xuất hiện đầy rẫy tại hội thảo cũng như trên báo chí. Lý do trực tiếp của căng thẳng là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Từ khi diễn ra hành động đơn phương này hồi đầu tháng 5, Trung Quốc đã tạo nên một vành đai bảo vệ xung quanh giàn khoan bằng cách triển khai các tàu quân sự, tuần duyên và tàu đánh cá theo các vòng tròn tuần tra đồng tâm. Cho tới nay, một tàu cá của Việt Nam đã bị đâm chìm và Trung Quốc đã đưa ra các cáo buộc vô căn cứ rằng các tàu của Việt Nam đã va đâm tàu Trung Quốc hơn 1.400 lần. Các video hai bên đối đầu nhau hiện có trên internet.

Dù hành vi của Việt Nam cũng không phải hoàn toàn không đáng bị chê trách, nhưng Trung Quốc lẽ ra đã có thể có được một lập luận thuyết phục hơn nếu nó tuân thủ luật pháp quốc tế. Trung Quốc có toàn quyền bảo vệ một dàn khoan bên trong lãnh hải của nó, nhưng một dàn khoan nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý chỉ được hưởng một khu vực an toàn có bán kính 500 mét. Nhưng Trung Quốc rõ ràng đang tìm cách thiết lập những mục tiêu nguy hiểm hơn. Hải Dương 981 nằm trong đường 9 đoạn của Trung Quốc vốn chiếm trọn 80% Biển Đông. Trung Quốc đã chần chừ không muốn làm rõ đường này bởi một khẳng định yêu sách từ lịch sử không phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Trên thực tế, Philippines đang theo đuổi một vụ kiện trọng tài quốc tế để giúp làm rõ điểm này.

Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội giương oai diễu võ với những sức mạnh mới có được và biến đường 9 đoạn thành một thực tế pháp lý và sự thực trên hiện trường. Thực ra, Trung Quốc muốn biến Biển Đông (và biển Hoa Đông) thành một chiếc hồ trong đất liền của mình. Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là một phần trong kiểu hành vi hiếu chiến đáng lo ngại của Trung Quốc. Một kiểu sử dụng hành vi “cưỡng ép có tính toán” khác là việc khai hoang một số cấu tạo nhỏ tại Quần đảo Trường Sa. Những hình ảnh mới được chụp vào tháng 3 cho thấy Trung Quốc đang khai hoang bãi Gạc Ma, địa điểm diễn ra cuộc xung đột hải quân Việt – Trung năm 1988. Mặc dù Trung Quốc không phải là bên duy nhất thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ và lợi ích trên biển, hành vi của nước này đặc biệt mang tính leo thang. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã vạch rõ “các hành động đơn phương, gây bất ổn” của Trung Quốc chống  lại các nước láng giềng trên biển tại Đối thoại Shangri-la năm nay tại Singapore.

Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, vốn diễn ra sau các nỗ lực ngoại giao nhằm cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội, đang khiến nhiều quốc gia trong khu vực e ngại. Nhưng chiến thuật của Trung Quốc tại các vùng biển gần bao gồm cả việc lúc tăng lúc giảm các hành động ngoại giao cưỡng ép. Là một phần của trọng tâm “ngoại giao ngoại biên” mới được phục hồi, Trung Quốc đang tưởng thưởng cho các nước láng giềng sẵn lòng hợp tác với Bắc Kinh, đồng thời tìm cách cô lập những nước chống lại các đòi hỏi đơn phương của Trung Quốc. Những hành động như vậy được tính toán để đủ giữ hòa bình và không leo thang thành xung đột toàn diện hay dẫn tới một liên minh thống nhất chống Trung Quốc. Chúng cũng được tính toán để có vẽ không mang bản chất quân sự, và do đó không làm suy yếu các lực lượng quân sự đang hiện đại hóa nhanh chóng của nước này. Ngoài ra, chúng cũng được thiết kế để chuyển tải những thông điệp khác nhau tới các đối tượng người nghe khác nhau, ở trong nước, khu vực, lẫn quốc tế.

Sự cưỡng ép có tính toán của Trung Quốc cũng được nhắm đến không chỉ các nước láng giềng mà còn cả Hoa Kỳ. Trung Quốc muốn ép Hoa Kỳ làm giảm tinh thần hưng phấn dân tộc chủ nghĩa của các liên minh và đối tác, từ Philippines và Nhật Bản (ở biển Hoa Đông), tới Việt Nam và Malaysia. Bất chấp các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc, Hoa Kỳ cần phải kiên định xây dựng một hệ thống mở dựa trên luật lệ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Trước mắt, Hoa Kỳ cũng cần tìm cách đối phó sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc, thường được gọi là chiến lược “cắt salami”. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay trên Biển Đông, Hoa Kỳ cần thúc đẩy quan hệ với Việt Nam nhằm áp đặt các chi phí lên Trung Quốc. Nếu xét mục tiêu song song của Hoa Kỳ là xây dựng trật tự và duy trì an ninh khu vực cùng với tập trung chống lại việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp cưỡng ép nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng, có 5 ưu tiên xứng đáng nhận được sự quan tâm của Hà Nội lẫn Washington, cũng như toàn khu vực nói chung.

Thứ nhất, trong khuôn khổ đối thoại an ninh Mỹ – Việt đang được tăng cường, hai nước cần tập trung vào phát triển các chiến lược nhằm áp đặt các chi phí để làm Trung Quốc nhụt chí trong việc đơn phương thay đổi nguyên trạng, hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các hành vi xấu. Các chiến lược áp đặt chi phí có thể trực tiếp và gián tiếp, mang tính quân sự và phi quân sự, ngắn hạn và dài hạn. Nhưng chúng cần khả thi, hiệu quả về chi phí, và có ý nghĩa. Việt Nam cần gửi các quan chức cấp cao tới Washington để nhấn mạnh tầm quan trọng của khuôn khổ đối thoại  này.

Thứ hai, nên có các cuộc diễn tập song phương lớn hơn và thường xuyên hơn và Hoa Kỳ nên triển khai quân sự tới Việt Nam dưới danh nghĩa hai bên đều là thành viên của Sáng kiến An ninh chống Phổ biến vũ khí giết người hàng loạt (Proliferation Security Initiative – PSI). Thông qua PSI, Hoa Kỳ có thể mang lại một sự hiện diện mang tính trấn an mà không phải gánh vác các gánh nặng, chi phí và rủi ro trong việc khôi phục lại căn cứ quân sự thường trực. Đồng thời, hợp tác lớn hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể giúp cải thiện tính chuyên nghiệp của quân đội Việt Nam và khả năng phố hợp hành động. Tăng cường nhận thức thông tin trên biển là một mục tiêu vừa hỗ trợ cho PSI vừa giúp phát hiện sớm các hành vi sai trái trên Biển Đông.

Thứ ba, Hoa Kỳ nên ủng hộ đối thoại tam giác và hợp tác thực tế giữa các bên yêu sách trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, Malaysia và Philippines. Hoa Kỳ có thể hỗ trợ đối thoại này thông qua các diễn đàn đa phương khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Washington cũng có thể khuyến khích các liên minh và đối tác khác (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và các thành viên ASEAN khác) đưa ra các hỗ trợ về huấn luyện và đào  tạo, trang thiết bị và chia sẻ thông tin. Hoa Kỳ nên khuyến khích Nhật Bản, nước đang cung cấp các tàu tuần duyên bắt đầu từ năm tới, và Ấn Độ, nước đang vận hành các tàu ngầm của Nga, trong việc hỗ trợ hải quân Việt Nam vận hành và triển khai các tàu ngầm lớp Kilo. Khi Việt Nam tích hợp 6 chiếc tàu ngầm này vào lực lượng hải quân còn nhỏ của mình, các bên cần giúp Việt Nam thiết lập khả năng tác chiến độc lập.

Thứ tư, Hoa Kỳ cần chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Phạm vi và dạng hỗ trợ quân sự trực tiếp vẫn cần gắn với các cải thiện rõ ràng về nhân quyền. Nhưng giờ đã là lúc bắt đầu cho phép bán hạn chế các vũ khí hữu ích cho việc chống lại các hành vi cưỡng ép có tính toán. Những hệ thống như vậy có thể giúp cải thiện khả năng nhận thức thông tin trên biển và nâng cao các phương tiện phòng vệ, dù vẫn chỉ mang tính sát thương tiềm năng, trong việc trừng phạt bất cứ kẻ tấn công nào. Các loại ngư lôi và tên lửa hành trình tầm ngắn sẽ giúp nâng cao khả năng răn đe, và kẻ xâm lược tiềm tàng sẽ phải cân nhắc trước khi sử dụng hình thức cưỡng ép công khai hoặc  các lực lượng hạn chế để thực hiện các yêu sách của mình.

Thứ năm, Hoa Kỳ cần thúc đẩy Việt Nam và các thành viên ASEAN ủng hộ các nguyên tắc cụ thể nhằm duy trì trật tự trên biển và quyền tự do của các lợi ích chung toàn cầu tại Biển Đông. Những bước đi cụ thể nào rốt cuộc có thể là một phần của bộ quy tắc ứng xử ràng buộc thì nên được thúc đẩy và thực thi càng sớm càng tốt. Các bên cũng nên áp dụng phân xử theo trọng tài quốc tế về (tranh chấp liên quan đến) các điều khoản  của UNCLOS. Các cấu tạo trên biển nên được liệt kê một cách có hệ thống và định nghĩa nhằm thiết lập một nhận thức chung toàn khu vực về việc các cấu tạo nào được coi là đảo, và cấu tạo nào được coi là đá.

Những bước đi này minh họa cho một bộ công cụ rộng lớn hơn mà các quan chức Việt Nam, Hoa Kỳ và toàn khu vực có thể sử dụng để áp đặt các chi phí lên các hành vi xấu và giúp bảo vệ việc tuân thủ các quy tắc đã được các bên thống nhất. Những bước đi này là cần thiết bởi việc Trung Quốc ngày càng dựa vào các hành vi ép buộc. Đồng thời, cũng cần phát triển xa hơn một lộ trình với Trung Quốc về cách tránh các sự cố nguy hiểm và quản lý cạnh tranh chiến lược. Thông qua những bước đi này, việc cưỡng ép có tính toán có thể được ngăn ngừa không trở thành một quy chuẩn được chấp nhận trên Biển Đông.

TS. Patrick M. Cronin là Giám đốc cao cấp của Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới (CNAS).

Bản gốc tiếng Anh: Asia Pacific Bulletin