Hoa Kỳ cần ban hành một “Chiến lược quốc gia về Biển Đông”

Print Friendly, PDF & Email

Biên dịch: Bùi Hữu Duyệt | Hiệu đính: Vũ Thành Công

360225496

Trung Quốc đang dần hiện thực hoátuyên bố chủ quyền trên biển Đông bằng các động thái hung hăng. Đứng trước tình hình đó, Hoa Kỳ cần thay đổi thái độ từ giữ nguyên hiện trạng sang chủ động thúc đẩy hoà bình, quyết tâm bảo vệ quyền lợi hàng hải của mình trong khu vực. Trong báo cáo Một chiến lược quốc gia về biển Đông đăng tháng 04/2014 trên tạp chí Backrgrounder, hai học giả Steven Groves và Dean Cheng đề xuất việc công bố Chính sách quốc gia về biển Đông của nước Mỹ, xem đây là phương tiện hữu hiệu để thực hiện bước chuyển đổi trên. Phần dưới đây lược dịch và giới thiệu các lập luận và các khuyến nghị chính sách chính của báo cáo.

Luận điểm 1: Mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát các phần đất nhằm thiết lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên toàn biển Đông, từ đó biện minh cho tuyên bố đường chín đoạn.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ các đảo trong đường chín đoạn, kèm theo là quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng nước liên quan cũng như phần đáy biển kéo dài từ các đảo. Như vậy, Trung Quốc thâu tóm gần như toàn bộ biển Đông trong EEZ của mình. Trong nỗ lực khẳng định đường chín đoạn, Trung Quốc đã viện dẫn phiến diện Công ước của Liên Hiệp Quốc Quốc tế về Luật biển (UNCLOS) làm cơ sở pháp lý cho “quyền chủ quyền” và “quyền tài phán” mà mình đòi hưởng. Theo khoản a điều 56 của UNCLOS, trong EEZ của mình, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong nước và dưới đáy biển. Khoản b điều 56 viết rằng quốc gia có quyền tài phán trong việcxây dựngcác đảo nhân tạo, thực hiện nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Với Bắc Kinh, các hoạt động điều tra quân sự do nước ngoài tiến hành trong EEZ của mình là bất hợp pháp.

Mặt khác, UNCLOS vẫn cho phép tàu chiến và máy bay của các quốc gia khác quyền di chuyển qua vùng EEZ của quốc gia ven biển miễn là các phương tiện đó không khai thác tài nguyên hay có các hành động gây hại đối với quốc gia ven biển trong vùng EEZ. Các quyền này được quy định tại Điều 58 của UNCLOS.

Luận điểm 2: Trung Quốc có xu hướng sử dụng đối đầu và bạo lực tại biển Đông, thường xuyên quấy rối các tàu Mỹ, Việt Nam và Philippines đang hoạt động hợp pháp.

Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, bắn chìm 3 tàu Việt Nam năm 1988 và chiếmĐá Vành Khăn năm 1995. Những năm gần đây, Trung Quốc liên tục gây ra các vụ quấy nhiễu trên biển bằng nhiều phương thức khác nhau. Một danh sách hàng loạt các vụ việc từ năm 2009 đến 2011 chỉ ra các kiểu quấy rối khác nhau như đâm, cắt cáp tàu thăm dò, đánh đập hay bắt giữ ngư dân. Đối tượng bị quấy rồi gồm có tàu cá và tàu thăm dò của Việt Nam, tàu cá của Philippines, ngoài ra còn có cả một số tàu quân sự Mỹ đang hoạt động hợp pháp.

Trung Quốc đang kiên trì sử dụng những chiến thuật này để gây sức ép lên cácnước láng giềng, giành quyền kiểm soát các đảo tranh chấp. Càng chiếm thêm các đảo hay dải san hô ngầm, Bắc Kinh càng có thêm phần đất làm cơ sở cho tuyên bố lãnh hải và EEZ đi kèm. Sau đó, mỗi EEZ được khẳng định sẽ càng làm cho yêu sách đường chín đoạn có trọng lượng.

Luận điểm 3: Mỹ nên xây dựng và ban hành Chiến lược Quốc gia về biển Đông (NSSCS) để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc và giải quyết tranh chấp trong khu vực bằng phương pháp hoà bình.

Dù không tham gia UNCLOS, Hoa Kỳ vẫn tôn trọng các nguyên tắc của công ước này. Nhưng để duy trì ổn định trong khu vực, Mỹ không cần tham gia UNCLOS – vốn không phải là biện pháp thiết yếu để bảo đảm quyền tự do hàng hải của Mỹ suốt từ 1775. Thay vào đó, công cụ để duy trì hoà bình, bảo đảm quyền và lợi ích của nước Mỹ chính là lực lượng hải quân hùng mạnh cùng với các chính sách và chiến lược hợp lý. Trước chiến lược quốc gia của Mỹ tai biển Đông, Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ ra văn bản công bố chính sách của mình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như tại các khu vực khác trên thế giới. Hơn nữa, chính Bắc Kinh cũng đang ra sức theo đuổi quyền lợi của mình tại Bắc Cực, khu vực rất xa Trung Quốc.Vì vậy Mỹ không cần lo ngại sự thách thức của Trung Quốc sẽ dẫn đến xung đột vũ trang. Thực tế, đối đầu trực diện đôi lúc cũng cần thiết để giải quyết các vấn đề nan giải, như khi tàu chiến Mỹ và Liên Xô va chạm trên biển Đen năm 1988, hai nước đã đạt được một thoả thuận chung cho quyền đi qua lãnh hải của nhau vào năm sau đó.

Luận điểm 4: NSSCS sẽ cho thấy rõ sự thay đổi thái độ của Mỹ từ trung lập sang chủ động thúc đẩy hoà bình và tìm kiếm giải pháp sau cùng cho tranh chấp biển Đông

Với một Trung Quốc ngày càng khiêu khích và tránh né giải quyết vấn đề biển Đông một cách hoà bình, việc Mỹ thay đổi thái độ là cần thiết và hợp lý hơn là chấp nhận hiện trạng và hi vọng điều tốt nhất sẽ xảy ra. NSSCS sẽ công khaibước chuyển đổi trong chính sách đối ngoại Mỹ sang chủ động thúc đẩy hoà bình, quyết tâm bảo vệ quyền lợi hàng hải của mình trong khu vực.

Khuyến nghị chính sách

Dựa vào các luận điểm trên, hai học giả đưa ra một số khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách khi xây dựng NSSCS, đó là:

1. Công bố quan điểm của mình về các cấu tạo đang bị tranh chấp tại biển Đông. Xác định chúng là “đảo” hay chỉ là “đá”, Mỹ sẽ làm rõ nơi nào mình có thể áp dụng quyền tự do hàng hải mà không bị vướng vào tranh chấp chủ quyền của các bên.

2. Nhấn mạnh chính sách của Mỹ về các hoạt động quân sự trên biển Đông. Bên cạnh việc nhắc lại những ưu tiên của Mỹ trong khu vực như tôn trọng luật quốc tế, tự do trên biển, duy trì an ninh, ổn định và phát triển kinh tế – thương mại, chiến lược quốc gia về biển Đông cần khẳng định tính hợp pháp của các hoạt động thăm dò quân sự của Mỹ trong các vùng EEZ.

3. Duy trì các phản đối và hoạt động của hải quân vì tự do hàng hải. Các phản đối ngoại giao cần được tiếp tục với tần suất ít nhất cũng như hiện tại, nhưng hoạt động quân sự thì nên thường xuyên hơn và nên được tiến hành bởi Mỹ và đồng minh trong khu vực có khả năng tham gia, như Úc hay Nhật Bản.

4. Xuất bản một báo cáo về “các ranh giới trên biển đối với đường chín đoạn, cũng như Mỹ đã từng làm các báo cáo khác nhau về luật biển đối với tuyên bố chủ quyền của nhiều nước. Báo cáo này cũng nên được xuất bản riêng để trình lên Liên Hợp Quốc.

5. Hỗ trợ các nước quanh biển Đông tuân thủ luật biển. Mỹ cần thuyết phục đồng minh và bạn bè trong khu vực xây dựng luật quốc gia của mình phù hợp với luật biển. Việc một số nước khác (ngoài Trung Quốc) cũng có tuyên bố chủ quyền trên biển quá mức đã tạo cho Trung Quốc cái cớ để biện minh hành động của mình. Bằng thương lượng song phương, Mỹ sẽ thuyết phục các nước ấy từ bỏ các tuyên bố quá mức và hình thành mặt trận pháp lý chung trước Trung Quốc.

6. Ủng hộ các vụ kiện chống Trung Quốc. Ngoài ủng hộ Philippines, Mỹ còn phải kêu gọi các nước khác, đặc biệt là Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia ủng hộ nước này và khởi kiện chống Trung Quốc. Vì đều là thành viên UNCLOS, các quốc gia trên có thể tận dụng quy trình xử lý tranh chấp để giải quyết mâu thuẫn. Việc từ chối giải quyết bằng pháp lý chỉ khiến Trung Quốc ngày càng tự cô lập mình khỏi các nước khác quanh biển Đông.

7. Loại trừ các điều khoản tiềm tàng nguy cơ của Bộ quy tắc Ứng xử trên biển Đông (COC). Mỹ sẽ không công nhận hay tuân thủ một điều ước ngăn trở các hoạt động quân sự trong EEZ, vi phạm UNCLOS và các tập quán quốc tế.

Các khuyến nghị chính sách kể trên không nhằm tạo ra các lợi ích tức thời, nhưng sẽ giúp định hình các điều kiện tại biển Đông để có thể giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và chắc chắn trong trung và dài hạn.

Bản gốc tiếng Anh: The Heritage Foundation