Tác giả: Patrick Jory | Biên dịch: Lê Hoàng Giang
Dù cuộc đảo chính quân sự gần đây tại Thái Lan đã thu hút nhiều sự chú ý của thế giới do chính quyền quân sự mới nắm quyền đã ra lệnh ngừng một số quyền dân chủ và nhân quyền, nhưng đồng thời nó cũng mang những ý nghĩa địa chính trị sâu rộng cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á.
Tại hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La tại Singapore hai tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã phát biểu một cách trực diện bất thường khi nói về tình hình ở Thái Lan, kêu gọi chính quyền quân sự trả tự do cho những người bị bắt giữ, ngừng kiểm duyệt truyền thông và “nhanh chóng tổ chức tổng tuyển cử”. Lời bình luận của ông được đưa ra một ngày sau khi lãnh đạo cuộc đảo chính là Tướng Prayuth Chan-ocha đưa ra một kế hoạch cải cách chính trị, trong đó xác định sẽ tổ chức bầu cử “trong vòng 15 tháng”.
Trước đó, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ sử dụng “mọi biện pháp chính trị, kinh tế một cách thích hợp” để gây áp lực yêu cầu chính quyền quân sự đưa Thái Lan trở về chế độ dân chủ.
Thái Lan từ lâu đã có quan hệ thân thiết với Mỹ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thái Lan từng là một trong những đồng minh trung thành nhất của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Nhưng nhiều người thuộc phe bảo hoàng Thái Lan giờ đây cho rằng Mỹ đã bỏ rơi họ.
Sau khi Kristie Kenney, Đại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan, chỉ trích cuộc đảo chính, một chiến dịch truyền thông xã hội của phe bảo hoàng đã được phát động – kêu gọi Washington triệu hồi đại sứ của mình về nước.
Khunying Songsuda Yodmani, con gái của cựu lãnh đạo độc tài quân sự thân Mỹ Thanom Kittikachorn, cũng đã kịch liệt chỉ trích Mỹ vì đã “xen ngang” vào công việc của Thái Lan và kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ “tôn trọng đồng minh của mình và đối xử với họ một cách bình đẳng chứ không phải như với các thuộc địa”.
Quan hệ giữa phe bảo hoàng Thái Lan và Mỹ bắt đầu đi xuống từ năm 2012, khi Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Thái Lan và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền được bầu ra của bà Yingluck Shinawatra, em gái của nguyên thủ tướng Thaksin Shinawatra hiện đang sống lưu vong. Có vẻ như Mỹ đã chuyển sự ủng hộ của mình từ liên minh hoàng gia và quân đội, vốn chi phối nền chính trị Thái Lan, sang phía Thaksin.
Cuộc đảo chính tháng trước, như vậy, giống như một cái tát vào mặt nước Mỹ.
Quan hệ trắc trở giữa Thái Lan và Mỹ có vẻ sẽ ít gây ra nhiều hậu quả nếu như không có những căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á sau những hành động đòi chủ quyền ngày càng xác quyết của Trung Quốc trên biển Đông.
Chính vào chính thời điểm mà Mỹ muốn ASEAN tỏ ra là một mặt trận thống nhất, phe bảo hoàng Thái Lan giờ đây lại có vẻ muốn dùng “lá bài Trung Quốc” như là một cách để cự tuyệt với Mỹ. Nếu như Thái Lan, dưới chính quyền quân sự mới, chuyển lòng trung thành chiến lược của mình sang phe khác, thì việc này sẽ có ý nghĩa tác động đến cả khu vực. Nhưng liệu liên minh hoàng gia-quân sự có bỏ rơi người bảo trợ quen thuộc là Mỹ sau 60 năm hay không? Và liệu họ có bỏ Mỹ để đến với Trung Quốc hay không?
Dù đúng là Thái Lan có những mối liên kết quân sự, ngoại giao, giáo dục và văn hóa lâu dài với Mỹ, nhưng lịch sử đã cho thấy rằng người Thái đã luôn sẵn lòng đổi lòng trung thành ngoại giao của mình từ phe này sang phe khác một cách triệt để những khi có khủng hoảng.
Trong nửa sau của thế kỷ 19, Thái Lan đã cắt đứt mối quan hệ chư hầu có từ hàng thế kỷ với triều đình phong kiến Trung Hoa và chấp nhận bá quyền của Đế quốc Anh khi đó đang trỗi dậy. Dưới thời của Thống tướng Phibunsongkhram – vị thủ tướng có tư tưởng ủng hộ chế độ cộng hòa, sau khi Nhật Bản xâm chiếm Thái Lan vào năm 1941, chính phủ Thái Lan liền chuyển sang trung thành với người Nhật – một quyết định tồi tệ, như sau này thấy rõ.
Các Công chúa Thái Lan Sirindhorn và Chulabhorn – cả hai đều được cho là đã ủng hộ những người biểu tình phe bảo hoàng muốn lật đổ chính quyền của bà Yingluck – từ lâu đã xây dựng quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Cả hai công chúa đều thường xuyên có các chuyến thăm đến Trung Quốc.
Như Geoff Wade đã chỉ ra, kể từ cuộc đảo chính năm 2006, những liên kết giữa người Thái và người Trung Quốc đã “nảy mầm”, trong đó có cả những liên kết quân sự.
Giới lãnh đạo quân sự Thái Lan đã đến thăm Bắc Kinh từ ngày 11 đến 13/6 để trao đổi với những người đồng cấp Trung Quốc của họ về việc “hợp tác chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực quân sự, huấn luyện quân đội, và phát triển vũ khí”. Theo Naew Na – một tờ báo Thái Lan có khuynh hướng bảo thủ – đưa tin, các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho biết “Trung Quốc coi những vấn đề chính trị của Thái Lan là chuyện nội bộ và sẽ không can thiệp”. Đồng thời, trong một cuộc gặp với các nhà kinh doanh và đầu tư Trung Quốc vào ngày 6/6, lãnh đạo cuộc đảo chính Tướng Chan-ocha đã tuyên bố Thái Lan đã là “đối tác của Trung Quốc trên mọi cấp độ”.
Về phần Trung Quốc, xét đến việc quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam đang ngày càng xấu đi, và việc quan hệ giữa Mỹ và Myanmar đang ngày càng có tiến triển, quan hệ quân sự thân cận với Thái Lan có vẻ như là một lựa chọn hấp dẫn. Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gần đây có xu hướng bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền mới, cho rằng “dân chủ kiểu phương Tây” đã đưa Thái Lan đi chệch đường.
Trung Quốc có đủ tin tưởng chính quyền cực-bảo-hoàng của Thái Lan để đánh cược rằng chính quyền đó sẽ tồn tại được trong thời gian tương đối dài hoặc lâu dài hay không? Trung Quốc sẽ nhận thức được tình hình bất định xung quanh sự kế thừa ngai vàng sắp tới. Trớ trêu là, một chính phủ dân chủ, ủng hộ Thaksin có lẽ sẽ giúp Trung Quốc có được lợi thế hơn. Trước đây ông Thaksin cũng đã từng nói về quan hệ thân cận giữa ông và giới lãnh đạo Trung Quốc. Có thể cho rằng Mỹ và Châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên chính quyền quân sự, thậm chí là dùng đến các lệnh trừng phạt. Chúng ta có thể tưởng tượng ra áp lực này có thể sẽ lớn đến mức nào nếu chính quyền quân sự tỏ ra “chuyển sang” phía Trung Quốc nếu xét đến lợi ích các bên trong bối cảnh an ninh khu vực Đông Á.
Nếu như, sau khi bị công kích mạnh mẽ bởi Mỹ và các nước phương Tây khác, chính quyền quân sự thực sự cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc, thì Thái Lan có thể sẽ bị cô lập trong khu vực Đông Nam Á – nơi đang ngày càng trở nên căng thẳng cao độ trước những hành động của Trung Quốc trên biển Đông.
Chính quyền quân sự Thái Lan đang phải đứng trước một sự lựa chọn khó khăn và tình thế đang trở nên nguy cấp hơn bao giờ hết cho phe bảo hoàng Thái Lan.
Patrick Jory là Giảng viên Cao cấp ngành Lịch sử Đông Nam Á tại trường ĐH Queensland.
Bài gốc tiếng Anh: East Asia Forum