Khái quát lịch sử Mỹ (Ch.12): Nước Mỹ sau chiến tranh

C1E1730B-9044-48FC-BC09-8BEFD34A2489_w640_r1_s

Nguồn: Alonzo L. Hamby, Outline of U.S. History (New York: Nova Publishers, 2007), Ch. 12.

“Chúng ta phải xây dựng một thế giới mới, một thế giới tốt đẹp hơn nhiều – trong đó chân giá trị vĩnh cửu của con người phải được tôn trọng”
– Tổng thống Harry S. Truman,1945

Sự đồng thuận và sự thay đổi

Trong những năm ngay sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, nước Mỹ đã có ảnh hưởng lớn chi phối các công việc toàn cầu. Là người chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Thế giới, lại không bị tàn phá bởi chiến tranh, cả dân tộc Mỹ tin tưởng vào sứ mạng quốc gia trong cả chính sách đối nội và đối ngoại. Những người lãnh đạo Hoa Kỳ muốn duy trì cấu trúc dân chủ mà họ đã bảo vệ với một giá đắt và muốn chia sẻ rộng rãi những lợi ích của sự thịnh vượng. Với họ, như Henry Luce, chủ bút tạp chí Time, đã nói, giai đoạn này là thế kỷ của nước Mỹ.

Trong suốt 20 năm, phần lớn người Mỹ đều tin tưởng vào quan điểm này. Họ đồng ý với lập trường phản đối Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh vốn đã bắt đầu bộc lộ ngay sau năm 1945. Họ tán thành việc tăng cường quyền lực của chính phủ và thừa nhận những nguyên tắc chung của nhà nước thịnh vượng vốn đã được hình thành từ thời kỳ Chính sách kinh tế mới. Họ tận hưởng sự thịnh vượng sau chiến tranh, sự thịnh vượng đã tạo ra những thang bậc mới của sự giàu có.

Nhưng dần dần, một số người Mỹ bắt đầu nghi ngờ những giả định chính đó. Thách thức trên rất nhiều mặt trận đã đập tan sự đồng thuận trước đó. Vào thập niên 1950, những người Mỹ gốc Phi đã khởi xướng một chiến dịch vận động lớn, mà sau này đã nhận được sự hưởng ứng của các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm phụ nữ, nhằm chia sẻ rộng rãi hơn cái gọi là giấc mơ Mỹ. Vào thập niên 1960, những sinh viên tích cực hoạt động chính trị đã phản đối vai trò của Mỹ ở nước ngoài, đặc biệt trong cuộc chiến tranh khiến nước Mỹ hao tổn quá nhiều tại Việt Nam. Nhóm thanh niên trong phong trào văn hóa mới xuất hiện cũng thách thức nguyên trạng của các giá trị văn hóa Mỹ. Người Mỹ thuộc nhiều tầng lớp đang cố gắng xác lập trạng thái cân bằng chính trị xã hội mới ở nước Mỹ.

Các mục tiêu của Chiến tranh Lạnh

Chiến tranh Lạnh là vấn đề chính trị quan trọng nhất trong thời kỳ ngay sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Nó xuất phát từ những bất đồng kéo dài giữa Liên Xô và Hoa Kỳ đã bắt đầu xuất hiện ngay từ sau Cách mạng Tháng 10 Nga năm 1917. Đảng Cộng sản Liên Xô do V.I. Lênin lãnh đạo đã xem mình có sứ mạng dẫn đầu một phong trào quốc tế làm thay đổi trật tự chính trị đang tồn tại ở phương Tây, và từ đó, làm thay đổi trật tự chính trị trên thế giới. Năm 1918, quân đội Mỹ đã tham chiến trong quân đội Đồng minh can thiệp vào Nga lấy cớ đại diện cho các lực lượng chống Bôn-sê-vích. MÃi đến năm 1933, nước Mỹ mới công nhận ngoại giao đối với Liên Xô. Nhưng thậm chí sau đó thì giữa hai quốc gia vẫn luôn có sự nghi ngờ và đề phòng lẫn nhau. Tuy nhiên, trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, hai nước đã trở thành đồng minh và cùng gạt bỏ những bất đồng để cùng đấu tranh chống lại Chủ nghĩa Phát-xít Đức.

Khi chiến tranh kết thúc, sự đối địch lại một lần nữa xuất hiện. Nước Mỹ mong muốn được chia sẻ cùng với các quốc gia khác những khái niệm mới về tự do, bình đẳng và dân chủ. Nước Mỹ cũng đã học được nhiều bài học từ những sai lầm đã mắc phải trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, khi nó duy trì chủ nghĩa biệt lập, không chịu tham gia các cam kết chính trị và thực hiện bảo hộ kinh tế, khiến chủ nghĩa phát xít và các chế độ độc tài có cơ hội phát triển và thống lĩnh tại châu Âu và tại một vài nơi khác trên thế giới. Lại phải đối mặt với một thế giới thời hậu chiến đầy rẫy các cuộc Nội chiến và các đế quốc đang tan rã, nước Mỹ đã hy vọng sẽ đem lại sự ổn định làm cơ sở cho công cuộc tái thiết. Nhớ lại bóng ma của thời kỳ Đại suy thoái (1929 – 1940), giờ đây, nước Mỹ đã chủ trương mở cửa ngoại thương vì hai lý do: tạo thị trường cho các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp và bảo đảm khả năng xuất khẩu của các nước Tây Âu – phương cách tốt nhất để các quốc gia này tái thiết kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách thị trường của Mỹ tin rằng việc giảm hàng rào thuế quan có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong và ngoài nước Mỹ, đồng thời giúp đỡ được các quốc gia đồng minh và bạn bè của nước này.

Liên Xô lại có chương trình hành động riêng. Phương thức quản lý tập trung bao cấp truyền thống trong lịch sử nước Nga trái ngược hẳn với hình mẫu dân chủ của nước Mỹ. Hệ tư tưởng Mác-xít Lê-nin-nít đã tạm lắng trong chiến tranh nhưng vẫn tiếp tục là kim chỉ nam cho các chính sách của Nga. Đất nước bị tàn phá nặng nề, 20 triệu người đân Xô-viết đã chết trong chiến tranh, Liên Xô cần phải tập trung toàn lực để tái thiết đất nước và tự bảo vệ mình khỏi những xung đột mới có thể xảy ra. Người dân Xô-viết đặc biệt cảnh giác trước nguy cơ bị xâm lấn đất đai từ phía Tây. Sau khi đẩy lùi sự tấn công của Hitler, Liên Xô quyết tâm ngăn ngừa những cuộc tấn công tương tự. Họ yêu cầu một đường biên giới được bảo vệ và các chế độ thân hữu ở Đông Âu, đồng thời truyền bá hệ tư tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản. Tuy nhiên, Hoa Kỳ chủ trương bố rằng, một trong những mục tiêu chiến tranh mà Mỹ hướng tới là đảo ngược những ảnh hưởng đó tại Ba Lan, Tiệp Khắc và các quốc gia khác ở Trung và Đông Âu.

Sự lãnh đạo của tổng thống Harry Truman

Harry Truman kế vị Franklin D. Roosevelt làm tổng thống trước khi chiến tranh thế giới chấm dứt. Vốn là một người khiêm tốn, từng là Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ bang Missouri, sau đó làm Phó Tổng thống, lúc đầu, Truman cảm thấy mình chưa được chuẩn bị tốt để có thể lãnh đạo đất nước. Roosevelt không thảo luận những vấn đề phức tạp thời hậu chiến với ông, và ông có ít kinh nghiệm trong các vấn đề quốc tế. “Tôi chưa đủ trưởng thành cho công việc này”, ông đã từng nói với một đồng nghiệp cũ như vậy.

Nhưng Truman đã nhanh chóng thích ứng được trước những thách thức mới. Đôi khi có vẻ như hấp tấp trước những vấn đề nhỏ, nhưng ông lại tỏ ra rất sẵn sàng đưa ra những quyết định khó khăn và cân nhắc thận trọng đối với các vấn đề lớn. Một tấm biển đặt trên bàn làm việc của ông ở Nhà Trắng đã viết: “Tôi là người chịu trách nhiệm cuối cùng về mọi việc”. Những cân nhắc của ông về việc phản ứng lại đối với Liên Xô như thế nào cuối cùng đã có ảnh hưởng quan trọng tới thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh.

Nguồn gốc của Chiến tranh Lạnh

Chiến tranh Lạnh xảy ra khi những khác biệt về hình thù của thế giới thời hậu chiến đã tạo ra những nghi ngờ giữa Mỹ và Liên Xô. Bất đồng đầu tiên và khó giải quyết nhất là vấn đề Ba Lan: một nửa lãnh thổ phía đông của nước này phải chịu sự ảnh hưởng của Liên Xô; trong khi đó, Washington lại muốn đem tới cho quốc gia này một thể chế chính trị theo khuôn mẫu của phương Tây. Hội nghị Yalta tháng 2 năm 1945 đã đi đến một thỏa thuận về một Đông Âu mở cửa cho các mô thức khác nhau. Thỏa thuận này cũng hứa hẹn về các cuộc bầu cử tự do và không hạn chế.

Gặp gỡ Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov ngay trong tuần thứ hai sau khi nhậm chức Tổng thống, Truman đã bày tỏ quan điểm cương quyết của Hoa Kỳ muốn người dân Ba Lan được thực hiện quyền tự quyết của họ và nhắc nhở nước Nga phải thực hiện đúng những thỏa thuận đã có ở Yalta. Khi Molotov phản đối rằng “Chưa ai dám nói với tôi bằng cái giọng như vậy”, thì Truman đã đập lại “Nếu ông thực hiện đúng những gì ông đã thỏa thuận, thì ông sẽ không bị người ta nói chuyện bằng cái giọng đó nữa”. Từ đó, quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Mỹ đã ngày một xấu đi.

Trong những tháng cuối cùng của Chiến tranh Thế giới Thứ hai, quân đội Liên Xô đã có mặt ở toàn bộ khu vực Đông và Trung Âu. Matx-cơ-va đã sử dụng sức mạnh quân sự để hỗ trợ cho các nỗ lực của các Đảng Cộng sản ở Đông Âu và đập tan các đảng dân chủ. Những người Cộng sản lên nắm quyền ở hết quốc gia này đến quốc gia khác trong khu vực. Tiến trình này kết thúc bằng cuộc đảo chính gây chấn động tại Tiệp Khắc vào năm 1948.

Các bài phát biểu trước dân chúng của cả hai phe đã châm ngòi cho Chiến tranh Lạnh. Năm 1946, Stalin đã tuyên bố rằng hòa bình thế giới là điều không thể có nếu vẫn còn tồn tại hình thức phát triển tư bản chủ nghĩa trong nền kinh tế thế giới. Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã trình bày bài diễn văn ấn tượng của mình ở Fulton, Missouri, cùng sự góp mặt của Truman trên khán đài. Ông nói, từ Stettin ở Ban-tích đến Trieste ở Adriatic, một tấm màn sắt đã buông xuống chắn ngang châu lục. Ông tuyên bố rằng Anh và Mỹ cần phải cùng nhau chống lại mối đe dọa từ Liên Xô.

Chính sách ngăn chặn

Chính sách ngăn chặn Liên Xô đã trở thành chính sách của Mỹ trong những năm hậu chiến tranh. George Kennan, quan chức cao nhất của Đại sứ quán Mỹ ở Matx-cơ -va đã xác nhận một quan điểm mới trong một bức điện dài gửi tới Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1946. Sau khi trở về Mỹ, ông đã trình bày kỹ hơn những phân tích của mình trong một bài báo được đăng tải dưới chữ ký X trong tờ tạp chí có uy tín lớn Foreign Affairs. Chỉ ra cảm giác truyền thống của nước Nga về sự không an toàn, Kennan đã biện luận rằng Liên Xô sẽ không thay đổi lập trường của họ dù trong bất kỳ tình huống nào. Ông viết, Matx-cơ -va đã tin tưởng một cách cuồng tín rằng bắt tay với nước Mỹ sẽ không thể đem lại sự ổn định; họ muốn rằng sự hài hòa bên trong xã hội Mỹ sẽ bị phá vỡ. áp lực của Matx-cơ -va nhằm mở rộng quyền lực của mình buộc phải bị ngăn lại bằng một chính sách kiên quyết và cảnh giác nhằm ngăn chặn xu hướng bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô…

Đầu tiên, Học thuyết về Chính sách Ngăn chặn được áp dụng ở vùng Đông Địa Trung Hải. Đầu năm 1946, Mỹ yêu cầu và buộc Liên Xô phải rút quân khỏi phía Bắc Iran, phần lãnh thổ mà Liên Xô đã chiếm đóng trong chiến tranh. Mùa hè năm đó, Mỹ đã tỏ rõ sự ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại những đòi hỏi của Liên Xô trong việc kiểm soát vùng eo biển giữa Biển Đen và Địa Trung Hải. Vào đầu năm 1947, chính sách của Mỹ kết tinh khi Anh thông báo với Hoa Kỳ rằng họ không còn khả năng tiếp tục ủng hộ Chính phủ Hy Lạp chống lại sự bành trướng mạnh mẽ của Cộng sản nữa.

Trong một bài diễn văn hùng hồn trước Quốc hội, Truman đã tuyên bố “Tôi tin rằng Hoa Kỳ phải có một chính sách ủng hộ các dân tộc tự do đang đấu tranh chống lại sự bành trướng từ các nhóm thiểu số có vũ trang hay từ những áp lực bên ngoài”. Các nhà báo nhanh chóng gọi bài phát biểu này là Học thuyết Truman. Tổng thống đã yêu cầu Quốc hội cung cấp 400 triệu đô-la để viện trợ kinh tế và quân sự, chủ yếu cho Hy Lạp nhưng cũng dành cho cả Thổ Nhĩ Kỳ. Sau một cuộc tranh luận gay gắt giống như cuộc tranh luận đã từng nổ ra giữa phái ủng hộ tư tưởng biệt lập và phái ủng hộ tư tưởng can thiệp hồi trước Chiến tranh Thế giới Thứ hai, khoản tiền này đã được Quốc hội nhất trí thông qua.

Sau đó, những lời chỉ trích từ cánh hữu đã chỉ trích rằng, để thuyết phục người Mỹ ủng hộ chính sách ngăn chặn, Truman đã cường điệu hóa mối đe dọa của Liên Xô đối với Hoa Kỳ. Những lời tuyên bố của ông làm dấy lên một làn sóng cuồng loạn chống Cộng sản trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, một số người khác thì cho rằng quan điểm trên đã không tính đến sự phản đối dữ dội có thể sẽ nổ ra nếu Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác rơi vào quỹ đạo của Liên Xô mà không có sự phản đối nào từ phía Mỹ.

Chính sách ngăn chặn cũng kêu gọi những khoản viện trợ kinh tế khổng lồ nhằm hỗ trợ cho việc phục hồi các nước bị tàn phá sau chiến tranh ở Tây Âu. Vì rất nhiều quốc gia trong khu vực này không ổn định về kinh tế và chính trị, nên Hoa Kỳ lo sợ rằng các Đảng Cộng sản địa phương được Matx-cơ -va chỉ đạo sẽ lợi dụng chiến công chống quân Quốc XÃ của mình để giành quyền lực. “Người bệnh đang nguy cấp trong lúc các bác sỹ vẫn còn đang cân nhắc”, Ngoại trưởng George C. Marshall đã nhận xét như vậy. Vào giữa năm 1947, Marshall đã đề nghị các nước châu Âu đang gặp khó khăn cần khởi thảo một chương trình không chống lại bất kỳ quốc gia nào hay bất kỳ học thuyết nào, mà chỉ chống lại nạn đói, sự nghèo khổ, nỗi tuyệt vọng và sự hỗn loạn.

Người Liên Xô đã tham gia vào cuộc họp trù bị đầu tiên, sau đó họ cũng đã rút lui và không chia sẻ các dữ liệu kinh tế, và đã chịu sự kiểm soát của phương Tây trong việc chi tiêu khoản viện trợ. Mười sáu quốc gia còn lại đã thảo ra một bản yêu cầu và cuối cùng, con số 17 tỷ đô-la cho giai đoạn bốn năm đã được đưa ra. Vào đầu năm 1948, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc cấp kinh phí cho Kế hoạch Marshall, nhằm viện trợ phục hồi kinh tế cho các nước Tây Âu. Nhìn chung, đây là một trong số những sáng kiến chính sách ngoại giao thành công nhất của Mỹ trong lịch sử.

Nước Đức thời hậu chiến là một vấn đề đặc biệt. Nó bị chia thành các khu vực chiếm đóng của Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp với thủ đô cũ của Đức là Berlin (chính thành phố này cũng bị chia thành bốn khu vực), nằm gần trung tâm khu vực do Liên Xô chiếm đóng. Khi các cường quốc phương Tây công bố ý định của họ nhằm tạo ra một Nhà nước Liên bang Hợp nhất từ các khu vực do họ chiếm đóng thì Stalin đã có phản ứng. Vào ngày 24/6/1948, các đơn vị quân đội Liên Xô đã bao vây Berlin, cắt đứt tất cả các đường bộ và đường sắt từ phương Tây dẫn tới thành phố này.

Các nhà lãnh đạo Mỹ lo sợ rằng, việc mất Berlin có thể là khúc dạo đầu cho việc mất toàn bộ nước Đức và tiếp theo là toàn bộ châu Âu. Vì vậy, trong cuộc phô diễn bày tỏ quyết tâm của phương Tây, được biết dưới cái tên Cầu không vận Berlin, các lực lượng không quân Đồng minh đã chiếm lĩnh bầu trời để tiếp tế cho Berlin. Các máy bay Mỹ, Pháp và Anh đã cung cấp gần 2.250.000 tấn hàng hóa, bao gồm lương thực và than. Stalin đã chấm dứt bao vây thành Berlin sau 231 ngày với 277.264 chuyến bay của phương Tây.

Sau đó, sự thống trị của Liên Xô ở Đông Âu, và đặc biệt là cuộc đảo chính ở Tiệp Khắc đã báo động cho các nước phương Tây. Kết quả, do các nước Tây Âu khởi xướng, là một liên minh quân sự để bổ sung cho những cố gắng về kinh tế trong Chính sách Ngăn chặn. Nhà sử học người Na Uy Geir Lundestad đã mệnh danh liên minh đó là Vị Hoàng đế được mời đến. Vào năm 1949, Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác đã thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nếu một quốc gia thành viên bị tấn công, thì phải coi đó là cuộc tấn công chống lại tất cả các quốc gia thành viên khác, và do đó, phải được đáp trả bằng sức mạnh thích hợp. NATO là một liên minh quân sự thời bình đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ mà quyền lực của nó vượt ra khỏi địa phận Tây Bán Cầu.

Một năm sau đó, Hoa Kỳ đã xác định rõ ràng mục tiêu phòng thủ của mình. Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) – một diễn đàn trong đó Tổng thống, các thành viên Nội các và các thành viên hành pháp xem xét các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại – đã tiến hành rà soát toàn bộ chính sách đối ngoại và quốc phòng của Hoa Kỳ. Văn kiện mang tên NSC 68 của diễn đàn này đã ghi nhận một phương hướng mới trong chính sách an ninh của Mỹ. Dựa trên giả định rằng Liên Xô có một nỗ lực cuồng tín nhằm kiểm soát mọi chính phủ ở bất kỳ nơi nào có thể, văn kiện này đã giao phó cho nước Mỹ một nhiệm vụ trợ giúp các quốc gia đồng minh ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đang bị Liên Xô đe doạ. Sau khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Truman đã miễn cưỡng phê chuẩn văn kiện này. Hoa Kỳ tiếp tục tăng chi tiêu cho quốc phòng một cách mạnh mẽ chưa từng có.

Chiến tranh Lạnh ở Châu Á và Trung Đông

Trong khi tìm cách ngăn ngừa hệ tư tưởng Cộng sản đang lan tràn ở châu Âu, Hoa Kỳ cũng phản ứng lại những thách thức tại nhiều khu vực khác trên thế giới. Ở Trung Quốc, người Mỹ lo ngại những bước tiến của Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản của ông. Trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Chính phủ Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và các lực lượng cộng sản đã gây ra cuộc Nội chiến, thậm chí ngay trong khi họ đang đấu tranh với quân Nhật. Tưởng Giới Thạch đã từng là đồng minh thời chiến, nhưng chính phủ Tưởng đã mất hiệu lực một cách vô vọng và đang thối nát vì nạn tham nhũng. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ chỉ có ít hy vọng duy trì được chế độ Tưởng Giới Thạch và coi châu Âu là một khu vực quan trọng hơn nhiều. Do phần lớn hỗ trợ của Mỹ đang tập trung ở bờ Đại Tây Dương, lực lượng Mao Trạch Đông cuối cùng đã giành được chính quyền vào năm 1949. Chính quyền Tưởng Giới Thạch đã chạy sang bán đảo Đài Loan. Khi Mao Trạch Đông tuyên bố rằng chế độ mới của ông sẽ ủng hộ Liên Xô để chống lại đế quốc Mỹ thì rõ ràng là chủ nghĩa cộng sản đã phát triển rộng rãi ngoài tầm kiểm soát của Hoa Kỳ, chí ít cũng là ở châu Á.

Cuộc Chiến tranh Triều Tiên đã làm bùng nổ cuộc xung đột vũ trang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Khối Đồng minh đã phân chia Triều Tiên dọc theo vĩ tuyến 38 sau khi đã giải phóng nước này khỏi ách thống trị của Nhật Bản vào cuối Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Vốn lúc đầu chỉ là để tiện lợi về quân sự, giới tuyến này đã ngày càng trở nên khắc nghiệt, hai cường quốc lớn đều lập chính phủ tại các khu vực chiếm đóng riêng rẽ của mình và tiếp tục ủng hộ các chính phủ đó, thậm chí ngay cả sau khi đã rút quân.

Tháng 6/1950, sau khi đã tham vấn và được sự ủng hộ về quân sự của Liên Xô, vị lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim-Il Sung đã chỉ huy các binh đội Bắc Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến 38, và đánh về phía nam sau khi tràn qua Seoul. Nhìn nhận Bắc Triều Tiên là lực lượng thân cận do Liên Xô chỉ đạo trong cuộc chiến toàn cầu, Truman đã chuẩn bị cho các lực lượng vũ trang Mỹ sẵn sàng tham chiến và ra lệnh cho Tướng Doughlas McArthur – người hùng trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai – tới Triều Tiên. Trong khi đó, Hoa kỳ đã thuyết phục được Liên Hợp Quốc ra nghị quyết coi Bắc Triều Tiên là kẻ xâm lược (Liên Xô, vốn có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, đã tẩy chay Liên Hợp Quốc để phản đối quyết định không kết nạp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dưới thời Mao Trạch Đông vào tổ chức này).

Cuộc chiến tranh đã xảy ra ác liệt trong thế giằng co giữa hai phía. Quân đội Hoa Kỳ và Triều Tiên lúc đầu bị đẩy về phía nam ở vùng đất lọt giữa khu vực xung quanh thành phố Pusan. Cuộc đổ bộ táo bạo của lính thủy đánh bộ Mỹ từ ngoài biển tại Inchon, một cảng của thành phố Seoul, đã đẩy lui quân Bắc Triều Tiên và đe dọa chiếm đóng toàn bộ vùng bán đảo Triều Tiên. Vào tháng 11, Trung Quốc đã tham chiến và phái các lực lượng quân sự của mình vượt qua sông Yalu. Lực lượng Liên Hợp Quốc, mà chủ yếu là quân Mỹ, đã lại phải rút lui trong một trận đánh ác liệt. Dưới sự chỉ huy của Tướng Matthew B. Ridgway, quân Mỹ đã chặn đứng đường tiến của quân đội Trung Quốc, sau đó, dần dần giành lại con đường trở về với vĩ tuyến 38. Trong khi đó, Mac Arthur đã thách thức quyền lực của tổng thống Truman bằng cách kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng trong việc ném bom Trung Quốc và hỗ trợ cho lực lượng Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch để tấn công Trung Quốc lục địa. Tháng 4/1951, Truman đã miễn nhiệm Mac Arthur và thay ông bằng Tướng Mathew Ridgeway.

Những rủi ro của Chiến tranh Lạnh là rất lớn. ý thức được về ưu tiên dành cho châu Âu, Chính phủ Mỹ đã quyết định ngừng đưa quân tới Triều Tiên và sẵn sàng đồng ý với hiện trạng trước chiến tranh. Điều này đã gây thất vọng cho nhiều người Mỹ vốn không thể hiểu được sự cần thiết của việc kiềm chế chiến tranh. Uy tín của Truman đã tụt xuống, với tỷ lệ ủng hộ 24% – mức thấp nhất kể từ khi có các cuộc thăm dò dư luận về uy tín của các tổng thống Mỹ. Những cuộc thương thuyết ngừng bắn được bắt đầu vào tháng 7/1951. Cuối cùng, cả hai bên đã đạt được thỏa thuận vào tháng 7/1953 trong nhiệm kỳ đầu của Dwight Eisenhower, tổng thống kế nhiệm Truman.

Những xung đột trong Chiến tranh Lạnh cũng xảy ra ở Trung Đông. Tầm quan trọng chiến lược của khu vực này với tư cách là một nguồn cung cấp dầu mỏ đã khiến Hoa Kỳ tìm mọi cách đẩy các đơn vị quân đội Xô-viết ra khỏi Iran năm 1946. Hai năm sau đó, Hoa Kỳ chính thức thừa nhận nhà nước Israel chỉ 15 phút sau khi nước này tuyên bố thành lập – một quyết định mà Truman đã đưa ra bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía Marshall và Bộ Ngoại giao. Kết quả là một tình huống khó xử kéo dài đã xảy ra – làm thế nào để duy trì quan hệ với Israel, đồng thời, vẫn phải giữ được mối bang giao tốt đẹp với các quốc gia Arập chống Israel (nhưng lại có nhiều dầu mỏ).

Eisenhower và Chiến tranh Lạnh

Năm 1953, Dwight D. Eisenhower đã trở thành vị Tổng thống Đảng Cộng hòa đầu tiên trong 20 năm. Là anh hùng thời chiến hơn là một chính khách chuyên nghiệp, ông có một tác phong tự nhiên, thân mật khiến cho ông rất được lòng dân. “Tôi thích Ike” là khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử thời đó. Sau khi là Tổng Tư lệnh tối cao của quân Đồng minh tại mặt trận Tây Âu trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Eisenhower đã là người phụ trách quân đội, Chủ tịch trường Đại học Columbia, và sau đó là lãnh đạo quân sự của khối NATO trước khi làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa. Là người có kỹ năng thu hút mọi người cùng làm việc, ông đã hoạt động như một nhà hùng biện trước công chúng và một nhà quản lý, và ở mức độ nào đó không tham gia vào quá trình hoạch định chính sách một cách chi tiết.

Bất chấp những bất đồng về một số chi tiết, ông vẫn có chung quan điểm cơ bản với tổng thống tiền nhiệm Truman về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Eisenhower cũng nhận thức được rằng chủ nghĩa cộng sản là một lực lượng vững chắc đang đấu tranh giành ưu thế trên trường quốc tế. Trong bài diễn văn nhậm chức đầu tiên của mình, ông tuyên bố “Những sức mạnh của cái thiện và cái ác đang tập trung vũ trang và đối lập nhau gay gắt nhất trong lịch sử. Tự do đang chống lại ách nô lệ, cũng như ánh sáng chống lại bóng tối”.

Vị Tổng thống mới Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles đã chỉ rõ rằng Chính sách Ngăn chặn chưa được triển khai đầy đủ nhằm ngăn ngừa sự bành trướng của Liên Xô. Cần phải có một chính sách tự do tích cực hơn nữa để giải phóng các dân tộc đang bị cộng sản khống chế. Song, mặc dù có những lời lẽ hùng biện hoa mỹ, khi các cuộc khởi nghĩa dân chủ bùng nổ ở Hungari năm 1956, thì Hoa Kỳ lại đứng ngoài cuộc trong khi quân đội Liên Xô lại có mặt ở cuộc chính biến ấy.

Cam kết cơ bản của Eisenhwer nhằm kiềm chế chủ nghĩa cộng sản vẫn không thay đổi, và để thực hiện điều này, ông đã tăng cường sự trông cậy của nước Mỹ vào lá chắn hạt nhân. Mỹ đã tạo ra những quả bom nguyên tử đầu tiên. Năm 1950, Truman đã cho phép chế tạo một quả bom khí hydro mới có sức công phá mạnh hơn. Lúc này, lo sợ rằng các khoản chi cho quốc phòng có thể vượt quá khả năng kiểm soát, Eisenhower đã phản đối lại chính sách NSC-68 của Truman dùng một khoản chi lớn để xây dựng quân đội. Như cái mà Dulles đã gọi là “Trả đũa ồ ạt”, Chính quyền Eisenhower đã tỏ ý rằng mình sẽ sử dụng các vũ khí nguyên tử nếu nước Mỹ và những quyền lợi sống còn của nó bị đe doạ.

Tuy nhiên trên thực tế, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ có thể được cho phép trong những trường hợp chống lại những cuộc tấn công rất quan trọng. Nói chung, những đe dọa thực sự từ phe cộng sản đều không mang tính trực tiếp. Eisenhower phản đối tất cả những đề nghị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Đông Dương nơi quân Pháp bị các lực lượng Cộng sản Việt Nam đánh bại vào năm 1954. Năm 1956, quân đội Anh, Pháp tấn công Ai Cập, sau khi nước này tiến hành quốc hữu hóa kênh đào Suez và Israel xâm chiếm Sinai của Ai Cập. Tổng thống đã gây áp lực mạnh buộc quân đội của cả ba quốc gia này rút khỏi các khu vực chiếm đóng. Tuy nhiên, việc Mỹ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân có thể đã được Chính phủ Cộng sản Trung Quốc coi là vấn đề nghiêm túc, nên họ đã không những không tấn công Đài Loan, mà còn không chiếm đóng những hòn đảo nhỏ bé ngay gần đại lục do Quốc Dân Đảng đang cai quản. Lời đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử cũng đã khiến Liên Xô không dám đưa quân tới Berlin, một vấn đề ngày càng trở nên nhức nhối trong hai năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của Eisenhower.

Chiến tranh Lạnh tại nước Mỹ

Chiến tranh Lạnh không chỉ định hình cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, mà còn gây ảnh hưởng lớn lao tới mọi sự kiện trong nước Mỹ. ĐÃ từ lâu, người Mỹ lo sợ phái cấp tiến sẽ lật đổ chế độ. Những nỗi lo sợ này đôi khi đã bị lợi dụng thái quá để biện minh cho những hạn chế chính trị lẽ ra không thể chấp nhận được trong hoàn cảnh bình thường. Nhưng sự thật là các cá nhân thuộc Đảng Cộng sản và nhiều người theo chủ nghĩa cộng sản đã giành sự ủng hộ chính trị của họ không phải cho Mỹ mà là cho phong trào cộng sản quốc tế, cụ thể là cho Matx-cơ-va. Trong thời kỳ Nỗi sợ Cộng sản vào những năm 1919 – 1920, Chính phủ Mỹ đã cố gắng loại trừ mối đe dọa đối với xã hội Mỹ. Những nỗ lực thậm chí còn mạnh mẽ hơn đã được thực thi sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai để triệt bỏ tận gốc chủ nghĩa cộng sản trong lòng nước Mỹ. Các sự kiện quốc tế, các vụ bê bối chính trị và những vụ tai tiếng về hoạt động gián điệp đã dấy lên một phong trào chống Cộng trên diện rộng.

Khi Đảng Cộng hòa thắng thế trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 1946 và sẵn sàng tiến hành điều tra hoạt động lật đổ chính phủ, Tổng thống Truman đã khởi xướng Chương trình Lòng trung thành của viên chức Liên bang. Chương trình này không có mấy ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của các công dân, nhưng đã có khoảng 100 viên chức liên bang bị cách chức, trong số đó, có những người bị cách chức một cách bất công.

Năm 1947, ủy ban Hoạt động phi Mỹ của Hạ viện đã điều tra ngành công nghiệp điện ảnh để xác định xem các tư tưởng cộng sản có được phản ánh trong những bộ phim nổi tiếng hay không. Khi một số nhà viết kịch bản (tình cờ họ lại là đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản) không chịu để bị kiểm tra, họ liền bị gọi ra hầu tòa và bị tống ngục. Sau sự kiện đó, các công ty điện ảnh đã từ chối không tuyển dụng bất cứ ai có một quá khứ đáng ngờ, dù chỉ là chút ít.

Năm 1948, Alger Hiss, người từng làm trợ lý Ngoại trưởng và Cố vấn cho cố Tổng thống Roosevelt ở Yalta đã bị Whitaker Chambers, cựu tình báo Liên Xô, buộc tội là gián điệp cho phe cộng sản. Hiss đã phủ nhận sự buộc tội đó, nhưng vào năm 1950, những chứng cứ tìm được sau đó đã cho thấy là đúng.

Năm 1949, Liên Xô đã cho thử quả bom nguyên tử của mình, một vụ nổ đã làm cho người Mỹ choáng váng. Vào năm 1950, chính phủ đã phát hiện ra một mạng lưới gián điệp Anh-Mỹ đã chuyển cho Liên Xô những tài liệu về chế tạo bom nguyên tử. Hai người hoạt động trong mạng lưới này là Julius Rosenberg và vợ của ông là Ethel đã bị kết án tử hình. Tổng Chưởng lý J. Howard McGrath đã tuyên bố rằng có rất nhiều người Mỹ theo cộng sản, và mỗi người trong số họ đều mang theo mình những vi trùng chết người cho xã hội”.

Người mang tư tưởng chống cộng gay gắt nhất là Thượng nghị sỹ Joseph R. Mc Carthy, đại biểu của Đảng Cộng hòa, bang Wisconsin. Ông này đã giành được sự chú ý của nước Mỹ vào năm 1950, sau lời tuyên bố rằng ông đang nắm trong tay một bản danh sách 205 đảng viên cộng sản nổi tiếng đang làm việc trong Bộ Ngoại giao. Tuy sau đó McCarthy đã vài lần thay đổi con số này và thất bại trong việc chứng minh bất cứ người nào trong danh sách đó là đảng viên cộng sản, song ông cũng đã đánh động được phản ứng của công chúng.

McCarthy đã giành được quyền lực khi Đảng Cộng hòa chiếm quyền kiểm soát Thượng viện năm 1952. Với tư cách là Chủ tịch ủy ban Thượng viện, Carthy đã có diễn đàn cho những tư tưởng chống cộng của mình. Dựa vào việc đưa tin rộng rãi trên báo chí và truyền hình, ông tiếp tục kết án các quan chức cao cấp trong chính quyền Eisenhower về tội phản bội. Ham mê vai trò của một kẻ hành động không thương xót, làm những công việc bẩn thỉu nhưng cần thiết, ông tiếp tục tích cực truy quét những kẻ mà ông coi là cộng sản.

McCarthy đã vượt quá giới hạn trách nhiệm của bản thân mình khi ông kiện quân đội Hoa Kỳ vì một trong những trợ lý của ông bị cưỡng bách quân dịch. Truyền hình đã truyền đi những phiên xử ở tòa án tới hàng triệu gia đình. Nhiều người Mỹ lần đầu tiên đã tận mắt nhìn thấy cách cư xử hung hãn của McCarthy, và sự ủng hộ của công chúng đối với ông bắt đầu suy giảm. Đảng Cộng hòa, trước kia đánh giá Carthy là hữu dụng cho việc thách thức Đảng Dân Chủ dưới thời Tổng thống Truman, nay lại coi ông như một điều hổ thẹn. Cuối cùng, Thượng viện đã lên án ông vì tư cách đạo đức.

Về nhiều mặt, McCarthy là đại diện cho những chính sách đối nội tồi tệ nhất của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh. Khi người dân Mỹ đã bác bỏ cách nhìn nhận của ông, thì cũng là lẽ tự nhiên khi họ cho rằng mối đe dọa Cộng sản bên trong và bên ngoài nước Mỹ đã bị thổi phồng quá mức. Vào thời điểm nước Mỹ đang chuyển mình bước sang những năm 1960, những người có tư tưởng chống cộng ngày càng trở nên hoài nghi hơn, đặc biệt là giới trí thức và những người có ảnh hưởng sâu rộng đến quan điểm của công chúng.

Nền kinh tế Mỹ thời hậu chiến: 1945-1960

Trong thời gian 15 năm sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng kinh tế phi thường và củng cố được vị thế của mình với tư cách là quốc gia giàu có nhất thế giới. Tổng thu nhập quốc dân (GNP), đơn vị đo lường toàn bộ hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ở Hoa Kỳ đã nhảy vọt từ 200 tỉ đô-la năm 1940 lên 300 tỉ đô-la năm 1950 và 500 tỉ đô-la năm 1960. Ngày càng có nhiều người Mỹ tự coi mình thuộc tầng lớp trung lưu.

Sự tăng trưởng này bắt nguồn từ các nguyên nhân khác nhau. Động lực kinh tế từ những khoản chi tiêu lớn của Chính phủ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai là cú hích đầu tiên cho sự tăng trưởng này. Hai nhu cầu cơ bản của tầng lớp trung lưu đã góp phần đáng kể vào việc duy trì sự tăng trưởng đó. Số lượng ôtô được sản xuất hàng năm đã tăng lên gấp bốn lần từ năm 1946 tới năm 1955. Việc bùng nổ trong xây dựng nhà cửa được kích thích phần nào nhờ những khoản vay mua nhà thế chấp có thể trả được dễ dàng dành cho các quân nhân giải ngũ, đã kích thích nền kinh tế phát triển. Sự gia tăng chi tiêu cho quốc phòng vì Chiến tranh Lạnh leo thang cũng đóng một vai trò nhất định trong phát triển kinh tế.

Sau năm 1945, các công ty chủ chốt ở Mỹ đã phát triển mạnh mẽ với quy mô thậm chí còn lớn hơn trước. Trước đây, đã xuất hiện những làn sóng hợp nhất các công ty thương mại vào những năm 1890 và 1920, và một làn sóng tương tự cũng đã diễn ra vào thập niên 1950. Các công ty nhượng quyền kinh doanh như những nhà hàng ăn nhanh của McDonald’s đã cho phép các doanh nhân nhỏ trở thành chi nhánh của những doanh nghiệp lớn, hoạt động có hiệu quả. Các công ty lớn của Mỹ cũng phát triển các chi nhánh ở nước ngoài nơi thường có chi phí lao động thấp hơn.

Người lao động thấy cuộc sống của họ cũng đang thay đổi cùng với sự thay đổi của một nước Mỹ được công nghiệp hóa. Càng ngày càng có ít người tham gia sản xuất hàng hóa, và càng có nhiều người tham gia vào các ngành dịch vụ. Ngay từ năm 1956, phần lớn những người lao động Mỹ đều tìm được những công việc trí óc như quản lý, giáo viên, bán hàng và nhân viên văn phòng. Một số công ty đã bảo đảm cho người lao động một khoản tiền lương ổn định hàng năm, ký hợp đồng dài hạn với người lao động, cùng với các hình thức phúc lợi khác. Cùng với những thay đổi này, những người lao động không còn phải đấu tranh đòi quyền lợi nữa và sự phân hóa giữa các tầng lớp cũng bắt đầu mờ nhạt dần.

Trong nông nghiệp, các chủ nông trại, ít nhất cũng là các chủ trại nhỏ, lại phải đối mặt với một thời buổi gian nan. Năng suất tăng lên đã dẫn tới sự hợp nhất trong nông nghiệp và nghề nông trở thành một nghề kinh doanh lớn. Số chủ trại rời bỏ đất đai ngày càng nhiều hơn.

Những người Mỹ khác cũng di cư. Miền Tây và miền Tây Nam đang phát triển nhanh chóng – xu thế này tiếp diễn cho đến cuối thế kỷ. Các đô thị vùng SunBelt như Houston, bang Texas; Miami, bang Florida; Albuquerque, bang Mexico; Tucson và Phoenix, bang Arizona được mở rộng rất mau chóng. Thành phố Los Angeles của bang California đã phát triển vượt Philadelphia, Pennsylvania, trở thành thành phố lớn thứ ba nước Mỹ, và sau đó còn vượt cả Chicago, thủ phủ của khu vực Trung Tây. Cuộc điều tra dân số năm 1970 cho thấy California đã thay thế vị trí của bang New York, trở thành bang lớn nhất Hoa Kỳ. Đến năm 2000, Texas đã vượt lên trên NewYork và chiếm vị trí thứ hai.

Một hình thái di cư còn quan trọng hơn đã khiến người Mỹ rời khỏi các khu vực nội thị tới các vùng ngoại ô mới nơi họ hy vọng tìm được nhà ở với giá cả phải chăng cho những gia đình lớn đã trở nên đông đúc do sự bùng nổ sinh con thời hậu chiến. Những nhà thầu xây dựng như William J. Levitt đã xây dựng những cộng đồng dân cư mới – với những căn nhà trông giống hệt nhau – bằng cách sử dụng kỹ thuật xây dựng hàng loạt. Những ngôi nhà của Levitt được chế tạo sẵn – một phần được lắp ghép tại nhà máy chứ không lắp tại công trường. Các ngôi nhà này trông rất bình dân nhưng phương pháp của Levitt đã làm giảm giá thành và cho phép những chủ nhân mới được sở hữu một phần giấc mơ của người Mỹ.

Vì các khu ngoại ô phát triển mạnh nên các doanh nghiệp đã chuyển tới các khu vực mới. Những trung tâm mua bán lớn hơn bao gồm đủ các loại cửa hàng khác nhau đã làm thay đổi phương thức mua sắm của người tiêu dùng. Con số những trung tâm mua sắm này đã gia tăng từ tám trung tâm vào cuối Chiến tranh Thế giới Thứ hai lên tới 3.840 trung tâm vào năm 1960. Với các bãi đỗ xe thuận tiện và thời gian bán hàng tiện lợi vào buổi tối, khách hàng hoàn toàn có thể tránh được việc chạy đi mua bán trong thành phố bận rộn như trước kia.

Các xa lộ mới khiến giao thông tới các khu ngoại ô và những cửa hàng lớn trở nên dễ dàng hơn. Đạo luật Đường Cao tốc năm 1956 đã cung cấp 26.000 triệu đô la, một khoản chi tiêu dành cho các công trình công cộng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, để xây dựng hơn 64.000km đường liên bang, nối kết tất cả các khu vực trên khắp đất nước.

Truyền hình cũng có một ảnh hưởng mạnh mẽ tới các mô thức hoạt động kinh tế và xã hội. Tuy đã ra đời từ thập niên 1930, nhưng chỉ sau chiến tranh, máy thu hình mới được bày bán rộng rãi. Vào năm 1946, cả nước chỉ có dưới 17.000 máy thu hình. Ba năm sau, người tiêu dùng đã mua 250.000 chiếc trong một tháng, và cho tới năm 1960, ba phần tư các hộ gia đình đã có ít nhất một chiếc máy thu hình. Vào giữa thập niên 1960, một gia đình bình thường xem truyền hình từ bốn đến năm tiếng một ngày. Những chương trình phổ biến cho trẻ em bao gồm Howdy Doody Time và The Mickey Mouse Club; người lớn thì thích những vở hài kịch nhiều tập như I love Lucy và Father Knows Best. Người Mỹ thuộc tất cả các lứa tuổi đã trở thành đối tượng của các chương trình quảng cáo được thiết kế ngày càng tinh vi, công phu hơn, giới thiệu những sản phẩm mà người ta nói là cần thiết cho một cuộc sống tốt đẹp.

Chính sách kinh tế công bằng

Chính sách kinh tế công bằng (The Fair Deal) là tên của chương trình quốc nội của Harry Truman. Khi xây dựng kế hoạch này dựa trên Chính sách kinh tế mới của Tổng thống tiền nhiệm Roosevelt, Truman cho rằng, Chính phủ Liên bang nên đảm bảo cơ hội kinh tế và sự ổn định xã hội. Ông đã tranh đấu nhằm đạt được các mục tiêu đó, bất chấp sự chống đối dữ dội về chính trị từ những nhà lập pháp bảo thủ đang cương quyết hạ thấp vai trò của chính phủ.

Ưu tiên thứ nhất của Truman trong giai đoạn ngay sau khi chiến tranh chấm dứt là thực hiện bước quá độ sang nền kinh tế thời bình. Các quân nhân muốn nhanh chóng trở về quê hương, nhưng khi về đến nhà, họ phải đối mặt với việc mất nhà cửa và việc làm. Dự luật G.I. được thông qua trước khi chiến tranh kết thúc đã giúp các quân nhân dễ dàng hòa nhập với đời sống dân sự, thông qua việc cung cấp các khoản phúc lợi như: các khoản tiền cho vay có bảo đảm để mua nhà ở, trợ giúp cho việc đào tạo nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Điều gây lo lắng hơn là sự bất ổn trong tầng lớp lao động. Vì nền sản xuất phục vụ chiến tranh đã chấm dứt nên nhiều công nhân lâm vào tình trạng thất nghiệp. Những người khác muốn được tăng lương, một sự tăng lương mà họ cảm thấy đã phải chờ đợi quá lâu. Vào năm 1946, 4, 6 triệu công nhân đã bãi công – một con số lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Họ thách thức các ngành công nghiệp ôtô, thép và điện lực. Khi họ tiếp tục bãi công ở các tuyến đường sắt và các mỏ than mềm, thì Truman đã phải can thiệp để ngăn chặn sự đòi hỏi thái quá của các công đoàn, nhưng điều đó chỉ làm cho nhiều người lao động thêm xa lánh ông mà thôi.

Trong khi phải giải quyết những vấn đề rất cấp bách, Truman cũng đưa ra một nghị trình hành động toàn diện hơn. Chưa đầy một tuần sau khi chiến tranh chấm dứt, ông đã trình lên Quốc hội một chương trình 21 điểm, nhằm đấu tranh chống lại những hiện tượng thuê nhân công bất bình đẳng, đòi một mức lương tối thiểu cao hơn, các khoản tiền bồi thường thất nghiệp lớn hơn và trợ giúp nhà cửa nhiều hơn. Sau đó vài tháng, ông đã bổ sung các khoản đề nghị khác về bảo hiểm y tế và luật năng lượng nguyên tử. Nhưng cách tiếp cận rời rạc này đã khiến cho những ưu tiên của Truman trở nên không rõ ràng.

Đảng Cộng hòa nhanh chóng tấn công. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1946, họ hỏi “Chúng ta đã thấy chán ngấy chưa?” và các cử tri đáp lại rằng họ đã quá chán. Chiếm đa số trong cả hai Viện của Quốc hội, lần đầu tiên từ năm 1928, Đảng Cộng hòa đã quyết tâm xoay ngược xu hướng tự do như của những năm dưới thời Roosevelt.

Truman đã tranh đấu với Quốc hội vì Quốc hội đã cắt giảm chi tiêu và giảm thuế. Vào năm 1948, ông vẫn thử tái ứng cử mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng ông ít có cơ hội thắng cử. Sau một chiến dịch tranh cử mạnh mẽ, Truman đã thắng điểm, một trong những kết quả gây bất ngờ lớn trong nền chính trị Mỹ khi ông đánh bại ứng cử viên Đảng Cộng hòa, Thomas Dewey, thống đốc bang New York. Bằng cách làm hồi sinh tinh thần Liên minh đoàn kết của Chính sách kinh tế mới trước đây, Truman đã tranh thủ được các cử tri thuộc tầng lớp lao động, giới chủ nông trại và người Mỹ gốc Phi.

Khi Truman mãn nhiệm vào năm 1953, Chính sách Kinh tế Công bằng của ông có đạt được một số thành công. Tháng 7/1948, ông đã cấm nạn phân biệt chủng tộc trong quy trình tuyển dụng cán bộ của Chính phủ Liên bang và ra lệnh chấm dứt nạn chia rẽ sắc tộc trong quân đội. Mức tiền lương tối thiểu được gia tăng và các chương trình an ninh xã hội được mở rộng. Chương trình nhà ở đã mang lại nhiều lợi ích nhưng vẫn còn nhiều gia đình có nhu cầu chưa được đáp ứng. Bảo hiểm y tế quốc gia, các biện pháp trợ giúp giáo dục, trợ cấp nông nghiệp và chương trình ban hành đạo luật quyền dân sự của ông chưa được Quốc hội thông qua. Mối bận tâm của Truman về các vấn đề của Chiến tranh Lạnh là mục tiêu quan trọng nhất của ông, đã khiến ông đặc biệt khó khăn trong việc giành được sự ủng hộ đối với cách thức cải cách xã hội trong hoàn cảnh bị phản đối kịch liệt.

Cách tiếp cận của Eisenhower

Khi kế nhiệm Truman, Dwight Eisenhower đã đồng ý về căn bản với khung trách nhiệm của Chính phủ do Chính sách kinh tế mới xác lập nên, nhưng ông cố gắng giữ một giới hạn nhất định đối với các chương trình và các khoản chi tiêu. Ông gọi đó là Chủ nghĩa bảo thủ năng động hay là Chủ nghĩa cộng hòa cấp tiến. Có nghĩa là, theo ông giải thích, các chương trình này mang tính bảo thủ khi nó liên quan tới tiền bạc, mang tính tự do khi nó liên quan tới con người. Có những chỉ trích cho rằng Eisenhower đã mạnh mẽ lên tiếng khuyến nghị xây dựng thật nhiều trường học… nhưng lại không chịu bỏ tiền ra.

Ưu tiên thứ nhất của Eisenhower là làm cân bằng ngân sách sau nhiều năm thâm hụt. Ông muốn cắt giảm chi tiêu, cắt giảm thuế và duy trì giá trị của đồng đô-la. Đảng Cộng hòa tỏ ra sẵn sàng liều lĩnh phó mặc nạn thất nghiệp để kiểm soát được nạn lạm phát. Do không muốn kích thích phát triển kinh tế quá mức, cho nên họ đã phải chứng kiến nước Mỹ ba lần đã phải trải qua suy thoái trong vòng tám năm dưới thời Eisenhower, nhưng không đợt suy thoái nào xảy ra quá trầm trọng.

Trong những lĩnh vực khác, Chính phủ Liên bang đã trao quyền kiểm soát các khu khai thác dầu mỏ ngoài khơi của Chính quyền Liên bang cho các bang. Chính phủ cũng ủng hộ việc phát triển các công ty năng lượng tư nhân chứ không bắt buộc phải theo quan điểm công cộng mà phái Dân chủ đã đề xướng. Nói chung, thiên hướng của Chính phủ là ủng hộ giới doanh nghiệp.

So với Truman, Eisenhower chỉ có một chương trình quốc nội khiêm tốn. Mỗi khi ông hăng hái vận động xây dựng một đạo luật mới, thì dường như điều đó lại làm cho tính kế thừa của Chính sách kinh tế mới giảm đi đôi chút – chẳng hạn như vấn đề giảm trợ cấp nông nghiệp hay vấn đề hạn chế phần nào hoạt động của các nghiệp đoàn. Việc ông không thúc đẩy những thay đổi căn bản theo một hướng cụ thể nào đã tương thích với tinh thần của những năm 50 giàu có. Ông là một trong số rất ít những vị tổng thống Mỹ vẫn còn được lòng dân khi chấm dứt nhiệm kỳ của mình.

Văn hóa Mỹ thập niên 1950

Trong suốt thập niên 1950, nhiều sự kiện văn hóa đã chứng tỏ rằng tư tưởng đồng nhất đã thâm nhập khắp xã hội Mỹ. Tính tuân theo chuẩn mực là rất phổ biến. Mặc dù cả nam giới lẫn phụ nữ đều buộc phải theo những mô thức nghề nghiệp trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, nhưng khi chiến tranh kết thúc, thì vai trò truyền thống liền được phục hồi. Đàn ông là chủ gia đình, còn phụ nữ thì coi vị trí thích hợp nhất của mình là tề gia nội trợ, thậm chí cả khi họ là người làm công ăn lương. Trong cuốn sách gây ảnh hưởng mạnh của mình – cuốn Đám đông cô đơn – nhà xã hội học David Riesman đã gọi xã hội mới này là một xã hội bị ảnh hưởng bên ngoài chi phối, mà đặc trưng của nó là tính tuân theo chuẩn mực, nhưng đồng thời cũng có tính bình ổn. Truyền hình, vẫn còn có ít các chương trình để lựa chọn, cũng đã đóng góp vào xu hướng đồng hóa văn hóa này thông qua việc cung cấp cho thanh niên và người già những khuôn mẫu xã hội chung dễ được chấp nhận.

Nhưng không phải tất cả những người Mỹ đều thích ứng với những chuẩn mực văn hóa này. Nhiều nhà văn, những thành viên của Thế hệ lập dị đã phản kháng những giá trị quy ước, thách thức các tôn ti trật tự đang được tôn trọng và do đó gây ra một cú sốc về văn hóa. Nhấn mạnh vào tính tự phát và tâm linh, họ thích dùng trực giác hơn là lý trí, thuyết thần bí phương ông hơn là tôn giáo kinh viện của phương Tây.

Các tác phẩm văn chương của họ đã diễn tả cảm xúc về sự cách biệt và nhu cầu được công nhận bản thân. Jack Keronac đã đánh máy cuốn tiểu thuyết ăn khách nhất của ông, cuốn Trên đường, trên một băng giấy dài 75 mét. Bằng thủ pháp bỏ dấu chấm câu và không tuân theo quy tắc chung về cấu trúc đoạn văn, cuốn sách ca ngợi cuộc sống tự do. Nhà thơ Allen Ginsberg cũng trở nên nổi tiếng nhờ bài thơ Tiếng gào rú – một tác phẩm phê phán cay độc nền văn minh hiện đại được cơ khí hóa. Khi cảnh sát buộc tội tác phẩm này là suy đồi và tịch thu các bản in đã phát hành, Ginsberg đã đối chất thành công tại tòa án.

Các nhạc sỹ và các họa sỹ cũng nổi loạn. Ca sỹ Elvis Presley, bang Tennessee là người da trắng thành công nhất trong việc phổ biến thứ âm nhạc Mỹ gốc Phi đầy cảm xúc và rộn ràng với tên gọi nhạc Rock and Roll. Trước hết, ca sỹ này đã làm tầng lớp trung lưu Mỹ sửng sốt với kiểu tóc đuôi vịt và cách đánh hông uốn lượn của anh khi biểu diễn. Nhưng một vài năm sau, các buổi biểu diễn của anh đã phần nào ít gây sốc hơn cùng với sự ra đời của những ca sỹ và ban nhạc sau đó, như ban nhạc Rolling Stones của Anh. Tương tự, trong thập niên 50, các họa sỹ như Jackson Pollock đã loại bỏ giá vẽ và xếp đặt các toan vẽ trên sàn, sau đó dùng sơn dầu, cát và những chất liệu khác để tạo thành những vệt màu hoang dại mãnh liệt. Tất cả những họa sỹ và những nhà văn, nhà thơ đó, cho dù họ dùng phương tiện nào đi chăng nữa, thì đều đã đưa ra những mô hình mới cho một cuộc cách mạng xã hội rộng rãi và có ảnh hưởng sâu sắc của thập niên 1960.

Những căn nguyên của phong trào đòi quyền công dân

Những năm sau chiến tranh, người Mỹ gốc Phi đã trở thành vấn đề ngày càng căng thẳng. Trong chiến tranh, họ đã đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuyển dụng lao động, và họ đã đạt được những thành quả nhất định. Hàng triệu người Mỹ da đen đã rời bỏ các nông trại miền Nam lên các thành phố miền Bắc nơi họ hy vọng sẽ tìm được công ăn việc làm tốt hơn. Thay vì những gì mơ ước, họ chỉ tìm được một chỗ ở chật chội, chen chúc trong các khu nhà ổ chuột tại các đô thị. Giờ đây các quân nhân người Mỹ da đen đã trở về quê nhà, và nhiều người trong số họ kiên quyết không chấp nhận thân phận công dân hạng hai của mình.

Jackie Robinson đã khuấy động vấn đề chủng tộc vào năm 1947, khi anh phá vỡ ranh giới màu da trong bóng chày và bắt đầu chơi cho các giải đấu bóng chày lớn hơn. Khi là thành viên của đội bóng Brooklyn Dodgers, anh thường phải đối mặt với những rắc rối do đối thủ cũng như các cầu thủ cùng đội gây ra. Những mùa thi đấu đầu tiên xuất sắc đã dẫn tới việc người ta phải thừa nhận tài năng của anh và khiến sự nghiệp thi đấu của những cầu thủ da đen khác trở nên dễ dàng hơn. Những cầu thủ này bắt đầu rời khỏi các đội bóng chày của người da đen mà trước kia, họ buộc phải thi đấu ở đó.

Các quan chức chính phủ và nhiều người Mỹ khác đã phát hiện thấy mối quan hệ giữa các vấn đề chủng tộc và các vấn đề chính trị trong Chiến tranh Lạnh. Với tư cách là người lãnh đạo thế giới tự do, Hoa Kỳ đã cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của châu Phi và châu Á. Nạn phân biệt chủng tộc trong chính nước Mỹ đã làm cản trở những nỗ lực lôi kéo đồng minh ở những khu vực khác trên thế giới.

Harry Truman đã ủng hộ phong trào đòi quyền công dân đầu tiên. Cá nhân ông tin vào quyền bình đẳng về chính trị, tuy ông không tin vào quyền bình đẳng xã hội, và ông đã công nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của cử tri người Mỹ gốc Phi ở các đô thị. Năm 1946, khi được thông báo về những vụ hành hình không hề xét xử của đám người phân biệt chủng tộc da trắng đối với người da đen và những hình thức bạo lực chống lại người da đen ở miền Nam, ông đã yêu cầu ủy ban Quyền Công dân có nhiệm vụ điều tra sự kỳ thị chủng tộc và tôn giáo. Bản báo cáo có nhan đề là Để đảm bảo những quyền con người này, được công bố vào năm sau đó, đã minh chứng rõ ràng địa vị hạng hai của người da đen trong đời sống xã hội Mỹ và đã khuyến nghị rất nhiều biện pháp mà Chính phủ Liên bang cần thực hiện nhằm bảo đảm những quyền vốn được dành cho tất cả công dân.

Truman đã phản ứng bằng việc gửi tới Quốc hội một chương trình 10 điểm về quyền công dân. Các thành viên thuộc Đảng Dân chủ miền Nam trong Quốc hội đã cản trở việc thông qua chương trình này. Một số người giận dữ nhất, đứng đầu là Strom Thurmond, Thống đốc bang Nam Carolina, đã thành lập nên Đảng Bang quyền năm 1948 để phản đối Tổng thống. Truman đã cho ban hành một sắc luật cấm kỳ thị chủng tộc trong việc tuyển dụng nhân viên cho các cơ quan Liên bang, ra lệnh đối xử bình đẳng trong các lực lượng vũ trang và yêu cầu một ủy ban có nhiệm vụ chấm dứt nạn chia rẽ sắc tộc trong quân đội. Cuối cùng, nạn phân biệt chủng tộc trong quân đội cũng đã chấm dứt vào thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên.

Trong những năm 1950, người Mỹ da đen ở miền Nam được hưởng rất ít (nếu không nói là không được hưởng) quyền công dân và quyền chính trị. Nhìn chung, họ không có quyền bầu cử. Những người cố gắng ghi tên vào danh sách cử tri đều có thể bị đánh đập, mất việc làm, mất tín nhiệm hoặc bị trục xuất ra khỏi nơi cư trú. Các cuộc hành hình không xét xử vẫn tiếp diễn. Các luật Jim Crow đã thực hiện sự chia rẽ sắc tộc trên ôtô, tàu hoả, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, những cơ sở giải trí và trong công ăn việc làm.

Chấm dứt sự chia rẽ sắc tộc

Hiệp hội Quốc gia vì Tiến bộ của Người Da màu (NAACP) đã đi tiên phong trong những nỗ lực lật đổ giáo điều tư pháp đã được thiết lập trong một vụ kiện ở Tòa án Tối cao, vụ Plessy kiện Ferguson năm 1896, trong đó, sự chia rẽ sắc tộc của các học sinh da đen và da trắng ở trường học là hợp hiến nếu cơ sở và phương tiện học tập là riêng biệt nhưng bình đẳng. Phán quyết đó đã được thực thi suốt nhiều thập niên, càng làm nghiêm trọng hơn sự chia rẽ sắc tộc nghiệt ngã ở miền Nam nơi mà những cơ sở và phương tiện rất hiếm khi, nếu không nói là chẳng bao giờ, bình đẳng.

Người Mỹ gốc Phi đã đạt được mục tiêu của họ trong việc lật lại bản án Plessy vào năm 1954 khi Tòa án Tối cao – được chủ trì bởi người do Eisenhower chỉ định – Chánh án Tòa án Tối cao Earl Warren – đưa ra phán quyết của mình trong vụ Brown kiện Hội đồng Giáo dục. Tòa đã nhất trí tuyên bố rằng “Các cơ sở và phương tiện học tập riêng rẽ bản thân nó vốn đã là không bình đẳng và do đó, sắc lệnh giáo điều riêng biệt nhưng bình đẳng sẽ không còn được áp dụng tại các trường công”. Một năm sau đó, Tòa án Tối cao yêu cầu các hội đồng trường học ở địa phương phải thực thi quyết định này với nhịp độ khẩn trương.

Mặc dù cảm thông với những nhu cầu của miền Nam khi miền này đang trải qua sự chuyển đổi lớn, song Eisenhower vẫn hành động nhanh chóng để chứng tỏ rằng luật pháp được tuân thủ trước sự phản đối từ phần lớn các bang miền Nam. Eisenhower phải đối mặt với một vụ khủng hoảng lớn ở Litter Rock, bang Arkansas vào năm 1957, khi Thống đốc bang này, Orval Faubus, có ý định cản trở một kế hoạch chấm dứt sự chia rẽ sắc tộc khi kêu gọi việc nhận chín học sinh da đen vào Trường Trung học Trung tâm của thành phố vốn trước đây chỉ dành cho học sinh da trắng. Sau khi nỗ lực đàm phán không có kết quả, Tổng thống Eisenhower đã cử quân đội liên bang xuống Little Rock để cưỡng chế thực thi kế hoạch này.

Thống đốc Faubus đã đáp trả bằng cách ra lệnh đóng cửa các trường trung học ở Little Rock trong năm học 1958-1959. Tuy nhiên, một tòa án liên bang đã ra lệnh mở cửa lại các ngôi trường này vào năm sau đó. Các trường học đã mở cửa nhưng không khí rất căng thẳng, với một số rất ít các học sinh Mỹ gốc Phi. Vì thế, quá trình bãi bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong trường học đã diễn ra rất chậm chạp và không triệt để tại hầu hết các bang miền Nam.

Một dấu mốc quan trọng khác trong phong trào đòi quyền công dân diễn ra vào năm 1955 ở Montgomery, bang Alabana. Rosa Park, một nữ thợ may người Mỹ gốc Phi 42 tuổi, đồng thời là thư ký phân ban Hiệp hội Quốc gia vì Tiến bộ của người da màu (NAACP), ngồi trên ghế trước của một chiếc xe buýt công cộng. Hàng ghế trước, theo luật và theo tập quán, vốn là dành cho người da trắng. Khi bị ra lệnh phải ngồi ở phía sau xe, chị đã từ chối. Cảnh sát đã tới và bắt giam chị vì tội vi phạm các đạo luật phân chia sắc tộc. Các thủ lĩnh người Mỹ gốc Phi, vốn đang chờ một vụ việc như vậy, liền tổ chức tẩy chay hệ thống xe buýt.

Martin Luther King Jr, một mục sư trẻ thuộc giáo hội Baptist nơi những người Mỹ gốc Phi thường gặp gỡ nhau, trở thành người phát ngôn cho phong trào phản đối đó. Ông nói “ĐÃ đến lúc con người ta đã chán ngấy… vì bị hành hạ và bị đối xử thô bạo bởi những bàn chân tàn ác của nạn áp bức”. Luther King bị bắt giam và sau đó ông còn bị bắt nhiều lần nữa, thậm chí một quả bom đã phá hủy mặt trước ngôi nhà của ông, nhưng những người Mỹ gốc Phi ở Montgomery vẫn tiếp tục tẩy chay không đi xe buýt. Chừng một năm sau đó, Tòa án Tối cao đã ra quyết định khẳng định rằng việc chia rẽ sắc tộc trên xe buýt cũng như việc phân chia sắc tộc ở trường học là trái với hiến pháp. Cuộc tẩy chay kết thúc, phong trào đòi quyền công dân đã giành được một thắng lợi quan trọng và phát hiện được một thủ lĩnh mạnh mẽ, thông thái và đầy tư chất hùng biện của phong trào, đó là Martin Luther King Jr.

Những người Mỹ gốc Phi cũng nỗ lực giành quyền bầu cử của mình. Mặc dù Điều bổ sung sửa đổi thứ 15 trong Hiến pháp Hoa Kỳ đã đảm bảo quyền bầu cử, nhưng nhiều bang đã tìm cách tránh không thi hành điều luật này. Các bang đã đánh thuế thân hay kiểm tra trình độ biết đọc biết viết – thường khắt khe hơn đối với người Mỹ gốc Phi để ngăn không cho cử tri da đen có trình độ văn hóa thấp đi bỏ phiếu. Khi làm việc với thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện – Lyndon B. Johnson – Eisenhower đã ủng hộ ông này trong nỗ lực của Quốc hội nhằm đảm bảo quyền bầu cử cho các cử tri người Mỹ gốc Phi. Đạo luật Quyền Công dân năm 1957, lần đầu tiên sau 82 năm, đã tạo nên một bước tiến vì đã trao cho Liên bang quyền can thiệp vào những vụ án mà trong đó người da đen bị chối bỏ quyền bầu cử. Tuy vậy, vẫn còn những kẽ hở của luật pháp, và do đó những nhà hoạt động chính trị đã thúc đẩy thành công sự ra đời của Đạo luật Quyền Công dân năm 1960, trong đó, đề ra các mức phạt nghiêm khắc hơn cho những vi phạm về quyền bầu cử. Tuy nhiên, đạo luật này vẫn chưa trao cho các quan chức liên bang quyền được đăng ký danh sách cử tri cho người Mỹ gốc Phi.

Dựa vào những nỗ lực của chính người Mỹ gốc Phi mà phong trào đòi quyền công dân đã phát triển mạnh mẽ vào những năm sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Thông qua Tòa án Tối cao và thông qua Quốc hội, những người ủng hộ quyền công dân đã xây dựng được nền tảng cho một cuộc cách mạng to lớn nhưng hoà bình trong quan hệ sắc tộc của nước Mỹ vào thập niên 1960.

Nguồn: ĐSQ Hoa Kỳ tại Việt Nam