#193 – Yêu sách đường chữ U của TQ có phù hợp với luật quốc tế không?

Ushape

Nguồn: Masahiro Miyoshi (2012). “China’s “U-Shaped Line” Claim in the South China Sea: Any Validity Under International Law?”, Ocean Development & International Law, Vol. 43, No. 1, pp. 1-17.>>PDF

Biên dịch: Nguyễn Thùy Anh, Phan Thị Phương Thảo | Hiệu đính: Võ Ngọc Diệp

Bài liên quan: Hội chứng “thêu dệt ký ức” của Trung Quốc

Yêu sách gần đây của Trung Quốc về khu vực“đường chữ U” rộng lớn trên biển Đông, liên quan đến các quần đảo đang tranh chấp là Trường Sa và Hoàng Sa, đã làm dấy lên những chỉ trích nghiêm trọng không chỉ từ các quốc gia láng giềng, mà còn từ một số quốc gia ngoài khu vực. Yêu sách này cũng đã đưa đến hàng loạt các câu hỏi mang tính lý thuyết, bao gồm liệu các yêu sách danh nghĩa lịch sử (historic title claims) mà không có bằng chứng cụ thể có giá trị theo luật quốc tế hay không. Bài viết đi sâu nghiên cứu vấn đề này và các vấn đề khác xoay quanh tuyên bố “đường chữ U” của Trung Quốc.

Giới thiệu

Yêu sách gần đây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (sau đây viết tắt là PRC hoặc Trung Quốc) về “đường chữ U” tại biển Đông (xem hình 1), bao trùm các đảo và vùng nước xung quanh đã làm dấy lên sự phản đối tại một số các quốc gia láng giềng trên Biển Đông. Nói chính xác thì đây không phải là một đường, mà là một chuỗi 9 đường đứt đoạn vạch ra một khu vực biển rộng lớn liên quan đến các thực thể lớn nhỏ mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Yêu sách bất thường này, được cho là dựa trên danh nghĩa lịch sử, đang làm dấy lên sự lo ngại cho các luật sư quốc tế.

Duong_chu_U

Hình 1. Bản đồ đính kèm Công hàm ngày 7 tháng 5 năm 2009 của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Ranh giới ngoài thêm lục địa, đáp lại đệ trình chung giữa Malaysia và Việt Nam lên Ủy ban này vào ngày 6 tháng 5 năm 2009.

Một câu hỏi đặt ra là liệu việc yêu sách một vùng biển bằng một loạt các đường đứt đoạn thay vì một đường liền liên tục là có khả thi hoặc được phép hay không. Các đường đứt đoạn tạo ra những khoảng trống, điều này tạo nên một câu hỏi nghiêm túc về việc làm thế nào những vùng biển trong khoảng trống này có thể được phân định một cách hợp lệ, giả sử những đường đứt đoạn đã được phân định rõ ràng. Dường như Trung Quốc muốn nói rằng các vùng biển kín và các thực thể này trong lịch sử đã thuộc sở hữu của Trung Quốc mà không gặp phải sự phản đối từ các quốc gia khác qua thời gian.

Bài viết ngắn gọn này là một nỗ lực nhằm cung cấp một đánh giá pháp lý quốc tế mang tính phản biện về yêu sách của Trung Quốc. Trong các phần tiếp theo, các vấn đề có liên quan  sẽ được xem xét: thời điểm yêu sách đường chữ U lần đầu tiên được nêu ra là khi nào và các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia láng giềng đã phản ứng như thế nào; nếu như yêu sách đưa ra là một yêu sách quyền lịch sử, như thực sự Trung Quốc đã làm, thì bài viết sẽ kiểm chứng để xem liệu đó có phải là một thực tiễn quốc gia (state practice) hợp pháp trong luật pháp quốc tế hay không, và nếu yêu sách được đưa ra vì lợi ích quốc gia của bên yêu sách  thì có thể bình luận gì về vài trò của lợi ích quốc gia trong sự hình thành luật pháp quốc tế.

Yêu sách đường chữ U của Trung Quốc là gì?

Yêu sách đường chữ U của Trung Quốc bắt nguồn từ yêu sách của Trung Hoa Dân Quốc (sau đây gọi là ROC hoặc Đài Loan) đối với quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, bãi Macclesfield (bãi Trung Sa), và quần đảo Trường Sa như là lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc ở Biển Đông, và được thể hiện trên “Bản đồ các quần đảo của Trung Quốc ở Biển Đông” do Ủy ban Trắc địa bản đồ Đất và Biển xuất bản vào tháng 4/1935.[1] Trên Bản đồ Trung Quốc và bản đồ đính kèm của nó – “Bản đồ vị trí của các quần đảo trên Biển Đông” – các đảo được nhắc đến ở trên đã được chỉ ra là một phần của lãnh thổ Trung Hoa Dân Quốc và một đường 11 đoạn đã được vẽ ra xung quanh các đảo đó.[2] Bản đồ được đánh dấu bằng các đường đứt đoạn trên Biển Đông đã chính thức phát hành lần đầu tiên dưới thời Quốc Dân đảng cầm quyền.[3]

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã sử dụng đường đứt đoạn này làm yêu sách biên giới biển trên Biển Đông.[4] Li và Li đã chỉ ra sự chấp thuận của một số nước liền kề với Trung Quốc đối với yêu sách này[5] và kết luận rằng “[ nó ] có thể được gọi là đường biên giới trên biển truyền thống của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.”[6] Sự thừa nhận (của các quốc gia liền kề) là một điểm quan trọng, và sẽ được thảo luận sâu hơn dưới đây, nhưng điều mà tác giả bài viết này coi trọng hơn trong vấn đề này là liệu đường (được cho là) đứt đoạn này có thể được coi là một đường biên giới hợp pháp trên biển hay không.

Một đường biên giới, hoặc bất kỳ đường nào thuộc dạng này, phải là một đường liên tục. Nếu có những khoảng trống giữa các phân đoạn thì không thể được định nghĩa là một đường. Rõ ràng, kể cả khi đường biên giới đã được phân định thì những khoảng trống giữa các phân đoạn này sẽ để lại những khu vực không được phân định.  Đối với  yêu sách đường đứt đoạn tại Biển Đông của Trung Quốc (hoặc của Đài Loan), vấn đề đặt ra là liệu các đoạn này có phải là  đường biên giới đã  được phân định hay không. Yêu sách  đường đứt đoạn chỉ dựa trên danh nghĩa lịch sử, được cho là được chấp nhận hoặc được mặc nhận bởi các nước láng giềng và các nước khác.[7] Phải chăng sự thiếu phản đối từ các nước khác là đủ để xác nhận chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển bao quanh bởi những đường biên giới đứt đoạn và các đảo nằm trong vùng biển đó? Nếu như vậy là đủ, thì bất cứ yêu sách lãnh thổ nào dù có bất hợp lý hoặc thái quá đến đâu cũng đều có thể được xác lập theo luật pháp quốc tế trừ khi bị phản đối.

Đạo luật về vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa năm 1998 của Trung Quốc dường như cho thấy Trung Quốc đã kế thừa tuyên bố của Đài Loan đối với đường đứt đoạn tại biển Đông, vì Trung Quốc đã nêu trong Điều 14 rằng “các quy định của luật này không ảnh hưởng đến các quyền lịch sử mà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hưởng.”[8] Dù các “quyền lịch sử của Trung Quốc” trong điều khoản này không được giải thích rõ ràng, có thể giả định rằng những quyền này được dựa trên đường biên giới truyền thống trên biển đã được vẽ trong các bản đồ Trung Quốc từ năm 1947.[9] Dù vậy, Đài Loan chưa bao giờ từ bỏ yêu sách của mình đối với đường biên giới đứt đoạn. Thật vậy, trong đoạn đầu của Hướng dẫn Chính sách đối với biển Đông, được Chính phủ Đài Loan phê duyệt vào tháng 4/1993, có tuyên bố rằng:

[k]hu vực biển Đông nằm trong giới hạn vùng nước lịch sử là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Hoa Dân Quốc, trong khu vực đó Trung Hoa Dân Quốc có mọi quyền và lợi ích.[10]

Song và Zou đã truy nguyên quan điểm của Đài Loan trong đó bao gồm việc cả Bộ trưởng Nội vụ và Thủ tướng trong tháng 9/1993 đã nhắc lại rằng các vùng nước thuộc biển Đông từ lâu đã vùng nước lịch sử của Trung Hoa Dân Quốc.[11] Vào tháng 3/1995, quân đội Đài Loan đã bắn vào một tàu chở hàng Việt Nam đi lạc vào khu vực cấm xung quanh đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa.[12] Cũng trong cùng năm đó, đáp lại các  tuyên bố của Mỹ về quần đảo Trường Sa và biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan đã ban hành một tuyên bố năm điểm về vấn đề Biển Đông, trong đó Đài Bắc tái khẳng định yêu sách đối với các vùng nước trong Biển Đông được bao quanh bởi đường chín đoạn là các vùng nước lịch sử của Trung Hoa Dân Quốc.[13] Việt Nam phản ứng bằng cách phản đối rằng yêu sách của Trung Hoa Dân Quốc là vô căn cứ.[14] Năm 1996, Bộ Ngoại giao Đài Loan nhắc lại rằng yêu sách vùng nước lịch sử tại Biển Đông sẽ được duy trì một cách kiên định.[15] Đây là trường hợp mà cả đường chữ U và các vùng biển và các đảo bao quanh bởi đường này được yêu sách  bởi cả chính phủ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và chính phủ của Trung Hoa Dân Quốc.

Bản đồ trong vai trò bằng chứng về giới hạn của chủ quyền quốc gia

Đường 9 đoạn, như được thể hiện trong Hình 1, được coi là bằng chứng cho yêu sách vùng nước lịch sử của Trung Hoa Dân Quốc hoặc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bản đồ được coi là bằng chứng cho các yêu sách chủ quyền quốc gia và, trong một vài tình huống, bản đồ được chấp nhận là có những giá trị hiệu lực nhất định. Tuy nhiên  trong hàng loạt các vụ viêc về tranh chấp lãnh thổ và đường biên giới đưa ra trước tòa trọng tài quốc tế, giá trị hiệu lực của bản đồ bị coi nhẹ, trừ khi những bản đồ đấy có hiệu lực pháp lý nội tại, ví dụ như các bản đổ gắn liền với một điều ước. Tòa Công lý Quốc tế đã nêu ra trong vụ Tranh chấp biên giới giữa Burkina Faso và Cộng hòa Mali năm 1986:

Dù là trong các vụ việc phân định biên giới hay trong các xung đột quốc tế về lãnh thổ, bản đồ chỉ đơn thuần cung cấp thông tin với độ chính xác khác nhau trong từng vụ việc, bản thân các bản đồ và sự tồn tại của chúng không thể cấu thành một danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ, tức không phải là một văn bản được quy định bởi luật quốc tế là có giá trị pháp lý nội tại phục vụ mục đích hình thành các quyền đối với lãnh thổ. Tất nhiên, trong một vài trường hợp bản đồ có thể có những giá trị pháp lý trên, nhưng đấy là khi các giá trị pháp lý này không thuần dựa trên các đặc tính nội tại của nó, mà vì những bản đồ này thuộc nhóm các biểu hiện về mặt vật chất cho ý chí của quốc gia hoặc các quốc gia liên quan. Đây là trường hợp, ví dụ, các bản đồ là phần phụ lục không thể tách rời của một văn bản chính thức. Ngoại trừ trường hợp được xác định rõ ràng nói trên, bản đồ chỉ là bằng chứng bên ngoài có mức độ đáng tin cậy hoặc không đánh tin cậy khác nhau, cùng với các bằng chứng khác có cùng dạng bản chất dựa trên hoàn cảnh, dùng để thiết lập hoặc tái lập các thực tế.[16]

Đoạn bình luận về bản đồ này đã được trích dẫn lại trong các vụ việc về tranh chấp phân định lãnh thổ và đường biên giới khác, bao gồm: Vụ Đảo Kasikili/Sedudu giữa Bostwana và Namibia năm 1999;[17] Vụ Chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan giữa Indonesia và Malaysia năm 2002,[18]Vụ Tranh chấp biên giới giữa Benin và Niger năm 2005,[19] và vụ Tranh chấp Lãnh thổ và trên biển tại Biển Caribe giữa Nicaragua và Honduras năm 2007.[20] Một điểm đáng chú ý được một chuyên gia địa lý đưa ra khi bình luận về giá trị bằng chứng của bản đồ:

Văn bản [của một điều ước phân định biên giới] luôn luôn có các bản phác thảo và bản đồ đính kèm làm văn bản phụ bổ trợ, những các văn bản này chỉ có giá trị pháp lý khi nó được hợp nhất vào điều ước. Đáng ngạc nhiên là, một số điều ước không đính kèm bất cứ bản đồ nào, có nghĩa là chỉ dựa trên sự miêu tả pháp lý mang tính toàn diện về đường biên giới đã được các bên chấp nhận.[21]

Những đánh giá trên về giá trị của bản đồ khi làm bằng chứng cho các yêu sách lãnh thổ hoặc đường biên giới đủ để chúng ta chuyển sang thảo luận các vấn đề thực chất khác, vì các bản đồ đưa ra bởi Trung Quốc và Đài Loan không đủ rõ ràng đề có thể phân tích thêm điều gì. Sẽ hữu ích hơn khi thảo luận về mục đích của các nước liên quan và các hệ quả pháp lý trong luật quốc tế.

Thực tiễn quốc gia và tính nhất quán với luật pháp quốc tế

Đường lưỡi bò lại nổi lên như là một tuyên bố chủ quyền bất bình thường của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhằm phản ứng lại Đệ trình chung của Malaysia và Việt Nam lên Ủy ban Liên Hợp Quốc về thềm lục địa (CLCS) vào tháng 5/2009[22] cũng như việc Việt Nam đơn phương đệ trình lên CLCS vào tháng 4/2009.[23] Sự phản đối của Trung Quốc đối với các động thái trên của Việt Nam và Malaysia đã khơi dậy “chủ quyền không thể chối cãi” của nước này đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng nước xung quanh và tuyên bố “quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển.”[24] Đài Loan cũng công khai phản đối đệ trình của Việt Nam lên CLCS vào ngày 12/5/2009.[25] Philippines phản đối mạnh mẽ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông trong công hàm trình lên Liên Hợp Quốc vào tháng 4/2011.[26]

Nếu các yêu sách của chính quyền Trung Quốc và Đài Loan ở biển Đông là  thực tiễn quốc gia và không gặp bất cứ phản đối nào từ phía các quốc gia khác, đặc biệt là từ các nước láng giềng, trong một thời gian dài, các yêu sách này có thể được coi hợp pháp theo luật quốc tế. Nhưng như đã chỉ ra phía trên, điều này không hoàn toàn có nghĩa là sự chấm hết của vấn đề. Như Hersch Lauterpacht đã chỉ ra một cách thẳng thắn, một tuyên bố đơn phương đối với các danh nghĩa, dù là lãnh thổ hay gì khác , hiển nhiên không được trái với luật quốc tế:

Việc thiếu sự phản đối có thể được xem là không liên quan trong tình huống hành vi yêu sách danh nghĩa của một quốc gia…hiển nhiên trái ngược với luật quốc tế nói chung đến mức không thể cấu thành một quyền pháp lý…Trong trường hợp đấy, phản đối là việc nên làm, nhưng không phải là thiết yếu… Có những hành động ngay từ đầu (ab initio) đã bị vô hiệu triệt để tới mức một hành vi bất cẩn của quốc gia có lợi ích liên quan cũng không thể thay đổi được tính chất vô hiệu của nó.[27]

Trong Vụ Ngư trường Anh – Na Uy 1951, Tòa án Công lý Quốc tế đã ra phán quyết rằng việc phân định bờ biển của các quốc gia ven biển không thể vượt quá giới hạn của luật quốc tế. Phần có liên quan trong quyết định của Toà là:

Sự phân định các vùng biển luôn có khía cạnh quốc tế; nó không thể chỉ đơn thuần dựa vào ý chí của các quốc gia ven biển như được thể hiện trong luật quốc gia. Mặc dù đúng là việc phân định chỉ là một hành động đơn phương, vì chỉ có quốc gia ven biển có thẩm quyền để tiến hành nó, giá trị của việc phân định đối với các quốc gia khác lại phụ thuộc vào luật quốc tế.[28]

Đây là một điều dễ hiểu. Nếu điều này cũng được áp dụng cho các vùng biển hẹp gần bờ, thì càng có lý do để cho rằng các khu vực giữa biển khơi, thường được gọi là biển cả (high seas), ví dụ như khu vực Biển Đông, việc phân định hay khoanh vùng các vùng biển này lại càng phải chịu sự giới hạn mạnh hơn của luật quốc tế. Theo cách hiểu này, các yêu sách  của Trung Quốc và Đài Loan đối với đường  9 đoạn khoanh vùng một khu vực biển rộng lớn ở Biển Đông không thể dễ dàng được công nhận là hợp pháp theo luật quốc tế.

Các quốc gia đưa ra yêu sách dựa trên cơ sở các tính toán của họ về lợi ích quốc gia và các yêu sách này là ví dụ của thực tiễn quốc gia. Nhưng để một thực tiễn như vậy có thể được công nhận trong luật quốc tế, thực tiễn này cần được chứng thực bởi luật quốc tế (ví dụ, bằng việc đáp ứng các yêu cầu để nó có thể trở thành một quy định của luật quốc tế). Nghiên cứu của Ban thư ký Liên Hợp Quốc, “Thể chế pháp lý của Vùng nước lịch sử, bao gồm cả Vịnh lịch sử,”[29] là cơ sở để thảo luận các tuyên bố đơn phương dựa trên căn cứ lịch sử về đặc quyền tài phán đối với một vùng biển. Nghiên cứu này chỉ thẳng ra rằng có ba nhân tố cần được đưa vào xem xét trong việc xác định sự tồn tại của danh nghĩa lịch sử đối với một vùng biển: “(1) việc thi hành quyền lực đối với một khu vực bởi quốc gia yêu sách danh nghĩa lịch sử; (2) tính liên tục của việc thi hành quyền lực này; và (3) thái độ các quốc gia khác.”[30] Có thể ngầm hiểu là một yêu sách danh nghĩa lịch sử trên một vùng biển cụ thể không thể có hiệu lực theo luật quốc tế nếu không đáp ứng đồng thời cả ba yêu cầu trên.

Việc thi hành quyền lực

Nếu Đài Loan hoặc Trung Quốc khẳng định rằng nước mình thực thi quyền lực đối với vùng biển được khoanh vùng bởi  đường chín đoạn ở Biển Đông trong một thời gian dài, họ  phải chứng minh được họ đã thực sự làm như thế. Đài Loan và Trung Quốc tuyên bố thi hành quyền lực đối vùng biển Đông từ thời cổ đại, nhưng điều này vẫn còn bị hoài nghi; khi đó mức độ hay tần suất của việc thi hành quyền lực có thể rất khó để chứng minh trừ khi có bằng chứng bằng văn bản về tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực. Có thể là quá khó để mong đợi các nước yêu sách chứng minh đươc là vào thời đó đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khái niệm “thực thi quyền lực hữu hiệu” nêu ra trong vụ phân xử trọng tài liên quan đến đảo Palmas năm 1928 (1928 Island of Palmas Arbitration).[31] Nhưng nếu Đài Loan hoặc Trung Quốc yêu sách danh nghĩa lịch sử ngày nay, hoặc từ năm 1947 khi mà bản đồ có đường 9 đoạn lần đầu được xuất bản, họ buộc phải chứng minh sự thực thi quyền lực hữu hiệu (có nghĩa là chủ quyền).[32] Điều này đặc biệt cần thiết khi có một yêu sách cạnh tranh bởi thậm chí chỉ một quốc gia láng giềng đối với chủ quyền của các đảo và đá trong đường 9 đoạn ở Biển Đông. Hiển nhiên, cả yêu sách của Trung Quốc và Đài Loan đều không thể chiếm ưu thế tuyệt đối so với yêu sách của các nước khác trừ khi họ đưa ra được nhiều luận điểm mạnh hơn các nước khác.

Thực thi quyền lực một cách liên tục

Việc thực thi quyền lực cần được diễn ra trong một thời gian dài, việc thực thi quyền lực rời rạc là không đủ. Sự thiết lập của danh nghĩa lịch sử đòi hỏi việc thực thi, mà đến lượt nó lại cần một khoảng thời gian cụ thể không bị gián đoạn. Do danh nghĩa lịch sử mang tính nguyên tắc nên nhất thiết phải có một khoảng thời gian dài cho sự hình thành của nó.

Tuy nhiên, không có tiêu chuẩn chính xác cho độ dài của thời gian trong luật quốc tế. Li và Li đã đề cập đến một khoảng thời gian “nửa thế kỷ” mà qua đó đường chín đoạn dường như đã được thừa nhận trong cộng đồng quốc tế.[33] Nửa thế kỷ có vẻ là một khoảng thời gian dài hợp lý để một danh nghĩa có thể được hiểu như đã được hình thành, nếu không có quốc gia nào khác tranh chấp về yêu sách danh nghĩa này trong suốt thời gian đó. Thực vậy, tiêu chuẩn nửa thế kỷ được đề cập đến tại Điều 4 của Hiệp định Trọng tài giữa Anh – Guiana và Venezuela ngày 2/2/1897 làm một trong ba “Nguyên tắc có thể được áp dụng  trong vụ việc”:

(a)    Việc chiếm hữu trong khoảng thời gian 50 năm sẽ cấu thành một danh nghĩa. Tòa Trọng tài nhận thấy sự kiểm soát độc quyền về chính trị trên một khu vực, cũng như sự dàn xếp trên thực tế, là đủ để cấu thành sự chiếm giữ theo thời hiệu.[34]

Điều này có vẻ là quy định tập tục duy nhất đang tồn tại và 50 năm được coi là khoảng thời gian cần thiết để việc chiếm hữu một lãnh thổ đủ đem lại một danh nghĩa cho nó. Nhưng điều này cũng không hoàn toàn là một quy định. Nếu khoảng thời gian áp dụng cho lãnh thổ trên đất liền này được cho là có thể áp dụng muntatis mutadis (với những sửa đổi cần thiết về chi tiết) cho các vùng biển nói chung, thì nó phải được đảm bảo bằng “sự kiểm soát độc quyền về chính trị” và “sự dàn xếp trên thực tế”. Điều này có nghĩa là quốc gia yêu sách phải có sự kiểm soát độc quyền về chính trị lên vùng biển và có kiểm soát trên thực tế loại trừ được các nước khác. Liệu Trung Quốc hay Đài Loan có thi hành việc kiểm soát độc quyền và không thể chối cãi đối với những vùng biển nói trên ở Biển Đông trong vòng nửa thế kỷ qua hay không? Nếu Đài Loan hay Trung Quốc không thể chứng minh sự kiểm soát độc quyền và hiệu quả của họ đối với các vùng biển yêu sách trong khoảng thời gian nói trên, hai nước này sẽ thất bại trong việc yêu sách danh nghĩa lịch sử đối với vùng biển được khoanh vùng bởi đường 9 đoạn.

Thái độ của các nước khác

Lợi ích quốc gia và Luật quốc tế

Cơ chế nào để giải quyết tranh chấp?

Một vài điểm kết luận

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Duong chu U co phu hop voi luat quoc te hay khong.pdf

———–

Lưu ý: Các chú thích đã được giản lược. Vui lòng xem bản gốc tiếng Anh để biết các chú thích đầy đủ – NBT.

[1]Jinming Li and Dexia Li, “The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note,” Ocean Development and International Law 34 (2003): 289.

[2] Như trên., at 290.

[3] Như trên

[4] Như trên, at  294, tác giả nói: Trên bản đồ Trung Quốc đưa ra sau khi nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời 1949, đường 11 đoạn ở biển Đông xuất hiện theo những bản đồ cũ. Không phải mãi đến 1953, sau khi có sự phê chuẩn của thủ tướng Chu Ân Lai, thì 2 điểm ở vịnh Bắc Bộ được xóa đi. Bản đồ Trung Quốc xuất bản năm 1953 đã thể hiện đường 9 đoạn tại biển Đông.

[5] Như trên, at 290

[6] Như trên, at 294

[7] Như trên, at 290, tác giả viết: Dựa trên tuyên bố đường 9 đoạn, cộng đồng quốc tế ko bao giờ thể hiện sự bất đồng. Không có một quốc gia gần kề nào thể hiện sự phản đối về mặt ngoại giao. Sự thể hiện im lặng đối với một tuyên bố công khai có thể được xem là sự mặc nhận và nó có thể được khẳng định rằng đường 9 đoạn này được công nhận trong nửa thế kỉ.

[8] Exclusive Economic Zone and Continental Shelf Act, 1998, available at the Web site of the UN Division for Ocean Affairs and the Law of the Sea (DOALOS) at www.un.org/Depts/los/index.htm.  “Vietnam: Disputes Regarding the Law on the Exclusive Economic Zone and the Continental Shelf of the People’s Republic of China Which Was Passed on 26 June 1998,” para. 2, Law of the Sea Bulletin 38 (1998):55.

[9] Yan-Huei Song and Keyuan Zou, “Maritime Legislation of Mainland China and Taiwan: Developments, Comparison, Implications, and Potential Challenges for the United States,” Ocean Development and International Law 31 (2000): 318.

[10] Republic of China, “The South China Sea Policy Guidelines,” reproduced in Sun Kuan-Ming, “Policy of the Republic of China Towards the South China Sea,”Marine Policy 19 (1995): 408, as quoted by Song and Zou, supra note 9, at 328

[11] Song and Zou, supra note 9, at 328.

[12] Như trên.

[13] Như trên. 328.

[14] Như trên.

[15] Như trên.

[16] FrontierDispute,[1986]I.C.J.Reports,at582,para.54

[17] Kasikili/Sedudu Island Case, [1999] I.C.J. Reports, at 1098, para. 84.

[18] SovereigntyoverPulauLigitanandPulauSipadan,[2002]I.C.J.Reports,at667,para.88.

[19] Frontier Dispute, [2005] I.C.J. Reports, at 119–120, para. 44.

[20] Territorial and Maritime Disputes in the Caribbean Sea, [2007] I.C.J Reports, at 58, para.215.

[21] Gerald Blake, :The Depiction of International Boundaries on Topographic Maps”, Boundary and Security Bulletin 3, no.1 (1995): 46.

[22] Joint Submission of Malaysia and Vietnam to the Commission on the Limits of the Continental Shelf, Executive Summary, 6 May 2009, available at the Commission Web site at www.un.org/Depts/los/clcs new/clcs home.htm.

[23] Submission of Vietnam to the Commission on the Limits of the Continental Shelf, (Partial Submission), Executive Summary, 7 May 2009, available at the Commission Web site, supra note 22.

[24] People’s Republic of China, Letter to the Secretary-General, New York, 7 May 2009, CML/17/2009, para. 2.

[25] Republic of China (Taiwan) Ministry of Foreign Affairs, Declaration of the Republic of China on the Outer Limits of Its Continental Shelf, No. 003, 12 May 2009.

[26] Philippines, Letter, No. 11-0094, 000228, 5 April 2011, available at the Commission Web site, supra note 22.

[27] Hersch Lauterpacht, “Sovereignty over Submarine Areas,” British Year Book of Interna- tional Law 27 (1950): 397–398.

[28] Fisheries Case, [1951] I.C.J. Reports, at 132.

[29] “Juridical Regime of Historic Waters,” UN Doc. A/CN.4/143, in Yearbook of the Interna- tional Law Commission, vol. II (1962), 1–26. This is a critical study of the subject, rather than a memorandum of facts.

[30] Như trên., at 13, para. 80.

[31] Island of Palmas, 1928, 2 U.N. Reports of International Arbitral Awards, 869, 870.

[32] Juridical Regime of Historic Waters,” supra note 29, at 15, para. 100;  Masahiro Miyoshi, Considerations of Equityinthe Settlement of Territorial and Boundary Disputes (Dordrecht:MartinusNijhoff,1993),103–104.

[33] Li and Li, supra note 1, at 290.

[34] British-Guiana/Venezuela Arbitration Treaty, 2 February 1897, 89 British and Foreign State Papers 89(1897): 60.