#246 – Hợp tác ở Địa Trung Hải và Caribê: Bài học kinh nghiệm và giải pháp cho Biển Đông

Print Friendly, PDF & Email

 creatures-montage

Nguồn: Shih-Ming Kao (2014). “Regional Cooperation in the Mediterranean and the Caribbean Seas: Lessons Learned and Possible Alternatives to the South China Sea Disputes, Coastal Management, Vol. 42, No. 3, pp. 263-279.

Biên dịch: Thái Khánh Phong | Hiệu đính: Bùi Hải Thiêm

Tóm tắt

Trong khi triển vọng giải quyết hiệu quả các tranh chấp trên Biển Đông còn xa vời thì có nhiều việc cần thiết mà các bên liên quan vẫn có thể cùng nhau giải quyết. Các ví dụ về hợp tác khu vực từ những nơi khác trên thế giới, đặc biệt là từ những khu vực tương tự như Biển Đông, sẽ cung cấp những bài học có giá trị về vấn đề này. Bài viết này có mục đích tìm hiểu xem việc hợp tác khu vực, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến biển, được thực hiện ở biển Địa Trung Hải và vùng biển Caribê như thế nào và thấy rằng cả hai khu vực đã thiết lập cơ chế hợp tác khu vực trên hầu hết các vấn đề. Tuy nhiên các cơ chế hợp tác có sự khác biệt đáng kể về hình thức, nguồn gốc, khuôn khổ pháp lý, và thể chế. Bài học có thể áp dụng được cho Biển Đông là nên có một quy chế có tính ràng buộc pháp lý để quản lý các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường biển; nên có một tổ chức quản lý nghề cá khu vực để quản lý tài nguyên sinh vật biển; một số vấn đề chỉ nên có sự tham gia của các quốc gia có biên giới trên Biển Đông trong khi các quốc gia ngoài khu vực chỉ nên có tư cách quan sát viên; và hợp tác nên được bắt đầu từ các lĩnh vực ít nhạy cảm chính trị. Cũng như tại các khu vực có tranh chấp khác, ý chí chính trị từ tất cả các bên trong khu vực là tối quan trọng cho sự thành công của bất kỳ cơ chế nào trong các cơ chế đã nói ở trên.

Mở đầu

Tờ New York Times đã ghi lại rằng trong hai ngày 26 tháng Năm và ngày 09 tháng Sáu năm 2011 các tàu của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đã tiến hành cắt cáp của các tàu thăm dò dầu khí Việt Nam trên Biển Đông (Wong 2012). Ngay sau đó tại Việt Nam đã có các cuộc diễu hành để phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, và sau cùng là việc Hải quân Việt Nam diễn tập bắn đạn thật ngoài khơi bờ biển Việt Nam (Wines 2012). Khả năng xảy ra xung đột chính trị và quân sự giữa hai quốc gia chia sẻ Biển Đông này là rất cao.

Các quốc gia quanh Biển Đông đã đưa ra các tuyên bố chủ quyền đầy mâu thuẫn từ nhiều năm nay vì Biển Đông được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt phong phú dưới đáy biển và phần thềm lục địa. Để giảm bớt căng thẳng chính trị trong khu vực, “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002” (DOC 2002) đã được ký kết bởi Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) quốc gia thành viên, trong đó các quốc gia cam kết sẽ kiềm chế ở Biển Đông, đặc biệt là ở các khu vực có tranh chấp về chủ quyền. Mặc dù bản DOC này được xem như là một dấu hiệu tích cực và đáng khích lệ cho việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, các xung đột gần đây giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough (hoặc đảo Huang-yan trong tiếng Trung Quốc) trong tháng Tư và tháng Năm của năm 2012 (Perlez 2012) cho thấy ít có hứa hẹn về triển vọng giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả trên Biển Đông.

Mặc dù vậy, các bên tranh chấp vẫn có thể cùng hợp tác để thúc đẩy các vấn đề khác nhau trong khu vực. Trên thực tế, một số nỗ lực mang tính khu vực liên quan đến bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, hoặc các vấn đề ít nhạy cảm chính trị hơn, đã hoặc đang được tiến hành trên cơ sở đa phương, ngay cả khi tranh chấp chủ quyền vẫn chưa được giải quyết như được trình bày trong báo cáo của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) / Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) năm 2011 (UNEP & GEF 2011). Đặc biệt là các quan chức từ các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về một bản Hướng dẫn cho việc hợp tác trên Biển Đông vào ngày 20 Tháng Bảy năm 2011 (Dua 2011a). Tuy nhiên, vì mục tiêu của bản Hướng dẫn này là nhằm hỗ trợ việc thực hiện DOC 2002 và xa hơn là hy vọng xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử cho khu vực nên nó chứa đựng nhiều thông tin chung chung hơn là các chi tiết cụ thể, và như vậy thì còn nhiều việc phải làm để biến bản Hướng dẫn thành Bộ quy tắc ứng xử (Dua 2011b). Tất cả những sự kiện nói trên cho thấy hợp tác khu vực có thể là một phương án chấp nhận được trong lúc vẫn có căng thẳng về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng hiện vẫn thiếu các dàn xếp chi tiết cho việc hợp tác và đó chính là những bước đi cần thiết để hướng tới một giải pháp cuối cùng.

Chúng ta có thể rút ra những bài học có giá trị từ kinh nghiệm hợp tác khu vực ở các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là từ những vùng có các thuộc tính tương tự như Biển Đông ví dụ như Địa Trung Hải và biển Caribê, vì cũng như Biển Đông, các vùng biển này “thường được coi là thuộc loại vùng biển kín và nửa kín” (Vokas 2004, 287). Hơn nữa, các vùng biển này cũng có diện tích (Mangone 1991, 23-24) và tiềm năng dính líu đến các yếu tố ngoài khu vực tương tự như Biển Đông. Vì vậy, việc nắm rõ thực tiễn hợp tác khu vực đang được thực hiện tại hai khu vực nói trên sẽ giúp cải thiện các cơ chế hiện có trong khu vực Biển Đông, và cung cấp các thông tin hữu ích cho việc khởi xướng và thiết lập các cơ chế khu vực thích hợp trong các lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới.

Bài viết này nhằm mục đích tìm hiểu các yếu tố chủ chốt của các cơ chế hợp tác khu vực hiện có ở hai vùng biển nói trên cho các vấn đề liên quan đến đại dương, đặc biệt là những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác trong tương lai như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tài nguyên sinh vật biển, an toàn hàng hải và an ninh hàng hải (Kao, Pearre, và Firestone 2012a, 290-292). Cũng cần lưu ý rằng bài viết này không có ý định so sánh thực tiễn hành động giữa hai khu vực này với khu vực Biển Đông mà chỉ nhằm cung cấp những bài học hữu ích từ hai khu vực đó để định hướng hợp tác trong tương lai ở Biển Đông. Bài viết bắt đầu bằng việc thảo luận xem liệu hợp tác có phải là một phương án khả dĩ cho Biển Đông hay không. Tiếp theo, bài viết phân tích các cơ chế khu vực cho các vấn đề liên quan đến đại dương ở Địa Trung Hải và vùng biển Caribê, tập trung vào các cơ chế chủ yếu nhằm giải quyết năm lĩnh vực hợp tác nêu trên. Cuối cùng, bài viết trình bày và thảo luận các bài học kinh nghiệm từ hai khu vực nói trên và đưa ra các khuyến nghị về phương hướng hợp tác trong tương lai trên Biển Đông.

Hợp tác: Một lựa chọn khả thi cho Biển Đông?

Vì Biển Đông được coi là một điểm nóng về tranh chấp chủ quyền trong nhiều năm nên nhiều nhà ngoại giao đã cố gắng đưa ra các cơ chế khác nhau để giải quyết các tranh chấp trong khu vực, các học giả trên cơ sở đó cũng ủng hộ một loạt các cơ chế khác nhau. Tuy nhiên, các cơ chế giải quyết tranh chấp truyền thống theo luật pháp quốc tế như đàm phán ngoại giao hoặc tòa trọng tài của bên thứ ba sẽ không có khả năng thành công ở Biển Đông, ít nhất là trong tương lai gần. Trong trường hợp đàm phán ngoại giao, không có bằng chứng nào cho thấy các bên trong khu vực này sẵn sàng chịu nhượng bộ hay thỏa hiệp về tuyên bố chủ quyền của họ. Còn đối với tòa trọng tài, “Đông Nam Á được biết đến như một khu vực có truyền thống không sử dụng tòa án” (Thao & Amer 2009, 341) vì “sự không chắc chắn của kết quả phân xử cộng với thời gian và chi phí cho vụ kiện” (Haller-Trost 1990, 81) cũng như có “sự ngờ vực đối luật pháp quốc tế do phương Tây thống trị” (Gjetnes 2001, 192). Thực tế cũng có một số dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy tòa trọng tài đang dần trở thành một lựa chọn chấp nhận được đối với một số nước quanh vùng, chẳng hạn như vụ Indonesia và Malaysia năm 1998 và vụ Malaysia và Singapore năm 2003 được phân xử tại Tòa án Công lý Quốc tế. Mặc dù vậy, việc sử dụng tòa trọng tài chắc chắn không được chấp nhận bởi hầu hết các nước có yêu sách ở Biển Đông trong tương lai gần, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này là do “Tòa chỉ có thẩm quyền để giải quyết các tranh chấp pháp lý. Tuy nhiên, việc giải quyết các tranh chấp (…) liên quan phải đáp ứng cả các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội cũng như vấn đề pháp lý” (Thao & Amer 2009, 342). Như vậy, các bên sẽ phải tìm kiếm các giải pháp khác cho các tranh chấp về chủ quyền.

Tuy nhiên, sự bế tắc trong các tranh chấp cả lãnh thổ và hàng hải trên Biển Đông không có nghĩa là các bên tranh chấp không thể hành động. Trên thực tế không thiếu các cam kết pháp lý kêu gọi các bên liên quan trên Biển Đông hợp tác về các vấn đề liên quan đến đại dương (Hu 2010, 211). Ví dụ, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nêu rõ rằng các quốc gia liên quan “cần phải” tham gia vào các thỏa ước tạm thời trong khi chưa đạt được các thỏa thuận về phân định hàng hải trên vùng EEZ và vùng thềm lục địa. Trong khi đó, việc hợp tác giữa các quốc gia trong phạm vi các điều khoản này hoàn toàn áp dụng được cho tất cả các bên trong khu vực Biển Đông vì tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền (trừ Đài Loan) đều là thành viên ký kết UNCLOS.

Ngoài UNCLOS, các hiệp định đa phương về môi trường (MEAs) đặt ra các nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý cho các quốc gia tham gia ký kết. Các thỏa thuận này bao gồm Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về chống buôn bán các loài động thực vật hoang dã (CITES), và Công ước về Bảo tồn các loài động vật hoang dã di cư (CMS). Tính đến năm 2013, hầu hết các quốc gia có biên giới tại Biển Đông đã là thành viên ký kết của các Công ước trên, điều đó có nghĩa là các quốc gia này có nghĩa vụ pháp lý phải tuân thủ và thực hiện các quy định của các Công ước này (Chircop 2010, 337-343). Tóm lại, từ khoá cho các nỗ lực này là “hợp tác.”

Hợp tác đã trở thành một phần không thể thiếu được của công pháp quốc tế cũng như quan hệ quốc tế đương đại, được minh chứng bằng sự ra đời của một số lượng lớn các tổ chức quốc tế, một loạt các MEAs được thông qua, và vô số ví dụ về các hoạt động hợp tác nhà nước song phương (Kao, Pearre & Firestone 2012a, 284). Ngoài ra, thế giới cũng nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong việc nghiên cứu và thực hành quản lý đại dương. Rất nhiều nghiên cứu đã tập trung vào nguồn lợi từ đại dương và việc sử dụng chúng ở cấp độ khu vực, và sự hình thành nhiều thỏa thuận và thể chế khu vực để xử lý tất cả các khía cạnh liên quan đến quản lý đại dương (Saunders 2001, 1). Kết quả là gần đây một số học giả đã đề nghị lấy hợp tác khu vực về môi trường biển và tài nguyên tái tạo chia sẻ được, hoặc “những tài sản chung”, là một giải pháp để tránh thế bế tắc trong tranh chấp Biển Đông (Chircop 2010; Hu 2010).

Biển Đông không chỉ giàu tài nguyên thủy sản mà còn nuôi dưỡng nhiều hệ sinh thái quan trọng. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có đó đã bị ảnh hưởng bởi việc gia tăng sử dụng biển, tăng dân số và tăng các hoạt động kinh tế trên biển, đặc biệt là việc xây dựng thêm các khu dân cư ven biển (Chircop 2010, 336). Đáng chú ý là rất nhiều các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nói trên lại nằm trong các khu vực tranh chấp, cho nên không có quốc gia nào có thể hành động đơn phương để bảo vệ khối tài sản “chung” này. Để các nguồn tài nguyên sinh vật có giá trị và môi trường sống không bị phá hoại thêm nữa thì các quốc gia có biên giới trên Biển Đông cần hợp tác để bảo vệ và quản lý các tài sản chung này càng sớm càng tốt.

Hợp tác đã được sử dụng để giải quyết hiệu quả các vấn đề chung xuyên biên giới, do đó có thể hy vọng là việc hợp tác cũng ​​sẽ cải thiện đáng kể sự xuống cấp của môi trường biển, khôi phục lại các tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái quan trọng đang cạn kiệt, mở rộng kiến ​​thức khoa học biển, cải thiện việc trao đổi thông tin cần thiết, hỗ trợ xây dựng năng lực của tất cả các bên liên quan đến vấn đề chung, v.v…. Ngoài ra, việc hợp tác như vậy cũng có khả năng cung cấp một kênh đối thoại giữa các bên liên quan ở Biển Đông để cải thiện sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, tạo cơ hội cho các quốc gia ngồi lại làm việc với nhau, và thúc đẩy quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn trong khu vực này. Những yếu tố trên được kỳ vọng là ​​sẽ làm giảm căng thẳng chính trị, tạo ra một bầu không khí chính trị tốt hơn, và cuối cùng sẽ dẫn đến nhiều cuộc thảo luận thực chất về các tranh chấp chủ quyền trong tương lai. Như vậy, hợp tác khu vực, đặc biệt là về vấn đề tài sản chung, có khả năng là một giải pháp khả thi để dẫn đến một thỏa thuận tạm thời trong khu vực trong tương lai gần.

Hợp tác khu vực ở Địa Trung Hải

Về mặt địa lý, Địa Trung Hải được “bao học bởi bờ biển của châu Âu, châu Phi và châu Á, từ eo biển Gibraltar ở phía Tây đến các lối vào eo biển Dardanelles và kênh đào Suez ở phía Đông” (IHO 1953, 15). Nó được bao quanh bởi 21 quốc gia ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông, và có tổng diện tích gần ba triệu cây số vuông (Mangone 1991, 24). Các quốc gia giáp ranh ở Địa Trung Hải có thể được chia thành ba nhóm: quốc gia châu Âu, châu Phi, và Trung Đông với nền tảng chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội khác nhau rất đáng kể.

Bảo vệ môi trường biển

UNEP đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển ở Địa Trung Hải. Vào năm 1975, Giám đốc điều hành của UNEP đã triệu tập một cuộc họp liên chính phủ về chủ đề Bảo vệ Địa Trung Hải (UNEP 1975, 2-3). Tại cuộc họp đó một Kế hoạch hành động cho Địa Trung Hải (MAP) đã được thông qua, và đây là chương trình hợp tác biển khu vực đầu tiên (RSP) được thông qua dưới sự bảo trợ của UNEP. Tuy nhiên, do MAP không có tính ràng buộc nên việc xây dựng một công ước có tính ràng buộc pháp lý cho tất cả các nước giáp ranh ở Địa Trung Hải vẫn là một đòi hỏi cần giải quyết.

Để đạt được mục tiêu nói trên, một Hội nghị các đại diện đặc mệnh toàn quyền đã được tổ chức tại Barcelona, ​​Tây Ban Nha bắt đầu từ ngày 2 tháng 2 năm 1976. Tất cả các quốc gia Địa Trung Hải trừ Albania và Algeria đã tham dự Hội nghị cùng với một số nước ngoài khu vực và các tổ chức liên chính phủ (IGO) đóng vai trò quan sát viên. Ngày 13 tháng 2, Hội nghị đã thông qua Công ước về Bảo vệ Địa Trung Hải chống lại Ô nhiễm (Công ước Barcelona 1976) và hai Nghị định thư, cùng với 10 Nghị quyết (UNEP 1976, 2).

Công ước Barcelona 1976 và hai Nghị định thư của nó tạo cơ sở pháp lý về bảo vệ môi trường biển cho các quốc gia ven Địa Trung Hải (Hu 2010, 287). Công ước này có hiệu lực cho các vùng nước của Địa Trung Hải nhưng không bao gồm vùng nội thuỷ của các quốc gia tham gia ký kết. Xác định một phạm vi rất rộng và tổng thể về ô nhiễm môi trường biển, Công ước Barcelona chỉ đưa ra các nguyên tắc cơ bản để điều chỉnh. Trong Công ước không có biện pháp cụ thể hoặc quy định chi tiết liên quan đến kiểm soát ô nhiễm, do đó về  bản chất Công ước Barcelona 1976 là một “công ước khung”. Các biện pháp cụ thể, chẳng hạn như các chi tiết về kiểm soát ô nhiễm, được đưa ra trong các quy định của các Nghị định thư kèm theo (Lagrange 1977, 329).

Có một số trở ngại trong việc thực hiện MAP cũng như Công ước Barcelona, và các Nghị định thư kèm theo. Ví dụ, Công ước và các Nghị định thư kèm theo yêu cầu các bên báo cáo việc thực hiện các điều khoản của Công ước nhưng trên thực tế các bên đều tỏ ra rất miễn cưỡng trong việc thực hiện các báo cáo này. Vì vậy, rất khó để đánh giá mức độ tuân thủ Công ước ở từng quốc gia. Trong khi đó, việc thiếu các nguồn lực tài chính cùng với nhiều xung đột tiềm tàng, đã cản trở đáng kể việc thực hiện MAP (Skjerseth 1996, 49). Những trở ngại này cần phải được giải quyết đúng cách để bảo vệ toàn diện hơn môi trường biển ở Địa Trung Hải.

Các nguồn tài nguyên sinh vật biển

Hiệp định Thành lập Hội đồng chung về Thủy sản Địa Trung Hải (Hiệp định GFCM) được thông qua ngày 24 tháng 9 năm 1949, và chính thức có hiệu lực vào ngày 20 tháng 2 năm 1952 (GFCM 2012) nhằm mục đích quản lý nghề cá ở Địa Trung Hải. Vì Hiệp định GFCM được FAO công nhận theo Điều XIV của Hiến chương FAO nên GFCM được coi là một “tổ chức của FAO” trong khuôn khổ hoạt động của FAO (FAO 2012).

Phạm vi có hiệu lực của GFCM, được nhắc đến trong Lời nói đầu của Hiệp định GFCM bằng từ “Khu vực”, bao gồm Địa Trung Hải, Biển Đen và các vùng nước kết nối. Hiện nay, có 24 Bên tham gia ký kết GFCM, trong đó có 22 Quốc gia Địa Trung Hải, một Quốc gia không thuộc Địa Trung Hải (Nhật Bản), và Liên minh châu Âu (GFCM 2012).

Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) là một cơ chế khác trong khu vực có quyền tài phán về tài nguyên sinh vật biển ở Địa Trung Hải. Điều 1 của Công ước Quốc tế về Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (Công ước ICCAT), quy định hiệu lực của Công ước này cho tất cả vùng biển Đại Tây Dương, bao gồm cả vùng biển lân cận. Do đó, Địa Trung Hải, Biển Đen, và các vùng nước kết nối cũng nằm trong khu vực có hiệu lực của Công ước ICCAT.

Trong khi GFCM quản lý tất cả các tài nguyên sinh vật biển trong khu vực, ICCAT chỉ quản lý cá ngừ và các loài cá giống như cá ngừ, thường được gọi là “các loài hay di cư” (HMS). Để tránh các hoạt động trùng lặp, GFCM và ICCAT đã bắt đầu hợp tác với nhau và thành lập Nhóm làm việc chung lâm thời GFCM / ICCAT về các loài cá tầng nổi lớn vào năm 1994. Tính đến năm 2012, Nhóm làm việc chung này đã thực hiện được tám phiên họp (FAO 2008).

Ngoài các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO) nói trên, Ủy ban châu Âu còn thông qua một chính sách thuỷ sản chung (CFP) (Ủy ban châu Âu 2012). Trong đợt cải tổ năm 2002, CFP đã thiết lập bảy Hội đồng tư vấn khu vực (RACS), trong đó Hội đồng tư vấn khu vực Địa Trung Hải (RACMED) đi vào hoạt động năm 2008 để để phối hợp với các tổ chức có trụ sở tại Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Hy Lạp, Malta, Síp và Slovenia. Cần lưu ý rằng các Hội đồng tư vấn khu vực trong đó có RACMED chỉ tư vấn cho Ủy ban châu Âu trong các quyết định về chính sách chiến lược chứ không tham gia trực tiếp vào bất kỳ hoạt động quản lý nghề cá nào (EC 2009). Ngoài ra, CFP chỉ áp dụng cho các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (bảy quốc gia ở Địa Trung Hải), điều đó có nghĩa là nó không có thẩm quyền để điều chỉnh các hoạt động đánh bắt cá của các quốc gia giáp ranh ở Trung Đông và châu Phi. Do đó, bản chất ảnh hưởng của CFP về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản ở Địa Trung Hải chỉ có tính tiểu khu vực.

An toàn hàng hải

Nghĩa vụ của các quốc gia trong việc hỗ trợ cho người và tàu gặp nạn trên biển đã được nêu rõ trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế. Theo UNCLOS, nghĩa vụ đó “tồn tại trên toàn bộ mặt biển, dù đó là trong vùng lãnh hải, ở các eo biển cho hàng hải quốc tế, trong các vùng nước thuộc quần đảo, trong EEZ hoặc trên vùng biển quốc tế” (Nordquist, Rosenne & Nandan 2002, 176-177). Nghĩa vụ này cũng tồn tại trong một số công ước quốc tế trong khuôn khổ của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), bao gồm Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển (SOLAS) và các điều khoản sửa đổi, Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn trên biển (Công ước SAR), và Công ước quốc tế về Cứu hộ (Công ước Cứu hộ).

Kể từ khi Công ước SAR có hiệu lực vào ngày 22 tháng 6 năm 1985, Ủy ban An toàn Hàng hải (MSC) của IMO đã chia các đại dương trên thế giới thành 13 khu vực tìm kiếm cứu nạn. Trong mỗi khu vực, các quốc gia liên quan phải phân định các vùng tìm kiếm cứu nạn mà họ có trách nhiệm. Tuy nhiên, cần lưu ý là ranh giới của các khu vực tìm kiếm cứu nạn không được phân định để trùng hợp với đường ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, hoặc bất kỳ ranh giới hàng hải nào khác.

Hai thỏa thuận song phương liên quan đến các hoạt động tìm kiếm cứu nạn đã được ký kết cho vùng biển Địa Trung Hải. Ma-rốc và Tây Ban Nha đã ký “Hiệp định hợp tác về chống ô nhiễm và tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Vương quốc Tây Ban Nha và Vương quốc Ma-rốc” vào ngày 6 tháng 2 năm 1996 để phối hợp các hoạt động cứu nạn và cứu hộ trên biển trong trường hợp có tàu đắm. Ngoài ra, Malta và Libya cũng đã ký một Bản ghi nhớ (MOU) trong năm 2009 để phối hợp, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau về các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài các hoạt động hợp tác song phương, Diễn đàn Cơ quan Cảnh sát biển Địa Trung Hải (MEDFORUM) đầu tiên đã được Cơ quan Cảnh sát biển Ý tổ chức vào tháng 5 năm 2009. Diễn đàn này là một dạng hội nghị không chính thức nhưng đã quy tụ được đại diện từ các Cơ quan Cảnh sát biển và các cơ quan có thẩm quyền hàng hải trong vùng Địa Trung Hải (MEDFORUM 2009). Liên minh châu Âu cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu thông hàng hải an toàn trong khu vực Địa Trung Hải, và EU đã thành lập một số cơ quan/mạng lưới làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin và hợp tác chẳng hạn như Cơ quan An toàn hàng hải châu Âu (EMSA), Cơ quan châu Âu về quản lý các Hoạt động Hợp tác tại biên giới bên ngoài của các nước thành viên của Liên minh châu Âu (FRONTEEX), và Mạng lưới tuần tra châu Âu (EPN) (Trevisanut 2010, 537).

Tuy vậy, hoạt động điều phối SAR ở Địa Trung Hải cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là việc phân định ranh giới và quy định bản chất pháp lý của các vùng SAR. Theo quy định của Ủy ban An toàn Hàng hải, các quốc gia trong cùng khu vực SAR phải thương lượng để xác định ranh giới của các khu vực SAR mà họ có trách nhiệm. Quy định này đã dẫn đến nhiều tranh cãi về vấn đề quyền tài phán và chủ quyền: liệu việc phân định vùng SAR, một loại vùng chức năng, và việc thực hiện các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong vùng đó có ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia truyền thống và các quyền chủ quyền đã được đưa ra bởi luật pháp quốc tế hay không?

Một ví dụ là trong kỳ họp thứ 86 của MSC trong năm 2009 Hy Lạp đã phản đối việc mở rộng Kế hoạch phân bổ dữ liệu tìm kiếm nhận dạng tầm xa của Thổ Nhĩ Kỳ (Kế hoạch LRIT DD) với mục đích an toàn hàng hải, và nêu ra mối quan ngại rằng “việc sử dụng cụm từ ‘vùng lãnh hải’ ngay cả khi chỉ dùng để chỉ một khu vực chức năng, trong đó quốc gia ven biển không thực hiện ‘chủ quyền lãnh thổ’ cũng có thể gây hiểu lầm và không trả lời được câu hỏi ai là bên có chủ quyền thực tế trong khu vực đang được xem xét. Theo hướng này thì việc đơn phương tạo ra một khu vực chức năng trong vùng tranh chấp, cho dù có mục đích tốt và thiện chí, cũng sẽ trở thành một tuyên bố chính trị trong vụ tranh chấp “(Trevisanut 2010, 533).

Tóm lại, các hoạt động SAR chủ yếu được quy định bởi một số công ước quốc tế đã được thông qua trong khuôn khổ của IMO, đặc biệt là Công ước SAR. Tuy nhiên, việc phân định các khu vực SAR và việc thực hiện các hoạt động cứu nạn cũng làm dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng của chúng đến chủ quyền quốc gia truyền thống, và do đó là một vấn đề nhạy cảm về chính trị ở Địa Trung Hải. Điều tương tự cũng có thể xảy ra ở Biển Đông khi các hoạt động SAR được thực hiện trong tương lai.

An ninh hàng hải

Hai hoạt động tội phạm lớn trên biển ở Địa Trung Hải là buôn bán vũ khí và ma túy, đặc biệt là buôn bán ma túy (Germond 2010, 69). Cũng như đối với các hoạt động cứu hộ cứu nạn, Liên minh châu Âu đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn buôn bán ma túy. Nhiều công cụ pháp lý khác nhau đã được Liên minh châu Âu thông qua để thúc đẩy việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các quốc gia thành viên trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy trái phép bằng đường biển (Delicato 2010, 9).

Ngày 30 tháng 9 năm 2007, Trung tâm Phân tích và Điều phối các hoạt động chống ma túy trên biển (MAOC-N), một nhóm làm việc/nhóm công tác liên chính phủ, đã được thành lập tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Trung tâm này được thành lập bởi bảy nước thành viên của Liên minh châu Âu: Tây Ban Nha, Pháp, Ireland, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, và Vương quốc Anh, và có nhiệm vụ phối hợp các hoạt động trên biển của các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên cũng như thu thập, trao đổi, và phân tích thông tin liên quan đến ma túy. Khu vực kiểm soát của Trung tâm này kéo dài từ phía đông của Đại Tây Dương đến vùng ven biển của châu Âu và Tây Phi (MAOC-N 2012). Ngoài ra, Trung tâm hợp tác phòng chống ma túy Địa Trung Hải (CeCLAD-M) cũng được thành lập ngày 31 tháng 12 năm 2008 và có trụ sở tại Toulon, Pháp. Trung tâm này có tám quốc gia thành viên từ phía tây Địa Trung Hải (Pháp, Algeria, Ý, Libya, Malta, Ma-rốc, Tây Ban Nha, và Tunisia) và hai quốc gia ngoài khu vực (Mauritania và Bồ Đào Nha). CeCLAD-M có chức năng tương tự như MAOC-N nhưng các hoạt động của nó tập trung trong vùng biển Địa Trung Hải (Delicato 2010, 7).

Thay vì ký kết các công ước đa phương hoặc hiệp định song phương, các quốc gia giáp ranh ở Địa Trung Hải đã chọn hình thức “trung tâm liên chính phủ” làm cơ chế hợp tác khu vực, thông qua đó để phối hợp thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền khác nhau liên quan đến lĩnh vực chống tội phạm.

Hợp tác khu vực ở vùng biển Caribê

Bảo vệ môi trường biển

Tài nguyên sinh vật biển

Nghiên cứu khoa học biển

An toàn hàng hải

An ninh hàng hải

Thảo luận

Kết luận

Danh mục tài liệu tham khảo

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Hop tac khu vuc Dia Trung Hai va Caribe.pdf