Tác giả: Alexander L. Vuving | Biên dịch: Vũ Thành Công
Trong 75 ngày tính từ 2/5/2014, Trung Quốc đã đơn phương triển khai giàn khoan 1 tỷ đô la HYSY-981 (hay còn gọi là HD-981) khoan thăm dò tại vùng biển thuộc Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Theo tuyên bố đầu tiên, giàn khoan dự kiến sẽ lưu lại khu vực đến 15/8/2014, nhưng vào 15/7/2014, Trung Quốc tuyên bố giàn khoan đã hoàn thành công việc và sẽ được di chuyển tới Đảo Hải Nam. Việc di chuyển giàn khoan HD-981 cũng đơn phương và bất ngờ như lúc nó được triển khai. Được biết khi giàn khoan neo đậu tại khu vực thuộc vùng biển tranh chấp, nó đã làm bùng phát cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ Việt – Trung kể từ năm 1988.
Cũng như các tranh chấp tương tự khác, cuộc đối đầu này cũng là một trận chiến của ý chí. Nếu sức mạnh là chìa khóa để chiến thắng xung đột quốc tế, thì ý chí cũng quan trọng tương đương. Quốc gia có ý chí mạnh hơn có thể thắng ngay cả khi đó là quốc gia yếu hơn. Khi chủ quyền thiêng liêng bị đe dọa, cả hai bên sẽ thử thách ý chí của nhau để xem ai lùi bước trước.
Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc rút giàn khoan trước một tháng so với dự kiến không hề giúp thể hiện sự quyết tâm của họ. Vậy, có đúng là Trung Quốc đã thực sự lùi bước trước? Việc đào sâu vào câu hỏi này không chỉ làm sáng tỏ sự quyết tâm của Trung Quốc tới đâu, mà còn cho thấy những bài học đáng giá về cách đối phó với sự gây hấn của Bắc Kinh. Trong số nhiều lời giải thích khả dĩ, hãy xem xét ba giải thích hợp lý nhất.
Tai họa thiên nhiên
Nguyên nhân đơn giản nhất, và ban đầu có vẻ thuyết phục nhất, là Trung Quốc rút giàn khoan do thời tiết xấu. Trước ngày rút giàn khoan, thời tiết tại khu vực đã trở nên xấu đi, dự báo cơn bão Rammasun đang tới gần. Được xếp vào loại “siêu bão”, Rammasun được dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực đảo Hải Nam trong ba ngày, từ 18/7/2014. Mặc dù khu vực giàn khoan HD-981 đang neo đậu ở phía Tây Hoàng Sa được dự đoán không trực tiếp nằm trên đường di chuyển của bão Rammasun, nhưng không ai dám đảm bảo rằng cơn bão khủng khiếp sẽ không gây ra thiệt hại lớn cho các công trình, tàu thuyền và con người tại khu vực đó. Và mặc dù HD-981 được tuyên bố có thể chịu được sự tàn phá của các cơn bão lớn thì cũng quá nguy hiểm để duy trì nó và các tàu hộ tống ở giữa biển trong điều kiện thời tiết tồi tệ.
Vì vậy, Trung Quốc phải đối mặt với 2 lựa chọn. Một là di chuyển giàn khoan xa hơn về phía nam để ra khỏi đường đi của bão. Phương án này sẽ đưa HD-981 vào sâu hơn trong Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khiến xung đột tiếp tục leo thang và đội tàu hộ tống gặp nhiều rủi ro về mặt hậu cần hơn.
Lựa chọn còn lại là di chuyển giàn khoan về gần bờ biển Trung Quốc và xa khỏi các vùng biển Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Điều này cho phép giàn khoan neo ở khu vực nước nông hơn mà không cần một số lượng lớn tàu hộ tống để bảo vệ. Trung Quốc đã chọn phương án hai, vốn ít nguy hiểm hơn, và tuyên bố rằng giàn khoan đã hoàn tất công việc.
Phát biểu này cũng là lựa chọn tốt hơn cho Trung Quốc. Vì tuyên bố di dời tạm thời giàn khoan sẽ đòi hỏi sự quay lại ngay lập tức sau khi bão tan. Trong khi sự quay lại đó sẽ gặp thách thức rất lớn bởi các đội tàu nhỏ của Việt Nam, và Trung Quốc cũng có thể sẽ bị mất mặt nếu không thể hạ đặt giàn khoan ở khu vực trước đó.
Tuy nhiên, lời giải thích dựa trên “thời tiết xấu” cũng khiến cho ít nhất một sự kiện liên quan trở nên khó hiểu. Vào 15/7/2014, cùng ngày giàn khoan bắt đầu rút về, Trung Quốc đã thả tất cả 15 ngư dân Việt Nam họ đã bắt trong suốt cuộc khủng hoảng giàn khoan. Liệu đây có phải là một thỏa thuận ngầm với Việt Nam hay chỉ là sự nhận thức rõ ràng của Trung Quốc rằng khủng hoảng đã chạm đến giới hạn?
Một cuộc mặc cả bí mật
Chúng ta không biết liệu có một thỏa thuận bí mật nào được thông qua hay không, nhưng điều chúng ta biết có thể cho thấy một cuộc mặc cả ngầm đã diễn ra. Khi các tàu Trung Quốc và Việt Nam chơi trò mèo vờn chuột gần giàn khoan gây tranh cãi, các lãnh đạo Hà Nội đã cố gắng đàm phán với Bắc Kinh và nhận được phản hồi gồm 4 điều kiện cho đàm phán.
Đầu tiên là Việt Nam cần chấm dứt quấy rối giàn khoan Trung Quốc và các tàu hộ tống. Hai là Việt Nam không được tranh chấp quyền sở hữu của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa. Ba là Việt nam không được theo đuổi các vụ kiện pháp lý chống lại các yêu sách và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Và cuối cùng, Việt Nam không được cho phép các bên thứ ba, cụ thể là Mỹ và phương Tây, dính líu vào vấn đề song phương này.
Hai điều kiện đầu tiên rõ ràng là bất khả thi về mặt chính trị đối với bất cứ chính phủ nào tại Hà Nội. Nhưng Hà Nội lại đưa ra hai quyết định cho thấy sự nhượng bộ đối với hai điều kiện còn lại. Dù truyền thông đã triển khai một chiến dịch lớn và rất nhiều người đã kêu gọi chính phủ đưa Bắc Kinh ra tòa, nhưng giới lãnh đạo tập thể tại Việt Nam đã quyết định không nộp đơn để kiện Trung Quốc. Họ cũng hoãn một chuyến thăm của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tới Mỹ, vốn đã được thông qua và lên lịch vào tháng 6, sau cuộc gọi vào ngày 21/5/2014 của ông Minh với người đồng cấp Mỹ John Kerry. Việc Trung Quốc di dời giàn khoan và thả ngư dân Việt Nam có thể giải thích như một hành động có qua có lại để hạ nhiệt căng thẳng.
Trừ khi có một thỏa thuật bí mật mà qua đó Hà Nội có thể chấp nhận những nhượng bộ lớn hơn, thì sự mặc cả ngầm đưa ra ở trên là rất đáng chú ý vì bản chất cân xứng và sự mỏng manh của chúng. Cũng như các hành động xuống thang của Trung Quốc, các hành động của Việt Nam cũng rất nhỏ và có thể bị đảo ngược. Thay vì cử Ngoại trưởng Minh, Việt Nam lại phái Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tới Mỹ trong chuyến đi bắt đầu chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc rút giàn khoan, vào ngày 20/7/2014.
Về mặt chính trị, là một Uỷ viên Bộ Chính trị, ông Nghị ở cấp cao hơn so với ông Minh – vốn không hề có chân trong cơ quan cao nhất của chính trường Việt Nam. Hơn nữa, ông Nghị được biết đến như một người thân cận với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – lãnh đạo cấp cao nhất của quốc gia. Chuyến thăm của ông Nghị sẽ mang về những thông tin trực tiếp để ông Trọng định hình chuyến thăm của Ngoại trưởng Minh – hiện đã được lên lịch lại vào tháng 9/2014.
Các hành động pháp lý phản đối Trung Quốc là một điều Hà Nội đã luôn trì hoãn thậm chí ngay cả khi không chịu sức ép của Trung Quốc. Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiến hành kế hoạch chuẩn bị kiện Trung Quốc ra tòa thì hầu hết những thành viên chủ chốt khác của Bộ Chính trị lại không hề chắc chắn rằng liệu đó có phải là phương án tốt nhất. Lo sợ sự trả đũa của Trung Quốc và nguy cơ gặp phán quyết bất lợi, cùng với thực tế rằng không thể thực thi bất cứ quyết định nào nếu không có sự đồng tình của Trung Quốc, tất cả đã chi phối tính toán của Hà Nội.
Liệu sự nhân nhượng của Hà Nội có phải chính là chìa khóa dẫn đến sự xuống thang của Bắc Kinh? Sự mong manh và nhỏ giọt của những nhượng bộ này đã cho thấy sự thỏa hiệp chỉ đóng một phần nhỏ trong kết cục, nếu không muốn nói là không có phần nào cả. Điều thực sự khiến Trung Quốc xuống thang xung đột chính là thực tế rằng một vài chủ thể, bao gồm Việt Nam và Mỹ, đã tăng đáng kể mức trần đối với những gì là được phép trong ứng xử với Trung Quốc. Dù hành động của Trung Quốc có thể giống như một sự mặc cả ngầm, nhưng bản chất thực sự của nó lại khác.
Lát cắt xúc xích đã trở nên dày hơn
Hành động của Trung Quốc sẽ trở nên hợp lý nếu nhìn nhận dưới chiến thuật “cắt lát xúc xích” – “salami slicing” mà họ đang triển khai. Đây là phương pháp đặc trưng của Trung Quốc để hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền của họ và thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điểm chính của chiến thuật này là duy trì một sự cân bằng khéo léo giữa sự quyết đoán và kiềm chế, từ đó hành động sẽ đủ để thay đổi thực tế trên thực địa nhựng vẫn không đủ để tạo ra lý do cho những nước khác quyết liệt chống lại mình. Có rất nhiều lý do để nghĩ rằng sự cân bằng mong manh này đã đạt đến giới hạn của nó và cơn bão Rammasun đã cho Trung Quốc một lời biện hộ tốt để tháo ngòi căng thẳng mà không bị mất mặt.
Việc triển khai giàn khoan HD-981 trong Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gây ra khủng hoảng quốc tế lớn nhất tại Đông Nam Á kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Việc Trung Quốc bắt nạt thô bạo các nước láng giềng trong thời gian quá lâu đã khiến nhận thức của thế giới về Trung Quốc thay đổi theo hướng ngày càng xấu. Chúng ta đã chứng kiến các đại biểu Quốc hội Việt Nam gọi Trung Quốc là kẻ thù, vốn là một điều không thể nào xảy ra trước sự kiện giàn khoan.
Việt Nam cũng đã làm sống lại hồi ức về cuộc chiến của họ với Trung Quốc – vốn là một điều cấm kị trong hai thập kỷ qua. Vào giữa tháng 7/2014, lần đầu tiên Hà Nội tưởng niệm các xung đột quân sự đã từng bị quên lãng trước đó tại Vị Xuyên (Hà Giang) ở biên giới Việt – Trung trong giai đoạn 1984 – 1988, với những câu chuyện về cuộc chiến tranh đẫm máu được đăng nổi bật trên các phương tiện truyền thông Việt Nam, và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã công khai ca ngợi tinh thần yêu nước và sự anh hùng của những người hi sinh vì Tổ quốc. Tất cả những điều này đều chưa từng xảy ra, và cùng với nguy cơ thiết lập một liên minh thực tế với Mỹ, chúng cho thấy một sự thay đổi rất lớn trong cách tiếp cận của Hà Nội đối với Bắc Kinh.
Vào ngày 10/7/2014 tại Mỹ, Thượng viện đã nhất trí thông qua nghị quyết S.RES.412 chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc và yêu cầu họ rút giàn khoan cùng với lực lượng hộ tống đi kèm. Nghị quyết cũng “đưa ra chính sách của Mỹ về hỗ trợ các đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời phản đối các tuyên bố ảnh hưởng đến quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp biển cả.”
Một số nhà lập pháp và học giả có uy tín của Mỹ đã bắt đầu kêu gọi cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Một ví dụ điển hình là bài viết có tựa đề “China’s territorial advances must be kept in check by the United States” (Các bước tiến chủ quyền của Trung Quốc cần phải được kiểm soát bởi Mỹ) của tác giả Michèle Flournoy và Ely Ratner đăng trên Washington Post. Một ví dụ khác là tuyên bố của Chủ tịch Uỷ ban tình báo Hạ viện Mike Roger, cho rằng Mỹ cần phản ứng mạnh mẽ hơn đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và phải truyền sự tự tin cho các đồng minh cũng như các đối tác để họ trở nên cứng rắn hơn.
Nhìn chung, xu hướng phổ biến là việc Trung Quốc đơn phương đặt giàn khoan ở Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã thúc đẩy thêm một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Philippines, Úc, Ấn Độ và Việt Nam, điều chỉnh lại thế đứng quân sự của mình và các liên kết chính sách đối ngoại để đối phó hiệu quả hơn với thái độ hung hăng của Trung Quốc. Nhận thấy xu hướng này cùng với những sự thay đổi liên quan về nhận thức, Trung Quốc chắc chắn phải ý thức được rằng những hành động gây hấn của họ cũng gây ra không ít những tổn hại cho chính chiến lược và uy tín của mình.
Vậy chuyện gì đã diễn ra?
Trong nhiều năm, các kình địch của Trung Quốc, chẳng hạn như Việt Nam và Hoa Kỳ, đã thông qua một chính sách kiềm chế vì lo ngại sẽ khiêu khích con rồng khổng lồ. Họ đã tạo ra một rào cản vô hình để giới hạn những gì họ cho là chấp nhận được trong việc đối phó với cường quốc đang lên này.
Về phía mình,Trung Quốc đã biết khéo léo khai thác sự lo ngại này với chiến thuật “cắt lát xúc xích”. Chiến thuật “cắt lát xúc xích” sẽ tiếp tục tiến triển miễn là các bên khác thiếu kiên quyết trong việc phá bỏ sự tự giới hạn của họ – vốn được duy trì vì nỗi sợ leo thang căng thẳng. Sự thành công của chiến thuật này đã được dự đoán dựa trên một mưu mẹo: nếu bạn làm cho sự kiềm chế của đối thủ trở thành đơn phương, bạn có thể chiến thắng mà không cần phải đánh. Dưới góc nhìn này, thủ thuật phản đòn cũng là rõ ràng: bạn phải làm cho đối thủ thấy rằng sự kiềm chế không thể diễn ra một chiều.
Nước cờ giàn khoan của Trung Quốc là điểm cực đại của tiến trình “cắt lát xúc xích” trong thời gian dài. Nhưng nó cũng tạo ra một cơ hội cho các kình địch của Trung Quốc phá vỡ rào cản vô hình đã giới hạn hành động của họ. Kết cục của cuộc khủng hoảng này cho thấy Trung Quốc không hề khác nhiều so với các quốc gia khác – họ cũng sợ căng thẳng leo thang.
Tiến sĩ Alexander L. Vuving là Phó Giáo sư tại Trung tâm châu Á – Thái Bình Dương về Nghiên cứu An Ninh, Honolulu. Những góc nhìn trong bài viết này là của cá nhân ông và không phản ánh quan điểm của Trung tâm. Tài khoản Twitter: @Alex_Vuving.
Bản gốc tiếng Anh: The National Interest