Doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc và phép thử ở Biển Đông

Print Friendly, PDF & Email

344faer

Tác giả: M. Bowman, G. Gilligan & J. O’Brien | Biên dịch: Cảnh Mai Hương

Vào đầu tháng 5, giàn khoan dầu HD-981 (Haiyang Shiyou – 981) của Trung Quốc đã vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa đang bị tranh chấp trên biển Đông. Giàn khoan này thuộc sở hữu của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và được vận hành bởi Công ty TNHH Dịch vụ Giếng dầu Trung Hải (China Oilfield Services Limited). Giàn khoan này được triển khai với sự chấp thuận của Bắc Kinh để tiến hành khoan thăm dò cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) – một doanh nghiệp khác cũng trực thuộc nhà nước. Giàn khoan được đặt cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Xung đột đã nổ ra giữa các tàu của hai nước cũng như giữa người dân hai nước trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 15 tháng 7, giàn khoan được đưa trở lại vùng biển Trung Quốc. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã ra thông cáo báo chí tuyên bố rằng “việc khoan và thăm dò dầu ở dự án Trung Kiến Nam (Zhongjianan) đã được hoàn thành một cách trôi chảy và đúng tiến độ vào ngày 15 tháng 7 với việc tìm thấy dầu và khí đốt”, ngụ ý rằng việc rời giàn khoan là theo kế hoạch thương mại đã định chứ không phải vì áp lực chính trị của nước ngoài. Thông cáo báo chí còn nói rằng “giai đoạn tiếp theo” của dự án sẽ phụ thuộc vào “một cuộc đánh giá tổng thể về triển vọng hydrocarbon… dựa theo các dữ liệu địa chất và phân tích thu thập được từ hoạt động khoan và thăm dò dầu.” Vì vậy, mặc dù giàn khoan đã trở về vùng biển Trung Quốc một tháng sớm hơn so với kế hoạch ban đầu, có khả năng cao là nó sẽ được đưa lại ra vùng biển tranh chấp.

Vụ giàn khoan HD-981 đã đặt ra nhiều câu hỏi không chỉ về mặt pháp lý về chủ quyền và an ninh khu vực mà còn về những vấn đề kinh tế chính trị liên quan đến vai trò của doanh nghiệp nhà nước hoạt động ở khu vực thuộc thẩm quyền pháp lý của nước ngoài. Vấn đề thứ hai ít được đề cập trong các cuộc thảo luận tính đến thời điểm này.

Khi mà nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển, nhiều câu hỏi về những động cơ chính trị – thay vì chiến lược kinh doanh – của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã được nêu lên ở các nước tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của nước này. Lấy thí dụ, năm 2005, việc Trung Quốc cố gắng mua lại công ty Unocal của Mỹ đã gặp phải “sự phản đối dữ dội về mặt chính trị”, kết cục là làm gia tăng căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Ở Australia, những tiêu đề xuất hiện trên truyền thông gần đây như “Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc lấy giấy phép của FIRB một cách mờ ám” và “Đừng pha trộn chính trị với kinh doanh: FIRB cảnh báo những nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước” cũng thể hiện những lo ngại tương tự. [FIRB: Hội đồng Xét duyệt Đầu tư Nước ngoài – NBT]

Thêm vào đó, năm 2012, chính phủ Canada đã sửa lại Luật Đầu tư Canada để tuyên bố rõ ràng rằng “các nhà đầu tư sẽ có nghĩa vụ đề cập… trong kế hoạch và công việc kinh doanh của họ – những tính chất của doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là việc các doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng của chính phủ.” Những cơ quan thuộc “sở hữu, kiểm soát, hay ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp bởi chính phủ nước ngoài” phải đảm bảo với Bộ trưởng Công nghiệp Canada rằng dự án được đề xuất là thuần túy mang tính thương mại và không chịu bất cứ ảnh hưởng chính trị nào.

Nhìn theo nhiều mặt, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có vẻ như theo đuổi các cơ hội kinh doanh ở nước ngoài theo cách mà các tập đoàn phương Tây đã và đang làm. Tuy nhiên, với việc lãnh đạo của 53 doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất Trung Quốc có địa vị tương đương với bộ trưởng và ngang hàng với chủ tịch tỉnh thì việc cổ đông chi phối có sự thống trị về cả mặt kinh tế lẫn chính trị đối với doanh nghiệp nhà nước là khá rõ ràng. Chính vì thế, những băn khoăn đối với các doanh nghiệp nhà nước này không chỉ tồn tại ở nước ngoài mà còn ở trong nước, nơi mà người dân đang ngày càng quan tâm đến những thiệt hại đối với thành phần kinh tế tư nhân do sự thiên vị giành cho những doanh nghiệp nhà nước. Một trong những lý do là việc các khoản vay ngân hàng và chính sách cho vay ưu đãi gần như tuyệt đối chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước.

Trung Quốc đã ra tín hiệu giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào các doanh nghiệp này vào tháng 12 năm ngoái tại Hội nghị Trung ương 3 khi tuyên bố tiến hành “những cải cách theo mô hình kinh tế thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước.” Thế nhưng vụ giàn khoan HD-981 đã thách thức luận điệu trên. Vụ việc đã khơi lại những câu hỏi về việc Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy các chiến lược chính trị và để chiếm ưu thế lãnh thổ như thế nào.

Một mặt, hành động của CNOOC và CNPC có thể vẫn nằm trong phạm vi theo đuổi hợp pháp các mục tiêu kinh tế ở khu vực giàu tài nguyên. Thông thường, các doanh nghiệp nhà nước có chiều hướng tập trung vào các khu vực thuộc ưu tiên quốc gia như: tài nguyên, năng lượng, các dịch vụ viễn thông và quốc phòng.

Tuy vậy, rõ ràng là hành động trên cũng là một sự khẳng định về mặt chiến lược chính trị đối với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Ngay sau khi Trung Quốc triển khai giàn khoan HD-981, tờ South China Morning Post đưa tin các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã được lệnh tạm thời dừng tất cả các vụ đấu thầu dự án mới ở Việt Nam. Trái với những hứa hẹn trước đây, đây là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước như là các quân cờ chính trị thay vì để chúng được điều khiển bởi nền kinh tế thị trường tự do. Michel Henry Bouchet làm việc tại trường Skema Business School ở Pháp cho rằng Trung Quốc đã mạo hiểm chấp nhận chịu sự lên án của khu vực và quốc tế để thử phản ứng của ASEAN và phương Tây đối với những tham vọng địa chính trị của mình. Ở khía cạnh đó, “hành động khiêu khích” của Trung Quốc thách thức không chỉ Việt Nam mà còn cả các quyền lợi địa chính trị của ASEAN và phương Tây

Dù vậy, nếu việc Trung Quốc đang nhắm đến là khiêu khích những người hàng xóm trong khu vực, thì quốc gia này lại chưa thành công với Australia. Mặc dù Bộ trưởng Bộ Truyền thông Malcolm Turnbull đã bình luận rằng chính sách ngoại giao hiện tại của Trung Quốc là “thực sự phản tác dụng” bằng cách đẩy các quốc gia châu Á lại gần với Mỹ, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia lại ra các thông cáo báo chí với những lời lẽ thận trọng về vụ việc. Dù bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, chính phủ Australia đã nói rõ “Australia không đứng về bên nào trong các tranh chấp ở biển Đông, nhưng có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì tự do và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, không cản trở giao thương và tự do hàng hải.” Mặc dù Mỹ gây áp lực để Australia can dự nhiều hơn, Australia sẽ khó có những hành động cố ý chọc giận đối tác kinh tế song phương lớn nhất của mình.

Australia đang theo đuổi các hiệp ước thương mại song phương với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Giải quyết một cách khéo léo những mối quan hệ này trở nên khó khăn hơn từ sau vụ CNOOC. Chuyến thăm gần đây tới Australia của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là một lời nhắn đến Trung Quốc rằng đừng để các tranh chấp lãnh thổ đe doạ sự phát triển kinh tế của cả khu vực. Theo đó, Thủ tướng Abbott đã cố gắng trấn an Trung Quốc rằng việc thắt chặt quan hệ với Nhật Bản không có mục đích nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên luận điệu trên có vẻ không thuyết phục được Bắc Kinh. Một bài báo trên tờ Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của chính phủ, đã miêu tả Thủ Tướng Abbott là “khủng khiếp và vô cảm” sau khi cáo buộc ông đã ca ngợi hành vi xâm lược của Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh.

Cho dù hành động gần đây nhất của doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Trung Quốc là vì mục tiêu thương mại hay chính trị, nó chắc chắn đã làm gia tăng căng thẳng kinh tế và chính trị khu vực – đe doạ đến không chỉ quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Bản gốc tiếng Anh: East Asia Forum