Cân bằng chiến lược bấp bênh của Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

20140619_YangJiechi_reuters_0

Tác giả: Lê Thu Hường

Kể từ khi vượt qua những năm tháng bị cô lập đến cuối những năm 1990, Việt Nam đã theo đuổi chính sách “đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”. Từ năm 2001, Việt Nam đã bắt đầu thiết lập một mạng lưới các mối quan hệ đối tác được định nghĩa một cách linh hoạt, bao gồm: “toàn diện”(tăng cường quan hệ song phương và ngoại giao kinh tế), “chiến lược” và “chiến lược toàn diện” (mức cao nhất của hợp tác dựa trên mối quan hệ dài hạn).

Năm 2013, một năm đặc biệt hiệu quả của ngoại giao Việt Nam, Hà Nội thành lập sáu mối quan hệ đối tác mới, một trong số đó là với Mỹ. Mặc dù chỉ là đối tác toàn diện – một bậc thấp hơn so với “chiến lược” – nhưng đó là một sự tiến bộ rất quan trọng đối với quan hệ Việt -Mỹ.

Quan hệ đối tác Việt – Mỹ cho thấy sự cam kết tiếp tục đối với hợp tác hiện hữu về thương mại, giáo dục và phát triển. Đối với Việt Nam, nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ còn chứa đựng lợi ích được tham gia vào Hiệp định Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi giúp tăng cường hơn nữa quan hệ với Mỹ, mối quan hệ đối tác toàn diện cũng sẽ góp phần tích cực vào chiến lược “phòng bị nước đôi” (hedging) của Việt Nam đối với Trung Quốc. Về phía Washington, Việt Nam là một đối tác có các tài sản chiến lược giá trị trong khu vực Đông Nam Á, và sẽ là một thành phần quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ.

Sự mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại trong năm 2013 của Hà Nội cũng có thể được xem như là một hình thức ngoại giao phòng ngừa. Hà Nội đã sợ rằng tranh chấp trên Biển Đông sẽ leo thang.

Khủng hoảng giàn khoan dầu Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) đã chỉ ra rằng những nỗi sợ này đã có cơ sở.

Các lợi ích lãnh thổ tiếp tục thách thức mối quan hệ “bốn tốt” giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Bốn nguyên tắc “láng giềng tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt”, vốn từng được tuyên bố là nền tảng của quan hệ Việt -Trung, đang bị làm cho suy yếu do tranh chấp Biển Đông chưa có giải pháp. Nhiều nỗ lực để giải quyết căng thẳng với Trung Quốc – bao gồm cả đối thoại giữa hai đảng cộng sản, đối thoại giữa các bộ trưởng quốc phòng, một đường dây nóng về các vấn đề trên biển – đã không hiệu quả.

Thậm chí nguyên tắc “ba không” của chính sách quốc phòng Việt Nam – không liên minh quân sự, không có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam và không sử dụng quan hệ với quốc gia này để chống lại quốc gia khác – đã giúp Trung Quốc cảm thấy dễ chịu.

Trung Quốc là một trong hai đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, cùng với Nga. Điều này đã mang lại cho Việt Nam một cảm giác sai về an ninh từ mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, cũng như những ảo tưởng về sự hỗ trợ của Nga. Moscow đã không đứng cạnh Việt Nam trong cuộc khủng hoảng Hải Dương 981. Thay vào đó họ đã ký kết một thỏa thuận khí đốt 30 năm với Bắc Kinh trị giá 400 tỷ USD. Nhiều người sẽ thấy sự kiện này như một sự thất bại của hệ thống quan hệ đối tác của Việt Nam. Nội dung mơ hồ và thiếu chiều sâu của những mối quan hệ đối tác này là những nguyên nhân đầu tiên dẫn tới tình trạng này.

Các lợi ích quốc gia về kinh tế và chính trị là những lý do chính trả lời cho câu hỏi tại sao các nước khác không muốn gây rủi ro cho mối quan hệ của họ với Trung Quốc chỉ để ủng hộ Việt Nam. Chỉ những quốc gia đang cố gắng để đối trọng lại Trung Quốc hoặc có quan hệ tương đối nghèo nàn với Trung Quốc mới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam – cụ thể là Mỹ, Nhật Bản và Philippines. Khi rà soát lại các chiến lược hợp tác, Hà Nội nên khai thác các lợi ích chung. Mỹ nổi lên như là một đồng minh tự nhiên của Việt Nam trong phương trình này. Nhưng Hoa Kỳ còn dè dặt trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam – thành tích nhân quyền hạn chế của Hà Nội là một nguồn gốc của sự dè dặt đó. Dù chuyển đổi chính trị nội bộ là cần thiết cho một sự hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, nhưng điều này sẽ không thể được tiến hành một cách dễ dàng hay nhanh chóng.

Đối với Nhật Bản, Việt Nam có một vai trò quan trọng trong việc nước này xét lại và sửa đổi Hiến pháp về quyền phòng vệ tập thể cũng như đối trọng với Trung Quốc. Tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư làm cho Tokyo thêm thận trọng đối với Bắc Kinh.

Philippines cũng muốn phát triển quan hệ gần gũi hơn với Hà Nội do lợi ích chung trong khu vực Biển Đông. Philippines là người tiên phong phát động vụ kiện chống lại các hành động đơn phương của Trung Quốc trên biển.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã cảnh báo nếu Việt Nam tiếp tục leo thang phản đối vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 thì sẽ có những hệ lụy về kinh tế diễn ra. Trung Quốc đã cho hồi hương công nhân từ Việt Nam, đóng băng các khoản đầu tư và thậm chí còn ngăn các công ty tham gia đấu thầu các dự án tại Việt Nam.

Trước khi xảy ra sự kiện Hải Dương 981, Việt Nam cho rằng họ có thể cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Ví dụ, Việt Nam muốn tham gia vào các sáng kiến ​​kinh tế khu vực do cả Mỹ và Trung Quốc lãnh đạo, cụ thể là TPP và sáng kiến Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Nhưng nếu không khéo xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay trên Biển Đông, Việt Nam có thể lâm vào thế kẹt. Việt Nam sẽ khó có được quan hệ gần gũi hơn với Mỹ (do các cân nhắc chính trị trong nước và sự ủng hộ hạn chế ở Washington) bất chấp tình hình xấu đi trong quan hệ với Trung Quốc. Để tránh kịch bản này, Việt Nam cần phải nhanh chóng điều chỉnh chính sách theo tình hình mới nhất, cụ thể là Trung Quốc không còn có ý định tuân thủ nguyên tắc “4 tốt”. Tuy nhiên, việc định hướng lại chiến lược ngoại giao, quốc phòng và kinh tế phải bắt đầu với một sự đồng thuận đạt được trong nội bộ lãnh đạo đất nước.

Nếu sự thiếu quyết đoán của lãnh đạo vẫn tiếp tục, Việt Nam sẽ rơi vào tình huống ngày càng có ít lựa chọn – và như thế,  một lần nữa, Việt Nam lại rơi vào trạng thái cô lập tương đối.

TS. Lê Thu Hường là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore. Một bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng tải trên East Asia Forum.