Hiệp định 123 Việt-Mỹ hỗ trợ nhu cầu điện của Việt Nam

9190668190_d37bf4008f_c_800

Tác giả: Duong Tran | Biên dịch: Lê Văn Sang

Việt nam có nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao khả năng sản xuất điện nếu muốn duy trì mức độ tăng trưởng như hiện nay. Chính phủ Việt nam đã đặt ra một kế hoạch tham vọng để thỏa mãn nhu cầu điện trong tương lai, nhưng làm sao tận dụng được nhiều nguồn năng lượng vẫn còn là một thách thức. Trong phạm vi vấn đề này, thỏa thuận hợp tác hạt nhân Việt-Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình ngành sản xuất điện của đất nước này trong nhiều thập kỷ tới.

Dân số phát triển nhanh chóng và nền kinh tế ngày càng năng động của Việt Nam tạo áp lực đáng kể lên khả năng thỏa mãn nhu cầu điện của Chính phủ. Mức tăng nhu cầu điện hàng năm sẽ đạt tới 15% vào năm 2015 , tuy nhiên nguồn cung điện đang tụt lại phía sau. Ví dụ, khu vực kinh tế trọng điểm ở miền Nam, vốn chiếm hơn 70 phần trăm doanh thu xuất khẩu của đất nước, cùng với các vùng dân cư đông đúc xung quanh, đang chịu cảnh cúp điện thất thường do việc sử dụng của người tiêu dùng tăng cao và thiếu nguồn cung điện từ các nhà máy điện gần đó.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2011 đã phê chuẩn Kế hoạch Phát triển Năng lượng Quốc gia cho giai đoạn 2011-2020, với tầm nhìn đến năm 2030, qua đó phác thảo ra các chiến lược chính để giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu tham vọng về sản xuất điện.

Theo kế hoạch này, năng lực sản xuất điện của Việt Nam sẽ tăng lên 75.000 megawatt vào năm 2020 và gấp đôi số lượng đó vào năm 2030. Mặc dù Việt nam sẽ lệ thuộc nặng nề vào các nguồn điện truyền thống như là thủy điện và nhiệt điện, các loại năng lượng tái tạo và các nhà máy điện hạt nhân dược dự tính sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc sản xuất điện của đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu đó sẽ đòi hỏi Chính phủ giải quyết nhiều thách thức. Tới năm 2020, Chính phủ dự tính đưa vào hoạt động 52 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, làm cho nhiệt điện chịu trách nhiệm cho hơn một nửa năng lực sản xuất điện của Việt Nam. Nhưng đất nước này thường xuyên đối diện với sự thiếu hụt than do nhu cầu cao và khai thác mỏ không hiệu quả. Nó sẽ phải nhập một số lượng than đáng kể vào năm 2015 để thỏa mãn nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện mới.

Các nhà máy nhiệt điện vận hành bằng khí gas tạo nên một thành phần sản xuất điện quan trọng nữa cho Việt Nam, nhưng việc thu hút đầu tư vào các nhà máy vận hành bằng khí gas gặp khó khăn bất chấp trữ lượng gas đáng kể của Việt Nam do giá điện bán lẻ được trợ cấp và thấp một cách giả tạo. Đó là lý do chính dẫn tới thương lượng thất bại giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Chevron về việc phát triển các mỏ gas trong năm 2013.

Tương tự, giá thấp mà Tổng Công ty Điện lực Việt Nam chào mua năng lượng gió đã làm cho phần lớn các nhà đầu tư phải suy nghĩ cẩn thận trước khi tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo. Giá điện thấp cũng khuyến khích các dự án đầu tư vào các ngành kinh doanh tiêu tốn năng lượng và làm trầm trọng thêm nữa vấn đề thiếu hụt điện. Tuy nhiên, việc tăng giá điện sẽ có thể không được lòng dân và đặt Chính phủ Việt nam dưới áp lực chính trị trong nước đáng kể.

Trong khi thủy điện đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất điện của Việt Nam từ đầu những năm 1990, quốc gia này đã đạt tới trần tiềm năng thủy điện. Ngoài ra, những lợi ích kinh tế không chắc chắn và những quan ngại về môi trường đã khiến Chính phủ phải giảm số các dự án thủy điện nhỏ.

Thấy rõ những hạn chế được đặt ra bởi các lựa chọn hiện tại, Việt Nam đã đi đến chỗ xem năng lượng hạt nhân như là một giải pháp dài hạn, bền vững cho nhu cầu điện của mình. Chưa tới 10% năng lực sản xuất điện sẽ đến từ hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được lên kế hoạch đưa vào vận hành vào giữa những năm 2020.

Sáu nhà máy khác sau đó sẽ giúp gia tăng tổng công suất lên khoảng 30% vào những năm 2040-2050. Trong năm 2011, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định rằng tới năm 2050, sẽ không có bất cứ nguồn năng lượng nào có thể thay thế năng lượng hạt nhân ở Việt Nam.

Hiệp định hợp tác hạt nhân Việt – Mỹ, hay còn gọi là Hiệp định 123, vốn mở đường cho việc Mỹ cấp phép xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân cùng thông tin nghiên cứu,vật liệu và thiết bị tới Việt Nam, có thể đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ đảm bảo phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam đã ký các thỏa thuận tương tự với bảy quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc, Mỹ nắm giữ công nghệ gốc cần thiết cho các lò phản ứng hạt nhân được các quốc gia khác xây dựng. Chẳng hạn,nhà máy năng lượng hạt nhân thứ hai ở tỉnh Ninh Thuận được Nhật Bản xây dựng sẽ cần sử dụng lò phản ứng dạng AP 1000, một công nghệ của công ty Westinghouse ở Mỹ.

Nga và Nhật đã cam kết các nguồn lực đáng kể và công nghệ để xây dựng bốn nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng cố tìm kiếm các đối tác xây dựng sáu nhà máy khác để đạt tổng công suất điện hạt nhân là 10.000 megawatt vào năm 2030. Trong khi đó, các công Mỹ như là Westinghouse and GE Hitachi đã kiên trì bày tỏ quan tâm về việc cung cấp cho Việt Nam các hệ thống hạt nhân. Các công ty đa quốc gia của Mỹ này háo hức tham gia vào một thị trường vốn vẫn còn nhiều cơ hội cạnh tranh.

Ngoài ra, Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng nhân lực có khả năng làm việc trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân. Những khó khăn trong việc huấn luyện nhân viên đã phần nào làm trì hoãn việc xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Hiệp định 123 sẽ tạo điều kiện cho các công ty Mỹ cam kết giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

Nếu Quốc hội không ban hành một nghị quyết chung phản đối, Hiệp định 123 sẽ tự động có hiệu lực trong các tuần lễ sắp tới. Nó sẽ tạo điều kiện rất nhiều cho sự tham gia của các công ty Mỹ vào thị trường năng lượng hạt nhân của Việt Nam và cung cấp sự đảm bảo đúng lúc cho lĩnh vực hạt nhân của quốc gia này trong nhiều thập kỷ tới.

Duong Tran là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS).

Bản gốc tiếng Anh: CogitAsia