Vai trò của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông

Print Friendly, PDF & Email

asean-shutterstock-20131122

Nguồn: Gary Collinson & Christopher B. Roberts, “The South China Sea and Australia’s Regional Security Environment”, National Security College Occasional Paper, No. 5, September 2013, pp. pp.34-39

Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung

Bài liên quan: ASEAN, Trung Quốc và Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Chính sách ngoại giao thời gian gần đây của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về vấn đề tranh chấp Biển Đông đã trở thành chủ đề tâm điểm quan trọng của quốc tế. Tuy nhiên, để có thể hiểu sâu hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến sự thống nhất trong ASEAN cũng như tiềm năng cho một biện pháp xử lý hiệu quả, chúng ta cần phải phân tích chính sách ngoại giao dài hạn của khối về vấn đề này.

Vì vậy, bài viết này sẽ được chia thành hai phần. Phần đầu tiên sẽ nghiên cứu cơ sở lịch sử dẫn đến một lập trường thống nhất tương đối của ASEAN trong vấn đề Biển Đông vào giai đoạn những năm 1990. Ngay sau đó là nội dung xem xét các tác nhân khiến cho nền tảng thống nhất của ASEAN bị suy yếu trước khi ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.

Phần thứ hai sẽ đi sâu tìm hiểu về chính sách ngày càng quyết liệt và cách hành xử đôi khi mang tính cưỡng ép mà Bắc Kinh bắt đầu triển khai từ năm 2007. Nghiên cứu hai giai đoạn này sẽ giúp chúng ta hiểu sâu rộng hơn về khả năng đi đến một lập trường thống nhất cho ASEAN trong tương lai, cũng như phạm vi ảnh hưởng thực chất mà tinh thần đoàn kết này có thể tạo ra trong quá trình giải quyết hoặc làm giảm căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông.

Vai trò của ASEAN những ngày đầu – chuyển từ đoàn kết sang phân rã

Vào năm 1992, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền rộng lớn trên hầu hết diện tích của Biển Đông bằng việc thông qua Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp của CHND Trung Hoa. Khu vực Bắc Kinh khẳng định chủ quyền này chồng lấn và mâu thuẫn với các tuyên bố của bốn trên tổng số sáu thành viên ASEAN vào thời điểm đó là Brunei, Philippines, Malaysia và Indonesia. Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc lại cấp phép cho công ty Mỹ Crestone Energy Corporation tiến hành thăm dò hydrocarbon ngay trong thềm lục địa của Việt Nam.

Dựa vào lịch sử quan hệ hời hợt giữa Bắc Kinh và đa số thành viên ASEAN khi đó, hiệp hội đã nhanh chóng đáp lại bằng Tuyên bố Biển Đông năm 1992 của mình. Tuyên bố đã viện dẫn đến các nguyên tắc cốt lõi của khối, được nêu cụ thể hơn trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), và thúc giục “tất cả các bên liên quan” cùng giải quyết “các vấn đề chủ quyền và tài phán” trong tranh chấp này thông qua “các biện pháp hòa bình” và “không sử dụng vũ lực”. Điều khoản ý nghĩa nhất trong Tuyên bố đã kêu gọi các bên cùng thiết lập một “Bộ quy tắc ứng xử quốc tế trên Biển Đông” có tính ràng buộc cao.[1]

Trong khi Trung Quốc ban đầu tỏ ra không mấy nhiệt tình, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã gần như ngay lập tức có bài phát biểu bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với tuyên bố này, khẳng định nội dung tuyên bố “đồng nhất với các nguyên tắc và chính sách mà Việt Nam đang theo đuổi”. [2] Với việc bản thân Hà Nội cũng có tuyên bố chủ quyền trên một số khu vực ở Biển Đông, thì việc chính quyền nước này thay đổi thái độ từ quan điểm thù địch đối với ASEAN trước đó cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Lập trường của Hà Nội cũng phần nào chịu tác động của lịch sử của nước này với Trung Quốc, trong đó phải kể đến cuộc chiến tranh biên giới 1979 và một cuộc giao tranh ngắn nổ ra năm 1988, trong đó Hải quân Trung Quốc đã đụng độ với lực lượng phía Việt Nam trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), dẫn đến phía Việt Nam bị thiệt hại ba tàu và 77 thủy thủ đoàn mất tích.

Chính sách ngoại giao chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông trở nên rõ ràng hơn do sự kiện Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn (Mischief Reef) vào năm 1994 (và bị phát hiện vào năm 1995). Dựa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Philippines là nước có chủ quyền pháp lý rõ ràng đối với các nguồn tài nguyên tự nhiên trong khu vực bãi đá, ví dụ như thủy hải sản, do nó nằm hoàn toàn trong vùng 200 hải lý của vùng Đặc quyền Kinh tế của nước này (cụ thể hơn Đá Vành Khăn cách địa phận đảo Palawan 127 hải lý).

Theo quan điểm của Marvin Ott, sự kiện chiếm đóng “Đá Vành Khăn có ý nghĩa rất quan trọng, không phải trong vai trò một tài sản quân sự, mà trong vai trò một bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc quyết tâm triển khai sức mạnh và sự hiện diện của mình trên Biển Đông.”[3] Sự việc diễn ra vào thời điểm Mỹ mới rút lực lượng vũ trang khỏi Philippines vài năm. Theo một nghĩa nào đó, việc Chiến Tranh Lạnh chấm dứt và kéo theo đó là cuộc rút quân từ từ của Mỹ ra khỏi Đông Nam Á và Đông Bắc Á từ những năm 1970, điển hình là Học thuyết Nixon, rõ ràng đã góp phần tạo nên nhận thức về cơ hội mở rộng sức mạnh cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) lẫn Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) nước này.

Đầu năm 1995, chính phủ Philippines đã đáp trả bằng cách cung cấp cho báo giới quốc tế những hình ảnh cho thấy “các dàn cấu trúc bê tông hình bát giác dựng trên các cột thép” do Bắc Kinh xây dựng tại khu vực đảo Vành Khăn. Bất chấp những tấm ảnh bằng chứng được đưa ra, Bắc Kinh ban đầu vẫn phủ nhận thông tin cho rằng họ có xây dựng bất cứ công trình chiến lược nào, và khẳng định đó chỉ là những nơi trú ẩn cho ngư dân Trung Quốc. Dù chính phủ Philippines đã dùng đến hành động quân sự ngay từ đầu khi cử một số tàu hải quân cùng “toàn bộ lực lượng năm chiến đấu cơ F-5” của nước này như phát biểu của Đại tá Felipe Gaerlan,[4] nhưng những hạn chế của lực lượng vũ trang đã nhanh chóng buộc chính phủ phải chuyển hướng sang sử dụng các biện pháp ngoại giao, bao gồm tận dụng vai trò thành viên ASEAN. ASEAN đã mau chóng hồi đáp bằng các biện pháp kết hợp đồng thời cây gậy và củ cà rốt.

Vào tháng 3/1995, các ngoại trưởng của ASEAN cùng lên án Trung Quốc qua một tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên Biển Đông; hiệp hội đã viện dẫn đến tinh thần của “Tuyên bố ASEAN về Biển Đông” năm 1992 để củng cố lời kêu gọi các bên kềm chế tiến hành những hành động gây mất ổn định. Mặt khác, ASEAN cũng khuyến khích Trung Quốc tham gia vào “một mạng lưới các tổ chức khu vực” và các hội thảo, hay một “cấu trúc mới phôi thai gồm các thành viên tốt” như cách gọi của Michael Leifer.[5]

Nhưng gạt bỏ mọi nỗ lực nêu trên, Bắc Kinh vẫn duy trì lập trường lâu nay rằng họ sẵn sàng tham dự các cuộc thảo luận song phương với các bên tranh chấp khác, nhưng sẽ không ngồi vào bàn đàm phán đa phương với ASEAN. Tuy nhiên, Trung Quốc bắt đầu nhìn nhận các nước ASEAN cùng những phương thức thể chế của tổ chức này bằng một con mắt khác và đẩy mạnh đầu tư thêm nguồn lực vào việc triển khai sức mạnh mềm ở mức độ cao hơn, hay như Kurlantzick mô tả là “Cuộc tấn công quyến rũ” (Charm Offensive).[6]

Giai đoạn từ năm 1992 đến 1995 đã chứng kiến đỉnh cao của tinh thần đoàn kết ASEAN trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, trong khi lập trường thống nhất của ASEAN giúp giảm nhiệt các căng thẳng công khai và chính thức về cuộc tranh chấp, Trung Quốc mặt khác vẫn tiếp tục tiến hành chiến lược “quyết liệt từng bước” (creeping assertiveness) và đến năm 1999 nước này đã mở rộng mạng lưới các công trình cấu trúc của mình trên những vùng lãnh hải tranh chấp, trong đó có cả đảo Vành Khăn. Kể từ đó, khả năng triển khai một “tiếng nói ngoại giao” chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông cũng dần suy yếu đáng kể.

Tình trạng bất lực này trở nên phức tạp hơn khi trong nội bộ của khối vẫn còn tồn tại những chia rẽ xuất phát từ tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn của các thành viên. Không chỉ vậy, vấn đề còn trở nên trầm trọng hơn khi tổ chức mở rộng số lượng thành viên, đồng thời cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á cũng gây ảnh hưởng lên các quan hệ trong khu vực và cả sự tự tin của ASEAN. Hệ quả là Philippines đã không thể đạt được mức độ đoàn kết cần thiết để tiến hành bước tiến mới (năm 1999) cho việc hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có tính ràng buộc cao. Mức độ thỏa hiệp cao nhất chỉ dừng ở bản “Tuyên bố DOC” lỏng lẻo được ký vào năm 2002. Trong vòng 1 năm, Bắc Kinh đã chứng tỏ được tính chất thiếu hiệu quả của DOC khi đàm phán và đi đến một thỏa thuận khai thác chung với Philippines – và sau đó là Việt Nam – và từ đó gây chia tách họ với các nước tranh chấp còn lại của ASEAN.

Các phản ứng đơn phương và đa phương trong bối cảnh căng thẳng leo thang

Kể từ năm 2007, Trung Quốc đã có bước chuyển hướng rõ rệt trong cách tiếp cận với tranh chấp Biển Đông. Ví dụ như vào tháng 7/2007, các tàu bán quân sự của Trung Quốc truy đuổi các tàu cá Việt Nam khỏi quần đảo Trường Sa và làm chìm ba tàu trong số đó. Một công ty liên doanh Anh – Hoa Kỳ – Việt Nam cũng bị Bắc Kinh gây sức ép phải từ bỏ dự án phát triển mỏ khí đốt ở ngoài khơi phía nam Việt Nam. Sau đó vào năm 2009, Malaysia và Việt Nam đã cùng đệ trình một báo cáo chung về khu vực phía nam của Biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc. Sáng kiến này đã khiến Bắc Kinh nổi giận và đáp trả bằng cách đệ trình hồ sơ của riêng mình, có đính kèm một bản đồ chủ quyền đường chín đoạn mới với phạm vi bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông.

Phản ứng của Bắc Kinh đã báo hiệu cho một bước ngoặt trong chính sách của các bên, chuyển từ mục tiêu cùng tìm một lập trường chung cho ASEAN sang sử dụng các thể chế đa phương như những công cụ cho mình. Một số nhà phân tích tin rằng Hà Nội đã tận dụng quyền lực của chức Chủ tịch ASEAN để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Nếu điều này là sự thực, Hà Nội đã bất chấp mọi tín hiệu cảnh cáo liên tục từ các quan chức Trung Quốc đối với những hành động như vậy, chủ động tìm kiếm một tuyên bố ủng hộ từ phía Mỹ tại hội nghị Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) vào tháng 7/2010.

Để đáp lại, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã phát biểu “Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải, quyền tiếp cận mở đối với các không gian hàng hải chung trên biển của châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông”, đồng thời cũng lưu ý rằng vấn đề này là một “ưu tiên ngoại giao” của Hoa Kỳ, và bày tỏ sẵn sàng đứng ra giúp hòa giải tranh chấp. Trung Quốc đã nổi giận đến mức có thông tin đại diện nước họ đã tuyên bố trong buổi họp kín rằng Trung Quốc đã nâng vấn đề Biển Đông lên thành “lợi ích cốt lõi” của nước này.[7] Bắc Kinh cũng lo ngại đối với mọi hành động có mục đích kiềm chế sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc, và những quan ngại này đã được củng cố khi không lâu sau hội nghị ARF diễn ra, Mỹ cho công bố chiến lược “xoay trục” về châu Á thu hút rất nhiều chú ý.

Với tư cách chủ tịch, Việt Nam cũng khôi phục các phiên họp của Nhóm Công tác chung ASEAN-Trung Quốc (JWG) về vấn đề triển khai DOC năm 2002. Kết quả của những nỗ lực này là các bên thống nhất thông qua một bộ Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông đầy mơ hồ vào tháng 7/2011. Tuy nhiên, bộ hướng dẫn này chỉ khả thi một khi ASEAN đáp ứng yêu cầu của Bắc Kinh (với sự ủng hộ của Campuchia) là xóa bỏ một đoạn trong đó đề cập đến đòi hỏi quyền tham vấn giữa nội bộ các nước ASEAN trước khi đi đến bất cứ thỏa thuận nào với Bắc Kinh. Một hướng dẫn bổ sung cũng yêu cầu bất cứ hành động hay dự án nào dựa trên DOC đều phải được báo cáo trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc.[8] Nhờ đó, ngay cả trong khuôn khổ đa phương chính thức của ASEAN, Trung Quốc vẫn thể chế hóa thành công tiến trình đàm phán song phương, đảm bảo khả năng chia để trị của nước này, đồng thời duy trì vị thế áp đảo bất tương xứng của mình.

“Bộ Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông” hầu như không có hiệu lực thực tế do quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam và Philippines ngày càng xấu đi, và vào năm 2011, Việt Nam đã cáo buộc các tàu của Trung Quốc hai lần cắt cáp thăm dò dầu khí của nước này. Vào tháng 7/2012, hơn chục tàu cá của Trung Quốc cùng hai tàu ngư chính nước này đã đối đầu với duy nhất một tàu hải quân của Philippines tại bãi cạn Scarborough.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn cho mời các công ty nước ngoài đấu thầu khai thác các lô dầu khí trong những vùng biển tranh chấp (tháng 7/2012). Tình hình bãi cạn Scarborough còn trở nên phức tạp hơn khi một tàu khu trục Trung Quốc mắc cạn tại một bãi cạn khác gần đó. Trái ngược với những báo cáo trước đó, sự việc này chứng tỏ các lực lượng bán quân sự Trung Quốc đang hoạt động phối hợp với Hải quân PLA và những hoạt động triển khai của nước này trên Biển Đông đều được lập kế hoạch từ trung ương ở mức độ cao hơn rất nhiều so với những đánh giá trong một số báo cáo trước đó.

Lo ngại trước những diễn biến này, một số thành viên ASEAN đã tìm cách củng cố các ràng buộc thể chế để kìm hãm thái độ cứng rắn của Bắc Kinh thông qua việc trở lại theo đuổi một bản COC có tính ràng buộc cao, đồng thời đẩy mạnh tiến trình triển khai các hướng dẫn của DOC. Đối với biện pháp thứ hai, các bên đã đạt được một thỏa thuận vào tháng 01/2012, thống nhất việc thành lập bốn nhóm chuyên gia về các vấn đề nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, tìm kiếm cứu nạn và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia.

Tuy vậy, ASEAN và Trung Quốc vẫn không thể đi đến đồng thuận về một hội đồng chuyên gia chung cho vấn đề “an toàn hàng hải và thông tin liên lạc trên biển do bị đánh giá là chứa quá nhiều điểm gây tranh cãi”.[9] Về phương án xây dựng COC, Bắc Kinh vẫn khăng khăng cho rằng bản hướng dẫn DOC nên được triển khai trước, và chỉ đến khi đó, vào “thời điểm chín muồi” và “điều kiện cho phép” Trung Quốc mới cân nhắc tham gia đàm phán về COC.[10]

Gạt bỏ những phản đối chính thức từ Bắc Kinh, chính phủ Philippines vẫn tự soạn thảo một bản COC sơ bộ và chuyển cho các nước ASEAN. Mặc dù vậy, các vòng đàm phán nội bộ ASEAN đã gặp trở ngại từ phía các thành viên không có tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời mỗi nước vẫn còn nhận thức khác nhau về mối đe dọa tiềm tàng từ sức mạnh đang trỗi dậy của Bắc Kinh. Đơn cử như các thành viên ASEAN nảy sinh bất đồng từ Điều số 1 đến số 6, nội dung bao quát các vấn đề như “khai thác chung”, việc áp dụng UNCLOS, và việc thiết lập một Cơ chế Giải quyết Tranh chấp (Dispute Settlement Mechanism) của khu vực.

Cùng lúc, trong Hội nghị ASEAN lần thứ 20 tại Phnom Penh từ ngày 3 – 4/4/2012, Trung Quốc lại đưa ra một lập trường mới và yêu cầu phải có một ghế tham dự các cuộc đàm phám nội bộ của các nước ASEAN về COC. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN vào năm đó, Campuchia đã ủng hộ yêu cầu này, nhưng vấp phải phản đối mạnh mẽ từ Philippines và Việt Nam. Các bên cuối cùng cũng đạt được thỏa hiệp, theo đó các thành viên ASEAN soạn thảo COC riêng, mặt khác Campuchia sẽ liên tục cập nhật tình hình đàm phán cho Bắc Kinh.[11]

Tiến triển trong việc soạn thảo COC được duy trì thông qua các cuộc thảo luận nội bộ ASEAN tại một Nhóm Công tác diễn ra vào tháng 4/2012, sau đó là một Cuộc họp các quan chức cấp cao (tháng 6/2012). Kết quả từ những cuộc họp mặt này là các bên tái soạn thảo những nguyên tắc cơ bản của COC. Bản thảo mới được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM) vào ngày 9/7/2012.

Tuy vậy, ngoại trừ các điểm đề cập đến hai cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định Thân thiện và Hợp tác và UNCLOS (cả hai đều mang tính tự nguyện), còn lại những phần dễ gây tranh cãi hơn trong phiên bản ban đầu do Philippines soạn thảo đều bị loại bỏ hoặc có phạm vi và mức độ cưỡng chế thi hành bị thu hẹp đáng kể.[12] Các ngoại trưởng của ASEAN sau đó đã bị cuốn vào cuộc tranh cãi khi phía Việt Nam và Philippines yêu cầu phải đưa vào (Tuyên bố chung của hội nghị) một đoạn đề cập đến hành động gây hấn của Trung Quốc – ví dụ như vụ bãi cạn Scarborough – và việc Bắc Kinh mời thầu khai thác các lô dầu khí trong khu vực Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.

Khi Việt Nam và Philippines không chấp nhận rút đoạn đề cập này ra khỏi văn bản, Campuchia đã quyết định không ra tuyên bố chung của hội nghị. Các trang tin ngay sau đó tiết lộ Campuchia đã tham vấn ý kiến của Bắc Kinh ngay trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán.[13] Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa đã coi đây là một bước lùi nghiêm trọng cho ASEAN và phát biểu: “Tôi cho rằng chúng ta thực sự quá vô trách nhiệm nếu không thể đi đến một tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông”.[14] Campuchia đã sẵn sàng hy sinh lợi ích chung của ASEAN về Biển Đông, trong khi đó Trung Quốc hiện là nhà đầu tư và viện trợ nước ngoài chính yếu cho Campuchia.

Ông Marty Natalegawa sau đó đã cố gắng hòa giải bất đồng này khi thực hiện một chuyến ngoại giao con thoi đến Campuchia, Việt Nam và Philippines. Từ các cuộc thảo luận này, và để giảm bớt mức độ căng thẳng song phương nội khối giữa các thành viên ASEAN tham gia tranh chấp Biển Đông, ông đã tự soạn thảo một “kế hoạch sáu điểm” và cho công bố vào cuối tháng 7/2012. Theo một nhà phân tích, tất cả các nước ASEAN đã “chấp thuận sáu nguyên tắc của ‘Lập trường chung ASEAN’ về vấn đề Biển Đông”, đặc biệt trong đó có yêu cầu các bên cam kết tuân thủ DOC, và “sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông”.[15]

Tuy nhiên, kế hoạch sáu điểm đã không giới thiệu thêm bất cứ điểm mới nào, và chỉ có thể đóng vai trò tạm thời ngăn cản cuộc tranh chấp nổ ra. Ví dụ, biện pháp ngoại giao này đã bộc lộ những hạn chế rõ ràng khi các thành viên ASEAN từ chối yêu cầu từ Philippines về tái đàm phán một lập trường thống nhất của khối về Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng 11/2012. Kết quả là Philippines phải quay về với đường lối giao giao đơn phương và tự cầu viện trọng tài quốc tế thông qua Tòa án Luật biển Quốc tế ITLOS (nguyên văn).

Biện pháp chung nhất được các nhà phân tích ủng hộ là các bên gác lại tuyên bố chủ quyền của mình và chấp nhận các cơ chế thăm dò và khai thác chung. Mặc dù vậy, Trung Quốc tuyên bố sẽ chỉ sẵn sàng cân nhắc phương án này trên cơ sở song phương. Vấn đề ở chỗ, tình trạng thiếu vắng một thỏa thuận đa phương có thể gây khó khăn trong việc dàn xếp các tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn trong nội khối ASEAN. Trở ngại chính ở đây là các bên có tuyên bố chủ quyền của ASEAN không thể cùng thống nhất một lập trường chung, trong khi đó phía Trung Quốc vẫn nhất định yêu cầu cách tiếp cận song phương đối với tranh chấp.

Một yếu tố khác gây phức tạp hơn nữa liên quan đến quan điểm cho rằng đối với một số các nước tham gia tranh chấp, vấn đề Biển Đông có thể được coi là một “tranh chấp nguyên trạng” (status quo dispute). Một mặt, nhiều yêu sách chủ quyền không có cơ sở pháp lý vững chắc nếu dựa theo luật quốc tế, và điều này lý giải tại sao Trung Quốc không muốn sử dụng đến biện pháp trọng tài quốc tế. Mặt khác, một số quốc gia lại tin rằng mọi thay đổi về nguyên trạng hiện tại cũng sẽ không có lợi cho phía họ, đặc biệt là nếu xét theo những yếu tố như sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Điển hình như một quan chức quân đội cấp cao của Việt Nam từng phát biểu: “Nếu có bất cứ biến đổi nào trong cuộc tranh chấp, nó sẽ không có lợi cho Việt Nam, giải pháp tốt nhất chúng tôi có thể hy vọng là duy trì tình trạng hiện nay.”[16]

Kết luận

Khả năng ASEAN có thể đi đến một sự đồng thuận chung thực sự ý nghĩa về vấn đề Biển Đông vẫn tiếp tục mịt mùng. Thành viên của khối cho đến nay vẫn chưa thể hiện tinh thần sẵng sàng hy sinh “lợi ích quốc gia” để đổi lấy “lợi ích chung” cho ASEAN, kể cả khi lợi ích chung này sẽ đem đến lợi ích tối ưu, thậm chí là tuyệt đối cho tất cả các bên. Trong khi đó, một số nước ASEAN còn có lợi ích kinh tế và chiến lược phụ thuộc mạnh mẽ vào Trung Quốc. Một phương án có thể giúp giảm tình trạng tiến thoái lưỡng nan này là thành lập một tiểu ban công tác ASEAN, ví dụ như một nhóm ASEAN–X chỉ tập hợp các thành viên có yêu sách chủ quyền.

Dù cách này có thể giúp giảm nguy cơ mất đoàn kết trong những diễn đàn rộng hơn của ASEAN và đảm bảo uy tín vai trò trung tâm khu vực cho khối, nhưng ngược lại cũng làm suy yếu tiếng nói ngoại giao chung của ASEAN. Tuy nhiên, trong trường hợp một biện pháp như vậy được thông qua, nó cũng cần kết hợp với phương án các bên chấp nhận thăm dò chung dựa trên tinh thần tự nguyện tại những vùng biển tranh chấp còn quá mơ hồ trong việc áp dụng UNCLOS. Mặc dù vậy, vẫn có khả năng Trung Quốc sẽ phản đối bất cứ sáng kiến nào mà họ coi là đa phương hóa hay quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông.

Chú thích

  1. ‘ASEAN Declaration on the South China Sea (Manila),’ ASEAN Secretariat, http://www.aseansec.org/1196.htm.
  2. ‘Southeast Asia: International Code of Conduct Urged for Spratleys’, Inter Press Service, 22 July 1992.
  3. Marvin Ott, ‘Asean and the South China Sea: A Security Framwork under Seige’, Center for Strategic and International Studies, http://csis.org/publication/asean-and-south-china-sea-security-framework-under-seige
  4. Michael Richardson, ‘Chinese Gambit: Seizing Spratly Reef without a Fight,’ International Herald Tribune, 17 February 1995.
  5. Trích từ bài viết của Barry Wain, ‘China Nibbles, Asean Dithers,’ The Wall Street Journal, 10 March 1995.
  6. Joshua Kurlantzick, ‘China’s Charm Offensive in Southeast Asia,’ Carnegie Endowment for International Peace, http://carnegieendowment.org/2006/09/01/china-s-charm-offensive-insoutheast-asia/979.
  7. ‘Asia-Pacific,’ Strategic Survey 111, no. 1 (2011): 355.
  8. Bài phỏng vấn của Christopher Roberts với học giả, Học viện Ngoại Giao Việt Nam (Hà Nội) tháng 1/2011.
  9. Carlyle A. Thayer, ‘ASEAN’s Code of Conduct in the South China Sea: A Litmus Test for Community Building?’ The Asia-Pacific Journal: Japan Focus 10, no. 34 (2012): 3.
  10. Bài đã dẫn.
  11. ‘A New Wave of Chinese Assertivness: Roping Off Scarborough Shoal, Oil Leases in Vietnam’s EEZ, Military Garrison on Land and Fishing Armada at Sea,’ trong Hội nghị quốc tế về Biển Đông lần thứ 2: Những phát triển địa chiến lược và triển vọng quản lý tranh chấp, do Viện Nghiên cứu Biển Malaysia (MIMA) tổ chức (2nd MIMA South China Sea Conference: Geo-Strategic Developments and Prospects for Disputes Management), Kuala Lumpur, 2012.
  12. ‘ASEAN’s Code of Conduct in the South China Sea: A Litmus Test for Community Building?’
  13. ‘Cambodia’s Foreign Relations; Losing the Limelight,’ The Economist, 17 July 2012.
  14. ‘Asean Struggles for Unity over South China Sea,’ Agence France Presse, 12 July 2012.
  15. ‘The Tyranny of Geography: Vietnamese Strategies to Constrain China in the South China Sea,’ Contemporary Southeast Asia 33, no. 3 (2011).
  16. Bài phỏng vấn của Christopher Roberts với Quan chức Quốc phòng cấp cao tại Hà Nội, tháng 1/2012.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]