Chính sách thắt lưng buộc bụng sai lầm của Châu Âu

Print Friendly, PDF & Email

woreuprotest

Tác giả: Joseph E. Stiglitz | Biên dịch: Hà Quỳnh Hương

Một câu ngạn ngữ cổ nói rằng “Nếu thực tế không khớp với lý thuyết, hãy thay đổi lý thuyết ấy đi”. Tuy nhiên, giữ nguyên lý thuyết và thay đổi các bằng chứng thì thường dễ dàng hơn – và Thủ tướng Đức Angela  Merkel và các nhà lãnh đạo châu Âu khác ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng có vẻ tin chắc như vậy. Mặc dù các bằng chứng hiện hữu vẫn đang sờ sờ trước mặt họ, họ tiếp tục phủ nhận thực tế.

Chính sách thắt lưng buộc bụng đã thất bại. Tuy nhiên, những người bảo vệ chính sách này đang mong muốn tuyên bố thắng lợi dựa trên cơ sở một bằng chứng yếu nhất có thể: nền kinh tế không còn ở tình trạng suy sụp, do đó hẳn là chính sách thắt lưng buộc bụng đang phát huy vai trò!

Nhưng nếu đó là tiêu chuẩn đánh giá thì nó cũng giống như chúng ta có thể nói rằng nhảy ra khỏi một vách đá là cách tốt nhất để đi xuống núi. Rốt cuộc sự suy giảm này đã được chặn lại. Nhưng suy thoái nào rồi cũng đến hồi kết thúc. Thành công không phải được đo bởi thực tế là sự phục hồi cuối cùng cũng xảy ra, mà bằng việc sự phục hồi đó bám rễ nhanh như thế nào và thiệt hại mà khủng hoảng gây ra lớn tới bao nhiêu.

Xem xét dưới các góc độ này, chính sách thắt lưng buộc bụng là một thảm họa hoàn toàn và tuyệt đối, điều đã trở nên ngày càng rõ ràng khi các nền kinh tế Liên minh châu Âu một lần nữa đang đối mặt với tình trạng trì trệ, nếu không phải là một cuộc suy thoái lần ba sau giai đoạn phục hồi ngắn ngủi, với tỷ lệ thất nghiệp dai dẳng ở mức cao kỷ lục và GDP bình quân đầu người thực tế (đã được điều chỉnh lạm phát ) ở nhiều nước vẫn duy trì ở dưới mức trước khủng hoảng. Ngay cả ở những nền kinh tế đang vận hành tốt nhất, ví dụ như Đức, tăng trưởng kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 chậm đến nỗi xét trong bất cứ một hoàn cảnh nào khác thì sẽ được đánh giá là ảm đạm.

Các nước khổ sở nhất  là những nước đang trong suy thoái. Không có từ ngữ nào khác để mô tả một nền kinh tế tương tự như của Tây Ban Nha hay Hy Lạp, nơi mà gần một trong bốn người – và hơn 50% thanh niên – không thể tìm được việc làm. Nói rằng thuốc chữa đang có tác dụng bởi vì tỷ lệ thất nghiệp đã giảm một vài điểm phần trăm, hoặc bởi vì người ta có thể nhìn thấy một tia hi vọng tăng trưởng ít ỏi, thì cũng giống như một anh thợ cắt tóc thời trung cổ nói rằng có thể trích máu được, bởi vì bệnh nhân còn chưa chết.[1]

Khi phân tích tăng trưởng khiêm tốn của châu Âu từ năm 1980 trở đi, tính toán của tôi cho thấy sản lượng trong khu vực đồng euro hiện nay  thấp hơn 15% so với mức nó đã có thể đạt nếu cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 không xảy ra, có nghĩa là chỉ tính riêng năm nay đã mất khoảng 1,6 nghìn tỷ đô la, và sự mất mát lũy kế là hơn 6,5 nghìn tỷ đô la. Thậm chí đáng lo ngại hơn, khoảng cách giàu nghèo đang nới rộng, không khép lại (như người ta mong đợi sau một cuộc suy thoái, tăng trưởng sẽ thường nhanh hơn so với bình thường do nền kinh tế lấy lại những gì đã mất).

Nói một cách đơn giản, suy thoái dài hạn đang làm giảm tăng trưởng tiềm năng của châu Âu. Thanh niên là những người đáng ra nên được tích lũy các kỹ năng thì lại không được trang bị. Có vô số bằng chứng cho thấy họ phải đối mặt với triển vọng thu nhập suốt đời thấp hơn đáng kể so với thời đầy đủ công ăn việc làm.

Trong khi đó, Đức đang ép các nước khác theo đuổi các chính sách đang có hậu quả làm suy yếu nền kinh tế – và nền dân chủ của họ. Khi công dân liên tục bỏ phiếu cho một sự thay đổi chính sách – và ít chính sách nào quan trọng đối với người dân hơn là những chính sách ảnh hưởng đến nồi cơm manh áo của họ – thì họ lại được cho biết rằng những vấn đề này được quyết định ở một nơi khác hoặc là họ không có lựa chọn nào khác. Do đó, cả nền dân chủ và niềm tin vào dự án hội nhập châu Âu quả thật đang phải gánh chịu hậu quả từ điều đó.

Người Pháp đã bỏ phiếu để có được thay đổi ba năm trước đây. Nhưng thay vào đó, các cử tri đã được đưa cho một liều thuốc khác, đó là chính sách thắt lưng buộc bụng có lợi cho giới doanh nghiệp. Một trong những vấn đề lâu đời nhất trong kinh tế học là số nhân ngân sách cân bằng (balanced-budget multiplier) – tăng thuế và tăng chi tiêu cùng lúc để kích thích nền kinh tế. Và nếu thuế nhắm vào người giàu, chi tiêu nhắm vào người nghèo, thì số nhân này có thể cao một cách đặc biệt. Nhưng cái gọi là chính quyền xã hội chủ nghĩa của Pháp đang giảm thuế doanh nghiệp và cắt giảm chi tiêu – một công thức gần như đảm bảo làm suy yếu nền kinh tế, nhưng đó lại là chính sách giành được sự ủng hộ từ Đức.

Niềm hy vọng là thuế doanh nghiệp ở mức thấp hơn sẽ kích thích đầu tư. Đây là điều tuyệt đối vô nghĩa. Điều đang cản trở đầu tư (cả ở Mỹ và châu Âu) là tổng cầu yếu, chứ không phải thuế cao. Thật vậy, trong khi phần lớn đầu tư được huy động qua vay nợ, và các khoản thanh toán lãi vay được khấu trừ thuế, thì mức thuế doanh nghiệp ít có tác động lên đầu tư.

Tương tự, Ý đang được khuyến khích để thúc đẩy tư nhân hóa. Tuy nhiên, Thủ tướng Matteo Renzi có cảm quan tốt khi nhận ra rằng việc bán các tài sản quốc gia với giá vứt đi là không khôn ngoan. Xem xét trong dài hạn, chứ không phải nhu cầu cấp bách về tài chính ngắn hạn, sẽ quyết định hoạt động nào nên dành cho khu vực tư nhân. Quyết định này cần được dựa trên việc xác định tại khu vực nào (công hay tư) các hoạt động được thực hiện một cách hiệu quả nhất, phục vụ tốt nhất lợi ích của hầu hết các công dân.

Ví dụ, tư nhân hóa (quỹ) lương hưu đã cho thấy tốn kém ở nhiều nước đã thử nghiệm. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ mà phần lớn thuộc sở hữu tư nhân là kém hiệu quả nhất trên thế giới. Đây là những câu hỏi khó, nhưng nó rất dễ dàng để cho thấy rằng việc bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước với giá thấp không phải là một cách tốt để cải thiện  sức mạnh tài chính dài hạn.

Tất cả những đau khổ ở châu Âu – bị gây ra nhằm giúp duy trì một sản phẩm do con người tạo ra, đồng euro – thậm chí còn bi đát hơn vì bản thân những đau khổ đó là không cần thiết. Mặc dù các bằng chứng cho thấy chính sách thắt lưng buộc bụng  không hiệu quả tiếp tục hiện diện, Đức và những người ủng hộ khác vẫn tiếp tục nhân đôi cam kết của mình, đánh cược tương lai của châu Âu vào một lý thuyết đã mất uy tín. Tại sao phải cung cấp thêm cho các nhà kinh tế các bằng chứng để chứng minh quan điểm này?

Joseph E. Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế và giáo sư tại Đại học Columbia, là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton, từng giữ chức Phó Chủ tịch cao cấp và Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Cuốn sách mới nhất của ông đồng tác giả với Bruce Greenwald là Creating a Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress.

Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate

————–

[1] Thời trung cổ ở châu Âu, người ta đôi khi rút máu của bệnh nhân để chữa hoặc ngăn chặn bệnh tật của người đó. Việc làm này dựa trên một niềm tin rằng máu và các dịch cơ thể khác phải được duy trì ở tỉ lệ cân bằng thì cơ thể mới khỏe mạnh được (NBT).