60. Phân biệt Rogue states với Pariah states
“Rogue states” (quốc gia bất hảo) là từ mà Hoa Kỳ dùng để chỉ các quốc gia gây nên các mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Thông thường đây là các quốc gia có các chế độ độc tài, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, tài trợ khủng bố và tham gia phổ biến các vũ khí giết người hàng loạt. Ví dụ hiện nay Mỹ coi Syria, Bắc Triều Tiên hay Iran là các “rogue states”.
Trong khi đó “Pariah states” (tạm dịch: quốc gia bị bài xích) thường để chỉ các quốc gia bị bao vây, cấm vận kinh tế, cô lập về ngoại giao, nằm ngoài rìa xã hội quốc tế. Các quốc gia này mặc dù vậy không gây ra các mối đe dọa an ninh bên ngoài biên giới của mình. Myanmar mấy năm trước đây hay Việt Nam trong những năm 1980 là những ví dụ về pariah states.
59. Faustian bargain (thỏa thuận với quỷ)
Đây là từ chỉ thỏa thuận của Faust, một nhân vật trong truyền thuyết của Đức, người đã đổi linh hồn của mình cho quỷ để lấy những lợi ích vật chất. Theo đó, Faustian bargain cũng chỉ những thỏa thuận đánh đổi các lợi ích cốt lõi dài hạn (thường với đối thủ) để lấy những lợi ích ngắn hạn trước mắt.
Ví dụ: Obama’s effort to strike a Faustian bargain with the Afghan Taliban, whose top leaders enjoy sanctuary in Pakistan, indicates that he is more interested in confining terrorism to the Middle East than defeating it.
58. Cake theory (lý thuyết chiếc bánh)
Kể từ năm 2010, những cuộc tranh luận về chính sách giữa phe bảo thủ và phe cải cách trong Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung vào vấn đề làm sao để cân bằng phát triển kinh tế với sự phân bổ của cải trong xã hội. Năm 2011, hai hướng tiếp cận khác nhau nổi lên trong bối cảnh Bạc Hy Lai và Uông Dương – Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông – có sự bất đồng về “lý thuyết chiếc bánh” (cake theory). Ông Uông theo chủ nghĩa tự do đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế: “trước hết phải nướng được chiếc bánh to hơn rồi mới tính đến chuyện chia nó”. Ông Bạc phản bác rằng giải pháp của Uông là “sai lầm trong thực tiễn. Nếu chia chiếc bánh không đều, những người làm nên chiếc bánh sẽ chẳng cảm thấy có động lực để nướng nó nữa”. Những nhà cải cách trong đảng có xu hướng theo phe Uông Dương, đồng ý đặt ưu tiên “làm một chiếc bánh to hơn”, trong khi những người phe bảo thủ cho rằng “chia bánh công bằng” mới tạo điều kiện cho phát triển.
57.Các thủ tục bên thứ ba thường được dùng trong giải quyết tranh chấp quốc tế:
– Trung gian hòa giải (good offices): bên thứ ba cung cấp một địa điểm để các bên tranh chấp thương lượng nhưng không tham gia vào các đàm phán trên thực tế.
– Hoà giải (conciliation): bên thứ ba giúp đỡ cả hai phía nhưng không đưa ra bất cứ giải pháp nào.
– Trung gian (mediation): bên thứ ba đề xuất một giải pháp không ràng buộc cho một cuộc xung đột giữa các quốc gia.
– Trọng tài (arbitration): bên thứ ba đưa ra một quyết định ràng buộc thông qua một diễn đàn đặc biệt.
– Xét xử (adjudication): bên thứ ba đưa ra một quyết định ràng buộc thông qua một toà án thường trực.
Nguồn: The Global Future: A Brief Introduction to World Politics, p. 260
56. War of Jenkins’ Ear (Chiến tranh Tai Jenkins)
Đây là từ chỉ cuộc chiến tranh giữa Anh và Tây Ban Nha từ năm 1739 đến năm 1748. Từ Chiến tranh Tai Jenkins được sáng tạo ra bởi Thomas Carlyle năm 1858 do trong cuộc chiến một thuyền trưởng tàu buôn người Anh là Robert Jenkins đã bị xẻo mất tai. Chiếc tai này đã được trưng ra trước Quốc hội Anh. Sự cố này đã góp phần dẫn tới việc Anh tiến hành chiến tranh chống lại Tây Ban Nha. Tuy nhiên một lý do quan trọng khác là Anh muốn buộc Tây Ban Nha chấp nhận thỏa thuận cho phép Anh được buôn bán nô lệ ở những vùng đất thuộc Tây Ban Nha ở Châu Mỹ.
55. Capture theory (tạm dịch: Lý thuyết khống chế)
Đây là lý thuyết trong ngành chính sách công cho rằng một ngành (ví dụ điện, nước, viễn thông…) bị điều tiết có thể thu lợi từ sự điều tiết thông qua việc tìm cách khống chế cơ quan điều tiết có liên quan, qua đó tác động tới các chính sách điều tiết của chính phủ theo hướng có lợi cho họ.
54. Seigniorage
Đây là từ chỉ khoản lợi nhuận thể hiện ở sự chênh lệch giữa giá trị của một thỏi kim loại quý với giá trị bề mặt của các đồng xu đúc từ thỏi kim loại đó.
Từ này bắt nguồn từ từ seignior, nghĩa là lãnh chúa phong kiến, những người nắm trong tay quyền đúc và lưu hành các đồng tiền trong lãnh thổ mà mình cai quản
53. Proxy war (chiến tranh ủy nhiệm)
Chiến tranh ủy nhiệm (hay chiến tranh qua tay người khác) là từ chỉ các cuộc chiến tranh được tiến hành gián tiếp giữa các cường quốc đối địch thông qua các lực lượng thứ ba thay mặt họ. Các cuộc chiến tranh này thường diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên nhiều cuộc chiến tranh được coi là chiến tranh ủy nhiệm nhưng bản thân các bên tham gia trực tiếp cũng có những động cơ riêng của họ chứ không đơn thuần đại diện cho lợi ích của các cường quốc.
52. Nanny state (nhà nước bảo mẫu)
Đây là thuật ngữ có nguồn gốc từ Anh miêu tả một chính phủ với các chính sách mang tính bảo vệ hay can thiệp quá mức vào cuộc sống và các lựa chọn của người dân. Từ “bảo mẫu” là mang ý so sánh chính phủ với vai trò chăm sóc trẻ nhỏ của một người bảo mẫu.
51. Phân biệt Piracy và Armed robbery/ sea robbery
Piracy (cướp biển) và armed robbery/ sea robbery (cướp có vũ trang trên biển) đều là các hành động vũ lực bất hợp pháp chống lại các tàu thuyền trên biển. Tuy nhiên điểm khác biệt là một hành động như vậy chỉ được gọi là “cướp biển” khi xảy ra ở công hải, hay vùng biển quốc tế, nằm ngoài quyền tài phán của các quốc gia. Trong khi đó “cướp có vũ trang” xảy ra trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của một quốc gia ven biển, như vùng EEZ hay lãnh hải của quốc gia đó.