Nhóm G-20 (Group of 20)

Print Friendly, PDF & Email

g20

Tác giả: Nguyễn Thị Tố Nga 

G-20 là tên gọi viết tắt của Nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hai mươi nền kinh tế này bao gồm 19 nước (Anh, Argentina, Australia, Ảrập Xêút, Ấn Độ, Brazil, Canada, Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Mexico, Mỹ, Nam Phi, Nhật Bản, Liên bang Nga, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, và Ý) và Liên minh châu Âu. Liên minh châu Âu được đại diện bởi nước giữ vai trò chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu và đại diện Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ngoài 20 thành viên chính thức trên, trong các cuộc họp của G-20 còn có sự tham gia của Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ tịch của Ủy ban Tiền tệ và Tài chính Quốc tế (IMFC) và Chủ tịch Ủy ban Phát triển (DC) của IMF và WB.

G-20 được thành lập vào năm 1999, theo sau cuộc Khủng hoảng Tài chính châu Á năm 1997, với hội nghị đầu tiên diễn ra tại Berlin (Đức) từ ngày 15 đến ngày 16 tháng 12 năm 1999. Thông cáo thành lập của G-20 tuyên bố G-20 được thành lập nhằm cung cấp một cơ chế mới cho việc đối thoại không chính thức trong khuôn khổ hệ thống Bretton Woods, mở rộng thảo luận về các vấn đề chính sách kinh tế và tài chính quan trọng giữa các nền kinh tế chủ chốt trong hệ thống và thúc đẩy hợp tác nhằm giúp nền kinh tế thế giới đạt được tăng trưởng ổn định và bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia. Vì vậy bên cạnh việc giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế, qua đó giúp củng cố cấu trúc tài chính quốc tế, G-20 cũng mang lại cho các thành viên một diễn đàn nhằm thảo luận các vấn đề kinh tế quốc tế hiện hành khác.

G-8                   
G-8, diễn đàn tiền thân của G-20, là nơi tập hợp 8 nền kinh tế lớn và phát triển nhất thế giới. G-8 được thành lập dưới sự chủ trì của Pháp vào năm 1975 sau cuộc Khủng hoảng dầu mỏ 1973, với sáu thành viên ban đầu là Pháp, Đức, Ý, Nhật, Mỹ và Anh. Sau đó Canada và Nga lần lượt gia nhập vào các năm 1976 và 1997.

Trước khi G-20 được thành lập, theo sáng kiến của G-8 một số nhóm theo hình thức tương tự với G-20 cũng đã được xây dựng nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các nước xoay quanh các vấn đề liên quan đến cải cách hệ thống tài chính quốc tế. G-22 và sau đó là G-33 có thể được xem là tiền thân của G-20. G-22 đã có các cuộc họp tại Washington vào tháng 4 và tháng 10 năm 1998. Hai cuộc họp sau đó với số lượng các nước tham gia lớn hơn (G-33) diễn ra vào tháng 3 và tháng 4 năm 1999. Kết quả của các cuộc họp này đã cho thấy lợi ích từ việc có một diễn đàn thảo luận và tham vấn các vấn đề quốc tế mà trong đó thành viên bao gồm cả những nước phát triển và những nước đang phát triển. Một diễn đàn như vậy đã chính thức được xây dựng với sự ra đời của G-20.

Trên phương diện sức mạnh kinh tế, tính đến thời điểm hiện tại, G-20 chiếm khoảng 90 phần trăm tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của thế giới và 80 phần trăm thương mại thế giới (bao gồm thương mại nội bộ khối EU). Trên phương diện địa lý và dân số, G-20 gồm đại diện của cả 5 châu lục và chiếm đến 2/3 dân số thế giới.

Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế khởi phát năm 2007 đặt ra nhu cầu cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác và phối hợp quốc tế nhằm đối phó với các vấn đề vượt qua khả năng kiểm soát của một quốc gia. Theo đó, Hội nghị Thượng đỉnh cấp lãnh đạo cao nhất G-20 lần đầu tiên đã được tổ chức tại Washington năm 2008, và sau đó tại London và Pittsburgh năm 2009. Tại Pittsburgh, lãnh đạo các nước và tổ chức thuộc G-20 đã thống nhất G-20 sẽ thay thế G-8 trở thành diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế quan trọng nhất.

Không giống các thể chế quốc tế khác như OECD, IMF hay WB, G-20 không có nhân sự làm việc thường trực. Ghế chủ tịch G-20 luân chuyển hàng năm giữa các thành viên và được chọn từ nhóm các quốc gia thuộc các khu vực khác nhau. Để đảm bảo tính liên tục cho các hoạt động của nhóm qua các năm, G-20 có cơ cấu quản lý theo hình thức “troika” gồm 3 thành viên, đó là nước giữ cương vị chủ tịch đương nhiệm, chủ tịch của năm trước, và chủ tịch của năm tiếp theo. Nước giữ vai trò chủ tịch đương nhiệm sẽ lập một ban thư ký lâm thời, chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động của nhóm và tổ chức các cuộc họp của nhóm.

Theo thông lệ của nhóm thì mỗi năm các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các nước thành viên họp một lần. Để chuẩn bị cho cuộc họp này, hai cuộc họp cấp thứ trưởng và một loạt các công việc mang tính chất kỹ thuật cũng thường được tổ chức trước đó. Các công việc mang tính chất kỹ thuật thường được tổ chức dưới hình thức hội thảo, báo cáo, nghiên cứu tình huống về một số chủ đề cụ thể.

Sau một thời gian tồn tại, G-20 đã đạt được một số thành quả tích cực trên một loạt các vấn đề, bao gồm các thỏa thuận về chính sách tăng trưởng, giảm lạm dụng hệ thống tài chính, đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính và chống tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. G-20 cũng giúp thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế được công nhận rộng rãi bằng cách tăng cường tính minh bạch của chính sách tài chính, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, trao đổi thông tin về các vấn đề thuế. G20 đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phối hợp đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới năm 2007-2008. Cụ thể, các nước thành viên G20 đã mở rộng phạm vi các quy định tài chính, gia tăng kiểm soát và giám sát lĩnh vực này. Việc phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô giữa các nước thành viên cũng được tăng cường nhằm tạo khuôn khổ cho tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, đồng thời xoa dịu các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng. Ngoài ra, khác với G-8, G20 cũng đã xem xét đến vai trò và nhu cầu của các nước đang phát triển, đặc biệt là thông qua những cải cách đầy tham vọng trong cơ chế quản trị của IMF và WB.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).