Nguồn: Charles W. Kegley, JR. & Gregory A. Raymond, The Global Future: A Brief Introduction to World Politics (Chapter 9), (Boston, MA: Wadsworth, 2010).
Biên dịch: Nguyễn Phú Lợi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Global Future
Cũng như tự nhiên sợ chân không, chính trị quốc tế cũng sợ tình trạng quyền lực mất cân bằng. Khi đối mặt với sự mất cân bằng quyền lực, các quốc gia cố tăng cường sức mạnh của chính mình hoặc liên kết với các quốc gia khác để đưa quyền lực quốc tế trở về trạng thái cân bằng.
Kenneth N. Waltz – Nhà khoa học chính trị
Bóng ma của một thế giới đầy rẫy các quốc gia ào ạt trang bị vũ khí hạt nhân vẫn luôn ám ảnh nhiều người suốt hàng thập kỉ. Dù vài học giả khẳng định rằng sự phổ biến vũ khí hạt nhân có thể khiến chiến tranh trở nên nguy hiểm hơn và vì vậy ít có khả năng xảy ra hơn, hầu hết mọi người đều lo sợ việc ngày càng nhiều nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ làm tăng khả năng bùng phát chiến tranh hạt nhân, dù là vô tình hay cố ý.
Như đã đề cập trong chương trước, Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) 1968 tìm cách kiểm soát sự lan rộng vũ khí hạt nhân bằng cách yêu cầu các quốc gia sở hữu chúng cam kết không chia sẻ công nghệ với nước khác và qui định rằng những quốc gia không sở hữu loại vũ khí này hứa hẹn sẽ không theo đuổi chúng. Hiệp ước đã được thông qua bởi 189 quốc gia (tuy nhiên Bắc Triều Tiên đã rút ra vào năm 2003), theo đó tất cả các bên có thể phát triển năng lượng hạt nhân dân sự vì mục đích hòa bình, mặc dù các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân bị yêu cầu phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa trong các hoạt động như đã được quy định trong một thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc.
Ấn Độ, nước không kí NPT, sở hữu một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đang hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng lớn của nước này. Vào ngày 18/5/1974, Ấn Độ đã cho nổ một thiết bị hạt nhân được chế tạo từ lò phản ứng ở Trombay, chứng tỏ rằng với những kĩ năng công nghệ và mức độ hiểu biết khoa học hiện đại, các nước nào muốn gia nhập câu lạc bộ hạt nhân đều có thể sử dụng nhiên liệu từ các nhà máy năng lượng dân sự để chế tạo vũ khí.
Để đáp trả, Pakistan, nước đã có các cuộc chiến tranh khốc liệt với Ấn Độ vào các năm 1947-1948, 1965 và 1971, đã bắt đầu bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Quan ngại rằng sự hỗ trợ quân sự của Trung Quốc có thể kích động Pakistan, Ấn Độ đã quyết định thị uy sức mạnh bằng một loạt vụ thử hạt nhân vào năm 1998. Tuy nhiên Pakistan cũng đã có những cuộc thử nghiệm tương tự của riêng mình. Liên Hợp Quốc lên án cả hai phía và Mỹ đã ủng hộ Liên Hiệp Quốc bằng cách áp đặt cấm vận lên New Delhi và Islamabad.
Ấn Độ đã mạnh mẽ phản đối chỉ trích trên. Sau các vụ thử, nước này đã tăng cường hiện đại hóa năng lực triển khai sức mạnh của hải quân và không quân, và thông báo dự kiến sẽ triển khai ít nhất 3 hàng không mẫu hạm trước năm 2020. Từ khoảng 11 tỉ đô-la cho năm 1999-2000, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ đã leo lên mức trên 21 tỉ đô-la vào năm 2007-2008 (Yuan 2007, 136). Với nền kinh tế tăng trưởng 7% mỗi năm, Ấn Độ cũng đã tiến hành một chương trình không gian đầy tham vọng, phóng 11 vệ tinh từ năm 1998 đến 2007 và một chương trình thám hiểm mặt trăng vào năm 2008. Cũng như những cường quốc đang lên khác, sự phát triển kinh tế liên tục của Ấn Độ không được đảm bảo chắc chắn. Nạn nghèo đói tràn lan, khan hiếm nước và hạ tầng yếu kém có thể sẽ cản trở sự chuyển mình của quốc gia này để sánh vai với các cường quốc khác. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dự đoán rằng tỉ trọng của Ấn Độ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới sẽ đứng hàng thứ ba trước giữa thế kỉ này, chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc.
Bất chấp những áp lực quốc tế yêu cầu Ấn Độ chấm dứt chương trình hạt nhân và kí kết NPT, nước này vẫn mãi kêu ca rằng chế độ chống phổ biến vũ khí hạt nhân chỉ công nhận một cách thiên vị việc sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc là hợp pháp trong khi đặt việc sở hữu bởi những nước khác ngoài vòng pháp luật. Khi xem xét lịch sử của mối xung khắc giữa New Delhi và Washington về vấn đề vũ khí hạt nhân, nhiều nhà quan sát đã phải kinh ngạc khi Thủ tướng Manmohan Singh và Tổng thống George W. Bush thông báo trong một cuộc gặp năm 2006 rằng họ đã đạt được thỏa thuận nhằm coi Ấn Độ là một ngoại lệ đối với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Để đổi lấy công nghệ và nhiên liệu hạt nhân từ Mỹ, Ấn Độ sẽ mở cửa các lò phản ứng phi quân sự cho các thanh sát viên IAEA. Các ý kiến chỉ trích cho rằng một khi được Quốc hội Ấn Độ, Quốc hội Mỹ và IAEA thông qua, thỏa thuận này sẽ làm suy yếu NPT.
Vì sao Mỹ đột ngột điều chỉnh lập trường đối với Ấn Độ và NPT? Chính quyền Bush đã công nhận rằng, Ấn Độ dân chủ đã trông coi có trách nhiệm các cơ sở hạ tầng hạt nhân của họ; New Delhi đã không chuyển giao vũ khí hay công nghệ hạt nhân cho nước khác. Mặc dù không có sự giám sát nào đối với các lò phản ứng quân sự của Ấn Độ và không có giới hạn đặt ra đối với số lượng các vũ khí hạt nhân mà Ấn Độ có thể sản xuất, những người ủng hộ thỏa thuận trên đồng tình rằng việc đặt những chương trình hạt nhân dân sự của quốc gia này dưới sự giám sát vĩnh viễn là một bước tiến đáng kể.
Các nhà hiện thực chính trị tỏ ra nghi ngờ đối với giải thích này. Họ coi sự chuyển dịch chính sách của Hoa Kỳ là sản phẩm của chính trị cân bằng quyền lực chứ không phải do sự trung thực của Ấn Độ. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh gần ngang hàng, Hoa Kỳ mong muốn bổ sung mối quan hệ lâu dài với Nhật Bản bằng mối quan hệ mới với Ấn Độ, nước mà Mỹ coi là một nước bản lề trong sự cân bằng quyền lực ỏ châu Á (Mohan 2006). Với việc đạt được một thỏa thuận có lợi cho Ấn Độ, Hoa Kỳ sẽ có cơ hội xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với nước này và tăng trọng lượng cho Nhật Bản để đối trọng với Trung Quốc. Các cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ ở Vịnh Bengal vào mùa hè 2007 thể hiện rõ sự hội tụ về chính sách an ninh giữa ba nước.
Từ quan điểm của Bắc Kinh, tam giác này nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, phủ nhận vị thế xứng đáng của nước này trên thế giới. Trước động cơ của Mỹ, tham vọng của Nhật Bản và sự quả quyết của Ấn Độ, Trung Quốc đang tìm kiếm những liên minh đối lập. Cùng với mối quan hệ truyền thống với Pakistan ở phía Tây Ấn Độ, Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ với nhiều quốc gia láng giềng phía Đông của Ấn Độ, bao gồm Bangladesh và Myanmar. Quan trọng hơn, nước này đã thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Dù không phải là một Hiệp ước phòng thủ tập thể như NATO, SCO đã liên kết Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan trong các cuộc tập trận quân sự chung như đã được tiến hành năm 2007 gần dãy núi Ural. Vào tháng 3/2008, Iran đã tỏ ý mong muốn gia nhập tổ chức này.
Những nhà hiện thực chủ nghĩa cho rằng sự lôi kéo mang tính địa chính trị này phản ánh một tiến trình cân bằng đã tồn tại từ lâu nhằm chống lại những nguy cơ tiềm ẩn. Mỹ có thể ủng hộ nguyên tắc không phổ biến hạt nhân, song nước này lại sẵn sàng tạo ngoại lệ của NPT cho Ấn Độ nhằm lợi dụng New Delhi để giúp đối trọng với một Trung Quốc đang lên. New Delhi có thể đã làm thất bại chính sách hạt nhân của Mỹ, song Ấn Độ cũng có những mối lo về Trung Quốc. Dù Mỹ và Ấn Độ bất hòa trong nhiều năm, nhưng họ có lợi ích chung trong việc giữ cân bằng quyền lực ở châu Á.
Chủ nghĩa hiện thực và cân bằng quyền lực
Luận bàn của chúng tôi về xung đột và quản lí xung đột trong phần III của cuốn sách Tương lai toàn cầu này đi theo một tiến trình logic. Chương 7 bắt đầu với việc tìm hiểu vì sao tần suất chiến tranh khiến cho việc chuẩn bị chiến tranh lại rất cần thiết. Chương 8 tìm hiểu việc đảm bảo an ninh quốc gia thông qua việc nâng cao tiềm lực quân sự. Giờ đây chúng tôi đặt ra câu hỏi làm thế nào để duy trì hòa bình trong một thế giới đầy rẫy các quốc gia vũ trang đầy vị kỉ vốn thường xuyên tiến hành ngoại giao cưỡng bức.
Các nhà chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo đưa ra nhiều phương án khác nhau cho câu hỏi này. Trong chương này, chúng tôi sẽ tập trung vào những phản ứng mang tính hiện thực: giữ cân bằng quyền lực[1] bằng cách thiết lập liên minh với các quốc gia khác nhằm cân bằng sức mạnh quân sự của địch thủ, và thương lượng những thỏa thuận kiểm soát vũ khí để duy trì sự cân bằng chiến lược.
Những giả định của thuyết cân bằng quyền lực
Khái niệm cân bằng quyền lực có một lịch sử lâu đời và gây nhiều tranh cãi. Dù những vận dụng chính trị cân bằng quyền lực có từ thời xa xưa, nhưng việc sử dụng thuật ngữ này trong việc lí thuyết hóa hành vi của các quốc gia hiện đại chỉ mới bắt đầu vào năm 1561 với tác phẩm về lịch sử hệ thống thành bang Italy thời Phục hưng của Francesco Guicciardini. Đầu thế kỉ XV, khi Milan đang mạnh lên, Florence liên minh với Venice để kìm hãm Milan. Sau đó, khi Venice mạnh lên, Florence cùng Milan đối trọng với Venice. Trong năm thế kỉ tiếp theo ở châu Âu, các cường quốc có xu hướng chống lại những mối đe dọa bá quyền. Theo một nghiên cứu thống kê về giai đoạn này, khi quốc gia dẫn đầu ngày càng chiếm nhiều quyền lực, những liên minh cân bằng quyền lực được hình thành để chống lại nó diễn ra hầu như 2/3 toàn bộ thời gian (Levy & Thompson 2005, 28).
Những người đề xướng nhìn nhận sự cân bằng như một tiến trình đối trọng duy trì hòa bình bằng cách khống chế sức mạnh quân sự của quốc gia nào tìm cách áp đảo. Họ cũng tin rằng bằng cách kiềm chế tham vọng bá quyền và tăng cường chế ngự, cân bằng quyền lực sẽ góp phần tạo điều kiện cho phát triển luật quốc tế. Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích chế giễu những lập luận này cho rằng chính trị cân bằng quyền lực gây ganh tị, âm mưu và thù hận. Khó khăn trong việc đánh giá những lập luận trái ngược này được cho là nằm ở sự đa nghĩa của thuật ngữ này (Claude 1962; Haas 1953). Dù “cân bằng quyền lực” có thể được sử dụng rộng rãi trong trong ngôn ngữ hằng ngày, việc xác định nghĩa chính xác của nó lại không dễ dàng.
Cốt lõi trong hầu hết các cách hiểu về “cân bằng quyền lực” là ý tưởng cho rằng an ninh quốc gia được nâng cao khi năng lực quân sự được phân bổ cân đối để không một quốc gia nào đủ sức thống trị các quốc gia khác. Nếu một quốc gia đạt sức mạnh vượt trội, thuyết cân bằng quyền lực dự báo rằng quốc gia đó sẽ tận dụng sức mạnh của mình và tấn công những láng giềng yếu hơn; vì vậy những nước bị uy hiếp sẽ tập hợp lại thành một liên minh phòng thủ. Theo lí thuyết này, sức mạnh quân sự tổng hợp của họ sẽ ngăn ngừa (hoặc, nếu cần, chống lại) quốc gia ấp ủ mục tiêu bành trướng. Vì vậy theo các nhà hiện thực chủ nghĩa, sự cạnh tranh tự do giữa các quốc gia đang ra sức tối đa hóa sức mạnh quốc gia sẽ tạo sự cân bằng quốc tế, đảm bảo sự tồn vong của mọi quốc gia thông qua kiềm chế tham vọng bá quyền.
Tiến trình cân bằng
Mặc dù việc cân bằng được mô tả là một tiến trình tự động, tự điều chỉnh, hầu hết các nhà hiện thực chủ nghĩa xem đây là kết quả của những hành động chủ tâm của các lãnh đạo quốc gia nhằm duy trì sự cân bằng giữa các quốc gia đang cạnh tranh nhau. Một vài hành động, ví dụ như tăng tiềm lực quân sự bằng vũ trang và liên minh, là nhằm tăng trọng lượng cho phe yếu thế của cán cân quốc tế. Những hành động khác, ví dụ như thương lượng giới hạn vũ khí và phạm vi ảnh hưởng, lại ra sức giảm trọng lượng của phe mạnh hơn. Chỉ bằng cách liên tục giám sát những dịch chuyển sức mạnh tương đối thì các lãnh đạo mới có thể hoạch định được chính sách để điều chỉnh sự mất cân bằng quyền lực.
Nhiều lí thuyết gia đã cố chỉ rõ một nhóm quy tắc đáng lưu ý để đảm bảo tiến trình cân bằng hiệu quả. Dưới đây là bảng tóm tắt những quy tắc này:
- Giữ cảnh giác. Luôn quan sát sự phát triển bên ngoài để xác định những thách thức và cơ hội đang nổi lên. Bởi vì hệ thống vô chính phủ quốc tế khiến mỗi quốc gia phải chịu trách nhiệm cho an ninh của chính mình, và do các quốc gia không biết được ý đồ của nhau, lợi ích tự thân khiến họ phải tối đa hóa sức mạnh tương đối. Như Morton Kaplan (1957) đã viết: “Hành động để tăng năng lực nhưng nên thương lượng thay vì đánh nhau…” [tuy nhiên] “Đánh nhau còn hơn là bỏ lỡ cơ hội tăng sức mạnh.”
- Tìm kiếm đồng minh bất cứ khi nào không thể bì kịp sức mạnh vũ trang của đối thủ. Các quốc gia liên kết với nhau có cùng lập trương về một số vấn đề an ninh chung. Một liên minh[2] được ra đời khi các quốc gia chính thức đồng ý phối hợp hành động trong những tình huống cụ thể. Mức độ phối hợp trải dài từ một danh sách chi tiết các lực lượng quân sự mà mỗi bên cung cấp trong chiến tranh cho đến những điều kiện đơn giản hơn rằng họ sẽ tham vấn lẫn nhau nếu xung đột xảy ra. Theo thuyết cân bằng quyền lực, các liên minh là công cụ chính yếu bù đắp lại sự bất lực trong việc đuổi kịp mức độ vũ trang của địch thủ.
- Các liên minh nên linh hoạt. Được thành lập và giải thể tùy theo nhu cầu chiến lược từng thời điểm, các liên minh phải được thành lập mà không cần tính đến sự tương đồng về văn hóa hay ý thức hệ (Owen 2005). Bởi vì các liên minh là công cụ điều chỉnh ngắn hạn nhằm chấn chỉnh sự mất cân bằng năng lực quân sự, các quốc gia không nên dựa vào kinh nghiệm quá khứ để chấp thuận hay bác bỏ một đối tác tiềm năng nào. Không ở đâu điều này có thể được thấy rõ bằng vai trò người cân bằng[3] của Anh trong ngoại giao của châu Âu trước đây. Từ thế kỉ 17 cho đến đầu thế kỉ 18, Anh đã dịch chuyển từ phe này sang phe kia của cán cân châu Âu, và biện luận rằng họ không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích vĩnh viễn trong việc ngăn chặn cán cân nghiêng về một trong hai phía (Dehio 1962). Như Winston Churchill đã mô tả, mục tiêu của Anh là “chống lại cường quốc mạnh nhất, hiếu chiến nhất, thống trị nhất ở lục địa châu Âu. … [Nước Anh] hợp cùng những cường quốc yếu hơn tạo thành một tập đoàn, và do đó đánh bại bất kì bạo chúa quân sự nào ở châu Âu dù cho ông ta là ai và cầm đầu quốc gia nào.” Hơn nữa, khi Churchill đối mặt với Đức quốc xã trong những ngày đầu của Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, ông chỉ ra rằng nước Anh nên linh hoạt để hợp sức với bất kỳ nước nào, bất kể ý thức hệ chính trị của họ. Một lần nọ ông mỉa mai: “Nếu Hitler xâm lược Địa ngục, ít nhất tôi cũng sẽ gọi tên Ác quỷ một cách thân thiện tại Hạ viện.”
- Chống lại quốc gia nào tìm kiếm bá quyền. Mục tiêu cần đạt được trong chính trị cân bằng quyền lực là sống sót được trong một thế giới đầy những láng giềng nguy hiểm tiềm tàng. Nếu một quốc gia giành được ưu thế tuyệt đối so với các quốc gia khác, quốc gia đó sẽ có quyền hành xử vô tội vạ. Trong những tình huống như vậy, sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của những quốc gia khác sẽ bị đe dọa. Bằng cách hợp lực với phe yếu hơn để ngăn ngừa phe mạnh hơn đạt thế thượng phong, các quốc gia có thể bảo toàn độc lập của mình. Joseph Nye (2005) đã chỉ ra: “Cân bằng quyền lực là một đường lối giúp đỡ kẻ yếu thế bởi vì nếu quý vị giúp cho kẻ mạnh, nó sẽ quay sang ăn thịt quý vị”.
- Ôn hòa khi chiến thắng. Edward Gulick (1955) biện luận rằng “Sự cân bằng không thể tự duy trì được, trừ phi những thành tố chính của sự cân bằng đó được bảo toàn.” Trong chiến tranh, bên thắng cuộc không nên tiêu diệt hoàn toàn phe bại trận. Nên hướng về tương lai thay vì nhìn về quá khứ, bên thắng cuộc càng gây ít tổn hại cho những ai bị họ đánh bại thì càng tốt bởi vì kẻ thù hôm qua có khi lại là đồng minh trong tương lai. Người chiến thắng kết hợp được nhuần nhuyễn lợi ích của họ với sự công bằng đối với lợi ích của người khác thì sẽ khích lệ được những kẻ bại trận hợp tác với cục diện cân bằng quyền lực hậu chiến tranh. Tương tự, các quốc gia giành thắng lợi trên bàn đàm phán có thể giữ ổn định thế cân bằng quyền lực bằng cách đền bù cho phe kia để đổi lấy sự nhượng bộ.
Tóm lại, các chính trị gia hiện thực nhắc các quốc gia kiểm soát tham vọng của bất kì nước nào hăm he tích tụ sức mạnh lấn át, bởi vì khát khao bá quyền là nguy cơ đối với mỗi quốc gia. Họ biện luận rằng, bản chất con người vốn dĩ ích kỉ và thiển cận, tuy nhiên việc cân bằng các lợi ích đối nghịch giúp làm ổn định sự tương tác giữa con người với nhau. Theo các nhà hiện thực, sự yếu đuối mở đường cho sự hiếu chiến. Vì vậy khi đối mặt với quyền lực mất cân bằng, các lãnh đạo quốc gia nên huy động các nguồn lực nội tại hoặc liên kết với những quốc gia khác để tái cân bằng quyền lực (Scheweller 2004; Vasquez and Elman 2003). Hiệp ước Utrecht 1713, Hiệp ước xác định các điều khoản dàn xếp hòa bình sau khi liên minh các quốc gia châu Âu đánh bại tham vọng bá quyền bao trùm lên cả châu lục của hoàng đế Pháp Louis XIV, đã xác định sự cân bằng quyền lực là “nền tảng vững chắc nhất và tốt nhất của… một hòa ước tổng thể dài lâu” giữa các quốc gia.
Những khó khăn của hệ thống cân bằng quyền lực
Liệu cân bằng quyền lực có thể thúc đẩy trật tự quốc tế như hầu hết các nhà hiện thực đều tin tưởng hay không? Những người chỉ trích thuyết cân bằng quyền lực đã nêu lên nhiều phản pháo đối với tuyên bố rằng sự cân bằng giúp thúc đẩy hòa bình. Đầu tiên, một số học giả tranh luận rằng những quy tắc ứng xử của lí thuyết này mâu thuẫn nhau (Riker 1962). Một mặt, các quốc gia bị thúc ép tăng cường sức mạnh. Đồng thời, các quốc gia lại được mách bảo phải chống lại quốc gia nào tìm kiếm ưu thế vượt trội. Thế nhưng đôi khi phù thịnh[4] (thay vì đối trọng lại) quốc gia thống trị có thể làm tăng năng lực của quốc gia yếu hơn bằng cách cho phép cùng sẻ chia thành quả chiến thắng trong tương lai. Những nghiên cứu sơ bộ về chủ đề này đề xuất rằng các quốc gia hài lòng với nguyên trạng có khuynh hướng đối trọng lại các cường quốc đang nổi lên nhiều hơn các quốc gia không hài lòng.
Sự phản đối thứ hai đối với thuyết cân bằng quyền lực là thuyết này giả định rằng các nhà hoạch định chính sách có những thông tin chính xác, kịp thời về những quốc gia khác. Như đã thảo luận trong chương trước, “quyền lực” là một khái niệm nhập nhằng. Những khía cạnh cụ thể như khả năng chiến đấu của các loại vũ khí khác nhau trong kho của đối thủ rất khó so sánh. Những khía cạnh trừu tượng như khả năng lãnh đạo và nhuệ khí quân đội thậm chí còn khó đánh giá hơn. Thiếu sự đo lường chính xác về sức mạnh tương quan thì làm sao các nhà hoạch định chính sách có thể biết được khi nào quyền lực bị mất cân bằng? Hơn nữa, trong môi trường liên minh bí mật, làm sao để đảm bảo quốc gia nào thực sự cùng phe với quốc gia nào? Một đồng minh đang đứng cùng hàng ngũ để đối trọng lại kẻ thù rất có thể đã ngấm ngầm cam kết sẽ trung lập khi xảy ra đối đầu; do đó sự phân bổ quyền lực có thể không thật sự giống như một trong hai phe mường tượng.
Vấn đề trong việc thẩm định sức mạnh của đối thủ và sự đáng tin cậy của các đồng minh đã gây ra phản đối thứ ba đối với thuyết cân bằng quyền lực: Sự mơ hồ của cân bằng quyền lực thường khiến các nhà hoạch định chính sách quốc phòng đưa ra phân tích tình huống xấu nhất, điều có thể làm nổ ra chạy đua vũ trang.[5] Mối lo lắng mãnh liệt tác động qua lại vốn bao trùm chính trị cân bằng quyền lực càng thổi bùng những ước tính phóng đại về sức mạnh của đối thủ, nỗi lo này khiến từng phe lần lượt tăng số lượng và nâng cao chất lượng vũ khí của mình. Những người chỉ trích chủ nghĩa hiện thực cảnh báo rằng nếu một tranh chấp nghiêm trọng xảy ra giữa các quốc gia đang cạnh tranh vũ trang gay gắt, khả năng xảy ra chiến tranh sẽ tăng lên.
Sự phản đối thứ tư là thuyết cân bằng quyền lực giả định rằng những người ra quyết sách luôn loại trừ rủi ro. Khi đương đầu với cường quốc đối địch, họ kiềm chế không gây chiến bởi vì nguy cơ phải đánh nhau với một cường quốc bằng vai phải lứa là rất lớn. Thế nhưng các lãnh đạo quốc gia đánh giá rủi ro theo cách khác nhau. Một số người sẵn sàng chấp nhận rủi ro và tin rằng họ có thể thành công chỉ với một ít may mắn. Sau hết thảy, dữ kiện lịch sử từ năm 1800 đến 2003 về xung đột vũ trang giữa các chủ thể có sức mạnh bất đối xứng cho thấy phe yếu thế hơn giành chiến thắng 28,5% số trường hợp (Arreguin-Toft 2005, 3). Do đó thay vì bị răn đe bởi khả năng đối thủ ngang tầm, họ đặt cược vào cơ hội chiến thắng, kể cả khi chênh lệch quá lớn. Việc tập hợp quyền lực tương đương để chống lại một đối thủ vốn chấp nhận rủi ro cao sẽ mang lại kết quả khác so với khi chống lại một đối thủ không muốn gặp rủi ro.
Mặc dù những quốc gia có năng lực quân sự đáng gờm có thể gây nguy cơ an ninh tiềm tàng, sự phản đối thứ năm đối với thuyết cân bằng quyền lực cho rằng nhận thức về mục tiêu trở nên quan trọng hơn khi cần quyết định nước nào là nước cần phải đối trọng lại. Nhà khoa học chính trị Stephen Walt (1987, 264) viết: “Thậm chí các quốc gia với năng lực khiêm tốn có thể buộc các quốc gia khác phải đối trọng lại nếu họ bị coi là đặc biệt hiếu chiến.” Ông lí luận rằng các lãnh đạo quốc gia hình thành liên minh đối trọng lại quốc gia sẽ gây nhiều đe dọa nhất trong tương lai, chứ không nhất thiết là quốc gia mạnh nhất.
Cuối cùng, nhiều người phản đối thuyết cân bằng quyền lực bởi vì nó không hiệu quả. Nếu những giả định của lí thuyết này là đúng, những giai đoạn lịch sử mà những quy tắc của nó được tuân thủ cũng sẽ là những giai đoạn mà tần suất chiến tranh sẽ thấp hơn. Thế nhưng một đặc điểm nổi bật của những giai đoạn này là số lượng kỷ lục các cuộc chiến của chúng. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự cân bằng năng lực giữa các liên minh đối địch làm tăng khả năng chiến tranh (Kim 1989). Từ cuộc Chiến tranh 30 năm đến Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, các cường quốc đã tham gia vào một loạt những cuộc chiến tranh toàn diện có sức phá hủy ngày càng gia tăng, đe dọa chôn vùi và phá hủy hệ thống các quốc gia. Inis Claude (1989, 78) kết luận nghiêm túc rằng khó có thể xem những cuộc chiến tranh này “như bất cứ thứ gì khác ngoài những thảm họa, những thất bại toàn diện của hệ thống cân bằng quyền lực. Khó mà xếp chúng vào hàng những tiến trình cân bằng hay những bước đi giúp ổn định tình hình, và chúng ta không thể nhìn nhận nghiêm túc bất cứ tuyên bố nào muốn duy trì sự ổn định quốc tế mà không ngăn ngừa những thảm họa như vậy…” Quả thực, những số liệu lịch sử đã khiến một số lí thuyết gia đề xuất thuyết ổn định bá quyền[6] để thay thế cho thuyết cân bằng quyền lực, công nhận một quốc gia thống trị đơn lẻ có thể đảm bảo hòa bình tốt hơn là sự cân bằng quân sự giữa các cường quốc đang so kè (Ferguson 2004; Wohlforth 1999; Organski 1968).
Quản lí sự cân bằng thông qua cấu trúc Hòa hợp quyền lực
Một vấn đề hệ trọng của hệ thống cân bằng quyền lực là đặc điểm hỗn độn của nó. Để tạo trật tự cho hệ thống, các cường quốc chủ tâm ra sức thể chế hóa các kênh liên lạc. Hệ thống Hòa hợp quyền lực Châu Âu bắt đầu với Công ước Viên vào năm 1815 là ví dụ điển hình cho chiến lược này. Thực chất, đây là “một câu lạc bộ độc nhất dành cho các cường quốc” (Claude 1971).
Ý tưởng đằng sau một nhóm hòa hợp[7] là “sự cai trị của một liên minh trung tâm” gồm các cường quốc (Rosecrance 1992). Nó được dựa trên niềm tin rằng các trung tâm quyền lực sẽ tìm coi lợi ích của mình được thúc đẩy bằng cách hợp tác để ngăn ngừa xung đột leo thang thành chiến tranh ở những khu vực đặt dưới thẩm quyền chung của họ. Dù giả định là các siêu cường có tầm nhìn chung, nhóm hòa hợp vẫn cho phép “sự va chạm và cạnh tranh nhỏ diễn ra giữa các quốc gia này. Chính trị vũ lực không hoàn toàn bị xóa bỏ; các thành viên có thể chuyển sang huy động nội bộ và thành lập liên minh để theo đuổi các lợi ích khác nhau. Song khuôn khổ hợp tác của nhóm hòa hợp cũng như mối quan tâm của các thành viên trong việc duy trì hòa bình sẽ giúp ngăn chặn sự cân bằng như thế leo thang thành thù địch và xung đột công khai” (Kupchan & Kupchan 1992).
Nhận thức chung về nhiệm vụ chính là chất keo gắn kết các nhóm hòa hợp các cường quốc lại với nhau. Khi niềm tin chung vào sự tự kiềm chế mất đi, nhóm hòa hợp tan vỡ. Robert Jervis (1985) lưu ý rằng “Những xung khắc nổi lên khi mỗi quốc gia nghĩ rằng họ đang hi sinh cho sự đoàn kết nhiều hơn những quốc gia khác. Mỗi quốc gia sẽ ghi nhớ những trường hợp mà họ đã bị kiềm chế, và phớt lờ hoặc diễn giải theo một cách khác những trường hợp khi mà những quốc gia khác nghĩ rằng họ đang hành động vì lợi ích chung.” Vượt qua xích mích này đòi hỏi các bên phải tham vấn liên tục để củng cố những kì vọng về trách nhiệm chung. Những thành viên nhóm hòa hợp không nên bị thách thức liên quan đến những lợi ích thiết yếu, cũng không nên bị lăng mạ uy tín và lòng tự trọng (Elrod 1976). Một sự cân bằng “hợp lý” giữa các siêu cường đang gắn với nhau trong một nhóm hòa hợp không chỉ bao gồm sự cân bằng về năng lực quân sự mà còn bao gồm sự công nhận thể diện, quyền và địa vị quốc gia của nhau (Schoroeder 1989).
Trong khi một khuôn khổ nhóm hòa hợp có thể giúp quản lí quan hệ giữa các cường quốc đối địch, nguyên tắc đồng thuận mang tính quy chuẩn đặt nền móng cho thỏa thuận này lại rất mong manh và dễ bị xói mòn. Hậu quả là, các nhà hiện thực đã tìm kiếm bên ngoài các nhóm hòa hợp để xác định những phương cách khác nhằm giữ ổn định cán cân quyền lực luôn biến đổi. Một cách tiếp cận đó là hạn chế kho vũ khí của mỗi quốc gia, đặc biệt đối với những vũ khí bị xem là nguy hiểm và gây mất ổn định.
Giữ ổn định cân bằng quyền lực thông qua kiểm soát vũ khí
Cân bằng quyền lực trong hệ thống quốc tế đương đại
Tóm tắt chương
Bài đọc gợi ý
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Lien minh, kiem soat vu khi va can bang quyen luc.pdf
——————–
[1] Balance of power: lí thuyết cho rằng sự tồn tại của quốc gia trong một thế giới vô chính phủ được đảm bảo tốt nhất khi sức mạnh quân sự được củng cố nhằm ngăn ngừa một bá chủ hoặc một khối liên minh duy nhất thống trị hệ thống các quốc gia.
[2] Alliance: một thỏa thuận chính thức giữa các quốc gia chủ quyền với mục đích phối hợp hành động nhằm tăng cường an ninh chung.
[3] Balancer: quốc gia có ảnh hưởng toàn cầu hoặc khu vực hậu thuẫn in decisive fashion cho phe yếu hơn trong cán cân quyền lực.
[4] Bandwagoning: Chiến lược tìm kiếm an ninh quốc gia bằng cách liên minh với quốc gia mạnh nhất, bất luận ý thức hệ hoặc thể thức nhà nước.
[5] Arms race: một quy trình hành động – phản ứng mà trong đó các quốc gia đối địch liên tục tăng cường tiềm lực quân sự để đáp trả quốc gia khác.
[6] Hegemonic stability theory: Sự biện luận rằng cần có một quốc gia thống trị đơn lẻ để cưỡng buộc hợp tác quốc tế, duy trì luật lệ và các thiết chế quốc tế, đồng thời giữ gìn hòa bình.
[7] Concert: Một thỏa thuận hợp tác giữa các cường quốc để cùng quản lí quan hệ quốc tế.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]