Vốn xã hội và phát triển kinh tế

social_capital

Tác giả: Trần Hữu Dũng

Một cách tóm tắt xu hướng phát triển của kinh tế học (Tây phương) về phát triển trong nửa thế kỉ qua là: nó đi từ các mô hình căn cứ trên những quan niệm khá hẹp hòi, thậm chí thiếu nhất quán, đến những mô hình phức tạp hơn, với nhiều yếu tố “ngoại kinh tế” (thể chế, văn hoá, lịch sử, địa lí).  Hai yếu tố nổi bật mà lý thuyết này đã dần dần hội nhập trong xu hướng ấy là con người và xã hội.

Có lẽ nên nhắc lại: theo kinh tế học cổ điển, ba thành tố quyết định tăng trưởng kinh tế là đất đai, lao động, và vốn vật thể.  Cho đến khoảng những năm 1990, gần như mọi thuyết về phát triển kinh tế đều xem quan hệ xã hội là thứ yếu, thậm chí không cần bàn đến.  Vào nhữngthập niên 50 và 60, chẳng hạn, các liên hệ xã hội, lối sống cổ truyền bị xem là trở ngại cho phát triển (hiểu là hiện đại hoá).[1] 

Tiếp theo thời kì này là giai đoạn lên ngôi của kinh tế học tân cổ điển, và dù trường phái này (cụ thể là Theodore Schultz và Gary Becker) có đề nghị thêmvốn con người vào số các thành tố phát triển, nó cũng không chú ý đến các quan hệ xã hội.  Thậm chí, một số kinh tế gia tân cổ điển cực đoan còn cho rằng có thể giải thích các hiện tượng xã hội (kể cả tôn giáo) bằng mô hình tối đa hoá (lợi nhuận cho doanh nghiệp, dụng ích cho cá nhân).  Tất nhiên, tiếp cận kinh tế cổ điển lẫn tân cổ điển đều hầu như không có đề nghị nào về chính sách đối với quan hệ xã hội.

Khái niệm vốn xã hội xuất hiện trong kinh tế trong bối cảnh ấy.[2]  Qua cụm từ này, nhiều nhà phân tích cảm thấy đã tìm ra một “đáp số” cho hai nhu cầu cùng lúc: vừa vẫn duy trì tiếp cận kinh tế (“vốn”), vừa hội nhập vào tiếp cận ấy những yếu tố “xã hội”.

“Vốn xã hội” là gì?

Trong bài “Vốn xã hội và kinh tế” (Thời Đại số 8, 2003) tôi đã trình bày sơ về ý niệm “vốn xã hội”.  Xin tóm tắt như sau: Tuy rằng động cơ khiến các học giả[3] đặt ra khái niệm này xuất phát từ nhiều hướng (xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục) song đại để là với nhận xét rằng (1) sự tin cẩn giữa những người cùng một “cộng đồng” (không nhất thiết bao trùm toàn thể quốc gia), (2) sự họ tuân theo thói lề, phong tục của cộng đồng ấy (không cần pháp luật cưỡng chế, hoặc vì hấp lực của quyền lợi vật chất), và (3) nói chung là “mạng lưới” xã hội (có thể là những hiệp hội, liên hệ gia tộc, vv), những “thứ đó” có ảnh hưởng thường là tốt đối với xã hội nói rộng, thậm chí có những lợi ích kinh tế rõ rệt.  Từ những nhận xét “chung chung” (và khó phủ nhận) này, nhiều học giả đã gọi nguồn lực ấy là một thứ “vốn” – “vốn xã hội”.

Trước khi khai triển thêm về  khái niệm này, cần nhận xét ngay rằng không ít bàn tán về nó là xung quanh câu hỏi thật sự căn bản: tại sao gọi nguồn lực này là “vốn”?

Người biện hộ cho bản chất “vốn” của nguồn lực này đưa ra ba lí do chính.[4]  Thứ nhất, nó giống những loại vốn (đã được công nhận) khác ở chỗ có thể tích lũy từ các loại nguồn lực khác[5] với mong mỏi sẽ có thêm thu hoạch (dù không chắc) trong tương lai. Thứ hai, vốn xã hội có thể được sử dụng trong nhiều việc khác nhau (Coleman 1988).[6]  Thứ ba, vốn xã hội có thể được chuyển thành những loại nguồn lực khác, vốn khác (Bourdieu 1985).[7]

Tất nhiên, cũng như những loại vốn khác ở chỗ có nhiều khác nhau song vẫn là “vốn”, vốn xã hội (theo những người đề xuất ý niệm này) có vài dị biệt với những loại vốn khác.  Chẳng hạn, khác vốn tài chính (nhưng giống vốn vật thể và vốn con người), vốn xã hội cần được nuôi dưỡng, bảo trì, để tiếp tục có ích.[8]  Rồi, cũng không thể tiên đoán suất chiết cựu của vốn xã hôi.  Về đặc tính này, vốn xã hội giống với vốn con người, nhưng khác với vốn vật thể .[9]

Căn bản hơn, không giống mọi loại vốn khác, vốn xã hội là sản phẩm của tập thể, không của chỉ một cá nhân.  Nó tuỳ vào “lòng tốt” của kẻ khác, sự “có đi có lại” của nhiều người, và lợi ích của nó cũng là của chung. Dùng thuật ngữ kinh tế, có thể nói vốn xã hội là một loại hàng hoá công.  Không một ai có thể độc quyền “sở hữu” mạng lưới xã hội, ngăn chặn lợi ích đến người khác.  Song, ngược lại, chỉ một vài cá nhân thôi cũng đủ làm đổ vỡ vốn xã hội mà tập thể đã dày công xây dựng.[10]

Gần đây, nhiều nhà kinh tế chính thống (Arrow, Solow, Stiglitz) đã phân tích cặn kẽ khái niệm vốn xã hội và nêu ra một số dè dặt về sự thích hợp của chữ “vốn” trong cụm từ này. Arrow nhắc lại rằng vốn vật thể có ba đặc tính: dãi ra trong thời gian (extension in time), hàm chứa những hi sinh cho lợi ích mai sau, và có thể được chủ thể này chuyển nhượng cho chủ thể khác. Theo Arrow, “vốn xã hội” có đặc tính thứ nhất nhưng thiếu đặc tính thứ hai và thứ ba. Solow đặt thêm câu hỏi: vốn vật thể có “suất thu hoạch” và có thể đo bằng cách tổng cộng tất cả đầu tư trong quá khứ, trừ đi phần tiêu hao, còn vốn xã hội thì làm sao đo? “Suất thu hoạch” của nó là cái gì? Và Ostrom châm thêm: vốn xã hội có đặc tính là càng sử dụng thì giá trị càng tăng, hoàn toàn trái ngược với vốn vật thể.

Vốn xã hội và phát triển kinh tế

Vậy thì cái “nguồn lực” ấy (từ đây sẽ gọi là “vốn xã hội” cho gọn, dù vẫn tồn nghi tính “vốn” của nó, như đã nói ở trên) có những ích lợi kinh tế nào?

  1. Vốn xã hội giúp giải quyết nhữngbài toán tập thể”.  Cụ thể, có những tình huống mà mọi người đều có lợi (có thể khá lớn) nếu mỗi người làm một việc nhỏ, song lợi ích (lớn) đó chỉ hiện thực khi mọi người đều làm việc nhỏ ấy. Ví dụ đầy dẫy chung quanh ta: từ những việc quan trọng như đóng thuế, đến những việc tầm thường như ngừng ở đèn đỏ, hoặc không xả rác nơi công cộng.  Nói theo các nhà kinh tế, vốn xã hội – như là kết tinh của một chuẩn mực cư xử, một kì vọng chung của thành viên cùng một cộng đồng — giúp giải quyết các “bài toánphối hợp” (coordination problems).[11]  Đi xa hơn (dù chưa thấy ai đề nghị), nhớ lại rằng nhiều nhà kinh tế đã giải thích những vấn đề kinh tế vĩ mô như là hậu quả của sự “thất bại phối hợp” (coordination failures), người viết bài này nghĩ rằng “tiếp cận vốn xã hội” có thể rất hữu ích cho phân tích những hiện tượng vĩ mô tổng quát (như thất nghiệp, lạm phát…).[12]
  2. Vốn xã hội tiết kiệm phí giao dịch (transaction costs).  Mọi giao địch xã hội và kinh tế sẽ ít rủi ro hơn nếu những đối tác liên hệ ngầm hiểu rằng mọi người đều theo một chuẩn tắc cư xử (tự trọng, sợ mất danh giá gia đình, giữ lời hứa, chẳng hạn), bởi vì như vậy thì những cá nhân liên hệ sẽ không tốn nhiều thời giờ và tiền bạc để bảo đảm rằng đối tác sẽ chu toàn trách nhiệm của họ.
  3. Vốn xã hội có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng và tốc độ tích lũy của những loại vốn khác.[13]  Chẳng hạn, vốn xã hội có thể làm tăng vốn con người (Coleman 1988).
  4. Trong những xã hội ít tin cẩn (tức là nghèo vốn xã hội), quyết định thuê mướn nhân viên thường bị ảnh hưởng của những đặc tính cá nhân người ấy (chẳng hạn như thân nhân hoặc quen biết riêng), ít dính dáng đến khả năng làm việc.  Ở xã hội nhiều tin cẩn thì những yếu tố khác như học vấn, tay nghề, sẽ được quan tâm hơn.  Do đó, muốn tiến thân, người trong xã hội thiếu tin cẩn hay tìm cách móc nối thay vìtrau giồi khả năng, hay kiến thức của mình.
  5. Một xã hội nhiều vốn xã hội là một xã hội ít tội phạm.[14]  Khi sinh ra trong một xã hội mà thành viên tin cẩn nhau thì con người cũng dễ có lòng tốt với người khác.  Hậu quả là xã hội sẽ ít tội phạm hơn. Lợi ích kinh tế không phải nhỏ.
  6. Vốn xã hội của nhà nước[15] là cái sườn, là thành tố của pháp chế.  Càng nhiều vốn xã hội thì tư pháp càng vững chắc, khế ước càng nhiều khả năng thực thi, tham nhũng càng ít, quyết định của nhà nuớc càng minh bạch, dễ kiểm soát, và bộ máy hành chính càng hữu hiệu.
  7. Vốn xã hội, qua dạng tin cẩn, sẽ tăng mức khả tín của quan chức nhà nước, đặc biệt là khi họ tuyên bố về chính sách kinh tế và tài chính.[16] Do đó vốn xã hội sẽ nâng cao mức đầu tư và những hoạt động kinh tế khác.
  8. Một xã hội đoàn kết, ít chia rẽ (tức là phong phú vốn xã hội) sẽ dễ hồi phục sau những cú “sốc” kinh tế.  Theo Rodrik (1999), những cú sốc này đòi hỏi sự quản lí những quyền lợi khác nhau trong xã hội.  Vốn xã hội giúp hài hoà những xung khắc mà một cơn khủng hoảng kinh tế sẽ phơi trần.  Thiếu vốn xã hội, ảnh hưởng của các cú sốc kinh tế sẽ trầm trọng và lâu dài hơn

Vốn xã hội và chính sách phát triển kinh tế

Ý niệm “vốn xã hội” là một cầu nối giữa tiếp cận kinh tế và tiếp cận xã hội, và do đó cung cấp những lí giải phong phú và thuyết phục hơn về hiện tượng phát triển kinh tế.  Nó cho thấy bản chất và chừng mực tương tác giữa các cộng đồng và thể chế có ảnh hưởng quan trọng đến thành tựu kinh tế.  Nhận định này có nhiều hệ luận quan trọng cho chính sách phát triển mà cho đến nay hầu như chỉ nhắm vào mặt kinh tế.

  1. Mọi chính sách đều có một bối cảnh xã hội, và mỗi bối cảnh ấy là một hỗn hợp tế nhị giữa các tổ chức không chính thức (informal), những mạng (quen biết cá nhân), và các thể chế.  Do đó, quy hoạch chính sách đòi hỏi, trước hết, một phân tích xã hội và thể chế để nhận dạng mọi thành phần liên hệ, và liên hệ giữa các thành phần ấy.  Cụ thể, khi hoạch định một phương thức can thiệp kinh tế hay xã hội, cần lưu ý đến khả năng các nhóm thế lực có thể động viên ảnh hưởng của họ theo cách có hại cho cộng đồng chung.
  2. Phải xem vốn xã hội là một nguồn lực như các nguồn lực khác trong mọi công trình  xây dựng, dự án phát triển, từ cơ sở hạ tầng, đến giáo dục, y tế, vv.  Cũng nên nhớ rằng vốn xã hội là một loại “hàng hoá công” và, cũng như các loại hàng hoá công khác, nó sẽ không được thị trường cung ứng đầy đủ.   Sự hỗ trợ của nhà nước là cần thiết.
  3. Nói chung, cần vun quén vốn xã hội, song cũng nên nhớ (a) vốn xã hội không phải bao giờ cũng tốt, (b) vốn xã hội thường là thuộc tính của một “cộng đồng”, một nhóm, đan xen, chồng chéo nhau —  ít khi của toàn thể quốc gia.  Do đó, chính sách “phát triển vốn xã hội” cần được cẩn thận chọn lọc, cụ thể, trong đó có cả biện pháp kết nối những cộng đồng (mà nội bộ có vốn xã hội riêng) trong một nước (Granovetter).  Nó không thể là một chính sách chung chung. Sự phân cực, manh mún trong xã hội sẽ làm giảm vốn xã hội.  Muốn phát triển kinh tế, chúng ta phải vuợt lên những chia rẽ trong xã hội, làm xã hội gắn kết hơn.
  4. Cần tăng cường khả năng tổ chức, phối hợp của người thu nhập thấp (nhưng lại có thể rất giàu vốn xã hội), và giúp những tập thể, những nhóm xã hội, liên kết với nhau.  Đặc biệt quan trọng là “bắt cầu” (danh từ của Granovetter) giữa những nhóm xã hội, bởi lẽ nhiều quyết định có ảnh hưởng đến người nghèo là không xuất phát từ địa phương.  Nhằm mục đích này, phải cổ động sự tham gia đông đảo để tiến đến sự đồng thuận, cũng như tương tác xã hội, giữa những người (khác nhau về quyền lợi và chênh nhau về nguồn lực) trong tầm ảnh hưởng của quyết định ấy.
  5. Các tổ chức viện trợ của nước ngoài thường có một câu hỏi bức xúc: làm sao để trợ giúp thành phần nào đó trong một xã hội vô cùng phức tạp, xa lạ đối với họ.  Tiếp cận “vốn xã hội” nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn chấp thuận một dự án hỗ trợ như thế không thể chỉ dựa vào các tiêu chuẩn công nghiệp và tài chính, mà còn phải để ý đến vốn xã hội địa phương.
  6. Từ quan điểm vốn xã hội, ta càng thấy cần có những chính sách “tiết lộ thông tin” (information disclosure) ở mọi cấp để công dân có nhiều thông tin hơn, và do đó tăng cường “tính trách nhiệm” ở khu vực công lẫn tư.  Quan niệm vốn xã hội đưa đến ý nghĩ là một chính sách tăng cường thông tin, nhất là giữa các tầng lớp xã hội, là cần thiết – thêm một lí do để nhà nước đầu tư vào những phương tiện truyền thông đại chúng.
  7. Liên hệ giữa các loại vốn xã hội thay đổi theo trình độ phát triển kinh tế.  Những lối sống “cổ truyền” (dựa vào vốn xã hội giữa dân chúng) dần dần được thay thế bằng những tổ chức xã hội có quy cũ hơn.  Thị trường ngày càng mở rộng, quy mô sản xuất ngày càng lớn, nhưng sự phát triển ấy chỉ có thể bền vững nếu số lượng và chất lượng vốn xã hội là đầy đủ và thích hợp.  Nhìn cách khác, ở mỗi giai đoạn phát triển là một tỷ lệ tổ hợp tối ưu giữa vốn-xã-hội-dân-sự và vốn-xã-hội-nhà-nước và, trong chừng mực có thể, chính sách phải linh động đồng nhịp với những thay đổi ấy.

Kết luận

Tôi nghĩ rằng “vốn xã hội” là một ý niệm hữu ích, cơ bản là nó giúp ta nhớ rằng liên hệ quen biết, sự tin cẩn, thể chế xã hội (và lịch sử) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, và do đó cần những chính sách thích hợp.  Tuy nhiên, phải cảnh giác rằng ý niệm này rất linh động, thậm chí mập mờ, chưa đủ chính xác để đưa vào mọi phân tích kinh tế.  Hơn nữa, có nhiều tình huống, vấn đề, mà sự phân tích không thật sự cần khái niệm “vốn xã hội”.  Fukuyama (2006) cảnh báo là chớ nên xem (tiếp cận) “thể chế” như “viên đạn thần” cho phát triển.  “Vốn xã hội” cũng thế  Nên xem nó như một quan niệm bổ túc để hiểu tiến trình phát triển, không phải là thành tố quan trọng nhất trong tiến trình này.

Tham khảo

Adler, P. và Kwon, 1998, “Social capital: The good, the bad and the ugly,” trong E.L. Lesser (chủ biên) Knowledge and social capital: Foundations and applications, Boston: Butterworth Heineman.

Bourdieu, Pierre, 1986, “The Forms of Capital”, trong Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education (John Richardson, chủ biên). New York: Greenwood Press, 241-258.

Bowles, S., và Gintis, H., 2002, “Social Capital and Community Governance,” Economic Journal 112, F419-F436.

Coleman, J. 1988. “Social capital in the creation of human capital.” American Journal of Sociology, 94, S95–S120.

Cooper, Russell, 1999, Coordination Games, MIT Press.

Cooper, Russell, và Andrew John, 1988, Coordinating Coordination Failures in Keynesian Models, Quarterly Journal of Economics, Vol. 103, No. 3 (Aug., 1988) , pp. 441-463

Dasgupta, P., và Serageldin, I., 1999, Social Capital: A Multifaceted Perspective, Washington, DC: The World Bank.

De Soto, Hernando, 2000, The Mystery of Capital: Why Capitalism Triumphs in the West and Fails Everywhere Else, New York: Basic Books.

Dũng, Trần Hữu, 2003, “Vốn xã hội và kinh tế“, Thời Đại, số 3, tr. 82-102.

Durlauf, Steven, 1999, “The Case ’Against’ Social Capital,” Focus 20, 1-5.

Durlauf, Steven, 2000, “Bowling Alone: A Review Essay,” Working Paper.

Durlauf, Steven, 2002, “On the Empirics of Social Capital,” Economic Journal 112, F459-F479.

Fukuyama, Francis, 1995, Trust: The Social Virtues and the Creation of Prosperity. NY: Free Press.

Fukuyama, Francis, 2006, America at the crossroads, New Haven: Yale University Press.

Granovetter, Mark, 1973, “The Strength of Weak Ties,” American Journal of Sociology, số 78, tr. 1360-80.

Lin, Nan, 2001, Social Capital, NY: Cambridge University Press.

Nguyen, V. T., Weinstein, M., và  Meyer, A. 2005. “Development of trust: A study of interfirm relationships in Vietnam.” Asia Pacific Journal of Management, 22(3), 211–235.

Putnam, Robert, 2000, Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community, NY: Simon & Schuster.

Rodrik, Dani, 1999, “Where Did All the Growth Go? External Shocks, Social Conflict and Growth Collapses,” Journal of Economic Growth, December.

Sobel, Joel, 2002, “Can We Trust Social Capital?”, Journal of Economic Literature 40, 139-154.

Woolcock, M., 1998, “Social capital an economic development: Toward a theoretical synthesis and policy framework”, Theory and Society27(2), tr. 151-208.

Woolcock, M. và D. Narayan, “Social capital: Implications for development theory, research and policy,” World Bank Research Observer(15(2), 2000.

Nguồn: Viet-studies

——————-

[1] Một tài liệu của Liên Hợp Quốc năm 1951 hô hào phá vở những xã hội truyền thống nếu muốn phát triển

[2]Dù nó đã có trong xã hội học gần cả thế kĩ trước.

[3]Những tên tuổi chính: Bourdieu, Coleman, Putnam, Fukuyama, De Soto, …

[4] Xem Adler và Kwon (1998)

[5] Chẳng hạn như vốn tài chính là do tiết kiệm mà có.

[6] Ví dụ, một người bạn của anh là một thứ vốn xã hội mà anh có thể dùng khi nhờ người ấy giới thiệu chỗ làm cho anh, và cũng có thể dùng để “tâm sự” (khỏi tốn tiền gặp bác sĩ tâm lý!).

[7]Tuy nhiên, sự chuyển đổi này không phải luôn luôn dễ (vốn tài chính là dễ chuyển đổi nhất).

[8]Ví dụ, “móc nối xã hội” giữa một nhóm người sẽ phai nhạt qua thời gian nếu những người ấy không giữ liên lạc với nhau.

[9]Một chiếc ôtô cũ chẳng hạn, xài càng lâu thì chắc chắn giá trị càng giảm.  Nhưng không thể tiên đoán giá trị của một liên hệ sẽ thay đổi ra sao với tầm mức hai người giữ liên lạc với nhau.

[10]Trong một hội đoàn, chỉ vài người lươn lẹo là không ai còn tin ai nữa.

[11] “Thế lưỡng nan của người tù”, chẳng hạn.

[12] Xem Cooper và John, 1988; Cooper 1999.

[13] Nói theo kinh tế, vốn xã hội sẽ chuyển dịch (shift) hàm sản xuất gộp (aggregate production function) của cả nước..

[14] Trừ khi “vốn xã hội” này là của các băng đảng tội phạm!

[15] Phân biệt với “vốn xã hội dân sự”, như nhiều học giả đề nghị.

[16] Về lãi suất hoặc thuế má, chẳng hạn.