Jeremy Bentham và những ngụy biện trong chính trị

Print Friendly, PDF & Email

jeremy-bentham

Nguồn: Peter Singer, “Bentham’s Fallacies, Then and Now”, Project Syndicate, 12/08/2015

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Năm 1809, Jeremy Bentham, người sáng lập thuyết vị lợi, bắt tay vào viết Cuốn sách về các thói ngụy biện – The Book of Fallacies. Mục tiêu của ông là phơi bày những luận cứ không đúng dùng để ngăn cản những cải cách, như sự xóa bỏ các “quận thối” (“rotten boroughs”)[1] – các khu bầu cử ít cử tri đến mức một địa chủ hoặc một quận công quyền lực trên thực tế có thể định đoạt được việc bầu cử đại biểu quốc hội, trong khi những thành phố mới hơn như Manchester tiếp tục không có người đại diện.

Bentham thu thập những ví dụ về các cách ngụy biện, thường là từ các cuộc tranh luận ở quốc hội. Đến năm 1811, ông đã sắp xếp các ví dụ này thành gần 50 dạng khác nhau, với những tựa đề như “Tấn công chúng tôi là anh đang tấn công Chính phủ,”, “Trước giờ không có lập luận nào như vậy”, và “Đúng trên lý thuyết, sai trong thực tế”. (Một điểm mà cả Immanuel Kant và Bentham đều đồng ý là ví dụ cuối cùng này chính là một sự ngụy biện: nếu điều gì đó không đúng trong thực tế thì chắc chắn phải có gì đó sai sót trong lý thuyết.)

Bentham vì thế là nhà tiên phong trong một lĩnh vực khoa học vốn đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Ông sẽ rất hài lòng với công trình của các nhà tâm lý học khi chứng minh rằng chúng ta có “định kiến khẳng định” (chúng ta ưu ái và ghi nhớ những thông tin nào ủng hộ hơn là đối lập với những niềm tin của mình); việc chúng ta đánh giá quá cao một cách có hệ thống sự chính xác của những niềm tin của mình (hệ quả sự quá tự tin); và việc chúng ta có xu hướng đáp lại tình thế khó khăn của riêng một cá nhân cụ thể hơn là một nhóm người lớn mà chúng ta chỉ có thông tin thống kê (chung chung) về họ.

Bentham không vội vàng xuất bản cuốn sách của mình. Một cuốn sách ngắn xuất hiện tại Pháp năm 1816, và tại Anh năm 1824, nhưng cuốn sách hoàn thiện vẫn nằm dưới dạng bản thảo cho đến lần xuất bản năm nay trong một dự án đang tiến hành nhằm xuất bản tập hợp các công trình của Bentham, dưới sự biên tập của Philip Schofield đến từ trường đại học University College, London.

Một số những ngụy biện mà Bentham phát hiện đến giờ vẫn thường xuyên xuất hiện, trong khi một số khác ít thích hợp hơn với thời nay. Ngụy biện về “sự sáng suốt của tổ tiên chúng ta” vẫn thường được đưa ra trong các cuộc tranh luận về hôn nhân đồng tính. Bất kỳ ai tham gia thảo luận chính trị tại Hoa Kỳ sẽ ngay lập tức nhận ra một phiên bản cụ thể hơn có thể được gọi là ngụy biện “sự sáng suốt của Những người cha lập quốc”.[2]

Một ngụy biện khác phổ biến trong cả thời của Bentham và thời của chúng là điều mà ông khắc họa theo câu hỏi “Gì cơ? Nhiều việc làm hơn ư?”. Nhắc đến “việc làm”, ông muốn nói đến chi tiêu chính phủ, và ông coi đây là một ngụy biện vì phản đối một cách không phân biệt việc tăng chi tiêu chính phủ chưa tính đến những lợi ích mà những người được tạo thêm công ăn việc làm có thể đạt được.

Tuy nhiên, những “ngụy biện” thực sự thách thức người đọc thời nay chính là những ngụy biện mà hiện đang được chấp nhận rộng rãi ngay trong cả giới có học và hiểu biết nhất. Một trong số đó, theo Bentham, chính là “ngụy biện Quyền con người.”

Khi người ta chống lại một biện pháp được đề xuất với lý do nó vi phạm “các quyền con người” – hoặc, như chúng ta thường nói ngày nay, nhân quyền – thì Bentham tuyên bố rằng họ đang sử dụng những sự chung chung mơ hồ để đánh trống lãng khỏi việc đánh giá lợi ích cụ thể của biện pháp đó.  Bentham chấp nhận rằng sẽ có lợi cho cộng đồng khi luật pháp trao một số quyền nhất định cho người dân. Điều đe dọa đem chúng ta đến gần hơn với sự vô chính phủ, theo ông lập luận, chính là ý tưởng rằng tôi đã có một số quyền nhất định, không phụ thuộc vào pháp luật. Do nguyên tắc lợi ích đòi hỏi sự tranh luận và tìm hiểu thông tin, Bentham tin rằng những người ủng hộ những quyền lợi tồn tại từ trước coi thường cả hai yếu tố trên và dễ có khả năng kích động mọi người sử dụng vũ lực.

Sự phản đối của Bentham đối với “các quyền tự nhiên” thường được trích dẫn. Ít được thảo luận hơn là cái mà ông gọi là “phương tiện trói buộc hậu duệ” (the Posterity-chainer’s device). Một ví dụ là Đạo luật Liên kết giữa Anh và Scotland, yêu cầu tất cả các vị vua kế vị của Vương Quốc Anh phải tuyên thệ tiếp tục duy trì Giáo hội Scotland và Giáo hội Anh. Nếu các thế hệ tương lai cảm thấy họ bị ràng buộc bởi những điều khoản này, theo Bentham nghĩ, họ đã bị nô dịch hóa bởi những nhà chuyên chế đã chết từ lâu.

Sự phản đối của Bentham đối với những nỗ lực ràng buộc các đời hậu duệ áp dụng không chỉ với sự liên kết vốn tạo ra Vương quốc Anh, mà còn với sự liên hiệp hình thành nên Hợp chúng quốc Hoa Kỳ: Tại sao thế hệ hiện nay lại coi mình bị ràng buộc bởi những điều được quyết định từ hàng trăm năm trước đây? Không giống như những người soạn thảo nên Hiến pháp Hoa Kỳ, chúng ta đã có hàng thế kỷ kinh nghiệm để đánh giá xem liệu hiến pháp đó có thực sự “thúc đẩy lợi ích chung của xã hội” hay không.

Nếu nó có, chúng ta có tất cả các lý do cần thiết để giữ lại Hiến pháp này; nhưng nếu nó không, chẳng phải chúng ta cũng có đủ quyền lực và quyền lợi để thay đổi những sắp đặt vốn đang ràng buộc chúng ta giống như những quyền lực và quyền lợi mà những nhà lập hiến đã từng có để thiết lập các quy định đó ngay từ đầu hay sao? Nếu chúng ta có đủ quyền, tại sao những điều khoản khiến Hiến pháp rất khó để sửa đổi lại ràng buộc phần lớn các cử tri?

Trong trường hợp thống nhất hai hoặc nhiều quốc gia, Bentham cũng rất nhạy cảm trước vấn đề đảm bảo cho những quốc gia nhỏ hơn rằng những quốc gia lớn hơn sẽ không thống trị họ. Nếu xét đến việc ông tin rằng không thể trói buộc chân tay của những thế hệ tương lai, ông đặt lòng tin của mình vào niềm tin rằng sớm hay muộn, sau khi về dưới cùng một chính phủ, “hai cộng đồng cũng sẽ hòa tan vào làm một.”

Tuy nhiên, sự ủng hộ của công chúng đối với độc lập của Scotland và Catalonia cho thấy không phải lúc nào điều này cũng đúng. Dĩ nhiên, Bentham cũng sẽ chấp nhận rằng ông có thể đã nhầm. Rốt cuộc thì việc cho rằng “ý kiến của những người có thẩm quyền chuyên môn luôn luôn đúng” cũng là một trong số những ngụy biện mà bản thân ông bác bỏ.

Peter Singer là Giáo sư Luân lý học sinh vật (Bioethics) tại Đại học Princeton và là Giáo sư Danh dự tại Đại học Melbourne. Các tác phẩm của ông bao gồm các cuốn Animal Liberation, Practical Ethics, One World, The Ethics of What We Eat (đồng tác giả với Jim Mason), Rethinking Life and Death, The Point of View of the Universe, đồng tác giả với Katarzyna de Lazari-Radek, và gần đây nhất là The Most Good You Can Do. Năm 2013, ông được Viện Gottlieb Duttweiler vinh danh ở vị trị thứ ba trong danh sách các “nhà tư tưởng đương thời có ảnh hưởng nhất” trên thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Bentham’s Fallacies, Then and Now

———————-

[1] Một quận tại Anh có khả năng bầu đại diện vào Quốc Hội mặc dù có rất ít cử tri, thường việc chọn đại diện do đó nằm trong tay một người hoặc một gia đình – ND

[2] Theo cách nói nôm na của người Việt là lấy lời của tiền nhân làm “khuôn vàng thước ngọc”, coi tổ tiên là sáng suốt nên những gì họ nói luôn là chân lý, bây giờ nói ngược lại nghĩa là sai (NBT).