Tác giả: Chu Duy Ly
Trong quan hệ quốc tế, khi phân loại khái niệm an ninh theo chủ thể quốc gia và yếu tố thời gian người ta chia thành an ninh truyền thống (ANTT) và an ninh phi truyền thống (ANPTT).
Về khái niệm, ANPTT xuất hiện từ sau Chiến tranh Lạnh nhưng cho đến nay vẫn chưa có quan điểm chung về khái niệm của thuật ngữ này. Những quan điểm khác nhau về thuật ngữ này có thể được chia thành hai trường phái.
Trường phái thứ nhất quan niệm ANPTT là an ninh tổng hợp bao gồm an ninh quân sự, chính trị, kinh tế và xã hội. Trường phái này cho rằng ANPTT là một khái niệm mở rộng nội hàm của khái niệm ANTT – quan niệm lấy an ninh quân sự là trung tâm. Theo Liên Hiệp Quốc, ANPTT bao gồm an ninh con người (cá nhân) và an ninh cộng đồng. Trong báo cáo “Phát triển con người” năm 1994 của Liên Hiệp Quốc, ANPTT bao gồm 7 lĩnh vực là: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Theo một tài liệu khác, ANPTT bao gồm 5 lĩnh vực cơ bản là: kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa.
Trường phái thứ hai quan niệm ANPTT là một khái niệm đối lập với ANTT. Phạm vi của ANPTT không bao gồm an ninh quân sự. Đó là những nguy cơ an ninh mới như khủng hoảng kinh tế, ô nhiễm môi trường, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, di cư bất hợp pháp,v.v… Mặc dù trường phái thứ hai rõ ràng về mặt thuật ngữ hơn so với trường phái thứ nhất nhưng những người theo trường phái thứ hai cũng thừa nhận rằng những vấn đề ANPTT có thể dẫn đến những xung đột chiến tranh. Sự thừa nhận này làm cho trường phái thứ hai rất dễ bị chỉ trích bởi những người theo trường phái thứ nhất. Ở Việt Nam, phần lớn các học giả nghiên cứu về quan hệ quốc tế theo quan điểm thứ hai về ANPTT. Các học giả này quan niệm ANPTT là một vấn đề đối lập với ANTT – tức là những vấn đề an ninh không liên quan đến quân sự.
Về thuật ngữ, ANPTT là một thuật ngữ mới và xuất hiện chính thức trong “Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống” thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6, giữa các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc tại Phnôm Pênh (Campuchia) ngày 01-11-2002. Trong bản tuyên bố này các nhà lãnh đạo của ASEAN và Trung quốc bày tỏ “sự quan ngại về những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng như buôn lậu, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm công nghệ cao”.
Tuy nhiên, một xu hướng rõ ràng hiện nay đó là việc kéo dài thêm danh sách những vấn đề ANPTT. Năm 2003, Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc Hiện đại xuất bản một cuốn sách về ANPTT liệt kê 17 hiện tượng được coi là các vấn đề ANPTT. Ngoài ra từ tháng 08 đến tháng 12 năm 2003, gần 30 các vấn đề ANPTT được nêu lên trong các bài viết trong Hội thảo “An ninh Phi truyền thống và Trung Quốc” được tổ chức bởi Tạp chí Kinh tế và Chính trị Thế giới. Thêm vào đó ngày càng nhiều các vấn đề ANPTT được nêu lên trong các hội nghị an ninh khác như sự thiếu hụt tài nguyên nước, xung đột công nghiệp thủy sản, tắc nghẽn giao thông, sự tuyệt chủng nhiều loại động vật, đói nghèo, vv… Có vẻ như mọi vấn đề đều có liên quan đến ANPTT một khi các vấn đề đó được coi là đủ nghiêm trọng.
Về cơ bản, sự khác biệt giữa ANPTT và ANTT nằm ở các điểm sau. Thứ nhất, ANPTT xuất hiện sau ANTT. Thứ hai, ANPTT chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa Tự do và Chủ nghĩa Kiến tạo (an ninh con người) còn ANTT chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa Hiện thực. Thứ ba, về các lĩnh vực liên quan, ANPTT liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề (môi trường, lương thực, năng lượng, nhân quyền,…) trong khi đó ANTT liên quan đến chính trị, quyền lực, quân sự, chiến tranh. Thứ tư, đối tượng tác động của ANPTT (thế giới, quốc gia, con người) rộng hơn đối tượng tác động của ANTT (quốc gia). Thứ năm, ANPTT ít liên quan đến chủ quyền quốc gia còn ANTT gắn liền với chủ quyền quốc gia.
Có thể thấy rằng các xung đột quân sự là điểm then chốt dẫn đến sự không rõ ràng giữa các định nghĩa về ANPTT. Khi đề cập đến các xung đột chiến tranh, người ta thường nói đến 2 khái niệm các mối đe dọa quân sự và các xung đột quân sự. Các mối đe dọa quân sự là nguồn gốc của sự mất an ninh và các xung đột quân sự là kết quả của sự mất an ninh. Việc làm rõ các khái niệm trong nội dung của thuật ngữ sẽ giúp hiểu khái niệm một cách chính xác hơn.
Hầu hết các quan niệm về ANPTT đều dựa vào nguốn gốc của sự mất an ninh. Ví dụ, những quan niệm này liên quan đến khủng bố, vận chuyển ma túy, tội phạm quốc tế, tình trạng thiếu nước và lương thực, khủng hoảng kinh tế, phá hoại môi trường, tội phạm công nghệ cao, nhập cư bất hợp pháp, xung đột dân tộc, khủng hoảng dân số, v.v tất cả đều có thể là các vấn đề ANPTT. Nếu nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rằng tất cả những vấn đề trên đều tồn tại từ rất lâu trước đây. Ví dụ, cuộc khủng hoảng kinh tế vào những thập niên 30 của thế kỉ trước gây thiệt hại đối với nhiều nền kinh tế hơn cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Tuy nhiên, nó chưa bao giờ được coi là một vấn đề an ninh.
Như vậy, để có được một định nghĩa rõ ràng về ANPTT cần phân biệt nó với ANTT bằng cách xem xét kết quả của sự mất an ninh hơn là nguồn gốc của nó. Theo đó, có thể nói rằng ANPTT là những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia mà không xảy ra những xung đột quân sự giữa các lực lượng quân đội.
Tác động của toàn cầu hóa đối với an ninh phi truyền thống |
Toàn cầu hóa góp phần hình thành nên đặc tính quốc tế – xuyên quốc gia của ANPTT.
Quá trình công nghiệp hóa là nguồn gốc của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa diễn ra cũng với dòng chảy của vốn luân chuyển khắp thế giới qua các thị trường và hàng hóa công nghiệp. Sau Chiến tranh Lạnh, toàn cầu hóa diễn ra nhanh hơn và làm cho các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Theo đó, các quốc gia cũng phải đối mặt với các vấn đề ANPTT tương tự nhau nhưng ở những cấp độ khác nhau. Các vấn đề ANPTT cũng dần dần có những tác động mang tính quốc tế. Ví dụ, cuộc khủng hoảng tài chính ở Thái Lan đã tràn đến cả khu vực Đông Á. Việc giải quyết các vấn đề ANPTT mang tính quốc tế này yêu cầu các quốc gia phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế. |
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).