Mô hình tăng trưởng méo mó của Trung Quốc

ghost-city-china-ordos

Tác giả: Keyu Jin | Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung

Hầu hết các nhà kinh tế đều có lý do để lo lắng cho nền kinh tế Trung Quốc: mức tiêu thụ thấp và thặng dư xuất khẩu lớn, dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp, suy thoái môi trường, hoặc sự can thiệp của chính phủ như việc kiểm soát vốn hoặc áp chế tài chính (financial repression).[1] Nhưng nhiều người không nhận ra đó chỉ là những triệu chứng của một vấn đề cơ bản duy nhất: mô hình tăng trưởng sai lệch của Trung Quốc.

Trong một chừng mực nào đó, mô hình này là hệ quả của chính sách, của thành kiến lâu đời coi xây dựng và sản xuất là đầu tàu của phát triển kinh tế. Ưu tiên này nhắc chúng ta nhớ lại thời kỳ Đại nhảy vọt vào những năm 1950, khi kim loại phế liệu được nấu chảy để đáp ứng các mục tiêu sản xuất thép vô cùng lạc quan nhằm thúc đẩy giấc mơ công nghiệp hóa nhanh chóng của Mao Trạch Đông.

Ngày nay, khuynh hướng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc được thể hiện ở các dự án sản xuất và cơ sở hạ tầng quy mô lớn, được chính phủ khuyến khích thông qua những khoản trợ cấp trực tiếp và gián tiếp. Bằng việc thúc đẩy đầu tư và tạo ra doanh thu thuế cho chính quyền địa phương, phương pháp này có nhiều tác động tích cực nhanh chóng đến GDP hơn là nỗ lực phát triển các ngành dịch vụ.

Tuy nhiên, mô hình này cũng đem đến nhiều chi phí đáng kể. Quả thật, Trung Quốc hiện đang mắc kẹt trong một vòng kinh tế méo mó được duy trì bởi các chính sách lệch lạc. Các chính sách này trông có vẻ như không liên quan đến nhau nhưng thật ra lại gắn bó mật thiết, thậm chí là cộng sinh với nhau.

Một trong những đặc điểm rõ ràng nhất của mô hình này là sự chênh lệch giữa tăng trưởng GDP của Trung Quốc, trung bình gần 10% mỗi năm trong vài thập kỷ qua, với tăng trưởng việc làm, chỉ tăng 1-2% mỗi năm. Rõ ràng, chỉ công nghiệp hóa và mở rộng xuất khẩu không thể đáp ứng hết lực lượng lao động khổng lồ của Trung Quốc.

Vấn đề là việc năng suất lao động trong lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng nhanh – hơn 10% mỗi năm trong hai thập kỷ qua – đang làm giảm nhu cầu thuê thêm lao động. Ngược lại, trong lĩnh vực dịch vụ, năng suất lao động tăng chậm hơn (chỉ tăng khoảng 5% mỗi năm trong cùng kỳ). Điều này có nghĩa là ngành dịch vụ hiệu quả hơn trong việc tạo ra tăng trưởng việc làm. Ở Mỹ, có khoảng 80% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ trong năm 2012.

Một hậu quả khác của mô hình tăng trưởng sai lệch của Trung Quốc là sự suy giảm của tỉ lệ thu nhập hộ gia đình trên tổng GDP, từ mức 70% năm 1990 xuống còn 60% năm 2009. Trong khi đó ở Mỹ, tỷ lệ này vẫn ổn định ở mức khoảng 80% GDP. Nói cách khác, các hộ gia đình Trung Quốc đang không được hưởng lợi (tương xứng) từ tăng trưởng kinh tế.

Hiện tượng này cũng có thể được cho là lỗi của các chính sách méo mó. Để ngăn chặn sự gia tăng chi phí lao động, tiền lương đã bị áp chế, chỉ tăng 5% mỗi năm trong suốt 20 năm qua, ngay cả khi tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm là 8,5%. Trong khi đó, áp chế tài chính lại làm giảm chi phí vốn. Trong thập kỷ qua, lợi nhuận trung bình tiền gửi thực tế (đã được điều chỉnh theo lạm phát) xuống gần bằng không. Với khoảng 80% hộ gia đình Trung Quốc gửi tiết kiệm vào ngân hàng, khoản thuế ngầm đánh vào tiết kiệm này có tác động lớn đến nền kinh tế, củng cố xu hướng tiết kiệm của các hộ gia đình Trung Quốc, do đó làm giảm tăng trưởng tiêu dùng và làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng toàn cầu.

Bằng cách này, các chính sách méo mó của Trung Quốc đã giúp duy trì một mô hình tăng trưởng không hiệu quả. Việc kìm hãm tăng lương, áp chế tài chính, và định giá thấp tỷ giá hối đoái để hỗ trợ xuất khẩu và sản xuất đã làm suy yếu nhu cầu trong nước do các hộ gia đình bắt buộc phải tăng cường tiết kiệm. Do đó, chính phủ phải phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư để đạt được mục tiêu tăng trưởng – phương pháp này dẫn đến việc tích lũy dự trữ ngoại tệ lớn vốn sau đó cần phải được vô hiệu hóa (sterilize)[2] để không ảnh hưởng đến lượng cung tiền cơ sở. Lãi suất thấp giúp kiểm soát chi phí vô hiệu hóa ở cấp độ quốc gia và giảm chi phí ở cấp độ doanh nghiệp. Lãi suất thấp, một lần nữa, lại làm thiệt hại các hộ gia đình.

Phá vỡ vòng luẩn quẩn này sẽ không dễ dàng, nhưng không có cách giải quyết nào khác cho những vấn đề cấp bách mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt. Trên thực tế, mô hình tăng trưởng hiện nay cũng đang gây thiệt hại nặng nề cho môi trường. Ô nhiễm môi trường hiện đang đe dọa sức khỏe của người dân, đặc biệt là ở các khu vực đô thị.

Hơn nữa, sự thiên vị đối với ngành sản xuất và xuất khẩu dẫn đến việc phân bổ vốn không đồng đều. Những ngành công nghiệp kém hiệu quả đã tích lũy vốn dư thừa một cách đáng kể, gây bất ổn toàn bộ nền kinh tế, trong khi các ngành công nghiệp có năng suất và hiệu quả cao hơn không được tiếp cận các nguồn tài nguyên mà chúng cần.

Tái cấu trúc nền kinh tế có lẽ là thách thức cấp bách và khó khăn nhất mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay. Do những sai lệch trong nền kinh tế hiện tại liên quan tới nhau, chúng cần phải được giải quyết đồng bộ. Cách tiếp cận tiệm tiến từng bước của Trung Quốc sẽ không còn hiệu quả.

Keyu Jin (Kim Khắc Vũ) là giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế London, Lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, và là thành viên của Hội đồng Cố vấn Tập đoàn Richemont.

Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate

———————–

[1] Áp chế tài chính (financial repression) là những biện pháp được các chính phủ sử dụng để nâng cao ngân quỹ hoặc giảm nợ. Các biện pháp này tập trung vào việc giữ tỉ lệ lãi suất thấp hơn tỉ lệ lạm phát (tức lãi suất thực âm), một hình thức “đánh thuế” lên người tiết kiệm và chuyển lợi ích từ người cho vay sang người đi vay. Việc giữ lãi suất thực âm giúp các chính phủ dễ dàng phát hành trái phiếu, qua đó tạo được nguồn vốn cho ngân sách với chi phí rẻ hơn so với khi không có các biện pháp áp chế tài chính (NBT).

[2] Vô hiệu hóa (sterilization) là việc mua hoặc bán ngoại tệ bởi một ngân hàng trung ương nhằm tác động lên tỉ giá hối đoái của đồng nội tệ mà không làm ảnh hưởng đến lượng cung tiền cơ sở. Ví dụ, khi Fed lo ngại về sự xuống giá của đồng đô la so với đồng Euro thì nó sẽ bán một lượng trái phiếu định giá bằng đồng Euro trị giá 10 tỉ Euro và thu về 14 tỉ đô la từ giao dịch này. Việc 14 tỉ đô la được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng vào kho của Fed sẽ ảnh hưởng tới lượng cung đồng đô la trên thị trường và lãi suất qua đêm liên ngân hàng  tại Fed. Vì  vậy Fed sẽ thực hiện tiếp giao dịch thứ hai qua thị trường mở bằng cách mua vào lượng trái phiếu kho bạc Mỹ giá trị 14 tỉ đô la, qua đó bơm lại 14 tỉ đô la vào hệ thống ngân hàng thương mại. Giao dịch này giúp “vô hiệu hóa” tác động của việc bán số trái phiếu định giá bằng đồng Euro lên lượng cung tiền cơ sở (NBT).