Trung Quốc: Cú hích tiêu dùng của chính sách hai con

Print Friendly, PDF & Email

china-child

Nguồn: Keyu Jin, “China’s Two-Child Consumption Engine,” Project Syndicate, 05/01/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Tuyên bố hồi tháng 10 năm 2015 rằng Trung Quốc đang chấm dứt chính sách một con đánh dấu sự kết thúc của một đường lối sai lầm kéo dài 37 năm vốn làm tăng tốc độ lão hóa dân số của nước này lên hàng thập niên. Những biện pháp kiểm soát dân số quyết liệt của chính quyền đã làm giảm tỷ suất sinh trung bình trong các hộ gia đình thành thị, từ ba con (trên một phụ nữ) năm 1970 xuống còn một con vào năm 1982, gây ra những hệ quả xã hội và kinh tế nghiêm trọng. Câu hỏi hiện nay là liệu chính sách hai con mới của Trung Quốc có thể giảm thiểu những hệ quả này hay không, và nếu có thì đến mức độ nào.

Trên thực tế, tác động của chính sách hai con nhiều khả năng sẽ sâu rộng – và nhìn chung là tích cực hơn – so với chế độ một con trước đây. Điều này đặc biệt đúng trong dài hạn, nhưng đồng thời những tác động này cũng sẽ trở nên rõ ràng ngay cả trong ngắn hạn. Một nguyên nhân chính là khi số lượng con trên mỗi hộ gia đình tăng lên thì tỷ lệ tiết kiệm tổng thể của nước này sẽ giảm, hoàn thành một mục tiêu kinh tế vĩ mô đã được đặt ra từ lâu.

Tỷ lệ tiết kiệm hiện tại của Trung Quốc đang ở mức cao đến nỗi nó thường bị cho là yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối toàn cầu và làm giảm tỉ lệ lãi suất trên thế giới. Thêm vào đó, nó cũng là trở ngại lớn cho quá trình chuyển dịch đang diễn ra ở Trung Quốc từ một mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu sang mô hình mới dựa trên tiêu dùng và dịch vụ trong nước. Sự chuyển dịch này sẽ bắt đầu sớm hơn so với dự báo của hầu hết các nhà quan sát, và chính sách hai con có thể sẽ tỏ ra không thể thiếu trong việc thúc đẩy quá trình đó.

Đến nay, các nhà kinh tế chủ yếu tập trung vào những thay đổi sắp tới trong cấu trúc dân số của Trung Quốc. Dưới tác động của chính sách một con, tỷ lệ dân số dưới 20 tuổi của nước này đã giảm từ 51% năm 1970 xuống còn 27% năm 2010, trong khi tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%. Kết quả là độ tuổi trung bình ở Trung Quốc tăng từ 20 lên 35 tuổi.

Do số người đã nghỉ hưu ngày càng vượt quá số người trong độ tuổi lao động, áp lực lên thế hệ trẻ hiện nay sẽ ngày càng nặng. Quả thật, trong những năm tới, mỗi thành viên thuộc thế hệ con một hậu những năm 1980 trung bình sẽ phải hỗ trợ cho hai người cao tuổi.

Dĩ nhiên, khi thế hệ hai con (sắp tới) bước vào độ tuổi trung niên, thì trung bình mỗi thành viên sẽ chỉ phải lo cho một người cao tuổi, từ đó làm giảm áp lực kinh tế gắn liền với tỷ lệ người già phụ thuộc cao như hiện nay. Nhưng điều đó sẽ phải mất thêm vài thập niên nữa. Từ giờ cho đến khi đó, thế hệ con một hậu những năm 1980 sẽ phải gánh không chỉ người cao tuổi, mà còn cả số lượng trẻ em phụ thuộc ngày càng lớn.

Dù điều này chắc chắn sẽ rất khó khăn cho thế hệ con một, nhưng nó cũng dẫn đến một tác dụng phụ tích cực là đẩy mạnh tiêu dùng, do nhóm này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng chi tiêu hơn nữa. Phép so sánh trong thời kỳ chính sách một con giữa nhóm gia đình có hai con do sinh đôi và nhóm gia đình một con đã cho thấy mức độ thay đổi về tiêu dùng (dù dĩ nhiên việc các cặp vợ chồng có con sinh đôi không đủ sức góp phần kích thích chi tiêu tiêu dùng theo thời gian cũng cho thấy đây không phải là ví dụ tiêu biểu).

Về mặt tiết kiệm, năm 2009, trung bình các hộ gia đình thành thị có hai con để dành 12,8% thu nhập, so với 21,3% ở những gia đình một con. Mức chênh lệch này là rất lớn trong tất cả các nhóm thu nhập khác nhau.

Sự gia tăng tiêu dùng hộ gia đình do có thêm con chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến một số lĩnh vực nhất định nhiều hơn so với những lĩnh vực khác. Trước tiên, số lượng trẻ em gia tăng sẽ đẩy mạnh tình hình kinh doanh mặt hàng sách truyện, đồ chơi, và xe đạp cho trẻ em. Và khi thế hệ này trưởng thành thì nhu cầu về nhà ở, bảo hiểm nhân thọ, và dược phẩm cũng sẽ tăng trưởng một cách bền vững.

Một trong những khác biệt lớn nhất sẽ là thay đổi trong chi phí dành cho giáo dục. Theo khảo sát trong các hộ gia đình thành thị năm 2009, mỗi gia đình một con ở Trung Quốc bình quân chi khoảng 10,6% tổng thu nhập cho giáo dục, trong khi những cặp vợ chồng có con sinh đôi chi đến 17,3%. Khi số lượng gia đình có hai con tăng lên, thì riêng thay đổi trong lĩnh vực này cũng đủ sức dẫn đến giảm tỷ lệ tiết kiệm tổng thể của Trung Quốc khoảng 7 đến 10%, từ 30% như hiện nay còn khoảng 22% sau 10 năm tới.

Tuy nhiên, vẫn còn một lời cảnh báo. Nhiều trẻ em hơn cũng đồng nghĩa với ít đầu tư giáo dục hơn trên từng trẻ, điều này có thể dẫn đến chất lượng vốn con người thấp hơn. Quả thật, kể từ sau mốc 15 tuổi, trung bình mỗi trẻ trong một cặp sinh đôi nhận được ít hỗ trợ hơn nhiều so với một đứa trẻ con một, gây ra nhiều chênh lệch lớn trong kết quả giáo dục. Các cặp sinh đôi nhiều khả năng sẽ đi học ở các trường nghề hơn so với những đứa trẻ con một đến 40%.

Tuy vậy, sự thay đổi sang chính sách hai con của Trung Quốc là hết sức cấp thiết – và nguyên nhân không chỉ đơn thuần dừng ở việc nó sẽ giúp nước này đạt được mục tiêu cân bằng cơ cấu dân số dài hạn đã đặt ra trước đó. Mặc dù chắc chắn vẫn còn nhiều cạm bẫy, bao gồm cả giai đoạn chuyển tiếp khó khăn sắp tới, nhưng chính sách mới sẽ là cú hích rất lớn cho các nỗ lực chèo lái nền kinh tế Trung Quốc đi vào một lộ trình tăng trưởng ổn định hơn về dài hạn.

Keyu Jin, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế London, là một Lãnh đạo Trẻ Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và là thành viên Hội đồng Cố vấn của Tập đoàn Richemont.

Copyright: Project Syndicate 2016 – China’s Two-Child Consumption Engine
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]