Tác giả: June Teufel Dreyer | Biên dịch: Phạm Trang Nhung
Bài liên quan: Ngoại giao Con đường Tơ lụa và sự xuyên tạc lịch sử
Khi Trung Quốc nổi lên như là một cường quốc kinh tế và quân sự vượt trội trên thế giới, một vài học giả Trung Quốc lại tiếc nuối nhắc về một thời kì khác, khoảng thế kỉ 5 trước Công nguyên, khi thiên hạ đã từng thái bình dưới sự cai trị của một hoàng đế đạo đức và nhân từ kiểu Nho gia. Những hồi tưởng về lịch sử này rõ ràng gợi ý rằng – dưới sự lãnh đạo của một nước Trung Quốc đức độ, người ta có thể quay trở lại thời kì hoàng kim.
Theo đó, hoàng đế nhân từ duy trì một pax sinica (nền hòa bình kiểu Trung Hoa) và cai trị thiên hạ (tianxia), hay toàn bộ thế giới dưới bầu trời này.
Điều này đặc trưng bởi hệ thống triều cống, mà ở đó những người cai trị các vùng đất xung quanh Thiên triều đến thăm triều đình, thực hiện nghi thức khấu đầu, tức là cúi rạp mình để tỏ lòng tôn trọng, và dâng tặng sản vật địa phương làm quà. Đổi lại vị trí cai trị của họ được hợp thức hóa. Họ được tặng lịch của triều đình và nhận các vật phẩm xa xỉ biểu trưng cho nền văn minh Trung Hoa thượng đẳng. Kết quả là đại đồng, hay sự hòa hợp vĩ đại.
Tuy nhiên, trật tự lý tưởng này được cho là đã bị phá hủy với sự xuất hiện của những cường quốc tư bản tham tàn vốn ham muốn mở rộng đế chế tài chính của mình và áp đặt hệ thống thương mại và quan điểm Westphalia về chủ quyền, với quan niệm rằng tất cả các quốc gia dân tộc đều bình đẳng với nhau và không có một chính quyền nào cao hơn chính quyền quốc gia. Bởi vì điều này cho phép các quốc gia tự do hành động theo quan điểm riêng về lợi ích của họ, kết quả tất yếu là chiến tranh tất cả chống lại nhau theo tư tưởng của Hobbes và một thế giới thất bại. Cách giải quyết tình trạng chẳng lấy gì làm tốt đẹp này, theo ý kiến của các học giả mà điển hình là Zhao Tingyang, là phục hồi thiên hạ, với sự lãnh đạo của Trung Quốc trong vai trò là phán quan của cả thiên hạ đó.[1]
Vấn đề là thời kì hoàng kim đó chưa bao giờ tồn tại và dường như tỏ ra không hiệu quả trong thời kì hiện đại. Nhà Hán học quá cố Yang lien-sheng của trường Havard đã khẳng định thẳng thừng rằng “trật tự thế giới với Trung Quốc làm trung tâm là một ảo tưởng đã bị hiện thực bác bỏ nhiều lần theo nhiều mức độ khác nhau, đôi khi gần như phủ định hoàn toàn.”[2] Như các học giả Trung Quốc khác đã chỉ ra, cần có vũ lực để duy trì sự thống nhất của đế chế lẫn bảo vệ nó khỏi kẻ thù bên ngoài.
Trong công thức của Wang Gungwu, thực tiễn của đế chế có trọng tâm là võ, hay vũ lực, với vỏ bề ngoài là đức, hay đạo đức.[3] Thuật cai trị khôn ngoan dựa vào việc đạt được sự cân bằng giữa hai yếu tố này. Mặc dù triều thần ca tụng sự tinh thông Nho học của hoàng đế, thực tế họ lại cư xử như những đệ tử Pháp gia, những người cho rằng xã hội có trật tự hay không phụ thuộc vào luật lệ rõ ràng và việc xử phạt kẻ phạm tội thay vì lòng nhân từ. Những người khác cũng nhấn mạnh rằng quan niệm về sự vượt trội của hình mẫu Trung Quốc trong việc ngăn chặn chiến tranh là ngớ ngẩn đối với bất kì ai quen thuộc với các chi tiết trong lịch sử Trung Quốc vốn đầy rẫy xung đột.[4]
Nho giáo cũng không phải là một mô hình phù hợp với một thế giới quốc tế hóa. Vạn Lý Trường Thành, một trong những tinh hoa của nền văn minh Trung Hoa cổ đại, cũng là biểu tượng cho chủ nghĩa biệt lập của đế chế. Nó được xây dựng để ngăn chặn man di.[5] Hơn thế nữa, kinh điển Nho giáo cũng không khuyên người ta nên xem trọng những mối quan hệ với người ngoài như quan hệ với người thân.[6] Trong quan niệm của Nho giáo về một vương quốc có trật tự, các mối quan hệ mở rộng từ thành viên gia đình ra bên ngoài, với mức độ sâu sắc giảm dần. Quan niệm về đạo hiếu gần như không có ý nghĩa nếu kì vọng ai đó đối xử với mọi người như với anh em ruột thịt. Cũng như vậy, quan điểm hạ thấp tầm quan trọng của phụ nữ và không coi trọng thương nhân của họ hiện nay cũng không được hưởng ứng nhiều.
Một mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tế khác là những người chấp nhận tình trạng làm chư hầu cho đế chế Trung Quốc không nhất thiết phải chấp nhận quan niệm về sự bất bình đẳng giữa nước mình với Trung Quốc và vẫn tiến hành đàm phán như là những bên bình đẳng. Vào giữa thế kỉ 15, vua xứ Ayudhya (Thái Lan ngày nay – NBT) đã từ chối yêu cầu của sứ thần triều Minh rằng ông phải khấu đầu để thể hiện sự kính trọng với hoàng đế. Với vị vua này và những người khác, việc được thừa nhận chỉ nhằm một mục đích thực dụng – trong trường hợp này là nhận sự hỗ trợ của triều đình để đối trọng lại những kẻ có tham vọng bá chủ khác.[7]
Sự khác biệt về sức mạnh giữa những người cai trị Trung Quốc và các nước khác thậm chí có thể dẫn đến sự đảo lộn vai trò: Năm 1138, người sáng lập triều Nam Tống đã chấp nhận địa vị chư hầu trước triều Kim man di.[8] Vào thế kỉ 18, dưới áp lực từ Nhật Bản, nước Ryukyu (Lưu Cầu) đã triều cống cho cả Mạc phủ Tokugawa lẫn Bắc Kinh.[9]
Kể cả người Triều Tiên, những người sùng kính trung thành nhất với chế độ thiên hạ, cũng thường ngần ngại trước yêu cầu của Hoàng đế Hồng Vũ (Chu Nguyên Chương – ND) nhà Minh về việc cống nạp ngựa, rõ ràng là vì họ muốn dự trữ trong trường hợp có xung đột với nhà Minh ở Mãn Châu. Vào thời nhà Thanh, mặc dù liên tục gửi triều cống, nhưng các vị vua Triều Tiên đã xem thường nhà Thanh và cố tình giữ lại lịch của triều Minh đối lập.[10]
Rất lâu trước khi người phương Tây đến, đã có sự thay đổi dần dần từ chế độ triều cống sang thương mại. Dưới thời nhà Minh, đã có những trao đổi thương mại giữa Ryukyus và một phần Đông Nam Á.[11] Tư thương giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã tồn tại ngay cả trong thời kì sakoku (Tỏa Quốc – ND) vào thế kỉ 17 khi Nhật Bản về mặt lý thuyết đã đóng cửa với giao thương bên ngoài.[12]
Triều đình Trung Quốc từ cuối những năm 1400 cũng cho thấy sự quan tâm đến tăng trưởng thương mại. Bất chấp những hậu quả nghiêm trọng, kể cả việc bị xử trảm, đến thế kỉ 15, một hệ thống thương mại đã phát triển rộng khắp Đông Nam và Bắc Á. Bởi cường quốc phương Tây đầu tiên là Bồ Đào Nha mãi đến năm 1524 mới đến khu vực này, điều này đã bác bỏ luận điểm rằng thương mại là do người phương Tây áp đặt.
Hơn nữa, việc áp đặt các hiệp ước thương mại không nhất thiết dẫn đến sự thua thiệt của các quốc gia vốn là thành viên của hệ thống thiên hạ trên danh nghĩa hay thực tế. Nghiên cứu của Hamashita Takeshi cho thấy rằng thay vì trở thành nạn nhân bị động của các cường quốc tham lam bên ngoài, người phương Tây đã mang đến cho các nước đó những cơ hội mới. Vốn chưa hề yếu ớt trong hệ thống thiên hạ, những quốc gia này ngày càng tăng cường sự tự chủ của mình.
Trong một trường hợp, vào năm 1884, một công sứ từ Quảng Đông nói với quan chấp chính của Xiêm rằng việc dừng cống nạp cho Trung Quốc là không phù hợp với luật quốc tế, qua đó viện dẫn đến cả hệ thống triều cống và (quy tắc) thương mại. Viên chấp chính đáp lại bằng cách đề nghị đàm phán. Cả hai bên thấy nước họ có quan hệ chư hầu trong khi đồng thời thảo luận về một hiệp định giữa những bên bình đẳng. Người Triều Tiên tương tự cũng kết hợp các yếu tố của hệ thống chư hầu và thương mại để thu lợi nhiều nhất.[13]
Nếu (hệ thống) thiên hạ có vấn đề, vậy chủ quyền kiểu Westphalia thì sao? Trong khi rõ ràng là mọi nhà nước đều không bình đẳng về quy mô và sức mạnh, và rằng sự hiện diện của một trọng tài tối cao có lẽ sẽ có ích trong việc giải quyết mâu thuẫn, dường như rất ít người sẵn sàng trao quyền đó cho Bắc Kinh. Với phần lớn nhà hoạch định chính sách, viễn tưởng về bình đẳng hấp dẫn hơn nhiều so với viễn tưởng về việc phụ thuộc vào một người cai trị nhân từ.
Cũng có người đặt câu hỏi về việc người cai trị Trung Quốc có thể nhân từ đến đâu: Thật khó để hình dung Tập Cận Bình, những người tiền nhiệm và có lẽ cả kế nhiệm của ông ta trong vai trò này. Khả năng các lãnh đạo Bắc Kinh sẽ trở thành những người xây dựng luật chơi cho thế giới để đảm bảo pax sinica toàn cầu cũng gây nên những lo ngại tương tự như những gì nhà thơ trào phúng người La Mã Juvenal thế kỉ 1 từng đặt ra: “Quis custodiet ipso custodies” – Ai sẽ giám sát người giám sát?
Những người ủng hộ sự phục hồi thiên hạ như là hình mẫu cho thế giới ngày nay về cơ bản đang xuyên tạc quá khứ để định hình lại tương lai, bóp méo quá khứ để theo đuổi một mưu đồ chính trị mà nếu không phải là nguy hiểm thì cũng chỉ là dối trá. Với tất cả những thiếu sót của nó, chủ quyền có lẽ là lựa chọn được nhiều người ủng hộ nhất. Hay nói theo kiểu Winston Churchill về dân chủ, chủ quyền có lẽ là dạng quản trị thế giới tệ nhất, nhưng còn tốt hơn tất cả những dạng khác.
June Teufel Dreyer là giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Miami. Bà là thành viên Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại (FPRI) và là thành viên Ủy ban kinh tế và an ninh Mỹ-Trung. Bài báo này được trích từ một bản dài hơn đăng trên The Journal of Contemporary China với sự cho phép của biên tập viên.
Biên tập: Lê Xuân Hùng |Bản gốc tiếng Anh: Yale Global
————————
[1]Xem Tingyang Zhao, “A Political World Philosophy in Terms of All-Under-Heaven (Tian-xia), Diogenes, 221 (2009), pp. 155.
[2] Lien-sheng Yang, “Historical Notes on the Chinese World Order,” in John K. Fairbank, ed., The Chinese World Order: Traditional China’s Foreign Relations (Cambridge MA: Harvard University Press, 1968), p.20.
[3] Gungwu Wang, “Early Ming Relations With Southeast Asia: A Background Essay,” in Fairbank, p. 49
[4] Xem Alistair Iain Johnston, Cultural Realism: Strategic Culture and Grand Strategy in Chinese History (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1998). Johnston lập luận thuyết phục trên nền tảng nguồn tài liệu dồi dào rằng người Trung Quốc cũng không ít quan tâm đến vấn đề quân sự hơn bất kì nền văn minh nào khác. Các học giả trước đó không nghĩ như vậy do họ đã hiểu nhầm các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc.
[5] Arthur Waldron, The Great Wall of China: From History to Myth (Cambridge, U.K.: Cambridge University Press, 1990), passim.
[6] Daniel Bell, “War, Peace, and China’s Soft Power: A Confucian Approach,” Diogenes, 221 (2009), p. 31.
[7] Geoff Wade, Ming China and Southeast Asia in 15th Century: A Reappraisal, (Singapore: Asian Research Institute Working Paper No. 28, July 2004), p.2
[8] Feng Zhang, “Rethinking the „Tribute System‟: Broadening the Conceptual Horizon of Historical East Asian Politics,” Chinese Journal of International Politics, Vol. 2, 2009, p. 555.
[9] Feng Zhang, p. 565.
[10] Peter Perdue, “Rethinking the Chinese World Order: Historical Perspectives on the Rise of China,” Journal of Contemporary China, forthcoming, p. 12.
[11] Takeshi Hamashita “China and Japan in an Asian Perspective,” (2007), http://www.india-seminar.com/20070573-takeshi-hamashita.htm [1], pp. 22-23; 34.
[12] Kwan-wai So, Japanese Piracy in Ming China During the 16th Century (East Lansing, MI: Michigan State University Press, 1975), p. 214; Ronald Toby, State and Society in Early Modern Japan: Asia in the Development of the Tokugawa Bakufu (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1984), p. 200.
[13] Takeshi Hamashita, East Asia and the Global Economy: Regional and Historical Perspectives (New York: Routledge, 2008), p. 136.