#229 – Khả năng bành trướng lãnh thổ của TQ dưới góc độ lý thuyết QHQT

20140823_LDP001_0

Nguồn: M. Taylor Fravel (2010). “International Relations Theory and China’s Rise: Assessing China’s Potential for Territorial Expansion”, International Studies Review, 12, pp. 505–532.>>PDF

Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Quá trình trỗi dậy trở thành cường quốc của Trung Quốc mang tính hòa bình hay bạo lực vẫn luôn là một câu hỏi khiến cho các học giả lẫn các nhà chính trị phải lưu tâm. Tuy nhiên, trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, những quan điểm lý thuyết cạnh tranh nhau đưa ra những cách lý giải khác nhau cho câu hỏi quan trọng này. Các học giả nghiên cứu sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua lăng kính của lý thuyết chuyển giao quyền lực (power transition theory) hay Chủ nghĩa Hiện thực tấn công (offensive realism) đã dự đoán về một tương lai đầy xung đột.

Thông qua nhiều biến thể khác nhau của lý thuyết chuyển giao quyền lực, xung đột dễ dàng xảy ra nhất khi một cường quốc đang lên, bất mãn với tình trạng hiện hành, tiếp cận gần hơn về mặt quyền lực với cường quốc thống trị trong một khu vực hay trong toàn bộ hệ thống quốc tế, và sẵn sàng sự dũng vũ lực để định hình lại các quy chuẩn hay thể chế trong hệ thống đó (Organski 1958; Organski và Kugler 1980; Gilpin 1981; Modelski 1987; Kugler và Lemke 1996; Thompon 2000; Lemke 2002). Khi lý thuyết chuyển giao quyền lực được áp dụng với Trung Quốc đương đại, nhiều học giả đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ trở nên hiếu chiến hơn khi nước này tập trung xây dựng tiềm lực vật chất (Tammen, Kugler, Lemke, Stam, Abdollahian, Alsharabati, Efird, và Organski 2000; Efird, Kurgler, và Genna 2003; Rapkin và Thompson 2003, 2006; Kugler 2006; Tammen và Kurgler 2006; Goldstein 2007).[1]

Tương tự, lý thuyết hiện thực tấn công cho rằng các quốc gia sẽ theo đuổi chính sách bành trướng một khi chúng mạnh lên, khi các chính trị gia nhận thấy rằng sức mạnh đã tăng lên một cách tương đối (Labs 1997; Zakaria 1998; Mearsheimer 2001; Elman 2004). Vì quyền lực được coi là nguồn gốc tối thượng của an ninh quốc gia trong một thế giới vô chính phủ, các quốc gia theo đuổi bành trướng để trở thành bá quyền khu vực. Khi áp dụng Chủ nghĩa Hiện thực tấn công để phân tích Trung Quốc, một dự đoán cũng đã được đưa ra rằng nước này sẽ thiên về xu hướng tiến hành xung đột quân sự (Mearsheimer 2001, 2006, 2010).

Ngược lại, những xu hướng nghiên cứu quan hệ quốc tế khác đã đưa ra những cách nhìn lạc quan hơn về Trung Quốc. Những học giả này đã nhận thấy tầm quan trọng của các ý định muốn xét lại trật tự quốc tế hay không (của cường quốc đang lên) trong lý thuyết chuyển giao quyền lực, và lưu ý rằng một vài quá trình chuyển giao quyền lực mang tính hòa bình, ví dụ như giữa Hoa Kỳ và Đế quốc Anh vào cuối thế kỷ 19.

Hiện tại, Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách đối ngoại ủng hộ hiện trạng, và không mang xu hướng xét lại (Johnston 2003; Kang 2007). Thêm vào đó, dựa trên lý thuyết phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, các học giả đã nhấn mạnh vào các loại chi phí mà Trung Quốc phải trả nếu tiến hành các chính sách ngoại giao gây hấn, đặc biệt là hủy hoại hàng thập kỷ cải cách kinh tế với thương mại, đầu tư nước ngoài và công nghệ giảm sút, và rộng hơn, sự tham gia của Trung Quốc vào một trật tự quốc tế vốn đã góp phần tạo ra sự trỗi dậy của nước này (Copeland 2000; Moore và Yang 2001; Scobell 2001; Kang 2007; Ikenberry 2008; Johnston 2008; Kirshner 2008; Zhu 2008). Các hành vi gây hấn không những sẽ gia tăng chi phí, mà còn hầu như chắc chắn sẽ châm ngòi cho quá trình hình thành một liên minh các quốc gia với mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, làm xói mòn chính sách lớn của Trung Quốc trong việc tái đảm bảo sự trỗi dậy của mình là hòa bình (Goldstein 2005).

Tuy nhiên, sự tin tưởng vào những dự đoán xuất phát từ các quan điểm lý thuyết cạnh tranh nhau này phải đối diện với hai hạn chế lớn. Đầu tiên, mặc dù các lợi ích tiềm tàng là nguyên nhân chính dẫn tới hành vi gây hấn trong quan điểm của cả lý thuyết chuyển giao quyền lực và Chủ nghĩa Hiện thực tấn công, mức độ cũng như nguồn gốc của các lợi ích này đã không được thảo luận một cách chi tiết trong những tác phẩm có liên quan hiện nay.

Trong lý thuyết chuyển giao quyền lực, lợi ích căn bản mà cường quốc mới nổi mong muốn là khả năng viết lại các chuẩn tắc của hệ thống quốc tế. Mặc dù quá trình chuyển giao quyền lực sẽ trở nên bạo lực khi quốc gia đang nổi trở nên bất mãn với sự phân bổ lợi ích hiện thời, nhưng lợi ích cụ thể dẫn tới chiến tranh lại chưa được xác định rõ ràng. Những lợi ích này có thể bao gồm việc kiểm soát một vùng lãnh thổ xác định, kiểm soát vùng ảnh hưởng, tiếp cận tới các nguồn tài nguyên, hay như đạt được một vị thế nào đó trong hệ thống.

Với Chủ nghĩa Hiện thức tấn công, lợi ích của việc thực hiện các hành vi gây hấn chính là an ninh, được định nghĩa một cách rộng hơn thông qua quá trình tối đa hóa quyền lực. Nếu không xác định được lý do cụ thể tại sao một quốc gia bất kỳ nào đó cảm thấy bất mãn với trật tự quốc tế hiện hành, sẽ khó có thể tạo ra tính vững chắc trong lập luận của các lý thuyết này khi áp dụng chúng trong những trường hợp đặc biệt như sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ hai, lợi ích và chi phí của xung đột mà các lý thuyết cạnh tranh nhau này nêu lên chưa được đánh giá một cách có hệ thống. Việc áp dụng lý thuyết chuyển giao quyền lực và Chủ nghĩa Hiện thực tấn công giải thích sự trỗi dậy của Trung Quốc rất hiếm khi so sánh ích lợi mà nước này đạt được thông qua xung đột với các chi phí cơ hội và chi phí trực tiếp mà những hành vi gây hấn như vậy có thể gây ra. Tương tự, các học giả nhấn mạnh vào tác động của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cũng không cân nhắc những chi phí xung đột mà họ đã nêu ra trong so sánh với các lợi ích tiềm năng. Nói một cách khác, các dự đoán bi quan về sự trỗi dậy của Trung Quốc ám chỉ rằng lợi ích của xung đột sẽ vượt trội hơn so với bất cứ chi phí nào có thể có, trong khi các dự đoán lạc quan thì cho rằng các chi phí sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích. Tuy nhiên, trong một mô hình đơn giản và chính xác hơn, một quốc gia sẽ theo đuổi các chính sách xâm lấn chỉ khi lợi ích đạt được vượt trội hơn chi phí mà nước này có thể phải trả.

Để phân tích được tiềm năng xung đột vũ trang của Trung Quốc và những thách thức mà nó mang lại cho hệ thống quốc tế, tôi phân tích một trong những nguyên nhân có thể gây ra xung đột, đó là kiểm soát lãnh thổ. Tôi phân tích nguyên nhân này mà không phải là các nguyên nhân khác như thiết lập vùng ảnh hưởng, cạnh tranh vị thế hay tài nguyên là vì ba lý do.

Thứ nhất, về mặt lịch sử, các quốc gia chia rẽ nhau vì tranh giành lãnh thổ nhiều hơn hết thảy các nguyên nhân khác (Vasquez 1993).[2] Với lý do này, rất nhiều lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc xoay quanh niềm năng của nước này trong việc sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ (Friedberg 2005).[3] Những cường quốc đang nổi trong quá khứ như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản và Liên Xô cũng đều theo đuổi việc bành trướng lãnh thổ.

Thứ hai, phân tích xung đột lãnh thổ đưa ra được một lợi ích mang tính hữu hình, vốn có thể dễ dàng tiếp cận hơn thông qua phân tích thực nghiệm nếu so sánh với những lợi ích khác mà các cường quốc đang trỗi dậy theo đuổi.

Lý do thứ ba để tập trung vào xung đột lãnh thổ chính là việc nó đóng một vai trò quan trọng trong các lý thuyết dự đoán về một tương lai đầy bạo lực của Trung Quốc. Các nghiên cứu về chuyển giao quyền lực nhấn mạnh xung đột lãnh thổ như là nguồn gốc của bất mãn và các đánh giá mang tính tiêu cực về hiện trạng (Lemke 2002). Như Robert Gilpin (1981:106) đã viết, ví dụ như, “khi quyền lực của quốc gia tăng lên, quốc gia đó sẽ tìm cách mở rộng phạm vi kiểm soát lãnh thổ của mình.” Tương tự, khi áp dụng lý thuyết chuyển giao quyền lực với Trung Quốc, các tranh chấp lãnh thổ được nhấn mạnh như là nguồn gốc của bất mãn và chiến tranh (Tammen et al. 2000; Efird et al. 2003; Rapkin và Thompson 2003, 2006; Kugler 2006; Tammen và Kugler 2006; Goldstein 2007). Một Trung Quốc sử dụng vũ lực vì lãnh thổ sẽ gây áp lực lên Hoa Kỳ, với vai trò như một cường quốc thống trị trong hệ thống, trong việc chia sẻ và thực thi các chuẩn tắc chống lại sự bành trướng đó, đặc biệt khi Trung Quốc tấn công một đồng minh của Hoa Kỳ hay một quốc gia dân chủ trong khu vực.

Cũng giống như vậy, sức hấp dẫn của vị trí bá quyền khu vực trong Chủ nghĩa Hiện thực tấn công khiến cho xung đột tại các lãnh thổ tranh chấp nổ ra một khi Trung Quốc mong muốn đạt được địa vị thống trị. Theo quan điểm của học giả hiện thực tấn công nổi tiếng nhất, John Mearsheimer (2001:402), “một nước Trung Quốc giàu mạnh sẽ không thể nào là một cường quốc chấp nhận vị thế hiện tại của mình, mà sẽ là một Trung Quốc kiên quyết giành được vị trí bá quyền khu vực”.

Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm, chúng ta có thể cho rằng việc phân tích về tiềm năng xung đột lãnh thổ của Trung Quốc là không cần thiết. Rốt cục, các hành vi trong quá khứ của Trung Quốc tại các tranh chấp lãnh thổ gần đây cho thấy bành trướng lãnh thổ trong tương lai có thể khó xảy ra. Mặc dù Trung Quốc vướng vào nhiều tranh chấp lãnh thổ hơn bất cứ các nước nào khác kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (23), nước này đã giải quyết hấu hết các tranh chấp đó thông qua các thỏa thuận song phương, thông thường là bằng thỏa hiệp chủ quyền trên các vùng đất tranh chấp. Trung Quốc cũng đã sử dụng vũ lực trong một vài tranh chấp, nhưng nhìn chung nước này không chiếm đóng hay chinh phục bất cứ một vùng đất nào mà bản thân mình không kiểm soát trước khi xung đột xảy ra (Fravel 2008a). Những học giả khác cho rằng Trung Quốc sẽ tránh bành trướng lãnh thổ bởi vì nước Trung Hoa đế quốc tìm kiếm bá quyền về văn hóa trong khu vực, chứ không phải kiểm soát về mặt địa lý (Kang 2007).

Tuy nhiên, cũng giống như các quỹ tương hỗ, các hành vi ở quá khứ trong quan hệ quốc tế không phải là đảm bảo cho các hành vi tương tự trong tương lai. Thật vậy, các nhà hoạch định chính sách và học giả ở Trung Quốc tiếp tục thể hiện mối quan ngại của mình về tính sẵn sàng của Trung Quốc trong việc sử dụng vũ lực liên quan tới các vấn đề lãnh thổ, và tham vọng lãnh thổ của nước này (ví dụ, Chang 2001; Ministry of National Defense 2009:19; Office of the Secretary of Defense 2010:23; Shirk 2007). Một Trung Quốc mạnh hơn có thể hành xử khác nhau trong cùng một vấn đề nếu so sánh với quá khứ. Điều này là đúng do quá khứ thỏa hiệp trong các vấn đề lãnh thổ của nước này chỉ ra rằng Trung Quốc có thể sẽ ít quan tâm tới bành trướng lãnh thổ mà thay vào đó ưa thích lựa chọn những cách tiếp cận thay thế khác, đặc biệt khi các cách tiếp cận này được dự đoán bởi các lý thuyết quan hệ quốc tế quan trọng như các biến thể của lý thuyết chuyển giao quyền lực hay Chủ nghĩa Hiện thực tấn công.

Thêm vào đó, các học giả quan hệ quốc tế nhấn mạnh vào chi phí của xung đột nên đánh giá lại các lý lẽ bi quan một cách nghiêm túc. Nếu lý thuyết chuyển giao quyền lực hay Chủ nghĩa Hiện thực tấn công là đúng, việc hiểu rõ xung đột sẽ xảy ra dưới những điều kiện như thế nào là hết sức cần thiết và, cụ thể hơn, những lợi ích nào thúc đẩy một cách mạnh mẽ ý định bành trướng lãnh thổ. Nếu những lý thuyết này có ít cơ sở thực nghiệm và lợi ích của bành trướng lãnh thổ là hạn chế, thì lập luận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không dẫn tới xung đột lãnh thổ sẽ trở nên vững chắc hơn – và được củng cố bởi một cơ sở thực nghiệm hoàn chỉnh hơn.

Phần còn lại của bài viết này sẽ phân tích những lợi ích mong đợi của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ và bành trướng lãnh thổ. Tôi định nghĩa bành trướng lãnh thổ ở đây là đe dọa hay sử dụng vũ lực để chiếm một phần hay toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia khác.[4] Đối với Trung Quốc, bành trướng lãnh thổ sẽ bao gồm đưa ra các tuyên bố lãnh thổ mới và sử dụng vũ lực để theo đuổi các tuyên bố này cũng như tại các tranh chấp lãnh thổ hiện có. Như đã thể hiện trong Bảng 1, Trung Quốc hiện tại vẫn tham gia vào sáu tranh chấp lãnh thổ cũng như xung đột có liên quan tới chủ quyền biển ở Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông. Tôi đã sử dụng cách tiếp cận không chính thức phân tích lợi ích kỳ vọng, nhằm làm rõ những lợi ích mà Trung Quốc và các lãnh đạo của nước này có thể đạt được thông qua bành trướng lãnh thổ và khả năng Trung Quốc sẽ đạt được những lợi ích đó bằng lực lượng quân sự.[5] Khung thời gian mà tôi sử dụng cho các phân tích của mình là trong hai thập kỷ tiếp theo, khoảng thời gian hợp lý để giả định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là một cường quốc đang trỗi dậy một cách tương đối ở khu vực nếu so sánh với các cường quốc khác, và là khoảng thời gian khi Trung Quốc sẽ tiệm cận gần hơn với Mỹ – cường quốc thống trị trong hệ thống quốc tế – xét trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP).[6] Việc Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào nếu nước này trở thành quốc gia thống trị hay bá chủ ở khu vực Đông Á nằm ngoài phạm vi của bài viết này.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa mới, nghiên cứu về khả năng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc có thể bị xem là lỗi thời, thậm chí không phù hợp. Ví dụ, các học giả đã nhấn mạnh về quá trình thay đổi từ một “quốc gia chiến lược” (strategic state) sang một “quốc gia thương mại” (trading state) và sự suy giảm một cách rõ nét tầm quan trọng của lãnh thổ như là một thành tố của quyền lực và sự thịnh vượng của quốc gia (Rosecrance 1986), những thay đổi vốn làm suy giảm những lợi ích tiềm năng của việc bành trướng lãnh thổ đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc. Quá trình toàn cầu hóa chuỗi cung ứng đã tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt sản xuất, trong khi sự phát triển của thị trường đã tạo ra một nền hòa bình tư bản trong đó vốn con người và công nghệ, chứ không phải đất đai, là những nhân tố quyết định tới thịnh vượng của một quốc gia (Brooks 2005; Gartzke 2007).[7] Quá trình quốc tế hóa hệ thống tài chính tạo ra thêm các rào cản nhắm vào việc cung cấp tài chính để tiến hành chiến tranh ở quy mô lớn (Kirshner 2007). Tuy nhiên, các học giả khác đã lập luận một cách thuyết phục rằng các cuộc chinh phạt có thể được chi trả theo một nghĩa hẹp hơn, bởi vì các quốc gia có thể khai thác hiệu quả xã hội công nghiệp (Liberman 1996) và một vài nguồn lực đã được tích lũy (Van Evera 2009).[8] Thêm vào đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc báo hiệu sự quay trở lại của quá trình phân chia quyền lực mang tính đa cực và một dạng thức cạnh tranh chính trị nước lớn vốn đã không xuất hiện từ hơn nửa thế kỷ qua, các lợi ích tiềm năng của việc xâm chiếm lãnh thổ cần được nghiên cứu kỹ càng hơn.

Trước khi tiếp tục, một số lưu ý cần phải được làm rõ.

Thứ nhất, phân tích dưới đây chỉ xem xét một trong số rất nhiều nguồn gốc tiềm năng của xung đột có liên quan tới Trung Quốc, cụ thể là xung đột liên quan tới lãnh thổ. Các kết quả rút ra từ bài phân tích này không thể được khái quát hóa vượt quá phạm vi của xung đột lãnh thổ. Nghiên cứu trong tương lai nên tìm hiểu các nguồn gốc gây xung đột tiềm tàng khác có liên quan tới Trung Quốc, ví dụ như vùng ảnh hưởng, vị thế và uy tín quốc gia, tranh chấp tài nguyên, hay những bất đồng căn bản về các quy tắc vận hành của hệ thống quốc tế.

Thứ hai, tôi chỉ tìm hiểu vấn đề lợi ích lãnh thổ của Trung Quốc sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai với việc Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy. Và như vậy, tôi không nghiên cứu bản chất các mối tương tác của xung đột lãnh thổ hay khả năng mà Trung Quốc, giống như trong lịch sử của mình, sử dụng vũ lực để đáp trả hành động của các quốc gia đối địch liên quan tới một tranh chấp lãnh thổ cụ thể (Fravel 2007-08, 2008a). Thay vào đó bài viết này sẽ cố gắng tách rời ảnh hưởng của việc thay đổi lợi ích quốc gia lên ích lợi thực tế mà Trung Quốc có thể đạt được thông qua xung đột lãnh thổ, đặc biệt nếu xét tới khoảng cách chênh lệch sức mạnh quân sự ngày càng tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của mình.

Thứ ba, tôi không nghiên cứu các nguyên nhân mà qua đó Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực trong cuộc tranh chấp lãnh thổ quan trọng nhất của mình với Đài Loan. Mặc dù quan trọng, phân tích về tranh chấp đối với Đài Loan sẽ có ít tác dụng trong việc tìm hiểu tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở những nơi khác. Xung đột với Đài Loan là độc nhất bởi nguồn gốc xung đột xuất phát từ cuộc nội chiến tại Trung Quốc và những nỗ lực của đại lục nhằm theo đuổi thống nhất quốc gia từ năm 1949. Không một tranh chấp hiện tại nào khác của Trung Quốc, hoặc các tranh chấp tiềm năng có liên quan tới các quốc gia láng giềng, là tương đồng với tranh chấp Đài Loan nếu so sánh với các đặc điểm trên.

Quả thực, xung đột với Đài Loan là xung đột duy nhất được đưa vào Hiến pháp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), kết nối phần nào tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) với số phận của xung đột này.[9] Thêm vào đó, những nhân tố chính quyết định tới khả năng sẵn sàng sử dụng vũ lực của Trung Quốc dựa trên đánh giá của nước này về viễn cảnh thống nhất trong tương lai cũng như mối quan hệ hai bờ eo biển, chứ không phải là những lợi ích mới mà Trung Quốc có thể đạt được nếu như nước này tập trung phát triển sức mạnh cứng, vốn sẽ được tập trung đề cập trong bài viết này. Các học giả chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế của Trung Quốc đã tập trung phân tích sâu xung lực của tranh chấp và các viễn cảnh mà trong đó vũ lực được sử dụng, vốn chắc chắn không thể không cân nhắc bất chấp sự ấm lên trong quan hệ giữa hai bờ eo biển sau khi Mã Anh Cửu được bầu làm người đứng đầu Đài Loan vào năm 2008 (ví dụ, Ross 2000, 2002; Christensen 2002, 2006; Wachman 2007; Fravel 2008a; Kastner 2009). Tuy nhiên, mặc dù việc loại bỏ Đài Loan trong quá trình phân tích sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tính toàn diện của nghiên cứu liên quan tới tiềm năng xung đột của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ, nó cho phép đưa ra những cân nhắc chi tiết hơn về những nguồn gốc khả dĩ khác liên quan tới tranh chấp lãnh thổ trong những thập kỷ tiếp theo vốn không nhận được nhiều sự chú ý trong hiện tại.

Trong hai thập kỷ tiếp theo, xung đột lãnh thổ đối với Trung Quốc sẽ không mang lại nhiều lợi ích. Chắc chắn rằng chi phí cho việc bành trướng lãnh thổ sẽ rất lớn. Tuy nhiên, quan trọng hơn, lợi ích tiềm năng của bành trướng lãnh thổ – không tính tới Đài Loan – không lớn như những gì mà thuyết chuyển giao quyền lực hay Chủ nghĩa Hiện thực tấn công đã dự đoán. Khả năng của Trung Quốc trong việc chiếm giữ và kiểm soát lãnh thổ từ các quốc gia khác vẫn còn hạn chế, chủ yếu là do những khó khăn trong khả năng vận tải chiến lược thông qua triển khai và duy trì quân đội bên ngoài biên giới quốc gia. Mặc dù bài viết này đưa ra thái độ lạc quan hơn về tiềm năng của một Trung Quốc đang trỗi dậy đối với vấn đề xung đột vũ trang, nhưng một thái độ như vậy chỉ được đưa ra bằng những nhận xét và đánh giá toàn diện về lợi ích mà Trung Quốc có thể đạt được thông qua bành trướng lãnh thổ, và việc so sánh các lợi ích đó với những chi phí quá lớn mà các học giả khác đã đưa ra. Mặc cho những mối bất an về một Trung Quốc đang trỗi dậy, một trong những con đường truyền thống có thể dẫn tới chiến tranh dường như khó xảy ra.

Các lập luận của tôi sẽ được trình bày sau đây. Phần tiếp theo sẽ mô tả một cách ngắn gọn một số chi phí nhất định mà Trung Quốc sẽ phải gánh chịu khi theo đuổi bành trướng. Tiếp theo, bài viết sẽ nghiên cứu những lợi ích tiềm năng của quá trình này. Bài phân tích này sẽ bắt đầu bằng một nghiên cứu chi tiết về lợi ích của quá trình bành trướng lãnh thổ xuất phát từ nhiều lý thuyết khác nhau. Bài viết sau đó sẽ xem xét xu hướng hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và khả năng Trung Quốc có thể tận dụng được những lợi ích này thông qua việc sử dụng vũ lực. Bài viết kết thúc bằng việc thảo luận những gợi ý chính sách có liên quan tới quá trình trỗi dậy của Trung Quốc thông qua các phân tích đã được đưa ra.

Những chi phí chắc chắn của bành trướng lãnh thổ

Chắc chắn rằng bành trướng lãnh thổ sẽ là một cố gắng đầy tốn kém nếu như Trung Quốc muốn theo đuổi chính sách này. Trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, các lý thuyết khác nhau nêu lên những chi phí khác nhau mà Trung Quốc sẽ phải bỏ ra nếu theo đuổi bành trướng. Thêm vào đó, những chi phí này chắc chắn sẽ rất cao, và sẽ tạo ra lý do để Trung Quốc không sử dụng cách tiếp cận này và theo đuổi lợi ích thông qua những phương pháp khác. Trong phân tích dưới đây, tôi giả định rằng Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược tổng thể tái cam kết của nước này, vốn là chìa khóa trong việc tham gia vào trật tự quốc tế hiện hữu và ngăn chặn việc hình thành những liên minh đối lập có khả năng ngăn cản và hạn chế quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Những chi phí chính trị và ngoại giao

Trong quan hệ quốc tế, một số lý thuyết đã nhấn mạnh những chi phí chính trị và ngoại giao mà các quốc gia phải gánh chịu nếu theo đuổi bành trướng. Nếu xem xét tới tính chất dễ dự đoán của Trung Quốc, thì chi phí ngoại giao đầu tiên của bành trướng chính là tạo ra một dạng cường quốc mới nổi hung hăng “kiểu Trung Quốc”. Dấu hiệu này sẽ đặc biệt mạnh mẽ vì nó đánh dấu sự thay đổi từ cách hành xử hợp tác và thỏa hiệp trong quá khứ của Trung Quốc đối với các tranh chấp lãnh thổ. Trong quá trình giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên đất liền, Trung Quốc đã không chỉ đồng ý nhượng bộ tại các khu vực tranh chấp, mà còn từ bỏ những tuyên bố cho rằng nước này sẽ thu hồi lại các vùng lãnh thổ đã mất do nhà Thanh trước đây nhượng cho các nước xung quanh vào thế kỷ 19. Ví dụ vào những năm 1990, Trung Quốc đã nhượng bộ 11 lần trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, ví dụ như Hiệp định biên giới năm 1994 với Kazakhstan (Fravel 2005, 2008a). Trung Quốc do vậy tái đảm bảo với các nước láng giềng nhỏ hơn về tham vọng lãnh thổ tương lai của mình bằng cách cam kết tuân thủ các hiệp định và hiệp ước song phương vốn không bao gồm các lãnh thổ trước đây của nhà Thanh. Việc loại bỏ các hiệp định này sẽ đưa ra một thông điệp hết sức rõ ràng về tham vọng lãnh thổ.

Một thông điệp mang tính khiêu khích liên quan tới bành trướng lãnh thổ sẽ trở nên tốn kém theo hai cách. Thứ nhất, thông điệp đó sẽ tạo ra quan ngại trong khu vực về những toan tính của Trung Quốc nói chung và những chi phí tiềm tàng trong tương lai khi đối đầu với Trung Quốc. Nếu như một trong những mục tiêu đại chiến lược của Trung Quốc trong hiện tại là ngăn chặn Hoa Kỳ thông qua tăng cường quan hệ với các chủ thể ở khu vực, thì việc vi phạm dù chỉ một hiệp định lãnh thổ, chứ chưa nói tới việc đưa ra những tuyên bố lãnh thổ mới, sẽ tạo cơ hội cho Hoa Kỳ tăng cường quan hệ với các nước nhỏ hơn. Thứ hai, tiến hành bành trướng lãnh thổ chống lại một quốc gia nào đó sẽ gia tăng khả năng các chủ thể khu vực phối hợp với nhau nhằm hạn chế quyền lực của Trung Quốc và ngăn chặn những khiêu khích trong tương lai. Vì vậy, một trong những chi phí chủ đạo của hành vi bành trướng chính là tạo ra một loại phản ứng mà đại chiến lược hiện tại của Trung Quốc mong muốn né tránh: một liên minh đối đầu. Chi phí này hạn chế rất lớn việc sử dụng vũ lực tại các tranh chấp đang diễn ra, chưa kể tới các tuyên bố lãnh thổ mới.

Chi phí ngoại giao thứ hai liên quan tới bành trướng xuất phát từ sự phát triển và củng cố của “quy chuẩn chống xâm lược” vốn thúc đẩy quá trình tạo nên các liên minh để trừng phạt các quốc gia vi phạm quy chuẩn này. Theo Tanisha Fazal (2007), quy chuẩn này xuất hiện vào những năm 1920 và được củng cố trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mark Zacher (2001) đã xác định một quy chuẩn tương tự gọi là “nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ.” Trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi, sự tồn tại của một quy chuẩn như vậy gia tăng khả năng vốn đã rất cao rằng cộng đồng quốc tế sẽ hành động để trừng phạt những quốc gia vi phạm các nguyên tắc kể trên, đặc biệt là những nước lớn (Hironaka 2005). Mặc dù tồn tại xu hướng đùn đẩy trách nhiệm cho nước khác (buck-passing), nhưng những quy chuẩn này góp phần tạo ra một điểm tập trung quan trọng cho các quốc gia trong việc tập hợp phản ứng của họ chống lại hành vi xâm lấn lãnh thổ, bằng chứng là phản ứng nhanh chóng của cộng đồng quốc tế trước việc Iraq chiếm đóng Kuwait vào năm 1990. Với việc đại chiến lược của Trung Quốc mong muốn ngăn chặn sự hình thành của những liên minh nhằm vào Trung Quốc, sự tồn tại của các nguyên tắc này sẽ gia tăng chi phí liên quan tới bành trướng lãnh thổ, đặc biệt nếu xét tới mối đe dọa mà các liên minh như vậy có thể tạo ra cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Các chi phí về kinh tế

Những tác phẩm viết về sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã đưa ra những chi phí khác mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt nếu bành trướng lãnh thổ. Mặc dù những tác phẩm này quá rộng để có thể tiến hành tóm tắt một cách ngắn gọn, cốt lõi chính là nhận định cho rằng phụ thuộc lẫn nhau sẽ gia tăng chi phí cơ hội của xung đột vũ trang và vì vậy tạo ra hành vi kiềm chế và hòa bình giữa các quốc gia. Mặc dù các học giả vẫn đang tiếp tục tìm hiểu những cơ chế thông thường vốn có khả năng kết nối sự phụ thuộc lẫn nhau với hòa bình thì một sự phụ thuộc lớn hơn, trong khi các yếu tố khác không thay đổi, sẽ gia tăng chi phí của xung đột quân sự, đặc biệt là của quá trình bành trướng (McMillian 1997; Gartzke, Li, and Boehmer 2001; Russett and Oneal 2001; Gartzke and Li 2003; Mansfield and Pollins 2003).

Trung Quốc đã hưởng lợi cực kỳ lớn từ quá trình tham dự của nước này vào trật tự kinh tế toàn cầu hiện tại. Trung Quốc thực sự đã phát triển thông qua việc tham gia sâu rộng hơn vào các thể kinh tế chứ không phải là chống lại chúng (Ikenberry 2008). Cho tới thời điểm hiện nay, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi một nền kinh tế mở cửa tương đối với thương mại và đầu tư nước ngoài. Ngược lại, Trung Quốc đã trở nên ngày càng phụ thuộc lớn vào độ mở như thế của nền kinh tế để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Tính mở của nền kinh tế Trung Quốc cho thấy chi phí hữu hình của ý định bành trướng, vốn có thể khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, sẽ là rất lớn (Moore and Yang 2001; Chambers 2006; Moore 2008).

Lấy ví dụ, thương mại chiếm 65% tổng GDP của Trung Quốc vào năm 2008 và vượt 70% GDP trước khủng hoàng tài chính toàn cầu (World Bank 2010). Tiếp theo, tới năm 2006, các công ty đầu tư nước ngoài chiếm gần một nửa tổng xuất khẩu của Trung Quốc. Trong một vài lĩnh vực, ví dụ như các sản phẩm công nghệ cao, con số này lên tới 88%. Trong cùng thời gian đó, Trung Quốc có độ mở đối với đầu tư nước ngoài lớn hơn tất cả các nền kinh tế đang phát triển khác. Trong vòng 10 năm qua, đa số các dự án đầu tư được cấp phép đều đến từ các công ty 100% vốn nước ngoài, các khoản đầu tư này có thể bị suy giảm hay bị rút khỏi Trung Quốc nếu như nước này theo đuổi các chính sách bành trướng hay bất cứ một dạng chính sách gây hấn nào khác ở nước ngoài (Naughton 2007:388-412). Do các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc hiện nay có xu hướng thể hiện mình như là những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa quốc tế, họ sẽ rất nhạy cảm với những chi phí như vậy (Papayoanou and Kastner 1999).

Quan trọng hơn, các nguồn thông tin chính thống của Trung Quốc đều nhận thấy các chi phí tiềm tàng mà quá trình phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế tạo ra. Vào đầu những năm 2000, giới tinh hoa chính trị Trung Quốc đã bắt đầu định hình chính sách đối ngoại xung quanh khái niệm “trỗi dậy hòa bình” (Zheng 2005a). Mặc dù tên gọi đã được đổi thành “phát triển hòa bình”, nhưng khái niệm này đã thể hiện được nhận thức rõ ràng về các chi phí kinh tế mà Trung Quốc sẽ phải trả nếu như tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại đối đầu và mang tính gây hấn, về tác động tiêu cực của các chính sách đó đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như tính chính danh của đảng cầm quyền (Glaser and Medeiros 2007). Khái niệm này cũng đã thể hiện được nhận thức của người Trung Quốc về lợi ích mà đất nước nhận được khi tham gia vào trật tự quốc tế hiện tại. Đây được coi là một chiến lược, được tạo nên nhằm thể hiện hình ảnh một nước Trung Quốc ôn hòa và không mang tính đe dọa tới các quốc gia khác, tái đảm bảo với các quốc gia khác về khả năng phát triển của Trung Quốc.

Thậm chí các bài viết của quân đội Trung Quốc cũng nhận thức được chi phí ngày càng gia tăng của xung đột mà sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế tạo ra. Vào năm 2001, Học viện Khoa học Quân sự, một tổ chức nghiên cứu quan trọng trực thuộc Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã phát hành cuốn sách với tựa đề Zhanlue Xue [Khoa học Chiến lược quân sự] (Peng and Yao 2001). Trong cuốn sách này, các chiến lược gia quân sự đã đưa ra hai tác động quan trọng của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Thứ nhất là sự cần thiết của việc chỉ nên theo đuổi những mục tiêu giới hạn trong chiến tranh, chứ không phải những mục tiêu rộng hơn vốn có thể liên quan tới bành trướng lãnh thổ. Thứ hai là sự cần thiết của các cuộc chiến tranh ngắn ngày nhằm giới hạn những chi phí kinh tế đã được mô tả ở đoạn trước. Những tuyên bố như vậy chỉ mang tính chất khuyến nghị, nhưng chúng cũng là những chỉ dấu cho thấy trong nội bộ Quân đội Trung Quốc cũng đã xuất hiện nhận thức về những chi phí của bành trướng. Hơn nữa, do độc giả của cuốn sách này chủ yếu đến từ bên trong nội bộ giới lãnh đạo chính trị và quân sự, những chỉ dấu như trên ít có khả năng phản ánh một chiến lược đơn thuần với mục tiêu trấn an các quốc gia khác về sự trỗi dậy của sức mạnh quân sự Trung Quốc.

Chi phí kinh tế cuối cùng sẽ là chi phí được sử dụng để chiếm đóng phần lãnh thổ giành được vốn cần thiết để thu hoạch các lợi ích từ việc bành trướng. Mặc dù Liberman (1996) cho rằng việc chinh phục các xã hội công nghiệp hóa có thể “có lợi” về kinh tế nếu hiểu theo nghĩa hẹp, nhưng vẫn không rõ lập luận này có chính xác hay không nếu áp dụng với các xã hội bán công nghiệp ở xung quanh khu vực ngoại vi của Trung Quốc, khi mà dân số phân tán và cơ sở hạ tầng yếu kém sẽ làm gia tăng chi phí giám sát và bóc lột. Một cách rõ ràng hơn, sự khó khăn của Trung Quốc trong việc kiểm soát các khu vực dân tộc thiểu số của chính quốc gia này như tại Tân Cương hay Tây Tạng đã cho thấy những chi phí mà Trung Quốc sẽ phải trả nếu như muốn mở rộng phạm vi lãnh thổ ở các khu vực mà người Hán không chiếm đa số (Fravel 2008a).

Những lợi ích không chắc chắn của bành trướng

Dĩ nhiên, thậm chí nếu chi phí của bành trướng quá cao, các quốc gia vẫn sẽ tiến hành tham vọng này một khi lợi ích thu lại được là đủ lớn. Tai sao các quốc gia lại muốn bành trướng? Trong các nghiên cứu về quan hệ quốc tế, các lý thuyết và các chương trình nghiên cứu khác nhau đưa ra những cách trả lời khác nhau cho câu hỏi này thông qua việc xác định những lợi ích khác nhau mà một quốc gia có thể nhận được thông qua bành trướng lãnh thổ.[10] Một số lập luận nhấn mạnh vào những lợi ích vốn giúp quốc gia có thể tăng cường vị trí quyền lực tương đối của mình trong hệ thống quốc tế. Các lập luận khác chỉ ra những lợi ích giúp củng cố quyền lực của các nhà lãnh đạo chính trị trong nước hay khả năng kiểm soát của một chế độ đối với xã hội mà mình đang cai trị. Tương tự, một số lý thuyết là độc nhất vô nhị khi đề cập tới động cơ mà các cường quốc đang nổi phải đối mặt, trong khi một số khác lại đưa ra nguồn gốc tổng thể của xung đột bất chấp vị trí của một quốc gia thay đổi như thế nào trong hệ thống quốc tế.[11] Tuy nhiên, tựu chung lại, các lý thuyết và lập luận phong phú kể trên cho thấy lợi ích mà Trung Quốc có thể đạt được qua bành trướng là hạn chế, và qua đó cho thấy khả năng nước này tiến hành bành trướng là không cao.

Nguồn gốc mang tính hệ thống của bành trướng

Một nhóm các lập luận nghiên cứu những nguồn gốc của hành vi bành trướng xuất phát từ tính chất vô chính phủ của hệ thống quốc tế, vốn tạo ra động cơ để các quốc gia có thể tối đa hóa quyền lực tương đối của mình. Những lập luận này gắn liền với các lý thuyết thể chế ví dụ như Chủ nghĩa Hiện thực mới (Waltz 1979) hay Chủ nghĩa Hiện thực tấn công (Mearsheimer 2001). Những nguồn gốc mang tính hệ thống của bành trướng bao gồm áp lực biên (lateral pressure), áp lực dân số (population pressure), và các xung lực của tình trạng lưỡng nan an ninh.

Áp lực biên

Áp lực về dân số

Thế lưỡng nan về an ninh

Những nguyên nhân trong nước của bành trướng

Chủ nghĩa dân tộc

Đánh lạc hướng

Tạo lập các liên minh lợi ích cục bộ

Chủ nghĩa quân phiệt

Những phương thức bành trướng hạn chế

Cường quốc lục địa

Cường quốc biển

Kết luận

Tài liệu tham khảo

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Kha nang banh truong lanh tho cua TQ duoi goc do ly thuyet QHQT.pdf

———————–

[1] Chan (2008) và Levy (2008) cũng áp dụng lý thuyết chuyển giao quyền lực với Trung Quốc, nhưng đưa ra các kết luận ít bi quan hơn. Bài viết này đã bổ sung thêm các ý kiến hoài nghi của Chan và Levy, nhưng tập trung vào nêu rõ các lợi ích có thể đạt được thông qua các hành vi gây hấn.

[2] Về xung lực của các tranh chấp lãnh thổ, xem Hensel (2001), Huth (1996), và Huth và Allee (2002)

[3] Về các tuyên bố trước đó trong cùng một vấn đề, xem Betts (1993), Friedberg (1993-94), và Roy (1994)

[4] Trong trường hợp này, tôi sử dụng các khái niệm “bành trướng” (lãnh thổ) – expansion và “xung đột lãnh thổ” – territorial conflict – thay thế cho nhau.

[5] Với cách tiếp phân tích lợi ích mong muốn chính thức, xem Bueno de Mesquita (1989: 143-169). Một cách logic, ta có thể chỉ ra rằng bành trướng lãnh thổ sẽ không mang lại lợi ích gì nếu chứng minh được rằng sẽ không có bất cứ một ích lợi gì nếu bành trướng lãnh thổ hay, nếu có lợi ích, thì một quốc gia không sở hữu bất kỳ khả năng nào để chiếm giữ thông qua lực lượng quân sự. Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích cả hai khía cạnh trên.

[6] Keidel (2008) kết luận rằng Trung Quốc sẽ không thể đuổi kịp Mỹ về mặt kinh tế trong vài thập kỷ tới

[7] Brooks (1999) cũng đã lập luận rằng chuỗi cung ứng được toàn cầu hóa sẽ hạn chế sự phát triển của các ngành công  nghiệp quốc phòng quốc gia độc lập.

[8] Cụ thể hơn, Liberman lập luận rằng các cuộc chinh phạt tạo ra lợi ích thông qua một phương thức hạn chế hơn, rằng tài nguyên thu lại được thông qua chinh phạt lớn hơn rất nhiều so với lượng tài nguyên cần dùng để chiếm giữ. Liberman không đưa ra lập luận rằng các cuộc chinh phạt về mặt tổng thể sẽ tạo ra lợi ích nhiều hơn khi cân đo đong đếm với những chi phí khác, ví dụ như chi phí chiến tranh để giành lấy vùng lãnh thổ nào đó, các lệnh cấm vận và các chi phí khác mà các quốc gia khác có thể đưa ra nhằm phản ứng lại việc xâm lấn đó, hay khả năng sử dụng nguồn nhân lực dành cho hành vi chinh phục. Như Liberman đã chỉ ra, “Chinh phạt thông thường sẽ không tạo ra nhiều lợi ích trong một tính toán rộng lớn hơn” (1996:x). Tôi sẽ đưa ra những lập luận ủng hộ xa hơn cho kết luận này.

[9] Dựa trên lời mở đầu của bản Hiến pháp năm 1982, “Đài Loan là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc, nhiệm vụ cao cả của toàn bộ người dân Trung Quốc, và cả những đồng bào ở Đài Loan, là hoàn thành được nhiệm vụ vĩ đại thống nhất tổ quốc.”

[10] Để làm rõ hơn, tôi sẽ không đưa ra một lý thuyết chung liên quan tới bành trướng lãnh thổ. Thay vào đó, tôi xem xét tính liên quan cũng như khả năng áp dụng của các lý thuyết và lập luận mà các học giả đã phát triển nhằm giải thích hành vi bành trướng lãnh thổ đẻ có thể xem xét lý thuyết hay lập luận nào có thể làm sáng tỏ các hành vi trong tương lai của Trung Quốc. Một cách khá tự nhiên, không phải tất cả các lý thuyết đều phù hợp với nhau, tuy nhiên sự phát triển của một lý thuyết thống nhất liên quan đến bành trướng có khả năng điều hòa những khác biệt trên nằm ngoài phạm vi của bài viết này.

[11] Tôi không xem xét tới các công cụ khác ngoài bành trướng lãnh thổ như thị trường vốn có thể được sử dụng để đạt được những lợi ích tương tự. Thay vào đó, mục tiêu của tôi đơn giản là xem xét lợi ích nào có thể tồn tại nếu bành trướng và chinh phục là những công cụ được sử dụng.