#252 – Chướng ngại Pakistan trong tam giác quan hệ Mỹ – Trung – Ấn

Print Friendly, PDF & Email

??????????????????????????

Nguồn: Harsh V. Pant (2012). “The Pakistan Thorn in China—India—U.S. Relations”, The Washington Quarterly, Vol. 35, No.1, pp. 83-95.

Biên dịch: Đoàn Trương Hiên | Hiệu đính: Lâm Vũ

Tại thời điểm vai trò của Pakistan trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố bị đặt một dấu hỏi lớn, cả thế giới đang theo dõi quyết định của Bắc Kinh về quan hệ với Islamabad. Mặc dù trong những tháng trở lại đây, Pakistan đang ngày càng bị cô lập về mặt ngoại giao nhưng sự ủng hộ của Trung Quốc vẫn không hề bị dao động, ít nhất là về mặt ngôn luận. Hai tuần sau cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào tháng 5 năm 2011 của Mỹ, thủ tướng Pakistan Yousef Raza Gilani thực hiện chuyến công du đến Trung Quốc trong bốn ngày nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Tất nhiên, có rất nhiều thứ để chúc mừng trong một mối quan hệ song phương mà đại sứ Pakistan ở Trung Quốc đã miêu tả là “cao hơn cả núi, sâu thẳm hơn biển cả, rắn rỏi hơn sắt thép tôi luyện, dịu dàng hơn ánh mắt trìu mến, ngọt ngào hơn mật ong, v.v.”[1]

Là cường quốc duy nhất công khai lên tiếng ủng hộ Pakistan sau vụ ám sát Bin Laden, Trung Quốc đã bảo vệ Islamabad và nhấn mạnh rằng Chính phủ Pakistan có lẽ không hề hay biết việc Osama bin Laden đang ẩn nấp trên lãnh thổ của mình. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Gilani, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã khẳng định “Pakistan đã có những hy sinh lớn lao và đóng góp quan trọng vào cuộc chiến chống khủng bố quốc tế; độc lập, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia này phải được tôn trọng, đồng thời cộng đồng quốc tế nên hiểu đúng và ủng hộ Pakistan nỗ lực duy trì ổn định trong nước và đạt được những thành tựu phát triển kinh tế và xã hội.”[2] Thủ tướng Ôn Gia Bảo tiếp tục nhấn mạnh rằng Trung Quốc mong muốn trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” của Pakistan, và sẽ làm hết sức mình để giúp chính phủ Pakistan cùng người dân vượt qua khó khăn.

Để nhấn mạnh cam kết của mình, Trung Quốc đã đồng ý nhanh chóng cung cấp cho Pakistan 50 máy bay JF-17 Thunder đa chức năng mới theo một thỏa thuận hợp tác sản xuất, thậm chí ngay khi các cuộc đàm phán tiếp theo vẫn xoay quanh nội dung cung cấp thêm máy bay chiến đấu bao gồm cả những loại sở hữu công nghệ tàng hình. Bất chấp những hỗ trợ hào phóng này, Pakistan vẫn mong muốn nhận được nhiều hơn nữa từ phía Trung Quốc. Pakistan đã nhấn mạnh rõ nét ý định này khi bày tỏ mong muốn nhờ cậy Trung Quốc tiếp quản hoạt động của cảng Gwadar ở Biển Ả Rập phía Tây Karachi. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào cảng Gwadar vốn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tăng cường năng lực hải quân của Trung Quốc tại khu vực. Pakistan đã đề nghị cảng Gwadar nên được nâng cấp thành một căn cứ hải quân cho Trung Quốc sử dụng.[3] Tuy nhiên, Trung Quốc ngay lập tức từ chối đề nghị này, vì không muốn Mỹ và Ấn Độ phản đối việc thiết lập một căn cứ chính thức ở Pakistan.

Kể từ khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Pakistan nhấn mạnh các cam kết quốc gia đối với lợi ích an ninh cốt yếu song phương tại Hội nghị Bandung năm 1955, Pakistan đã chiếm một vị trí đặc biệt, có thể gọi là độc nhất vô nhị trong phép tính về chính sách đối ngoại của Trung Quốc.[4] Mối quan hệ này được mô tả như “có thể xem là yếu tố ổn định và bền vững nhất trong quan hệ đối ngoại Trung Quốc.”[5]

Ấn Độ luôn là nhân tố chính ảnh hưởng đến chính sách song phương giữa Trung Quốc và Pakistan. Đối với Trung Quốc,  Ấn Độ là một đối thủ tiềm năng trong sân chơi chiến lược tại khu vực châu Á, nên Trung Quốc có xu hướng dựa vào Pakistan để kháng lại sức mạnh của Ấn Độ trong khu vực. Trong khi đó,  Islamabad lại từng bước tiếp cận các nguồn lực dân sự và quân sự (của Trung Quốc) để cân bằng sức mạnh của Ấn Độ trong phạm vi tiểu lục địa. Hợp tác Trung Quốc-Pakistan đem lại lợi ích cho cả hai khi làm cho Ấn Độ nhận thức được tình thế sẽ bị tấn công từ cả hai phía nếu xảy ra chiến tranh với một trong hai quốc gia.[6] Mỗi quốc gia đều đang sử dụng quốc gia còn lại để giữ thế cân bằng với Ấn Độ bởi lẽ những tranh chấp với Pakistan sẽ chi phối Ấn Độ khá lớn, khiến New Delhi xao nhãng nhiệm vụ phát huy tiềm năng quốc gia để trở thành một cường quốc chủ chốt trong khu vực và toàn cầu.

Mặc dù có một số quan điểm từ phía Mỹ và Ấn Độ cho rằng chính quyền của Tổng thống Obama và Singh nên hợp tác với Trung Quốc để khôi phục lại sự ổn định ở Pakistan,[7] sự hữu dụng của Pakistan đối với Trung Quốc chỉ có thể tăng, đặc biệt khi Ấn Độ tiếp tục nâng cao vị thế trong trật tự quốc tế và theo đuổi một đường hướng chính sách ngoại giao tham vọng hơn chủ yếu để đối phó với Trung Quốc, dẫn đến việc mối quan hệ thân thiện Trung Quốc-Pakistan ngày càng được thắt chặt.

Mối quan hệ Trung Quốc – Pakistan: Tình hữu nghị “trong mọi hoàn cảnh”?

Vào năm 1950, một phần dựa vào việc có lợi ích chung trong vấn đề Ấn Độ, Pakistan là một trong số các quốc gia đầu tiên công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và phá vỡ quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc. Sau chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, mối quan hệ Trung Quốc -Pakistan trên đà phát triển tốt đẹp, khi cả hai quốc gia đồng ý ký kết thỏa thuận ranh giới công nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc trên một số khu vực của vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir. Kể từ đó, duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu đối với Islamabad và Bắc Kinh đã cung cấp những hỗ trợ to lớn cho Pakistan trên các phương diện kinh tế, quân sự và kỹ thuật trong những năm qua. Đồng thời chính Pakistan là quốc gia đã giúp đỡ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bước đầu gầy dựng mối quan hệ với phương Tây trong những năm đầu thập niên 70 – cụ thể là Mỹ, mở đường cho chuyến thăm bí mật sang Trung Quốc của Henry Kissinger vào năm 1971. Chuyến viếng thăm này là một cột mốc ngoại giao vô cùng quan trọng. Pakistan cũng đóng vai trò dẫn đường để đưa Trung Quốc xích lại gần hơn với thế giới Hồi giáo. Pakistan đã hỗ trợ Trung Quốc trong tất cả các vấn đề quan trọng đối với Trung Quốc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc, như Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng, cũng như các vấn đề nhạy cảm khác như quyền con người. Trung Quốc đã đáp lại bằng cách ủng hộ lập trường của Pakistan trong vấn đề Kashmir.

Trung Quốc nổi lên như nhà cung cấp quốc phòng lớn nhất cho Pakistan, với các dự án chung sản xuất nhiều loại vũ khí từ máy bay chiến đấu đến tàu khu trục tên lửa dẫn đường. Việc hiện đại hóa quân sự của Pakistan phụ thuộc vào sự hỗ trợ hào phóng của Trung Quốc, với việc Trung Quốc cung cấp cho Pakistan tên lửa tầm ngắn M-11 và giúp Pakistan phát triển tên lửa đạn đạo Shaheen-1.[8] Trong hai thập kỷ qua, hai quốc gia đã tích cực tham gia vào một loạt các dự án, bao gồm máy bay chiến đấu JF-17 được sử dụng để tải vũ khí hạt nhân, Hệ Thống Báo và Điều Khiển Trên Không, và tên lửa hành trình Babur (kích thước sao chép chính xác tên lửa hành trình Hong Niao của Trung Quốc). Trong một bước đi quan trọng của nền công nghiệp quốc phòng quốc gia, Trung Quốc sẽ cung cấp máy bay chiến đấu tự chế tiên tiến nhất, máy bay chiến đấu J-10 thế hệ thứ ba, cho Pakistan trong một thỏa thuận trị giá khoảng 6 tỉ đôla.[9] Các cuộc đàm phán hiện đang được tiến hành giữa hai bên về việc Islamabad mua sáu chiếc tàu ngầm mới. Bắc Kinh đang giúp Pakistan xây dựng và phóng các vệ tinh viễn thám và truyền thông, ngay cả khi Pakistan được cho là đang cho phép một cơ sở thông tin liên lạc không gian của Trung Quốc hoạt động tại Karachi.[10]

Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân của Pakistan và nổi lên như một mạnh thường quân đối với Pakistan tại thời điểm các nước phương Tây kiểm soát khắt khe các hoạt động xuất khẩu vốn khiến cho Pakistan vấp phải nhiều khó khăn để nhập khẩu nguyên liệu và tiếp cận công nghệ. Về cơ bản, chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan là chương trình mở rộng của Trung Quốc. Gary Milhollin, nhà chủ trương kiểm soát vũ khí, lưu ý một cách rất thích đáng rằng: “Nếu trừ đi sự giúp đỡ của Trung Quốc trong chương trình hạt nhân của Pakistan thì ắt hẳn sẽ không tồn tại một chương trình hạt nhân nào cả.”[11] Trong những năm 1990, Trung Quốc thiết kế và cung cấp các lò phản ứng Khusab nước nặng, đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất plutonium của Pakistan. Trung Quốc cũng hỗ trợ kỹ thuật và vật chất cho việc hoàn thành các lò phản ứng điện hạt nhân Chashma và cơ sở tái chế plutonium được xây dựng vào giữa những năm 1990. Mặc dù đã từ lâu Trung Quốc luôn từ chối giúp đỡ bất kỳ quốc gia nào về năng lực hạt nhân, nhưng cha đẻ của chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan, Abdul Qadeer Khan, vẫn phải thừa nhận vai trò tối quan trọng của Trung Quốc trong việc vũ khí hóa hạt nhân của Pakistan khi Trung Quốc cung cấp cho Pakistan 50 kg uranium được làm giàu (cấp độ vũ khí), bản vẽ của các vũ khí hạt nhân, và hàng tấn uranium hexafluoride sử dụng cho các máy ly tâm.[12] Đây có lẽ là trường hợp duy nhất mà một nước có vũ khí hạt nhân thực sự chuyển giao nguyên liệu phân hạch cấp độ vũ khí cũng như thiết kế bom cho một nhà nước phi vũ khí hạt nhân.

Trên mặt trận kinh tế, Trung Quốc và Pakistan đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do, với Trung Quốc chiếm khoảng 11 phần trăm nhập khẩu của Pakistan. Hai bên cam kết đạt được mục tiêu thương mại 15 tỷ USD vào năm 2015.[13] Các khoản viện trợ kinh tế “không ràng buộc” của Trung Quốc dành cho Pakistan được đánh giá cao hơn so với các khoản viện trợ từ Mỹ (thường có các điều khoản đi kèm), thậm chí ngay cả khi hỗ trợ của Trung Quốc gần như không là gì so với hỗ trợ của Mỹ cho Pakistan. Chẳng hạn như chỉ tính riêng năm 2010, Mỹ đã cung cấp lên đến 349 triệu đôla viện trợ quân sự và kinh tế cho Pakistan.[14] Để giúp Pakistan vượt qua khủng hoảng kinh tế trong năm 2008, Bắc Kinh đã cung cấp một khoản vay ưu đãi với giá trị khoảng 500 triệu USD cho Islamabad. Dẫu vậy, Trung Quốc lại không cấp cho Pakistan gói cứu trợ quy mô lớn như mong đợi trước đó, buộc Pakistan phải tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trung Quốc và Pakistan ngày càng tăng cường hợp tác phát triển kinh tế. Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế này, Trung Quốc đã đầu tư đáng kể cho việc mở rộng cơ sở hạ tầng của Pakistan, trong đó dự án đáng chú ý là nâng cấp cảng Gwadar, có vị trí chiến lược ở ngay cửa eo biển Hormuz. Tuyến đường sắt từ Gwadar qua dãy núi Karakoram dẫn vào phía tây Tân Cương của Trung Quốc sẽ tạo cho Trung Quốc một tuyến đường cung cấp năng lượng thay thế (Trung Quốc đang xây dựng hành lang giao thông vận tải chiến lược này bất chấp phản đối của Ấn Độ đối với các hoạt động tại vùng Kashmir đang nằm dưới sự kiểm soát của Pakistan).

Sự hiện diện của Trung Quốc ở Vịnh Bengal qua các tuyến đường và các cảng ở Miến Điện, cũng như ở Biển Ả Rập thông qua cảng Gwadar trở thành mối lo ngại cho Ấn Độ. Cảng Gwadar được đánh giá là một “điểm nghe ngóng’ của Trung Quốc, nhờ vào đó Trung Quốc có khả năng “theo dõi các hoạt động của hải quân Mỹ ở khu vực Vịnh Ba Tư, hoạt động của Ấn Độ trong vùng biển Ả Rập, và hợp tác hàng hải Mỹ-Ấn trong tương lai ở Ấn Độ Dương.”[15] Mặc dù năng lực của hải quân Pakistan chưa đến mức đặt ra bất kỳ thách thức nào đối với Ấn Độ, nhưng lực lượng hải quân kết hợp của Trung Quốc và Pakistan thực sự là mối nguy ghê gớm mà Ấn Độ phải đối phó. Trung Quốc hiện đang tiếp cận được các cơ sở cảng then chốt ở Ai Cập, Iran và Pakistan, điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã đạt được vị trí rất thuận lợi để đảm bảo lợi ích của mình tại khu vực.

Quan hệ và lợi ích Trung-Ấn

Một số người trong cộng đồng nghiên cứu chiến lược của Ấn Độ cho rằng Trung Quốc chia sẻ nhiều mục tiêu chung với Ấn Độ, bao gồm vấn đề xây dựng một quốc gia Pakistan thịnh vượng, bền vững, an toàn, để không còn là căn cứ cho al-Qaeda và các chân rết của mạng lưới này.[16] Có người cho rằng tình hình xấu đi nhanh chóng ở Pakistan và những hệ lụy lâu dài của nó đối với sự ổn định chung của khu vực chính là nguyên nhân để Bắc Kinh và New Delhi hợp tác nhiều hơn nhằm giữ ổn định vùng biên chung giữa hai quốc gia. Những bất ổn diễn ra ở Khu tự trị Tân Cương, như các cuộc bạo loạn giữa người Hán và người Hồi giáo Uighur trong năm 2009, thực sự buộc Bắc Kinh phải chú ý nhiều hơn đến các nguồn phát sinh chủ nghĩa khủng bố quốc tế từ Pakistan, đặc biệt là viễn cảnh chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan và Pakistan sẽ tràn sang vùng tự trị bất ổn phía tây Trung Quốc. Trung Quốc ngày càng lo ngại về tính chất hiếu chiến của Hồi giáo ngày càng tăng lên mạnh mẽ ở biên giới phía tây trong vài năm qua, và môi trường an ninh ở Afghanistan và ở khu vực Trung Á nói chung vẫn là một nỗi quan ngại rất lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn một mực từ chối thảo luận với Ấn Độ về vấn đề Pakistan vì không muốn làm sứt mẻ mối quan hệ đặc biệt với Pakistan, và hợp tác Mỹ-Trung Quốc về Pakistan vẫn chỉ ở mức tối thiểu.

Những mục tiêu chung liên quan đến Pakistan mà Trung Quốc và Ấn Độ cùng nhau hướng đến bao gồm việc ngăn chặn sự gia tăng và lan rộng của chủ nghĩa cực đoan, thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở Afghanistan và Pakistan, ổn định toàn cục nền chính trị và đoàn kết xã hội ở Pakistan, cũng như độ an toàn của các cơ cở hạt nhân tại Pakistan. Trong tất cả các nước lớn, chỉ có Trung Quốc mới có thể sử dụng đòn bẩy tác động kinh tế ngày càng lớn của mình ở Pakistan để đảm bảo thể chế an ninh của Pakistan sẽ trao quyền cho phía dân sự, cho phép nhà nước Pakistan hoạt động hiệu quả. Những người lao động và tài sản của Trung Quốc thường là đối tượng của những kẻ cực đoan ở Pakistan. Các kế hoạch để biến Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn tại Afghanistan sẽ chỉ là ảo tưởng nếu Pakistan không kiểm soát các nhóm cực đoan tại Afghanistan.

Tính ổn định của khu vực Trung Á – vốn có vai trò quan trọng bởi trữ lượng dầu và khí đốt – cũng đang bị đe dọa. Trong những năm gần đây, các cường quốc rất quan tâm đến việc mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực, dĩ nhiên Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Quốc gia này có chung nhiều lợi ích với các cường quốc khác như Mỹ, Nga và Ấn Độ đối với khu vực Trung Á, bao gồm việc tiếp cận tài nguyên năng lượng, hạn chế sự bành trướng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, bảo đảm ổn định chính trị và tăng cường nền kinh tế khu vực. Sự bất ổn đang tiếp diễn ở Afghanistan và Pakistan là một thách thức nghiêm trọng đối với việc thực hiện những mục tiêu này.

Tuy nhiên, mối quan hệ không phẳng lặng của Trung Quốc với Ấn Độ trong thời gian gần đây đã thực sự cản trở việc thực hiện những điều này và đạt được những lợi ích chung khác. Trên trường quốc tế, cả hai đều có những phát ngôn hoa mỹ về tình hữu nghị hợp tác. Thực sự hai bên đã cùng nhau hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu cũng như yêu cầu các tổ chức tài chính thế giới tái cơ cấu khi đứng trước sự chuyển dịch của trọng tâm kinh tế toàn cầu. Nhiều người ủng hộ việc xây dựng quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhằm tạo đối trọng chống lại bá quyền của Hoa Kỳ trên toàn cầu và trong khu vực. Là một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc xem Hoa Kỳ là trở ngại lớn nhất để giành vị trí vượt trội trong trật tự chính trị toàn cầu. Kết quả là, nước này nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước lớn khác như Ấn Độ để ngăn chặn Mỹ bành trướng trên thế giới, ngay cả khi chỉ để phục vụ những mục tiêu ngắn hạn.

Ấn Độ thì lại có những cân nhắc khác, bởi lẽ vẫn còn một chặng đường dài trước khi quốc gia này có khả năng thách thức ưu thế toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, quốc gia này đã không ngừng nỗ lực bày tỏ mối quan ngại của cái gọi là thế giới của các quốc gia đang phát triển, tranh luận mạnh mẽ về việc tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia và chống lại việc sử dụng vũ lực trong chính trị quốc tế. Ấn Độ lo ngại rằng Hoa Kỳ ngày càng trở nên mạnh mẽ và đơn phương hơn, cũng như viễn cảnh một thế giới đơn cực do Hoa Kỳ thống trị sẽ không có lợi cho những quốc gia yếu hơn như Ấn Độ. Do đó ý tưởng hợp tác với Trung Quốc trở nên khá hấp dẫn trong mắt một bộ phận giới tinh hoa chiến lược Ấn Độ.

Ấn Độ và Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ cuộc không kích ở Nam Tư do Mỹ dẫn đầu vào năm 1999, chiến dịch chống lại chế độ của Saddam Hussein tại Iraq năm 2003 và gần đây là sự can thiệp của phương Tây tại Libya, lập luận rằng những hành động này đã vi phạm trắng trợn chủ quyền của các quốc gia khác và làm suy giảm quyền lực của hệ thống Liên Hiệp Quốc. Cả hai quốc gia đều cho rằng các thể chế kinh tế quốc tế nên được vận hành theo cơ chế dân chủ hơn, đồng thời phản đối quyết liệt khi Mỹ và các quốc gia phát triển khác nỗ lực gắn kết các tiêu chuẩn lao động và môi trường khắt khe với các hoạt động thương mại toàn cầu. Bởi lẽ, cả hai đều nhận thức rõ ràng rằng điều này sẽ gây bất lợi rất lớn cho các quốc gia đang phát triển, kìm hãm động lực phát triển kinh tế, vốn luôn là ưu tiên số một đối với cả hai nước.

Tuy nhiên, Trung Quốc cảm thấy khá hứng khởi khi nhận thấy trong những tháng đầu tiên của chính quyền Obama, Washington đã lên kế hoạch đặt mối quan hệ với Trung Quốc làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ trong bối cảnh Hoa Kỳ ngày càng gia tăng sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Vì thế, Bắc Kinh đã thể hiện lập trường khá cương quyết đối với Ấn Độ. Mặc dù Bắc Kinh đã giải quyết hầu hết các tranh chấp biên giới với các nước khác nhưng vẫn có thái độ miễn cưỡng khi tiến hành giải quyết với New Delhi. Trung Quốc đã đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ ra Ngân hàng Phát triển Châu Á trong năm 2009, chặn đứng hồ sơ đề nghị vay vốn của Ấn Độ đối với các dự án phát triển tại Arunachal Pradesh, một bang ở phía đông bắc Ấn Độ, nơi mà Trung Quốc liên tục khẳng định là một phần của lãnh thổ quốc gia này.

Những tuyên bố thường xuyên và gắt gao từ phía Trung Quốc đối với vấn đề Đường Kiểm Soát Thực Tế ở Arunachal Pradesh và Sikkim (nằm giữa Nepal và Bhutan) đã thật sự làm dấy lên một hồi chuông báo động ở Ấn Độ. Kết quả là những vòng đàm phán gần đây về biên giới đều là những thất bại đáng thất vọng. Điều này khiến cho Ấn Độ hoài nghi về ý định sẵn sàng hợp tác của Trung Quốc trong việc tuân theo theo những hiểu biết chính trị mà hai bên đã đồng ý trước đây về phương hướng giải quyết các tranh chấp biên giới. Dường như sẽ không có bất kì kết quả thật sự chắc chắn nào phát sinh từ các cuộc đàm phán biên giới Trung-Ấn, dù cho các cuộc đối thoại vẫn tiếp diễn không có hồi kết.[17]

Ngoài ra, vào năm 2009, New Dehli hết sức khó chịu khi Trung Quốc đề xuất với Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ rằng nên thừa nhận Ấn Độ Dương nằm dưới phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.[18] Mối quan hệ giữa hai bên tiếp tục căng thẳng khi Trung Quốc không ủng hộ thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn, ngược lại cố gắng ngăn chặn tại Khối Các Nước Cung Cấp Hạt Nhân (Nuclear Suppliers Group) và thể hiện thái độ cản trở trong việc đưa những tên chủ mưu khủng bố của cuộc tấn công tháng 11 năm 2008 ở Mumbai ra trước công lý.[19]

Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong thập kỷ qua đã giúp quốc gia này có khả năng biến mình thành một cường quốc quân sự. Sự hiện đại hóa quân sự nhanh chóng và bí ẩn xung quanh tiềm lực quân sự của Trung Quốc là một vấn đề lớn mà Ấn Độ hết sức quan tâm. Dù với bất cứ ý định nào, thì việc tăng đều đặn ngân sách quốc phòng trong những năm qua đang đưa Trung Quốc trên đường trở thành cường quốc có khả năng thách thức ưu thế của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhất. Trong khi mục tiêu trung hạn của Trung Quốc vẫn là chuẩn bị cho các vấn đề tiềm tàng ở eo biển Đài Loan, việc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, kho tên lửa tiên tiến ngày càng lớn và việc phát triển công nghệ không gian và không gian mạng đang làm thay đổi cán cân quân sự ở châu Á và xa hơn nữa.

Vì Trung Quốc trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào dầu nhập khẩu cho nền kinh tế công nghiệp phát triển nhanh chóng của mình, quốc gia này sẽ phát triển và triển khai sức mạnh quân sự để bảo vệ các tuyến đường biển vận chuyển dầu từ Vịnh Ba Tư đến Trung Quốc. Năng lực triển khai sức mạnh đòi hỏi Trung Quốc phải tiếp cận được các căn cứ hải quân tiên tiến dọc theo các tuyến đường giao thông trên biển và các lực lượng có khả năng đạt được và duy trì ưu thế không quân và hải quân. Trong bối cảnh này, cái gọi là chiến lược “chuỗi ngọc trai” để mở rộng sự hiện diện hải quân và xây dựng quan hệ ngoại giao trong và xung quanh vùng duyên hải Ấn Độ Dương của Trung Quốc đang làm dấy lên mối quan ngại trong các cộng đồng chiến lược của Ấn Độ.[20] Hải quân Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện của mình ở khu vực Ấn Độ Dương, trong khi việc mở rộng năng lực hải quân của Ấn Độ lại đi theo hướng tương đối chậm lại. Điều này có thể dẫn đến những hệ quả mang tính chất chiến lược to lớn khi lợi thế địa lý truyền thống của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương đang ngày càng bị đe dọa.[21]

Trung Quốc tiếp tục là điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Pakistan

Dự báo cho mối quan hệ “mọi hoàn cảnh”

……………

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Pakistan trong tam giac My Trung An.pdf

——————-

[1]‘‘Pakistan and China: Sweet as Can Be?’’ The Economist, May 12, 2011, http://www.economist.com/node/18682839.

[2]Li Xiaokun and Li Lianxing, ‘‘Pakistan Assured of Firm Support,’’ China Daily, May 19, 2011, http://www.chinadaily.com.cn/cndy/2011-05/19/content_12536794.htm.

[3]Farhan Bokhari and Kathrin Hille, ‘‘Pakistan Turns to China for Naval Base,’’ Financial Times, May 22, 2011, http://www.ft.com/intl/cms/s/0/3914bd36-8467-11e0-afcb-00144feabdc0.html.

[4]Anwar H. Syed, China and Pakistan: Diplomacy of an Entente Cordiale (Amherst: University of Massachusetts Press, 1974), pp. 55—62.

[5]JohnW. Garver, Protracted Contest: Sino-Indian Rivalry in the Twentieth Century (Seattle: University of Washington Press, 2001), p. 187.

[6] Như trên., p. 188.

[7] For the United States, see Patrick C. Doherty, ‘‘Dear China: Help Us Fix Pakistan,’’ Foreign Policy, May 9, 2011, http://www.foreignpolicy.com/articles/2011/05/09/dear_china_help_us_fix_pakistan; Mark Mazzetti, ‘‘Should (Could) America and Pakistan’s Bond Be Broken?’’New York Times, June 4, 2011, http://www.nytimes.com/2011/06/05/weekinreview/05pakistan.html?pagewantedall.

[8] ‘‘Pakistan Profile,’’ Nuclear Threat Initiative, February 2011, http://www.nti.org/e_research/profiles/Pakistan/index.html.

[9] Ananth Krishnan, ‘‘China’s fighter jets for Pakistan,’’ The Hindu, November 11, 2009, http://www.thehindu.com/news/international/article46605.ece.

[10]C. Raja Mohan, ‘‘Dragon in Space,’’ Indian Express, April 24, 2007, http://www.indianexpress.com/news/dragon-in-space/29114/.

[11]Gordon G. Chang, ‘‘Iran Tried to Buy the Pakistani Bomb. What was China’s Role?’’ Fox News, March 17, 2010, http://www.foxnews.com/opinion/2010/03/17/gordon-g-chang-iran-pakistan-china-dr-khan/.

[12] R. Jeffrey Smith and Joby Warrick, ‘‘Pakistani Nuclear Scientist’s Accounts Tell of Chinese Proliferation,’’ Washington Post, November 13, 2009, http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2009/11/12/AR2009111211060.html.

[13] Ding Qingfen, ‘‘Pakistan Seeks Investment Lift,’’ China Daily, May 20, 2011, http://www.chinadaily.com.cn/cndy/2011-05/20/content_12545018.htm.

[14] Susan B. Epstein and K. Alan Kronstadt, ‘‘Pakistan: U.S. Foreign Assistance,’’ Congressional Research Service, July 28, 2011, http://www.fas.org/sgp/crs/row/R41856.pdf.

[15] Ziad Haider, ‘‘Oil Fuels Beijing’s New Power Game,’’ Yale Global Online, March 11, 2005, http://yaleglobal.yale.edu/content/oil-fuels-beijings-new-power-game.

[16] C. Raja Mohan, ‘‘The Essential Triangle,’’ Indian Express, August 5, 2011, http://www.indianexpress.com/news/the-essential-triangle/827305/.

[17] For very different perceptions of India and China regarding the boundary question, see Garver, Protracted Contest, pp. 100—109.

[18] Yuriko Koike, ‘‘The Struggle for Mastery of the Pacific,’’ Project Syndicate, May 12, 2010, http://www.project-syndicate.org/commentary/koike5/English.

[19] On China’s role in trying to scuttle the nuclear deal, see Harsh V. Pant, The U.S.—India Nuclear Pact: Policy, Process, and Great Power Politics (Oxford: Oxford University Press, 2011), pp. 122—125.

[20] Harsh V. Pant, ‘‘India in the Indian Ocean: Growing Mismatch Between Ambitions and Capabilities,’’ Pacific Affairs 82, no. 2 (Summer 2009).

[21] Như trên.