Những người thắng kẻ bại mới ở Trung Đông

Print Friendly, PDF & Email

000_nic6161393_copy.si

Tác giả: Joschka Fischer | Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà

“Chiến tranh”, theo nhà triết học Hy Lạp cổ đại Heraclitus, là “nguồn gốc của vạn vật”. Quan sát những sự kiện đẫm máu – và thực sự là man rợn – tại Trung Đông (nhất là tại Iraq và Syria), người ta có thể sẽ muốn đồng tình với câu nói trên, mặc dù những tư tưởng kiểu này có vẻ đã không còn chỗ trong thế giới quan hậu hiện đại của châu Âu ngày nay.

Những thắng lợi quân sự của Nhà nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria không chỉ đang tạo ra một thảm họa nhân đạo mà còn đẩy các liên minh đang tồn tại trong khu vực vào trạng thái hỗn loạn, và thậm chí khiến người ta nghi ngờ về đường biên giới giữa các quốc gia này. Một trật tự Trung Đông mới đang nổi lên, khác biệt với trật tự cũ ở 2 điểm chủ yếu: vai trò lớn hơn của người Kurd và của Iran, và ảnh hưởng bị thu hẹp của các thế lực người Hồi giáo dòng Sunni trong khu vực.

Trung Đông không chỉ đang phải đối mặt với khả năng thắng lợi của một lực lượng vốn sử dụng phương thức giết người hàng loạt và biện pháp chiếm hữu nô lệ (như trường hợp đã xảy ra với những phụ nữ và bé gái người Yazidi) để đạt được các mục đích chiến lược của mình. Sự sụp đổ của trật tự khu vực cũ, một trật tự đã tồn tại mà không có nhiều sự thay đổi từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cũng đang trở nên rõ ràng, và đi kèm với đó là sự suy yếu của các thế lực vốn lâu nay nắm giữ chìa khóa sự ổn định tại khu vực này.

Sự yếu đuối về mặt chính trị của những thế lực này – cho dù đó là thế lực toàn cầu như Hoa Kỳ hay các thế lực khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ả Rập Saudi – đã dẫn đến một sự đảo lộn vai trò đáng kể trong cơ cấu quyền lực tại khu vực này. Mặc dù Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu vẫn coi Đảng công nhân người Kurd (PKK) ủng hộ độc lập là một tổ chức khủng bố (mà người sáng lập, Abdullah Ocalan, đã bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ từ năm 1999), nhưng có vẻ như chỉ có những chiến binh PKK là sẵn sàng và có khả năng ngăn được bước tiến Nhà nước Hồi Giáo. Vì thế, số phận của người Kurd đang trở thành một vấn đề nóng hổi tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, và bất kỳ sự xâm phạm nào đến toàn vẹn lãnh thổ của nước này cũng có thể dễ dàng dẫn đến việc vận dụng điều khoản về phòng thủ chung của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Hơn nữa, vấn đề về người Kurd có thể dẫn đến một xung đột có quy mô rộng hơn, bởi vì một quốc gia độc lập cho người Kurd cũng sẽ đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, Iraq, và có thể cả Iran nữa.

Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh sống còn với Nhà nước Hồi Giáo, người Kurd đã giành được một tính chính danh mới. Một khi cuộc chiến này kết thúc, họ sẽ không dễ gì quên đi những tham vọng quốc gia của mình – hay nguy cơ chết người mà họ đã từng phải đối mặt (từ các quốc gia khu vực chống lại sự độc lập của người Kurd – NBT). Sự đoàn kết và lòng dũng cảm của người Kurd không phải là điều duy nhất giúp họ nâng cao uy tín; họ còn đang dần trở thành chỗ dựa vững chắc cho sự ổn định và trở thành một đối tác thân phương Tây đáng tin cậy trong một khu vực đang thiếu cả 2 điều trên.

Điều này đẩy phương Tây vào tình thế khó xử: do không sẵn sàng triển khai các lực lượng trên bộ trong một cuộc chiến mà họ buộc phải thắng, các nước phương Tây sẽ phải trang bị các loại vũ khí hiện đại hơn cho người Kurd – không chỉ cho lực lượng dân quân Peshmerga của người Kurd  ở phía Bắc Iraq, mà cho cả những nhóm quân đội người Kurd khác. Điều này sẽ không dễ gì được Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran chấp nhận, và đó là lý do vì sao việc giải quyết bài toán về người Kurd sẽ đòi hỏi một sự đầu tư lớn về kỹ năng ngoại giao cũng như các cam kết từ phía phương Tây, cộng đồng quốc tế và từ phía hai quốc gia kể trên.

Tuy nhiên, người thắng cuộc lớn nhất trong khu vực có lẽ là Iran, quốc gia mà ảnh hưởng đối với Iraq và Afghanistan đã được nâng cao một cách đáng kể bởi chính sách của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W. Bush. Sự hợp tác của Iran là thiết yếu đối với các giải pháp lâu dài ở Iraq và Syria, và quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột giữa Israel –Palestine và đối với Libăng.

Tìm kiếm giải pháp cho vô số các khủng hoảng trong khu vực mà lại bỏ qua Iran là điều không thể. Thực tế là trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi Giáo, ngay cả vấn đề hợp tác quân sự có giới hạn giữa Hoa Kỳ và Iran cũng có thể được đưa ra bàn thảo.

Tuy nhiên bài toán chiến lược chủ chốt sẽ không được giải quyết trên các chiến trường của khu vực, mà sẽ được giải quyết trong các cuộc đàm phán khác nhau về chương trình hạt nhân của Iran. Nếu đạt được thỏa hiệp (hoặc kể cả một sự gia hạn ngắn hạn đối với thỏa thuận tạm thời hiện nay, với khả năng thực tiễn đạt được một hiệp ước chính thức), thì vai trò khu vực đang mở rộng của Iran sẽ trở nên mạnh mẽ và mang tính xây dựng hơn.

Nhưng kết quả đó vẫn còn không chắc chắn.

Vấn đề hạt nhân lại đưa ra một bài toán tiềm ẩn quan trọng khác, đó là mối quan hệ giữa Iran và Israel. Tại vùng biên giới phía bắc Israel giáp với Libăng hiện đang tồn tại lực lượng Hezbollah, đối tác thân cận nhất của Iran trong khu vực. Hezbollah vẫn tiếp tục duy trì quyết tâm tiêu diệt nhà nước Israel, và Iran đang cung cấp cho họ những vũ khí có sức công phá lớn. Và thật không may là sẽ không có sự thay đổi lớn nào trong vấn đề này.

Liên quan đến trật tự Trung Đông mới, chúng ta đã có thể chắc chắc rằng: khu vực này sẽ ngày càng chịu ảnh hưởng từ cả người Shia và Iran lẫn từ người Kurd hơn, và điều này sẽ làm cho tình hình phức tạp hơn rất nhiều. Những liên minh (và cả những xung đột) cũ, kể cả trong trường hợp chúng vẫn còn tiếp diễn, sẽ không còn rạch ròi như trước nữa.

Ngoài điều đó ra, người ta chỉ có thể nói rằng Trung Đông sẽ vẫn tiếp tục là thùng thuốc nổ của chính trị thế giới trong thế kỷ 21. Sự bình ổn của khu vực này, dù vẫn là mối quan tâm của toàn thế giới, sẽ rất khó để đạt được – và chỉ có thể đạt được nếu kết hợp nhiều biện pháp ngoại giao và quân sự. Không một thế lực đơn lẻ nào có thể một mình giải quyết được vấn đề này.

Joschka Fischer từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Phó thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức nhiệm kỳ 1998 – 2005.

Biên tập: Lê Xuân Hùng | Nguồn: Project Syndycate