Hoạt động đối ngoại của VN trong và sau Khủng hoảng Giàn khoan 981

bac-kinh-tuyen-bo-rut-hd981-khoi-bien-dong-1405476202-4z894c

Tác giả: Trần Văn Thành

Từ 02/5 đến 15/7/2014, Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (sau đây gọi là sự kiện giàn khoan 981). Hành động này đã tạo ra thách thức to lớn đối với chủ quyền quốc gia Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an ninh khu vực.

Để bảo vệ chủ quyền quốc gia, Việt Nam đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó ngoại giao (bao gồm ngoại giao nhà nước, ngoại giao quân sự và ngoại giao nhân dân) đóng vai trò hết sức quan trọng.

Bài viết này phân tích một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong và sau khủng hoảng giàn khoan 981 từ đó đề xuất một số giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới phức tạp hơn.

  1. Bối cảnh của cuộc khủng hoảng

1.1. Quốc tế

Khủng hoảng Ucraina xảy ra vào cuối tháng 11/2013 đã tập trung sự chú ý của dư luận thế giới. Ucraina là nơi xảy ra cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa phương Đông và phương Tây, trực tiếp là giữa Nga và khối NATO. Với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea một cách nhanh chóng và dễ dàng (qua cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 3/2014), đã tạo ra một tiền lệ để Trung Quốc áp dụng chiến thuật “việc đã rồi” đối với các đảo và bãi đá ở biển Đông. Cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 cũng có thể được coi là một phép thử của Trung Quốc trong một kế hoạch dài hơi hơn đó là “độc chiếm biển Đông”.

– Ngoài tình hình bất ổn tại Ucraina, khủng bố lan tràn như một thứ bệnh dịch khó kiểm soát; vấn đề hạt nhân của Iran, Triều Tiên; nội chiến tại các nước Trung Đông, Bắc Phi,… đã “kéo căng” các cường quốc khiến họ không có điều kiện chú ý đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác, chính sách xoay trục của Mĩ có dấu hiệu chững lại. Tổng thống Obama cũng đang phải đau đầu với chính sách kinh tế và phúc lợi xã hội vốn được đánh giá là thiếu hiệu quả; nước Mĩ đang tập trung vào cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kì.

Trong cuộc khủng hoảng tại Ucraina, Mĩ và các nước phương Tây tập trung cô lập Nga với các chính sách cấm vận kinh tế, tài chính. Nga bị cô lập mạnh mẽ trên trường quốc tế nên buộc phải thực hiện chính sách hướng Đông. Trong đó, Trung Quốc là một đối tác lớn, bạn hàng truyền thống của Nga. Trên bình diện quốc tế, Nga và Trung Quốc thường có chung quan điểm và ủng hộ nhau. Liên minh Nga – Trung đang định hình và được tiếp thêm nguồn “năng lượng” mới.

Vì vậy, có thể khẳng định: tình hình quốc tế có nhiều thuận lợi để Trung Quốc hành động tại phía Tây Thái Bình Dương (bao gồm cả biển Đông và biển Hoa Đông).

1.2. Trung Quốc

Nội tình Trung Quốc cũng gặp phải những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến chế độ và sự toàn vẹn lãnh thổ như: khủng bố ở Tân Cương; cuộc đấu tranh đòi độc lập tại Tây Tạng; vấn đề bất ổn xã hội ở Nội Mông, Quảng Tây; nợ công tăng cao; bất công, bất bình đẳng, bất mãn trong xã hội lan rộng; nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng; đạo đức xã hội xuống cấp; cuộc đấu tranh chống tham nhũng dường như mới chỉ “tắm đến vai” với kết quả không như trông đợi,…Những vấn đề bất ổn trong nước đã thách thức 2 năm cầm quyền của Tập  Cận Bình. Người Trung Quốc rất lọc lõi trong sử dụng chiến thuật “chuyển lửa ra bên ngoài”[1]. Thông qua giàn khoan 981, Trung Quốc muốn khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, định hướng dư luận để “rảnh tay” giải quyết các vấn đề trong nước vốn đang trầm trọng.

Ngoài ý đồ “chuyển lửa ra bên ngoài”, Trung Quốc đang khát năng lượng nên rất cần khai thác thêm những dòng dầu mới. Hạm đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc cũng cần không gian vùng vẫy. Độc chiếm biển Đông để đẩy Mĩ càng xa khu vực càng tốt. Tóm lại, có nhiều nguyên nhân để Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981. Trung Quốc đã chuẩn bị rất kĩ càng, hành động thống nhất từ trung ương đến địa phương chứ không phải là bột phát. Biển Đông báo hiệu những cơn sóng dữ.

1.3. ASEAN

ASEAN thực chất chưa thành một cộng đồng thực sự (đang hướng tới cộng đồng ASEAN về chính trị – an ninh, kinh tế, văn hoá – xã hội vào thời điểm 31/12/2015), mức độ quan hệ của mỗi nước trong khối đối với Trung Quốc là khác nhau. Các nước có tranh chấp lãnh thổ trực tiếp với Trung Quốc (Philippines, Việt Nam,…) lựa chọn đường lối “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”[2] đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước không tranh chấp lãnh thổ trực tiếp (Thái Lan, Campuchia,…) lựa chọn cách tiếp cận dựa trên lợi ích kinh tế là chủ yếu. Nổi bật trong khối là Indonesia, một nước lớn, có trách nhiệm, đóng vai trò trung gian hoà giải, điều phối viên cho tranh chấp lãnh thổ, biển giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc.

Mặt khác, ngay trong khối ASEAN cũng tồn tại tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải như: tranh chấp các đảo trong quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia; chưa phận định vùng chồng lấn về lãnh hải giữa các nước trong khu vực. Các tranh chấp đó đã làm giảm sự đoàn kết nội khối khiến cho các nước trong khu vực khó đưa ra một tiếng nói chung và thiếu sức mạnh cần thiết để đối phó với Trung Quốc[2].

1.4. Việt Nam

Sự chia rẽ trong ASEAN về vấn đề biển Đông đã khiến cho Trung Quốc có thêm sự tự tin để khuếch trương sức mạnh cơ bắp. Việt Nam là đích ngắm đầu tiên của sức mạnh lấn át đó. Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi nhất (cả về địa lí, chính trị, ý thức hệ,…). Trung Quốc hiểu rõ những điểm yếu của Việt Nam. Trong thời điểm hiện tại (năm 2014), Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn từ sau đổi mới (năm 1986): kinh tế tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và chính sách vĩ mô thiếu linh hoạt; lòng tin của nhân dân suy giảm do tham nhũng, bất bình đẳng; tiềm lực quốc phòng còn hạn chế,… Việt Nam không phải là đồng minh của các cường quốc[3]. Trung Quốc thường sử dụng thủ đoạn “mềm nắn, rắn buông”. Họ nghĩ đây là thời điểm thuận lợi để ra tay đối với Việt Nam ở biển Đông.

  1. Diễn biến cuộc khủng hoảng

Ngày 02/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 tới vị trí  cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lí về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lí về phía đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển.

Ngày 22/5/2014, trả lời báo chí quốc tế tại Philippines về tình hình biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”[3].

Ngày 18/6/2014, trong cuộc gặp Ủy viên thường vụ Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Quan điểm về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi”[4].

Người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước cũng đồng loạt đấu tranh một cách hòa bình để bảo vệ chủ quyền như: tuần hành phản đối, phát tờ rơi tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, góp quỹ vì biển đảo; các học giả tổ chức hội thảo khoa học về biển Đông.

– Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới cũng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, vì công lí của Việt Nam.

+ Trước diễn biến nghiêm trọng ở biển Đông, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã thống nhất đưa ra tuyên bố chung về tình hình tại biển Đông[5] (vào ngày 10/5/2014) yêu cầu các bên liên quan trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982, thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

+ Ngày 11/6/2014, với sự nhất trí tuyệt đối, Hạ viện Nhật Bản đã ra tuyên bố về biển Đông, kêu gọi các bên liên quan thể hiện sự kiềm chế, không sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng và áp đặt chủ quyền một cách đơn phương trên Biển Đông[6].

+ Ngày 13/7/2014, Thượng viện Mĩ thông qua Nghị quyết S.RES.412 về biển Đông. Đây là một bước tiến mạnh mẽ trong thái độ của phía Mĩ về biển Đông[7]. Những tiếng nói tương tự ở Mĩ đã tạo nên sự thay đổi trong chiến lược của chính quyền Mĩ để ngăn chặn sự tham lam bành trướng của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải trở lại nguyên trạng trước ngày 01/5/2014, tức trước ngày Bắc Kinh đưa giàn khoan 981 vào hoạt động trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam.

Tiếng nói ủng hộ của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn (Mĩ, Nhật Bản,…) và sự đấu tranh không ngừng nghỉ với sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam đã có những tác dụng tích cực. Ngày 15/7/2014, Trung Quốc đã buộc phải di dời giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy rút giàn khoan nhưng dã tâm của Trung Quốc không thay đổi. Người Trung Quốc có câu: “Chưa thấy quan tài thì chưa rơi lệ” tức là họ sẽ không xuống thang khi họ chưa hứng chịu/hoặc thấy nguy cơ thiệt hại đến mức không thể chấp nhận được.

  1. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong và sau khủng hoảng

3.1. Điều chỉnh chính sách đối ngoại

Trước khi xảy ra khủng hoảng giàn khoan 981 thì mối quan hệ Việt – Trung tuy có những lúc thăng trầm nhưng nhìn chung là vẫn giữ được ổn định. Các nhà lãnh đạo 2 nước coi trọng “đại cục” quan hệ 2 nước, hợp tác thúc đẩy mối quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu.

Từ khi bình thường hóa quan hệ (năm 1991) cho đến khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (tháng 5/2008), mối quan hệ giữa 2 nước không ngừng được củng cố và phát triển. Mối quan hệ Việt – Trung được biết đến với phương châm 16 chữ “vàng”[4] và 4 “tốt”[5]. Tuy nhiên sau khủng hoảng giàn khoan 981, tinh thần 16 chữ và 4 tốt không thường xuyên được lãnh đạo cấp cao Việt Nam nhắc đến, nếu có nhắc đến thì phải đặt trong trường hợp cụ thể.

Trong ngày 19/11/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến nguyên tắc mới trong quan hệ đối với Trung Quốc được gói gọn trong 6 chữ: “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Có thể nói 6 chữ này đã phản ánh thực chất mối quan hệ giữa 2 nước vốn trải qua nhiều sóng gió và thăng trầm. Trong tháng 11/2014, Việt Nam cũng cho dừng một dự án đầu tư của Công ty Cổ phần Thế Diệu (Trung Quốc) tại đèo Hải Vân[8] do lo ngại ảnh hưởng của dự án đối với an ninh quốc gia. Sự kiện này đã cho thấy sự cảnh giác cần thiết của Việt Nam đối với việc hợp tác, đầu tư của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách ngoại giao không phải là đột ngột. Ngay sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, Thủ tướng Việt Nam cũng đã đề cập đến quan điểm của Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc: “không đánh đổi điều thiêng liêng (chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ) lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc”. Hay trong hội nghị “Đối ngoại đa phương thế kỷ XXI và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 12/8/2014, phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong triển khai đối ngoại đa phương, chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”[9]. Như vậy, có thể khẳng định với vị thế ngày càng được nâng lên trong khu vực, ngoại giao Việt Nam đã vươn lên một tầm cao mới. Ngoại giao góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột; xây dựng môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; mở rộng đầu tư, hợp tác,…

Trong các hội nghị quốc tế, vấn đề biển Đông và khủng hoảng giàn khoan 981 liên tục được Việt Nam và các nước trên thế giới đề cập đậm nét. Trong đó, tiếng nói của các nước lớn: Mĩ, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp,…và các tổ chức quốc tế: ASEAN, APEC, Tổ chức Pháp ngữ,… có vai trò quan trọng.

Qua cuộc khủng hoảng giàn khoan 981, năng lực của cơ quan ngoại giao cũng đã được nâng lên tầm cao mới. Do đã tiên lượng chính xác nên Việt Nam không bị bất ngờ khi Trung Quốc đặt giàn khoan. Việt Nam đã thực hiện một chính sách ngoại giao linh hoạt: “dĩ bất biến, ứng vạn biến”[6] và “không có gì quý hơn độc lập, tự do”[7] theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Việt Nam coi “độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, vùng trời là thiêng liêng, cao quý nhất” nhưng cũng mong muốn cùng các nước xây dựng môi trường hoà bình, hợp tác để cùng phát triển. Đó là mong muốn chân thành, thực tâm của Việt Nam và Việt Nam cũng mong muốn các nước khác trong khu vực và trên thế giới có thái độ tương xứng, phù hợp.

Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan, đã diễn ra dồn dập các cuộc thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế. Việt Nam cần đa dạng hoá các mối quan hệ, “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” để tạo ra sức mạnh tổng hợp bảo vệ tổ quốc. Bài học xương máu đã cho phép chúng ta khẳng định: không bao giờ được “để toàn bộ trứng vào cùng một rổ”.

Tháng 9/2014, Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam[10]. Kết quả quan trọng của chuyến thăm là Ấn Độ cung cấp 100 triệu USD để Việt Nam mua tàu tuần tra của Ấn Độ.

Tháng 10/2014, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Mĩ để đẩy nhanh tiến độ đàm phán hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đề nghị Mĩ cung cấp vũ khí để hiện đại hoá quân đội Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ[11] (tháng 10/2014) mở ra một kỉ nguyên mới về hợp tác kinh tế, đặc biệt là nguồn cung nguyên vật liệu cho ngành dệt may và da giày trong trường hợp Trung Quốc đóng cửa biên giới[12].

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Liên bang Nga và Cộng hoà Belarus (tháng 11/2014) nhằm tăng cường hợp tác khai thác dầu khí và đẩy nhanh tiến độ đàm phán tiến tới kí kết hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Thuế quan.

Tại biển Đông, Việt Nam mong muốn sự hợp tác của các nước lớn để cân bằng lợi ích các bên và giảm thiểu nguy cơ xung đột. Sự tham gia của Nga, Ấn Độ, Mĩ,…trong việc khai thác dầu khí là những minh chứng sinh động cho việc hợp tác đó. Khi các nước lớn tăng cường hợp tác và đóng góp có trách nhiệm thì biển Đông sẽ là một khu vực hoà bình, ổn định và phát triển.

Có thể khẳng định, các cuộc thăm viếng cấp cao kể trên đều hướng tới các mục tiêu chủ yếu là: (1) đa dạng hoá các mối quan hệ; (2) tăng cường hợp tác thông qua các tổ chức quốc tế; (3) giảm dần sự phụ thuộc vào một đối tác (Trung Quốc); (4) nâng cao năng lực quốc phòng của Việt Nam; (5) củng cố và tăng cường niềm tin chiến lược[13], giúp ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh.

3.2. Ngoại giao nhân dân

Có thể khẳng định một cách mạnh mẽ, sự kiện giàn khoan 981 như một phép thử tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong nước và ngoài nước. Chính tinh thần đoàn kết này là vũ khí mạnh mẽ nhất, nguy hiểm nhất khiến kẻ thù khiếp sợ. Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc. Người Việt Nam rất hiểu và biết cách cư xử với người Trung Quốc. Người Trung Quốc cũng hiểu người Việt Nam. Nói chung, nhân dân Việt Nam hay nhân dân Trung Quốc đều yêu chuộng hoà bình, năng động, sáng tạo và tập trung cho mục tiêu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc thì luôn ôm mộng bành trướng[8] và muốn tìm cách che đậy mưu đồ của mình. Vì lãnh thổ, họ sẵn sàng phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam vào các năm 1974, 1979, 1988. Ngay trong thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng giàn khoan 981, khi các kênh đối thoại cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc bị đóng lại (do phía Trung Quốc) thì quan hệ kinh tế – thương mại, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc đã làm tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Người Việt Nam đã dần thoát ra ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc. Trong dịp trung thu 2014, các phố bán đồ chơi ở Hà Nội đã vắng bóng đồ chơi Trung Quốc mà thay vào đó là các đồ chơi dân gian Việt Nam. Điều đặc sắc là những mô hình tàu chiến, tàu cảnh sát biển, hình ảnh người lính hải quân, cảnh sát biển Việt Nam được xuất hiện rộng khắp và được các bạn trẻ, các em thiếu nhi nhiệt tình đón nhận[14]. Hàng loạt các phim truyện Trung Quốc đang phát trên truyền hình cũng được dừng chiếu và thay vào đó là các phim của Việt Nam, Mĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam cũng cho di chuyển một loạt sư tử đá (dấu ấn văn hóa Trung Hoa) ra khỏi nơi thờ tự, nơi công cộng[15]. Trong thời gian diễn ra khủng hoảng giàn khoan, cộng đồng mạng Việt Nam đồng loạt đổi avatar hướng về biển Đông[16]; những tờ báo giấy, báo mạng tràn ngập thông tin về tình hình biển Đông; Hà Nội rực cờ tổ quốc[17],… Những chuyển biến đầy tinh tế trong ngoại giao nhân dân đã phát đi một thông điệp tuy không ồn ào nhưng rất mạnh mẽ rằng: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam. Việt Nam có thể nhỏ hơn Trung Quốc về diện tích, dân số nhưng người Việt Nam có bản sắc văn hoá riêng”. Người Trung Quốc cần hiểu và tôn trọng bản sắc đó.

3.3. Ngoại giao quốc phòng

Tháng 6/2014, 80 đại diện hải quân Việt Nam và Philippins (mỗi bên có 40 người) đã có cuộc gặp lịch sử tại đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí thân thiện, hữu nghị, hợp tác[18]. Mặc dù cuộc gặp bị Trung Quốc đánh giá là “trò hề vụng về”, nhưng chính thái độ của Trung Quốc lại phản ánh một điều rằng họ lo sợ sự đoàn kết của Việt Nam và Philippins (do Trung Quốc không có cơ sở vững chắc cho những tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và biển Đông).

Ngoại giao quốc phòng tiếp tục được đẩy mạnh. Từ 05/11 đến 28/11/2014, hai tàu chiến hiện đại nhất của Việt Nam đã thực hiện chuyến thăm 3 nước khu vực Đông Nam Á, bao gồm: Brunei, Philippines, Indonesia[19]. Đây là lần đầu tiên, tàu hải quân Việt Nam có chuyến công du dài ngày thăm nhiều nước trong khu vực. Chuyến thăm thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa các nước trong khu vực, góp phần củng cố lòng tin chiến lược. Nó cũng cho thấy Việt Nam và các nước có tranh chấp tại quần đảo Trường Sa sẵn lòng hợp tác với nhau, xử lí tốt các bất đồng. Mặc dù Trung Quốc sẽ diễn giải chuyến thăm theo cách của họ nhưng rõ ràng Việt Nam đang phát đi một thông điệp quan trọng của lòng tin và hợp tác, sẵn sàng “gác tranh chấp” để hướng tới một cộng đồng ASEAN thực chất hơn.

Tháng 8/2014, đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mĩ thăm Việt Nam. Tại đây ông đã tuyên bố: “Mĩ sẽ xem xét dỡ bỏ từng phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam”[20].

Tháng 10/2014, trong cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ông John Kerry – Bộ trưởng Ngoại giao Mĩ đã thông báo: “Mĩ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam”[21]. Đây là tin vui đối với Việt Nam và với các công ty quốc phòng của Mĩ.

Mặc dù không phải sau khi Mĩ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thì nước ta sẽ có ngay vũ khí của Mĩ nhưng việc dỡ bỏ lệnh cấm đã cho thấy sự hợp tác và tin cậy lẫn nhau giữa 2 nước (vốn là cựu thù) được tăng cường. Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã phát biểu “Nếu không mua vũ khí của Mĩ thì Việt Nam cũng sẽ mua vũ khí của các nước khác vì nhu cầu bảo vệ tổ quốc”. Hơn nữa, “việc mua vũ khí này không phải nhắm vào Trung Quốc” nên “Trung Quốc không cần thiết phải lo lắng”.

Đúng là Việt Nam có nhiều nguồn cung cấp vũ khí (không chỉ riêng Mĩ) nhưng có thể phân tích một vài khía cạnh khác của việc này, đó là: (1) Vũ khí Việt Nam đang sử dụng chủ yếu được mua của Nga (trước đây là Liên Xô) nhưng Nga không chỉ bán vũ khí cho Việt Nam mà còn bán cho cả Trung Quốc; (2) Một số vũ khí Việt Nam mua của các nước khác (Pháp, Hà Lan, Israel,…) được lắp phụ tùng do Mĩ sản xuất hoặc do Mĩ nắm bản quyền. Nếu Mĩ cấm vận thì các hợp đồng mua vũ khí đó không thực hiện được; (3) Vũ khí Mĩ là khắc tinh của vũ khí Nga, nếu có vũ khí Mĩ thì Việt Nam có thêm sức mạnh để ngăn ngừa những cái đầu nóng trong quân đội Trung Quốc,…

Như vậy, đối ngoại quốc phòng của Việt Nam thực hiện nhất quán nguyên tắc “3 không” và “Việt Nam trang bị vũ khí hiện đại chỉ vì mục đích hoà bình, tự vệ”[22]. Đối ngoại quốc phòng là một kênh quan trọng để giúp ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, giữ được môi trường hoà bình, an ninh trong khu vực.

  1. Những diễn biến và chính sách đối ngoại trong tương lai

Trong năm 2015, Việt Nam sẽ hoàn tất đàm phán và tiến hành kí kết một số hiệp định quan trọng như: Đối tác xuyên Thái Bình Dương; hợp tác với liên minh hải quan gồm Nga, Kazactan, Belarus; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu,…Năm 2015 cũng là thời hạn chót để xây dựng cộng đồng ASEAN. Xu hướng của các nước là tăng cường hợp tác. Để định hình chính sách đối ngoại thì cần nắm bắt mưu đồ và hành động thực tế của Trung Quốc ở biển Đông và quan điểm của các nước đặc biệt là các nước lớn trong khu vực.

4.1. Âm mưu và hành động của Trung Quốc

Biết rõ sự đuối lí của mình trong việc đòi hỏi chủ quyền vô lí ở biển Đông, Trung Quốc không muốn quốc tế hoá vấn đề này mà áp dụng chiến thuật “bẻ đũa từng chiếc”. Trung Quốc chỉ muốn tiến hành đàm phán song phương với từng nước để làm suy yếu sức mạnh của họ. Đây là một chính sách nhất quán của Trung Quốc và sẽ khó thay đổi trong tương lai gần.

Âm mưu độc chiếm biển Đông là hiện hữu và sẽ không thay đổi. Trung Quốc đã coi biển Đông là “lợi ích cốt lõi” thì sẽ không có chuyện họ nhượng bộ nhưng họ sẽ tạm hoà hoãn khi họ yếu thế.

Năm 2015, Trung Quốc sẽ đưa vào vận hành nhiều giàn khoan dầu khí nước sâu. Vùng biển phía đông Trung Quốc tiềm năng dầu khí không cao và đang cạn kiệt nên họ sẽ mang các giàn khoan này xuống hoạt động ở phía nam nước này (tức biển Đông theo cách gọi của Việt Nam). Vấn đề là Trung Quốc sẽ đặt chúng ở đâu và vào thời điểm nào? Các nhà lãnh đạo Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ những động thái đó để có chính sách phù hợp.

Vùng biển Trung Quốc bị ô nhiễm nặng nề và đang bị khai thác hải sản quá mức do vậy tiềm năng hải sản cũng đang suy kiệt. Đội tàu đánh cá của Trung Quốc rất đông và được trang bị hiện đại với hệ thống định vị vệ tinh[9]. Giàn khoan dầu được Trung Quốc coi là lãnh thổ di động và đội tàu đánh cá cùng với ngư dân được coi là những vũ khí lợi hại để Trung Quốc tranh đoạt tài nguyên và lãnh hải của các nước.

Trung Quốc đã tiến hành cải tạo xong sân bay quân sự trên quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm vào năm 1974). Hiện nay, họ tiếp tục tiến hành cải tạo các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa để làm căn cứ quân sự. Sang năm 2015, có thể Trung Quốc sẽ thiết lập khu vực nhận diện phòng không ở biển Đông. Nếu Trung Quốc làm được điều này thì an ninh khu vực sẽ bị đe doạ nghiêm trọng. Việt Nam cần cảnh giác với hành động này của Trung Quốc để có những hành động đáp trả cần thiết.

4.2. Chính sách đối ngoại của các nước

Nước Mĩ năm 2015 tiếp tục thực hiện chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương. Mĩ nhận thấy Việt Nam là một đối tác tin cậy và có nhiều lợi ích đối với mình nên sẵn sàng mở rộng hợp tác, cung cấp trang thiết bị quân sự cho Việt Nam.

Nhật Bản, Ấn Độ đang tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Các nước này cũng cảm thấy sức ép từ phía Trung Quốc nên tích cực hợp tác và chia sẻ với quan điểm của Việt Nam.

Nước Nga sẽ tích cực thực hiện chính sách hướng Đông với trọng tâm là hợp tác với Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN. Mối quan hệ Nga – Nhật sẽ ấm lên do mỗi bên đều mong muốn sớm giải quyết bất đồng và tranh chấp lãnh thổ để phát triển kinh tế và tập trung cho các vấn đề trong nước.

4.3. Chính sách đối ngoại của Việt Nam

Với phương châm: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế”, chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn duy trì những thành tựu đã đạt được. Về vấn đề biển Đông, Việt Nam sẽ cần có một số điều chỉnh đáng chú ý:

– Việt Nam hoàn thiện hồ sơ để có thể xem xét kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế theo Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (1982). Đặc biệt, năm 2015 cũng là năm đánh dấu 41 năm Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nếu không sớm kiện Trung Quốc đòi lại Hoàng Sa thì sẽ vượt quá khoảng thời gian cho phép (50 năm) để giải quyết tranh chấp.

– Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,…phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

– Tăng cường đầu tư cho trang thiết bị quốc phòng, phối hợp các loại vũ khí có nguồn gốc xuất xứ khác nhau để nâng cao sức mạnh phòng thủ. Ấn Độ sẽ nổi lên như một đối tác hàng đầu trong việc hỗ trợ tiềm lực quốc phòng cho Việt Nam. Ngoài các nguồn cung từ Nga, Việt Nam sẽ có thêm các nguồn cung vũ khí đến từ: Israel, Hà Lan, Pháp, Mĩ, Nhật Bản, Belarus,…Vấn đề là Việt Nam cần phối hợp các loại vũ khí có nguồn gốc đa dạng đó như thế nào để tạo ra sức mạnh tổng hợp bảo vệ tổ quốc. Kinh nghiệm phong phú có từ Ấn Độ sẽ góp phần giúp Việt Nam trả lời câu hỏi đó.

– Mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có cách tiếp cận mới “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Cũng không thể loại trừ việc Trung Quốc tiếp tục hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tuy nhiên nguy cơ này không cao. Thay vào đó, Trung Quốc tiếp tục cải tạo nâng cấp các căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa để tiến tới thiết lập vùng nhận diện phòng không ở biển Đông. Vùng nhận diện này có thể rộng lớn kéo dài từ quần đảo Hoàng Sa đến quần đảo Trường Sa. Việc làm này đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh của các nước trong khu vực (bao gồm cả Mĩ và Úc).

– Năm 2015 là năm kỉ niệm 20 năm ngày Mĩ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Trong năm này, quan hệ Việt – Mĩ được nâng lên tầm cao mới. Việt Nam sẽ kí kết hiệp định thương mại TPP và hợp tác sâu rộng với các nền kinh tế hàng đầu của châu Á – Thái Bình Dương. Tổng thống Mĩ có thể sang thăm Việt Nam. Mĩ sẽ cung cấp cho Việt Nam một số vũ khí để nâng cao năng lực hải quân và bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần đáp ứng một số điều kiện do Mĩ đặt ra về dân chủ, nhân quyền.

– Sau chuyến thăm Liên bang Nga của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11/2014), mối quan hệ đối tác chiến lực Việt Nam – Liên bang Nga được nâng lên tầm cao mới. Hai nước sẽ tiếp tục ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Đặc biệt nền kinh tế 2 nước sẽ là sự bổ sung cho nhau có hiệu quả. Nước Nga tiếp tục là đối tác hàng đầu trong việc cung cấp vũ khí phòng thủ cho Việt Nam.

– Ngoại giao quốc phòng Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh. Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng các căn cứ hậu cần tại Cam Ranh và một vài quân cảng khác để tiếp đón tàu nước ngoài đến thăm viếng và bảo trì. Trong tương lai, các cuộc thăm viếng hải quân lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trên thế giới sẽ tiếp tục được tăng cường.

Như vậy, có thể khẳng định tuy còn tồn tại tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam với một vài nước trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc nhưng hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo trong khu vực và trên thế giới. Chính sách đối ngoại của Việt Nam chuyển từ “tham gia tích cực” đến “chủ động định hình luật chơi chung”. Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để ổn định và phát triển, đóng góp ngày một hiệu quả hơn trong các diễn đàn khu vực và trên thế giới. Chính sách đối ngoại của nước ta sẽ ngày càng linh hoạt để đáp ứng được yêu cầu trên.

Kết luận

Biển Đông có vị trí địa chính trị quan trọng tuy nhiên đang tồn tại tranh chấp và bất đồng giữa một số nước. Để giảm thiểu nguy cơ xung đột, cần đề cao vai trò của ASEAN trong các diễn đàn, đối thoại quốc tế. Việc giải quyết bất đồng cần phải được thực hiện trên cơ sở “hoà bình, hợp tác, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực”.

Trong năm 2015, Việt Nam sẽ có những điều chỉnh chính sách ngoại giao một cách tinh tế để đóng góp có trách nhiệm, hiệu quả hơn trong việc giữ cho biển Đông là một khu vực hoà bình, hợp tác, phát triển. Ngoài việc phát huy tốt vai trò của công tác đối ngoại, Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giàu mạnh ; tăng cường đoàn kết dân tộc, mở rộng dân chủ, nâng cao đời sống nhân dân ; đầu tư đúng mức cho quốc phòng theo hướng tinh nhuệ, hiện đại. Đó cũng là cơ sở tạo ra sức mạnh to lớn để xây dựng biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Cùng với Việt Nam, các nước trong khu vực, các nước lớn : Mĩ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ,…cần đóng góp có trách nhiệm và hiệu quả hơn cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, TS. Trần Văn Thành, hiện đang công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam.

———————

Tài liệu tham khảo

  1. http://www.biendong.net/cac-quoc-gia-tranh-chap/81-nuoc-viet-nam.html.
  2. Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội khoá XII của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ngày 19/11/2014 (nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-khai-quat-6-chu-ve-quan-he-Viet-Trung/213796.vgp).
  3. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/thu-tuong-khong-danh-doi-chu-quyen-lay-huu-nghi-vien-vong-2994075.html.
  4. http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/181710/-lap-truong-ve-chu-quyen-vn-voi-hoang-sa-khong-the-thay-doi-.html.
  5. http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20140510/cac-ngoai-truong-asean-ra-tuyen-bo-chung-ve-bien-dong/606728.html.
  6. http://vtv.vn/quoc-te/uy-ban-doi-ngoai-ha-vien-nhat-ban-ra-tuyen-bo-ve-bien-dong-144433.htm.
  7. http://www.vietnamplus.vn/thuong-vien-my-nhat-tri-thong-qua-nghi-quyet-ve-bien-dong/270450.vnp.
  8. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thua-thien-hue-bat-ngo-dung-du-an-tren-deo-hai-van-3112674.html.
  9. http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/vn-chu-dong-dinh-hinh-luat-choi-chung-20140812230624968.htm.
  10. http://www.vietnamplus.vn/tong-thong-an-do-ket-thuc-tot-dep-chuyen-tham-viet-nam/281660.vnp.
  11. http://baodientu.chinhphu.vn/Thu-tuong-tham-chinh-thuc-An-Do/387.vgp.
  12. Hiện nay, khoảng 48% nguyên vật liệu cho ngành dệt may của Việt Nam được cung cấp bởi Trung Quốc (nguồn: http://midatex.com.vn/tin-trong-nghanh/thi-truong-nhap-nguyen-lieu-det-may-nhieu-nhat-la-trung-quoc/168). Nếu Trung Quốc không cung cấp nguyên vật liệu cho Việt Nam thì ngành dệt may của nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
  13. Thuật ngữ này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật trong bài phát biểu quan trọng của ông tại Đối thoại Shingri-La (Singapore, tháng 5/2013, nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung-phat-bieu-khai-mac-Doi-thoai-ShangriLa-2013/181848.vgp).
  14. http://nld.com.vn/vnmoney/do-choi-trung-thu-viet-thang-dam-hang-trung-quoc-20140819141420225.htm.
  15. http://www.anninhthudo.vn/thoi-su/yeu-cau-di-chuyen-su-tu-da-gay-phan-cam/565304.antd.
  16. http://news.zing.vn/Cong-dong-mang-dong-loat-doi-avatar-huong-ve-Bien-Dong-post414843.html.
  17. http://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-ruc-do-mau-co-huong-ve-bien-dong-a132817.html.
  18. http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/quan-doi/hai-quan-viet-nam-va-phi-lip-pin-giao-luu-tren-dao-lan-dau-tien/305494.html.
  19. http://kienthuc.net.vn/quan-su-viet-nam/tau-hai-quan-viet-nam-ket-thuc-chuyen-tham-3-nuoc-asean-419722.html.
  20. http://vietnamembassy-usa.org/vi/tin-tuc/2014/08/chu-tich-hoi-dong-tham-muu-truong-lien-quan-my-martin-dempsey-tham-viet-nam.
  21. http://www.baomoi.com/Pho-Thu-tuong-Bo-truong-Ngoai-giao-Pham-Binh-Minh-tham-chinh-thuc-Hoa-Ky/122/14956824.epi.
  22. http://infonet.vn/phat-bieu-cua-thu-tuong-tai-le-thuong-co-quoc-gia-tau-ngam-kilo-post124608.info.

——————————

Chú thích

[1] Năm 1979, một năm sau khi lên cầm quyền, Đặng Tiểu Bình đã phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam để củng cố quyền lực.

[2] Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN hôm 13/7/2012, lần đầu tiên trong lịch sử không đưa ra được tuyên bố chung về cách thức xử lí cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa 4 nước thành viên ASEAN (Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam) với Trung Quốc ở biển Đông.

[3] Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách ba không: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kì nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.

[4] Tháng 2/1999, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã đề ra và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã đồng ý Phương châm 16 chữ vàng: “Sơn thủy tương liên, Lí tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan” được dịch là: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

[5] Đến năm 2002, người Trung Quốc lại khái quát một phương châm nữa, gọi là “4 tốt”: “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt”.

[6] Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi lên đường sang Pháp (tháng 5/1946).

[7]  Ngày 17/7/1966 đài tiếng nói Việt Nam phát đi lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược.

[8] Tập Cần Bình đề xuất giấc mộng Trung Hoa hay giấc mộng bành trướng. Thành lập con đường tơ lụa trên biển Đông giống như các nhà buôn Trung Hoa đã thực hiện trong quá khứ là một biểu hiện của giấc mộng này.

[9] Quân đội Trung Quốc trang bị hệ thống này cho ngư dân và xua họ xuống đánh bắt ở ngư trưởng biển Đông.