Tác giả: Paul Krugman | Biên dịch: Minh Tuấn – Hoàng Sơn
Bài liên quan: John Maynard Keynes: Chủ nghĩa tư bản đối mặt với thách thức lớn nhất của nó
Chủ quan khi bão manh nha hình thành. Hoảng loạn khi bão ập đến. Chia rẽ về cách khắc phục hậu quả cơn bão. Đó là kết quả gần ba thập kỷ lạc lối của kinh tế học.
Hiện giờ khó mà tin được mới cách đây không lâu giới kinh tế học còn đang chúc tụng nhau về thành công của môn khoa học này. Những thành công trên cả lý thuyết lẫn thực tiễn đó đã mở ra một giai đoạn vàng của những người trong giới. Về mặt lý thuyết, họ nghĩ đã giải quyết được những tranh cãi nội bộ.
Do đó, trong một bài báo năm 2008 với tựa đề “Tình trạng vĩ mô” (tức là kinh tế vĩ mô, chuyên nghiên cứu các vấn đề lớn như suy thoái), Olivier Blanchard tại Học viện Công nghệ Massachusett, nay là kinh tế trưởng tại Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, tuyên bố rằng “tình trạng vĩ mô vẫn ổn.” Cuộc chiến khi xưa đã kết thúc và đã có một “sự đồng thuận lớn về cách nhìn.” Trong thực tiễn, các nhà kinh tế tin rằng mình đã kiểm soát được mọi thứ: “vấn đề cốt lõi là ngăn ngừa suy thoái đã được giải quyết,” Robert Lucas từ ĐH Chicago tuyên bố năm 2003 trong bài diễn văn nhậm chức Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ.
Năm 2004, Ben Bernanke, cựu GS ĐH Princeton nay là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục dự trữ liên bang (Fed), tán dương “Thời kỳ ổn định lớn” về kinh tế trong hai thập niên vừa qua, mà ông cho rằng một phần là nhờ đóng góp của việc hoạch định chính sách kinh tế tốt hơn.
Rất ít nhà kinh tế thấy được cuộc khủng hoảng hiện nay đang tới, nhưng dự đoán sai lầm mới chỉ là vấn đề ít nghiêm trọng nhất của môn khoa học này. Quan trọng hơn là việc kinh tế học không nhận ra được khả năng nền kinh tế thị trường sẽ gặp phải những thất bại khủng khiếp.
Thời vàng son, các nhà kinh tế học tài chính đi đến chỗ tin tưởng rằng thị trường vốn đã ổn định – thực tế, cổ phiếu và các các loại tài sản khác luôn được định giá đúng. Các mô hình kinh tế đang thịnh hành không hề nhắc tới khả năng sẽ có một vụ sụp đổ như năm ngoái. Trong khi đó, các nhà kinh tế vĩ mô bị chia rẽ bởi nhiều quan điểm. Nhưng quan điểm chính là giữa những người khẳng định nền kinh tế thị trường tự do không bao giờ đi chệch hướng và những người tin rằng nền kinh tế có thể tạm thời chệch hướng nhưng có thể và sẽ được Fed, với tất cả quyền năng của mình, điều chỉnh lại.
Cả hai bên đều không được chuẩn bị để đối phó với trường hợp nền kinh tế vẫn trật bánh dù Fed đã nỗ lực hết sức.
Thời hậu khủng hoảng, sự chia rẽ này lại càng sâu sắc hơn bao giờ hết. Lucas nói kế hoạch kích thích kinh tế của chính quyền Obama là “thứ kinh tế học rác rưởi,” còn người đồng nghiệp cũng tại Chicago John Cochrane nói chúng dựa trên “những câu chuyện cổ tích” chẳng có chút uy tín. Đáp lại, Brad DeLong từ ĐH California, Berkeley, viết đó là một sự “sụp đổ về mặt tri thức” của trường phái Chicago, và chính người viết bài này đã từng viết rằng những lời bình luận của các nhà kinh tế trường phái Chicago là sản phẩm từ thời Trung Cổ của môn kinh tế vĩ mô, khi mà những kiến thức gian khó lắm mới giành được bị lãng quên.
Điều gì đã xảy ra đối với giới kinh tế học? Và hướng đi sắp tới của họ như thế nào?
Giới kinh tế học lạc lối vì họ, với hàng tá phương trình toán học hấp dẫn trong tay, đã nhầm lẫn giữa cái đẹp và sự thật. Cho đến trước cuộc Đại suy thoái, phần lớn các nhà kinh tế đều có quan điểm rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống hoàn thiện hoặc đã gần hoàn thiện. Quan điểm đó không tồn tại được lâu trước thực tế thất nghiệp tràn lan, nhưng khi những ký ức về cuộc suy thoái phai nhạt dần, các nhà kinh tế lại trở về với quan điểm lý tưởng hóa xưa cũ về một nền kinh tế nơi những cá nhân hợp lý tương tác lẫn nhau trong một thị trường hoàn hảo, lần này còn được bọc thêm lớp vỏ toán học hấp dẫn. Chắc chắn sự lãng mạn về một thị trường lý tưởng ấy một phần là vì luồng gió chính trị đã thay đổi, một phần vì động lực tài chính.
Nhưng cho dù việc làm tại viện Hoover hay Phố Wall đều là những thứ giá trị, nguyên nhân chính của những thất bại của môn khoa học kinh tế là khát khao có một cách tiếp cận bao quát mọi vấn đề và toàn hảo về mặt tri thức đem lại cơ hội cho các nhà kinh tế thể hiện khả năng toán học của mình.
Đáng buồn là quan điểm lãng mạn và đơn giản hóa về nền kinh tế này khiến đa phần các nhà kinh tế lờ đi mọi thứ có thể khiến mình sai lầm. Họ nhắm mắt làm ngơ trước những hạn chế khiến một con người hiệu quả có thể bơm căng cũng như chọc thủng bong bóng tài sản; trước những vấn đề tại các tổ chức họat động một cách mù quáng; trước những sự không hoàn hảo của thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính, có thể khiến “hệ tuần hoàn” của nền kinh tế phải trải qua những đợt suy giảm đột ngột không thể đoán trước được; và trước những nguy cơ nảy sinh khi chính các cơ quan điều tiết không còn tin vào sự giám sát nữa.
Khó mà nói trước được con đường phía trước của môn kinh tế học. Điều chắc chắn duy nhất là các nhà kinh tế sẽ phải học cách sống chung với sự hỗn loạn. Tức là họ sẽ phải nhận thức được tầm quan trọng của những hành vi bất hợp lý và thường là không đoán trước được, đối diện với sự không hoàn hảo mang tính cố hữu của thị trường và chấp nhận rằng còn lâu mới có một môn lý thuyết kinh tế học có thể bao quát được mọi vấn đề. Trong thực tiễn, điều đó có nghĩa là họ nên đưa ra những lời cố vấn chính sách cẩn trọng hơn và kiên quyết dỡ bỏ những tấm nệm kinh tế an toàn với niềm tin rằng thị trường sẽ giải quyết được mọi vấn đề.
Sự ra đời của kinh tế học với tư cách một môn khoa học thường được cho là nhờ công của Adam Smith với việc xuất bản cuốn “Sự giàu có của các quốc gia” năm 1776. Trong suốt 160 năm sau đó lý thuyết kinh tế đã phát triển mạnh, nhưng thông điệp trung tâm vẫn là: Tin ở thị trường.
Đúng, các nhà kinh tế thừa nhận có những trường hợp thị trường có thể thất bại, trong đó quan trọng nhất là trường hợp của các “ảnh hưởng ngoại ứng”, những chi phí con người gây ra cho người khác mà không phải trả tiền, ví dụ như tắc nghẽn giao thông hay ô nhiễm. Tuy nhiên giả định cơ bản của các nhà kinh tế “tân cổ điển” (đặt theo tên những nhà lý thuyết cuối thế kỷ 19 đã phát triển thêm khái niệm của các nhà tiền bối “cổ điển”) là chúng ta nên đặt niềm tin ở hệ thống thị trường.
Tuy vậy, cuộc Đại suy thoái làm niềm tin đó tiêu tan. Thực tế, ngay cả khi mọi thứ đang sụp đổ một số nhà kinh tế vẫn khăng khăng rằng dù chuyện gì có xảy ra thì nền kinh tế thị trường vẫn đúng: “Đại suy thoái không chỉ toàn điều xấu,” Joseph Schumpeter tuyên bố năm 1934. Chúng là “những gì cần phải diễn ra.” Nhưng nhiều nhà kinh tế, cuối cùng là toàn bộ giới kinh tế học tìm đến những quan điểm của John Maynard Keynes để giải thích điều gì đã xảy ra và tìm giải pháp cho những cuộc suy thoái trong tương lai.
Dù bạn đã được nghe những gì, Keynes không hề muốn chính phủ vận hành nền kinh tế. Ông miêu tả phân tích của mình trong kiệt tác năm 1936, “Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ,” là “tương đối bảo thủ về mặt hàm ý.” Ông muốn chỉnh sửa chứ không phải thay thế chủ nghĩa tư bản.
Nhưng ông đã thách thức quan niệm rằng những nền kinh tế thị trường tự do có thể họat động không cần người giám sát, thể hiện sự coi thường đặc biệt đối với thị trường tài chính, thứ ông xem là đang bị thống trị bởi thói đầu cơ ngắn hạn mà chẳng quan tâm gì đến các yếu tố cơ bản. Ông kêu gọi chính phủ nên chủ động can thiệp, in thêm tiền và nếu cần thiết, chi tiêu mạnh tay cho các công trình công cộng để chống thất nghiệp khi suy thoái xảy ra.
Cũng cần hiểu rằng Keynes đã làm nhiều hơn so với chỉ đưa ra những lời khẳng định kiên quyết. “Lý thuyết chung” là một tác phẩm phân tích rất sâu sắc, có sức thuyết phục trước những nhà kinh tế trẻ tuổi tài năng nhất thời điểm đó. Dù vậy, câu chuyện của kinh tế học trong suốt nửa thế kỷ qua lại là câu chuyện về sự thoái trào của tư tưởng Keynes và trở về với chủ nghĩa tân cổ điển.
Sự phục hưng của trào lưu tân cổ điển ban đầu dưới sự lãnh đạo của Milton Friedman từ ĐH Chicago, người ngay từ năm 1953 đã khẳng định rằng kinh tế học tân cổ điển có thể chỉ ra con đường để họat động của nền kinh tế thực sự “vừa đem lại nhiều trái ngọt, vừa rất đáng tin cậy.” Thế còn những cuộc suy thoái thì sao?
Cuộc phản công của Friedman chống lại Keynes bắt đầu với một học thuyết có tên là chủ nghĩa trọng tiền. Những nhà trọng tiền, về cơ bản, không đồng ý với quan điểm rằng nền kinh tế thị trường cần được chủ động bình ổn. Các nhà trọng tiền khẳng định rằng chính phủ chỉ cần can thiệp một cách hết sức hạn chế, cụ thể là, để ngân hàng trung ương giữ cung tiền quốc gia tăng đều đặn (tổng tiền mặt trong lưu thông và tài khoản tiền gửi tại ngân hàng). Như vậy là đủ để ngăn ngừa suy thoái.
Friedman cùng người đồng nghiệp Anna Schwartz từng có một tuyên bố nổi tiếng rằng nếu Cục dự trữ liên bang hành động hợp lý, cuộc Đại suy thoái đã không xảy ra. Sau đó, Friedman đưa ra lập luận thuyết phục phản đối mọi nỗ lực có chủ đích nào của chính phủ nhằm đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức “tự nhiên” (hiện nay được cho là vào khoảng 4,8% tại Mỹ): ông dự đoán rằng chính sách nới lỏng tiền tệ quá đáng sẽ chỉ dẫn đến lạm phát và thất nghiệp cao, một dự đoán đã được xác thực bởi thời kỳ đình lạm những năm 1970.
Uy tín của phong trào chống Keynes lại càng dâng cao mạnh mẽ.
Tuy vậy, cuối cùng phong trào chống Keynes cùng những người kế tục Friedman lại đi xa hơn nhiều so với quan điểm tương đối ôn hòa của ông. Trong giới kinh tế học tài chính, quan điểm coi thường thị trường tài chính, xem nó như “sòng bạc” của Keynes được thay thế bằng lý thuyết “thị trường hiệu quả” cho rằng với tất cả những thông tin sẵn có, thị trường tài chính luôn định giá đúng.
Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế vĩ mô hoàn toàn phủ nhận cách giải thích của Keynes về suy thoái kinh tế. Một số còn trở lại với quan điểm của Schumpeter và những người biện hộ cho cuộc Đại suy thoái, xem suy thoái là điều tốt, là một phần trong quá trình điều chỉnh để thay đổi của nền kinh tế. Và kể cả những người không cực đoan đến thế cũng lập luận rằng mọi nỗ lực chống suy giảm kinh tế đều có hại hơn là có lợi.
Không phải nhà kinh tế vĩ mô nào cũng đi theo con đường đó: nhiều người tự gọi mình là những người “Keynes-mới”, họ tiếp tục tin vào vai trò chủ động của chính phủ. Dù vậy ngay cả họ cũng đồng ý với quan điểm rằng nhà đầu tư và người tiêu dùng hợp lý còn thị trường nói chung là luôn đúng.
Đương nhiên, cũng có một số người không đi theo xu hướng chung: một số ít nhà kinh tế thách thức giả định về hành vi hợp lý, nghi ngờ niềm tin vào thị trường tài chính và chỉ ra hàng loạt những cuộc khủng hoảng tài chính trong lịch sử đã để lại những hậu quả kinh tế thảm khốc. Nhưng họ như đang bơi ngược dòng, không thể đả phá nổi tính tự mãn ngu ngốc đang lan tỏa trong toàn giới kinh tế khi ấy.
- Nền tài chính Pangaloss[1]
Trong thập kỷ 30, vì nhiều lý do hiển nhiên thị trường tài chính không dành được nhiều sự tôn trọng. Keynes từng so sánh nó với “một cuộc thi trong đó những người tham gia phải lựa chọn sáu khuôn mặt đẹp nhất từ hàng trăm tấm ảnh, giải thưởng sẽ được trao cho ai có lựa chọn gần giống nhất với tất cả những người còn lại; vì thế mỗi người tham dự không lựa chọn khuôn mặt nào mình thấy đẹp nhất mà lại chọn khuôn mặt anh ta nghĩ nhiều khả năng sẽ lôi cuốn những người cùng chơi khác nhất.”
Và Keynes cho rằng sẽ chẳng phải là ý tưởng hay nếu để những thị trường nơi nhà đầu cơ dành thời gian theo đuôi kẻ khác làm chủ những quyết định kinh doanh quan trọng: “Khi thị trường vốn của một quốc gia trở thành thứ phụ phẩm của một sòng bạc, nó sẽ không thực hiện được chức năng của mình.”
Tuy vậy, cho đến khoảng năm 1970, việc nghiên cứu về thị trường tài chính dường như đã rơi vào tay những Tiến sỹ Pangloss trong tác phẩm của Voltaire, những người cho rằng chúng ta đang sống trong thế giới tốt đẹp nhất có thể có. Những tranh luận về sự bất hợp lý của nhà đầu tư, về bong bóng, về những vụ đầu cơ phá hoại gần như biến mất khỏi những buổi trao đổi học thuật.
Kinh tế học bị thống trị bởi “giả thuyết thị trường hiệu quả,” do Eugene Fama từ ĐH Chicago đề xướng, theo đó với những thông tin sẵn có, giá trị tài sản trên thị trường tài chính chính là giá trị thực chất của nó. (Ví dụ như giá cổ phiếu của một công ty luôn phản ánh chính xác giá trị của công ty đó với những thông tin sẵn có như lợi nhuận doanh nghiệp, triển vọng kinh doanh,…).
Và cho đến những năm 1980, nhiều nhà kinh tế học tài chính, đáng chú ý có Michael Jensen từ Trường Kinh doanh Havard, lập luận rằng vì thị trường tài chính luôn định giá đúng, điều tốt nhất lãnh đạo doanh nghiệp nên làm là tối đa hóa giá trị cổ phiếu của mình, không chỉ vì lợi ích của bản thân họ mà còn của toàn nền kinh tế. Nói cách khác, các nhà kinh tế học tài chính tin rằng chúng ta nên đặt thị trường vốn của quốc gia mình vào tay thứ Keynes đã gọi là “sòng bạc.”
Sự chuyển biến trong giới kinh tế này không dựa trên bất kỳ sự kiện thực tế nào. Thực tế, những ký ức về năm 1929 đang phai nhạt dần, thị trường hết tăng lại đến giảm với những câu chuyện truyền kỳ về các vụ đầu cơ quá mức. Ví dụ như trong hai năm 1973-1974, cổ phiếu mất 48% giá trị. Trong vụ sụp đổ 1987, chỉ số Dow mất 23% trong chỉ một ngày mà chẳng rõ nguyên nhân. Ít nhất sau những vụ việc ấy người ta cũng nên có chút nghi ngờ về cái gọi là thị trường hợp lý.
Tuy vậy, những sự kiện Keynes đáng lẽ đã lấy làm bằng chứng về sự thiếu tin cậy của thị trường lại chẳng ngăn chặn nổi những ý tưởng đẹp đẽ. Các nhà kinh tế học tài chính đã phát triển một mô hình lý thuyết đẹp một cách hoàn mỹ dựa trên giả định mọi nhà đầu tư đều cân đối một cách hợp lý giữa rủi ro và lợi nhuận, Mô hình Định giá Tài sản Vốn (Capital Asset Pricing Model – CAPM).
CAPM không chỉ đưa ra cách chọn lựa danh mục đầu tư, mà quan trọng hơn nó còn cho biết định giá các chứng khoán phái sinh ra sao. Sự đẹp đẽ và có vẻ như rất hữu dụng của lý thuyết này mang lại hàng loạt giải Nobel cho các tác giả của nó, và những người tinh thông lý thuyết này cũng nhận được phần thưởng trần tục hơn một chút: với những mô hình mới trong tay và khả năng toán học siêu đẳng, những giáo sư tầm thường tại các trường kinh doanh có thể vụt trở thành những khoa học gia hàng đầu kiếm bộn tiền tại phố Wall.
Công bằng mà nói các nhà lý thuyết tài chính không chấp nhận giả thuyết thị trường hiệu quả chỉ vì nó đẹp, tiện dụng và có lợi. Họ cũng tiến hành rất nhiều quan sát thống kê có vẻ như cực kỳ thuyết phục. Nhưng những thống kê này vô cùng hạn chế. Các nhà kinh tế học tài chính hiếm khi hỏi một câu hỏi dù rất rõ ràng những cũng rất khó trả lời rằng liệu giá tài sản có tương xứng với các yếu tố cơ bản ví dụ như lợi nhuận hay không. Larry Summers, nay là cố vấn kinh tế hàng đầu cho chính quyền Obama, từng chế giễu các nhà kinh tế học tài chính là “các nhà kinh tế học cà chua” “đã chỉ ra rằng một chai nước sốt cà chua 2 quart (đơn vị đo chất lỏng của Anh ) phải được bán với giá gấp đôi chai nước sốt cà chua 1 quart,” rồi đi đến kết luận rằng thị trường nước sốt cà chua hoàn toàn hiệu quả.
Nhưng lời chế nhạo ấy hay những phê phán lịch sự hơn từ các nhà kinh tế như Robert Shiller từ ĐH Yale cũng chẳng có mấy tác dụng. Các nhà lý thuyết tài chính vẫn tin rằng mô hình của mình về cơ bản là đúng, và nhiều người nắm quyền lực trong tay cũng vậy. Đặc biệt trong số đó có Alan Greenspan, người sau này là Chủ tịch Fed và đã từ lâu ủng hộ việc bãi bỏ luật lệ của ngành tài chính.
Ông không kêu gọi khống chế cho vay dưới chuẩn cũng như phủ nhận sự tồn tại của bong bóng nhà đất với niềm tin rằng các nhà kinh tế học tài chính đã kiểm soát được mọi thứ. Năm 2005, trong buổi lễ tôn vinh nhiệm kỳ của Greenspan tại Fed, một người dũng cảm tên là Raghuram Rajan (bất ngờ là ông này đến từ ĐH Chicago) đã công bố một nghiên cứu cảnh báo hệ thống tài chính đang chấp nhận quá nhiều rủi ro tới mức đáng báo động. Ông bị cả hội trường chế nhạo, kể cả Larry Summers cũng gạt lời cảnh báo này đi vì cho rằng nó “sai lầm.”
Tuy vậy, đến tháng 10 năm ngoái, chính Greenspan phải thú nhận rằng mình đang ở trong tình trạng “khủng hoảng niềm tin,” vì “tòa lâu đài tri thức trong tôi” đã “sụp đổ.” Vì sự sụp đổ của tòa lâu đài tri thức ấy đi kèm với sự sụp đổ của thị trường trong thế giới thực, kết quả là một cuộc suy thoái nghiêm trọng, cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ thời Đại suy thoái.
Những nhà hoạch định chính sách nên làm gì? Đáng buồn là kinh tế học vĩ mô đáng lẽ phải đưa ra những lời chỉ dẫn rõ ràng để nền kinh tế thoát khỏi bão tố thì chính nó lại đang rơi vào cơn bĩ cực của chính mình.
“Chúng ta đang vướng phải một mớ bòng bong khủng khiếp, chẳng kiểm soát nổi một cỗ máy quá phức tạp mà ngay đến họat động của nó chúng ta còn chưa tỏ tường. Kết quả là mơ ước làm giàu có thể sẽ biến mất trong một thời gian, có lẽ đó sẽ là một khoảng thời gian rất dài.” John Maynard Keynes đã viết như vậy trong bài tiểu luận nhan đề “Cuộc đại suy thoái 1930,” trong đó ông cố giải thích nguyên nhân của cơn đại nạn đang quét qua thế giới khi ấy. Và đúng là ước mơ làm giàu đã biến mất trong một thời gian quá dài và chỉ Chiến tranh thế giới II mới thực sự chấm dứt được Đại suy thoái.
Tại sao ban đầu phân tích của Keynes về Đại suy thoái như một “mớ bòng bong khủng khiếp” lại giàu sức hấp dẫn đến vậy? Và tại sao những nhà kinh tế vào khoảng năm 1975 lại chia rẽ khi đánh giá quan điểm của Keynes?
Người viết bài này muốn giải thích bản chất của kinh tế học theo Keynes bằng một câu chuyện ngụ ngôn ngắn gọn, một phiên bản thu nhỏ của mớ bòng bong đang tàn phá nền kinh tế.
Lấy ví dụ có một Hợp tác xã trông trẻ Đồi Capitol.
Hợp tác xã này là một tổ chức gồm 150 cặp vợ chồng trẻ đồng ý giúp người khác trông con khi họ vắng nhà vào buổi tối. Để đảm bảo mọi cặp vợ chồng đều trông trẻ như nhau, hợp tác xã đưa ra một loại “tiền” là những phiếu làm bằng bìa cứng, mỗi phiếu chứng nhận người cầm nó đã trông trẻ trong vòng nửa giờ. Khi gia nhập hợp tác xã mỗi thành viên nhận được 20 phiếu và sẽ phải trả lại đúng số lượng đó khi rời nhóm.
Đáng buồn là hóa ra các thành viên của hợp tác xã đều muốn dự trữ hơn 20 phiếu, có lẽ là để phòng trường hợp muốn đi vắng vài lần. Kết quả là tương đối ít người muốn tiêu “tiền” và đi chơi tối, trong khi nhiều người lại muốn trông trẻ để có thể tiết kiệm được nhiều hơn. Nhưng cơ hội trông trẻ chỉ đến khi có ai đó muốn đi chơi tối, điều đó có nghĩa là khó mà tìm được việc trông trẻ, khiến các thành viên của hợp tác xã này lại càng miễn cưỡng đi chơi tối, việc trông trẻ đã hiếm nay lại càng hiếm hơn.
Nói ngắn gọn là hợp tác xã rơi vào suy thoái.
Đừng coi câu chuyện này ngu ngốc hay vớ vẩn: kể từ thời Adam Smith ngộ ra gốc rễ của các quá trình kinh tế trong một nhà máy đinh ghim, các nhà kinh tế đã sử dụng các ví dụ quy mô nhỏ để đưa ra lời giải đáp cho những vấn đề to lớn. Câu hỏi đặt ra là liệu ví dụ cụ thể ấy có nói lên bản chất của những gì đang diễn ra trong một cuộc suy thoái, theo đó nguyên nhân của suy thoái là sức cầu không tương xứng hay không có đủ công việc trông trẻ cho tất cả những ai có nhu cầu.
40 năm trước đa phần các nhà kinh tế đều đồng tình với cách giải thích này. Nhưng kể từ đó các nhà kinh tế vĩ mô chia thành hai phe: các nhà kinh tế “nước mặn” (saltwater economist, chủ yếu tại các trường ĐH ven biển của Mỹ) dù ít dù nhiều cũng chia sẻ quan điểm của Keynes về suy thoái; và các nhà kinh tế “nước ngọt” (freshwater economist, chủ yếu đến từ các trường trong nội địa) phủ nhận quan điểm trên.
Các nhà kinh tế “nước ngọt” về cơ bản là những nhà lý thuyết thuần túy tân cổ điển. Họ tin rằng tất cả các phân tích kinh tế có giá trị phải xuất phát từ giả định cá nhân hiêu quả và thị trường luôn đúng nhưng câu chuyện hợp tác xã trông trẻ lại vi phạm giả định đó. Theo quan điểm của họ, nhìn chung là không thể có chuyện thiếu cầu, vì giá luôn thay đổi để cung tương xứng với cầu. Nếu mọi người muốn nhiều phiếu trông trẻ hơn, giá trị của những phiếu này sẽ tăng lên, vì thế chúng sẽ có giá 40 phút trông trẻ thay vì nửa tiếng chẳng hạn, hay tương ứng với chi phí của một giờ trông trẻ giảm từ 2 xuống 1,5 phiếu.
Vấn đề sẽ được giải quyết khi sức mua của phiếu trông trẻ trong lưu thông tăng lên nên mọi người thấy không cần phải tích trữ thêm nữa, do đó, không có suy thoái. Nhưng suy thoái không giống một giai đoạn không có đủ nhu cầu thuê mướn thêm người sẵn sàng làm việc chăng? Vẻ bề ngoài không nói lên điều gì, các nhà lý thuyết “nước ngọt” nói.
Theo cách nhìn của họ, những nguyên lý kinh tế có giá trị cho thấy không thể có sự thiếu hụt chung về cầu. Kinh tế học theo Keynes đã được “chứng minh là sai lầm” như Cochrane từ ĐH Chicago nói.
Nhưng suy thoái vẫn cứ diễn ra. Tại sao vậy?
Thập niên 70, nhà kinh tế học “nước ngọt” hàng đầu từng đoạt giải Nobel Robert Lucas lập luận rằng nguyên nhân của suy thoái là sự hỗn loạn nhất thời: doanh nghiệp và người lao động không phân biệt nổi sự thay đổi mức giá chung vì lạm phát hoặt giảm phát và sự thay đổi tại chính ngành mình. Lucas cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào chống lại chu kỳ kinh doanh sẽ phản tác dụng: các chính sách kinh tế chỉ làm tình hình thêm rối loạn.
Tuy vậy cho đến những năm 80, các nhà kinh tế “nước ngọt” còn phủ định cả chuyện suy thoái là điều xấu. Thay vào đó, những nhà lãnh đạo mới của phong trào này, đặc biệt là Edward Prescott khi đó đang công tác tại ĐH Minnesota lập luận rằng biến động của giá và thay đổi sức cầu không hề có liên quan tới chu kỳ kinh doanh.
Thay vào đó, chu kỳ kinh doanh phản ánh sự biến động dựa trên tiến bộ công nghệ, nó được khuếch đại bởi phản ứng hợp lý từ người lao động, họ tình nguyện làm việc nhiều hơn khi điều kiện thuận lợi và ít hơn khi điều kiện không thuận lợi. Thất nghiệp là quyết định có chủ đích của người lao động muốn dành thời gian nghỉ ngơi.
Nói trắng ra như vậy thì lý thuyết này nghe thật ngớ ngẩn, Đại suy thoái hóa ra lại là một kỳ nghỉ dài ngày à? Thực thà mà nói người viết bài này thấy nó thật sự ngô nghê. Nhưng giả định cơ bản trong “lý thuyết chu kỳ kinh doanh thực” của Prescott lại được diễn giải thành những mô hình toán học khéo léo đến tài tình, được sắp xếp thành những chuỗi dữ liệu thống kê tinh tế và rút cục lý thuyết này lại tiến tới chi phối việc giảng dạy môn kinh tế vĩ mô tại nhiều cơ sở đại học.
Năm 2004, như một minh chứng cho sức ảnh hưởng của lý thuyết đó, Prescott nhận chung giải Nobel với Finn Kydland từ ĐH Carnegie Mellon.
Trong khi đó, các nhà kinh tế học “nước mặn” do dự. Dù các nhà kinh tế như N. Gregory Mankiw tại Havard, Olivier Blanchard từ MIT và David Romer từ ĐH California, Berkeley nhận thức được rằng khó mà dung hòa được cách nhìn nhận suy thoái từ phía cầu của Keynes với quan điểm của lý thuyết tân cổ điển, họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy khó mà chối bỏ được cách nhìn nhận suy thoái từ phía cầu.
Vì thế họ sẵn sàng từ bỏ giả thuyết thị trường hoàn hảo hoặc sự hợp lý hoàn hảo, hoặc là cả hai, đưa thêm những khuyết tật của thị trường vào để nhìn nhận suy thoái trên quan điểm của Keynes. Theo cách nhìn “nước mặn”, vẫn nên thực thi các chính sách chủ động ngăn ngừa suy thoái.
Nhưng các nhà kinh tế tự coi mình thuộc phái “Keynes mới” này không cưỡng lại được sự hấp dẫn của những cá nhân hiệu quả và thị trường hoàn hảo. Họ cố giữ mình càng gần lý thuyết tân cổ điển chính thống càng tốt. Điều đó có nghĩa là không có chỗ trong các mô hình thông dụng cho những thứ như bong bóng hay hệ thống ngân hàng sụp đổ. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vĩ mô như ở Châu Á trong hai năm 1997-1998 và cuộc suy thoái tại Arghentina năm 2002, những sự kiện diễn ra trong thế giới thực ấy không được phản ánh trong dòng tư tưởng chủ đạo của phái Keynes mới.
Kể cả như vậy, người ta vẫn có thể nghĩ rằng sự khác biệt quan điểm giữa hai trường phái kinh tế “nước ngọt” và “nước mặn” sẽ luôn đặt họ ở thế đối đầu về các chính sách kinh tế.
Tuy vậy đáng ngạc nhiên là từ năm 1985 cho đến năm 2007, tranh luận giữa hai phái “nước ngọt” và “nước mặn’ chủ yếu về lý thuyết chứ không phải thực tiễn. Lý do là những người “Keynes mới”, không giống như những người theo Keynes nguyên bản, không nghĩ rằng cần phải sử dụng chính sách tài khóa (thay đổi trong thuế khóa và chi tiêu chính phủ) để chống suy thoái.
Họ tin rằng chính sách tiền tệ do những nhà kỹ trị tại Fed cầm trịch là đủ để điều tiết nền kinh tế. Tại lễ sinh nhật 90 tuổi của Milton Friedman, Ben Bernanke, người dù ít dù nhiều cũng từng là một GS theo phái “Keynes mới” tại ĐH Princeton và khi ấy là một thành viên trong Hội đồng thống đốc Fed, phát biểu về cuộc Đại suy thoái: “Ông đã đúng. Chúng tôi đã gây ra nó. Chúng tôi xin lỗi. Nhưng nhờ có ông, nó đã không xảy ra thêm một lần nữa.” Thông điệp rõ ràng là tất cả những gì cần để tránh suy thoái là một Cục dự trữ liên bang khéo léo hơn.
Và kể từ khi chính sách kinh tế vĩ mô được giao vào tay nhạc trưởng Greenspan và không còn các chương trình kích thích kinh tế kiểu Keynes, các nhà kinh tế “nước ngọt” chẳng còn gì để phàn nàn. (Họ không tin chính sách tiền tệ có tác động gì tốt đẹp, nhưng họ tin rằng nó cũng chẳng có gì hại.)
Phải đến cuộc khủng hoảng này cả hai phái mới nhận ra họ khác nhau nhiều đến ra sao và phái “Keynes mới” đã lạc quan tếu đến thế nào.
Trong các cuộc tranh luận của giới kinh tế học gần đây, câu mở đầu được ưa chuộng nhất thường là “không ai có thể tiên đoán được …” Đó là những gì người ta nói về một thảm họa hoàn toàn có thể dự đoán, đáng lẽ ra đã được tiên đoán và thực sự đã được một số ít nhà kinh tế – những người bị chỉ trích vì nỗ lực cảnh báo của mình – nhìn thấy trước.
Có thể lấy ví dụ về sự leo thang rồi xuống dốc của giá nhà đất. Một vài nhà kinh tế, trong đó nổi bật là Robert Shiller, đã nhận thấy tình trạng bong bóng của thị trường này và lên tiếng báo động về những hậu quả nghiêm trọng nếu xảy ra đổ vỡ. Tuy nhiên, những nhà hoạch định chính sách không tiếp thu được sự thật đó. Năm 2004, Alan Greenspan đã gạt bỏ những lời bình luận về bong bóng nhà đất, ông tuyên bố: “Không thể có tình trạng giá cả bị bóp méo nghiêm trọng trên phạm vi toàn quốc”. Đến năm 2005, Ben Bernanke phát biểu: “Giá nhà tăng chủ yếu do nền tảng kinh tế vững chắc”.
Tại sao họ không thấy được bong bóng này? Khách quan mà nói, lãi suất được giữ ở mức thấp một cách bất bình thường chính là một trong những nguyên nhân làm cho giá nhà tăng. Có lẽ ngài Greenspan và ngài Bernanke muốn biểu dương thành công của Fed trong việc cứu nền kinh tế thoát khỏi suy thoái năm 2001, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận những thành công đó phần lớn là nhờ họ đã tạo ra một quả bong bóng khổng lồ mà vụ nổ của nó có thể dập tắt niềm hân hoan mừng thắng lợi.
Tuy vậy, công chúng vẫn tin tưởng rằng chẳng có bong bóng nào cả. Thật đáng ngạc nhiên là nếu đọc lại những lời cam đoan của Greenspan sẽ thấy chúng chẳng hề dựa trên một bằng chứng thực tế nào mà chỉ xuất phát từ một giả định đơn giản – không thể có bong bóng nhà đất. Những nhà lý thuyết tài chính còn tin tưởng mạnh mẽ hơn vào quan điểm này.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2007, Eugene Fama, cha đẻ của lý thuyết thị trường hiệu quả, đã tuyên bố: “Đối với tôi, từ “bong bóng” chẳng có ý nghĩa gì cả”, và ông giải thích lý do tại sao chúng ta có thể tin tưởng thị trường nhà đất: “Thị trường nhà đất tuy thanh khoản thấp, nhưng bù lại mọi người rất thận trọng khi quyết định mua nhà. Đó thường là khoản đầu tư lớn nhất mà họ thực hiện, vì thế họ sẽ xem xét kỹ càng và so sánh giá cả. Chuyện mặc cả cũng rất chặt chẽ.”
Đúng như vậy, những người mua nhà thường so sánh rất cẩn thận giá ngôi nhà mà họ có thể sẽ sở hữu với những căn nhà khác. Nhưng điều này không có nghĩa rằng giá cả chung trên toàn bộ thị trường nhà đất là hợp lý. Chúng ta lại bắt gặp kinh tế học kiểu “nước sốt cà chua”: bởi vì một chai nước sốt cà chua 2 quart (đơn vị đo chất lỏng của Anh – ND) đắt gấp đôi chai 1 quart nên các nhà nghiên cứu lý thuyết tài chính cho rằng giá của nước sốt là hợp lý.
Tóm lại, niềm tin vào tính hiệu quả của các thị trường tài chính đã che mắt rất nhiều nếu không muốn nói là gần như tất cả các nhà kinh tế học, khiến họ không nhận ra tình trạng báo động về một trong những bong bóng tài chính lớn nhất trong lịch sử. Và lý thuyết thị trường hiệu quả phải chịu trách nhiệm vì đã thổi phống quả bong bóng đó lên.
Giờ thì vụ nổ bong bóng đã xảy ra, tính rủi ro thực sự của những tài sản được cho là an toàn đã bộc lộ rõ nét và hệ thống tài chính đã thể hiện rõ sự mong manh của nó. 13 nghìn tỷ USD đã bốc hơi khỏi tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ sau cuộc khủng hoảng. Thêm vào đó là hơn sáu triệu việc làm bị cắt giảm, tỷ lệ thất nghiệp đang hướng tới mốc kỷ lục kể từ năm 1940. Vậy kinh tế học hiện đại đưa ra giải pháp nào cho tình trạng hiện thời?
Và liệu chúng ta có nên tin tưởng vào giải pháp đó hay không?
Sự yên bình giả tạo đã phủ bóng lên kinh tế học vĩ mô suốt từ năm 1985 cho tới năm 2007. Thực tế không hề có một sự hội tụ nào giữa hai trường phái “nước mặn” và “nước ngọt” trong suốt quãng thời gian này. Thế nhưng đó là những năm tháng của “Thời kỳ ổn định lớn” – giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng với lạm phát không đáng kể và chỉ có một vài đợt suy thoái nhẹ. Những nhà kinh tế theo trường phái “nước mặn” tin rằng Fed đã kiểm soát mọi thứ rất tốt. Trong khi trường phái “nước ngọt” không cho rằng hành động của Fed thực sự đem lại lợi ích, nhưng họ chấp nhận im lặng trước sự giả dối đó.
Thế rồi cuộc khủng hoảng xảy ra đã kết thúc thời kỳ êm đềm giả tạo ấy. Những chính sách kỹ trị hạn hẹp được cả hai trường phái ủng hộ đột nhiên không còn đáp ứng được hoàn cảnh nữa – và sự cần thiết phải có chính sách mạnh tay hơn đã lại châm ngòi cho những cuộc tranh cãi muôn thuở, lần này trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Vì sao những chính sách cũ trở nên không phù hợp nữa? Câu trả lời gói gọn chỉ trong một từ: “số 0”.
Trong một cuộc suy thoái thông thường, Fed sẽ phản ứng bằng cách mua vào Trái phiếu kho bạc – chứng khoán nợ ngắn hạn của chính phủ – từ các ngân hàng. Điều này làm cho lãi suất trái phiếu giảm, các nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn sẽ chuyển sang các tài sản khác và kéo lợi tức từ những tài sản đó giảm theo; và thường thì lãi suất được hạ xuống thấp theo cách như vậy sẽ kích thích nền kinh tế đi lên nhanh chóng.
Trong quá khứ, Fed cũng đã đối phó với cuộc suy thoái năm 1990 bằng cách hạ tỷ lệ lãi suất ngắn hạn từ 9% xuống còn 3%; và với cuộc suy thoái năm 2000, lãi suất được hạ từ 6,5% xuống 1%. Trong nỗ lực đương đầu với đợt suy thoái hiện nay, Fed tiếp tục điều chỉnh lãi suất từ 5,25% xuống 0%.
Thế nhưng 0% vẫn là chưa đủ để vực dậy nền kinh tế, và FED cũng không thể đẩy lãi suất xuống thấp hơn được nữa. Từ lúc lãi suất gần bằng 0%, nhiều nhà đầu tư đã chọn giải pháp tích trữ tiền mặt thay vì cho vay ra. Do đó, vào cuối năm 2008, khi lãi suất cơ bản đã ở mức mà các nhà kinh tế học vĩ mô gọi là “giới hạn số không” thì chính sách tiền tệ đã mất hoàn toàn tác dụng, mặc cho suy thoái vẫn tiếp tục lún sâu hơn.
Vậy chúng ta phải làm gì trước tình trạng này? Đây là lần thứ hai nước Mỹ vấp phải sự cản trở từ “giới hạn số không”, lần đầu tiên chính là trong cuộc Đại suy thoái. Nhưng cũng chính vì nhìn thấy được giới hạn lãi suất ấy, Keynes đã chủ trương dùng biện pháp tăng chi tiêu chính phủ: khi chính sách tiền tệ không phát huy được hiệu quả và không thể khuyến khích khu vực tư nhân tăng chi tiêu, thì chính phủ phải thay thế vị trí đó để chống đỡ cho nền kinh tế. Kích thích tài khóa là câu trả lời của Keynes cho những lần suy thoái trầm trọng như cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tư tưởng của Keynes chính là nền tảng cho những chính sách kinh tế dưới thời chính quyền Obama đã được trường phái “nước ngọt” ủng hộ mạnh mẽ. Trong 25 năm qua, họ đã không phản đối cho những nỗ lực điều tiết nền kinh tế của Fed, nhưng sự hồi sinh của học thuyết Keynes đã khiến mọi thứ hoàn toàn thay đổi.
Trở lại những năm 1980, Lucas, giáo sư đại học Chicago, đã viết rằng kinh tế học của Keynes bị coi thường đến nỗi “trong các hội thảo nghiên cứu, mọi người không còn coi trọng lý thuyết của Keynes nữa; những thính giả thường huýt sáo và cười đùa với nhau” – việc thừa nhận cái nhìn đúng đắn của Keynes đồng nghĩa với bị giễu cợt và chế nhạo.
GS Cochrane từ ĐH Chicago nổi giận với ý tưởng tăng cường chi tiêu công có thể giảm bớt suy thoái. Ông ta đã nói: “Nó không còn nằm trong bài giảng của bất cứ giảng viên đại học nào từ những năm 1960. Những tư tưởng của Keynes chỉ là chuyện hão huyền mà sai lầm của chúng đã được chứng minh.
Khi bị stress, ta có thể giải tỏa bằng cách hồi tưởng lại những câu chuyện cổ tích được nghe từ thời thơ ấu, nhưng điều đó không làm cho chúng bớt hoang đường hơn.” (Đây chính là bằng chứng thể hiện mối bất đồng sâu sắc giữa hai trường phái “nước ngọt” và “nước mặn”, đến nỗi Cochrane tin rằng “không một ai” còn dạy kinh tế học theo Keynes nữa, nhưng thực tế thì nó vẫn đang được giảng dạy ở những trường như Princeton, MIT hay Havard.
Giờ đây, nhiều nhà kinh tế học trường phái “nước mặn” – những người đã tự hài lòng với niềm tin rằng sự rạn nứt trong kinh tế học vĩ mô đang thu hẹp lại – đang thực sự bị sốc khi nhận ra trường phái “nước ngọt” lâu nay thậm chí còn chẳng buồn lắng nghe.
Các nhà kinh tế “nước ngọt” đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt gói kích thích của chính phủ không có vẻ là những người đã nghiền ngẫm kỹ kinh tế học theo Keynes và thấy chúng vẫn còn thiếu sót mà họ giống như những kẻ không biết gì về lý thuyết này và đang làm sống lại những tư tưởng sai lầm trước năm 1930 mà cứ nghĩ rằng những gì mình phát biểu là hoàn toàn mới mẻ và sâu sắc.
Và có vẻ như Keynes không phải người duy nhất mà những suy nghĩ của ông bị lãng quên. Nhà nghiên cứu Brad Delong từ ĐH California, Berkeley đã viết về về “sự sụp đổ tri thức” của trường phái Chicago rằng: quan điểm của trường phái này hiện thời cũng hoàn toàn phủ nhận tư tưởng của Milton Friedman. Friedman tin rằng nên sử dụng các chính sách của Fed hơn là thay đổi chi tiêu công để ổn định nền kinh tế, nhưng ông chưa bao giờ khẳng định rằng tăng cường chi tiêu chính phủ, dưới bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không thể tạo thêm việc làm. Thực tế, nếu đọc lại cuốn “Lý thuyết chung về phân tích tiền tệ”, tác phẩm tóm tắt những nghiên cứu của ông, bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi thấy nó “Keynes” đến nhường nào.
Và tất nhiên Friedman cũng không hề tin tưởng vào quan điểm tỷ lệ thất nghiệp cao phản ánh tinh thần lao động sa sút cũng như ý kiến cho rằng các cuộc suy thoái thực ra có tác dụng tốt cho nền kinh tế. Những lập luận này đã được chính thế hệ các nhà kinh tế học “nước ngọt” gần đây đưa ra.
Casey Mulligan, nhà kinh tế trường phái Chicago, lập luận rằng tỷ lệ thất nghiệp cao là do có nhiều người không muốn làm việc: “Động lực tài chính sẵn có khiến người lao động không thiết tha đi tìm việc… sự sụt giảm từ phía nguồn cung lao động (mong muốn đi làm của người dân) là nguyên nhân chính làm cho số lượng việc làm ít đi chứ không phải là phía cầu lao động (số công nhân mà nhà tuyển dụng cần thuê mướn).” Cụ thể, Mulligan cho rằng người công nhân lựa chọn phương án tiếp tục nghỉ làm bởi họ sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp tài sản thế chấp nhiều hơn. Còn Cochrane thì tuyên bố tỷ lệ thất nghiệp cao thực ra là một điều tốt: “Chúng ta nên có một cuộc suy thoái. Những người thợ cả đời chỉ biết đóng đinh ở Nevada cần một thứ gì đó khác để làm.”
Cá nhân tôi cho rằng điều này thật sự điên rồ. Tại sao nên để thất nghiệp lan tràn khắp cả nước chỉ nhằm mục đich kéo những người thợ mộc đi khỏi Nevada? Và ai có thể nói một cách nghiêm túc rằng chúng ta đã mất 6,7 triệu việc làm đơn giản bởi người Mỹ không muốn đi làm nữa? Nhưng sớm muộn gì thì những nhà kinh tế “nước ngọt” cũng sẽ mắc vào cái bẫy của chính họ và lâm vào ngõ cụt: nếu bạn bắt đầu với giả định rằng cá nhân hoàn toàn hợp lý và thị trường hoàn toàn hiệu quả, thì bạn phải đi đến kết luận rằng thất nghiệp là tự nguyện và suy thoái là điều đáng mong muốn!
Nếu như cuộc khủng hoảng đã khiến cho những nhà kinh tế “nước ngọt” trở nên ngớ ngẩn, thì nó cũng làm nhiều nhà kinh tế “nước mặn” quay trở lại với nền tảng của mình. Không giống như trường phái Chicago, lý thuyết của họ đồng ý với khả năng thất nghiệp là không tự nguyện và coi nó như một điều tồi tệ. Tuy nhiên mô hình của trường phái “Keynes mới” đang thống trị cả trong giảng dạy và nghiên cứu lại cũng giả định rằng con người luôn hành động theo lý trí và thị trường tài chính hoàn toàn hiệu quả.
Để đưa cuộc suy thoái hiện nay vào mô hình, “những người Keynes mới” buộc phải chắp vá thêm những yếu tố vụn vặt kém thuyết phục với vai trò là tác nhân kéo chi tiêu của khu vực tư nhân tạm thời giảm sút. (Đó chính xác là những gì người viết bài này đã làm trong một vài nghiên cứu gần đây) Và nếu dựa vào những yếu tố đó để phân tích tình cảnh hiện tại thì làm sao chúng ta có thể tin tưởng được vào những dự đoán của mô hình về tương lai nền kinh tế?
Tóm lại, với tình trạng vĩ mô không lấy gì làm tốt đẹp hiện nay, những nhà nghiên cứu sẽ phải làm gì?
Cũng như những ngành khoa học khác, kinh tế học đang gặp khúc mắc vì các nhà nghiên cứu đã bị quyến rũ bởi viễn tượng về một hệ thống thị trường hoàn hảo, không mâu thuẫn. Nếu muốn chuộc lại lỗi lầm này, họ phải chấp nhận một góc nhìn kém lạc quan hơn: mặc dù đạt hiệu quả cao nhưng trong kinh tế thị trường vẫn có những “rạn nứt và mâu thuẫn” xảy ra.
Một điều tốt là chúng ta không phải bắt đầu với hai bàn tay trắng. Những nghiên cứu về khả năng đi chệch hướng của nền kinh tế thực so với mô hình lý tưởng trên giấy vẫn được thực hiện ngay cả trong thời kỳ huy hoàng của thuyết thị trường hoàn hảo. Những gì sẽ xảy ra – và thực tế đang xảy ra – là kinh tế học về sai lầm và xung đột từ vị trí ngoài lề sẽ trở thành trung tâm của các nghiên cứu phân tích.
Tôi có thể nêu ngay được một loại hình kinh tế học như vậy đang phát triển rất mạnh mẽ: trường phái tư duy được biết đến dưới cái tên “tài chính hành vi”. Những nhà nghiên cứu theo trường phái này nhấn mạnh vào hai điểm. Trước hết, đa số nhà đầu tư trong thế giới thực không phải là những cái máy chỉ biết tính toán theo như lý thuyết thị trường hiệu quả: họ chịu ảnh hưởng lớn từ tâm lý đám đông, từ sự liều lĩnh nhiều khi phi lý và cả những nỗi hoảng sợ vô căn cứ.
Thứ đến, ngay cả những người hết sức cố gắng để ra quyết định bằng một cái đầu lạnh cũng nhận ra họ không thể làm được, các vấn đề về sự kỳ vọng, tín nhiệm và giới hạn ký quỹ buộc họ phải chạy theo đám đông.
Về quan điểm đầu tiên: ngay trong thời kỳ lý thuyết thị trường hiệu quả thịnh hành nhất thì dường như vẫn có rất nhiều nhà đầu tư không “hợp lý” như mô hình này giả định. Larry Summers đã từng bắt đầu một bài viết của mình với những câu: “Nhìn quanh mình đi. Thiếu gì thằng ngốc.” Nhưng những “thằng ngốc” mà chúng ta đang nói đến thuộc loại nào?
Tài chính hành vi, bắt nguồn từ một trào lưu rộng rãi hơn được gọi là kinh tế học hành vi, đang cố gắng trả lời câu hỏi đó bằng cách liên hệ sự vô lý thường thấy trong hành động của các nhà đầu tư với những thành kiến trong nhận thức của con người; ví dụ như họ có xu hướng lo lắng đến những khoản lỗ nhỏ hơn là kỳ vọng vào khoản lợi nhuận có giá trị tương đương, hay xu hướng kết luận vội vàng chỉ từ một vài hiện tượng đơn lẻ (VD: nhà đầu tư cho rằng giá nhà sẽ tiếp tục tăng vì nó đã tăng liên tục nhiều năm liền).
Cho đến tận khi cuộc khủng hoảng xảy ra, những người ủng hộ lý thuyết thị trường hiệu quả như Eugene Fama đã bỏ qua những ý tưởng trường phái tài chính hành vi đưa ra, và coi nó như một “bộ sưu tập của sự hiếu kỳ” chẳng hề có chút giá trị. Và giờ đây họ đang ở trong một tình thế khó xử khi quả bong bóng khổng lồ – được dự đoán chính xác bởi những nhà kinh tế học hành vi như Robert Shille đại học Yale – đã nổ tung và đánh quỵ cả thế giới.
Về quan điểm thứ hai: giả định trên thực tế có nhiều “thằng ngốc”. Điều đó có tầm quan trọng như thế nào? Không nhiều lắm, Milton Friedman đã kết luận như vậy trong một nghiên cứu có sức ảnh hưởng lớn năm 1953: nhà đầu tư thông minh sẽ mua vào khi những “thằng ngốc” bán ra và ngược lại, nhờ quá trình đó họ giúp cho thị trường diễn biến cân bằng. Thế nhưng quan điểm thứ hai của tài chính hành vi cho rằng Friedman đã sai: vẫn có những lúc thị trường tài chính rất không ổn định. Với tình trạng hiện nay thì quả thật khó có thể phủ nhận lập luận này.
Có lẽ nghiên cứu thuyết phục nhất trong vấn đề này là một tác phẩm xuất bản năm 1997 của Andrei Shleifer – đại học Havard – và Robert Vishny – đại học Chicago. Trong đó, họ đã chính thức hóa một quan điểm cũ: “thị trường có thể duy trì tình trạng phi lý lâu hơn thời gian mà bạn duy trì được khả năng trả nợ của mình.” Họ chỉ ra rằng các nhà kinh doanh chứng khoán – những người được cho là luôn mua thấp bán cao – cần có vốn để hoạt động. Và nếu giá các loại tài sản khác sụt giảm nghiêm trọng, ngay cả khi chẳng hề ảnh hưởng gì đến các yếu tố cơ bản trên thị trường, thì nó vẫn làm cho nguồn vốn của các nhà kinh doanh chứng khoán cạn kiệt. Kết quả là dòng tiền thông minh bị buộc phải rời khỏi thị trường và vòng xoáy giảm giá bắt đầu.
Có thể xem cuộc khủng hoảng lan rộng hiện nay như là bài học trực quan về mối hiểm họa của một thị trường tài chính không ổn định. Trong bối cảnh đó, các lý thuyết mới giải thích sự bất ổn trên đã chứng minh tính đúng đắn của nó khi áp dụng cho các chính sách của chính phủ: việc tập trung vào nguồn vốn cạn kiệt của các định chế tài chính là kim chỉ nam cho những quyết sách sau khi Lehman sụp đổ, và dường như điều đó đã ngăn chặn những đổ vỡ lớn hơn có thể xảy ra.
Trong lúc ấy thì kinh tế học vĩ mô đang ở đâu? Một loạt biến cố gần đây đã phủ nhận hoàn toàn quan điểm cho rằng suy thoái là phản ứng tối ưu nhất trước những tiến bộ công nghệ; vậy thì xem ra chỉ còn có thể nhìn nhận suy thoái theo quan điểm của Keynes mà thôi. Dù vậy trong những mô hình chuẩn của trường phái Keynes mới không có chỗ cho một cuộc khủng hoảng như hiện nay, vì những mô hình ấy nhìn chung vẫn thừa nhận lý thuyết thị trường hiệu quả đối với khu vực tài chính.
Tuy nhiên vẫn có một vài ngoại lệ. Không phải ai xa lạ, chính Ben Bernanke và Mark Gertler thuộc đại học New York đã có một loạt nghiên cứu nhấn mạnh vào ảnh hưởng từ sự thiếu hụt tài sản thế chấp cần thiết có thể gây cản trở cho khả năng tăng vốn và nắm bắt cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp. Một số nghiên cứu liên quan, phần lớn được thực hiện bởi Nobuhiro Kiyotaki từ ĐH Princeton và John Moore từ Trường Kinh doanh London, cho rằng giá cả của các tài sản như bất động sản có khả năng tự đẩy chính nó chìm sâu hơn nữa và do đó tạo ra một lỗ hổng kéo nền kinh tế đi xuống. Nhưng cho đến giờ, tác động bất thường này vẫn chưa được chú ý đúng mức, ngay cả trong kinh tế học của Keynes. Rõ ràng, đó là điều cần phải thay dổi.
Vì những lý do trên, người viết bài này cho rằng giới kinh tế học cần phải làm những điều sau đây: Đầu tiên, họ phải đối diện trực tiếp với thực tế đáng buồn là: không có sự hoàn hảo trong thị trường tài chính, và nó luôn chịu ảnh hưởng từ những ảo tưởng cũng như sự điên rồ của đám đông. Thứ hai, họ phải thừa nhận rằng – sẽ rất khó khăn đối với những người đã cười nhạo học thuyết của Keynes – kinh tế học Keynes vẫn là lý thuyết giải thích về suy thoái kinh tế tốt nhất mà chúng ta đang có. Cuối cùng, họ phải cố gắng hết sức để đưa những thực tế đã xảy ra trong lĩnh vực tài chính vào kinh tế vĩ mô.
Rất nhiều nhà kinh tế học sẽ cảm thấy khó chịu với những thay đổi như vậy. Rõ ràng cần một khoảng thời gian dài nữa để những lý thuyết mới mẻ, thực tế hơn về tài chính và kinh tế vĩ mô trở nên rõ ràng và hoàn thiện như lý thuyết Tân cổ điển. Đó là lý do để cho một số nhà kinh tế học vẫn sẽ trung thành với trường phái Tân cổ điển, mặc dù nó hoàn toàn không lý giải được gì về cuộc khủng hoảng lớn nhất trong ba thế hệ hiện nay. Đúng như H. L. Mencken nói: “Con người luôn có thể lựa chọn một giải pháp dễ dàng cho những vấn đề của mình: hoàn hảo, khéo léo và phi thực tế”
Trong bối cảnh cuộc suy thoái đã tác động đến toàn thể nhân loại, các nhà kinh tế học cần phải từ bỏ giả thuyết tuyệt vời nhưng phi lý rằng: tất cả mọi người đều hành động hợp lý cũng như thị trường luôn vận hành hoàn hảo. Những quan điểm mới xuất hiện trong lúc các nhà nghiên cứu xem xét lại lý thuyết của mình có thể còn chưa rõ ràng, và tất nhiên không còn những giả định đẹp đẽ như trước; nhưng chúng ta có thể hy vọng rằng ít nhất chúng cũng có phần đúng đắn.
Bản gốc tiếng Anh: The New York Times (9/2009) | Bản dịch tiếng Việt: Tổng hợp từ CafeF.vn
—————–
[1] Pangloss: nhân vật trong tác phẩm Candice của Voltaire, thường được dùng để chỉ những người lạc quan một cách ngây thơ.