Cơn bão chính trị – pháp lý trên Biển Đông

Print Friendly, PDF & Email

stormclouds_sea

Tác giả: Nguyễn Hồng Thao

Những ngày đầu tháng 12/2014, Philippines và Việt Nam oằn mình phòng chống siêu bão Habupit. Trên Biển Đông, một cơn bão khác đang tích điện và sẽ tạo ra những hệ quả khó lường cho các chính trị gia: Cơn bão chính trị – pháp lý tranh giành quyền ảnh hưởng trên Biển Đông.

Ngày 5/12/2014, Vụ các vấn đề đại dương, môi trường và khoa học quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Tài liệu pháp lý chính thức thể hiện quan điểm bác bỏ yêu sách đường đứt đoạn của Trung Quốc bằng các lập luận pháp lý sắc bén. Tài liệu này đăng trên tạp chí “Limits in the Sea” số 143, một tạp chí có độ tin tưởng cao trong lĩnh vực luật biển.

Sự kiện này gây chú ý vì nó tiếp sau ngay việc Hạ viện Mỹ thông qua tuyệt đối Nghị quyết H. Res-714, ngày 4/12/2014 tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nó diễn ra trong bối cảnh chính quyền Obama đang tìm cách củng cố lòng tin của các đồng minh với chính sách xoay trục sang Châu Á sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel từ chức.

Ở một cực khác, Trung Quốc trên đà thắng lợi của Hội nghị APEC lần thứ 26 tại Bắc Kinh và quyết sách được thông qua trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao tháng 11/2014 về việc cần có nền ngoại giao nước lớn mang đậm “đặc sắc Trung Quốc, phong cách Trung Quốc và khí phách Trung Quốc”.…lại tung ra Tài liệu lập trường của Trung Quốc ngày 7/12/2014 với vụ kiện của Philippines trước Tòa án được lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển và sẽ được tiến hành tại Trụ sở Tòa trọng tài thường trực quốc tế La Haye.

Hai sự kiện liên tiếp nhằm mục đích chung tác động đến tiến trình xem xét của Tòa trọng tài sau ngày 15/12/2014, thời điểm cuối cùng Tòa dành cho Trung Quốc quyết định việc tham gia vào vụ kiện về giải thích và áp dụng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 ở Biển Đông mà Philippines đã khởi động từ tháng 1/2013.

Mỹ với lập trường trung lập đã phân tích sâu yêu sách đường đứt đoạn (9 hay 10 đoạn) của Trung Quốc ở Biển Đông, một vấn đề thuộc nội dung vụ kiện mà Tòa phải xét xử. Tài liệu của Trung Quốc tìm cách chứng minh Tòa trọng tài không có thẩm quyền, qua đó bác bỏ nỗ lực của Philippin trong tìm kiếm một giải pháp. Trung Quốc lại đi trước một bước trong tính toán và nỗ lực biến đá và bãi ngầm trong quần đảo Trường Sa thành đảo, đặt Tòa trọng tài trước việc đã rồi.

Nếu Tòa tuyên mình không có thẩm quyền thì các căn cứ này đương nhiên tồn tại. Nếu Tòa tuyên có thẩm quyền, Tòa sẽ phải xem xét 2 vấn đề nội dung là đường đứt đoạn và số phận các “land features” (địa vật) ở Biển Đông mà Philippines đã nêu trong đơn kiện. Kết quả thế nào về mặt pháp lý, Trung Quốc cũng không bị ràng buộc vì không phải là bên tham gia vụ kiện. Một cuộc đấu giữa hình thức và nội dung của vụ kiện. Đằng sau nó là cuộc đua tranh của hai siêu cường khẳng định vị thế của mình trên Biển Đông.

Đường yêu sách đứt đoạn không phù hợp luật quốc tế

Bằng các phân tích kỹ thuật và pháp lý, tài liệu của Mỹ chỉ rõ cuộc xâm lược bằng bản đồ của Trung Quốc ở Biển Đông. So sánh bản đồ năm 1947, các bản đồ khác của Trung Quốc với bản đồ trong Công hàm của Phái đoàn thường trực của CHND Trung Hoa gửi Liên Hợp Quốc ngày 7/5/2009 cho thấy Trung Quốc đã cố tình lợi dụng sự không rõ ràng, không tọa độ của đường đứt đoạn để lấn sâu vào gần bờ biển các nước láng giềng, tạo thành vùng tranh chấp. “Đoạn 2 trên bản đồ năm 2009 đến gần bờ biển của Việt Nam thêm 45 hải lý so với dấu gạch ngang gần nhất trên bản đồ năm 1947, và 15 hải lý gần hơn so với dấu gạch ngang 1. Đoạn 4 là gần hơn (khoảng 8 hải lý) đến bờ biển Malaysia và đoạn 8 tương tự như vậy gần hơn (khoảng 19 hải lý) đến các phần phía bắc đảo Luzon của Philippines”. Đây là l‎ý do để CNOOC biện hộ rằng 9 lô mà họ gọi thầu gần bờ biển Việt Nam ngày 23/6/2012 là nằm trong phạm vi đường lưỡi bò thuộc yêu sách biển của Trung Quốc.

Tài liệu của Mỹ đã trình bày các bằng chứng mâu thuẫn nhau về tính chất và phạm vi yêu sách của Trung Quốc. Các bằng chứng cho thấy ít nhất ba cách diễn giải khác nhau mà Trung Quốc có thể có ý định. Đường đứt đoạn là

  1. Đường trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo, và các vùng biển mà các đảo này có thể tạo ra theo Công ước Luật Biển;
  2. Đường biên giới quốc gia; hoặc
  3. Đường giới hạn của cái gọi là yêu sách vùng biển lịch sử.

Với cách hiểu thứ nhất, phân tích cho rằng chủ quyền trên các đảo trong Biển Đông đang bị tranh chấp vì vậy các vùng biển mà các đảo này có thể có được theo Công ước Luật Biển cũng đang bị tranh chấp. Thậm chí giả sử Trung Quốc có chủ quyền trên các đảo thì bất kỳ vùng biển nào được tạo ra từ các đảo này phù hợp với Điều 121 của Công ước cũng là đối tượng đàm phán phân định biển với các nước láng giềng. Yêu sách của Trung Quốc luôn bị các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia phản đối, Brunei và Đài Loan thách thức. Trung Quốc cũng chưa bao giờ phân loại rõ cái gì là đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm theo yêu cầu của Điều 121 của Công ước. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia đều có quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng từ lục địa đất liền chồng lấn lên vùng biển của các đảo.

Với cách hiểu thứ hai, một đường biên giới quốc gia đơn phương không có cơ sở pháp lý trong luật biển. Theo luật pháp quốc tế, ranh giới biển được tạo ra bởi thỏa thuận giữa các nước láng giềng. Một quốc gia không được đơn phương thiết lập một ranh giới biển với nước khác. Hơn nữa, một ranh giới như vậy sẽ không phù hợp với thực tiễn quốc gia và các phán quyết quốc tế, không bao giờ cho các đảo rất nhỏ và tách biệt như các đảo trong Biển Đông nhiều sức nặng hơn trong việc xác định vị trí của một đường biên giới biển so với bờ biển đối diện dài và liên tục. Ngoài ra, các đoạn 2, 3, và 8 xuất hiện trên bản đồ của Trung Quốc năm 2009 không chỉ là quá gần với bờ biển lục địa của các quốc gia khác, mà tất cả hoặc một phần chúng còn vượt quá 200 hải lý tính từ bất kỳ địa vật (land feature) nào mà Trung Quốc yêu sách.

Với cách hiểu thứ ba, nếu đường đứt đoạn trên bản đồ Trung Quốc được dự định để chỉ khu vực mà Trung Quốc yêu sách theo cái gọi là “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử” là các vùng nước đặc quyền chỉ dành cho Trung Quốc, thì một yêu sách như vậy không thuộc tiêu chí rất hẹp của yêu sách lịch sử được công nhận tại các Điều 10 và 15 của Công ước. Biển Đông là một biển nửa kín lớn trong đó rất nhiều quốc gia ven biển có danh nghĩa được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phù hợp với Công ước Luật Biển. Luật Biển không cho phép những danh nghĩa này bị chà đạp bởi những yêu sách biển của quốc gia khác dựa trên “lịch sử”. Trái lại, mục đích lớn và thành tựu của Công ước là để mang lại sự rõ ràng và thống nhất cho các vùng biển mà các quốc gia ven biển được hưởng. Ngoài ra, ngay cả khi kiểm tra tính pháp lý cho các vùng nước lịch sử được áp dụng, đường đứt đoạn chắc chắn sẽ thất bại.

Tài liệu này cho thấy, Trung Quốc khó có thể viện dẫn các danh nghĩa lịch sử để biện hộ cho đường đứt đoạn. Nếu xem xét danh nghĩa này từ luật quốc tế như một số học giả Trung Quốc nêu ra, thì tập quán quốc tế áp dụng cũng không bảo vệ yêu sách biển rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, trong Tuyên bố Lãnh hải 1958 của Trung Quốc khi yêu sách các vùng nước lịch sử, Chính phủ Trung Quốc cũng chỉ khiêm tốn nhắc đến Vịnh Bột Hải mà không có tên Biển Đông và coi bên ngoài lãnh hải 12 hải l‎ý là biển cả chứ không có vùng biển nào mang danh nghĩa lịch sử.

Tài liệu kết luận đường đứt đoạn hoàn toàn không phù hợp với luật biển quốc tế.

Trung Quốc bác bỏ thẩm quyền của Tòa trọng tài

Ngày 22/1/2013, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Philippines đã gửi công hàm cho Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Philippines, thông báo khởi kiện thủ tục trọng tài bắt buộc theo Điều 287 và Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển đối với các tranh chấp về quyền tài phán biển ở Biển Đông với Trung Quốc. Ngày 19/2/2013, Chính phủ Trung Quốc từ chối và gửi lại Philippines công hàm kèm theo Thông báo và Tuyên bố khởi kiện. Tuân theo thủ tục và nỗ lực để thuận tiện cho các bên, Tòa trọng tài thường trực La Haye đã để ngỏ khả năng Trung Quốc quyết định tham gia vụ kiện đến hạn ngày 15/12/2014.

Tài liệu lập trường của Chính phủ Trung Quốc về vụ kiện này được gửi đến Philippines và Tòa ngày 7/12/2014 nêu 4 lý do:

  1. Bản chất đối tượng của vụ kiện trọng tài này là chủ quyền lãnh thổ trên một số địa vật biển trong Biển Đông, nằm ngoài phạm vi của Công ước và không liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước;
  2. Trung Quốc và Philippines đã đồng ý, thông qua các công cụ song phương và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp liên quan của mình thông qua đàm phán. Bằng việc đơn phương khởi xướng trọng tài hiện tại, Philippines đã vi phạm các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế;
  3. Thậm chí giả định, với nghĩa tranh cãi, đối tượng của trọng tài có liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước, thì đối tượng này sẽ là một phần không thể thiếu trong phân định biển giữa hai nước, do đó thuộc phạm vi điều chỉnh tuyên bố của Trung Quốc năm 2006 theo quy định của Công ước, loại bỏ các tranh chấp liên quan phân định biển khỏi trọng tài bắt buộc và các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc khác;
  4. Do đó, Tòa Trọng tài rõ ràng không có thẩm quyền đối với vụ kiện trọng tài hiện tại. Dựa trên lập trường nói trên và căn cứ vào quyền tự do của mỗi quốc gia được lựa chọn các phương tiện giải quyết tranh chấp, việc bác bỏ và không tham gia của Trung Quốc vào vụ kiện trọng tài hiện tại có cơ sở vững chắc trong luật pháp quốc tế.

Trong Tài liệu lập trường, điểm 4, Trung Quốc đã khẳng định lại nước này “có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo trong Biển Đông (quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các vùng biển lân cận. Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã có từ hơn 2.000 năm trước. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên của Biển Đông và là bên đầu tiên thực hiện quyền hạn chủ quyền một cách liên tục trên các quần đảo và vùng biển này. Từ năm 1930 đến năm 1940, Nhật Bản chiếm đóng bất hợp pháp một số bộ phận của các quần đảo trên Biển Đông trong chiến tranh xâm lược của chúng chống lại Trung Quốc. Vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, chính phủ Trung Quốc đã giành lại quyền thực hiện chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông”.

Bằng tuyên bố này, Trung Quốc đã chối bỏ lịch sử, lờ đi các hoạt động của ngư dân Việt Nam, Philippines, Malaysia trong lịch sử, các hoạt động chiếm hữu và quản lý Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục và thực sự của nhà nước phong kiến Việt Nam theo đúng các yêu cầu của luật quốc tế, hoạt động đưa quân đóng giữ Trường Sa và đăng trên Công báo năm 1933 của Pháp nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Nhật Bản… Tài liệu lập trường của Trung Quốc cũng cố tình coi đây là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Philippines, bỏ qua đòi hỏi chủ quyền của các bên khác, dù trong điểm 92 có nêu vấn đề Biển Đông liên quan đến nhiều quốc gia.

Trong điểm 11, lần đầu tiên Trung Quốc cổ súy mạnh mẽ cho nguyên tắc “Đất thống trị biển” trong tranh chấp ở Biển Đông “Đó là một nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế theo đó chủ quyền trên lãnh thổ đất là cơ sở cho việc xác định các vùng biển.” Đây là thái độ khác với sự bực bội và phản ứng của Trung Quốc khi nguyên tắc này được nêu ra trong Công hàm của Phái đoàn thường trực Philippines tại Liên Hợp quốc ngày 5/4/2011 bác bỏ yêu sách đường đứt đoạn, trong phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton tại ARF Hà Nội năm 2010.

Xuất phát từ nguyên tắc “Đất thống trị biển”, Tuyên bố khởi kiện của Philippines đã cáo buộc đường yêu sách đứt đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là vô giá trị theo luật quốc tế. Đường lưỡi bò được vẽ ra hoàn toàn không dựa trên bất kỳ một địa vật biển nào, hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc “Đất thống trị biển”. Trung Quốc đã cố tình lờ đi điểm yếu này mà sử dụng nguyên tắc “Đất thống trị biển” với tiền đề tất cả các địa vật biển lớn nhỏ trong Biển Đông đều có đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, liên quan đến phân định biển và vì vậy Tòa trọng tài sẽ không có thẩm quyền.

Tính bất nhất cho thấy Trung Quốc chỉ sử dụng các luận cứ của luật quốc tế khi có lợi cho mình, bỏ qua quyền lợi của các nước khác. Vấn đề ở đây là đường lưỡi bò đã yêu sách một vùng biển rộng lớn hơn rất nhiều so với vùng biển giả thiết mà tất cả các đảo, đá, bãi trong Biển Đông có một vùng biển 200 hải lý không tính đến sở hữu thuộc quốc gia nào cộng lại. Trung Quốc lảng tránh đòi hỏi của Philippines với Tòa xem xét tính pháp lý của đường đứt đoạn. Bắc Kinh sử dụng nguyên tắc “đất thống trị biển” để lái yêu cầu của Philippines đối với Tòa từ xem xét các quyền trên biển của quốc gia ven biển sang vấn đề chủ quyền.

Theo tài liệu lập trường của Trung Quốc điểm 13: “Trong vụ kiện này, nếu không đầu tiên xác định chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với các địa vật biển trong Biển Đông, Tòa án Trọng tài sẽ không có được vị thế để xác định phạm vi Trung Quốc có thể yêu sách các quyền trên biển ở Biển Đông biển theo quy định của Công ước, cũng như không thể nhận định các yêu sách của Trung Quốc vượt quá phạm vi cho phép theo Công ước hay không. Nhưng đó lại là vấn đề chủ quyền lãnh thổ không thuộc phạm vi hoạt động của Công ước”.

Rõ ràng khi nhấn mạnh đến vai trò của các địa vật biển nhỏ li ti ở Biển Đông, Trung Quốc lại chối bỏ quyền chính đáng của các quốc gia ven biển có bờ biển dài, liên tục có quyền được hưởng các vùng biển theo quy định của Công ước. Điều này đã bị Tài liệu của Mỹ bóc mẽ “thực tiễn quốc tế và các phán quyết của Tòa không bao giờ cho các đảo rất nhỏ và tách biệt như các đảo trong Biển Đông nhiều sức nặng hơn trong việc xác định vị trí của một đường biên giới biển so với bờ biển đối diện dài và liên tục”.

Trong điểm 22, lần đầu tiên Trung Quốc kết hợp chính sách Một Trung Quốc với thực tiễn đảo Ba Bình nằm dưới sự kiểm soát của Đài Loan để biện minh đường đứt đoạn trong Biển Đông. Nên nhớ vùng biển nếu có của đảo Ba Bình theo Điều 121 của Công ước cũng sẽ nhỏ hơn nhiều so với đường đứt đoạn mà Trung Quốc nêu ra và không thể chỉ xem xét Ba Bình mà không xem xét vùng biển chồng lấn của các địa vật biển khác. Lập luận này cũng làm cho ước mơ của Đài Loan muốn trở thành một bên ký Tuyên bố về cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông ngày càng xa vời.

Trong điểm 18, Tài liệu lập trường của Trung Quốc cho rằng Philippin đã sai khi chỉ chọn một số địa vật biển yêu cầu Tòa trọng tài xem xét, phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc trên toàn quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) chứ không chỉ trên một vài địa vật riêng biệt đó. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ khó mà từ bỏ giấc mơ độc chiếm Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam), Biển Đông. Gác tranh chấp cùng khai thác sẽ chỉ là bánh vẽ và yêu cầu giữ nguyên trạng (status quo) khó làm Bắc Kinh động lòng.

Điểm 25 của Tài liệu cho rằng vấn đề các bãi cạn lúc nổi lúc chìm có được chiếm hữu không là câu hỏi về chủ quyền lãnh thổ không phải là vấn đề giải thích và áp dụng Công ước. Trung Quốc cho rằng (điểm 27) tiền đề để Philippines cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm các quyền tài phán biển của Manila cũng như đe dọa tự do hàng hải là phạm vi các vùng biển của Philippines phải được xác định và không tranh chấp. Cho đến nay Trung Quốc và Philippines chưa tiến hành phân định biển nên cáo buộc trên không đứng vững.

Các vấn đề trên chắc chắn sẽ phải tranh luận trước Tòa rất nhiều. Song một nguyên tắc công bằng, trong khi tranh chấp, không bên nào có thể đơn phương tiến hành các hoạt động làm thay đổi nguyên trạng có lợi cho mình và bất lợi cho đối thủ. Việc Trung Quốc tiến hành tôn tạo các bãi lúc nổi lúc chìm đang chiếm đóng thành các đảo nhân tạo và đòi hỏi cho chúng các vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn chẳng nhẽ nằm ngoài phạm vi giải thích và áp dụng Công ước.

Tài liệu lập trường cũng cáo buộc Philippines đã vi phạm cam kết của mình cùng Trung Quốc hiệp thương hữu nghị và đàm phán giải quyết tranh chấp trong hàng loạt thỏa thuận song phương cũng như trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Vì vậy theo Trung Quốc, Tòa sẽ không thể có thẩm quyền khi hai quốc gia đàm phán giải quyết tranh chấp và không viện dẫn tới trọng tài hay bất kỳ phương thức giải quyết nào khác có sự can dự của bên thứ ba. Song trong luật quốc tế, nguyên tắc thiện chí quy định đàm phán phải thiện chí đi đến kết quả cuối cùng. Khó có thể chấp nhận việc nói đàm phán nhưng trên biển lại sử dụng vũ lực tấn công tàu cá, ngang nhiên đấu thầu trong các vùng nước không tranh chấp, tôn tạo mở rộng trái phép các bãi cạn. Luật quốc tế cũng không cấm trong khi đàm phán các bên vẫn có thể thỏa thuận sử dụng các biện pháp giải quyết hòa bình khác.

Dù từ chối không tham dự vụ kiện, Tài liệu lập trường của Trung Quốc vẫn có thể coi là bản phản biện cho Bản cáo buộc của Philippines trước Tòa. Có thể Tòa sẽ cho Philippines một khoảng thời gian nhất định để hoàn thiện bản phản biện của phản biện trước khi bắt đầu quá trình nghị án. Tài liệu lập trường cũng được coi là một bản tranh biện trước Tòa mà không phải chịu trách nhiệm ràng buộc thực hiện nghĩa vụ với Tòa nếu xuất hiện trước Tòa như một bên tranh chấp. Dù không xuất hiện, Tòa vẫn sẽ căn cứ vào Tài liệu lập trường này để xem xét quan điểm của Trung Quốc, bảo vệ tính khách quan công bằng giữa hai bên nguyên và bị trước Tòa.

Trong Tài liệu lập trường của mình, Trung Quốc một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình trên các quần đảo ở Biển Đông. Các nước liên quan như Việt Nam, Malaysia ít nhất cũng nên có một tài liệu lập trường riêng gửi Tòa trọng tài để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông. Trung Quốc hy vọng có thể sớm kết thúc vụ kiện khi Tòa xem xét thẩm quyền của mình mà không đề cập đến nội dung vụ kiện. Philippines và Mỹ có thể mong muốn Tòa sẽ nghiên cứu kỹ nội dung vụ kiện để có một quyết định góp phần ngăn chặn sự lấn lướt, sử dụng sức mạnh đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Các Bên đều đã cung cấp những nguyên liệu ban đầu cho Tòa. Vấn đề là Tòa sẽ chế biến thế nào để có một phán quyết khách quan, trung thực, đóng góp vào sự phát triển của luật biển quốc tế và góp phần ổn định khu vực.

Căn cứ vào các hoạt động và Tài liệu lập trường của Trung Quốc, thời gian tới Bắc Kinh vẫn tiếp tục có những bước đi mạnh bạo, kiên quyết, tìm mọi cách khẳng định sự hiện diện vượt trội của mình trên Biển Đông. Các nước có quyền lợi trong khu vực cũng không thể làm ngơ. Chính sách xoay trục sang Châu Á của Mỹ hay trật tự Châu Á mới do Trung Quốc khởi xướng sẽ thắng thế? Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích biển chính đáng của các nước ven biển có được gìn giữ hay bị đe dọa? Các đợt sóng ngầm báo hiệu những cơn bão mới đang tích tụ ở Biển Đông.

Bài viết được đăng lần đầu trên Nghiên cứu Biển Đông. Tựa đề do Nghiencuuquocte.net đặt lại.