Mỹ có nên tuần tra quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc?

Print Friendly, PDF & Email

678e9ac35b4160eec2b2c85e0b120019

Nguồn: Andrew Chubb, “Should the US patrol around China’s artificial islands?”, East Asia Forum, 21/09/2015.

Biên dịch: Trần Anh Phúc | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Kế hoạch mang tính khiêu khích của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về việc khẳng định quyền tự do hàng hải bằng cách tuần tra gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông dường như đã bị đình trệ. Nhưng nếu Mỹ từ bỏ chính sách này, nó sẽ bỏ qua một cơ hội quan trọng giúp ổn định các vùng biển tranh chấp ở châu Á.

Trong tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter được đưa tin là đã yêu cầu quân đội Mỹ phát triển các kế hoạch gửi máy bay và tàu vào trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc – phạm vi bán kính vùng lãnh hải và không phận theo luật quốc tế đối với các cấu trúc lãnh thổ hợp pháp.

Hiệu ứng được dự kiến là nhằm chứng minh rằng việc cải tạo đất không tạo ra các khu vực lãnh hải có chủ quyền mới, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh không nên có bất kỳ nỗ lực nào trong tương lai nhằm thiết lập sự kiểm soát quân sự độc quyền ở những khu vực mới này. Trong tháng này, các quan chức quốc phòng Mỹ nhắc lại mong muốn triển khai kế hoạch trên. Nhưng cho đến nay, chưa có cuộc tuần tra nào như thế được tiến hành.

Một số nhà phân tích đã bày tỏ mối quan ngại rằng các hoạt động (của Mỹ nhằm khẳng định quyền) tự do hàng hải (FoN) như vậy sẽ thúc đẩy việc quân sự hóa khu vực, hay tệ hơn, kích động sự đối đầu Trung – Mỹ. Những mối nghi ngại tương tự ở Washington có thể giải thích một phần cho việc đến nay kế hoạch trên vẫn chưa được thực hiện.

Nếu được tiến hành trên cơ sở nghiên cứu cẩn thận và trao đổi thông tin rõ ràng, một chính sách như vậy có thể chứng minh rằng Hoa Kỳ sẵn sàng hành động có cân nhắc để duy trì các quy tắc quốc tế được thừa nhận trên toàn cầu. Trong quá trình đó, nó sẽ chứng minh những giới hạn đối với khả năng của Trung Quốc trong việc tạo ra các “thực tế mới trên biển”.

Việc đảm bảo các hoạt động tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa sẽ mang tính xây dựng hay gây mất ổn định phụ thuộc trước hết vào việc biến các hoạt động này trở thành các hoạt động hợp pháp một cách cẩn trọng.

Điều mấu chốt đầu tiên sẽ là việc đảm bảo chắc chắn rằng các tàu và máy bay của Mỹ chỉ đi vào phạm vi 12 hải lý của những đảo nhân tạo được xây dựng trên các cấu trúc vốn chìm dưới nước khi thủy triều cao. Một ví dụ là Bãi Vành khăn (Mischief reef), nơi Trung Quốc đã tạo ra vùng đất mới rộng hơn 5 km2. Bất kể bao nhiêu cát được đổ vào những “hòn đảo” kiểu này, các vùng nước xung quanh chúng vẫn không có tư cách pháp lý lãnh hải.

May mắn thay, về điểm này thì luật pháp quốc tế không hề mơ hồ. Điều 60 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tuyên bố một cách rõ ràng rằng các đảo nhân tạo “không có lãnh hải của riêng chúng”. Các cuộc tuần tra trong vòng 12 hải lý xung quanh những cấu trúc chìm như vậy sẽ có cơ sở pháp lý an toàn và không thể được coi là một sự vi phạm lãnh hải của bất kỳ nước nào.

Đồng thời, UNCLOS cũng nêu rõ ràng rằng thậm chí các “đá” nhỏ cũng có thể được hưởng quy chế vùng lãnh hải chủ quyền 12 hải lý – nếu chúng nhô lên trên mặt nước một cách tự nhiên khi thủy triều cao. Bãi Chữ Thập, nơi Trung Quốc đã xây dựng một đường băng 3.000 mét, là một cấu trúc kiểu như vậy. Các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ không nên xâm nhập vào phạm vi 12 hải lý của cấu trúc này hoặc bất kỳ một cấu trúc tranh chấp nào khác nếu không đưa ra được bằng chứng vững chắc rằng trên thực tế nó hoàn toàn chìm khi ở trạng thái tự nhiên.

Việc phân biệt cẩn thận giữa các nhóm cấu trúc có tính pháp lý khác nhau sẽ đáp ứng mong muốn của khu vực đối với việc Hoa Kỳ sẽ ủng hộ một trật tự dựa trên luật lệ trong vùng biển châu Á, trong khi không trở thành một nguồn làm gia tăng thêm căng thẳng.

Điều mấu chốt thứ hai cho việc tuần tra mang tính xây dựng của Mỹ là sự công bằng. Các tuyến tuần tra phải thể hiện rằng Mỹ không nhắm vào Trung Quốc mà chỉ nhằm duy trì nguyên tắc (hay “quy tắc”) về tiếp cận mở đối với tất cả. Việc tuần tra đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc cũng cần phải đi qua một hoặc nhiều điểm đóng quân trên các cấu trúc phi lãnh thổ của các bên yêu sách khác ở Biển Đông, qua đó khẳng định “quy tắc” một cách bình đẳng.

Việt Nam chiếm đóng một số cấu trúc mà các quan chức nước này gọi công khai là “bãi chìm”, điều đồng nghĩa với việc không được hưởng quy chế lãnh hải theo luật quốc tế. Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) – nơi đồn trú một tàu vận tải thời Thế chiến II đang hư hỏng của Philippines, cùng với bãi Kiêu Ngựa (Ardasier reef) do Malaysia chiếm đóng từ năm 1986 có lẽ cũng thuộc nhóm cấu trúc này.

Một mối quan tâm khác là việc tuần tra vào gần như thế có thể thôi thúc Trung Quốc lắp đặt thêm nhiều vũ khí trên các đảo đó. Chắc chắn, nếu Bắc Kinh cảm thấy các tiền đồn mới của mình đang bị đe dọa, thì điều này sẽ làm gia tăng động lực tăng cường vũ trang.

Nhưng các cuộc tuần tra tự do hàng hải sẽ chỉ cần đi vào phạm vi bán kính 12 hải lý xung quanh các “đảo” để phục vụ mục đích tuần tra – và không cần cũng như không nên tiếp cận các tiền đồn của bất kỳ nước nào. Việc đi vào vùng bán kính trên, nhưng hạn chế gây sức ép hơn nữa, sẽ phát tín hiệu rõ ràng về mục đích của việc tuần tra là để chứng minh sự không tồn tại các vùng lãnh hải theo luật pháp quốc tế, chứ không phải là đe dọa vị trí của bất kỳ nước nào trong khu vực.

Cuối cùng, các cuộc tuần tra của Mỹ sẽ không thể khuấy động những tình cảm yêu nước không thể kiểm soát tại Trung Quốc – điều thúc đẩy Bắc Kinh bước vào một vòng xoáy leo thang thiếu lý trí. Tàu hoặc máy bay Mỹ đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo sẽ chỉ trở thành một vấn đề lớn đối với công chúng đại lục nếu các phương tiện truyền thông nhà nước muốn như vậy. Thậm chí lúc đó, người dân Trung Quốc nói chung sẽ lý trí hơn so với mức người ta thường giả định khi nói đến những vấn đề xa bờ này. Sự đối đầu sẽ không nhất thiết là lựa chọn ưa thích đối với công chúng Trung Quốc.

Nhờ ngôn ngữ rõ ràng của UNCLOS, không quốc gia nào có thể tuyên bố rằng việc tuần tra của nước ngoài xung quanh các cấu trúc về bản chất vốn “chìm dưới nước” ở Biển Đông là vi phạm lãnh hải của họ. Điều này làm cho các hoạt động tự do hàng hải qua các khu vực này trở thành một động thái hữu ích. Thoạt nhìn, nó có thể trông giống như chính sách bên miệng hố chiến tranh, nhưng nó lại tương đối ít rủi ro vì có được sự hỗ trợ rõ ràng bởi một quy chế pháp lý quốc tế hợp pháp. Nếu được thực hiện đúng, thậm chí nó có thể cấu thành một bước nhỏ hướng tới một trật tự hàng hải thực sự dựa trên luật lệ.

Andrew Chubb là nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Đại học Tây Úc (University of Western Australia), nghiên cứu về ý kiến công chúng Trung Quốc và các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.