Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (20/01/2015)

Future USS Freedom undergoes builder's trials on Lake Michigan near Marinette, Wisconsin

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Tuần vừa qua nổi bật với các hoạt động ngoại giao quốc phòng của Việt Nam. Ngày 14 tháng 1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Prawit Wonsuwan đã sang thăm Việt Nam theo lời mới của Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh. Các vấn đề được hai bên thảo luận là các biện pháp thúc đẩy giao lưu quốc phòng như trao đổi đoàn, đào tạo cán bộ, tuần tra chung trên biển… Cũng trong ngày 14 tháng 1, Đối thoại Quốc phòng Việt Nam – Ấn Độ lần thứ 9 đã diễn ra tại Thủ đô New Delhi. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn Việt Nam đã có các cuộc gặp với Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ cũng như thảo luận với Thứ trưởng quốc phòng Ấn Độ về những vấn đề có liên quan.

Các hợp tác trước đây giữa quân đội hai nước sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt là việc Ấn Độ hợp tác đào tạo phi công Su-30 và thuỷ thủ tàu ngầm Kilo cho Việt Nam; chuẩn bị bắt tay vào tổ chức thực hiện gói tín dụng 100 triệu USD mà Ấn Độ hỗ trợ để đóng tàu cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển hay đào tạo tiếng Anh và tin học thông qua Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ trực thuộc Đại học thông tin liên lạc của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Trước đó, đầu tháng 1, Việt Nam và Anh cũng đã thành lập tổ hợp tác đặc biệt về quốc phòng nhân kỳ họp thứ 3 Nhóm công tác song phương về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Anh. Trong năm 2015 sẽ diễn ra nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo quốc phòng hai nước, hai bên cũng thống nhất thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, đẩy mạnh các chương trình đào tạo tiếng Anh; tăng cường hợp tác trao đổi thông tin thuỷ đạc, địa không gian và an ninh mạng.

Trong một sự việc đáng chú ý khác, quân đội Đài Loan đã chính thức xác nhận trước Quốc hội rằng họ đã tạm thời đình chỉ công trình mở rộng cầu cảng trên đảo Ba Bình (Itu Aba) với một lý do đặc biệt: chính quyền bị tố cáo thuê một chiếc tàu do Trung Quốc bỏ tiền ra đóng để vận chuyển vật liệu xây dựng. Cầu cảng này nếu hoàn thành sẽ có thể tiếp nhận các tàu chiến lên đến 3,000 tấn (lớn hơn các tàu chiến lớp Gepard hiện tại của Hải quân Việt Nam). Các nghị sĩ đối lập thuộc Đảng Dân Tiến cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia của Đài Loan. Tuy nhiên nghị sĩ Quốc dân Đảng cầm quyền Lin Yu-fang cho rằng việc đình chỉ là vô lý vì chiếc tàu này tuy được đóng ở Trung Quốc nhưng lại đăng ký ở Libya. Theo vị nghị sĩ này, Đài Loan cần xúc tiến xây dựng các công trình tại Ba Bình càng sớm càng tốt vì Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng tại các đảo đá mà nước này đang chiếm đóng. Dựa trên các thông tin tình báo mới nhất, ông Lin cho rằng quá trình mở rộng đá Chữ Thập của Trung Quốc đã biến bãi đá này thành thực thể địa lý lớn nhất Trường Sa (gấp ba lần Ba Bình). Giờ đây, đường băng dài 2,000 mét của bãi Chữ Thập có thể tiếp nhận cất và hạ cánh các loại máy bay chiến đấu hiện đại như Su-27, J-7 hay J-8.

Cùng hướng tới nước Mỹ trong nỗ lực tìm kiếm những chiến thuật và chiến lược phù hợp nhằm đối phó với A2/AD của Trung Quốc. Tại Hội nghị Quốc gia Hải quân mặt nước thường niên diễn ra tuần qua tại Virginia, Chuẩn Đô đốc Peter Fanta, Giám đốc chương trình tác chiến mặt nước, đã đề cập tới khái niệm “phân bổ sát thương” (distributed lethality). Ông đã mô tả ngắn gọn về chiến thuật này như sau: “chừng nào tàu chiến nổi trên mặt nước, thì nó phải có khả năng tấn công, đó chính là phân bổ sát thương (…) Mỗi một khu trục hạm, hộ tống hạm, tàu đổ bộ, LCS (tàu chiến gần bờ) đều phải trở thành một cái gai khó nhổ cho phía đối phương”. Phó Đô đốc Thomas Rowden, chỉ huy lực lượng tàu chiến mặt nước của Hoa Kỳ bổ sung thêm: “Chúng ta sẽ trạng bị sức tấn công (cho các chiến hạm) càng nhiều càng tốt để gia tăng hơn nữa tổng năng lực gây sát thương của vũ khí”. Theo một bài viết đăng trên tạp chí Proceedings Magazine, phát hành bởi Học viện Hải quân Hoa Kỳ, Rowden, Fanta và Chuẩn đô đốc Peter Gumatatao đã mô tả lý do đằng sau quá trình tái tổ chức lại hạm đội tàu mặt nước là nhằm “tạo ra một lời giải mang xu hướng tấn công đối với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của A2/AD. Sự thay đổi này giúp chúng ta kiểm soát chiến trường, tạo ra những vấn đề chiến thuật phức tạp hơn trong khi giành được những điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình triển khai quân lực”.

Cũng theo bài viết trên, Hoa Kỳ không nên cho rằng quyền kiểm soát mặt biển là khả năng hiển nhiên của hải quân nữa. Hải quân Hoa Kỳ đã mất đi quyền lực tuyệt đối này kể từ khi xuất hiện A2/AD. Mất đi quyền kiểm soát mặt biển theo ý muốn chính là mất đi điều kiện tiên quyết quan trọng nhất trong mọi chiến dịch hải quân. Và nhiệm vụ của “phân bổ sát thương” chính là giúp các tàu mặt nước sẵn sàng lâm trận trong thời gian nhanh nhất, với hoả lực mạnh nhất nhằm kiểm soát mặt biển một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tác chiến tiếp theo. Vì thế, hải quân Hoa Kỳ cần tập trung phát triển các loại vũ khí tầm xa chống tàu mặt nước, tăng cường khả năng tình báo, giám sát và kết nối hệ thống dữ liệu, phát triển các hệ thống vũ khí tấn công tầm trung chi phí thấp và các loại súng điện từ mới.

Sự kiện quốc phòng nổi bất khác trong tuần qua chính là việc Nhật Bản gia tăng chi phí quốc phòng của mình lên mức kỷ lục 42 tỷ USD cho năm tài khoá 2015, tăng 2% so với năm 2014. Sự gia tăng này chủ yếu dành cho việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng mới như tiêm kích thế hệ 5 F-35 hay máy bay do thám P-1. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết việc gia tăng ngân sách quốc phòng sẽ giúp cho khả năng phòng thủ “liền mạch và di động”, cung cấp răn đe hiệu quả và góp phần ổn định Châu Á – Thái Bình Dương. Đây được cho là một bước đi mạnh mẽ, khẳng định đường lối tái quân sự hoá quốc gia của Thủ tướng Shinzo Abe, bên cạnh các bước đi trước đây như những cố gắng thông qua quyền tự vệ tập thể, loại bỏ các giới hạn trong xuất khẩu vũ khí và viện trợ ODA liên quan tới quốc phòng. Theo các nhà phân tích, mục đích cuối cùng cho các bước đi này không gì khác ngoài tăng cường năng lực quốc phòng để đối phó với Trung Quốc.